Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Cô học trò nghèo Đồng Luốc trở thành bác sĩ


Cô học trò nghèo Đồng Luốc trở thành bác sĩ. Bác sĩ Nguyễn Thị Hiên khám bệnh từ thiện cho bà con ở quê nhà Đồng Luốc dịp tết 2014 - Ảnh do nhân vật cung cấp


Cô bé ấy đã chấm dứt “truyền thống” hành khất của gia đình bằng nỗ lực lao động, học tập đến mức khó tả xiết. Và giờ đây cô đã là một bác sĩ.

Chuyên mục Chuyện ấy bây giờ tuần này như một câu truyện cổ tích.
Cuộc đời bất hạnh của cô bé Nguyễn Thị Hiên (quê xóm Đồng Luốc, xã Kim Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) đã trở nên tươi sáng kể từ năm 2004.

Tuổi ấu thơ đã phải nằm trên lưng mẹ đi hành khất, chịu cảnh màn trời chiếu đất khắp các ga tàu, lều chợ, nhưng giờ đây Hiên đã trở thành bác sĩ đúng như khát vọng thời bĩ cực nhất của đời cô.

Hiên là thế hệ thứ tư trong một gia đình đi ăn xin. Từ ông bà đến cha mẹ và chị em Hiên đều đi ăn xin.

Khi bước qua tuổi thứ 8, Hiên đã cảm nhận được nỗi cay đắng, sự tủi nhục của kiếp hành khất nên nằng nặc đòi cha mẹ cho đi học bằng được.

10 năm trước, khi bài báo viết về Hiên trên Tuổi Trẻ đến với bạn đọc thì cô đang học lớp 11 Trường cấp III Yên Thành 3, nặng chưa đầy 32kg, người khô quắt nhưng có thể lao động cật lực như một nông dân thực thụ.

Hằng ngày Hiên vô rừng Kim Thành lượm củi rồi chở xuống chợ Gám, chợ Rộc xa 15 cây số bán 5.000 đồng một gánh để kiếm thêm tiền mua thuốc cho cha mẹ do đau ốm không đi hành khất được.

Từ xóm Đồng Luốc đến giảng đường đại học
Ngày nắng, ngày mưa vẫn lầm lũi với bó củi và chiếc xe đạp cà tàng nhưng vẫn không thoát khỏi cuộc sống khó khăn nên Hiên tìm cách gặp ông Trương Ngọc Long, xóm trưởng xóm Đồng Luốc, để xin nhận sáu sào ruộng. Hiên năn nỉ: “Giống má, phân bón chú cho cháu vay, còn việc cày cấy cháu sẽ làm, đến mùa cháu trả nợ”.

Ông Long kinh ngạc trước đề xuất táo bạo này nhưng vẫn đồng ý dẫu biết việc làm ra hạt gạo giữa đồng đất vùng kinh tế mới Kim Thành hồi đó đâu có dễ dàng gì. Chính vì sự lam lũ khác người ấy mà bà con xóm Đồng Luốc tấm tắc khen “nhà ông hành khất Nguyễn Ngọc Diêu (bố Hiên) có một cô con gái vàng”.

Chuyện đi học của Hiên được cô giáo chủ nhiệm Bùi Thị Hà hồi Hiên học lớp 1A (1993) nhớ lại: “Vào đầu năm học, tôi thấy một đứa bé gầy gò, lem luốc, rách rưới cứ đứng ở góc cửa lớp nhìn vào. Hỏi thăm mới biết hoàn cảnh của em nên tôi tìm đến nhà động viên gia đình để em được đến trường học. Tôi đã nhận em vào lớp của mình, không ngờ em sáng dạ lắm, luôn đứng nhất nhì lớp, lại hát hay nữa”.

Ba năm cấp II Hiên là học sinh xuất sắc của trường, học sinh giỏi của huyện. Ba năm cấp III đều đoạt giải khuyến khích môn sinh của tỉnh. Kỳ thi đại học năm 2005 Hiên đạt 23 điểm, đậu vào Trường ĐH Y Thái Nguyên.

Đây là giảng đường nghề nghiệp mà Hiên hằng mơ ước bước vào, bởi hồi bé cô từng chứng kiến trận dịch tả hoành hành cướp đi nhiều mạng sống người dân xóm nghèo Đồng Luốc.

Nguyễn Thị Hiên đi bán củi năm học lớp 11 - Ảnh tư liệu báo Tuổi Trẻ
Nuôi tiếp ước mơ
Sau sáu năm được nhận học bổng tại Đại học Y Thái Nguyên, tháng 6-2011 Hiên ra trường với tấm bằng loại khá và là đảng viên trẻ mới được kết nạp. Không bằng lòng với tấm bằng bác sĩ của Đại học Y Thái Nguyên và một việc làm trước mắt, cô sinh viên nghèo này đã nộp đơn dự thi lớp bác sĩ nội trú tại Trường đại học Y Hà Nội.

Xem video:


Rất tiếc, cô thiếu 0,5 điểm để hoàn tất ước mơ. Cô về thành phố Vinh (Nghệ An) nộp đơn xin vào làm việc tại Bệnh viện đa khoa Cửa Đông thì ông Nguyễn Xuân Kiên - chủ tịch hội đồng quản trị - nhận ngay nhưng với điều kiện phải làm việc lâu dài ở đây.

Sau khi suy nghĩ cặn kẽ, Hiên nói lời biết ơn tấm lòng của ông Kiên, rồi quay về nhà gói ghém hành lý tìm vào TP.HCM để hoàn thành giấc mơ dang dở là phải thi bằng được bác sĩ nội trú. Những ngày đầu vào TP.HCM, Hiên thường bị lạc đường và thời gian tấm bản đồ trong tay sờn cũ cũng là thời gian thử thách ý chí của Hiên. Cô vừa phải làm thêm tại bệnh viện tư để kiếm tiền mưu sinh vừa nuôi ước mơ đeo đuổi khoa học.

Cuối năm 2011, cô nộp đơn vào học lớp định hướng chuyên khoa mắt tại Trường đại học Y Phạm Ngọc Thạch. Tháng 3-2013, Hiên thi tiếp vào Trường đại học Y dược TP.HCM với ba môn toán, tiếng Anh và chuyên ngành để làm luận án thạc sĩ.

Hiên nói tự tin: “Khi biết thi đậu rồi, tôi cảm thấy hài lòng vì mình đã dám dấn thân. Giờ đã hoàn thành đề cương, đến tháng 10-2015 tôi sẽ bảo vệ luận án thạc sĩ. Đây là chương trình mà các thầy giáo đều là giáo sư, tiến sĩ nên mình tranh thủ học hỏi được nhiều điều bổ ích cho nghề nghiệp. Bảo vệ thành công luận án thạc sĩ là không dễ nhưng trong gian khó mới cần có nghị lực”.

"Bao nhiêu tấm lòng tốt đã cưu mang, làm thay đổi số phận cuộc đời tôi. Giờ đến lúc tôi phải biết cách trả ơn bằng những việc làm phù hợp với khả năng để tìm thấy sự an lòng". - Nguyễn Thị Hiên

Khi biết được kết quả học tập của Hiên, bạn bè của cô đã gán cho cô biệt danh mới là Hiên “liều”. Thời gian đối với Hiên lúc này eo hẹp đến nỗi “tôi không có thời gian mua sắm quần áo mà chỉ đủ thời gian để đi chợ mua thức ăn”.

Bận bịu là thế nhưng Hiên còn chọn ngày thứ bảy, chủ nhật tham gia cùng các tổ chức nhân đạo đi khám bệnh tình nguyện tại các tỉnh thành như Huế, Bình Thuận, Củ Chi (TP.HCM) và An Giang... Cô còn tranh thủ về thăm quê để khám bệnh, phát thuốc cho các cụ cao tuổi ở quê hương Đồng Luốc.


3.000 bó củi và lời động viên của xã hội

Mái nhà tranh chỉ có bốn cái cột cong vênh của gia đình Hiên trước đây giờ đã được thay thế bằng ngôi nhà tình nghĩa của tỉnh Nghệ An cất cho. Cạnh nhà là đồi cây tràm do cha mẹ Hiên “làm kinh tế” hơn ba năm nay.

Năm 2004, sau khi bài báo ”Nàng tiên nhỏ trong gia đình cái bang” được đăng, ban công tác xã hội của báo Tuổi Trẻ đã đến Trường cấp III Yên Thành 3 ở xã Kim Thành trao 16.970.000 đồng tiền hỗ trợ của bạn đọc. Cầm số tiền trên tay, Hiên rưng rưng nói: “Mỗi gánh củi đi lượm trong rừng rồi chở qua 15 cây số chỉ bán được 5.000 đồng. Như vậy số tiền này sẽ giúp cháu có 3.000 bó củi mà không phải lao động. Một sự thật quá sức tưởng tượng của cháu”.

Nhắc lại ký ức này, Hiên nói: “Khi chưa có bài báo, có lúc tôi cố nhủ mình rằng gắng học hết cấp III rồi đi làm thuê. Nhưng sau bài báo thì hàng loạt sự kiện xuất hiện trên Tuổi Trẻ Online như “Tìm nàng tiên nhỏ ở đâu”, “Nàng tiên nhỏ - tấm gương sáng cho những mảnh đời bất hạnh”... với những lời động viên hết sức cảm động của những nhóm bạn sinh viên các trường đại học ở Hà Nội, TP.HCM, của các chú bộ đội và nhiều người tốt bụng khác”.

Hiên còn nhớ có người lặn lội đường xa đến nhà cô cho cái quạt, hai cái mền. Có người cho chiếc xe đạp còn ân cần dặn “chiếc xe mới dành để đi học, còn xe đạp cũ để đi bán củi”.

Khi ra Bưu điện huyện Diễn Châu (Nghệ An) nhận quà, cô giao dịch viên hỏi quà của ai gửi thì Hiên không biết mà chỉ biết đó là bạn đọc của báo Tuổi Trẻ. Sự đùm bọc của cộng đồng xã hội khiến Hiên kiên quyết vượt qua mặc cảm để dấn thân vào sự học đầy gian lao phía trước, nhất là sáu năm học ở Trường ĐH Y Thái Nguyên.


“Nàng tiên nhỏ” trong gia đình “cái bang”

Trong heo hút của một xóm nhỏ ở xã miền núi phía tây huyện Yên Thành (Nghệ An) có một căn nhà tranh rách nát nằm dưới chân đồi hoang vắng, trong căn nhà đó có bốn thế hệ đang sinh sống! Hằng ngày nhiều thành viên trong căn nhà này phải tay bị tay gậy đi ăn xin khắp mọi nơi. Nhưng, có một cô bé sinh ra và lớn lên trong gia đình ấy đã dũng cảm dùng sức vóc bé nhỏ của mình để chiến đấu với số phận và vượt lên nó...

Gia đình “cái bang” ở Đồng Luốc!
Qua hơn 30km đường rừng, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được nhà ông Diêu ở cuối xóm Đồng Luốc, xã Kim Thành. Anh Thành, người dẫn đường, nói với chúng tôi: “Căn nhà đó mới được bà con làng xóm cất lại cho chứ trước đây chỉ là túp lều”.

Anh chỉ người đàn ông đang bế đứa trẻ đi lại nơi góc sân: “Ông Diêu đó, đầu năm có lẽ ông ấy chưa xuất hành”. Trông ông Diêu rất khó đoán tuổi, người gầy quắt, gương mặt khắc khổ, quần áo rách rưới, mắt nhìn như một kẻ mộng du.

Chúng tôi phải đánh tiếng ông mới biết. Ông lạ lẫm nhìn rồi mời khách vào nhà. Chúng tôi phải cúi khom người mới chui vào được. Trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá ngoài ba chiếc giường làm bằng tre ghép gác lên bốn chiếc cọc, một chiếc bàn con chỉ có một ghế. Trong góc nhà, ba ông bà lão im lặng ngồi sưởi bên bếp lửa như chẳng để ý gì đến xung quanh.

Ông Diêu cho biết: ông già nhất là cha của ông, năm nay đã 87 tuổi, còn hai người kia là hai vợ chồng người chú em ruột cha ông Diêu. Hai ông bà không có con, hằng ngày vẫn dắt nhau đi ăn xin và cùng sống chung trong mái nhà này. Tiếp xúc với ông Diêu, lúc đầu ông nói chuyện có vẻ minh mẫn, bình thường nhưng một hồi sau ông nói lẫn lộn lung tung, đang nói chuyện nọ lại xọ sang chuyện kia rồi đờ đẫn nhìn...


Ông Diêu (Nguyễn Ngọc Diêu) từ năm 18 tuổi (1963) đã tình nguyện lên đường đi chống Mỹ. Năm 1969 hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về quê rồi lập gia đình với một cô gái làng bên. Sau đó cả nhà dắt nhau lên vùng rừng Kim Thành này định cư để khai phá vùng đất mới. Năm 1973 đứa con đầu lòng của ông (Nguyễn Ngọc San) ra đời cũng là lúc ông trải qua một cơn bệnh ốm liệt giường.


Khi khỏi bệnh ông trở chứng, có biểu hiện của bệnh tâm thần. Hai năm sau vợ ông - bà Đặng Thị Quy - cũng có biểu hiện như vậy. Cha ông Diêu là ông Luyện đã đưa các con đi khám hết các cơ sở y tế, rồi lại đi khấn vái từ đền này đến chùa nọ mà bệnh tình họ không hề thuyên giảm. Và rồi chính ông cũng mắc phải căn bệnh đó.

Bà Thái Thị Hương ở gần nhà ông Diêu kể: “Bệnh của họ lạ lắm, không đến nỗi nặng nhưng cứ lúc dại lúc khôn, có thể nói là dở người. Từ khi bị bệnh họ chẳng làm được việc chi , ruộng nương bỏ cho cỏ mọc, nhưng đói thì gối phải bò, họ dắt díu nhau đi ăn xin...”.

Đã đói khổ, tật bệnh nhưng ông Diêu cũng có bốn người con. Người con trai đầu từ khi mới 10 tuổi phải theo ông chú đi vào Nam để làm thuê kiếm sống. Người con gái thứ hai Nguyễn Thị Quý năm nay đã 23 tuổi nhưng cứ như một đứa bé ngờ nghệch. Đã thế Quý còn bị một tên ác dâm làm cho có bầu rồi “lặn” mất dạng.

Đứa con của Quý giờ đây gần một tuổi nhưng Quý cứ bỏ mặc con cho vợ chồng ông Diêu rồi đi chơi đánh ô, đánh chắt với lũ trẻ trong xóm... Trong thảm cảnh đó, những kiếp người trong mái nhà tranh rách nát ở nơi xóm nhỏ ấy cứ ngỡ như không bao giờ ngóc đầu lên được..., nhưng rồi vẫn có “phép màu” xảy ra...

“Nàng tiên nhỏ”

Đó là cô con gái thứ ba của ông Diêu - Nguyễn Thị Hiên. Thuở mới lọt lòng Hiên đã phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, người mẹ buộc em trên lưng phiêu bạt xin ăn khắp mọi nơi, ngày đi, đêm đến ngủ vỉa hè, bến xe, lều chợ...

Đến khi biết đi cô bé vẫn theo cha mẹ, anh chị tiếp tục cuộc hành trình của kiếp ăn xin. Mãi đến khi lên 7 tuổi, trong tiềm thức non nớt của cô bé hình như bỗng cảm nhận được nỗi cay đắng, tủi nhục của kiếp ăn mày, cô bé nhất quyết không chịu đi ăn xin nữa. “Không! Con không đi, đừng bắt con đi ăn xin, con thích đi học, cha mẹ cho con đi học đi! ”.

Cô giáo Bùi Thị Hà, chủ nhiệm lớp lA trường làng năm xưa, kể với chúng tôi: “Bây giờ Hiên vẫn thường hay đến thăm tôi. Hồi đó (1993) tôi chủ nhiệm lớp 1A Trường tiểu học Đồng Thành (lúc đó chưa tách xã). Vào đầu năm học tôi cứ thấy một đứa bé gầy gò, lem luốc, rách rưới đứng ở cửa nhìn vào.

Hỏi thăm tôi mới biết hoàn cảnh của em. Tôi tìm đến nhà động viên gia đình để em được đến trường học. Tôi đã nhận em vào lớp của mình. Không ngờ em sáng dạ lắm, luôn đứng nhất nhì lớp, lại hát hay nữa!”.

Những năm học tiểu học, năm nào Hiên cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Bước sang cấp II, đời sống gia đình em cực kỳ khốn đốn. Ông bà Diêu ốm đau luôn, không đi xin ăn được, Hiên phải chạy vạy khắp nơi để lo tiền thuốc thang cho cha mẹ, rồi một buổi đi học, một buổi cùng chị vào rừng chặt củi đem ra chợ bán, rồi cấy thuê, gặt thuê...

Lúc đó em định bỏ học nhưng được nhà trường và bạn bè cung dân làng động viên quyên góp ủng hộ tiền, gạo nên em tiếp tục đến trường. Năm ấy em được quĩ khuyến học của huyện cấp học bổng học sinh nghèo vượt khó 300.000đ/năm cho ba năm học cấp II. Ba năm em đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc và đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện - tỉnh.

Bước sang cấp III, một lần nữa tưởng chừng Hiên không thể tiếp tục đi học được vì em út Nguyễn Ngọc Giang cũng bắt đầu học lên cấp II. Nhưng khát vọng được học để vươn lên đã giúp em đứng vững. Ngoài kiếm củi đem ra chợ bán, cấy thuê, gặt thuê, em còn nhận lại 6 sào ruộng của nhà mình để làm -một việc làm thật táo bạo. Cấy, cày, giống má, phân bón lấy đâu ra? Nhưng Hiên đã làm được.

Ông Trương Ngọc Long, đội trưởng xóm Đồng Luốc, kể với chúng tôi: “Con nhỏ đến nói với tui là nó sẽ nhận lại số ruộng mà trước đây ông Diêu cho người khác làm. Tui tưởng nó nói chơi bèn hỏi: “Cháu bận đi học, thời gian và tiền bạc mô mà làm”. Nó nói giống má, phân bón chú cho cháu vay, xong mùa cháu trả. Ai dè nó làm thật, nó đi đòi lại ruộng và đến thuyết phục tui”.

Anh Long cười: “Thế là phải làm theo nó thôi! Còn việc cày bừa bà con dân làng giúp hết không lấy tiền. Việc cấy, gặt thì bạn bè nó xúm đến làm một loáng là xong. Từ khi làm ruộng tuy vất vả nhưng cuộc sống cũng đỡ hơn chút ít, nó còn nuôi gà, nuôi vịt nữa.

Năm vừa qua gia đình ông Diêu được UBND huyện trích quĩ vì người nghèo hỗ trợ 2 triệu đồng để dựng lại căn nhà nhưng trả nợ vừa hết. Nó quả là cứu tinh của nhà ông Diêu. Ông Diêu trời cho cô con gái còn hơn cả vàng mười. Nó đi học về là làm quần quật suốt ngày, đến nỗi quắt cả người như vậy, nhìn xót lắm”.

Khi chúng tôi đến nhà ông Diêu để thực hiện phóng sự này, phải đến lần thứ hai mới gặp được Hiên, lúc đó em đi củi về, dáng người nhỏ nhắn cõng trên lưng bó củi to đùng. Trời lạnh 11 - 120C mà mồ hôi đầm đìa trên gương mặt. Hỏi em làm nhiều thế lấy thời gian đâu mà học, em cười “em học vào ban đêm”.

Đến bây giờ nhà em vẫn chưa có điện, em phải học bài bằng đèn dầu. Bà con lối xóm đêm đêm vẫn thấy đốm lửa ngọn đèn dầu sáng đến tận khuya. Hiên đang học lớp 11A Trường THPT Yên Thành 3 cách nhà hơn 10km đường rừng. Có những hôm hỏng xe em phải gửi xe chạy bộ 6-7km để đến trường.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Thanh, chủ nhiệm lớp 11A Trường THPT Yên Thành 3, nói về Hiên: “Hoàn cảnh khốn khó vậy đó mà năm học vừa qua em đoạt giải ba của huyện và giải khuyến khích của tỉnh về môn sinh lớp 10. Hiên học đều các môn nhưng riêng môn sinh em có năng khiếu đặc biệt. Năm nay em cũng là một trong những học sinh giỏi của trường, chúng tôi đang bồi dưỡng để em dự thi học sinh giỏi tỉnh về môn sinh lớp 11 trong kỳ thi tới”.

Nguyễn Thị Xuân, bạn học cùng lớp với Hiên, kể với chúng tôi: “Hiên rất hay giúp đỡ người khác. Bạn bè không hiểu bài là Hiên sẵn sàng giúp ngay. Và em đã một lần chứng kiến Hiên rơi nước mắt khi nhìn thấy cảnh ba mẹ con đi ăn xin, chị ta bị mù mắt cõng trên lưng đứa bé đến trú mưa trước cổng trường rét run cầm cập. Hiên đã rút tờ 5.000 đồng cho mẹ con chị ấy. 5.000 đồng là nửa số tiền Hiên đi lấy củi trong rừng mất một buổi và một buổi chở xuống chợ Gám, chợ Dinh xa 20-25km để bán. Chúng em thường gọi đùa Hiên là nàng tiên nhỏ”.

Chúng tôi hỏi “nàng tiên nhỏ” về ước mơ, Hiên điềm đạm nói: “Cha mẹ, ông bà và chị của em cũng vì bệnh hoạn mà gia đình em mới đến nông nỗi này. Hồi nhỏ em đã thấy cảnh cả làng bị dịch sốt, giờ nhớ lại thấy khủng khiếp quá, nhiều người đã chết vì đợt dịch đó! Vì vậy, em ước mình được vào đại học y...”.


Gần 30 triệu đồng cho “nàng tiên” Nguyễn Thị Hiên
Em Nguyễn Thị Hiên không giấu được những giọt nước mắt khi nhận tiền trợ giúp của bạn đọc do anh Tiến Dũng (tác giả bài báo) trao.

Sáng 20-3, phóng viên báo TS đã tìm đến cánh đồng Luốc, xã Kim Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) và đến nhà của “nàng tiên” Nguyễn Thị Hiên.

Tôi hết sức ngạc nhiên khi túp lều tồi tàn của gia đình “cái bang” trong bài báo nay đã nhường chỗ cho ngôi nhà cấp bốn mới mọc lên. Ông nội của Hiên (94 tuổi) ngồi dậy từ chiếc giường cũ kỹ run run đôi bàn tay chống gậy, nói: “May có sự trợ giúp của nhiều người trong Nam ngoài Bắc, cả ở nước ngoài khi họ đọc bài báo trên báo TS, cộng với sự trợ giúp của Quỹ người nghèo huyện mới có sự đổi đời của bốn thế hệ chúng tôi”.

Cho đến khi gặp Hiên đang học ở Trường THPT Yên Thành tôi mới biết sau bài báo đăng khoảng một tuần đã có rất nhiều bạn đọc trong cả nước và Việt kiều ở Mỹ gửi về cho Hiên 15 triệu đồng. Số tiền này đã giúp bố mẹ Hiên làm ngôi nhà mới. Hiên nghẹn ngào nói: “Cháu còn nhận được nhiều bức thư của các chú bộ đội, bác công nhân, cô bán nước mía ở TP.HCM, giám đốc các công ty”...

Có người còn đi xe máy từ Hà Nội vào tìm Hiên trao 400 USD. Có cô giám đốc hứa “nếu Hiên thi đậu đại học cô sẽ trợ cấp học bổng và xin việc sau khi tốt nghiệp”. Trước sự chứng kiến của thầy hiệu trưởng Đặng Trọng Khoa và hàng trăm học sinh, tôi trao tiếp cho Hiên 14.174.000 đồng tiền của bạn đọc gửi trợ giúp thông qua ban công tác xã hội của báo TS.

Hiên òa khóc vì “không giấu nổi những cảm xúc quá đỗi bất ngờ của bao người tốt bụng liên tiếp đến giúp em đứng dậy trong cuộc đời tưởng chừng chỉ toàn sự đày ải”. Thầy Khoa đã thay Hiên gửi lời cảm ơn tòa soạn, bạn đọc báo TS và cho biết hiện Hiên rất yên tâm dự lớp bồi dưỡng học sinh giỏi môn sinh vật của tỉnh.


18 tuổi nuôi 9 miệng ăn

18 tuổi, nhưng Nguyễn Thị Hiên bé quắt queo như một học sinh lớp 6. Từ 10 năm nay, cô học sinh lớp 12A trường THPT Yên Thành 3 (Nghệ An) luôn phải gánh một gánh nặng quá sức: nuôi 9 miệng ăn trong gia đình!

Cảnh đời đầy nước mắt...

Từ thị trấn Diễn Châu chúng tôi phải làm 2 cuốc xe ôm mới về được nhà Hiên ở thôn Đồng Luốc, xã Kim Thành, huyện Yên Thành. Trời mưa lất phất, hơn 40km đường vùng núi phía Tây xứ Nghệ quanh co lên xuống và trơn như đổ mỡ...

Nhà Hiên, cũng như nhiều ngôi nhà khác trong thôn Đồng Luốc, “độc chiếm” hẳn một quả đồi. Hiên đi học, trong nhà em còn lại 8 người. Trong khung cảnh tranh tối tranh sáng của ngôi nhà nhỏ, những bóng đen chậm chạp di chuyển. Phải đợi đến khi ông chú của Hiên từ nhà bên sang thì câu chuyện của chúng tôi mới có thể bắt đầu...

Một danh sách các thành viên đang sống trong ngôi nhà được liệt kê: bố mẹ Hiên, ông nội, vợ chồng em ông nội, chị gái, em trai và thêm một đứa cháu. Thấy khách đến, bố mẹ Hiên lui cụi vào nhà trong kiếm manh áo lành lặn nhất mặc vào rồi ra đứng khép nép cạnh bàn nước nhìn khách và ông chú trò chuyện. Ở một góc nhà, ông nội và vợ chồng người em lặng lẽ ngồi trên chiếc giường ọp ẹp. Ngoài sân, cô chị gái bồng con tha thẩn chơi. Cậu út Giang thì vừa sang hàng xóm lùa đàn trâu nhận chăn thuê ra đồng... Đó là những con người mà chục năm nay em Hiên đã cáng đáng sự sống.

Nếu không nghe chuyện, khó ai có thể tin là nơi đây có một cảnh đời éo le và buồn tủi đến cùng cực. Ông Nguyễn Ngọc Diêu - bố Hiên - khi đi làm công trình thủy lợi kênh (năm 1963) bị sức ép của bom, sau đó về nhà bắt đầu phát bệnh tâm thần. Mẹ Hiên - bà Đặng Thị Quy - không hiểu có phải “lây” chồng hay không mà từ dạo ấy cũng bắt đầu mắc chứng ngớ ngẩn...

Mưu sinh trên vùng đất đồi thôn Đồng Luốc không đủ cái ăn, ông Diêu và bà Quy đã mấy năm trời ròng rã dắt díu nhau tứ xứ xin ăn. Năm 1982, ông bà sinh con gái Nguyễn Thị Quý. Lạ lùng là ít lâu sau, Quý bắt đầu có những dấu hiệu của bệnh tâm thần như bố mẹ. Buồn hơn, cách đây hơn 2 năm, trong một lần vào rừng lấy củi, Quý bị một kẻ lạ mặt hãm hiếp. Đứa con cô đang nuôi đã không có bố lại đang bị suy dinh dưỡng nặng nề...

“Cô Tấm” ở thôn Đồng Luốc

Sinh năm 1986, lọt lòng, Hiên đã được mẹ cõng trên lưng đi xin. Lớn hơn một chút, đến lượt Hiên là người dắt bố mẹ đi xin. Cũng vì đói khổ, năm Hiên lên 2, trong một lần đi xin ăn, bố mẹ đã quyết định bán em cho một người lạ với giá 2 triệu đồng. Cũng may, ông chú Hiên đã nhanh chân chạy báo công an và dân quân nhanh chóng chặn bắt người đó và đòi lại Hiên.

Năm 7 tuổi, Hiên quyết định giã từ “sự nghiệp” tay bị tay gậy. “Con muốn đi học, con không muốn đi xin ăn nữa” - đó là lời cô bé nói với bố mẹ. Đến bây giờ, chính Hiên cũng không giải thích nổi tại sao mình lại có quyết định táo bạo như vậy. Em chỉ mơ hồ rằng đi học thì sướng hơn đi ăn xin, và đi học thì dễ thoát cảnh đói khổ...

Dường như bao trí tuệ của cái gia đình gồm 4 thế hệ, 9 người ấy được “dồn” hết cho Hiên thì phải. 11 năm đi học, Hiên luôn được các thầy cô đánh giá là học sinh thông minh, sáng dạ. Năm nào em cũng là học sinh khá, và nhiều năm là học sinh giỏi cấp huyện. 11 năm qua, Hiên đã sống, đã học và đã nuôi sống cả gia đình bằng chính sức lao động của mình.

Buổi sáng đi học, buổi chiều Hiên đi bộ mấy cây số vào rừng kiếm củi rồi đạp xe xuống chợ Hợp, chợ Rộc (cách nhà trên 20km) bán lấy tiền mua gạo. Đêm về, khi đã xong hết việc nhà Hiên mới ngồi vào bàn học. Ngày nào cũng như ngày nào, dù nắng hay mưa, điệp khúc ấy không bao giờ bị bỏ quên.

Thầy và trò trường tiểu học rồi THCS và trường THPT Yên Thành 3 không ai là không biết đến cô học sinh Nguyễn Thị Hiên bé như cái kẹo nhưng chăm làm, chăm học và học giỏi. Thầy Hiệu trưởng trường THPT Yên Thành 3 Đặng Trọng Khoát, khi được hỏi về cô học trò này, chỉ nói ngắn gọn: “Hiên là học sinh đặc biệt, cả về hoàn cảnh gia đình lẫn ý chí học tập”.

Thấu hiểu hoàn cảnh của Hiên, những năm em đi học các thầy cô và bè bạn đều hết sức nhiệt tình giúp đỡ. Hiên được nhà trường miễn học phí, lại được Công đoàn, Đoàn trường quyên góp và lập Quỹ Tấm lòng vàng hỗ trợ tiền ăn học. Thương Hiên, bạn bè trong lớp cũng thường qua chơi nhà, khi thì cuốc giúp em mảnh vườn, lúc trồng cho nương sắn. Tấm gương hiểu thảo, hiếu học của Hiên đã bay xa khỏi thôn Đồng Luốc, khỏi huyện Yên Thành... “Người ta gọi cái Hiên ni (này) là cô Tấm đó anh ạ” - ông Bí thư Chi bộ thôn Đồng Luốc Phạm Đình Toán nói với chúng tôi.

Mai này, em sẽ là bác sĩ...

Câu chuyện về “cô Tấm” Nguyễn Thị Hiên giờ đây đã được rất nhiều người biết đến. Bằng chứng là nhiều tấm lòng hảo tâm từ Hà Nội, TPHCM và từ nước ngoài đã quyên góp, gửi tiền và quà về giúp em ăn học. Đầu năm 2004, UBND huyện tặng gia đình Hiên 2 triệu để cất nhà mới. Họ hàng, làng xóm xúm vào hỗ trợ thêm tiền, vật liệu giúp gia đình xây được ngôi nhà cấp 4 rộng chừng 15m2.

Tết nguyên đán Giáp Thân, gia đình Hiên đã ăn Tết trong ngôi nhà mới, không còn phải lo cảnh cứ mưa bão là nhà sập như trước. Cách đây ít lâu, Hiên đã lên xin xã cho nhận lại 5 sào ruộng để làm. Tất tật, từ giống đến phân bón, thuốc trừ sâu... em đều phải vay của xã và hàng xóm. Nhà neo người, Hiên chỉ đủ cấy được 2 sào, phần lại cho người khác thầu. Trước hôm chúng tôi đến, Hiên đã mua cho em Giang một con nghé để nuôi. Ít lâu nữa, nhà Hiên sẽ có trâu cày, đỡ phải đi thuê đi mướn...

Bây giờ, Hiên đang chuẩn bị dự thi đại học. Ước mơ lớn nhất của em là được học trường Y hoặc trường Dược, vì “em muốn làm bác sĩ để về chữa bệnh cho bố mẹ em, chị em, cả bà con ở quê em nữa”. Chúng tôi nói trường Y, trường Dược thi khó lắm, Hiên mỉm cười tự tin: “Em tin mình sẽ thực hiện được mơ ước ấy”.


“Nàng tiên nhỏ”: tấm gương sáng của những mảnh đời bất hạnh

Bài viết “Nàng tiên nhỏ” trong gia đình cái bang” kể về cô bé Nguyễn Thị Hiên đi bán củi là một câu chuyện cảm động mà sau khi đọc xong, người đọc có thể sẽ nhìn lại hoàn cảnh gia đình mình, hoàn cảnh sống của bản thân để so sánh rồi sau đó rút ra kết luận rằng: hoàn cảnh không tạo nên số phận, chính con người mới tạo nên số phận.

Mới 7 tuổi đầu, lứa tuổi “ăn chưa no, nghĩ chưa tới” cô bé đã dám cãi lời cha mẹ: “Không! Con không đi, đừng bắt con đi ăn xin, con thích đi học, cha mẹ cho con đi học đi!”. Và cô bé đã “tự thân vận động”, làm việc để kiếm sống và để được đi học. Ở hoàn cảnh cô bé, nội việc tự kiếm sống cũng đáng làm cho người khác khâm phục nhưng cô bé đã làm được những điều mà tôi nghĩ sẽ gây xúc động cho không ít người đang đau khổ vì phải sinh ra trong một gia đình bất hạnh là đã cố gắng phấn đấu để được đi học và học rất giỏi.

Những bậc làm cha, làm mẹ tuy còn khỏe mạnh nhưng vẫn dắt díu lũ con thơ đi xin ăn kiếm sống nghĩ gì khi đọc bài viết này. Xin hãy lấy đây là một tấm gương sáng để cố gắng vươn lên, xã hội không bỏ rơi những người tuy nghèo khó nhưng biết làm việc và có ý chí vươn lên.

Đọc xong phóng sự, tôi chợt nhớ đến bài viết “Cô bé bán khoai lang đậu ba trường đại học” ngày trước. Cũng như Nguyễn Thị Hiên, Bình Gấm - cô bé bán khoai ngày nào – cũng có ước mơ trở thành một bác sĩ để giúp ích cho đời. Giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực nhờ những tấm lòng nhân ái của bạn đọc báo TS. Và tôi cũng tin rằng giấc mơ của Hiên cũng sẽ trở thành hiện thực và cô bé sẽ luôn mãi là một “nàng tiên nhỏ” trong lòng mọi người.

Theo TTO…

Những bài viết khác
Cô học trò nghèo Đồng Luốc trở thành bác sĩ
Cô bé bán khoai đậu ba trường đại học và đã là bác sĩ
Video tạo chân dung Ronaldo, Neymar, Messi với bóng gây kinh ngạc
Clip vẽ tranh cát 'Gửi lời yêu thương' gây xúc động mạnh
Samurai điêu luyện cùng trái bóng
Cách vào Facebook mạng VNPT, FPT, Viettel khi bị chặn
SỬ DỤNG ADDON CHO FIREFOX – ANONYMOX ĐỂ VÀO FACEBOOK

Sky thân tặng Bích Liên nhân đại hội Quảng Đà 2014
Đại Hội, tiền Đại Hội Liên Trường Quảng Đà 2014_Phần cuối
Tiền Đại Hội Liên trường Quảng Đà_ Santa Clara Convention Center
Đại hội Liên trường Quảng Đà_ Santa Clara Covention Center 2014
Sky3 chúc mừng : HỌP MẶT KỸ THUẬT HUẾ – 04-05-2014
AHKTĐN đón tiếp thầy TT Liệu và thầy cô VQ Hảo
Lưu lạc 5.800 km từ Mèo Vạc sang tận Pakistan

Chuyện chưa kể trở về lần nầy của danh ca Khánh Ly
Khánh Ly nghẹn ngào ngày trở về
“Tuổi thơ dữ dội” của ca sỹ Khánh Ly
Sớm muộn tôi cũng về _ Khánh Ly
Như chưa hề có cuộc chia ly: Ra đi rồi trở lại
Khánh Ly mang hoa hồng vàng viếng mộ NS Trịnh Công Sơn

Kết quả sơ bộ bầu cử tổng thống Ukraine: ‘Vua sô cô la” Poroshenko thắng áp đảo
CS truy bắt kẻ tẩm xăng đốt nhà như phim hành động
World Cup sẽ dùng công nghệ chống “bàn thắng ma”
Video: Lửa trong Vùng đất của Tuyết: Các vụ tự thiêu ở Tây Tạng

Đỉnh cao nghệ thuật đường phố
Liều mạng nhất hành tinh
Manaus, hành trình khám phá Amazon
Bóng đá đường phố Brazil
Thành phố Duyên hải Brazil
Rio Thành phố xinh đẹp Brazil
World Cup brazil nhìn từ trên cao
Brasilia _thành phố quyền lực Brazil
Salvador, Linh hồn châu phi của Brazil
Bài hát của tướng Thái Lan Prayuth gây “sốt” trên mạng
Trung Quốc: Rất sốc với những "GÓT SEN" lạ lùng
BÍ MẬT THẾ KỶ_ NHÀ TIÊN TRI VANGA
TÔI LÀ AI !?
Em bé 6 tuổi trở thành bà tuổi 60
Hitler nỗi giận vụ giàn khoan 981 ở biển đông bị 3 Tàu (China) chiếm đóng
Tôi “chắc chắn” rằng Tuyển Anh vào vòng 16 đội
Taj Mahal, India
Meteora, Greece.
Rio de Janeiro, Brazil
Maldives, Anantara Kihavah and Gili Lankanfushi
Beijing, China
Church of the Intercession of the Holy Virgin on the Nerl River, Russia
Casablanca, Morocco
Bagan, Myanmar
New 7 Wonders of the World
Mời xem: Những bài viết khác
Lê Sĩ Trị _ Video: THỂ THAO KTĐN CÓ MỘT THỜI NHƯ...RỨA Rémi Gaillard hưởng ứng mùa World Cup 2014 Thợ cắt tóc Neymar, ngư dân Rooney giải cứu bóng đá thế giới Mùa World Cup, trẻ vị thành niên Brazil bán dâm lấy một bao thuốc lá Rực lửa với các cô gái Brazil Hành trinh 6 tháng tới World cup 2014 Bữu bối: Bình xịt của trọng tài World cup 2014

Trộm phá xe lấy cắp đồ nghề ở Mỹ Kể chuyện ăn THỊT CẦY giữa phố Bolsa Quốc tịch USA gốc Á tại sao bị Vợ không cho về VN !? Nghề Nail người Việt tại Mỹ Đi gặp dân Việt "homeless" tìm sự thật việc kiếm tiền ăn Tết Chợ trời người Việt tại Orange County California Chợ đêm khu thương xá Phước Lộc Thọ, Little Saigon Gian nan của Người Mỹ gốc Châu Á Nghề 've chai' ở Little SaiGon Chợ 'chồm hổm' ở Houston

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template