Vũ nữ Cẩm Nhung từng xuất hiện trên các đường phố Sài Gòn với thân phận ăn mày.
Vụ án tạt a xít ca sĩ Cẩm Nhung
Kỳ 11: Kiếp má hồng và gương mặt 'quỷ'
Vào thời điểm xảy ra vụ việc tạt axit vũ nữ Cẩm Nhung, có một luật sư khá nổi tiếng tại Sài Gòn đứng ra bênh vực, quyết đòi lại sự công bằng.
Người hành khất bí ẩn
Tác giả còn nhớ một số ký giả (nhà báo - PV) trẻ, độc thân trong nghiệp đoàn ký giả tại Sài Gòn đã thẳng thắn tuyên bố rằng: “Họ sẽ đứng ra vận động bảo trợ cho Cẩm Nhung, giúp cho quãng đời còn lại của cô ấy không bơ vơ vô định. Thậm chí, có người còn dám nói rằng sẵn sàng đứng ra làm chỗ dựa cuộc đời cho Cẩm Nhung”.
Mặc dù tuyên bố như vậy, nhưng khi Cẩm Nhung âm thầm rời bệnh viện. Ít ai gặp được và nhất là nhìn thấy gương mặt bị hủy hoại của cô ấy ra sao.
Họ chỉ nghe nói rằng, toàn bộ khuôn mặt đã bị biến dạng. Hầu như không ai có thể nhận ra đó là gương mặt của một con người, chứ đừng nói chi là của một người đẹp. Nó chẳng khác nào là gương mặt quỷ với đôi mắt tuy vẫn còn nhìn được nhưng nó ti hí và kèm nhem.
Thật ra, do bức xúc và thương cảm mà các ký giả mạnh miệng tuyên bố thế thôi. Chứ vào thời ấy, hầu hết họ chỉ có tiếng chứ không có miếng. Đa số là nghèo nếu không muốn nói là kiết xác. Cho nên vô tình chung, mấy lời tuyên bố trên đã bị một số người lên tiếng phản đối.
Họ cho rằng Cẩm Nhung đã khổ lắm rồi, đã xuống tới tận cùng địa ngục rồi. Vậy hãy để cho cô ấy yên, đừng tuyên bố ầm ĩ này nọ, rồi thực hiện không được. Những lời nói đó chỉ làm đau đớn thêm cho nạn nhân mà thôi.
Lúc này, người ta kêu gọi lòng từ tâm của các tổ chức từ thiện, nhà thờ, chùa chiền đưa tay bảo bọc lấy cuộc đời còn lại của cô ấy. Tuyệt nhiên không nghe ai nhắc lại lời tuyên bố “lo trọn gói” của bà Trần Lệ Xuân (phu nhân cố vấn Ngô Đình Nhu, em dâu Tổng thống đương nhiệm Ngô Đình Diệm) trước nữa. Bởi triều đại nhà Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu lúc ấy đã lung lay dữ dội.
Cả bầu đàn thê tử gia đình nhà Ngô phải dọn ra khỏi dinh Độc Lập, chuyển sang dinh Gia Long cư ngụ. Bà Trần lệ Xuân cũng không còn thời gian, tâm trí đâu để mà nghĩ đến lời tuyên bố của mình về vụ tạt a xít vũ nữ Cẩm Nhung. Vậy là bi kịch của cô vũ nữ Cẩm Nhung có thể coi là chính thức hạ màn.
Thời đó, tác giả là người được báo Thời cuộc, một tờ báo rất chịu lao vào những vụ chấn động xã hội như vụ Cẩm Nhung, đặc phái cho đi theo kiểu khơi lại vụ án khi biết Cẩm Nhung đã trốn bệnh viện âm thầm bước ra cáixã hội nhiều biến cố lúc ấy. Cho dù đã cố gắng hết sức, mất cả năm 1963, tác giả vẫn không thể biết thêm điều gì cụ thể về cô vũ nữ này.
Cho đến đầu năm 1964, thật bất ngờ, một hôm tác giả nhìn thấy phía trước chùa Xá Lợi, có một người hành khất ngồi lặng lẽ bên một cái xô bằng nhôm méo mó. Một người biết chuyện đã mách với tác giả, người phụ nữ ấy chính là nạn nhân bị tạt a xít - cô vũ nữ tài sắc Cẩm Nhung!
Tác giả không thể nào tin được điều họ nói. Bởi người hành khất đang ngồi co ro kia mặc bộ đồ đen bạc màu. Trên đầu chụp chiếc nón lá rách và ngồi khá lâu. Đặc biệt, người hành khất này hầu như không ngẩng lên để xin xỏ hay chờ đợi sự bố thí của thiên hạ.
Tác giả nghĩ rằng mình sẽ làm cái gì đó, ít ra là tiếp cận được con người này để viết một bài dài về thân phận một nạn nhân của tấn bi kịch. Sau đó, tác giả sẽ đưa lên báo và sẽ đánh động lại dư luận một thảm án đã qua nhằm cứu vớt một cuộc đời bất hạnh.
Tuy nhiên, mọi dự tính của tác giả đã không thành. Chưa đầy một tuần sau, khi tác giả trở lại chùa Xá Lợi thì đã không còn thấy bóng dáng người hành khất bí ẩn nữa.
Tấn trò đời chưa dứt
Những biến động chính trị ở miền Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn sau năm 1963 đã kéo theo nhiều sự kiện thay đổi. Trong đó có việc sau khi triều đại nhà Ngô bị lật đổ.
Đặc biệt, hung thủ liên quan đến vụ án tạt a xít Cẩm Nhung là mụ Chín Đen cũng được phóng thích ra khỏi nhà giam. Theo luật pháp thời ấy, đáng ra với mức án 10 năm, mụ ta phải ở tù cho đến năm 1971 mới mãn án.
