Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Khánh Ly nghẹn ngào ngày trở về



Khánh Ly nghẹn ngào ngày trở về


Mọi thứ cảm xúc lắng đọng nhất đã ở lại với Khánh Ly trong đêm diễn kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ tại TT hội nghị quốc gia tối 9/5. Có khán giả đứng lên vỗ tay, có người hô tên nữ danh ca nhưng phần đông, họ muốn chiêm nghiệm về giá trị trong sự trở về của một người Hà Nội.



Khánh Ly trên sân khấu Hà Nội sau 60 xa cách (như lời nữ danh ca tâm sự) không phải là Khánh Ly của ngày xưa, hẳn nhiên. Bà đằm thắm hơn, mang nhiều trải nghiệm hơn và cũng hoài niệm, nhiều nỗi nhớ hơn. Điều đó được thấy cả trong giọng hát của bà, vẫn nội lực và có một chút gì da diết hơn xưa.







Live concert lần này, Khánh Ly hát bằng kỷ niệm buồn, bằng nỗi nhớ, bằng cả những tiếc nuối... Có một điều thay đổi ở Khánh Ly, nếu như ngày xưa, bà hát Biển nhớ, Như cánh vạc bay... nhẹ tênh tênh, thì giờ đây tiếng hát của bà mang cả sự trải nghiệm. Da diết và buồn hơn.



Khánh Ly cùng khán giả


Hạ Trắng, Cát Bụi, Tình nhớ, Tình xa... Khánh Ly tâm sự bằng thứ âm nhạc chơi vơi, khắc khoải, nhuộm buồn. Đặc biệt trong ca khúc quen thuộc Xin cho tôi của Trịnh Công Sơn, Khánh Ly đã có màn biểu diễn ăn ý với Hà Anh Tuấn khiến khán giả có những đồng cảm quý giá. Nếu như Khánh Ly có màn kết hợp đầy tâm trạng với ca sĩ Thái Châu ở Niệm khúc cuối, và duyên dáng cùng Tuấn Ngọc với Hãy yêu nhau đi thì màn song ca cùng ca sĩ trẻ Quang Thành ca khúc Ca dao mẹ lại chưa gây ấn tượng mạnh bởi Quang Thành hát chênh, phô quá nhiều...

Clip: Khánh Ly và Hà Anh Tuấn với ca khúc "Xin cho tôi"


Trong 3 khách mời Tuấn Ngọc, Thái Châu, Quang Thành và Hà Anh Tuấn thì có lẽ Hà Anh Tuấn là người đã gây không ít bất ngờ cho khán giả. Anh trình diễn Áo anh sứt chỉ đường tà của Phạm Duy tự tin, ngẫu hứng nhưng chín chắn, hoàn toàn thuyết phục được hầu hết khán giả có mặt tại khán phòng.

Có thể nói với bản lĩnh và sự tiết chế cảm xúc tốt, Khánh Ly trong suốt đêm nhạc không để khán giả thấy những giọt nước mắt (dù đôi lần vì quá xúc động bà cúi đầu gục trên gối) nhưng bà cũng khiến khán giả đôi lần phải lặng đi trước tình cảm chân thành, đôi khi nghẹn ngào trong giọng hát và trong cả những phóng sự quý giá là kỷ niệm của bà với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Clip: Khánh Ly hát "Biển nhớ"
 

Khánh Ly bảo có nhiều người đặt câu hỏi rằng theo bà ai là người hát nhạc Trịnh hay nhất và câu trả lời của bà đó chính là ông Trịnh Công Sơn. Nữ danh ca không giấu giếm mình là người dốt nhạc, không được đào tạo về thanh nhạc, thời kỳ đầu khi hát những ca khúc của Trịnh Công Sơn bà không hiểu lời bài hát. "Khi ấy tôi không dám hỏi vì sợ lộ dốt mà ông Sơn cũng không bao giờ cắt nghĩa cho tôi lời các bài hát. Nhưng phải thú nhận rằng tôi yêu những ca khúc da vàng bởi nó có thân phận, tình yêu. Nếu chịu khó nghe mọi người sẽ thấy hãnh diện và mãi mãi xin cho quê hương được bình an" - Khánh Ly trải lòng.



Khánh Ly

Khánh Ly cùng với khán giả.


Khánh Ly chia sẻ rất áp lực cho lần trở về này và hạnh phúc khi được hát cho những khán giả đã yêu thương mình. Nhưng đằng sau đó hẳn là bà muốn tìm lại ký ức, tìm lại quãng đời bị đánh mất của mình trong cuộc mưu sinh nơi xứ người. Có lẽ với Khánh Ly, sự trở về lần này hóa giải cho những nhớ nhung, cả những thương tổn đã qua trong cuộc đời bà.



Xuyên suốt đêm nhạc đều không có sự xuất hiện của MC hay người dẫn chuyện, không chiêu trò, cũng chẳng màu mè trong cách dàn dựng. Tất cả chỉ có Khánh Ly và những khách mời, khán giả và âm nhạc là chất xúc tác đưa bà đến gần với khán giả của mình.





Tất nhiên vẫn còn thiếu nhiều cho một cái tên Khánh Ly, đó là các ca khúc:Nhìn những mùa thu đi, Đóa hoa vô thường, Diễm xưa, Huế Sài Gòn Hà Nội... nhưng cảm xúc thì đã đủ cho một lần trở về, cho những ai muốn một lần thấy lại Khánh Ly bằng xương bằng thịt và được nghe lại giọng hát rất riêng của Khánh Ly mà họ đã đang và sẽ còn yêu mến.

Một số hình ảnh trong đêm nhạc:
Phút phiêu linh của nữ danh ca


Khánh Ly đắm say bên Thái Châu


Màn song ca ấn tượng của Khánh Ly và Hà Anh Tuấn


Nữ ca sĩ Thu Phương cũng về nước xem đêm nhạc Khánh Ly




70 tuổi nhưng Khánh Ly hát vẫn rất khỏe.



Khánh Ly và Thái Châu.



Khánh Ly bên 4 khách mời: Tuấn Ngọc, Hà Anh Tuấn, Thái Châu và Quang Thành.
Sơn Hà
Ảnh, clip: Mạnh Thắng



Những hình ảnh “trắng đen” của danh ca Khánh Ly

























Khánh Ly vừa hát vừa kể chuyện về Trịnh
Khi hát trên sân khấu Hà Nội tối 9/5, nữ ca sĩ cũng ôn lại những chặng đời gắn bó với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Chương trình "Live concert Khánh Ly" được tổ chức tối 9/5 tại Hà Nội đánh dấu sự trở lại của nữ ca sĩ sau gần 40 năm vắng bóng tại sân khấu quê nhà. Đây là cơ hội hiếm hoi để người hâm mộ được tái ngộ cô gái chân trần cất cao giọng hát theo tiếng đệm guitar mộc mạc của người nhạc sĩ họ Trịnh trong quán Văn Sài Gòn năm nào.

Bước sang tuổi 70, giọng hát Khánh Ly vẫn có sức truyền cảm đến lạ. Nữ ca sĩ thừa nhận bà "không biết tí gì về âm nhạc" bởi không được học chuyên sâu từ nhỏ, "chỉ biết giao phó mạng sống" của mình cho nhóm chơi nhạc cụ phía sau. Có lẽ chính vì vậy, cách nhả chữ phóng khoáng, hát theo bản năng nhiều hơn phô diễn kỹ thuật, đôi lúc bỏ mặc cả nhịp điệu của nhạc cụ xung quanh của Khánh Ly đến nay vẫn ít người bắt chước được. Những "Diễm xưa", "Tình xa", "Tình nhớ", "Cát bụi tình xa", "Như cánh vạc bay", "Hạ trắng"... của sân khấu hôm nay vẫn không có quá nhiều đổi khác.


Khánh Ly hạnh phúc trên sân khấu thủ đô tối 9/5.

Mỗi ca khúc nhạc Trịnh được Khánh Ly trình bày trong đêm nhạc đều đi kèm với một câu chuyện, "không có điều gì là ngẫu nhiên". Nhớ về thời "Tuổi đá buồn", Khánh Ly tâm sự ngày trước bà không hề biết đó là ca khúc viết cho mình. Hình ảnh cô gái bước chân tới nhà thờ Chánh toà Đà Lạt để học giáo lý đã tạo nên cảm hứng cho nhạc sĩ viết nên những ca từ ám ảnh. Nhưng đến khi cùng Khánh Ly thể hiện bài hát trong một chương trình, Trịnh Công Sơn chỉ nói rằng đó là mơ ước của ông về một thế giới lấy tình yêu làm tôn giáo. Khi ấy, người ta sẽ không còn đau khổ nữa. Ở đó, giáo đường tượng trưng cho nơi có tình yêu, chốn dành cho những người cô đơn tìm về cầu nguyện. Trước khán giả, bà kể chuyện chân thành như đang nói với chính bản thân.

Thời còn trẻ, Khánh Ly không hiểu hết được ý tứ trong mỗi ca khúc Trịnh Công Sơn sáng tác. Đến khi lớn hơn, nữ ca sĩ mới ngấm được phần nào nhưng cũng không dám hỏi nhạc sĩ bởi bà sợ bị coi là "dốt". Có một lần duy nhất, Khánh Ly hỏi Trịnh Công Sơn rằng: "Anh Sơn, sống trong đời sống quan trọng nhất là điều gì?". Khi ấy, nhạc sĩ đã cất lời hát rằng: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng" .

60 năm sống xa Hà Nội, live concert lần này cũng là cơ hội để Khánh Ly trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Bà nhớ về thời 9-10 tuổi còn sống tại số 106 Hàng Bông. Thuở còn chạy dọc dãy phố để nghe radio những bài hát "Em bé quê", "Bà mẹ quê" của nhạc sĩ Phạm Duy, thời thơ ấu của Khánh Ly chỉ biết đến lá "cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ" còn những điều thân thuộc về Hà Nội như "mái ngói thâm nâu", "hoa sữa" hay "bầy sâm cầm nhỏ" đối với bà hoàn toàn xa lạ. Trở lại quê hương sau nhiều năm xa cách, bà ngẫu hứng mời nhóm bè, những người Tràng An, lên hát cùng mình ca khúc "Hà Nội mùa thu". Đây cũng chính là bài hát đánh dấu kỷ niệm Trịnh Công Sơn chỉ cho Khánh Ly biết về đàn chim sâm cầm thường bay về Hà Nội để tránh rét.

Tuy vậy, dấu vết của thời gian phần nào cũng khiến giọng hát của Khánh Ly không còn như trước. Những nốt cao, sáng giờ đã hơi đục và khản, thể hiện rõ nhất khi bà hát đến đoạn: "Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng..." trong ca khúc "Biển nhớ". Đoạn đầu ca khúc "Tình sầu", Khánh Ly hơi bối rối khi vào lệch nhịp. Phần hát bè, phối cùng kỹ thuật âm thanh giúp cân bằng, làm cho phần biểu diễn của Khánh Ly trở nên nuột nà hơn. Việc lồng ghép video có thu sẵn một đoạn bài hát hoặc cách sắp xếp cho nữ ca sĩ hát một lời các ca khúc "Diễm xưa", "Tình xa", "Tình sầu" cũng giúp bà tiết kiệm được sức lực cho những bài hát về sau.

Sau 39 năm mới trở lại hát trước khán giả quê nhà, nên Khánh Ly tự đặt ra cho mình nhiều thử thách. Từ lúc đặt chân về Việt Nam cho đến khi tập dượt cho đêm nhạc ở trong Nam lẫn ngoài Bắc, bà không gặp mặt bất kỳ người thân nào, kể cả gia đình. Khánh Ly tâm sự: "Tôi bị áp lực. Chồng tôi lúc nào cũng muốn tôi ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên để mặc áo dài trông đẹp hơn. Bên cạnh đó, sự yêu mến quá lớn của khán giả cũng khiến tôi bị áp lực". Mong muốn có một đêm diễn trơn tru, bà đã phải tập luyện đến 4h sáng 8/5.


Nữ ca sĩ thể hiện hết mình bên các giọng ca trẻ..

Khánh Ly chia sẻ, bà không có tuổi thanh xuân như bao người khác nên thích làm việc với thế hệ trẻ, từ ca hát cho đến các công tác xã hội. Trong live concert lần này, nữ ca sĩ tỏ ra thích thú khi được làm việc với những gương mặt trẻ như Hà Anh Tuấn, Quang Thành và Thái Châu.

Ngoài các nhạc phẩm hát song ca như "Ca dao mẹ" (Quang Thành - Khánh Ly), "Niệm khúc cuối" (Thái Châu - Khánh Ly) và "Xin cho tôi" (Hà Anh Tuấn - Khánh Ly), các ca sĩ trẻ cũng tạo ra những dấu ấn riêng trong chương trình. Trong khi Thái Châu thuyết phục khán giả bằng chất giọng trầm ấm, mượt mà với bài hát "Về đây nghe em" của nhạc sĩ Trần Quang Lộc thì Hà Anh Tuấn lại thể hiện bản lĩnh với kỹ thuật trau chuốt và lối xử lý thông minh trong ca khúc "Áo anh sứt chỉ đường tà" của nhạc sĩ Phạm Duy.

Tuấn Ngọc góp mặt trong chương trình với ca khúc "Áo lụa Hà Đông" của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên và "Hãy yêu nhau đi" cùng Khánh Ly.

Các giọng ca được hoà quyện với hình ảnh, ánh sáng liêu trai trên sân khấu. Đó khi là chiếc lá mùa thu, mặt đất cằn cỗi, lúc là ô cửa kính nơi giáo đường với ánh nắng xuyên qua lung linh.


Khánh Ly xúc động khi hát "Một cõi đi về" để kết thúc chương trình.

Chương trình live concert 9/5 như một chuyến hành trình nhìn lại quá khứ của Khánh Ly. Ở đó, "tất cả vui, buồn, sướng, khổ đã đi qua. Chỉ còn tình yêu là ở lại". Bà hát như một cách mỉm cười với những kỷ niệm, yêu thương đã qua và chào đón những yêu thương nồng ấm ngày trở về. Càng hát, bà càng say, càng phiêu để cho thoả mơ ước "hát cho đến khi tắt tiếng".

Không ít người hâm mộ đã liên tục vỗ tay cổ vũ Khánh Ly tiếp tục hát sau khi bà kết thúc bằng ca khúc "Một cõi đi về" đầy xúc động. Anh Thọ (43 tuổi, đến từ TP HCM) chia sẻ: "Tôi nghe nhạc Khánh Ly từ những năm lớp 4-5. Đến ngày hôm nay, tôi vẫn cảm nhận được sức truyền cảm cũng như sự nồng nàn, da diết của cô trong từng câu hát. Thi thoảng, cô vẫn bị lỗi nhịp hoặc lên cao chưa được tốt vì sức khoẻ không cho phép nhưng điều đó không mấy quan trọng. Còn với các ca sĩ trẻ, tôi đánh giá cao nhất là Hà Anh Tuấn. Cậu ấy xử lý ca khúc rất khôn ngoan".

Một số khán giả trẻ tại Hà Nội cũng khẳng định sức truyền cảm trong giọng hát của Khánh Ly vẫn giữ nguyên như trước. Bên cạnh đó, họ cũng khen ngợi màn biểu diễn đơn ca của Hà Anh Tuấn vì "Áo anh sứt chỉ đường tà" không phải là một ca khúc dễ.

Thành Trương
Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Những khoảnh khắc khó quên trong live concert Khánh Ly

Khánh Ly xúc động khi hát "Khánh Ly mở đầu chương trình với các ca khúc quen thuộc như "Diễm xưa", "Tình xa", "Tình sầu".


Nam ca sĩ gây ấn tượng với "Sân khấu được đầu tư công phu cả về ánh sáng, hình ảnh và âm thanh


Hà Anh Tuấn song ca với chủ nhân đêm nhạc ca khúc "Xin cho tôi".


Nam ca sĩ gây ấn tượng với "Áo anh sứt chỉ đường tà", một ca khúc Khánh Ly chia sẻ rằng bà không thể hát được.




Tuấn Ngọc xuất hiện với lối hát lãng tử thường thấy


Anh cũng có những màn tình tứ bên Khánh Ly trên sân khấu


Toàn bộ sân khấu được thiết kế với hệ thống đèn chiếu và màn hình lớn


Khánh Ly nhớ về "Hà Nội mùa thu" với các ca sĩ thủ đô.


Các nam ca sĩ (từ trái sang) Tuấn Ngọc, Hà Anh Tuấn, Thái Châu, Quang Thành


Ca sĩ Thu Phương là một trong những người cổ vũ cho Khánh Ly từ đầu đến cuối chương trình.

Những ca khúc Da vàng, những tình khúc Trịnh Công Sơn qua giọng ca Khánh Ly đã trở thành một phần kỷ niệm của bao người bất kể ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Khánh Ly trong chiếc loa rè của thế kỷ trước với Khánh Ly hiện diện trên sân khấu Hà Nội dường như không có gì thay đổi.

"Tất cả vui buồn sướng khổ đã đi qua chỉ có kỷ niệm và tình yêu ở lại. Nếu không có kỷ niệm và tình yêu thì cuộc sống sẽ rất buồn. Hãy cùng bước vào cõi tình của Trịnh", Khánh Ly đã mở đầu cho đêm diễn Khánh Ly concert đêm 9-5 tại Trung tâm hội nghị quốc gia Hà Nội. Rồi Diễm xưa, Tình nhớ, Tình sầu, Cát bụi được cất lên.

Quãng giữa các bài hát là ký ức, về những cuộc hội ngộ của đời nghệ sĩ những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Khánh Ly hồi ức về Trịnh Công Sơn, về ý nghĩa của những ca từ của ông, về những ước mơ dang dở, những ước mơ không thành. "Lúc nào chúng tôi cũng ấp ủ mong muốn hát cùng nhau trên mọi nẻo đường Việt Nam. Và lần trở về này dù ông đi vắng nhưng tôi mong ông không thất vọng khi giao lại cho tôi", Khánh Ly chia sẻ.

Suốt buổi biểu diễn, Khánh Ly nhắc đến từ quê hương. "Tôi yêu các ca khúc da vàng nhiều hơn vì ở đó có tình yêu, có thân phận, có quê hương. Lúc nào cũng tự hào là người Việt Nam và luôn cầu cho quê hương luôn luôn bình an", Khánh Ly dẫn khán giả bước vào những ca từ xúc động: "Cho tôi đi nâng dậy hòa bình /Cho tôi đi qua tận gập ghềnh Nhìn dòng máu trong tim anh/Cho tôi xin tay mẹ nồng nàn/Cho tôi nghe chân trẻ rộn ràng/ Cho quê hương giấc ngủ thật hiền/ Rồi từ đó tôi yêu em…

Đồng hành với Khánh Ly trên hành trình ngược về kỷ niệm là Tuấn Ngọc, Thái Châu hay những giọng ca trẻ như Quang Thành, Hà Anh Tuấn.

Tuy đã 70 tuổi, nhưng Khánh Ly vẫn tràn đầu sức sống khi lên sân khấu. Bà chia sẻ rất nhiều. Và không chỉ hát nhạc Trịnh, Khánh Ly còn hát nhạc của Phạm Duy, Ngô Thụy Miên.

H. HƯƠNG
Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Khánh Ly: “Xin cho quê hương mãi bình an”
"Tôi luôn ao ước có một ngày được hát rồi chết luôn cũng được... Tôi yêu những ca khúc Da vàng của Trịnh Công Sơn vì trong đó có tất cả chủ đề - tình yêu, thân phận, quê hương. Nếu nghe kỹ bạn sẽ thấy hãnh diện vì được là người Việt Nam. Xin cho chúng ta và quê hương mãi mãi bình an", nữ danh ca Khánh Ly bộc bạch trên sân khấu khiến hàng ngàn khán giả ở Hà Nội xúc động.

Tối 9/5, người đàn bà hát, tên cúng cơm là Lệ Mai, đã cất tiếng ca trên sân khấu thủ đô sau 40 năm xa Việt Nam. Sau 60 năm - gần một đời người, bà trở lại quê gốc Hà Nội. Trong đêm “Khánh Ly Live Concert”, giọng hát của người đàn bà 70 tuổi không còn đanh giòn như chuông thuở đôi mươi, mà rền vang như... sấm dậy.

Cũng như tiếng hát của bà, đêm hòa nhạc Khánh Ly mở đầu bằng hiệu ứng âm thanh tiếng sấm. Một tiếng sấm dậy trong hội trường 4.000 chỗ ngồi.

Hạnh phúc vì phải gánh áp lực “được yêu”

Sau khi bước ra sân khấu, Khánh Ly mặc áo trắng nữ sinh, buông tóc hát Tình Nhớ. Bài hát này vốn được Trịnh Công Sơn khi còn sống viết từ cảm hứng một lần gặp lại "người cũ" sau 10 năm xa cách. Khánh Ly hát Tình Nhớ để gặp lại khán giả thủ đô sau 60 năm. Tiếp theo là Biển Nhớ da diết như bào vào tim người nghe.







Trước sự yêu mến của khán giả, Khánh Ly chia sẻ, được yêu cũng là một áp lực. Bà nói: “Tình yêu đôi khi là gánh nặng cho người được yêu. Vậy xin quý vị thoải mái. Bởi nếu tôi cũng căng mà quý vị cũng căng quá thì sẽ đứt.” Bà cảm kích nói thêm: “Sự có mặt của tôi làm nhiều người khổ quá. Có nhiều người trong ban tổ chức phải lo lắng vì tôi. Tôi chưa bao giờ thấy được nuông chiều đến vậy. Nếu mình tôi, tôi chẳng làm được gì cả nhưng có các anh các chị giúp đỡ, hy vọng không làm các bạn thất vọng.”

Sau đó, Khánh Ly đứng im và tiếp tục hát. Khán giả chỉ thấy cử động duy nhất từ cơ thể bà là chiếc cổ rướn lên cao thêm hoặc ngoảnh vuông sang trái phải. Cùng lúc, từ người ca sỹ "bất động" toát ra một nội lực mạnh như nam châm, hút khán giả theo lời hát.
Khánh Ly như "mọc rễ" chắc nịch trên sân khấu - một cái cây biết hát, reo vui trong gió quê nhà. Từng lời ca từ cái cây ấy rơi ra như những viên đá cuội đẹp lấp lánh, lăn về phía người xem.

Say sưa hát đến gần cuối chương trình, danh ca vẫn chưa hết áp lực. Trong một khoảnh khắc, giọng bà run run: “Tôi có nhà, có gia đình ở đây, Hà Nội và cả Sài Gòn. Nhưng tôi thậm chí chưa về nhà thăm gia đình. Bởi tôi sẽ bị ảnh hưởng nếu làm vậy trước đêm diễn. Tôi muốn tập trung sức lực cho tối nay.” Đối với người phụ nữ tự nhận mình gần đất xa trời ấy, chỉ còn tiếng hát là ý nghĩa. Bà và tiếng hát đã là một thể thống nhất.

"Xin cho quê hương mãi mãi bình an"

Khi mới đi hát cùng Trịnh Công Sơn những năm 1960 ở Sài Gòn cũ, Khánh Ly từng quá run nên phải bỏ guốc, đi chân trần để đứng hát cho vững. Từ đó, bà được người hâm mộ đặt biệt danh: “nữ hoàng chân đất”. Còn giờ đây, bà được gọi là danh ca và dẫn dắt câu chuyện trên sân khấu đầy trải nghiệm, dí dỏm mà sâu sắc nhưng đôi khi vẫn còn... run.

Trước khi hát bài Như Cánh Vạc Bay, bà mượn lại lời cũ để khéo nói ý mới: “Nếu biết đưa em về mà chắc chắn xa nghìn trùng thì tôi sẽ không đưa ai về đâu. Để chúng ta không bao giờ xa nhau hay mất nhau.” Không chỉ dí dỏm, cách dẫn chuyện của MC kiêm ca sỹ khiến người xem phải ngẫm. Trước khi hátHạ Trắng, bà chia sẻ: “Ông Trịnh không viết nhạc ngẫu nhiên đâu, mà những gì ông nhìn và nghe thấy đi vào nhạc rất dễ dàng. Ngày xưa tôi còn nhỏ không hiểu ông muốn nói gì qua lời hát. Sau này, có tuổi, tôi mới hiểu một phần thôi.”

Bà tiếp: “Tình yêu đi qua rất nhanh nhưng tình nghĩa thì còn mãi. Một lần yêu nhau là chúng ta có nghĩa với nhau. Vì thế, tôi mong các khán giả trẻ đang yêu xin gọi mãi tên nhau như thế.” "Gọi mãi tên nhau" vốn là câu hát cuối trong bài Hạ Trắng nổi tiếng.

Khi tâm sự về thân phận người ca sỹ, Khánh Ly khiến người xem như chạm đến điều riêng tư nhất. “Tôi luôn ước có một ngày được hát rồi chết luôn cũng được. Một người đi hát, họ hát cho bản thân trước. Nhạc sỹ cũng vậy, bài hát nói nỗi lòng. Có nhiều điều không thể nói cùng ai được, ngay cả với chồng mình và con mình. Nên họ chỉ biết nói nỗi lòng với bài hát thôi.”

Có thể coi lời chia sẻ ấn tượng nhất đêm nhạc là phần dẫn dắt vào ca khúc Xin Cho Tôi. Ca khúc này vốn nằm trong tập nhạc Ca khúc Da Vàng IV phát hành trước năm 1975. Xin Cho Tôi mới đây được cấp phép biểu diễn trong các chương trình nhạc Trịnh Công Sơn trong nước. “Tôi yêu những ca khúc Da vàng của Trịnh Công Sơn vì trong đó có tất cả chủ đề - tình yêu, thân phận, quê hương. Nếu nghe kỹ bạn sẽ thấy hãnh diện vì được là người Việt Nam. Xin cho chúng ta và quê hương mãi mãi bình an”, Khánh Ly nói.

Xin Cho Tôi được Khánh Ly song ca cùng ca sỹ trẻ Hà Anh Tuấn. Lời bài hát kể về hành trình của một người Việt Nam mong mỏi quê hương được thanh bình, được hạnh phúc và hãy để tình yêu cất cánh.

Những chia sẻ của Khánh Ly trong suốt đêm nhạc đã khiến chương trình vượt tầm của một đêm biểu diễn giải trí hay nghệ thuật thông thường. Bởi đêm nhạc không chỉ là kỷ niệm riêng của Khánh Ly mà cả với người hâm mộ.

Là người biểu diễn cũng là người "cầm phách chính", Khánh Ly đã khiến đêm nhạc của mình có nhịp mạch và tiết tấu giống một bộ phim hay. Tới nỗi, đêm biểu diễn đi đến phút cuối nhưng người xem vẫn tưởng như vừa bắt đầu.

Hình ảnh đáng nhớ cuối cùng trong đêm diễn 9/5, là khi bà ngồi bó gối trên sân khấu Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia và hát Một Cõi Đi Về. Bà xúc động hết cúi đầu lại ngửa mặt lên trần. Càng về cuối, giọng hát của bà càng khiến người nghe như say rượu cay.

Người đàn bà hát đã trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Bà hát, nói lên nỗi lòng, kỷ niệm bản thân, và nói lên tiếng lòng của con người nói chung. Với ca khúc Như Một Lời Chia Tay, bà đã chạm vào tim khán giả tự bao giờ.









Và những hình ảnh khác ….






















Đêm Khánh Ly - cuộc hạnh ngộ với giọng hát đã thành kỷ niệm
Gặp mặt, tìm lại cảm xúc là mong muốn của phần đông khán giả đến với đêm diễn Khánh Ly tại Hà Nội. Không màng giọng hát hay hay dở, họ chỉ cần thấy danh ca hiện diện ở đó, cất tiếng hát hóa giải niềm khao khát hàng chục năm.

Hà Nội ngày đầu tháng 5 năm 2014, danh ca Khánh Ly trở về sau 60 năm rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, và 39 năm tiếng hát không còn trực tiếp vang trên những con đường, góc phố Việt Nam ngoại trừ qua băng đĩa. Như Khánh Ly nói, bà giờ đã thành kỷ niệm. Thế nên, còn hạnh phúc nào hơn với những người hâm mộ Khánh Ly - hâm mộ nhạc Trịnh Công Sơn khi kỷ niệm của họ bỗng một ngày trở lại, hiện diện ngay trước mắt.

Khánh Ly đứng đó - bằng da thịt, cất tiếng nói, giọng cười, câu hát. Với cả danh ca và hầu hết khán giả có mặt trong đêm diễn tối 9/5, đêm nhạc như một giấc mơ đã thành sự thật.



Có thể nói, khán giả đến với Khánh Ly là những người xem âm nhạc Khánh Ly như một phần cuộc sống. Đa phần, họ là những người lớn tuổi, trung niên, thuộc thành phần trí thức, từng có một thời thức ngủ với giọng hát liêu trai của nữ hoàng chân đất. Họ, trước hết, là những người đi tìm kỷ niệm.

Vé đêm diễn ghi bắt đầu lúc 19h30 nhưng từ 18h, ông Đỗ Huy Chiến, 75 tuổi, đã đèo người vợ 70 tuổi của mình - bà Vũ Thị Minh Châu - tới địa điểm. Hai ông bà đi hơn 10 km, từ Hoàng Mai, Hà Nội tới Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Mỹ Đình. Họ có hơn 34 năm nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh kể từ những năm 1980, khi bộ phim Em còn nhớ hay em đã quên có Lê Công Tuấn Anh trình chiếu, cho họ lần đầu biết tới nhạc Trịnh rồi biết tới giọng hát liêu trai.

“Nhạc Trịnh nổi tiếng nhờ Khánh Ly, nhưng ngược lại, Khánh Ly cũng nhờ Trịnh Công Sơn mà được mọi người biết đến. Thực ra, ca sĩ hát nhạc Trịnh nhiều nhưng tôi vẫn thích những đĩa hát của Khánh Ly”, ông Chiến nói. Ông bà cưới nhau được 50 năm. Trong nhiều năm của 50 năm đó, họ đã cùng nhau nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh mỗi khi rảnh rỗi. Đến khi cả hai đã qua tuổi thất thập, họ mới được đèo nhau trên chiếc Dream cũ, tới nghe một Khánh Ly có thật ngoài đời. “Cốt yếu đến là để gặp, để thưởng thức chứ không đòi hỏi gì. Không quan trọng đâu, làm sao đòi hỏi Khánh Ly như ngày trước”, ông Chiến nói.

Với nhà thơ Anh Ngọc, một khán giả khác của đêm nhạc, tiếng hát Khánh Ly và âm nhạc Trịnh Công Sơn còn hơn cả kỷ niệm mà là “cú hích” mở toang nửa phần con người ông. Nhà thơ kể: “Đêm đầu tiên giải phóng Sài Gòn, tôi mua được một cái cassette nhỏ và được người ta lắp cho cái băng để thử, đó là băng Hát cho quê hương Việt Nam. Tôi nằm trong doanh trại bỏ không của sư đoàn thủy quân lục chiến Sài Gòn một mình, bật quạt và mở băng lên. Đấy là giờ phút có tính lịch sử với tôi, bởi nó như một cú hích. Đột nhiên nhạc Trịnh cất lên, cái tiếng đó là tiếng ở trong lòng tôi vốn có, tiếng mà con người bình thường ai cũng có, nhưng do hoàn cảnh thời sự, đành phải đóng lại - đến nỗi có lúc mình quên mất, tưởng như không có. Nhạc Trịnh đến, đấm một cái, mở tung cánh cửa”. Và giúp Anh Ngọc mở ra cánh cửa đó chính là giọng hát Khánh Ly.

Nhà thơ nhận xét, Khánh Ly sở hữu giọng hát không cần kỹ thuật, hát tự nhiên như kể câu chuyện. Giọng hát ấy mềm mại, trầm được, cao được, lại khàn khàn nên hát về những mất mát càng thêm sâu sắc. “Bao nhiêu năm qua, tôi chưa từng hy vọng được nghe trực tiếp, bởi một khi thành huyền thoại rồi thì không còn sờ được nữa. Thực ra chúng ta hôm nay đang đối mặt với một hiện vật trong bảo tàng, đáng lẽ chỉ xuất hiện trong giấc mơ, trong cổ tích. Nhiều người cứ bảo đến để nghe giọng hát hay. Hay trên đời này thiếu gì, nhưng giọng hát đi vào máu của mình thì vấn đề không phải là hay hay dở nữa. Nó là một nửa cuộc đời”, nhà thơ nói.



Nhưng Khánh Ly đã về, đã đứng hát rất gần. Không chỉ những mái tóc hoa râm, những người trẻ thuộc thế hệ 8X cũng hòa trong khoảng 3.500 khán giả tới show. Họ đến đơn thuần là để gặp giọng hát đã gắn bó một thời sinh viên nghèo mà vui, thời hay rủ nhau tới quán nhỏ trên phố ngồi nghe nhạc Trịnh. Trong số đó có cả niềm háo hức như trẻ con "lâu nay nghe tiếng chứ có thấy hình đâu, gặp được cô quả là một may mắn" của một giáo viên sinh năm 1983.

Người đi tìm kỷ niệm, có người đến là để gặp lại người quen. Ông Nguyễn Văn Mùi, từng làm cho một doanh nghiệp Pháp, cho biết, ông quen bố mẹ nữ danh ca nên đã gặp và nghe bà hát nhiều lần và cảm nhận: "Giọng hát với con người cô ấy hệt như nhau: rất chân thật, mộc mạc, không giả dối. Trong giọng hát có cái ngây thơ. Khi cô ấy hát, tấm lòng cô ấy mở ra với mọi người".

Cũng có những người, ngoài yêu thích tiếng hát, còn muốn chứng kiến một hiện tượng - Khánh Ly hát tại quê nhà sau 39 năm khác biệt sẽ như thế nào. Ông Nguyễn Đức Toàn, 77 tuổi, mới từ Canada về nước một tháng nay. Mắc chứng Parkinson, ông Toàn được anh trai và vợ đưa đến đêm nhạc trên xe lăn. Ông từng nghe giọng hát mình yêu mến nhiều lần ở Canada nhưng "chưa hình dung được thần tượng của mình diễn sống ở Hà Nội, và muốn xem cảm giác mọi người nhìn Khánh Ly qua thực tế ra sao".

Dù với bất cứ lý do gì, cuộc trở về của "nữ hoàng chân đất" giữa lòng Hà Nội đã là cuộc hạnh ngộ.

Chút e dè, căng thẳng, áp lực ban đầu như còn thăm dò nhau nhanh chóng được hóa giải khi chính Khánh Ly cởi lòng: “Tình yêu đôi khi là gánh nặng cho người được yêu. Quý vị yêu tôi nhiều quá làm tôi áp lực. Quý vị căng thì tôi cũng cảm thấy căng, mà cả hai bên đều căng thì sẽ đứt”. Sau câu nói đó, tiếng vỗ tay vang lên, giúp cho đêm nhạc không còn bất cứ rào cản tâm lý nào nữa.

Càng về sau, Khánh Ly hát càng sung. Khán giả im lặng nghe rồi vỗ tay cuối mỗi bài hát càng lớn hơn, dài hơn. "Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ" - câu hát gần cuối đêm nghe như nghẹn nhưng lại không một giọt nước mắt. Bởi dư vị sau cùng không phải sự ngậm ngùi, tiếc nuối vì quá lâu xa cách, hay vì điều gì đó đã theo thời gian mà vơi nhạt. Dư vị sau cùng chính là cuộc trở về đã làm đầy thêm yêu thương, viên mãn cho cả người vừa trở về lẫn người ở nơi này, như câu hát của Trịnh: “20 năm vơi cạn lại đầy”. Dẫu là 20 hay 39 năm, thậm chí xa hơn là cả một đời người 60 năm thì “vẫn là thuở nào”.

Ra về, trong cuộc trò chuyện với bạn bè, Minh Thu, đến từ Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, cảm giác: "Mọi người chưa ai có tâm thế ra về". Như khi chương trình kết thúc, Khánh Ly đã lui vào hậu trường, một nhóm khán giả lớn tuổi còn lên sân khấu đòi bằng được "cho chúng tôi gặp thần tượng". Như Tuấn Ngọc nói trong đêm diễn, Khánh Ly chắc chắn là hạnh phúc.

Hoàng Anh

Các bài viết về danh ca Khánh Ly

Chuyện chưa kể về lần trở về của Khánh Ly
Khánh Ly nghẹn ngào ngày trở về
Tuổi thơ dữ dội của Khánh Ly
Sớm muộn tôi cũng về, Khánh Ly
Như chưa hề có cuộc chia ly: Ra đi rồi trở lại, Khánh Ly
Khánh Ly mang hoa hồng vàng viếng mộ NS Trịnh Công Sơn


Sky thân tặng Bích Liên nhân đại hội Quảng Đà 2014
Đại Hội, tiền Đại Hội Liên Trường Quảng Đà 2014_Phần cuối
Tiền Đại Hội Liên trường Quảng Đà_ Santa Clara Convention Center
Đại hội Liên trường Quảng Đà_ Santa Clara Covention Center 2014
Sky3 chúc mừng : HỌP MẶT KỸ THUẬT HUẾ – 04-05-2014
AHKTĐN đón tiếp thầy TT Liệu và thầy cô VQ Hảo
Lưu lạc 5.800 km từ Mèo Vạc sang tận Pakistan

Chuyện chưa kể trở về lần nầy của danh ca Khánh Ly
Khánh Ly nghẹn ngào ngày trở về
“Tuổi thơ dữ dội” của ca sỹ Khánh Ly
Sớm muộn tôi cũng về _ Khánh Ly
Như chưa hề có cuộc chia ly: Ra đi rồi trở lại
Khánh Ly mang hoa hồng vàng viếng mộ NS Trịnh Công Sơn

Kết quả sơ bộ bầu cử tổng thống Ukraine: ‘Vua sô cô la” Poroshenko thắng áp đảo
CS truy bắt kẻ tẩm xăng đốt nhà như phim hành động
World Cup sẽ dùng công nghệ chống “bàn thắng ma”
Video: Lửa trong Vùng đất của Tuyết: Các vụ tự thiêu ở Tây Tạng

Đỉnh cao nghệ thuật đường phố
Liều mạng nhất hành tinh
Manaus, hành trình khám phá Amazon
Bóng đá đường phố Brazil
Thành phố Duyên hải Brazil
Rio Thành phố xinh đẹp Brazil
World Cup brazil nhìn từ trên cao
Brasilia _thành phố quyền lực Brazil
Salvador, Linh hồn châu phi của Brazil
Bài hát của tướng Thái Lan Prayuth gây “sốt” trên mạng
Trung Quốc: Rất sốc với những "GÓT SEN" lạ lùng
BÍ MẬT THẾ KỶ_ NHÀ TIÊN TRI VANGA
TÔI LÀ AI !?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template