Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Vụ án tạt a xít ca sĩ Cẩm Nhung, Kỳ 10: Vì sao Trần Lệ Xuân không giữ lời hứa?



Trần Lệ Xuân tuyên bố cứu Cẩm Nhung… nhưng rồi bỏ mặc.
Vụ án tạt a xít ca sĩ Cẩm Nhung
Kỳ 10: Vì sao Trần Lệ Xuân không giữ lời hứa?


Vụ thảm án xảy ra quá nhanh, chỉ trong tích tắc đã làm rúng động cả Sài Gòn thời ấy.

Cái đêm kinh hoàng 18/7/1961 là đêm định mệnh giáng xuống cuộc đời một cô gái bé bỏng chỉ vì cơm áo gạo tiền mà vướng phải cái vòng oan nghiệt. Để rồi bị người ta gán cho tội giật chồng, phá hoại gia trang người khác…

Người dân chỉ trích hành động tạt a xít nhẫn tâm

Sau thảm án vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt a xít trước đầu con hẻm bên lề đường (Galiéni) Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM), người dân Sài Gòn mới biết được chân tướng sự việc.

Thật ra Cẩm Nhung không phải là một loại “quỷ cái” chuyên cướp chồng người khác và phá hoại hạnh phúc gia đình kẻ khác. Cẩm Nhung không phải là một cô gái đáng bị kêu “án tử” như những kẻ nhân danh bảo vệ hạnh phúc gia đình đã nghĩ trước đó.

Trong vụ thảm án này, tác giả nhớ thời ấy có mấy chục tờ nhật báo ở Sài Gòn đều đăng lại hình ảnh của Cẩm Nhung nằm đau đớn trên nền đất đầu con hẻm cùng với hình ảnh thảm hại của nạn nhân nằm trong bệnh viện Sài Gòn. Những hình ảnh ấy đã đánh động những con tim còn biết thổn thức của người dân Sài Gòn. Tác giả đã sống vào giây phút ấy và cảm nhận được tất cả mọi điều.

Thật ra, công bằng mà nói thì dư luận kết tội vũ nữ Cẩm Nhung chỉ có một số ít người mà thôi. Thậm chí, số người có chồng trăng hoa, không phải cũng đứng về phía những người nhân danh “bảo vệ hạnh phúc gia đình” để ra tay tàn độc kia.

Thật ra, khi hiểu rõ hơn về nội tình vụ án, ai cũng thấy rằng bản án mà người ta chụp lên đầu cô vũ nữ đáng thương ấy là quá nặng nề.

Nếu bảo rằng vũ nữ Cẩm Nhung dùng nhan sắc và lợi thế sắc đẹp của mình để quyến rũ viên trung tá lắm tiền nhiều của và quyền lực như trung tá Trần Trọng Thức thì một trăm phần trăm không đúng!

Bởi đơn giản là tài sản mà vũ nữ Cẩm Nhung có được trước khi bị hành hạ thảm khốc chỉ là một ngôi nhà thuê trong một con hẻm nhỏ chứ không phải là một ngôi biệt thự, hay là một căn phố lầu. Không lẽ Cẩm Nhung đêm cả cuộc đời con gái để chỉ đổi lấy một chút quyền lợi bọt bèo như thế thôi sao?


Vì khuôn mặt xinh đẹp của Cẩm Nhung đã khiến Trần Lệ Xuân động lòng

Tác giả còn nhớ vào thời ấy, một số nhà báo tại Sài Gòn đã lên tiếng chỉ trích dữ dội hành động dã man kia. Chưa hết, có nhà báo còn định đứng ra vận động một cuộc trợ giúp cho cô vũ nữ đáng thương này.

Tất nhiên, tội ác dẫu được che đậy dưới bất cứ hình thức nào và dẫu cho thế lực của kẻ thủ ác có mạnh đến đâu cũng không thể lột lưới pháp luật. Cùng với làn sóng dư luận rộng rãi nhất loạt phản đối, nhà cầm quyền thời ấy buộc lòng phải nhanh chóng đưa ra một phán quyết không thể khác hơn: lập tức thủ phạm giật dây là vợ viên trung tá Thức đã bị câu lưu (bị bắt khẩn cấp – PV). Thủ phạm chính là mụ Chín Đen thì bị bắt và không thể nào chối cãi tội lỗi của mình.

Vì sao Trần Lệ Xuân lên tiếng…

Mụ Chín Đen như tôi nói ở đoạn trước là một thành phần từng có nhiều thành tích bất hảo, vốn là di dân từ một xã nghèo của tỉnh Long Xuyên (sau này là tỉnh An Giang), có chồng là một cai thợ khai thác đá ở Núi Sập (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), vốn gốc là người Hoa, có cái tên nghe hiền thục là Cẩm Lình, mà theo nghĩa âm sang tiếng Việt là Cẩm Lành, tức là vừa đẹp vừa lành.

Nhà chức trách lúc bấy giờ cố khai thác xem mụ Chín Đen có thêm đồng phạm hay không? Tuy nhiên, nhà chức trách đã không thu được gì từ ả đàn bà độc ác này. Liên quan đến chuyện này, Mạnh “cầu muối” có thú nhận với tác giả: “Có lẽ mụ Chín Đen vì chút tình cảm nên đã không khai ra tôi. Kẻ ngay từ đầu được đề nghị là người cầm lon a xít để tạt vào người vũ nữ Cẩm Nhung”.

Chưa hết, riêng vợ lão Đại Lợi thì đã thoát tội một cách ngoạn mục. Qua theo dõi báo chí, tác giả được biết, người phụ nữ này thoát tội là nhờ lanh trí, không để dính quá sâu trong quá trình lên kế hoạch gây án. Có nghĩa là hành vi của mụ ta chỉ là đứng sau giật dây, làm quân sư.

Điều này cho thấy người phụ nữ này có mưu mô vô cùng hiểm độc. Do đã đoán biết được cớ sự ngày hôm nay nên mụ ta đã có hành động riêng của mình.

Ngoài thông tin trên, tác giả cũng thu được thông tin người phụ nữ này thoát tội là nhờ thế lực “ngầm” đứng sau Phủ Tổng thống của chế độ Sài Gòn. Thông tin này đúng hay sai, tác giả nghĩ giờ này cũng không còn ý nghĩa gì.


Chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ đã khiến vụ án Cẩm Nhung rơi vào quên lãng

Tuy nhiên, thời điểm ấy có một chi tiết phát sinh khiến vụ thảm án tạt a xít vũ nữ Cẩm Nhung tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận. Chi tiết phát sinh ấy chính là lời tuyên bố của Trần Lệ Xuân (phu nhân cố vấn Ngô Đình Nhu, em dâu Tổng thống đương nhiệm Ngô Đình Diệm).

Tác giả nhớ rất rõ, thời điểm xảy ra vụ án là thời điểm lãnh đạo của triều đại nhà Ngô tại Sài Gòn. Do đó, những gì liên quan đến triều đại “quyền lực” này đều thu hút sự chú ý của đông đảo người dân, đặc biệt là báo chí.

Một tờ nhật báo lớn tại Sài Gòn thời ấy có thuật lại chi tiết này. Theo đó, trong khi vũ nữ Cẩm Nhung đang quằn quại đau đớn trên gường bệnh, bởi những vết thương do a xít gây án thì Trần Lệ Xuân bất ngờ tuyên bố: “Tôi nhân danh là người đứng đầu phong trào “Phụ nữ liên đới” tuyên bố với người dân Sài Gòn rằng sẽ đứng ra bảo vệ, đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của vũ nữ Cẩm Nhung, nạn nhân của một vụ đánh ghen kinh hoàng bằng a xít ”.

Bên cạnh đó, Trần Lệ Xuân sẽ tiến hành quyên góp tiền đưa Cẩm Nhung ra nước ngoài điều trị để khôi phục lại khuôn mặt xinh đẹp.

Sau lời tuyên bố khiến cả Sài Gòn rúng động, dư luận bắt đầu đặt ra hàng loạt câu hỏi về việc người phụ nữ “quyền lực” của triều đại nhà Ngô này sẽ làm gì để giúp cho “đóa hồng” Cẩm Nhung vượt qua cơn hoạn nạn cùng cực này. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, người dân Sài Gòn hiểu ngay rằng lời tuyên bố của Trần Lệ Xuân chỉ là chiêu trò chính trị.

Bởi, thời ấy, bất kỳ người dân Sài Gòn nào cũng biết rõ chế độ Ngô Đình Diệm đang lung lay dữ dội và đứng trước nguy cơ sụp đổ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do triều đại nhà Ngô bị người dân chống đối dữ dội, sự chỉ trích của quốc tế về chính sách quản lý hà khắc và sự lật lọng đáng ghê tởm.

Thời ấy, rất nhiều người dân, đặc biệt là lớp tri thức đã lên tiếng chỉ trích những tuyên bố của Trần Lệ Xuân chỉ là chiêu bài chính trị. Mục đích nhằm vớt vát chút danh tiếng cho triều đại nhà Ngô. Bởi, nếu Trần Lệ Xuân với phong trào “phụ nữ liên đới” muốn cứu giúp Cẩm Nhung thì đã tích cực vào cuộc, chứ không phải tuyên bố rồi để đó.

Trong khi những lời tuyên bố của Trần Lệ Xuân vẫn còn khiến dư luận bàn tán xôn xao thì triều đại nhà Ngô xảy ra một biến cố chính trị. Theo đó, vào ngày 27/2/1962, hai viên phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử lái máy bay rồi thả bom xuống dinh Độc Lập.

Vụ ném bom khiến cho dinh Độc Lập sụp một bên và khiến cho bầu đoàn thê tử của triều đại nhà Ngô một phen hốt hoảng. Sau sự kiện chính trị này, Trần Lệ Xuân chính thức quên đi lời tuyên bố của mình về thảm án Cẩm Nhung.

Lúc này, Trần Lệ Xuân chỉ còn chú tâm vào việc làm sao giữ được triều đại nhà Ngô. Biết được sự thật này, người Sài Gòn đã thể hiện sự xót thương cho vũ nữ Cẩm Nhung, một cô gái nghèo chỉ biết mưu sinh lương thiện, kiếm tiền lo cho mẹ, lại nhận lấy một kết cục đau xót.

Và theo thời gian, người dân Sài Gòn quên đi vụ thảm án liên quan đến Cẩm Nhung. Để rồi gần hết năm 1962, báo chí Sài Gòn lại đăng tải thông tin vũ nữ Cẩm Nhung đã biến mất một cách bí ẩn…

Vụ án tạt a xít ca sĩ Cẩm Nhung
Kỳ 11: Kiếp má hồng và gương mặt 'quỷ'
Nhà văn H.T.Đ


Những bài viết liên quan_Mời các bạn xem thêm

Kỳ 1: Những bí mật lần đầu công bố
Kỳ 2: Tuyệt kỹ Hạ uy cầm định mệnh
Kỳ 3: 'Bóng ma' nơi vũ trường
Kỳ 4: Cuộc chiến tìm... 'nữ chúa'
Kỳ 5: Chân dung vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt axit đăng tải trên báo chí Sài Gòn xưa.
Kỳ 6: : 'Hoạn thư'... đãi tiệc
Kỳ 7: Nước mắt giang hồ tiết lộ bí ẩn
Kỳ 8: 1 lượng vàng cho 30 giây tội ác
Kỳ 9: 'Đóa hồng'... bạc mệnh
Kỳ 10: Vì sao Trần Lệ Xuân không giữ lời hứa?
Kỳ 11: Kiếp má hồng và gương mặt 'quỷ'
Kỳ 12: 'Ân đền oán trả'
Kỳ 13 (cuối): Những sự thật chưa từng tiết lộ
Thêm vài dòng về Vũ nữ Cẩm Nhung
Vũ nữ bị tạt axít nổi tiếng nhất Sài Gòn đã qua đời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template