Về phía vợ trung tá Thức cũng vậy, nghe nói mụ ta chỉ ở tù đúng hai năm. Sau đó, mụ ta được thả tự do và ung dung trở lại cuộc sống bình thường. Lúc đó, có tin đồn mụ ta đi tu để sám hối tội lỗi. Thế nhưng, thật ra mụ ta chỉ tung tin để xoa dịu dư luận. Chứ mụ ta có đi tu ngày nào đâu.
Triều đại nhà Ngô sụp đổ khiến bà Trần Lệ Xuân quên đi lời hứa của mình với Cẩm Nhung.
Tấn thảm kịch của vũ nữ Cẩm Nhung tưởng như tới đây là khép lại, sẽ đi vào quên lãng. Nhưng thật bất ngờ, vào đầu năm 1964, ở Sài Gòn xuất hiện một thẩm mỹ viện. Vừa ra đời đã nổi đình nổi đám. Bởi đó là thẩm mỹ viện lớn nhất nhì Sài Gòn thời ấy.
Bất ngờ hơn, chủ nhân của nó chính là phu nhân của trung tá Trần Ngọc Thức, kẻ chủ mưu tạt a xít vũ nữ Cẩm Nhung.
Ngày ấy, một ký giả lớn tuổi làm cùng với tác giả trong tòa soạn nhật báoThời cuộc vừa lắc đầu vừa mỉa mai nói: “Đời nó khốn nạn vậy đó! Thủ phạm hủy hoại nhan sắc của người khác, biến người khác thành ác quỷ, lê lết kiếp ăn mày, lại là người trở thành chủ nhân của một viện sửa sắc đẹp bậc nhất xứ này. Còn đau đớn, mỉa mai nào lớn hơn không…”.
Ngày đó, tác giả có viết một bài báo nêu lên quan điểm: “Tại sao không bắt con người gây nên tội ác kia phải đưa vũ nữ Cẩm Nhung vào chính cái viện sửa sắc đẹp của mụ ta, để buộc mụ ta phải phục hồi nhan sắc cho cô vũ nữ?”. Nhiều người đồng tình với tác giả chuyện ấy. Nhưng đồng tình là một việc, bức xúc là một việc, còn thực tế thì làm sao tác giả có thể làm được theo ý mình.
Đời nào người gây ra tấn bi kịch và tấn trò đời mỉa mai ấy chịu nhận trách nhiệm lần nữa. Trong khi đó, cô vũ nữ Cẩm Nhung cũng bắt đầu xuất hiện trên các đường phố Sài Gòn với thân phận ăn mày. Thậm chí, vào cuối những năm của thập niên 60, tác giả và mọi người còn nhìn thấy Cẩm Nhung ngồi lặng lẽ xin ăn trên các bến phà về miền Tây.
Giây phút ấy, máu nghĩa hiệp, máu giang hồ của tác giả trỗi lên và muốn chạy đi tìm ngay Mạnh Cầu Muối (nhân vật đã xuất hiện trong các kỳ báo trước – PV) để nhờ anh ta cõng con người hành khất kia chạy bay về giao cho mụ vợ trung tá Thức đang ở trong “cung điện” thẩm mỹ của mình và bắt buộc bà ta phải đền bù tương xứng.
Tuy nhiên, cuối cùng tác giả cũng đành bất lực nuốt nước mắt vào trong. Khi nhìn thấy tấm ảnh phóng to lộng khung kính hẳn hoi, chân dung của Cẩm Nhung và viên trung tá đào hoa Trần Ngọc Thức mà người hành khất đang đeo trên ngực, tác giả muốn lao ngay tới, giật phăng bức ảnh ném xuống sông mới hả!
Tiếng hát xót xa gửi cuộc đời
Ngày đó, tác giả đã bật khóc khi đứng trên phà Mỹ Thuận nhìn xuống mỏ bàn phà. Nơi đó có người phụ nữ ăn xin với khuôn mặt bị tàn phá chẳng còn ra hình hài, ngồi dưới cơn mưa lất phất. Bất chợt, người ấy cất lên tiếng hát mà cho dẫu ai có lòng gan dạ sắt cũng phải bật khóc. Trong khi đó, ở một nơi cách hơn trăm cây số, tại một thẩm mỹ viện, chính thủ phạm gây ra thảm cảnh đang ung dung tự tại mỗi ngày mở hầu bao thu tiền.
Vụ án tạt a xít ca sĩ Cẩm Nhung
Kỳ 12: 'Ân đền oán trả'
Nhà văn H.T.Đ
Những bài viết liên quan_Mời các bạn xem thêm
Kỳ 1: Những bí mật lần đầu công bố
Kỳ 2: Tuyệt kỹ Hạ uy cầm định mệnh
Kỳ 3: 'Bóng ma' nơi vũ trường
Kỳ 4: Cuộc chiến tìm... 'nữ chúa'
Kỳ 5: Chân dung vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt axit đăng tải trên báo chí Sài Gòn xưa.
Kỳ 6: : 'Hoạn thư'... đãi tiệc
Kỳ 7: Nước mắt giang hồ tiết lộ bí ẩn
Kỳ 8: 1 lượng vàng cho 30 giây tội ác
Kỳ 9: 'Đóa hồng'... bạc mệnh
Kỳ 10: Vì sao Trần Lệ Xuân không giữ lời hứa?
Kỳ 11: Kiếp má hồng và gương mặt 'quỷ'
Kỳ 12: 'Ân đền oán trả'
Kỳ 13 (cuối): Những sự thật chưa từng tiết lộ
Thêm vài dòng về Vũ nữ Cẩm Nhung
Vũ nữ bị tạt axít nổi tiếng nhất Sài Gòn đã qua đời
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn