'Khó tin việc xây đường sắt tốc độ cao với 26 tỷ USD'
Nhiều chuyên gia ủng hộ phương án xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 200 km/h nhưng không tin suất đầu tư chỉ 26 tỷ USD như Bộ KH&ĐT đưa ra.
Viadeo: Đường sắt cao tốc trên cao
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng được giao làm Chủ tịch Hội đồng.
Trong khi đó, đề xuất xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với chi phí 26 tỷ USD, giảm vận tốc chạy tàu xuống 200 km/h, kết hợp cả chở khách và chở hàng của Bộ KH&ĐT gây nhiều ý kiến tranh luận, đặc biệt trong giới chuyên gia.
Nhiều chuyên gia ủng hộ phương án đầu tư của Bộ KH&ĐT song đề nghị giải trình chi tiết hơn về con số 26 tỷ USD - ít hơn tới 32 tỷ USD so với phương án Bộ GTVT đang xây dựng
"Trên 30 tỷ USD để xây đường sắt tốc độ 200 km/h"
Trao đổi với Zing.vn, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB GTVT, cho rằng con số 26 tỷ USD để xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mà Bộ KH&ĐT đưa ra có thể chưa chính xác.
"Riêng tuyến cao tốc Bắc - Nam đã hơn 10 tỷ USD, trong khi đường sắt thường phải gấp 3 đến 4 lần đường bộ. Nên con số chính xác theo tôi phải trên 30 tỷ USD", TS Thủy nói.
GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp của ĐH GTVT, thì khẳng định giá cả đưa ra sẽ còn sai số rất nhiều. Ông cũng cho rằng "tiền nào, của nấy", nếu xây công trình với 26 tỷ USD như đề xuất của Bộ KH&ĐT thì chắc chắn chất lượng sẽ kém hơn phương án 58,7 tỷ USD của Bộ GTVT.
GS.TS Lã Ngọc Khuê nêu ý kiến tại Hội nghị Báo cáo cuối kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Bộ GTVT tổ chức. Ảnh: Ngọc Tân.
GS.TS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, từng soạn một bản phúc trình công phu để kêu gọi xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với vận tốc 200 km/h. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của mình, ông đưa ra tổng mức đầu tư lớn hơn 26 tỷ USD.
Mức đầu tư mà ông Khuê đưa ra cho tuyến đường sắt Bắc - Nam vận tốc 200 km/h là 32,798 tỷ USD. Con số này đã giảm so với 58,7 tỷ USDcủa Bộ GTVT nhưng vẫn nhiều hơn mức 26 tỷ USD mà Bộ KH&ĐT vừa đưa ra.
Nếu vẫn quyết định đầu tư theo thiết kế 350 km/h, Việt Nam sẽ là nước nghèo nhất (tính theo GDP) có đường sắt cao tốc.
GS.TS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT
Ngoài khác biệt về ước tính tổng mức đầu tư, phương án đề xuất của GS Lã Ngọc Khuê tương đối giống với Bộ KH&ĐT. Ông Khuê khẳng định xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với vận tốc khai thác tối đa 200 km/h vừa chở khách, vừa chở hàng là hợp lý hơn phương án mua tàu vận tốc 350 km/h, chỉ chở khách mà Bộ GTVT đề xuất.
"Nếu vẫn quyết định đầu tư theo thiết kế 350 km/h, Việt Nam sẽ là nước nghèo nhất (tính theo GDP) có đường sắt cao tốc", ông Khuê nhận định và lo ngại về nguy cơ tất cả các dự án hạ tầng giao thông trong 30 năm tới sẽ phải đình hoãn, nằm bất động để nhường mọi nguồn lực xây đường sắt.
GS Khuê cũng cho rằng việc đầu tư ngay một công trình đường sắt theo chuẩn cao tốc (350 km/h) có nguy cơ khiến Việt Nam mất quyền chủ động, lệ thuộc công nghệ, để đối tác nước ngoài làm chủ và thâu tóm mọi hợp đồng triển khai dự án. Quan sát những khó khăn tại dự án đường sắt đô thị thời gian qua là có thể nhận thấy những nguy cơ trên.
"Có ý kiến cho rằng lựa chọn công nghệ đường sắt cao tốc kiểu Shinkansen là một cách đi tắt đón đầu, tiến thẳng vào hiện đại và rằng rồi chúng ta sẽ được chuyển giao công nghệ. Có lạc quan quá không khi công nghệ độc quyền chính là hàng rào vững chắc nhất để các đối tác nước ngoài độc chiếm lâu dài những thị trường mà họ đã tạo ra?", GS Khuê nêu vấn đề.
Khai thác 200 km/h rồi sau này nâng lên cao tốc?
Theo GS Lã Ngọc Khuê, dù giảm bớt suất đầu tư nhưng phương án xây đường sắt 200 km/h vẫn sẽ giữ nguyên một vài thông số tuyến cùng chi phí đầu tư theo dự toán trong Báo cáo tiền khả thi của Bộ GTVT. Việc này đảm bảo nâng cấp tuyến lên đường sắt cao tốc trong tương lai thay vì "đập đi xây lại" như lo ngại của Bộ GTVT.
Bộ GTVT mong muốn xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo hình mẫu tàu Shinkansen của Nhật Bản. Ảnh: CNN..
Các thông số không thay đổi so với Báo cáo tiền khả thi gồm khổ đường 1.435 mm, khổ giới hạn của cầu đường và đầu máy toa xe cùng với cự ly giữa 2 tim đường, lý trình toàn tuyến, bán kính các đường cong nằm ngang và thẳng đứng, tải trọng thiết kế, độ dốc theo trắc dọc tuyến...
Trên cơ sở đó, chi phí cho các hạng mục như nền đường, cầu, hầm, hạ tầng các ga, giải phóng mặt bằng về cơ bản không khác biệt giữa phương án đầu tư đường sắt 200 km/h với đường sắt cao tốc (350 km/h) sẽ tạm tính theo các số liệu của Báo cáo tiền khả thi.
TS Nguyễn Thanh Bình (Phó trưởng Khoa Tài chính - Đầu tư thuộc Học viện Chính sách và Phát triển), cho biết toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ gồm 5 bước: (1) Lập báo cáo tiền khả thi và để Hội đồng thẩm định phê duyệt, (2) Lập báo cáo khả thi và phê duyệt quyết định đầu tư, (3) Chủ đầu tư lập kế hoạch đầu tư, kế hoạch ngân sách, (4) Giải ngân và thực hiện đầu tư, (5) Bàn giao, đưa vào sử dụng.
Việc Thủ tướng lập Hội đồng thẩm định Nhà nhà nước để thẩm định báo cáo tiền khả thi mới là chuẩn bị kết thúc bước đầu tiên của quá trình đầu tư dự án.
Tàu Bắc - Nam chạy tốc độ 200 km/h không thể cạnh tranh được với hàng không và các phương tiện khác
Tổng giám đốc TEDI Phạm Hữu Sơn
Với tốc độ 200 km/h, hành trình Hà Nội - TP.HCM và ngược lại của các đoàn tàu khách hết 8 giờ.
Phương án mà GS Lã Ngọc Khuê đưa ra được nhiều chuyên gia giao thông hưởng ứng, tuy nhiên Bộ GTVT lại không nêu trong Báo cáo tiền khả thi trình Chính phủ.
Lý giải về vấn đề này, ông Phạm Hữu Sơn (Tổng giám đốc TEDI - đại diện liên danh tư vấn cho dự án), cho rằng tàu Bắc - Nam chạy tốc độ 200 km/h sẽ không thể cạnh tranh được với hàng không và các phương tiện khác.
Ông Sơn cũng cho rằng Bộ GTVT đề xuất công nghệ chạy tàu tương tự tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản - công nghệ đang được nhiều nước áp dụng, là xu thế của thế giới.
XEM THÊM
3 Bệnh viện có bãi đáp trực thăng sắp hoạt động
Video: Ngựa hoang
Video: Niệm Khúc Cuối
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn