Nhà giáo ưu tú Triệu Thị Chơi
Buổi gặp mặt “xưa nay hiếm”
06/05/2013 03:54 (GMT + 7)
Buổi ra mắt sách ảnh Tâm và tài - họ là ai? (tập 1, NXB Trẻ) của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á sáng 5-5 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ, TP.HCM đã thu hút hơn 100 tên tuổi sáng giá trong mọi lĩnh vực tham gia. Một buổi gặp mặt "xưa nay hiếm" như lời nhận xét của bà Tôn Nữ Thị Ninh.
Nhà giáo ưu tú Triệu Thị Chơi (đeo kính, ngồi, bên phải)
Có nhiều giọt nước mắt đã rơi trong buổi gặp mặt này: những giọt nước mắt nóng hổi, không kềm được của người cha - người đàn ông đã 86 tuổi nuôi 11 người con trưởng thành, trong đó có tác giả Nguyễn Á; giọt nước mắt của nguyên phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa khi nhìn nhận "chưa gặp một người trẻ nào nhiều đam mê như Nguyễn Á"; những giọt nước mắt hạnh phúc khi thở phào: cuối cùng Á đã làm được!
Chính bà Trương Mỹ Hoa là người đã động viên Nguyễn Á đầu tư thêm thời gian, công sức để tập hợp những bức ảnh đẹp đã giới thiệu tại triển lãm Tâm và tài - họ là ai? năm 2012 thành tập sách ảnh công phu, dày dặn như hôm nay với 365 câu chuyện của hơn 400 gương mặt xuất sắc, nổi trội.
Bốn năm trời, lê la theo từng nhân vật, những hoài nghi, lạ quen dần dần được thay thế bằng lòng tin và sự sẻ chia chân thành, như câu chuyện sau những tấm ảnh của nghệ sĩ Mạc Can. Ông bảo: "Trước giờ có biết Nguyễn Á là ai! Tự nhiên gọi điện nói muốn chụp hình mình thì cũng tới studio của ổng chụp cho vui. Tưởng một lần là xong, ai ngờ ổng bảo mốt đi đâu gọi ổng đi cùng. Vậy là mình đi đóng phim ổng cũng đi theo, mình đi hội sách ổng cũng tò tò chạy tới. Hỏi chụp gì mà cực quá, không biết có xài được không? Ổng kêu vậy mới đời thường. Chịu lăn lộn quá!".
Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc không bao giờ có lại lần hai trong đời, bởi thế quý nhân vật trong sách thì cũng thầm nể phục sự lao động bền bỉ của người chụp. Những nhân vật là chuyên gia trong các lĩnh vực từ nấu ăn đến học thuật, nghệ thuật... kể nhau nghe những câu chuyện "hậu trường" sau mỗi tấm ảnh: biên tập viên Thu Uyên của VTV bị Nguyễn Á "bám đuôi" lên tận vùng núi trong một chuyến từ thiện để chụp ảnh, bà Trương Mỹ Hoa vẫn nhớ rất rõ những tấm ảnh đầu tiên được chụp vội vàng ở Côn Ðảo và bà đã từ chối không tham gia nhưng rồi cuối cùng đã bị thuyết phục ra sao...
Có những người dù là nhân vật trong tập sách nhưng thậm chí không biết Nguyễn Á đã chụp mình từ bao giờ, từ khi nào như câu chuyện của gia đình nghệ sĩ múa Ðặng Hùng - Vương Linh - Linh Nga. "Chúng tôi vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 1986, đến giờ cũng đã 27 năm rồi, và trong khoảng thời gian ấy, không biết Nguyễn Á đã chụp chúng tôi từ lúc nào. Nghề múa không phải là một nghề thời thượng, được nhiều người chú ý, thế mà Á vẫn kiên trì, theo đuổi chụp, không hài lòng, lại chụp... Tôi không thể tưởng tượng Á đã làm được tập sách này, không chỉ với các nhân vật trong một, mà ở hầu hết các lĩnh vực..." - NSƯT Vương Linh xúc động nói.
Có những nhân vật ngày hôm nay chộn rộn hòa vào dòng người để chúc mừng người nghệ sĩ nhiếp ảnh cần mẫn, cũng có những người chỉ chờ xem lại những bức ảnh của GS Trần Văn Giàu, NSƯT Hồ Kiểng để bùi ngùi tiếc nhớ...
Dù bận rộn, chỉ tranh thủ được chút ít thời gian trước khi ra sân bay, bà Tôn Nữ Thị Ninh vẫn đến và nói thêm: "Tôi đi dự họp mặt cũng nhiều nhưng chưa bao giờ thấy đầy đủ những gương mặt nổi trội trong hầu hết mọi lĩnh vực như thế này. Nhiều vị ở đây không dễ tiếp cận, Á phải làm thế nào họ mới tin tưởng như thế. Tôi đến đây không phải vì mình là nhân vật có mặt trong tập sách mà vì Nguyễn Á". Một người lao động như thế nào để người khác cũng muốn lao động theo mình - ai đó đã nói trong buổi ra mắt như thế và ngẫm ra thật đúng...
Tập sách ảnh đã ra mắt, những tưởng các công việc khó nhọc làm Nguyễn Á "mất ăn mất ngủ" bốn năm qua đã khép lại, nhưng chẳng ngờ, anh lại hăm hở cho dự án tiếp theo: những bức ảnh về Trường Sa. Không nói nhiều hơn, cũng chẳng khoe khoang sẽ làm "hoành tráng" thế nào, Nguyễn Á chỉ nói đó chắc chắn là một cuộc hành trình rất thú vị.
MINH TRANG
Các nhân vật Việt Nam "Tâm và tài" hội ngộ
05/05/2013 11:50 (GMT + 7)
"Những câu chuyện trong sách làm chúng ta thêm tin yêu vào cuộc sống và tự hào về những người Việt Nam vừa có tâm vừa có tài", GS.TS Trần Văn Khê phát biểu tại buổi ra mắt cuốn sách ảnh Tâm và tài - họ là ai? của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.
Nguyên phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa phát biểu: Tôi tin tưởng rằng cuốn sách là một công trình ý nghĩa không chỉ cho hôm nay mà cho cả mai sau - Ảnh: TRUNG NGHĨA
GS.TS Trần Văn Khê: Thật đáng quý khi một người trẻ như Nguyễn Á đã thầm lặng mang cái tâm, cái tài của mình để phụng sự đất nước - Ảnh: TRUNG NGHĨA
Ca sĩ Đức Tuấn và ca sĩ Cẩm Ly thích thú xem ảnh Nguyễn Á chụp họ in trong quyển sách Tâm và tài - họ là ai?. Ảnh: TRUNG NGHĨA
ếp ảnh gia Nguyễn Á (áo trắng hàng dưới cùng) và các nhân vật trong sách ảnh của anh tại buổi ra mắt ngày 5-5 ở tòa soạn báo Tuổi Trẻ - Ảnh: TRUNG NGHĨA Khoảng 100 nhân vật tiêu biểu, nổi trội trong nhiều lĩnh vực tham dự buổi ra mắt sách ngày 5-5 để chia vui với tác giả Nguyễn Á. Nhiều người bày tỏ sự khâm phục, xúc động trước những nỗ lực không mệt mỏi của tác giả để hoàn thành công trình công phu này.
Cuốn sách ảnh Tâm và tài - họ là ai? in màu, dày gần 900 trang, nặng 5kg, gồm hơn 400 bộ ảnh chụp những gương mặt xuất sắc kèm thuyết minh ngắn gọn về chuyện đời, chuyện nghề và những cống hiến của họ cho cộng đồng. Đây là thành quả của hơn 4 năm Nguyễn Á miệt mài đồng hành cùng các nhân vật "ở mọi lúc, mọi nơi" để ống kính của anh có thể bắt được những khoảnh khắc quý.
Trước khi cuốn sách ảnh ra đời, triển lãm ảnh Tâm và tài - họ là ai? đã đến với khán giả TP.HCM và Hà Nội vào giữa năm 2012 và thu hút sự chú ý của cộng đồng.
Nhân dịp này, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á chia sẻ tin vui: cuốn sách ảnh Họ đã sống như thế- ra mắt bạn đọc năm 2009 và để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng tốt đẹp - được tái bản lần thứ nhất.
Có mặt tại buổi ra mắt, nguyên phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cho biết bà rất vui khi trang bìa của cuốn sách ảnh có ghi dòng chữ "tập 1". Bà nói: "Điều đó có nghĩa là Nguyễn Á sẽ không dừng lại trong việc dùng ống kính để ghi lại những câu chuyện về những người Việt Nam có tâm có tài bằng tất cả nhiệt huyết, cái tâm với nghề nghiệp nhiếp ảnh, bằng chiều sâu và tình cảm của mình. Tôi tin tưởng rằng cuốn sách là một công trình ý nghĩa không chỉ cho hôm nay mà cho cả mai sau".
Sự cống hiến thầm lặng của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á khi thực hiện cuốn sách ảnh cũng được GS.TS Trần Văn Khê đánh giá cao. Tuổi cao, sức yếu, GS.TS Trần Văn Khê đến tham dự buổi ra mắt sách và dành lời khen ngợi: "Thật đáng quý khi một người trẻ như Nguyễn Á đã thầm lặng mang cái tâm, cái tài của mình để phụng sự đất nước. Những câu chuyện về các nhân vật trong cuốn sách làm chúng ta thêm tin yêu vào cuộc sống và tự hào về những người Việt Nam vừa có tâm vừa có tài".
Bà Tôn Nữ Thị Ninh - viện trưởng Viện Liên kết và trao đổi quốc tế Trí Việt - gọi Nguyễn Á là "nhà báo phóng sự cuộc đời" khi đã dùng ống kính ghi lại cuộc đời, sự nghiệp của những nhân vật có nhiều đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Bà cũng kêu gọi cộng đồng chung tay ủng hộ con đường nhiếp ảnh mà Nguyễn Á đã chọn.
Ông Nguyễn Văn Ra - người cha 86 tuổi của Nguyễn Á - xúc động rơi nước mắt khi nhận bó hoa từ con trai thay cho lời tri ân. Ông Nguyễn Văn Ra nói: "Làm cha mẹ, không còn gì xúc động hơn khi chứng kiến thành tựu của con cái. Tôi vừa mới xem cuốn sách ngày hôm qua và thật sự biết ơn những người đã ủng hộ, đồng hành cùng con trai tôi trong quá trình làm nên cuốn sách này".
Nhà báo Thu Uyên (VTV) - người dẫn chương trình buổi ra mắt cuốn sách ảnh Tâm và tài - họ là ai? - chia sẻ: "Suốt nửa năm, anh Nguyễn Á miệt mài đến trường quay nơi tôi làm việc và miệt mài chụp ảnh. Chưa hết, anh còn cùng tôi và các đồng nghiệp trèo đèo, lội suối trong các chuyến công tác làm chương trình truyền hình. Tôi thật sự quá kinh ngạc với những công phu ấy của anh khi chụp ảnh nhân vật. Quả thật, công phu của anh để thực hiện bộ ảnh cho hơn 400 nhân vật là không thể tính được. Tôi nghĩ chính sự nhiệt tình, chân thành của anh đã thuyết phục nhiều nhân vật nổi tiếng tham gia dự án ảnh lớn này". TRUNG UYÊN
300 lời tôn vinh bằng hình ảnh
02/05/2012 14:06 (GMT + 7)
Sáng 2-5, trong buổi khai mạc triển lãm ảnh Tâm và tài - Họ là ai? của Nguyễn Á tại TP.HCM có nhiều người nổi tiếng. Nhiều người trong số 300 nhân vật hiện diện trên những bộ ảnh đã đến xem ảnh chụp mình.
Cả khách lẫn nhân vật đều thích thú xem ảnh - Ảnh: Tự Trung 300 bộ ảnh nhân vật là quá nhiều đối với khuôn khổ một triển lãm ảnh cá nhân, quá nhiều đối với không gian của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM vốn đã chật chội, thế nhưng lại quá ít so với mục tiêu mà Nguyễn Á hướng tới: tôn vinh những gương mặt tài năng, tâm huyết đã đóng góp cho xã hội, cho con người Việt Nam. Biết bao nhiêu lĩnh vực, bao nhiêu gương mặt, nên dự định ban đầu là 100 mà danh sách cứ nối dài ra mãi đến khi bản thân tác giả thấy… hụt hơi thì dừng lại. Trong các bộ ảnh có nhiều mái tóc bạc trắng: GS Hoàng Tụy, GS Trần Văn Khê, BS Dương Quang Trung, nhà văn Nguyên Ngọc, nhạc sĩ Phạm Duy; cũng có cả nụ cười trong sáng tuổi 12 của Hồ Thị Hiếu Hiền. Có gương mặt lẫy lừng trong khoa học như GS Ngô Bảo Châu, cũng có cả gương mặt biến hóa của nghệ sĩ Thành Lộc. Lại có cả hình ảnh những người đã khuất như nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, nhà sử học Trần Văn Giàu, nghệ sĩ Y Moan… Không chỉ được ghi lại bằng hình ảnh, tâm sức của mỗi nhân vật còn được cẩn trọng ghi nhận bằng những đoạn viết ngắn mà công phu, tỉ mỉ. Chân dung những người vốn đã quá nổi tiếng, đã xuất hiện hàng trăm, hàng ngàn lần trên các phương tiện truyền thông lại được vẽ lại một lần nữa, mà chính họ cũng phải dừng bước lại để ngắm nhìn. Có thể là Nguyễn Á đã quá tham lam, nhưng ấy là cái tham lam của lòng ngưỡng mộ và tâm huyết. Tiếp sau Thanh niên tình nguyện, Họ đã sống như thế, bộ ảnh Tâm và Tài - Họ là ai? này lại là một bước tiến mới của Nguyễn Á trên lối đi riêng mình đã chọn. Bước đi ấy mất đến hơn ba năm xuôi ngược Nam – Trung - Bắc theo chân các nhân vật, đến hôm nay, Nguyễn Á chỉ nói: “Vui” mà thôi. Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu đến bạn đọc một số bộ ảnh được chụp lại.
P.VŨ - Ảnh: TỰ TRUNG
Ra mắt sách ảnh Tâm và tài - họ là ai?
04/05/2013 08:39 (GMT + 7)
Công phu với hơn bốn năm ròng thực hiện, bộ sách ảnh Tâm và tài - họ là ai? (NXB Trẻ) của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á sẽ có buổi ra mắt vào 9g30 ngày 5-5 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).
Dày 864 trang, nặng đúng 5kg, bộ sách ảnh là tập hợp của hơn 400 gương mặt xuất sắc, nổi trội trong nhiều lĩnh vực, đi cùng với những bức ảnh đẹp là 365 câu chuyện thú vị được chính các nhân vật chia sẻ. Nguyễn Á tâm sự: "Sau đợt triển lãm Tâm và tài - họ là ai? được giới thiệu tại TP.HCM và Hà Nội dịp năm ngoái, tôi bỏ ra nhiều thời gian để tiếp xúc với hơn 100 nhân vật mới. Họ xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau như nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, gia đình nghệ sĩ múa Vương Linh - Ðặng Hùng - Linh Nga, các chuyên gia kinh tế, bác sĩ... Với các nhân vật cũ, tôi bổ sung hình ảnh mới nhất của họ để tập sách gần gũi và có giá trị hơn".
Dịp này, Nguyễn Á cũng tái bản tác phẩm Họ đã sống như thế - tập sách ảnh đã tạo được tiếng vang vào năm 2009 của anh.
MINH TRANG
Những bức ảnh làm cuộc sống đẹp hơn
15/11/2009 14:52 (GMT + 7)
Họ đã sống như thế không đơn thuần là một cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật. Rất nhiều người xem đều có ý như cụ Nguyễn Tấn Tài (79 tuổi): “Đây là những bài học cho cuộc sống. Mỗi tấm ảnh, mỗi nhân vật là một bài giảng”.
Vì lẽ đó, Tuổi Trẻ, với sự đồng ý của tác giả Nguyễn Á, xin giới thiệu một số gương mặt trong 90 nhân vật của Họ đã sống như thế đến với mọi người...
Ngọn nến dẫn đường _Bị liệt một tay và một chân do sốt bại liệt, nhưng điều đó vẫn không cản được Trần Ngọc Điệp (Củ Chi, TP.HCM) thực hiện ước mơ trở thành cô giáo. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm TP.HCM, cô Điệp về đầu quân Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Không màng đến chuyện mình, cô luôn rớt nước mắt trước những cô cậu học trò nhỏ khiếm thị của mình, vì cho rằng 'tôi còn hạnh phúc hơn các em. Tôi mãi mãi xin làm ngọn nến dẫn đường cho các em'. Một điều thú vị hơn nữa: cô Điệp còn là thành viên đội tuyển cờ vua TP.HCM
Mỗi tuần 420km_ Cứ vào cuối tuần là thầy giáo khiếm thị Nguyễn Phước Thiện lại lụi cụi ra ga Sài Gòn đáp tàu đi Phan Thiết (đi về hết 420km). Thêm mấy chặng xe ôm nữa, ông đến với lớp học tình thương ở Mũi Né để dạy tiếng Anh miễn phí cho các trẻ nghèo, vì 'tội lắm, hầu hết trẻ vào đời sớm ở đồi Hồng đều nghèo và thất học'. Gần một năm qua, đám học trò nghèo của ông thầy đặc biệt này đã nói được tiếng Anh với du khách nước ngoài đến đồi Hồng.
Anh thợ điện Phạm Tuấn Sơn (29 tuổi, Long An) bị tai nạn lao động phải cưa bỏ cả hai tay và ba ngón chân phải. Giờ đây, anh được mọi người gọi là 'tỉ phú cá dĩa'. Anh tâm sự: 'Tật nguyền không quan trọng. Vấn đề là ý chí. Ta vững vàng bước đi trong một ý chí không lung lạc thì sẽ thành công'
HỌC CHO MỌI NGƯỜI_ Căn bệnh sốt phát ban đã lấy đi ánh sáng đôi mắt của Nguyễn Văn Long (Quảng Bình) từ năm 3 tuổi. Nhưng, bóng đêm không lấy được khát khao học hỏi của anh. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh tiếp tục dùi mài thêm gần 10 năm nữa để lấy bằng thạc sĩ văn hóa. Tất cả vốn kiến thức ấy, Nguyễn Văn Long đang từng ngày truyền lại cho các em học sinh Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Long không thể nào biết ảnh mình được Nguyễn Á thể hiện như thế nào. Anh chỉ cười bảo: 'Đại ca Á vui lắm'.
Bộ ảnh đẫm nước mắt
1. Có lẽ đây là bộ ảnh làm tốn nhiều nước mắt nhất. Đầu tiên, người sáng tác là tôi đã gần như khóc suốt với 90 nhân vật của mình. Đó là nước mắt của sự cảm phục khi đứng trước những con người bất hạnh. Còn những nhân vật chính, khi tôi mời họ về dự lễ khai mạc triển lãm gần như ai cũng khóc. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc khi thấy được sự chia sẻ của cộng đồng với mình. Và cuối cùng, người xem, tôi cũng thấy họ đã khóc rất nhiều khi đứng trước các bức ảnh.
2. Chụp ảnh người khuyết tật khó hơn chụp người đẹp rất nhiều. Đơn giản bởi người khuyết tật ở VN chưa được xã hội nhìn một cách thật bình thường nên họ thường co cụm, thủ thế khi tiếp xúc người lạ. Vì vậy, tôi thường phải mất 1-2 ngày để hòa nhập vào cuộc sống của nhân vật. Khi nhân vật đã xem tôi như một thành viên trong gia đình, khi ấy máy mới lấy ra.
3. Để thực hiện bộ ảnh này tôi đã tốn trên 200 triệu đồng. Nhiều người bảo tôi “điên” khi tốn quá nhiều tiền cho một bộ ảnh mà không thu lại được gì. Nhưng tôi thì nghĩ khác: cái được của tôi là thu về 90 bài học vô giá.
4. Nhân vật nào cũng đáng quý cả, nhưng thú thật tôi yêu, tôi thương những người khiếm thị nhiều hơn. Có những đêm tôi lầm lũi một mình đi đến những vùng sâu vùng xa để tìm nhà nhân vật. Trong mịt mù đêm tối tôi ngẫm ra rằng không ánh sáng là điều bi kịch nhất. Nghề của tôi là nghệ thuật ánh sáng.
Tác phẩm của tôi là dành cho mọi người nhìn ngắm và chiêm nghiệm. Nếu chẳng may cả thế giới này chìm trong bóng tối thì làm gì tồn tại nghề nhiếp ảnh. Tôi đã khóc không biết bao nhiêu lần khi nhân vật của mình cứ hỏi người thân: “Hình anh sao em? Có đẹp không?”.
MỘT SỐ ĐÓNG GÓP Ý KIẾN
“Thật cảm động và vô cùng bất ngờ được xem triển lãm lần này của Nguyễn Á. Như chưa từng có triển lãm độc đáo nào tại NVH Thanh niên TP.HCM được sự quan tâm đặc biệt của công chúng như thế này”
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương
“Nguyễn Á đã làm được một điều kỳ diệu. Những bức ảnh của Nguyễn Á đã làm người xem phải chiêm nghiệm về chính bản thân mình và cuộc sống. Cảm ơn Nguyễn Á - người nghệ sĩ có tâm hồn thật đẹp”
Nghệ sĩ Thành Lộc
Trích từ Sổ lưu niệm cuộc triển lãm Họ đã sống như thế, diễn ra từ ngày 12 đến 20-11 tại NVH Thanh niên TP.HCM. Sau đó, cuộc triển lãm sẽ được tổ chức tiếp ở Hà Nội (45 Tràng Tiền) từ ngày 2-12-2009.
Đây là một câu hỏi lớn mà chính chúng ta cần phải suy nghĩ! Cháu cảm ơn Bác rất nhiều! Nhờ được xem những tấm ảnh của bác, chắc chắn cháu sẽ sống tốt hơn!
Nguyễn Anh Tuấn
Những bức ảnh này đã tạo cho chúng ta nhiều cảm phục. Những con người tuy không có một sự toàn diện về thân thể nhưng họ lại có một trái tim vượt khó. Cám ơn những bức ảnh của Nguyễn Á đã cho tôi một nghị lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Lý Minh Thành
* Cuộc sống thật đẹp thật quý.... Những người như vậy càng khiến ta khâm phục hơn và càng biết trân trọng cuộc sống hơn. Hãy sống sao cho thật ý nghĩa để khi chết đi ta không phải hối tiếc!
Bùi Việt Cường (fugibi@)
* Xin cảm ơn nhiếp ảnh gia Nguyễn Á. Với bộ ảnh "Họ đã sống như thế", anh như mới vừa đốt sáng lên những ngọn nến để mọi người hiểu được thêm về giá trị sống, và giúp cho tôi tìm được đường đi trong đêm tối.
Nguyen Dung (myduc05@)
* Cháu cám ơn chú Nguyễn Á và các bức ảnh của chú. Những bức ảnh mà qua đó, ta có thể hiểu thêm được nhiều điều giá trị của cuộc sống.
danghongminh (meomeo902@)
Họ đã sống như thế
13/11/2009 02:57 (GMT + 7)
“Không ai chọn cửa để sinh ra, trò số phận đặt để nhân sinh trước những thử thách nghiệt ngã...” - Nguyễn Á mở đầu cuộc trò chuyện về triển lãm ảnh của anh như thế.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh Lý (vận động viên bơi lội) xem những bức ảnh nói về mình của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á tại triển lãm ảnh 'Họ đã sống như thế' - Ảnh: Như Hùng
Nguyễn Á đã khóc khi phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm - Ảnh: V.Q.
Gần hai năm vác máy ảnh rong ruổi từ Nam ra Bắc, thực hiện 90 bộ ảnh về 90 số phận. Nhưng số con người hiện diện trong tác phẩm của Nguyễn Á không chỉ chừng ấy, bởi quanh 90 số phận ấy còn có bao người thân đang đồng hành cùng họ. Cùng với những số phận ấy chúng ta cũng thấy hiện lên những nét sinh hoạt đời thường, những mảng thiên nhiên ở khắp nơi trên đất nước.
2 năm và 90 số phận
Một mình dắt hai con trâu vượt qua con suối gập ghềnh, đó là hình ảnh chị Vàng Thị Sử, người dân tộc Mông ở Lào Cai, bị câm điếc bẩm sinh. Chăn trâu, cấy lúa, dệt vải... cũng là công việc hằng ngày của Vàng Thị Sử. Giản dị như đời thường mà hạnh phúc cũng như đời thường, chỉ khác chăng là nụ cười của chị được ống kính Nguyễn Á ghi lại.
Anh Nguyễn Cửu Long quê Lâm Đồng, bị bại não từ khi sáu tháng tuổi, nhưng nhờ sự nuôi nấng, đùm bọc của gia đình, anh vẫn lớn lên trở thành người có ích. Xem ảnh anh Nguyễn Cửu Long vung nhát cuốc giữa rẫy đất đỏ để trồng hoa phong lan, chợt thấy cái ý nghĩ về những người “cãi mệnh trời” là xác đáng.
Nếu được kể lại chắc sẽ không xúc động bằng khi nhìn hình ảnh cụ bà Nguyễn Thị Ái (Châu Thành, An Giang) bị cụt hai chân mà vẫn làm công việc hái dừa thuê để mưu sinh. Còn nữa, còn nhiều những cảnh đời nữa mà Nguyễn Á từng thầm phục vì: “Họ vượt qua lằn ranh số phận để đứng lên, ân tình, sòng phẳng, thủy chung”.
Trong số 90 nhân vật mà Nguyễn Á chọn vào triển lãm lần này, có nhiều người từng là nhân vật trong các bài phóng sự trên báo Tuổi Trẻ như: Nguyễn Bích Lan, Nguyễn Công Hùng, Vũ Thị Minh Nguyệt, Trần Trà My, đóa hướng dương Lê Thanh Thúy... Phút nhìn lại mình Trong 90 nhân vật của Họ đã sống như thế có tới 10 nhân vật bị khiếm thị. Đó cũng chính là những người mà Nguyễn Á có ấn tượng và thương nhất. Anh bảo: “Chúng ta hãy cứ thử nhắm mắt 10 phút thì sẽ biết vì sao mình lại thương những người đó”.
Để có được những bộ ảnh cho triển lãm lần này, Nguyễn Á phải mất ròng rã một năm rưỡi cho việc lên ý tưởng và thực hiện. Trong thời gian đó, anh vừa chụp ảnh dịch vụ vừa theo đuổi đam mê nghệ thuật. Có thời gian rỗi anh lại cầm máy và lên đường.
Để tiết kiệm và tranh thủ thời gian, anh thường lên đường vào ban đêm. Để có những bộ ảnh chân thực và sinh động về những con người kém may mắn ấy, Nguyễn Á phải lặn lội đến từng nhà, từ Nam ra Bắc, cùng ăn cùng ở với họ để quan sát gia cảnh, sinh hoạt, tính cách của họ, từ đó làm bật lên nét riêng của con người đó. Có lẽ chính vì thế mà những nhân vật trong Họ đã sống như thế không có nhân vật nào giống nhân vật nào, dù cùng chung số phận khuyết tật nhưng mỗi người lại có cuộc sống, cách cống hiến riêng.
Xem ảnh của Nguyễn Á, chị Hoài Phương (CLB Hướng nghiệp khuyết tật trẻ TP.HCM) bộc bạch: “Đây là những bộ ảnh tuyệt vời, còn nhân vật trong ảnh thật phi thường”. Ông Nguyễn Chỉnh Huấn (TP.HCM) - một cộng tác viên báo chí mảng dịch thuật, người bị bệnh cứng khớp xương, cũng là nhân vật trong ảnh của Nguyễn Á - tâm sự: “Nếu gọi những người lành lặn bình thường thuộc thế giới thứ nhất thì những người khuyết tật là thế giới thứ hai. Theo tôi, ảnh của Nguyễn Á là một cống hiến lớn về mặt nhân văn cho con người của cả hai thế giới. Đó cũng là những phút chúng ta nhìn lại mình”.
Triển lãm Họ đã sống như thế diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên (4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM) từ ngày 12 đến 20-11-2009. Không có nhà tài trợ, Nguyễn Á thú thật anh đã dùng hết tiền dành dụm để lo cho triển lãm. Có khoảng 60 nhân vật trong ảnh - với sự tài trợ vé máy bay, vé tàu của Nguyễn Á - đã đến dự lễ khai mạc trong một không khí hội ngộ đầy cảm động.
VIỆT QUÊ - HUY SƠN
V.Quê
Nguyễn Á: trái tim trên lối đi riêng
15/11/2009 05:00 (GMT + 7)
Tôi thích cái cách mà Nguyễn Sơn Lâm, một chàng trai “trời không cho lớn”, nhận xét về Nguyễn Á: “Anh ấy chụp ảnh bằng trái tim”. Vừa nói, Lâm vừa lấy bàn tay phải đập bồm bộp vào ngực trái của mình.
Nguyễn Á là một nhân vật quá quen thuộc trong làng nhiếp ảnh VN. Đặc biệt trong những ngày gần đây, khi Nguyễn Á tung ra cuộc triển lãm mang tên Họ đã sống như thế, kể về 90 nhân vật khuyết tật đã vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống thì báo chí lại càng săn anh tợn. Nhưng tôi vẫn cứ muốn viết nữa về Nguyễn Á, như là một sự góp thêm những chuyện thú vị của con người quá đỗi thú vị này. Đôi bàn tay đa tài.
Tác giả 'bắt tay' với nhân vật Nguyễn Thị Hạnh (Thừa Thiên - Huế) - người có mặt trong triển lãm Họ đã sống như thế - Ảnh: Anh Dũng
Tôi và Nguyễn Á biết nhau cách đây hơn 20 năm. Ngày ấy (những năm cuối thập niên 1980), chúng tôi vừa qua lứa tuổi thiếu niên.
Nguyễn Á là chàng trai sinh ra trong một gia đình nghèo có đến 11 anh em. Còn tôi từ miền Trung trôi dạt vào, không hộ khẩu. Thời ấy, bươn chải vào đời sớm để tự kiếm sống, phụ giúp gia đình là chuyện rất đỗi bình thường. Sáng sáng, khi mặt trời chưa ló dạng, cả hai chúng tôi cùng cọc cạch đạp xe đến báo Tuổi Trẻ để nhận báo đi giao. Nguyễn Á phụ trách địa bàn Q.Bình Thạnh, còn tôi Q.3.
Tôi lớn hơn Nguyễn Á hai tuổi, nhưng ngay từ hồi ấy đã ái mộ anh chàng có vóc dáng to cao, mái tóc loăn xoăn và nụ cười luôn đọng trên môi. Điều mà tôi nhớ nhất về Nguyễn Á là đôi bàn tay. Những ngón tay dài nhưng không ẻo lả, cứ xòe ra là cầm được cả gần 200 tờ báo, hơn gần gấp đôi tay tôi. Nhưng đôi bàn tay ấy nào chỉ có đếm báo, nó còn phụ quán cơm của gia đình Nguyễn Á với những việc lặt vặt như chạy bàn, rửa bát đĩa, phụ ông cụ thân sinh làm khí đá bỏ mối cho các tiệm hàn, những điểm buôn bán trái cây.
Có đến 60 nhân vật trong bộ ảnh Họ đã sống như thế về dự lễ khai mạc cuộc triển lãm. Ngoại trừ một số ít có hoàn cảnh kinh tế khá giả tự lo đi lại, còn phần lớn đều do anh đài thọ. Căn nhà anh trở thành chỗ ở cho mọi người trong những ngày lưu lại TP.HCM. Ở đó, anh cùng mọi người sống với nhau như một gia đình ruột thịt. Trong ảnh: Nguyễn Á (bìa phải) và các nhân vật của mình ăn cơm tối - Ảnh: Như Hùng
Và đặc biệt, tôi thán phục nhất đôi bàn tay của Nguyễn Á trên sàn đấu thể thao. Đó là những năm môn bóng ném đang trong thời cực thịnh của TP.HCM. Những trận đấu tranh giải thành phố thôi nhưng sân Phan Đình Phùng cũ luôn kín người xem. Và năm nào cũng thế, cuộc đua tranh chức vô địch giữa đội Q.3, Bình Thạnh, Tân Bình luôn thu hút người xem. Tôi thường không vắng mặt trên khán đài ở những trận đấu ấy, còn Nguyễn Á là thủ môn của đội Bình Thạnh (và cũng là thủ môn của tuyển TP.HCM). Quả bóng nằm trong tay Nguyễn Á gọn lỏn như chúng ta cầm một quả cam!
Nguyễn Á bảo ngày ấy anh mê bóng ném cũng chẳng kém gì mê nhiếp ảnh. Nhưng đến năm 27 tuổi (1995) thì đành phải bỏ bóng ném để nghiêng hẳn theo nhiếp ảnh; cái nghề mà thoạt tiên anh cắp máy theo học thầy Phùng Hiệp chỉ nhằm kiếm cơm nhưng không ngờ ngày càng lôi cuốn. Cũng chính nhiếp ảnh khiến Nguyễn Á phải từ giã thể thao sớm. Anh giải thích: “Ánh đèn flash khiến tôi bị lóa mắt dẫn đến phản ứng chậm. Làm thủ môn mà phản ứng chậm một tích tắc thôi thì xem như hết thời”!
Trong phúc có họa, trong họa có phúc. Rút khỏi thể thao là một quyết định khó với Nguyễn Á, nhưng cũng nhờ đó mới có một nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á hôm nay. Sống hết mình, sống trọn tình Nguyễn Á nhảy vào đâu cũng gặt hái thành công. Chơi thể thao thì chiếm suất bắt chính cho tuyển bóng ném thành phố. Sang chụp ảnh thì lĩnh vực nào cũng kiếm được giải trong nước lẫn quốc tế. Nhà văn Đoàn Thạch Biền đã ví Nguyễn Á là “ống kính vạn hoa”! Ví dụ Tình đồng đội đoạt HCV Áo 2009, Thích thú đoạt giải danh dự của Macau 2008, Đường nét và ánh sáng đoạt HCV FIAP Hong Kong 2006, Chân dung đoạt HCV Canada 2007... Nhưng tất cả vẫn bàng bạc như bao tay máy khác. Nguyễn Á cũng nhận thấy điều đó nên anh bắt đầu tìm tòi cho mình một con đường riêng, không lẫn với ai.
Khởi đầu con đường mới là bộ ảnh Lê Thanh Thúy - một bộ ảnh góp phần đưa câu chuyện về nghị lực sống của đóa hướng dương Lê Thanh Thúy “ngưng đọng” trong lòng người dân Sài Gòn. Nguyễn Á bảo mình khởi đầu con đường mới bằng câu chuyện của Thúy, nhưng ngược lại cũng nhờ sáu tháng sát cánh bên Thúy, câu chuyện của bệnh nhân ung thư đặc biệt này đã giúp anh quyết định dấn sâu vào con đường sáng tác mới. Liên tiếp sau đó là hai bộ ảnh ra đời đều nóng bỏng hơi thở cuộc sống và đầy tính nhân văn, đó là Thương về khúc ruột miền Trung và Theo chân thanh niên tình nguyện.
Nhưng “đỉnh” nhất là Họ đã sống như thế vừa được triển lãm từ 12-11 (đến 20-11) tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Đó là một bộ ảnh vừa công phu, vừa thể hiện khả năng sáng tạo lẫn sức lao động vô biên và đặc biệt là góc nhìn nhân bản của Nguyễn Á.
Nguyễn Á rất cực để có được cuộc triển lãm Họ đã sống như thế, khi anh đã miệt mài lao động gần hai năm trời. Trung bình mỗi một nhân vật, anh phải tốn mất ba ngày sống cùng họ. Có người chụp một lần là xong nhưng có người phải đi đi lại lại đến năm lần bảy lượt. Chưa kể 90 con người bất hạnh ở rải rác từ địa đầu Tổ quốc (huyện Bắc Hà, Lào Cai) đến vùng đất mũi (Cái Nước, Cà Mau) nên thời gian di chuyển cũng ngốn khá bộn. Một mặt vừa tất tả lo cho bộ ảnh, một mặt phải kiếm tiền bằng chụp ảnh người mẫu, ảnh cưới nên hai năm qua Nguyễn Á “cày hơn trâu”.
Thật ra cái vất vả của thể xác không là gì cả với một chàng trai có hơn chục năm chơi thể thao đỉnh cao, và nay vẫn duy trì thói quen sáng sớm đến CLB thể hình Phan Đình Phùng tập tạ. Tối 12-11, tôi chứng kiến cảnh anh Nguyễn Văn Long, người thạc sĩ khiếm thị đang dạy ở Trường Nguyễn Đình Chiểu (một trong 90 nhân vật của Họ đã sống như thế), tay trong tay với cô vợ sắp cưới xinh đẹp Toàn Thắng đi xem triển lãm. Nguyễn Á nhẹ nhàng đi đến từ phía sau. Anh đưa tay đặt nhẹ lên vai Long. Chàng trai Học cho mọi người đã nhoẻn miệng cười và hỏi: “Đại ca phải không? (Long thường gọi Nguyễn Á là đại ca)”. Đã có một sợi dây liên lạc vô hình giữa người nghệ sĩ với nhân vật khiếm thị. Để tạo được điều đó, Á đã phải sống hết mình, sống trọn tình với nhân vật. Đó là điều cực khó mà Á đã làm được.
Luôn luôn tìm tòi Ông Trần Văn Nghĩa, phụ trách bộ môn bóng ném của TP.HCM vào thời mà Nguyễn Á còn là VĐV, đã đúc kết về người thủ môn - nghệ sĩ Nguyễn Á như sau: ”Nguyễn Á là một người luôn tìm tòi, sáng tạo, tự đòi hỏi mình. Ngay từ thời còn là thủ môn, sự xuất sắc của Nguyễn Á không chỉ là nhờ dũng cảm, xông xáo và phản xạ nhanh; mà anh là thủ môn duy nhất chịu nghiên cứu sở trường sở đoản của các tiền đạo đối phương nhằm tìm cách khắc chế. Theo dõi Nguyễn Á kể từ khi anh tập tễnh đặt chân vào làng nhiếp ảnh đến nay tôi thấy tính cách ấy ngày càng phát huy, giúp anh tạo được một lối đi cho riêng mình, không trộn lẫn với bất cứ ai”.
HUY THỌ
Ảnh "Họ đã sống như thế"...
Một buổi sáng nhiều giọt nước mắt, những bộ ảnh trung thực kể về những con người kiên cường vượt lên số phận níu giữ thật lâu những ánh mắt, những nét mặt suy tư của người xem.
Bức ảnh chụp vận động viên bơi lội Nguyễn Văn Chung (Hà Nội). Bức ảnh này nằm trong bộ ảnh Sống và làm việc vì mẹ yêu thương tại triển lãm - Ảnh: Nguyễn Á
Bức ảnh chụp anh em hiệp sĩ công nghệ thông tin khuyết tật Công Hùng và em gái Thảo Vân của Nguyễn Á. - Ảnh: Nguyễn Á
Những nhân vật trong bộ ảnh của Nguyễn Á đến chung vui tại lễ khai mạc triển lãm _Một phần bộ ảnh Hai ngón tay bay tại triển lãm - Ảnh chụp lại - Tr.U.
Khán giả ở nhiều lứa tuổi đã đến với buổi khai mạc triển lãm - Ảnh: Trung Uyên
15 năm gắn bó với nhiếp ảnh, bốn năm chơi ảnh nghệ thuật, Nguyễn Á đã có khoảng 60 bức ảnh đoạt giải trong và ngoài nước. Mơ ước của anh là mỗi năm làm được một triển lãm ảnh nghệ thuật cá nhân. Triển lãm ảnh “Họ đã sống như thế” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á kéo dài đến hết ngày 20-11-2009 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM (4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1).
Và tác giả của những bộ ảnh ấy thường lặng lẽ đứng sau người thưởng lãm - lặng lẽ lắng nghe - lặng lẽ quan sát - lặng lẽ hạnh phúc khi biết những tâm tình trong mỗi bộ ảnh được đồng vọng.
Đó chính là triển lãm ảnh “Họ đã sống như thế” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á, khai mạc sáng 12-11 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.
Những nụ cười tin yêu cuộc đời Trong lễ khai mạc, nhạc sĩ - ca sĩ khiếm thị Hà Chương hát đầy xúc cảm về khát khao của những em bé mang nỗi đau da cam, về những người khuyết tật ước mơ đến trường. Nhiều bạn trẻ, ông bố, bà mẹ lặng lẽ lau nước mắt. Hà Chương cũng là một nhân vật trong triển lãm ảnh.
90 bộ ảnh, mỗi bộ ảnh gồm 6-10 tấm ảnh, là một câu chuyện về một hay nhiều cuộc đời dũng cảm vượt lên nghịch cảnh. Giới báo chí xem ảnh mừng như gặp người quen bởi góc này là bộ ảnh “Hùng hiệp sĩ” (hiệp sĩ công nghệ thông tin khuyết tật Nguyễn Công Hùng), góc kia là “Đóa hướng dương không đợi mặt trời” (công dân trẻ TP.HCM Lê Thanh Thúy, ra đi vì bệnh ung thư), góc kia nữa là “Chim sơn ca trên đường đua” (vận động viên điền kinh khiếm thị Hồ Phạm Uyên Phương)…
Những câu chuyện cuộc đời ấy dường như chưa bao giờ sinh động như thế khi mỗi bức ảnh là khoảnh khắc đầy xúc cảm, ẩn chứa không chỉ nghị lực của nhân vật mà còn là những rung động từ tấm lòng người cầm máy.
Những góc máy thú vị góp phần không nhỏ làm người xem rung động. Đó là hình ảnh vận động viên bơi lội Nguyễn Văn Chung (Hà Nội), cụt cả hai chân, tấm lưng trần trẻ trung, cánh tay rộng mở, mạnh mẽ lao xuống làn nước xanh. Ở một góc máy khác, đôi tay ấy vươn về phía trước, trên nền trời xanh thắm, sẵn sàng xuất phát.
Hay bức ảnh anh thương binh 2/4 Nguyễn Văn Thê (Vĩnh Long) ở trần, đứng trên miệng lò gạch, cùng tung gạch với các đồng nghiệp bằng cánh tay trái duy nhất, người chụp đứng ngay trong lòng lò gạch để kịp bắt lấy vóc dáng người thương binh trên nền trời xanh và nụ cười tươi tắn…
Nhiều nhất trong triển lãm ảnh chính là những nụ cười. Nụ cười lạc quan của hiệp sĩ công nghệ thông tin khiếm thị Khúc Hải Vân (Hà Nội), nụ cười bừng sáng hạnh phúc của đôi uyên ương khiếm thị Nguyễn Văn Phong - Hà Thị Thủy (TP.HCM), nụ cười ấm áp của người thợ sơn mài cụt hai chân Lê Văn Trinh (Bình Dương) khi vui chơi với cháu ngoại…
Một điều đặc biệt nữa tại lễ khai mạc triển lãm là khoảng 60 người khuyết tật trong số hơn 90 nhân vật của các bộ ảnh đã đến tham dự. Người xem có dịp giao lưu với các nhân vật, các nhân vật thì có dịp trò chuyện thăm hỏi nhau dù chỉ mới biết nhau qua bộ ảnh của Nguyễn Á.
Để mỗi người nhìn lại mình
Mỗi bộ ảnh là một nỗ lực “kể chuyện” của người cầm máy. Mỗi nhân vật hiện diện trong nhiều thời điểm khác nhau: làm việc, vui chơi, bên người thân, phút được tôn vinh…
Có ý tưởng làm bộ ảnh về nghị lực vượt lên số phận của người khiếm thị cả nước bằng nhiếp ảnh đến với Nguyễn Á từ đầu năm 2008. Và cũng từ đó đến tháng 11-2009, một mình một balô (nặng sơ sơ 25kg gồm cả đồ dùng cá nhân và đồ nghề chụp ảnh), Nguyễn Á rong ruổi từ Lào Cai đến Cà Mau. Nguyễn Á tìm thông tin về các nhân vật qua báo chí, bạn bè hay hỏi thăm chính quyền địa phương. Tiếp cận, trò chuyện với nhân vật, thậm chí Nguyễn Á ăn ở cùng nhân vật để hiểu thật rõ câu chuyện cuộc đời của họ.
Vừa chụp vừa đi đi về về Sài Gòn để làm dịch vụ nhiếp ảnh cho studio của mình, dùng chính thu nhập ảnh tiếp tục lên đường để viết tiếp câu chuyện “Họ đã sống như thế”.
Nguyễn Á chia sẻ: “Lúc đầu, tôi chỉ định mỗi nhân vật thực hiện một ảnh đơn nhưng khi hiểu về câu chuyện, nghị lực của họ thì nhận ra làm ảnh đơn sẽ không tới đâu cả. Một bộ ảnh mới đủ để sẻ chia câu chuyện ấy đến cộng đồng. Để mỗi người có thể nhìn lại bản thân và đồng cảm với người khuyết tật”.
TRUNG UYÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn