Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

Những điều chỉ có ở Bệnh viện Nhân Ái (Bài cuối)




Những điều chỉ có ở Bệnh viện Nhân Ái (Bài cuối)


CHUNG MỘT MÁI NHÀ

Làm việc ở môi trường đặc thù nên hầu hết các cặp vợ chồng làm việc tại Bệnh viện Nhân Ái đều xây dựng gia đình trên mối quan hệ đồng nghiệp. Đa số họ là những người từ xa đến công tác và ở nhà công vụ của bệnh viện. Các con của họ được sinh ra cũng sống trong môi trường này. Để bù đắp và tạo cho con em cán bộ, công nhân viên có sân chơi an toàn, đồng thời giữ chân các y, bác sĩ, vừa qua, bệnh viện đã cải tạo một phòng ở thành lớp học, trong đó trang trí, đặt kệ sách thiếu nhi, đồ chơi, thú bông và tivi để các bé có chỗ vui chơi khi không có cha mẹ ở nhà.

VỢ CHỒNG LÀ ĐỒNG NGHIỆP

Bệnh viện Nhân Ái có 276 nhân viên, trong đó 15% cán bộ đến từ thành phố Hồ Chí Minh, còn lại 85% đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Chủ yếu là người miền Bắc và miền Trung. Hầu hết những người đến làm việc tại bệnh viện đều không có anh em, họ hàng ở gần. Do đặc thù công việc và vị trí địa lý nên ngoài thời gian chăm sóc bệnh nhân, đội ngũ cán bộ y, bác sĩ chỉ sinh hoạt trong khu tập thể của bệnh viện, ít có thời gian ra ngoài. Từ đó, nhiều đồng nghiệp lâu ngày nảy sinh tình cảm đã tự nguyện gắn bó với nhau. Chị Đặng Thị Ngọc Nguyên, quê Ninh Thuận và chồng là Nguyễn Tất Thành, quê Nghệ An vào làm việc tại bệnh viện đến nay đã được 7 năm. Chị Nguyên cho biết: “Vợ chồng tôi ở xa, vào đây không có người thân nên sống trong khu tập thể. Vì tính chất công việc nên chúng tôi không có thời gian ra ngoài. Sau một thời gian sống trong khu tập thể chúng tôi thấy gắn bó và tiến tới hôn nhân”. Ngoài vợ chồng chị Nguyên còn nhiều cặp vợ chồng khác ở Bệnh viện Nhân Ái cũng kết hôn như vậy.

Ông Phan Thanh Vũ, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân Ái cho biết: Do công việc có nhiều rủi ro nên lâu nay, việc thu hút các y, bác sĩ về làm việc rất khó. Chính vì vậy, các cặp vợ chồng cùng là cán bộ, nhân viên trong bệnh viện sẽ là giải pháp tốt nhất để giữ chân nhiều người ở lại bệnh viện. Tính đến thời điểm hiện tại, bệnh viện có khoảng 150 cán bộ, nhân viên ở khu tập thể, trong đó khoảng 30 cặp vợ chồng. Đa số họ là những người đã gắn bó với bệnh viện trong thời gian dài. Với họ giờ đây bệnh viện trở thành nhà và đồng nghiệp, bệnh nhân là người thân.


Ngoài được học tô màu, viết chữ, các em còn được chơi kéo co, múa theo nhạc

Để hỗ trợ các con yên tâm công tác, những người làm cha, làm mẹ cũng tình nguyện khăn gói, vượt hàng ngàn cây số vào sống trong khu tập thể. Bà Đặng Thị Lều hiện đang sống cùng với con gái, con rể và cháu ngoại 11 tháng tuổi trong khu tập thể của bệnh viện. Bà Lều cho biết, cuối năm 2014, chị Nguyên (con gái bà) sinh con. Khi hết thời gian nghỉ thai sản 6 tháng, bà từ quê vào chăm cháu để các con đi làm. Bà sẽ ở đây với các con đến khi nào cháu có thể gửi nhà trẻ mới về.

Bà Lều kể, trước đây, do chưa hiểu nên khi nghe con công tác trong bệnh viện chuyên chăm sóc và điều trị cho những người mắc bệnh HIV/AIDS giai đoạn cuối gia đình nhất quyết không đồng ý. Bà sợ con vào làm trong đó dễ bị nhiễm căn bệnh này. Sau nhiều lần nghe con phân tích và thuyết phục, lại thấy con quyết tâm nên gia đình đành chấp nhận. Khi vào đây chăm cháu bà mới hiểu công việc của các con tuy vất vả nhưng có thể giúp nhiều bệnh nhân lầm lỗi có cuộc sống vui tươi ở quãng đời còn lại. Điều ý nghĩa đó khiến bà thấy thương và tự hào về công việc mà con mình lựa chọn.




TẠO SÂN CHƠI AN TOÀN CHO TRẺ

Dạo bước trong khuôn viên rộng lớn của bệnh viện, chúng tôi thấy từng dãy nhà nằm cách biệt nhau trong không gian yên tĩnh. Bỗng đâu đó, tiếng nhạc vang lên với giai điệu vui tươi của những ca khúc thiếu nhi tạo luồng sinh khí mới. Theo tiếng nhạc, chúng tôi tiến đến gần dãy nhà công vụ. Trước mắt là một lớp học có những đứa trẻ đang đùa vui, nhún nhảy theo điệu nhạc. Nhìn sự ngộ nghĩnh, ngây thơ của các em ai cũng cảm nhận sự sống đang vươn mình mạnh mẽ ở đây. Sự có mặt của các em, của lớp học đã tạo cho bệnh viện một diện mạo mới, không chỉ tiếp thêm động lực giúp cán bộ, nhân viên yên tâm công tác, gắn bó với bệnh viện mà còn khiến họ cảm nhận được không khí gia đình thực sự.

Trong khu tập thể có khoảng 100 cháu, chủ yếu ở độ tuổi từ 1-7. Do bệnh viện nằm cách trung tâm xã khoảng 10km nên những bé trong độ tuổi mẫu giáo thường nghỉ học do cha mẹ không có điều kiện đưa rước. Từ khi có nhà trẻ, bệnh viện giao đoàn thanh niên tổ chức vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ đồ chơi cho các cháu. Đến nay, nhà trẻ đã có 2 kệ sách với hàng trăm đầu sách dành cho thiếu nhi, rất nhiều đồ chơi, bàn ghế, dụng cụ học tập và một chiếc tivi, đầu đĩa để chiếu phim hoạt hình hoặc dạy các em múa. Có phòng học, những phụ huynh có con em từ 1-5 tuổi đã thuê giáo viên từ thành phố Hồ Chí Minh về dạy trong dịp hè. Ông Vũ cho biết thêm: Do kinh phí còn hạn hẹp nên bệnh viện chưa thể hỗ trợ thuê giáo viên về dạy cho các em. Nhưng chúng tôi đã giao cho chi đoàn, hết thời gian nghỉ hè đoàn thanh niên phải thay phiên nhau đến dạy và vui chơi cùng các em tại khu tập thể nhằm giúp phụ huynh yên tâm công tác.




Chị Đỗ Thị Hà, điều dưỡng tại bệnh viện cho biết: “Dịp hè, các cháu nghỉ học nên một số gia đình có con dưới 2 tuổi đều có nội, ngoại vào chăm sóc. Riêng những bé từ 3 tuổi trở lên cha mẹ thường để các con tự chơi ở khu tập thể rồi đi làm. Vì vậy, có nhiều bé do không có người lớn trông coi bị té xuống hố ga, rãnh thoát nước. Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại huy động mọi người cùng đi tìm, phụ huynh rất lo lắng. Nay có nhà trẻ trong bệnh viện, các cháu vui chơi an toàn, lại còn được học nữa nên tôi và đồng nghiệp rất vui, yên tâm làm việc”.

Tổng hợp nhiều nguồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template