Sơ Lê Thị Xoài tặng quà cho bệnh nhân Khoa Tâm thần Bệnh viện Nhân Ái
BÀI 3: Đắng lòng những cảnh đời có "H": Những ngày đáng sống
Với các bệnh nhân điều trị HIV giai đoạn cuối, thời gian ở bệnh viện là những ngày đáng sống nhất dẫu cuộc đời chỉ còn tính bằng ngày, tháng
Sát căng-tin Khu Nội A Bệnh viện Nhân Ái (tỉnh Bình Phước) kê một cái bàn dài có ghế hai bên. Đây được xem như "câu lạc bộ" để các bệnh nhân trải lòng, sẻ chia tình cảm sau khi mua gói mì tôm hoặc nhu yếu phẩm từ căng-tin trước khi về phòng nghỉ.
Muộn màng hai chữ "hoàn lương"
Tiếp xúc với nhiều bệnh nhân có "H" ở Bệnh viện Nhân Ái sau thời gian được điều trị và chăm sóc sức khỏe, các bệnh nhân đều có chung một ước vọng hoàn lương và hòa nhập cộng đồng. Nhiều người muốn trở về nhà với gia đình, vợ con, cha mẹ.
Ông Huỳnh Minh Đ. (42 tuổi, quê ở TP HCM) bị AIDS giai đoạn cuối, đang điều trị ở Khoa Chăm sóc đặc biệt. Nhìn bề ngoài lạc quan, thường xuyên vui đùa của ông, ít ai nghĩ Đ. đang đối mặt với "án tử" và sẵn sàng "ra đi" bất cứ lúc nào.
20 năm trước, Đ. nghe lời rủ rê của bạn bè đi chích hút ma túy cho vui. Ai ngờ, lần hút chơi đó cuốn ông vào cơn lốc của "nàng tiên nâu" không tài nào dứt ra được. Năm 1996, Đ. được đưa đi cai nghiện bắt buộc. Sau một năm cai nghiện, ông trở về TP HCM để hòa nhập cộng đồng nhưng lại tái nghiện và chuyển sang chích ma túy. Giữa năm 1997, Đ. thấy người có biểu hiện khác lạ, nổi hạch toàn thân. Nghi ngờ nhiễm "H", ông đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM xét nghiệm thì nhận được kết quả dương tính "H" trong máu. Không dám thông báo cho vợ con, ông Đ. bỏ nhà đi biệt tăm.
Cuối cùng, Đ. cũng trở về nhà và thông báo cho vợ con mình nhiễm "H". Được vợ con động viên, ông đến Bệnh viện Nhân Ái điều trị HIV từ cuối năm 2007. Hiện nay, mỗi ngày, ông Đ. vẫn uống thuốc ARV đều đặn với hy vọng sống được ngày nào hạnh phúc ngày đó.
"Tôi có đứa con gái 21 tuổi, con trai học lớp 9. Vợ và 2 con đều khỏe mạnh. Tôi không còn cha mẹ, vợ con lâu lắm mới lên thăm một lần. Mỗi lần thăm, vợ không muốn cho con gái đến gần tôi. Nhìn con, tôi thương lắm nhưng biết làm sao. Giờ nghĩ lại hối hận đâu kịp nữa. Muộn quá rồi nhưng tôi vẫn muốn hoàn lương" - ông Đ. tâm sự.
Buồng 4 ở Khoa Chăm sóc đặc biệt có 6 bệnh nhân. Thời gian sống đối với họ bây giờ chỉ tính bằng ngày, tháng. Dẫu vậy, mọi người đều có chung một tinh thần lạc quan, chia sẻ để cùng nhau vui sống và sẵn sàng "ra đi" nhẹ nhõm bất cứ lúc nào.
Trần Văn K., tóc bạc phơ, răng rụng gần hết, cho biết ông vào bệnh viện đã gần 10 năm. Với ông, bệnh viện là nhà, những người có "H" là người thân. "Anh em thương nhau như ruột thịt, có cà phê, sữa cùng chia nhau uống" - ông K. bộc bạch.
Dù bệnh nặng hay nhẹ, nghiện nhiều hay ít, tất cả bệnh nhân đến đây điều trị sau một thời gian đều hối hận. Nhiều bệnh nhân thổ lộ ở bệnh viện đáng sống hơn ở nhà bởi được các bác sĩ, y tá, các sơ chăm sóc tận tình và thương yêu. Nói đến cái chết, họ không sợ vì họ đã sẵn sàng để ra đi.
Hy sinh thầm lặng
Để chăm sóc 351 bệnh nhân có "H", đặc biệt là những bệnh nhân giai đoạn cuối, ngoài đội ngũ y - bác sĩ có chuyên môn còn phải kể đến 8 nữ tu sĩ tận tụy. Họ đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau, tự nguyện vào bệnh viện này làm việc nghĩa.
69 tuổi, gắn bó với Bệnh viện Nhân Ái từ ngày đầu thành lập, sơ Lê Thị Xoài không nhớ nổi đôi tay đã nâng đỡ bao bệnh nhân, bao lần giặt giũ quần áo và bao lần rơi nước mắt trước cơn đau đớn quằn quại của người bệnh. Song mỗi lần giúp người bệnh nhận ra được những sai lầm trong quá khứ và muốn sống để làm lại cuộc đời, bà lại có thêm một niềm vui thầm lặng.
"Chúng tôi không có gia đình riêng hay hạnh phúc vợ chồng vì đã tình nguyện vào đây là chỉ có cống hiến, hy sinh. Gia đình là bệnh viện; bạn bè, người thân là bệnh nhân. Những nữ tu như chúng tôi xem niềm vui lớn nhất là được cống hiến cho cộng đồng, không bao giờ mưu cầu hạnh phúc riêng tư cho mình" - sơ Lê Thị Xoài nói.
Còn sơ Thu Thủy (30 tuổi, nữ tu trẻ nhất, quê TP HCM) gắn bó với Bệnh viện Nhân Ái từ năm 2015. Ngần ấy thời gian sơ Thủy tiếp xúc, chăm sóc cho hàng trăm lượt bệnh nhân như thay băng phần lở loét, giặt giũ quần áo, dọn phóng uế. Chưa bao giờ sơ Thủy có ý định từ bỏ nơi này dẫu những việc đang làm khá cực nhọc và luôn có nguy cơ phơi nhiễm, gặp rủi ro bất cứ lúc nào.
Lần đầu nhìn thấy bệnh nhân mang căn bệnh thế kỷ, có trường hợp lở loét quanh người, rộp cả miệng, sơ Thủy cũng hoảng hốt. Nhưng rồi thấy các bệnh nhân quằn quại đau đớn, sơ không cầm được nước mắt. Khi nhỏ từng giọt sữa vào miệng các bệnh nhân, có người la lên "Con đau lắm sơ ơi!", rồi hét thật to. Theo sơ Thủy, bệnh nhân có "H" thường sức khỏe xấu đi vì nhiễm trùng cơ hội. Nhiều người chết vì một bệnh khác như lao phổi bị kháng thuốc, nấm loét, ung thư chứ nếu chỉ có "H" không và sống lạc quan, rèn luyện thể lực tốt thì sức khỏe cũng như người bình thường.
"Mình đã tự nguyện lên đây, tự nguyện dấn thân chăm sóc các bệnh nhân thì còn ngại ngùng gì nữa. Lúc đứng bên ngoài, nhìn những người nhiễm HIV giai đoạn cuối thì sợ hãi nhưng khi tiếp xúc với họ, thấy mạng sống của họ đang chết dần, mình không thể làm ngơ. Những người có HIV có một hoàn cảnh khác nhau. Người nhiễm do ăn chơi trác táng, đến lúc hối hận mới xin vô đây; người bị phơi nhiễm; người bị lây nhiễm từ người tình hoặc vợ chồng. Cũng có cả bệnh nhân là con đại gia, con ca sĩ nổi tiếng. Khi đã vô đây, đa số bệnh nhân nặng và xác định không có ngày trở lại với gia đình" - sơ Thủy kể.
Giữa rừng núi âm u rộng lớn hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài, để chăm sóc người bệnh có "H" và gắn bó cả đời ở đây, phải là người can đảm, có tấm lòng nhân ái mới trụ nổi. Đối với các sơ, được phục vụ người bệnh là một cơ duyên. Nhiệm vụ của sơ là tình nguyện, nâng đỡ tinh thần, giúp họ nhận thức và hòa nhập cộng đồng, sống vui, sống khỏe với quãng đời còn lại.
Bệnh viện Nhân Ái hiện có 8 nữ tu sĩ, 2 người là y tá kiêm điều dưỡng hưởng lương của nhà nước trả hằng tháng theo quy định, còn 6 người không có lương mà chỉ nhận phụ cấp 1,8 triệu đồng/tháng. Thức ăn cho bệnh nhân có một phần do các mạnh thường quân quyên góp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn