Sự chăm sóc nhiệt tình của đội ngũ y, bác sĩ đã giúp bệnh nhân vượt qua mặc cảm và sống tốt quãng đời còn lại
Những điều chỉ có ở Bệnh viện Nhân Ái -Bài 1
Nằm sát bên sườn đồi, xa khu dân cư, không khí mát mẻ, yên tĩnh, Bệnh viện Nhân Ái (Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh) đóng trên địa bàn xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập như một khu nghỉ dưỡng lý tưởng. Tuy nhiên, ẩn trong đó là những người sa ngã đang phải đối diện với ngày tháng cuối đời gắn bó bệnh tật. Bị người thân ruồng bỏ nên sự bao dung của chính sách, chế độ của Nhà nước đã phần nào khiến những con người một thời lầm lỡ thấy cuộc đời phía trước dù ngắn ngủi vẫn tươi xanh. Đồng hành với họ là đội ngũ cán bộ y, bác sĩ ngày đêm hết lòng vì bệnh nhân. Họ chấp nhận xa gia đình để gắn bó với nơi này và xem bệnh viện là nhà, bệnh nhân và đồng nghiệp là người thân.
Bài 1 - NƠI CUỘC SỐNG LẠI BẮT ĐẦU
Những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS thường bị xã hội kỳ thị, thậm chí người thân cũng xa lánh. Nhưng đến với Bệnh viện Nhân Ái, những mảnh đời lầm lạc, bất hạnh lại được xoa dịu bởi trái tim đầy yêu thương của những thầy thuốc. Với nhiều bệnh nhân, đây không phải là nơi cuối cùng mà là nơi bắt đầu một cuộc sống mới.
Cả nước hiện có 2 bệnh viện chuyên nhận và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối là Bệnh viện 09 (Hà Nội) và Bệnh viện Nhân Ái (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). Vì là cơ sở chữa bệnh đặc thù nên ở đây luôn có những điều đặc biệt.
THÍCH Ở BỆNH VIỆN HƠN Ở NHÀ
Sa chân vào ma túy ở cái tuổi còn nông nổi nên bây giờ nghĩ lại N.T.Q rất tiếc nuối. Tuy nhiên, xác định “mình làm mình chịu” nên Q không than trách, kể cả người thân. Thời gian 3 năm gắn bó với Bệnh viện Nhân Ái đã khiến Q suy nghĩ tích cực, luôn mong mình khỏe mạnh để có thể giúp đỡ nhiều người cùng cảnh ngộ. Q chia sẻ: “Bệnh nhân vô đây đều nặng, nhưng rất ít người được thân nhân quan tâm. Mọi thứ đều trông chờ vào chính sách nhân đạo của Nhà nước và tình thương của cán bộ, nhân viên bệnh viện. Bệnh nhân với nhau ở lâu thì trở thành người nhà nên trong sinh hoạt hằng ngày người khỏe mạnh giúp người ốm yếu”.
Đến với bệnh viện, bệnh nhân được đội ngũ y, bác sĩ ân cần động viên, chăm sóc nên dần dần nhiều bệnh nhân cảm thấy đây không phải là nơi kết thúc cuộc đời mà là nơi bắt đầu của cuộc sống mới. Chính vì vậy, nhiều người thích ở lại bệnh viện hơn, mặc dù cứ 3 tháng bệnh viện có chế độ cho bệnh nhân về thăm nhà 5 ngày. Q cho biết thêm: Xã hội vẫn còn nhiều người kỳ thị người mắc “căn bệnh thế kỷ”. Vì vậy, mỗi lần về thăm gia đình tôi chỉ quanh quẩn ở nhà xem tivi, ăn rồi đi ngủ, chẳng nói chuyện với ai nên buồn lắm. Thời gian gần đây, tôi ít về. Vì ở lại bệnh viện vui hơn, được trò chuyện với nhiều người cùng cảnh ngộ và có thể giúp các y, bác sĩ chăm sóc những bệnh nhân nặng hơn.
Nếu Q có thể đi lại giúp các bệnh nhân khác trong sinh hoạt hằng ngày thì bệnh nhân C.T.H lại khó khăn hơn khi căn bệnh quái ác này đã làm mắt anh bị mù từ nhiều năm nay. Mọi sinh hoạt anh H đều phải nhờ vào bệnh viện và các bệnh nhân cùng phòng. Anh H cho biết: Nhà tôi rất nghèo, mẹ già, em gái bị bạo bệnh. Vì vậy, họ không có điều kiện đến thăm tôi. Nếu tôi về cũng chỉ là gánh nặng cho gia đình. Tôi mong rằng, các bạn trẻ đừng vì một phút ham chơi, suy nghĩ nông nổi mà sa vào nghiện ngập, hủy hoại cả cuộc đời.
GẮN BÓ VÌ TÌNH THƯƠNG
Hằng tháng, Bệnh viện Nhân Ái đều tổ chức các hoạt động văn nghệ - thể thao, tạo sân chơi lành mạnh cho mọi người tham gia. Bệnh viện hiện có một câu lạc bộ đồng đẳng Bạn giúp bạn và tổ kết hạt cườm. Hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe cũng được đầu tư đúng mức. Bệnh nhân H.T.A cho biết: “Mỗi lần bệnh nặng em được các anh, chị chăm sóc nên giờ mạnh khỏe em muốn được giúp lại người khác. Tụi em còn tự nguyện nhổ cỏ, phát tỉa cành cây, quét sân, phát cơm... Đó là những công việc vừa sức, giúp tụi em thấy vui và cuộc sống thêm ý nghĩa”. Với A, khi nhận ra cuộc đời có nhiều điều tốt đẹp em cảm thấy ân hận vô cùng. Nhờ được sự động viên của mọi người, những ray rứt trong em phần nào vơi bớt.
Năm 2014, Chi bộ Bệnh viện Nhân Ái đạt trong sạch vững mạnh; công đoàn vững mạnh xuất sắc; đoàn thanh niên cơ sở xuất sắc; công tác truyền thông giáo dục sức khỏe xuất sắc. Bệnh viện đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh chứng nhận tập thể lao động xuất sắc; được Hội đồng xếp hạng TP. Hồ Chí Minh công nhận Bệnh viện hạng II
Bác sĩ Phan Thanh Vũ, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân Ái chia sẻ: Do bệnh viện là cơ sở y tế đặc thù nên nhiều năm liền việc giữ chân đội ngũ cán bộ, công nhân viên là vấn đề khó khăn. Vì vậy, bệnh viện xác định lấy tình thương làm mục tiêu để mọi người cùng hướng tới. Phần lớn nguồn nhân lực của bệnh viện được đào tạo tại chỗ, nhiều năm liền không thu hút được y, bác sĩ mới. “Điều đáng mừng là cán bộ, công nhân viên hiện rất đồng lòng gắn bó với bệnh viện, chia sẻ với bệnh nhân. Sợi dây gắn kết chặt nhất vẫn là tình cảm”.
4 năm gắn bó với bệnh viện nên chị Nhữ Thị Tuyến, hộ lý Khoa Săn sóc đặc biệt trở thành gương mặt thân thuộc với nhiều bệnh nhân. Chị Tuyến được bệnh viện đào tạo, tập huấn, thi tay nghề từng năm và hiện là một trong những hộ lý giỏi của bệnh viện. Chị Tuyến nói: Công việc của 3 hộ lý ở Khoa Săn sóc đặc biệt “luôn tay luôn chân” và ở trạng thái sẵn sàng phục vụ, chăm sóc 30-40 bệnh nhân. Các bệnh nhân của khoa thường nặng, không tự chăm sóc nên hộ lý phải giúp đỡ. Cùng với sự suy kiệt sức khỏe là tinh thần suy sụp của bệnh nhân nên ngoài việc chăm sóc, những hộ lý như chị Tuyến còn phải lựa lời động viên, khuyên nhủ họ tiếp nhận điều trị. Với chị Tuyến, có hoàn cảnh, lời tâm sự của bệnh nhân khiến chị rơi nước mắt. Tình thương từ đó cũng nảy nở trong chị ngày một lớn và đó chính là lý do chị gắn bó với bệnh viện. Bác sĩ Thanh Vũ nói thêm: Để cán bộ, công nhân viên yên tâm công tác, gắn bó với bệnh viện, sắp tới chúng tôi sẽ xây dựng thêm một số hạng mục mới, như nhà công vụ, nhà trẻ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn