Xã 'gia đình trị': Bí thư huyện coi là... chuyện bình thường
Khi được hỏi về cơ cấu chính quyền xã "bất thường" với các vị trí chủ chốt trong UBND xã đều là họ hàng của ông Dương Đình Sáu, bí thư huyện cho đó là chuyện tất yếu!?
Người dân xã Thành Công rất bức xúc trước việc Bí thư Đảng ủy xã "mắng" dân "ngu và bố láo".
Trước đó, trong nội dung đơn thư tố cáo, nhiều người dân xã Thành Công đã bày tỏ bức xúc trước việc Bí thư Đảng ủy xã Thành Công là ông Dương Đình Sáu trong quá trình làm cán bộ lãnh đạo xã đã “không công tâm”, “không dân chủ”, “kéo bè kéo cánh” và “biến” bộ máy chính quyền xã Thành Công thành cơ cấu mô hình “gia đình trị” với hàng loạt vị trí lãnh đạo chủ chốt trong UBND xã đều là anh em, con cháu, họ hàng của mình.
Ngoài ra, bản thân ông Sáu cũng đã từng giữ chức Chủ tịch UBND xã Thành Công hơn chục năm trước khi chuyển sang làm… Bí thư Đảng ủy xã.
Trao đổi với chúng tôi về cơ cấu chính quyền xã “bất thường” này, ông Nguyễn Văn Khoa – Bí thư Huyện ủy Phổ Yên (Thái Nguyên) cho hay là “biết rất rõ” vụ việc trên nhưng lại khẳng định “đó là điều tất yếu”.
Ông Khoa nói: “Cán bộ trong xã đó (tức xã Thành Công – PV) chúng tôi biết rất rõ. Ngoài trường hợp anh Chức là con trai ruột ông Sáu làm địa chính xã, còn có em trai ruột ông Sáu làm Phó chủ tịch UBND xã, cháu ông Sáu làm Trưởng công an xã, rồi thì em họ ông Sáu cũng làm Phó chủ tịch xã, em họ bên vợ làm Chủ tịch UBND xã… Đó cũng là điều tất yếu. Vì tất cả đều gọi ông ấy (ông Dương Đình Sáu - PV) bằng “ông” mà lại” (!?)
“Khi nào tôi sẽ cho Trưởng phòng Nội vụ huyện thông tin cụ thể về vấn đề này. Việc ấy là chuyện bình thường, không có vấn đề gì đâu”, ông Khoa khẳng định.
Về việc cho rằng đó là "chuyện bình thường", ông Khoa giải thích: “Toàn bộ xã đó (xã Thành Công – PV) là dòng họ nhà ông Dương Đình Sáu nên toàn bộ cán bộ UBND xã Thành Công cũng là người của ông Sáu hết. Ngay cả người dân tộc thì vẫn có người bên ngoại nhà ông ấy. Thế nên mới có việc cả xã, cả xóm là họ hàng nhà ông Sáu và anh em nhà ông ấy làm cán bộ ở UBND xã là… điều tất yếu”.
Liên quan đến việc ông Dương Đình Sáu làm Bí thư Đảng ủy xã nhưng con trai ông Sáu là ông Dương Văn Chức lại phụ trách địa chính xã, vi phạm Nghị định số 114/2003/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2004/TT-BNV của Bộ Nội vụ, ông Khoa cũng cho rằng đây là “chuyện bình thường”. Ông Khoa lý giải: “Ông ấy (ông Dương Đình Sáu – PV) làm Bí thư xã chứ có làm Chủ tịch UBND xã đâu, còn con ông ấy (tức ông Chức) làm địa chính xã thì là do Chủ tịch UBND xã trực tiếp quản lý, điều hành, mà Chủ tịch UBND xã với con ông ấy thì… có quan hệ gì đâu”.
“Vụ việc này là bình thường, không sao đâu”, ông Khoa tái khẳng định.
Như Luật sư Phạm Tiến Quyển (Công ty Luật Quỳnh Như, Bắc Ninh) đã phân tích: “Trong vụ việc trên, phía UBND xã Thành Công rõ ràng đã 'có vấn đề', đã vi phạm nghiêm trọng về mặt cơ cấu cán bộ, nhân sự. Cụ thể, ở đây đã vi phạm Nghị định số 114/2003/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2004/TT-BNV của Bộ Nội vụ”.
Tại Khoản 4, Điều 11 Nghị định số 114/2003/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 10/10 /2003) về Cán bộ, công chức, xã, phường, thị trấn quy định rất rõ: Bí thư đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình vào làm công việc: Tài chính - Kế toán, Địa chính - Xây dựng.
Ngoài ra, tại Thông tư số 03/2004/TT-BNV của Bộ Nội vụ (có hiệu lực từ ngày 16/1/2004) cũng quy định rất rõ: Những người được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tại đơn vị mà vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình đang làm công việc Tài chính, kế toán, Địa chính - Xây dựng thì Uỷ ban nhân dân cấp xã báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp huyện có kế hoạch bố trí lại công chức nói trên tại xã, hoặc điều động tới làm việc ở đơn vị khác trong thời gian chậm nhất là 06 tháng kể từ khi giữ chức vụ bầu cử”
Qua phản ánh của người dân và qua tìm hiểu thực tế được biết: Hiện nay, trong cơ cấu cán bộ lãnh đạo của UBND xã Thành Công đang tồn tại điều “bất thường” khi bộ máy lãnh đạo xã đều là “người một nhà” theo kiểu “gia đình trị”. Cụ thể:
Ông Dương Đình Sáu: Bí thư Đảng ủy xã.
Ông Nguyễn Đức Thịnh (em bên vợ ông Sáu): Chủ tịch UBND xã.
Ông Dương Văn Bảy (em trai ruột ông Sáu): Phó chủ tịch UBND xã.
Ông Dương Văn Tuyên (em họ ông Sáu): Phó chủ tịch UBND xã.
Ông Dương Văn Chức (con trai ông Sáu): cán bộ phụ trách địa chính xã.
Ông Dương Văn Liêm (cháu ông Sáu): Trưởng công an xã.
Tuy nhiên, điều đáng nói là cơ cấu bộ máy “lạ lùng” trên đã được người dân phản ánh và các cơ quan chức năng của huyện Phổ Yên cũng đã “biết rất rõ” nhưng không hề có bất kì động thái can thiệp gì, thậm chí còn coi đó là "chuyện bình thường", "điều tất yếu".
Theo Trí Thức trẻ
Các bài viết khác
Công ty 'gia đình trị' - Bài 1: 'Đế chế' Tư Hường và Nam Á Bank
Công ty 'gia đình trị' – Bài 2: Quyền lực lớn của mẹ Cường Đôla
Công ty 'gia đình trị' – Bài 3: Vua 'thâu tóm' Trầm Bê
Công ty 'gia đình trị' – Bài 4: Công cuộc vực dậy ACB của họ Trần
Công ty 'gia đình trị' – Bài 5: Anh em họ Trần thống lĩnh Kinh Đô
Xã 'gia đình trị'- Bài 6: Bí thư huyện coi là... chuyện bình thường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn