Những bệnh nhân AIDS vẫn yêu đời, vui vẻ.
Nghiệt ngã những mảnh đời nhiễm AIDS: Bài 2 - Ánh sáng cuối đường hầm
Bao nhiêu bệnh nhân đang điều trị HIV giai đoạn cuối ở bệnh viện Nhân Ái, là ngần ấy nỗi niềm, hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có chung một nhận thức: Những ngày ở bệnh viện là những ngày đáng sống nhất. Bởi họ được gột bỏ bụi đời, hướng thiện, hoàn lương, dẫu thời gian sống đối với họ chỉ tính bằng tháng, bằng ngày.
Những ngày đáng sống
Ngay sát căng-tin khu nội A của bệnh viện kê một cái bàn dài có ghế hai bên, đây được ví như “câu lạc bộ” để các bệnh nhân trải lòng tâm tư, sẻ chia tình cảm sau khi mua gói mì tôm, hoặc nhu yếu phẩm từ căng-tin trước khi về phòng nghỉ.
Đã thành thông lệ gần một năm qua, cứ ngày cuối tuần, Nguyễn Thành Th. (bệnh nhân nghiện ma túy đá, 26 tuổi đến từ Củ Chi, TPHCM) lại đến “câu lạc bộ” này để tìm người sẻ chia. Th. không ngần ngại nói về bản thân: “Em đến đây từ trại cai nghiện Phú Văn được 8 tháng rồi. Cuối tuần nào em cũng ra đây mong được chia sẻ với ai đó. Em biết cũng chẳng để làm gì, nhưng ít nhất thấy lòng nhẹ nhõm”.
Th. kể, 5 năm trước, hoàn cảnh gia đình bố mẹ bỏ nhau, Th. đi bụi đời rồi nghiện đá lúc nào chẳng hay. Khi biết mình đã sa vào vũng lầy của ma túy đá thì đã quá muộn.
Không nơi nương tựa, không người thân thích, Th. bơ vơ giữa dòng đời cùng đám bạn nghiện. Tháng 2.2016, một lần Th. đang “phê” ma túy đá ở cạnh chuồng heo bỏ không ngoài cánh đồng lúc chập choạng tối cùng ba đứa bạn khác thì bị công an gom lên trại cai nghiện Phú Văn. Sau gần 8 tháng cắt cơn, Th. được chuyển đến bệnh viện Nhân Ái do tràn dịch màng phổi. Khi tôi hỏi nghiện đá lâu chưa? Th. không ngần ngại chia sẻ: “Em nghiện 5 năm rồi. Em không chích mà chỉ hít ma túy đá. Em cũng xét nghiệm rồi, em không bị nhiễm “H”. Th. còn chia sẻ thêm: “Em bị bắt lần đầu. Bây giờ em sợ lắm rồi. Người nghiện đá hổng như người bình thường, mắt lúc nào cũng trừng trừng, vầng thâm quầng như mất ngủ và luôn có cảm giác ảo”.
Từ chỗ chưa đầy 40 kg, sau 8 tháng cai nghiện ma túy, Th. đã tăng 54 kg. Th. bảo, khi chưa vào trại cai nghiện nghe sợ lắm, nhưng vào rồi mới thấy môi trường ở đây khá tốt: “Em được dạy dỗ, lao động, tập thể dục và ăn uống theo chế độ mà trước đó chưa bao giờ có”.
Qua rồi cái thời “đêm rình mò trộm vặt, chiều hút, sáng ngủ”, từ một thanh niên nghiện ngập, Th. giờ đây là một chàng trai khỏe mạnh và hoàn toàn đoạn tuyệt với làn khói trắng. Hồi tưởng lại những ngày đau khổ, Th. ứa nước mắt nói: “Lầm lạc trong vũng bùn ma túy, em không sao dứt ra được. Em cũng muốn bỏ lắm, nhưng không sao xa rời được đám bạn xấu. Lúc lên cơn nghiện cái gì cũng có thể làm, kể cả giết người. Khi tỉnh lại hứa với lòng mình bỏ nghiện, nhưng đã là con nghiện chẳng có lời hứa cuối cùng. Hứa hôm nay, mai lại ngựa quen đường cũ. Vào đây được chăm sóc sức khỏe, em như tìm thấy ánh sáng cuộc đời. Em cũng muốn hòa nhập cộng đồng, nhưng gia đình em giờ cũng không có, ba mẹ em giờ không biết ở đâu. Em sẽ xin bệnh viện ở lại phục vụ cho những bệnh nhân AIDS. Sống ở đây một ngày còn có ý nghĩa hơn nhiều”, Th. chia sẻ.
Muộn màng hai chữ “hoàn lương”
Tiếp xúc với nhiều bệnh nhân có “H” ở bệnh viện Nhân Ái sau thời gian được các bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên điều trị và chăm sóc sức khỏe, tất cả các bệnh nhân đều có chung một ước vọng hoàn lương và hòa nhập cộng đồng. Nhiều người muốn trở về với gia đình, vợ con, bố mẹ.
Huỳnh Minh Đ. (42 tuổi quê TPHCM) bị AIDS giai đoạn cuối ở khoa Chăm sóc đặc biệt là một điển hình. Nhìn bề ngoài không ai nghĩ Đ. đang đối mặt với “án tử” và sẵn sàng “ra đi” bất cứ lúc nào. Nhưng Đ. rất lạc quan, nói cười, đùa giỡn rất bình thường. Tôi đưa máy ảnh xin chụp những hình xăm rồng phượng khắp người thì Đ. đưa tay ngăn lại cười, nói: “Ối, anh đừng chụp em. Em ngại lắm”, rồi vớ lấy cái áo bệnh nhân treo móc đầu giường khoác vào. Tôi bảo: “Nhìn em khỏe lắm”. Đ. liền phân trần: “Cả bệnh viện này có bệnh nhân nào chỉ số CD bằng em. Người bình thường chỉ số CD-4 chỉ có hai ba trăm, em đến chín trăm lận (chỉ số CD-4 đánh giá “mức khỏe” của người có “H”, thực chất nó là kết quả xét nghiệm máu cho biết số lượng tế bào lympho trong 1mm3 máu, nhằm biết được mức độ HIV đã phá hủy hệ miễn dịch - PV).
20 năm trước, Đ. theo bạn bè chính hút ma túy mà theo anh chỉ hút chơi cho vui. Ai ngờ, lần “hút chơi” đó khiến Đ. bị “nàng tiên nâu” cuốn luôn vào mà không sao gỡ ra được. Năm 1996, Đ. bị bắt đưa đi cai nghiện bắt buộc. Trong thời gian này, Đ. vẫn lén lút sử dụng ma túy từ ngoài tuồn vào mà theo anh là các trại viên cất giấu mà các thầy cô giáo (quản giáo - PV) không biết được. Sau một năm cai nghiện, Đ. được trở về thành phố để hòa nhập cồng, nhưng Đ. lại tái nghiện và chuyển sang chích ma túy sống. Giữa năm 1997, Đ. thấy người có biểu hiện khác lạ, nổi hạch toàn thân. Nghi ngờ nhiễm “H”, Đ. đến Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM xét nghiệm thì biết dương tính “H” trong máu. Không dám thông báo cho vợ, con, Đ. bỏ đi biệt tăm một thời gian. Cuối cùng Đ. trở về nhà và cho vợ con biết mình nhiễm “H”. Được vợ con động viên, Đ. được chuyển đến bệnh viện Nhân Ái để điều trị HIV từ cuối năm 2007. Ngoài nhiễm HIV, Đ. còn có bệnh động kinh. Mỗi lần lên cơn, Đ. thường xuyên hành hung các bệnh nhân khác. Để tiện chăm sóc và điều trị, bệnh viện chuyển Đ. từ khoa Động kinh sang khoa Chăm sóc đặc biệt, là khoa nặng nhất dành cho người nhiễm AIDS giai đoạn cuối. Hằng ngày Đ. vẫn uống thuốc ARV đều đặn với hi vọng sống được ngày nào hạnh phúc ngày đó.
Hỏi chuyện gia đình vợ con, Đ. cho biết: “Em có con gái 21 tuổi, con trai học lớp 9. Vợ và hai con đều khỏe mạnh. Em không còn ba mẹ. Vợ con lâu lâu mới lên thăm một lần. Mỗi lần thăm, vợ không muốn cho con gái đến gần em. Nhìn con em thương lắm nhưng biết sao được. Vợ em cho con gái sang Mỹ rồi. Giờ nghĩ lại hối hận đâu kịp nữa. Em ở đây sống được ngày nào cảm giác hạnh phúc ngày đó. Muộn quá rồi nhưng em vẫn muốn hoàn lương”, Đ. ngân ngấn nước mắt.
Sẵn sàng “ra đi”
Buồng 4 ở khoa chăm sóc đặc biệt có 6 bệnh nhân, thì cả 6 đều “gần đất xa trời”. Chỉ cần nhìn thôi cũng đủ hiểu thời gian sống đối với họ chỉ là ngày tháng. Dẫu vậy, tất cả đều có chung một tinh thần lạc quan, chia vui để cùng nhau sống và sẵn sàng “ra đi” nhẹ nhõm bất cứ lúc nào.
Trần Văn K. - một trong 6 bệnh nhân có thân hình “mỏng mảnh”, tóc bạc phơ, rụng răng gần hết cho biết, anh vào bệnh viện đã gần 10 năm, với anh, bệnh viện là nhà, những người có “H” là người thân thiết. K. chia sẻ thật lòng: “Tất cả những bệnh nhân có “H” giai đoạn cuối ở khoa chăm sóc đặc biệt đều xác định sẵn sàng ra đi nhẹ nhàng bất cứ lúc nào. Tụi em hiểu được căn bệnh em đang mang trong người có thể chỉ sống bằng ngày”. Tôi hỏi: "Ở đây có bao giờ các bệnh nhân tức giận đánh nhau hay có tư tưởng trả thù đời không?". “Làm gì có anh ơi. Ngồi còn chưa vững nữa là. Anh em thương nhau như ruột thịt, có cà phê, sữa cùng chia nhau uống”, K. trả lời.
Nguyễn Ngọc Ph. (51 tuổi quê gốc Tây Ninh) – một trong nhiều bệnh nhân AIDS nặng luôn nhắm nghiền mắt, khuôn mặt đăm chiêu trên giường bệnh. Khi chúng tôi đến tặng quà, Ph. nói giọng yếu ớt qua kẽ răng “có thuốc không, cho với”. Tôi bảo “thèm thuốc lá hả”, Ph. gật đầu nhẹ. Điều dưỡng viên động viên: “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, giờ đang ốm, phải điều trị cho khỏe lại đã chứ”. Nghe vậy, Ph. nhắm nghiền mắt, lặng im.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn