GS Hoàng Tụy
Nhớ GS Hoàng Tụy, thầy tóc bạc - lòng son
Những năm GS Hoàng Tụy ở tuổi xế chiều, không hiểu sao tôi thường liên tưởng đến Nguyễn Du. Tôi chưa từng thấy ai vẽ chân dung Nguyễn Du bao giờ, nhưng ấn tượng trong tôi về ông là mái đầu bạc sớm...
Mỗi khi đến phòng làm việc của mình, tôi thường đi qua phòng thầy Tụy. Thầy thường đến sớm nhất Viện Toán học, nên nhìn vào lúc nào cũng thấy mái đầu bạc của thầy cặm cụi trên trang sách. Những khi ấy, tôi hay nhớ đến những câu của Nguyễn Du:
Sinh vị thành danh thân dĩ suy/ Tiêu tiêu bạch phát mộ phong xuy
(Tự thán I. Sống chửa nên danh đã yếu gầy/ Phơ phơ tóc bạc gió chiều bay - dịch: Nguyễn Quang Tuân).
Mải mê với công việc, với đời
Cũng như Nguyễn Du, mái đầu thầy Tụy bạc sớm ngay từ tuổi 30. Phải chăng những ai luôn đau đáu trong lòng về nhân tình thế thái thì đầu sớm bạc? Mái đầu bạc, nhưng tấm lòng thầy thật trẻ.
Tôi nhớ lại năm tôi về Viện Toán học, thầy Tụy 40 tuổi. Tôi khi đó vừa ra trường, 21 tuổi. Thấy thầy suốt ngày làm việc, tôi nghĩ: "Chắc khi người ta đã già, không còn nhiều ham muốn nữa thì ai cũng có thể chăm như vậy!". Đến khi tôi tròn 40 (đã "già"), thì tôi mới hiểu ra: chăm chỉ hay không đâu có phụ thuộc vào già hay trẻ.
Sau này, tôi lại càng thấy mình già hơn cả thầy nhiều. Tôi già hơn vì đôi lúc đã thấy muốn "vui thú điền viên", trong khi thầy vẫn miệt mài với công việc như mấy chục năm về trước. Tôi già hơn vì lắm khi thấy những điều đáng nói, đáng viết mà vẫn "lười", vẫn "ngại". Thầy không thế, thầy viết nhiều, viết gay gắt, sâu sắc về những vấn đề của giáo dục, của cuộc sống.
GS Hoàng Tụy nhận giải thưởng “Giáo dục” từ tay bà Nguyễn Thị Bình - nguyên phó chủ tịch nước CHXHCN VN, chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh - năm 2011
Tóc thầy bạc từ mấy chục năm qua, nhưng thầy vẫn trẻ trung như mấy mươi năm về trước. Mải mê với công việc, với cuộc đời, thầy không còn thời gian để già đi! Trong khoa học, không nhiều người vẫn làm việc tích cực ở tuổi xế chiều. Trong cuộc đời, lại càng hiếm những người cao niên nhưng lúc nào cũng là hiện thân của những tư tưởng mới.
Thầy Tụy là người như thế. Không hoài cổ, không chịu bó hẹp trong cái thế giới quen thuộc trong hàng chục năm của mình. Những ý tưởng của thầy lúc nào cũng mới, cũng cách mạng.
Những bài giảng cuốn hút
Những ai đã từng được may mắn nghe các bài giảng của thầy đều không thể nào quên ngọn lửa của tình yêu toán học mà thầy luôn biết cách truyền cho họ với một niềm say mê lớn. Tôi còn nhớ vào năm 1966, khi khoa toán Trường đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên vùng rừng núi Đại Từ, Thái Nguyên, các bài giảng của thầy Tụy bao giờ cũng là các bài giảng lôi cuốn sinh viên nhất.
Có hôm, khi giảng về lý thuyết tập hợp và những nghịch lý của nó, thầy Tụy say sưa đến nỗi quên nghỉ giải lao và chúng tôi cũng chỉ nhận ra cái đói (triền miên của thời sinh viên sơ tán) sau bài giảng kéo dài hai tiếng của thầy!
Các bài giảng của thầy Tụy thành công có lẽ không chỉ vì ông trình bày bao giờ cũng rõ ràng, sâu sắc, biến mọi điều phức tạp thành dễ hiểu, mà chính là vì lòng say mê toán học của ông đã truyền sang cho người học. Học với thầy, tôi nhận ra rằng cái khó nhất và là cái chủ yếu nhất trong giảng dạy chính là ở chỗ đó. Cả khi không đứng trên bục giảng, ông vẫn luôn là một thầy giáo tận tụy của lớp trẻ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa chúc mừng GS Hoàng Tụy nhân sinh nhật ông 90 tuổi năm 2017
Tôi còn nhớ những năm Viện Toán học mới thành lập, trình độ ngoại ngữ của cán bộ còn non, thầy đã dành rất nhiều thời gian chữa cho họ những lỗi chính tả, ngữ pháp tiếng Anh, tiếng Pháp, giúp họ hoàn chỉnh các bài nghiên cứu trước khi gửi ra nước ngoài.
Và chính thầy cũng không ngại ngần khi học tập lớp trẻ. Có lần vào năm 1981, khi chuẩn bị làm một báo cáo ở Viện Toán học tính toán Matxcơva, ông đã nhờ một nghiên cứu sinh trẻ đi theo để nếu cần thì giúp ông về tiếng Nga, vì ông ngại rằng lâu ngày không dùng tiếng Nga có thể bị lúng túng. Khi ra về, anh bạn trẻ đã kể lại là không thể giúp ông gì hơn, vì ông đã làm một báo cáo bằng tiếng Nga quá hoàn hảo. Là một nhà giáo mẫu mực, ông không bao giờ chấp nhận sự hời hợt, cẩu thả. Các bài viết qua tay ông đều phải chữa đi chữa lại nhiều lần. Ông nghiêm khắc với chính mình và cũng dạy cho lớp trẻ biết nghiêm khắc với bản thân họ.
Giáo sư Hoàng Tụy có nhiều đóng góp cho khoa học, cho nền giáo dục Việt Nam. Ông đã viết hơn 100 công trình trên các tạp chí quốc tế. Ông đã được tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự, đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt đầu tiên. Tưởng thế cũng đã là đủ cho một cuộc đời, một sự nghiệp. Nhưng không, với ông đóng góp bao nhiêu cho khoa học, cho đất nước vẫn là chưa đủ. Niềm say mê với khoa học, nỗi niềm đau đáu với nền giáo dục nước nhà vẫn ấm nóng cho tới khi ông rời xa.
GS Hoàng Tụy năm 80 tuổi - Ảnh tư liệu
Theo thông tin từ gia đình, GS Hoàng Tụy - nhà toán học tiêu biểu của Việt Nam - đã qua đời chiều 14-7.
Cùng với giáo sư Lê Văn Thiêm, ông là một trong hai người tiên phong trong việc xây dựng ngành toán học Việt Nam. Giáo sư Hoàng Tụy được coi là cha đẻ lĩnh vực tối ưu hóa toàn cục (global optimization) trong toán học ứng dụng. Ông cũng là sáng lập viên Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) mà ông là chủ tịch hội đồng viện.
Tháng 3-1959, giáo sư Hoàng Tụy trở thành một trong hai người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ khoa học toán - lý tại Đại học Lomonosov ở Matxcơva. Từ năm 1961 - 1968, ông là chủ nhiệm khoa toán Đại học Tổng hợp Hà Nội; viện trưởng Viện Toán học Việt Nam từ năm 1980 - 1989.
Tháng 8-1997, nhân dịp giáo sư tròn 70 tuổi, Viện Công nghệ Linköping (Thụy Điển) tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề "Tìm tối ưu từ địa phương đến toàn cục" để tôn vinh giáo sư Hoàng Tụy, "người đã có công trình tiên phong trong lĩnh vực tối ưu toàn cục và quy hoạch toán học tổng quát".
Người cháu của Tổng đốc Hoàng Diệu
Giáo sư Hoàng Tụy là một nhà toán học VN nổi tiếng trong làng toán học thế giới. Nhưng ít ai biết rằng để đi trên con đường khoa học, để giữ được nhiệt huyết trong trái tim ở tuổi 78, ông đã trải qua bao nhiêu thăng trầm, chông gai...
Từ khi còn là cậu học trò trường huyện cho đến khi trở thành một nhà toán học nổi tiếng, ít ai biết cha của ông gọi tổng đốc thành Hà Nội Hoàng Diệu - người anh hùng dân tộc bảo vệ thành Hà Nội trong cuộc tấn công của quân Pháp năm 1885 - là bác ruột. Mẹ đẻ của Hoàng Diệu cũng chính là bà cụ nội của cậu bé Hoàng Tụy. Về người mẹ, người dân Điện Bàn (Quảng Nam) còn lưu truyền một câu chuyện: Hoàng Diệu làm quan lớn của triều đình, rất mực thanh liêm, nhà rất nghèo.
GS Hoàng Tụy cùng các SV tại Trường ĐH Nagoya (Nhật). Ảnh tư liệu của GS Hoàng Tụy
Ra Hà Nội nhậm chức tổng đốc, thương mẹ già ở xa nên ông có nhờ người mang về biếu mẹ một tấm lụa may áo. Nhận được quà của con, bà cụ không những không vui mừng mà còn gửi trả lại kèm theo một... chiếc roi. Hoàng Diệu nhận roi, ân hận lắm, biết mẹ nhắc mình không nên ham bổng lộc, tư lợi để dân khổ. Sống trong môi trường giáo dục ấy, không ai ngạc nhiên khi thấy đại gia đình nhà họ Hoàng ở Quảng Nam dù làm quan lâu năm nhưng ai nấy đều nghèo.
Năm 1946, 19 tuổi, Hoàng Tụy đỗ tú tài toàn phần tại Trường Quốc học Huế và tự mày mò học toán với những tài liệu bằng tiếng Pháp mà ông tìm được. Ra Hà Nội tiếp tục học Trường CĐ Khoa học chưa đầy hai tháng thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Hoàng Tụy về quê, làm giáo viên toán trong chiến khu của Liên khu 5.
“Biết kháng chiến gian khổ, đường sá xa xôi, tôi đã đi lùng mua khắp các hiệu sách cũ Hà Nội và ôm về quê một thùng tài liệu to. Vừa dạy học vừa nghiên cứu toán, tôi cứ âm thầm làm như thế một mình”, GS Hoàng Tụy nhớ lại. Năm 1951, khi hay tin GS toán học Lê Văn Thiêm từ Pháp về nước tham gia kháng chiến, Hoàng Tụy đi bộ ba tháng trời ra Việt Bắc để gặp thần tượng.
Ngày ấy chính phủ kháng chiến muốn đào tạo một thế hệ những tài năng khoa học cho tương lai nên đã cử ông sang Trung Quốc du học, nhưng thật bất ngờ, tất cả những kiến thức ở Trường ĐH Nam Ninh, Trung Quốc đưa ra giảng dạy, Hoàng Tụy đã tự học hết từ lâu rồi. Vậy là điều kỳ lạ xảy ra: một học sinh tốt nghiệp tú tài, chưa từng học ĐH đã trở thành một trong những giảng viên ĐH đầu tiên trong nền giáo dục nước VN Dân chủ cộng hòa về môn toán và đưa sang Nga đào tạo thành nhà khoa học.
“Người trí thức không chịu sống hèn”
GS Hoàng Tụy (giữa) trao đổi với các nhà toán học quốc tế tại một hội thảo tổ chức ở Thụy Điển mừng GS Hoàng Tụy tròn 70 tuổi. Ảnh tư liệu của GS Hoàng Tụy
Phong trào “vừa hồng vừa chuyên” dấy lên trong các trường ĐH từ giữa những năm 1960 đã đẩy những nhà khoa học cơ bản như ông Hoàng Tụy vào tình trạng của những người “chỉ biết làm khoa học thuần túy”. Nhiều người đã vội chụp cho những nhà khoa học hàng đầu VN như Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy cái mũ “biến giảng đường thành viện nghiên cứu”.
Nhưng được sự ủng hộ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Giáo dục Tạ Quang Bửu ngày ấy, Hoàng Tụy đã cùng nhiều giảng viên khoa toán lao vào nghiên cứu khoa học. Ngoài những giờ lên lớp, dù ở Hà Nội hay dưới mưa bom của Mỹ tại nơi sơ tán ở Đại Từ, Thái Nguyên, họ vẫn say sưa nghiên cứu.
Nhưng một số người không thể đi lên bằng chuyên môn ngày ấy thì “tổng công kích” vào phái “chuyên môn thuần túy”. Những cuộc họp hành, kiểm điểm liên miên khiến Hoàng Tụy căng thẳng đến phát điên.
Chưa hết, chủ trương thành lập lớp chuyên toán đầu tiên của ĐH Tổng hợp - nơi thu nhận những mầm non toán học khắp cả nước về đào tạo từ năm đầu trung học, nơi có những học sinh sau này làm rạng danh khoa toán tổng hợp như Đào Trọng Thi (giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội), Trần Văn Nhung (thứ trưởng Bộ GD-ĐT), Đặng Hùng Thắng (thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường)... và là nơi đầu tiên cử học sinh đi thi các kỳ thi toán quốc tế - đã bị coi là bệnh “thiên tài chủ nghĩa”.
Các giáo viên lớp chuyên toán cũng bị qui kết cùng với ông Hoàng Tụy là làm méo mó đầu óc của các em, mưu cầu lợi ích cá nhân. “Suốt 5-6 năm trời, chúng tôi cứ ngày ăn, đêm về thắp đèn dầu viết kiểm điểm hoặc họp kiểm thảo, không được lên lớp dạy nữa" - GS Hoàng Tụy hồi tưởng với giọng điềm đạm.
Trong một lần gặp mặt giữa Thủ tướng Phạm Văn Đồng với các nhà khoa học, ông xin Thủ tướng cho chuyển công tác sang Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước để “tiện nghiên cứu khoa học hơn”. Thủ tướng đồng ý, ông chuyển công tác và sáng lập Viện Toán. Năm 1970, GS Lê Văn Thiêm cũng chuyển sang, các ông đồng lòng xây dựng Viện Toán thành cơ quan nghiên cứu đầu ngành về toán học ở VN.
Các nhà khoa học trẻ VN cho đến hôm nay không thể nào quên hình ảnh của vị viện trưởng đầu tiên: cả trong những ngày tháng gian nan nhất, khi cả nước phải ăn bo bo để sống, khi các nghiên cứu sinh thắp đèn dầu, vừa đánh muỗi đen đét vừa phe phẩy quạt nan để làm toán, ông vẫn không cho phép họ sống lúi xùi, ẩu tả, đánh đổi cuộc sống vật chất tạm thời để nuôi toán.
Những năm đầu sau khi thống nhất đất nước, khi các trí thức phải đi nuôi lợn, ép dép nhựa gia công, khi hàng ngàn tiến sĩ, nghiên cứu sinh đổ sang Đông Âu đi buôn..., ông vẫn kiên trì khuyến khích các đồng sự của mình: “Hãy hết lòng với toán, người trí thức không chịu sống hèn”.
Nhiều người nói GS Hoàng Tụy là một người cô đơn trong khoa học. Có thể ông cô đơn nhưng không hề cô độc, ông là một trong những trụ cột của toán tối ưu thế giới, là cha đẻ của trường phái Tối ưu toàn cục, người sáng lập và tổng biên tập tạp chí Tối Ưu Toàn Cục được xuất bản bằng tiếng Anh, Nhật, Đức nổi tiếng trong thế giới toán học.
Ông nói: “Cái chính là có niềm say mê với cuộc sống, say mê với điều mình đã tin tưởng và lựa chọn, nó giúp mình vượt qua được tất cả những gì đắng cay, buồn bã nhất”. Cả cuộc đời khoa học của GS Hoàng Tụy được minh chứng cho chân lý giản dị ấy.
Để tạo điều kiện cho cán bộ trong Viện Toán vượt qua cuộc sống khó khăn, bằng uy tín cá nhân của mình, GS Hoàng Tụy cho công bố các công trình nghiên cứu của họ trên các tạp chí toán học uy tín của thế giới. Ông giới thiệu với các GS bè bạn ở các ĐH danh tiếng để tìm kiếm những vị trí giảng dạy tốt nhất cho các tài năng toán, những suất học bổng tốt nhất khắp các trường từ Mỹ, Nhật, Úc, Pháp... mang về cho các nhà khoa học VN trong tương lai. Có những năm học bổng Humbol - học bổng cao nhất của Đức dành cho các nhà toán học khắp thế giới - có 20 suất thì có đến 17 người đến từ VN.
Theo: Int
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn