Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019

Nỗi đau “gửi” cả vào tên con





Dở khóc, dở cười khi có tên “chẳng giống ai”


Đặt tên con theo lòng thù hận, đặt tên con do “nghiện” phim Hàn, đặt tên con khi thần tượng lãnh tụ, nghệ sĩ nước ngoài, đặt tên con dài để gây ấn tượng… Đó là 101 lý do một số ông bố, bà mẹ đã “tặng” cho con mình cái tên mà khiến những chủ nhân ấy dở khóc, dở cười.


Hai chị em có tên Hàn Quốc: San Ốc và cô em Sun U

Nỗi đau “gửi” cả vào tên con

Nguyễn Thị Thù Hận,18 tuổi, ở Ý Yên (Nam Định) là một cô gái xinh xắn, đáng yêu. Chỉ vì cái tên mẹ đặt mà Thù Hận luôn phải sống nép mình.

Mẹ cô mang thai cô được 8 tháng cũng là lúc bố cô bỗng nhiên cầm hết tài sản, bỏ nhà đi theo người phụ nữ khác để lại mẹ trong căn nhà xập xệ, trống hơ, trống hoác. Đau đớn tình phụ, sau khi sinh con xong, mẹ cô đã đặt tên con gái là Thù Hận.

Lúc đi học, bị bạn bè trêu chọc, mỉa mai, dè bỉu tên cũng như hoàn cảnh gia đình, Thù Hận luôn khóc thầm và sống lặng lẽ. Đến khi năm 18 tuổi, nghe nhiều người khuyên, cô tìm tới cơ quan tư pháp xin được đổi tên thành Nguyễn Thị Bình An. Cô gái mong muốn, cuộc sống sau này của cô được bình an, không còn nước mắt như những ngày thơ bé.

Cũng giống như Thù Hận, một số trẻ bị bố mẹ “gửi” nỗi đau của mình vào tên con: Vũ Thất Tình, Hoàng Đớn Đau, Lý Oán Trách, Võ Bi Quan, Nguyễn Sầu Thảm… Đặc biệt, có người sở hữu tên Phạm Nhân. Rất nhiều người “xoay” tên gọi anh là: “Ơ, kẻ tù tội mới ra trại kìa…”. Sở hữu những cái tên đó, đa phần họ cảm thấy buồn, tổn thương, mặc cảm vì bị bạn bè, những người xung quanh trêu trọc, bàn tán làm ảnh hưởng cuộc sống của họ.




Một cái tên mang nỗi đau

Ngoài những tên “đầy nước mắt”, có một số ông bố bà mẹ còn đặt tên con nghe lạ tai và hài ước. Chị Ánh Dương đi đến đâu, mọi người đều chú ý. Không phải về ngoại hình của chị mà chính là cái tên bố chị đặt cho mang “thương hiệu” người có tên dài nhất tỉnh Thái Nguyên: Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương. Theo lời ông Đào Sinh Hoạt (Đại Từ, Thái Nguyên), ông đặt tên con dài là: “Mong muốn con có một tương lai sán lạn, khi đi học nhất định sẽ được thầy cô giáo chú ý, vì thế nó sẽ học tốt hơn.”

Không chỉ gây chú ý, tên của chị vô tình “làm khó” cho thầy, cô và những người viết danh sách hay các giấy tờ: Hộ khẩu, giấy tờ hộ tịch, sổ điểm khi đi học, sổ học bạ, giấy khen, thẻ sinh viên, giấy chứng mình thư...Vì tên quá dài trong khi ô viết danh sách tên thì nhỏ, nên người người viết chữ khó có thể viết hết tên một cách đầy đủ. Không có cách nào khác, họ phải viết tắt.




Tên gọi khiến người đọc hụt hơi

Còn có những cái tên: Ngô Thị Hải Thụ Thái Quỳnh Phương, Nguyễn Trần Lê Đại Đăng Khoa Tân Tú, Nguyễn Thế Trân Châu Bảo Ngọc Huyện Hoàng, Hoàng Thị Ngọc Bích Kim Cương, Công Tằng Tôn Nữ Phương TrangCông Tằng Tôn Nữ Phương Linh, Công Tằng Tôn Nữ Long Lanh Như Hạt Sương Sa khiến người đọc phải đọc… hụt hơi.

