Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016

Cộng đồng kinh tế ASEAN có thể trở thành một EU mới ở châu Á?



Cộng đồng kinh tế ASEAN có thể trở thành một EU mới ở châu Á?
AEC có trở thành một EU của châu Á?

Năm 2015 đánh dấu bước thụt lùi của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, điển hình là nhóm 5 nước đang phát triển lớn nhất thế giới BRICS (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil), nhưng nó cũng chứng kiến sự trỗi dậy của các thế lực kinh tế mới.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra khu vực thương mại lớn nhất thế giới, nhưng, nếu phải chọn một trường hợp điển hình nhất cho sự trỗi dậy của các thế lực kinh tế mới trên thế giới, thì đó phải là AEC – Cộng đồng kinh tế ASEAN, được dự đoán là một Liên minh châu Âu (EU) thứ hai ở Đông Nam Á.

So với TPP, AEC mang một tầm vóc lớn hơn và đáng nói hơn trên nhiều phương diện. Đúng là về khía cạnh kinh tế và thương mại, cộng đồng kinh tế ASEAN không thể so sánh với TPP là đã thiết lập khu vực thương mại lớn nhất thế giới. Xét về quy mô nền kinh tế, thì tổng quy mô của 10 nước ASEAN cộng lại cũng chỉ đạt mức khoảng 2.600 tỷ USD vào năm 2014 và dự đoán sẽ đạt khoảng 3.000 tỷ USD vào cuối năm 2015.

Với quy mô nền kinh tế này, AEC chỉ đứng thứ bảy trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ ba ở châu Á sau Trung Quốc và Nhật Bản. Nhưng xét trên phương diện chính trị và tầm ảnh hưởng kinh tế trong tương lai, thì sự hình thành AEC chứa đựng nhiều ý nghĩa lớn lao hơn thế.

Ý tưởng cốt lõi trong việc hình thành AEC là, đưa 10 nước ASEAN trở thành một khối thống nhất về kinh tế trong tương lai, thông qua việc xóa bỏ các hàng rào thuế quan vốn chia cách các quốc gia này trong suốt nhiều năm qua. Dòng vốn, dòng lao động, đầu tư và dịch vụ giữa 10 quốc gia sẽ được luân chuyển một cách nhanh chóng hơn và tái định hình nền kinh tế của 10 quốc gia này như từng bộ phận để cấu thành nền kinh tế chung AEC, thay vì chỉ là 10 nền kinh tế trọn vẹn đúng nghĩa đứng cạnh nhau như trước.

Việc thiết lập AEC không hứa hẹn nền kinh tế mỗi quốc gia trong cộng đồng kinh tế đều thịnh vượng lên với tư cách một nền kinh tế độc lập như trước, mà nó sẽ tái định hình chức năng của nền kinh tế đó trong bức tranh kinh tế toàn cảnh của cả cộng đồng.

Chẳng hạn như Myanmar với ưu thế giá nhân công rẻ có thể trở thành công xưởng của cả khu vực, nơi tập trung các nhà máy và xưởng sản xuất hàng hóa quy mô nhất, còn Singapore với ưu thế về công nghệ và tài chính có thể trở thành trung tâm của nghiên cứu, khoa học và dịch vụ.

Dĩ nhiên, điều này sẽ không diễn ra một cách tự nguyện và êm xuôi, mà theo một cách tương đối quyết liệt. Trong đó, các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh, sáp nhập với nhau và dần tập trung ở những nơi thuận lợi nhất đối với từng lĩnh vực. Nói cách khác, AEC là một dòng chảy lớn, nó sẽ phân bố lưu lượng của mình tùy vào đặc điểm của mỗi vùng lãnh thổ nó chảy qua.

Việc thiết lập AEC vì thế chỉ là bước đầu cho một kế hoạch dài hơi hơn, sự thống nhất về kinh tế và thị trường có thể dẫn tới sự gia tăng liên kết về điều hành. Khi nền kinh tế của mỗi quốc gia ASEAN trở thành một bộ phận của nền kinh tế chung AEC và không thể tồn tại mà thiếu vắng các bộ phận khác, thì chính phủ các quốc gia sẽ tự động gia tăng mức độ hợp tác và liên kết để điều hành nền kinh tế chung ấy. Từ đó sẽ dẫn tới sự liên kết và hợp tác trong các lĩnh vực khác ngoài kinh tế, như chính trị hay quân sự như một sự tất yếu của việc bảo vệ lợi ích của khối kinh tế chung.

Điều này dẫn đến tầm vóc thực sự của việc hình thành AEC, đó là tạo nên một thế lực kinh tế đủ lớn và đủ mạnh để cạnh tranh sòng phẳng với hai nền kinh tế lớn vốn vẫn chi phối cả khu vực trong nhiều năm qua: Nhật Bản và Trung Quốc. Nhật Bản là nước đầu tư vào các quốc gia ASEAN lớn nhất trong suốt nhiều thập kỷ, còn Trung Quốc với sự phát triển nhanh gần đây cũng đang là đối tác thương mại kinh tế số một với hầu hết các nước ASEAN.

Với Nhật Bản và Trung Quốc, khu vực ASEAN không khác gì một cái sân sau để tiêu thụ hàng hóa đến từ hai quốc gia này. Nhưng khi mà cộng đồng kinh tế ASEAN được thiết lập, thì mọi chuyện sẽ trở nên khác hẳn. Khi 10 quốc gia thống nhất về lợi ích trong việc phát triển và bảo vệ nền kinh tế chung, thì tiếng nói của AEC sẽ trở nên có trọng lượng hơn rất nhiều.

Thậm chí trong tương lai AEC hoàn toàn có thể thách thức vị trí của cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc, khi khu vực này đang sở hữu khá nhiều ưu thế. Với dân số 622 triệu người đa phần là dân số trẻ trong độ tuổi lao động, và hầu hết là các nền kinh tế năng động với mức tăng trưởng cao và thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài lớn (chiếm khoảng 11% tổng lượng vốn đầu tư trên toàn cầu), thì việc có thể đe dọa vị thế kinh tế của Trung Quốc hay Nhật Bản là điều có thể xảy ra, khi cả Nhật lẫn Trung Quốc đều đang phải đối phó với sự trì trệ về kinh tế. Nhất là khi AEC sở hữu một lợi thế không thể so sánh, đó là vị trí chiến lược nắm giữ tuyến đường biển thương mại lớn nhất thế giới qua eo biển Malacca, vốn đang là tuyến đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Dĩ nhiên hãy còn quá sớm để nhắc đến viễn cảnh một Liên minh EU thứ hai hình thành ở Đông Nam Á. Bản chất và cách thức thiết lập sự liên kết giữa các quốc gia ở châu Âu và các quốc gia ở Đông Nam Á là rất khác nhau. Ở châu Âu, các quốc gia lớn nhất thỏa thuận tạo một khu vực kinh tế chung, một ủy ban điều hành chung và một đồng tiền chung; nói cách khác Liên minh châu Âu EU thống nhất ngay từ khi mới thành lập, và sau đó lan rộng dần ra.

Còn ở Đông Nam Á, các quốc gia đang lấy sự liên kết mật thiết về kinh tế thông qua AEC để làm bàn đạp dẫn tới sự liên kết về chính trị và điều hành một cách dần dần. Không ai có thể nói trước được rằng liệu tương lai AEC có thể trở thành một liên minh giống EU ở thời điểm hiện tại hay không, nhưng ít nhất một sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các nước ASEAN đã bắt đầu được hình thành bắt đầu từ thời điểm hiện tại, trong lĩnh vực kinh tế.

Ở thời điểm hiện tại, sự hình thành của AEC dù chủ yếu mang ý nghĩa kinh tế thuần túy, thì gần như vẫn không ai có thể phủ nhận tầm ảnh hưởng về chính trị của sự kiện này. Khi AEC được hình thành, sự liên kết giữa nền kinh tế của 10 quốc gia ASEAN tăng lên đáng kể sẽ có tác dụng hạn chế sự phụ thuộc vào ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc. Và đó là điều đang được Mỹ hậu thuẫn.

Nếu như quá trình liên kết các nền kinh tế sau khi AEC đi vào thực hiện diễn ra hiệu quả, thì việc thiết lập một ủy ban điều hành nền kinh tế chung theo mô hình Ủy ban châu Âu (EC) là điều hoàn toàn có thể diễn ra. Và điều này thì chỉ cách việc đưa vào lưu thông một đồng tiền chung vốn là một dấu hiệu của sự thiết lập liên minh một bước ngắn mà thôi. Một cục diện mới của châu Á Thái Bình Dương trong tương lai đang dần được định hình, đó là sự cân bằng giữa ba thế lực kinh tế lớn nhất khu vực: Nhật Bản – Trung Quốc – AEC.

Nhàn Đàm (theo Wall Street Journey)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template