Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2018

Chủ tịch Hà Nội: Giải quyết dứt điểm vụ trao nhầm con tại BV Ba Vì trước ngày 20-7




Chị Hương mệt mỏi và sút hơn 10 kg từ khi sự việc nhầm lẫn được phát hiện
Chủ tịch Hà Nội: Giải quyết dứt điểm vụ trao nhầm con tại BV Ba Vì trước ngày 20-7




'Tôi đã nghi ngờ có nhầm lẫn từ trong phòng đẻ'

Chỉ vì đẻ ra đứa con không giống ai bên nhà chồng, chị Vũ Thị Hương (35 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội) đã bị chồng ruồng bỏ. Một thân một mình nuôi con, chị Hương chịu bao điều tiếng dư luận.

Sau nhiều lần thuyết phục, chị Vũ Thị Hương đồng ý gặp một mình phóng viên Thanh Niên vào chiều tối ngày 13.7, vì chị rất mệt mỏi từ sau khi vụ trao nhầm con được thông tin trên báo chí và mạng xã hội, chị không muốn tiếp xúc với nhiều người.


Trường mầm non tư thục tại quận Cầu Giấy nơi cháu M đang theo học - Ảnh: T.Hằng

Nơi hẹn gặp cũng được chị Hương giữ bí mật đến phút chót; Đó là một trường mầm non tư thục nơi chị đang làm việc ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) và cũng chính là ngôi trường mà bé Đoàn Nhật M đang theo học. Người phụ nữ xanh xao, khắc khổ trong những ngày qua đã chịu nhiều búa rìu dư luận trong vụ trao nhầm con lên tiếng: “Tôi không được khỏe nên không muốn gặp ai. Những thông tin đưa trên mạng, trên báo chí không đúng về mình khiến tôi rất buồn. Cuộc đời tôi cay đắng đã từng, thêm một lần đau nữa tôi vẫn đủ sức gánh chịu”.

Tôi bảo nhầm lẫn, bệnh viện nói không phải

6 năm trước tại Bệnh viện Đa Khoa Ba Vì, chị Vũ Thị Hương sinh hạ đứa con trai đầu lòng. Cùng thời điểm đó, chị Phùng Thị Hiền ở xã TĐ cũng sinh hạ 1 bé trai. Sự nhầm lẫn đã được phát hiện từ trong phòng đẻ.

Chị Hương nhớ lại: “Con nhà mình sinh 7 giờ kém 10 phút. Còn con nhà anh Sơn - chị Hiền sinh 7 giờ 10 phút, lệch nhau 20 phút, nhưng bệnh viện trao cùng 1 lúc và họ gọi nhà anh Sơn nhận trước. Khi đó tôi đang trên bàn đẻ, tôi đã thấy có gì đó “ngờ ngợ” nhưng lại nghĩ có thể do nhà Sơn có người quen ở bệnh viện nên họ cho nhận trước”.

Tuy nhiên, chị Hương cho biết, chỉ vài phút sau nhận con, cũng có ý kiến trong gia đình cho rằng có sự nhầm lẫn. “Tôi sinh thằng cu 3,8 kg, còn chị Hiền sinh cháu 3,1kg, nhưng khi nhận thấy con mình bé hơn tôi đã yêu cầu bệnh viện cân lại. Bác sĩ quát tôi nằm yên trên bàn để còn khâu. Số phận mình trong tay bác sĩ, đâu dám trái lời. Tôi vẫn nhớ như in lời y tá nói: Không phải cân, nếu tôi nhầm tôi còn phải đi tù. Vậy là mình yên tâm đón con về chuyên tâm nuôi con chẳng nghĩ ngợi gì nữa”, chị Hương kể.


Cháu M (áo cam) chơi với các bạn tại trường mầm non - Ảnh:

Cu M lớn lên không được khỏe mạnh như những đứa trẻ khác, theo lời chị Hương, từ 3 tháng đến 4 tuổi M. đau ốm và quấy khóc nhiều. Có thời điểm M. bị viêm phổi cấp, một mình chị Hương ôm con chạy 3 bệnh viện cấp cứu từ Ba Vì xuống Hà Nội. Mẹ con chăm bẵm nhau từ bé nên bé M. quấn mẹ, không rời nửa bước .

Đổ vỡ hôn nhân vì con không giống bố

Sau khi sinh con, vợ chồng chị Hương chỉ hạnh phúc thời gian đầu. Càng lớn M. càng không giống ai bên nội. Mỗi lần về quê chồng, chị Hương nghe những lời xì xào bán tán về đứa trẻ không giống ai. Thậm chí, người nhà chồng còn cho rằng chị Hương ngoại tình. Chị Hương kể: “Chồng mình thời gian đầu không có ý kiến gì. Sau nghe nhiều quá cũng đâm ra nghi ngờ vợ. Anh làm lái xe đi cả ngày, nhưng đến đêm về là chì chiết, nhiếc móc vợ không chung thủy. Vì con mình cắn răng chịu đựng tất cả”.

Không dừng ở bạo hành tinh thần, chồng chị Hương còn dùng bạo lực với vợ mình. Có bao nhiêu vốn liếng, chị Hương đổ vào mở trường mầm non tư thục tại Hà Nội, chồng chị đến đập phá tan tành. "Phụ huynh sợ không dám gửi con. Dần dần trường mầm non cũng phải đóng cửa. Vợ chồng ly hôn, trường mất, tôi trắng tay, vẫn nhận nuôi 2 con nhỏ. Đứa đầu 3 tuổi, đứa thứ 2 mới 6 tháng tuổi", chị Hương ngậm ngùi trong nước mắt.


Chị Hương đã chịu nhiều đắng cay, bị chồng bạo hành vì con không giống bố

Sau thời gian thất nghiệp, chị Hương gửi bé thứ 2 ở Ba Vì cho người anh trai chăm sóc. Còn chị và bé M. chuyển sang Hà Nội thuê phòng trọ sinh sống. Chị đi dạy thuê vừa kiếm tiền nuôi con, vừa trang trải cuộc sống.

“Sau khi biết tin nhầm con, mình đã gọi điện cho nhà chồng gần 50 cuộc điện thoại nhưng không ai nghe máy. Chồng mình cũng đã ra gặp con cũng không nói gì về việc chăm nuôi con như thế nào. Anh ta có gửi 2 triệu đồng bảo tôi mua vé cho con vào gặp gia đình nhà nội ở Đà Lạt”, chị Hương chia sẻ.

Hãy cho tôi và các con thời gian

Chị Hương cho biết, từ khi phát hiện ra sự thật, 6 tháng qua tinh thần chị suy sụp rất nhiều, ngày thì lo lắng, đêm thức trắng, từ 54 kg, giờ chỉ còn hơn 40kg.

Càng buồn hơn khi những ngày qua câu chuyện được chia sẻ trên báo chí và mạng xã hội có những thông tin không chính xác, nhiều người không hiểu cho rằng chị chị Hương không muốn trả con, kéo dài thời gian để đòi bồi thường. Vì chuyện này mà chị Hương tụt huyết áp, phải đi truyền nước.

Chị Hương buồn bã nói: “Mình là giáo viên mầm non và có học chuyên ngành tâm lý, mình nuôi M. từ bé nên hiểu tính cách con. M. là cậu bé cá tính, với tình trạng hiện giờ nếu đột ngột tách con ra khỏi mẹ đưa về quê với bố mẹ ruột, tôi sợ rằng M. sẽ không chịu nổi cú sốc. Mình muốn M. được ổn định tinh thần, chuẩn bị về tâm lý trước khi về với gia đình mới”.

Với cháu H, con ruột của mình, chị Hương bộc bạch: “Là người mẹ tôi cũng muốn đón con mình về lắm chứ, nhưng tôi cũng không muốn con ở bên gia đình kia bị tổn thương. Bao giờ con về với mình, tôi sẽ dẫn dắt con dần dần. Vì vậy tôi đã xin gia đình anh Sơn cho tôi thời gian để ổn định tâm lý chứ không phải gây khó dễ, cản trở đón con về về”.


Chị Hương muốn có thêm thời gian để con ổn định tâm lý trước khi về với gia đình mới

Trong thời gian chờ đợi các bên giải quyết, bé M vẫn được chị Hương tạo mọi điều kiện học hành. Mặc dù lương giáo viên mầm non thấp nhưng chị vẫn cố gắng cho con đi học chữ, học tiếng Anh, kỹ năng sống… “Tôi đã dạy con biết đánh vần tên bố mẹ ruột của mình. Lựa lời trò chuyện với con về gia đình mới. M "dọa", nếu phải về quê sẽ trốn lên xe buýt lên Hà Nội với mẹ. Có lần cậu bảo mẹ may một robot giống mình, rồi gửi về nhà cho cậu Sơn nuôi, còn M. vẫn được ở đây với mẹ. Tôi nghe mà đứt từng khúc ruột”, chị Hương nghẹn ngào.

Còn về thông tin chị ra giá yêu cầu Bệnh viện đa khoa Ba Vì bồi thường, chị Hương chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ mặc cả với bệnh viện. Kể cả họ có bồi thường tiền tỉ cũng không lấy lại được những gì tôi đã mất. Con tôi cần lấy lại tâm lý như bình thường, đó mới là điều tôi quan tâm. Trước đây tôi định cho con học ở Hà Nội, giờ tôi đã làm thủ tục nhập học cho con ở quê. Tất cả hồ sơ của con tôi cũng đã gửi về gia đình anh Sơn ”.


Chủ tịch Hà Nội: Giải quyết dứt điểm vụ trao nhầm con tại BV Ba Vì trước ngày 20-7

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chủ trì giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong vụ việc trao nhầm con tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì.

Liên quan đến vụ trao nhầm con tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện Ba Vì suốt 6 năm qua, chiều 13-7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Giám đốc Sở Y tế Hà Nội kiểm tra thông tin báo chí nêu, xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra sai phạm.


Gia đình anh Phùng Giang Sơn và chị Phùng Thị Thu Hiền đang chăm sóc cháu H. như chính con đẻ của mình

Sở Y tế Hà Nội chủ trì làm việc với BVĐK huyện Ba Vì và đại diện các gia đình để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc; chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc và giao - nhận trẻ sơ sinh theo đúng quy định.

Kết quả thực hiện báo cáo Thành ủy, UBND TP trước ngày 20-7.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, 6 năm trước, chị Phùng Thị Thu Hiền (sinh năm 1989, Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) và chị Vũ Thị Hương (sinh năm 1983, Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội) cùng sinh con trai tại BV Đa khoa Ba Vì, Hà Nội. Hai cậu con trai của hai sản phụ chào đời cách sau 20 phút. Trong số 6 ca đẻ của ngày 1-11-2012 thì ca sinh của hai bé đều vào buổi sáng, một bé nặng 3,1 kg - còn một bé nặng 3,8 kg.

Sau khi nhận con, vợ chồng anh Phùng Giang Sơn - chị Phùng Thị Thu Hiền thấy tã lót của cháu khác nên có hỏi lại bác sĩ đỡ đẻ thì người này khẳng định đây là tã lót của cháu, không có chuyện nhầm. Gia đình đặt tên cháu bé là Phùng T.H. và yêu thương, nuôi dưỡng từ đó đến nay. Tuy nhiên, từ đó đến nay, cháu H. càng lớn càng không có nét giống với các thành viên trong gia đình. Điều này khiến vợ chồng anh Sơn băn khoăn.

Còn về gia đình chị Vũ Thị Hương, bé trai được đặt tên là Đ.N.M. Khi cháu M. mới chào đời, gia đình chị sống vui vẻ, hạnh phúc, làm ăn phát đạt. Tuy nhiên, vào năm 2014, sau khi chị Hương sinh đứa con trai thứ 2 thì sóng gió bắt đầu ập đến. Bé trai thứ 2 càng lớn càng giống bố, mẹ trong khi đó cháu M. lại đối lập hoàn toàn. Từ đó, chồng chị Hương bắt đầu nghi ngờ về sự đoan chính của vợ khiến mâu thuẫn gia đình liên tiếp xảy ra. Nhiều lần như vậy nên vợ chồng chị Hương quyết định ly hôn vào năm 2015.

Do tình cờ, hai bên gia đình đã gặp nhau và làm xét nghiệm ADN từ giữa tháng tư, kết quả khẳng định có sai sót trao nhầm con. Tuy nhiên từ đó đến nay hai gia đình vẫn chưa tiến hành trao đổi hai bé vì vẫn còn một số vướng mắc...

Mặt khác, 2 gia đình bị trao trả nhầm con đã đề nghị BV hỗ trợ chi phí về những tổn thất từ sự cố hy hữu này, trong đó có bên đề nghị BV hỗ trợ 300 triệu đồng.Tuy nhiên, phía BV cho rằng quỹ đền bù rủi ro của BV khó đáp ứng được yêu cầu của gia đình hai bên nên chưa thống nhất việc bồi thường. BV đã có công văn gửi TAND huyện Ba Vì xem xét giải quyết vụ việc theo pháp luật.


Vụ trả nhầm con: Người cha ly hôn mẹ gặp con 1 lần

Sau khi biết tin về cậu con trai ruột bị bệnh viện trả nhầm cách đây 6 năm, chồng cũ chị Vũ Thị Hương có về quê thăm con 1 lần.


Chị Vũ Thị Hương cho biết chồng cũ đã về gặp lại con trai ruột

Chị Vũ Thị Hương (SN 1983, ở Ba Vì, Hà Nội), người mẹ bị Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Ba Vì trả nhầm con cách đây 6 năm, cho biết đầu năm 2018, khi biết BV trao nhầm con, chị Hương có liên lạc với chồng cũ kể lại sự việc.

Một thời gian sau, chồng cũ của chị Hương có từ Đà Lạt ra Hà Nội tìm gặp cháu Phùng T.H. (con trai ruột của anh chị đang được gia đình anh Phùng Giang Sơn nuôi) 1 lần.

Sau đó, chị nhiều lần liên lạc với chồng cũ song anh đều không nghe máy. Phía gia đình chồng cũ cũng không ai hỏi han gì về sự việc này.

Sau khi vợ chồng chị ly hôn, 2 cháu bé được tòa chấp nhận cho sống cùng mẹ và từ đó đến nay, chồng cũ chị cũng chưa từng chu cấp cho con.


Hồ sơ bệnh án của 2 cậu con trai bị bệnh viện trả nhầm cách đây 6 năm

Chị Vũ Thị Hương cho biết trước đó, vợ chồng chị đã ly hôn do chồng chị nghi ngờ chị không chung thuỷ khi thấy cậu con trai Đ.N.M. không giống ai trong gia đình. "Khi cháu M. càng lớn, càng có nhiều nét không giống 2 bên nội ngoại nên chồng tôi ngày càng nghi ngờ về sự đoan chính của tôi và thường xuyên chất vấn vợ. Mỗi lần như vậy, tôi đều cố gắng giải thích rằng con có điểm này giống bố, điểm kia giống mẹ nhưng chồng không chấp nhận"- chị Hương nhớ lại.

Đỉnh điểm là khi chị Hương sinh con thứ 2 vào năm 2014 và cháu bé càng lớn càng giống bố mẹ như đúc. Trong khi đó, bé M. thì lại không giống ai trong gia đình. Từ đó, chồng chị Hương càng nghi ngờ. Mâu thuẫn gia đình cứ thế một tăng dần, người chồng thậm chí còn đến cả trường của chị Hương đập phá đồ đạc. Vào năm 2015, vợ chồng chị Hương ly hôn. 2 cháu bé được tòa chấp nhận cho sống cùng mẹ. Chồng chị vào Đà Lạt làm ăn.

Đầu năm 2018, kể từ khi biết sự thật, chị Hương suy nghĩ nhiều và sút gần 10 kg nên thường xuyên vào BV điều trị do suy nhược cơ thể. Theo chị Hương, tới đây chị sẽ sắp xếp nghỉ dạy mầm non tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) về quê ở huyện Ba Vì làm việc để 2 con được gần nhau hơn và có nhiều thời gian làm quen với gia đình mới.

Kể từ khi biết sự thật về 2 đứa con trai bị BV trả nhầm, 2 gia đình đã qua lại cho 2 con gặp nhau và gặp bố mẹ ruột khoảng 10 lần.


Gia đình muốn hai bé bị trao nhầm về sống chung một nhà

Gia đình chị Hương nhất trí với đề xuất từ nhà anh Sơn, rằng sắp tới sẽ để hai bé sống cùng một nhà, cùng vào lớp một.

Sau khi phát hiện con bị trao nhầm 6 năm trước, gia đình anh Phùng Giang Sơn, 28 tuổi, mong muốn nhận con về sớm nhất có thể. Trong 4 tháng qua, vợ chồng anh dừng mọi công việc kinh doanh căng tin, thậm chí đã bán ôtô để có tài chính phục vụ quá trình.

Sáng 13/7, trong cuộc gặp mặt với đại diện Bệnh viện đa khoa Ba Vì, nơi xảy ra sự cố trao nhầm con, anh Sơn bày tỏ: "Gia đình tôi chưa nói gì đến mức độ bồi thường, quan trọng nhất vẫn là con cái. Bây giờ không phải là lúc tranh cãi nhau lỗi do ai mà phải cùng phối hợp với nhau khắc phục, để làm sao cho hai cháu tránh những vấn đề tâm lý".


Bé Hải sà vào lòng mẹ nuôi, chị Hiền, khi đi học về

Anh Sơn lý giải sự cấp thiết, thứ nhất là thời điểm năm học mới sắp tới gần. Anh muốn sớm nhận con về thay đổi tên họ, làm thủ tục nhập học. Thứ hai, con đang có vấn đề viêm giác mạc. Dù chị Hương đã chữa trị trong thời gian qua, nhưng gia đình mong muốn sớm nhất cùng phối hợp chữa trị. Thêm vào đó, anh cũng lo lắng những vấn đề tâm lý của con đẻ mình khi sinh trưởng trong môi trường bố mẹ từng mâu thuẫn, đổ vỡ hơn nhân.

Clip:


Gia đình anh Sơn chủ trương sẽ nuôi hai bé. Việc này đã nhận được sự đồng thuận của gia đình chị Hương. "Ông Phượng bố Sơn nói sẽ nhận nuôi tất cả các bé, sống cùng một nhà, để hai bé gần gũi với nhau", bà Vũ Thị Trọng, 75 tuổi, mẹ chị Hương cho biết.

Hai bên gia đình dự định, cuối tuần này chị Hương sẽ mang bé Minh về dự đám giỗ bên nhà bố mẹ đẻ. Sau đó Minh sẽ sống cùng Hải, bố Sơn, mẹ Hiền cùng em trai 3 tuổi. "Mong trong hai tháng Minh làm quen được nếp sống mới, gần gũi với gia đình, chăm sóc lẫn nhau để bước vào năm học mới tốt nhất", anh Sơn đặt hi vọng.


Bà Trọng, mẹ chị Hương cho biết hai gia đình đã thống nhất được phương án nuôi Hải và Minh tốt nhất.

Chị Phùng Thị Hiền, vợ anh Sơn, mẹ đẻ bé Minh cho biết, từ lúc phát hiện trao nhầm con cuối tháng 3/2018 tới nay, hai gia đình có khoảng chục cuộc gặp mặt cho Minh và Hải. Trong đó có một lần Minh ngủ lại cùng chị. Một lần bé Hải cũng lên nhà ngoại gần gũi gia đình và ngủ với mẹ Hương.

"Lúc vừa phát hiện sự việc, chị Hương nói với Minh là từ nay con sẽ có thêm một bố, một mẹ, thêm một em trai. Đó là bố mẹ ruột của con. Tương tự, gia đình mình cũng nói với Hải con sẽ có thêm mẹ Hương, thêm em", chị Hiền nói.

Từ lúc đó hai bé cũng gọi bố mẹ, ông bà nội ngoại. Vợ chồng anh Sơn và phía chị Hương cũng từng tổ chức các bữa đi chơi, đi siêu thị và để cho Minh, Hải lựa chọn bất cứ món đồ chơi nào mình thích.


Tâm sự của người mẹ chưa chấp nhận sự thật nhầm con suốt 6 năm

Hạnh phúc đổ vỡ bởi chồng nghi ngờ vợ ngoại tình nên con không giống bố, 6 năm nuôi con, chị Hương sốc khi biết bé không phải ruột thịt.

Chiều 12/7, không giấu được sự mệt mỏi trên gương mặt, chị Hương chia sẻ đã rất sốc khi biết con trai mình nuôi nấng suốt 6 năm qua hóa ra không phải con đẻ của mình. Điều đó lý giải vì sao cậu bé càng lớn càng không giống bố hay mẹ. Con ruột của chị lại đang được một gia đình khác nuôi. Tuy nhiên, sự thật được phát hiện quá muộn đã không thể cứu vãn được cuộc hôn nhân của chị. Năm 2014, hai vợ chồng chị ly hôn vì anh nghi ngờ sự chung thủy của vợ, bằng chứng là con trai đầu sinh ra không giống ai trong gia đình. Khi chia tay, chị vừa sinh bé thứ hai được 6 tháng. Từ đó một mình chị chăm sóc hai con. Chị rời nhà ở Ba Vì lên Hà Nội thuê nhà trọ, tìm việc làm, yêu thương chăm sóc hai con thay cả phần của người cha.

Chị cho biết ba mẹ con đã dần quen với cuộc sống này thì một ngày tháng 4 vừa qua gia đình anh Sơn liên hệ và bảo có thể hai gia đình đã bị trao nhầm con từ 6 năm trước. Lúc đó chị không tin, đến khi cầm tờ kết quả xét nghiệm ADN trên tay thì choáng váng. Từ hôm ấy đến nay chị luôn sống trong tâm trạng bất an, lo lắng. Gương mặt hốc hác, hai má chị hõm sâu vì sút gần 10 kg chỉ trong thời gian ngắn. Chị Hương cho biết, những ngày qua chị thường xuyên phải vào viện điều trị vì mệt mỏi. Không chấp nhận sự thật, lo lắng cho con, chị cứ lần lữa mãi không chịu đổi lại con dù hai gia đình đã nhiều lần gặp nhau.

Tuy nhiên, chính vì sự chậm trễ đó khiến chị đang chịu áp lực rất lớn. "Nhiều người chỉ trích tôi vì không chịu trả con cho anh Sơn, nói tôi vòi tiền bệnh viện... Nhưng mọi người không hiểu, tôi không làm gì sai. Tôi vẫn đang chăm sóc cháu tốt và nuôi dưỡng tốt. Tôi đã làm công việc này suốt 6 năm qua”, chị Hương nói.


Chị Hương cho biết rất sốc khi nhận kết quả giám định ADN, đến nay vẫn chưa chấp nhận sự thật bé không phải con ruột mình.

Người phụ nữ nói rằng đã yêu thương cậu bé không phải con đẻ của mình trong suốt 6 năm qua, không phải vì một tờ giấy ghi không cùng huyết thống mà chị không thương con. Chị bảo từ khi biết sự thật chị càng thương con nhiều hơn, rằng chị cũng rất muốn đoàn tụ với con ruột của mình bởi ngay lần đầu tiên gặp lại con trai chị đã thấy con rất giống mình.

Xót con, thương con ruột của mình bao nhiêu, chị càng lo lắng khi phải đổi lại hai đứa bé. Chị sợ nếu không làm tốt công tác tư tưởng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các con về sau này. Tuy nhiên, lý do chủ yếu vẫn là do bản thân chị chưa sẵn sàng, chưa thể chấp nhận sự thật này.

"Tôi hy vọng mọi người hãy cho tôi thời gian. Tôi không muốn gây khó dễ cho gia đình anh Sơn hay bệnh viện, tôi cũng muốn được sống với con của mình", chị Hương nói.

Chị cho biết con trai chị là người sống tình cảm, có cá tính. Chị dự định bỏ công việc hiện tại ở Hà Nội, về Ba Vì xin việc làm. Khi đó, chị sẽ để con trai tiếp xúc dần với gia đình ruột; cũng cho mình cơ hội được gần với con đẻ của mình.

Nghĩ đến cuộc sống mới của hai đứa trẻ sau 6 năm xa cách cha mẹ ruột, chị Hương nhìn xa xăm, ướt mi.

Từ khi phát hiện sự thật nhầm con, hai gia đình đã đi lại thăm nhau được khoảng 10 lần. Anh Sơn cho biết vợ chồng anh cũng đã nói với con trai rằng chị Hương mới là mẹ ruột của cháu. "Gia đình đã nói với bé rằng khi lớn lên con phải chăm sóc mẹ Hương. Bé cũng rất hiểu chuyện nên ngay từ buổi đầu tiên đã gọi mẹ Hương. Bây giờ cứ bảo mẹ Hương lên là cháu vui lắm", anh Sơn nói.

Anh Sơn rất mong muốn chị Hương sớm đồng ý đổi lại con, một phần muốn bù đắp cho con đẻ, một phần cũng vì những thủ tục sắp tới cho hai bé bước vào lớp 1. Hai gia đình chỉ cách nhau 10 km.

6 năm trước, sáng 1/11/2012, có 3 sản phụ chuyển dạ tại khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội), trong đó có chị Hương và vợ anh Sơn. Hai bé trai ra đời cách nhau 20 phút, vô tình nữ hộ sinh đã trao nhầm con cho hai gia đình. Khi nhận con, vợ chồng anh Sơn đã nghi ngờ nhầm tã lót của bé nhưng bác sĩ khẳng định không có chuyện nhầm.

Bé càng lớn, vợ chồng anh Sơn càng thấy con có nhiều nét không giống mình. Đưa con đi xét nghiệm ADN, anh Sơn bất ngờ nhận kết quả con không cùng huyết thống với bố mẹ. Chị Hương cũng đã rất sốc khi nhận tin. Hai bên đã làm xét nghiệm ADN từ giữa tháng tư, kết quả khẳng định có sai sót trao nhầm con. Tuy nhiên từ đó đến nay hai gia đình vẫn chưa tiến hành trao đổi hai bé.

Hai nữ hộ sinh liên quan sự việc đã xin lỗi hai gia đình, bị kỷ luật tạm dừng làm chuyên môn chuyển sang làm công việc giấy tờ. Một người cũng bị kỷ luật Đảng với hình thức khiển trách.


Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: 'Tôi dạy con đọc tên bố mẹ đẻ mỗi tối'

Từ khi biết con trai mình nuôi nấng bấy lâu là con người khác, chị Hương đã dạy con đánh vần, tập đọc tên bố mẹ đẻ mỗi tối.

Chị Vũ Thị Hương (SN 1983, Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội), người bị trao nhầm concách đây 6 năm tại BV đa khoa huyện Ba Vì cho biết, bây giờ, chị đã bình tâm hơn và đang hợp tác cùng các bên liên quan để giúp các con trở về với bố mẹ ruột.


Chị Hương và cháu M.

Chị chia sẻ, từ khi biết cháu Đoàn Nhật M. là con đẻ của vợ chồng anh Phùng Giang Sơn (SN 1990) và Phùng Thị Thu Hiền (SN 1989) ở Tây Đằng, Ba Vì, chị đã cho M. tiếp xúc với gia đình bố mẹ đẻ nhiều lần.

Chị cũng để cháu M. ở lại nhà anh Sơn và chị Hiền chơi với cả nhà, để mọi người gần gũi nhau. Trong thời gian tới, chị sẽ về Ba Vì làm việc và giúp cháu M. hòa nhập với gia đình anh Sơn cũng như để cháu Phùng Thanh H. hòa nhập với chị.

Trong thời gian này, chị Hương phải gửi con trai thứ hai mới lên 4 ở nhà người thân ở xã Phú Sơn để có nhiều thời gian bên cạnh cháu M., đồng thời nói cho cháu hiểu mọi chuyện.

“Tôi đã nói với con: M. ơi, người ta nói con không phải là con của mẹ đẻ ra mà con mẹ đẻ ra đang ở chỗ khác.

Con là con của bố Sơn, mẹ Hiền. Đây là việc trao nhầm con của BV đa khoa huyện Ba Vì cách đây 6 năm.

Thời gian tới, mẹ sẽ đưa con về nhà bố Sơn, mẹ Hiền nhé. Tuy nhiên, mẹ vẫn là mẹ của con, cho dù con làm gì mẹ vẫn đứng đằng sau con.


Hiện tại chị Hương tập trung chăm cháu M. và nói với cháu về mọi chuyện để cháu hiểu

Mỗi lần nói với con, tôi thường ngoảnh mặt đi để con không thấy tôi khóc”, chị Hương nghẹn ngào.

Lau đi những giọt nước mắt, chị Hương kể: Chị nhận được nhiều lời mắng chửi rất thậm tệ về việc không trao trả con cho anh Sơn nhưng mọi người không hiểu các cháu, nếu không làm tư tưởng tốt, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các cháu sau này.

Ngoài ra, hai cháu chưa chuẩn bị tâm lý nhận bố mẹ mà vẫn cố tình giao, các con không chấp nhận có thể xảy ra trường hợp các cháu trốn đi và dễ bị lạc.

Vì vậy, chị Hương đã nói với anh Sơn là cháu M. ở bên nhà chị, để chị và M. có thời gian ổn định tâm lý.

Mỗi tối, chị Hương thường dạy M. cách đánh vần tên bố Sơn, tên mẹ Hiền và nói chuyện để con hiểu.

“Tôi nuôi M. 6 năm, trải qua nhiều biến cố cũng có nhiều tình cảm vô cùng. Gia đình anh Sơn cũng vậy, nuôi cháu H. 6 năm giờ cháu chuyển đi cũng nhớ lắm.

Do vậy, chúng tôi sẽ giúp hai con hòa nhập với gia đình mới từ từ”, chị Hương rơm rớm nước mắt.

Khi được hỏi về việc có đổi tên của con sau khi hai gia đình nhận con đẻ về không, chị Hương cho hay, chị vẫn giữ tên con là Đoàn Nhật M. và thêm tên gọi khác là H.

Được biết, cháu Phùng Thanh H. đã được chị Hương đưa xuống Hà Nội chơi với chị gần 1 tuần và M. đã được chị Hương đưa về nhà anh Sơn và chị Hiền. Cháu M. ở được 1 ngày thì khóc đòi về với mẹ.


CÁCH XỬ LÝ NÊN NHƯ THẾ NẦY:

Bằng sự cảm thông và yêu thương, 2 gia đình bị trao nhầm con ở Bình Phước đã giúp 2 cháu bé vượt qua cú sốc, sống vui vẻ bên nhau

"Mấy hôm nay, tôi liên tục đọc báo để theo dõi vụ bệnh viện trao nhầm con ở Hà Nội. Gia đình tôi cũng từng gặp phải chuyện tréo ngoe này. Rất may, tôi đã tìm được cách giải quyết ổn thỏa, vui vẻ" - anh Vũ Đình Khiên (38 tuổi; ngụ thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước) nói.

"Sao ba mẹ bỏ con?"

Năm 2013, vợ anh Khiên là chị Nguyễn Thị Thu Trang (28 tuổi) sinh cùng phòng với chị Thị Liên (26 tuổi, người dân tộc S’tiêng) tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.

Nuôi con khoảng 1 năm thì vợ chồng anh Khiên nghi ngờ khi con gái không giống cả ba lẫn mẹ. Anh Khiên nói: "Vợ chồng tôi người Kinh nhưng con bé có nước da, màu mắt, kiểu tóc xoăn giống người dân tộc". Nghi ngờ mình đang nuôi con của cô gái người dân tộc sinh cùng phòng nên thời gian sau đó, anh Khiên lùng sục tìm cô gái này để làm rõ thực hư nhưng không gặp.

Đầu tháng 5-2016, trong lần đi bán bánh mì ở làng bên thuộc xã Phước An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, bố của chị Trang bất ngờ thấy chị Liên bế bé gái rất giống cháu ngoại đầu nên càng nghi ngờ. Chị Trang và anh Khiên đưa bé gái mình đang nuôi đi xét nghiệm ADN thì phát hiện cháu không cùng huyết thống. Nhận được khiếu nại của anh Khiên, Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long đã đưa 2 bé đi xét nghiệm ADN thì sự thật mới sáng tỏ.

Ngày 25-7-2016, 2 bé gái được trả về cho ba mẹ ruột sau 3 năm bị trao nhầm. Tuy nhiên, cả hai gia đình và 2 cháu bé đều sốc. Khi nhận "đứa con ruột nhưng lạ lẫm", chị Liên ngất xỉu tại bệnh viện. Ngày đầu về ở với chị Liên, con ruột của chị sợ hãi, lạ lẫm, chỉ biết ôm cột nhà khóc rã người. Trong khi đó, vợ chồng anh Khiên - chị Trang cũng bấn loạn, không dỗ dành được đứa con ruột mà mình chưa từng nuôi ngày nào. Anh chị trào nước mắt mỗi khi nhớ tới lời của "đứa con cũ": "Con thương ba mẹ sao ba mẹ bỏ con?".

Hai gia đình buộc phải ngồi lại bàn cách và quyết định cho 2 bé sống chung với nhau, được hai bên luân phiên chăm sóc. "Hai nhà cách nhau chừng 10 km. Hôm nay, tôi chăm 2 con thì hôm sau chở 2 con đến nhà mẹ Liên. Khi các cháu thân thiết hơn thì một tuần ở bên này, tuần sau ở bên kia. Giống như mỗi nhà đều có 2 con gái" - anh Khiên chia sẻ.


Lan Anh, Ngọc Yến đang sống hạnh phúc trong tình yêu thương của hai gia đình

Sinh nhật là ngày đoàn tụ

Hiện 2 bé đều đi học mẫu giáo nên từ thứ hai đến thứ sáu ở với vợ chồng anh Khiên để đi học chung lớp. Cuối tuần, 2 bé về sống ở nhà chị Liên. "Bây giờ, tôi thương 2 con bằng nhau. Bảo tôi chọn một trong 2 con để nuôi thì tôi không chọn được. Bây giờ cứ sống vậy là vui. Sau này, các con lớn sẽ có suy nghĩ, quyết định riêng" - chị Liên tâm sự.

Để không phải làm lại giấy khai sinh, 2 bé cũng được đổi tên cho nhau. Lan Anh (con ruột của chị Trang) sinh trước 15 phút nên được gọi bằng chị, Ngọc Yến là em. Ngày tròn 4 tuổi, Lan Anh và Ngọc Yến được hai bên tổ chức sinh nhật với thông điệp "ngày đoàn tụ gia đình".

Giờ đây ai cũng vui khi thấy cảnh Lan Anh, Ngọc Yến nô đùa, ăn ngủ quấn quýt bên nhau từng phút. Tuy nhiên, "đoàn tụ" 2 năm rồi nhưng những ký ức đầu đời vẫn hằn lên tâm trí 2 bé. Ngồi trên chuyến xe đi từ nhà anh Khiên vào bản làng người dân tộc để thăm nhà chị Liên, chúng tôi hỏi 2 bé: "Các con thương mẹ Trang hơn hay thương mẹ Liên hơn?". Bé Ngọc Yến (con ruột chị Liên) thì bảo thích mẹ Trang hơn, còn bé Lan Anh (con ruột chị Trang) thì không trả lời nhưng khi về nhà chị Liên thì như "cá gặp nước".

Theo: VNN, NLD, TN…


Xem lại bài viết liên quan
Vụ trao nhầm con: Vỡ nát những thân phận người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template