Các ông bố, bà mẹ mong muốn tương lai của con “long lanh” đã đặt tên con. Nhưng “long lanh” đâu chưa thấy, chỉ thấy các con mình gặp rắc rối về thủ tục ghi tên. Có người nửa cười, nửa mếu: “Tên tôi dài quá nên nhiều người đặt nickname và gọi tôi là… “Tên Dài” cho tiện và dễ nhớ.

Khổ vì tên “nhạy cảm” và “sốc”

Ngỡ chỉ những tên “nhạy cảm” đầy dân dã như: Cu, Hĩm, Bướm, Âm Hộ, Ấy… chỉ có ở thời các cụ, giữa thế kỷ XX trở về trước. Bởi, theo quan niệm xa xưa, họ đặt tên các con càng xấu, càng dễ nuôi. Các con tên đẹp sẽ bị… ma quỷ để ý, bắt đi. Nhưng, thế kỷ XXI, thời đại 4.0, nhiều người phải khóc dở, mếu dở vì những tên này.

Hoàng Thị Bướm, sinh năm 2002 đi đâu cũng bị bạn bè cợt nhả, hỏi han về “nguồn gốc” của tên. Bạn bè cùng lớp của Bướm còn gọi lái sang là: Hoàng Thị… Nhạy Cảm! Khổ cho cô bé khi nghe vậy đều mặt đỏ tía tai vì… quá xấu hổ. Không chỉ có vậy, ở cùng trường có nam sinh có tên là Nguyễn Đức Cu. Bạn bè đã chế họ thành một đôi và vẽ hình bướm và cu lên bảng học cho đúng… “tên dành cho hai người”. Xấu hổ tới nỗi, Bướm phải xin nghỉ học khiến cô giáo phải giáo huấn lại đám học trò tinh nghịch.




Tên gọi "nhạy cảm"

Một số người khác lại đặt tên con “không đụng hàng” bằng cách mượn tên của các ca sĩ nước ngoài rồi “sáng tác” thành tên con mình. Phòng Tư pháp huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, từ năm 1991 trở lại đây, nhiều gia đình trên địa bàn sính “ngoại”, thích đặt tên cho con theo kiểu “Đông -Tây kết hợp”. Ông Nguyễn Hữu Phương và bà Ngô Kim Thùy đã tới UBND xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đăng ký khai sinh cho con là Nguyễn Phương Vivian. Bà Hồ Thị Kim Em lại tới UBND xã Phong Hòa đăng ký khai sinh cho con là Nguyễn Thành Spring. Trường hợp khác, cả hai anh em cùng một nhà tên Huỳnh Two School Boy, Huỳnh Tree School Boy đã được bà Nguyễn Thị Tím đăng ký khai sinh.

Hơn chục năm trước cái tên San Ốc và cô em Sun U là hai cái tên được báo chí nhắc nhiều khi viết về những làng bà con Cơ Tu nơi miền biên ải đặt tên con theo phim Hàn Quốc, Trung Quốc.

Thời đó, cả 2 chị em San Ốc và cô em Sun U được báo chí gọi là những đứa con bước ra từ phim Hàn nơi làng Achiing, xã A Tiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam. Mỗi khi có ai đó hỏi về hai cô con gái, người bố tỏ ra nuối tiếc khi cái tên con gắn cả cuộc đời lại xa lạ nơi miền rừng này: “Chừ ngồi nghĩ lại thấy tội cho con bởi đến lớp bạn bè thường hay trêu chọc, rồi người ta tò mò vì cái tên xa lạ với bà con đồng bào mình.

Do hồi nớ vợ chồng mình còn trẻ, lần đầu được xem phim nên thích và mê lắm. Nhất là mấy diễn viên xinh đẹp nên lấy tên đặt cho con. Ai ngờ các con bị bạn bè, người xung quanh trêu chọc…”.




Một cái tên "nhạy cảm" khác

Một cán bộ tư pháp xã A Tiêng, giở sổ hộ tịch bảo: May quá, mấy năm nay không thấy bóng dáng của những cái tên gây sốt một thời như: Giang Gun, SoRa, Đê Chan Kưm…Chắc người dân vùng này “bão hòa” phim Hàn rồi”. Lại có người đặt tên theo phim Trung Quốc: Bao Công, Hoàn Châu Cách Cách, Ngộ Không… hay tên một nhân vật hoạt hình: Pikachu, Đoremon, Tặc Răng…

Nơi núi rừng sâu thẳm của huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi), một số khác lại đặt tên cho con mình “sốc” hơn bằng việc mượn tên của các hãng điện thoại nổi tiếng. Chị Đinh Thị Xí- dân tộc Cadong đã đặt tên con mình là Đinh Nôkia. Chị Xí lý giải cái tên “quảng cáo thương hiệu không công” này: “Coi tivi có cái điện thoại Nôkia thích quá nên tôi đặt tên cho con luôn. Tôi còn có đứa con gái thứ hai có tên của diễn viên Hàn Quốc là Đinh Thị Pi Ti nữa”.

Ngoài cái tên Nôkia, đồng bào Cadong còn đặt tên cho con mình theo những hãng điện thoại khác như: Đinh Sam Sung, Đinh Motorola…Sở dĩ có nhiều cặp vợ chồng trong làng đặt tên con theo tên hãng điện thoại là bởi họ thích có được cái điện thoại nhưng vì nghèo, không có tiền mua nên lấy tên các hãng điện thoại đặt tên cho con như thể mình “đã có cái điện thoại”. Số khác lại đặt những cái tên thành phố nước ngoài như: Thượng Hải, Hồng Kông, Sê Un… ước mơ sau này sẽ đặt chân được tới đó.

Đặt lại tên cho con vì hối hận

Đặt tên cho con là việc quan trọng đối với mỗi gia đình khi đón nhận thêm một thành viên mới. Cái tên gắn bó cả đời với mỗi con người, bởi vậy, một cái tên “nhạy cảm” hay tên “hổng giống ai” sẽ tạo rắc rối cho chính chủ nhân đó.




Tên gọi không giống ai

Cũng theo cán bộ pháp xã A Tiêng, nhiều già làng buồn vì nhiều ông bố, bà mẹ đặt tên “lai tạp” cho con, đọc tên trẹo cả quai hàm dễ dẫn tới phôi pha văn hóa dân tộc.

Bị làng “phản ứng”, không ít trường hợp không chịu nổi “gánh nặng” tên của mình đã cùng bố mẹ đến cơ quan tư pháp đổi tên. Ngay tại Sơn Tây của tỉnh Quảng Ngãi, hàng chục trường hợp bắt đầu xin cải chính tên cho những đứa trẻ bước ra từ phim Hàn một thuở. Những cái tên như Alăng BôRa thì được cải chính thành Alăng Bè, Alăng Thị LinĐa xin đổi lại thành Alăng Thị Tiểu Niên. Có những cái tên đọc “líu cả lưỡi” như Alăng Thị Thiên Thân Asở (thôn Blố 1, xã Avương) được đổi lại tên Alăng Thị Kiều Oanh…

Pháp luật Việt Nam quy định, trong trường hợp thuộc một trong các khoản tại điều 28 Bộ luật Dân sự 2015 thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:

Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó; Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt; Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình; Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi; Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính; Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.




Thêm một cái tên khác lạ

Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó. Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ. Các bậc phụ huynh muốn thay đổi tên cho con thì chỉ cần làm tờ khai theo mẫu và giấy tờ liên quan gửi tới cơ quan đăng kí hộ tịch.

Trong thời gian ba ngày làm việc mà nhận đủ giấy tờ theo quy định nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan thì công chức tư pháp tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi cải chính hộ tịch. Đối với việc thay đổi tên trong giấy khai sinh sẽ sẽ ghi nội dung thay đổi vào giấy khai sinh.

Bảo châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. Những người bạn của Sky+ - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template