Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016

Không dễ để bắt cá hai tay trước Mỹ và Trung Quốc



Không dễ để bắt cá hai tay trước Mỹ và Trung Quốc


Năm 2015 là một năm đầy biến động với những biến cố lớn diễn ra trên toàn thế giới, từ vụ nổ bom khủng bố ở Paris cho đến thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ.

Vì thế, không có gì lạ khi những ngày cuối cùng của năm cũng đang diễn ra theo một cách sôi động hơn bao giờ hết, khi có vẻ như một kế hoạch vĩ đại chuẩn bị được triển khai: Liên minh châu Âu (EU) muốn tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc để đáp trả Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được hoàn tất, mà trong đó Mỹ đã gạt EU ra ngoài. Cuộc chơi vì thế đang dần trở thành một màn bắt cá hai tay của EU với hai đối tác thương mại và kinh tế số một và số hai của mình, là Mỹ và Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Barack Obama có lẽ đã không được yên ổn tận hưởng những ngày cuối cùng của năm 2015, một năm được đánh giá là thành công với người đứng đầu nước Mỹ sau khi thúc đẩy đàm phán TPP hoàn tất. Nước Mỹ đang lo ngại về một kịch bản trong đó EU đang muốn trao quy chế nền kinh tế thị trường (MES) cho Trung Quốc, một quy chế mà nếu được thông qua Mỹ và EU sẽ không thể áp thuế cao với những hàng hóa của Trung Quốc bị liệt trong danh sách bán phá giá.

Nếu điều này xảy ra, Mỹ và EU sẽ phải hứng chịu những khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Dĩ nhiên, Trung Quốc sẽ nhượng lại những lợi ích đáng kể cho EU để bù đắp những tổn thất đó, còn Mỹ thì e rằng không. Nó đồng nghĩa với việc khi mà quan hệ thương mại Trung Quốc – EU tăng lên cũng tỷ lệ với quan hệ thương mại EU – Mỹ giảm xuống ở nhiều lĩnh vực. Khi thâm hụt thương mại với cả Trung Quốc và EU tăng lên, cũng có nghĩa là những lợi ích mà TPP đem lại cho kinh tế Mỹ đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Thực tế là đã có những ý kiến lo ngại về việc EU và Trung Quốc sẽ xích lại gần nhau sau khi đàm phán TPP hoàn tất, do cả hai nền kinh tế lớn này đã bị gạt ra ngoài hiệp định thương mại lớn nhất từ xưa đến nay này. Điều này khiến cả EU và Trung Quốc sẽ đều bị ảnh hưởng trong một số lĩnh vực kinh tế, dĩ nhiên Trung Quốc là nước bị ảnh hưởng nhiều hơn do đa số thành viên TPP là các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương có quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc.

Bắc Kinh từ lâu đã xem EU như một đối tác để tạo nên một liên minh kinh tế hùng mạnh, khi chủ tịch Tập Cận Bình sang thăm châu Âu vào tháng 3.2014 Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do với EU. Dự án đồ sộ Con đường tơ lụa mà Trung Quốc đang triển khai cũng hướng đến châu Âu như đích đến, với tuyến đường sắt Á – Âu và tuyến đường biển nối Trung Quốc với châu Âu. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu cũng đã lên tới 467 tỷ Euro, chỉ xếp thứ hai sau Mỹ.

Vì thế, khi mới nhìn qua sự việc EU muốn trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc, người ta dễ dàng ngộ nhận một sự liên kết EU – Trung Quốc trả đũa Mỹ vì bị gạt ra ngoài TPP. Nhưng trên thực tế, Mỹ không hề có ý định gạt châu Âu ra ngoài. Song song với việc đàm phán TPP, Mỹ cũng bắt đầu đàm phán với châu Âu một hiệp định đối tác thương mại tương tự. Đó là Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Ý định của Mỹ là thiết lập hai khu vực thương mại lớn nhất thế giới với các nước ở hai bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương mà không có mặt Trung Quốc. Cũng cần phải kể thêm rằng TPP rất ít tác động tới lợi ích của kinh tế EU, do phân bố hàng hóa giữa các nước TPP và EU trên thị trường Mỹ là rất ít trùng lặp với nhau.

Do đó, việc EU muốn trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc lần này không hề liên quan đến TPP, mà thiên về ý nghĩa rằng EU đang muốn khởi động một sự tăng cường quan hệ kinh tế với cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Với Mỹ, EU tiếp tục đàm phán TTIP, còn với Trung Quốc là việc trao quy chế kinh tế thị trường và hướng đến thiết lập một thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và Trung Quốc. Nói cách khác, EU đang muốn đứng giữa để thu lợi từ cả hai cường quốc kinh tế số một và số hai thế giới, nhất là khi EU giờ đây đang là đối tượng được cả Washington lẫn Bắc Kinh ve vãn. EU có lý do chính đáng để làm thế, khi nền kinh tế của liên minh châu Âu vẫn đang ở trong tình trạng tăng trưởng trì trệ. Nếu trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc, EU có thể nhận được hàng trăm tỷ USD đầu tư từ các doanh nghiệp nước này để cải thiện nền kinh tế. Điều tương tự cũng sẽ diễn ra nếu Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư với Mỹ được hoàn tất.

Ở thời điểm hiện tại, Mỹ đang có ưu thế hơn so với Trung Quốc trong cuộc đua mà EU đang ranh mãnh tạo ra này. Mỹ vẫn đang là đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu, còn Trung Quốc chỉ xếp thứ hai, thị trường Mỹ vẫn luôn được các doanh nghiệp châu Âu đặt lên hàng đầu so với thị trường Trung Quốc. Bất cứ một thỏa thuận nào gây bất lợi cho Mỹ như việc EU muốn trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc, cũng đều có thể khiến quá trình đàm phán Hiệp định đối tác thương mại đầu tư giữa Mỹ và châu Âu rơi vào căng thẳng.

Ngoài ra, Mỹ cũng đang có khá nhiều đồng minh ở EU trong việc phản đối trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc. Chỉ có Anh và Đức là hai nước sốt sắng với việc này, khi Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Đức còn Anh thì vừa mới có một buổi tiếp đón ông Tập theo cách hoành tráng nhất ở London. Thủ tướng Đức Angela Merkel và bộ trưởng bộ Tài chính Anh George Osborne đang đi đầu trong việc ủng hộ trao quy chế này cho Trung Quốc, dễ hiểu là vì Anh và Đức sẽ là hai nước nhận được nhiều đầu tư nhất từ các doanh nghiệp Trung Quốc vào EU. Nhưng hầu hết các nước còn lại trong EU phản đối, do lo ngại việc này sẽ đồng nghĩa với việc hàng hóa Trung Quốc sẽ giết chết hàng loạt ngành công nghiệp ở châu Âu, như gốm sứ, thép và dệt may. Ý và Pháp đang là những quốc gia dẫn đầu những nước phản đối việc này.

Dĩ nhiên là thủ tướng Đức Merkel đang là người có quyền lực cao nhất ở châu Âu hiện tại, nhưng không có nghĩa là bà Merkel có thể đơn thương độc mã chống lại sự phản đối của hầu hết các quốc gia trong Liên minh, dù bà có được thủ tướng Anh Cameron hỗ trợ đi nữa. Mỹ cũng đã công khai cảnh báo EU không nên cấp quy chế thị trường cho Trung Quốc vì sẽ ảnh hưởng liên đới tới cả Mỹ. Thế nên, dù EU có muốn bắt cá hai tay đi nữa, cũng không phải là chuyện dễ dàng.

Nhàn Đàm (theo Financial Times/Vneconomy)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template