Công ty 'gia đình trị' – Bài 5: Anh em họ Trần thống lĩnh Kinh Đô
Hai anh em ông Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên đã cùng nhau nắm giữ 2 vị trí cao nhất nhì tại Kinh Đô, kể từ ngày công ty thành lập cho tới nay.
“Thống trị” tuyệt đối
Hơn 20 năm nay, dù Công ty Cổ phần Kinh Đô lên sàn chứng khoán với mã cổ phiếu KDC, nhưng vị trí cao nhất nhì của hai anh em Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên tại đây không hề thay đổi. Quyền lực của họ Trần vẫn luôn vượt trội tại Kinh Đô.
Ông Trần Kim Thành giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty. Ông Trần Lệ Nguyên (em trai ông Thành) với chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc (CEO).
Trong bộ máy quản trị của Kinh Đô còn có ông Trần Quốc Nguyên (em trai ông Thành), hiện đang là Thành viên HĐQT.
Vợ của ông Trần Kim Thành - bà Vương Bửu Linh và vợ của ông Trần Lệ Nguyên - bà Vương Ngọc Xiềm cũng giữ vị trí Thành viên HĐQT.
Sự thống trị của gia đình họ Trần cũng hiện diện trong bộ máy điều hành khi một loạt thành viên khác nắm vị trí phó tổng, kế toán trưởng...
Báo cáo quản trị công ty năm 2013 của Kinh Đô (mã chứng khoán KDC) cho thấy, trong khi ông Trần Kim Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) chỉ nắm giữ 130.000 cổ phần chiếm tỉ lệ 0,08% thì phần lớn cổ phần lại thuộc về vợ chồng em trai ông Thành là ông Trần Lệ Nguyên và bà Vương Ngọc Xiềm.
Ông Trần Lệ Nguyên hiện đang là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc Kinh Đô. Khối lượng cổ phiếu KDC mà ông Nguyên nắm giữ lên tới gần 14 triệu đơn vị, tương ứng tỉ lệ 8,35% vốn điều lệ công ty.
Cổ phần nằm trong tay bà Vương Ngọc Xiềm - vợ ông Nguyên cũng tương đối lớn với 5,8 triệu đơn vị tương ứng tỉ lệ 3,45% vốn. Bà Xiềm cũng đang kiêm nhiệm hai vị trí Thành viên HĐQT và Phó Tổng giám đốc Kinh Đô.
Vợ ông Trần Kim Thành là bà Vương Bửu Linh (Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc) cũng chỉ nắm giữ 80.000 cổ phần tại Kinh Đô, chiếm tỉ lệ 0,05% vốn.
Thời gian gần đây, chiến lược kinh doanh của Kinh Đô đang có nhiều thay đổi. Cổ phần của công ty được bán cho các nhà đầu tư chiến lược, hoặc những hợp đồng trị giá cả nghìn tỷ đồng với các đối tác mới như PhinDeli, Vocarimex, Saigon Vewong để lấn sân sang lĩnh vực mới...
Với hướng đi mới, “chiếc bánh” Kinh Đô chắc chắn sẽ phải chia thêm ra cho nhiều đại gia khác. Thế nhưng, có một điều có thể khẳng định rằng, ảnh hưởng của gia đình họ Trần tại doanh nghiệp này là không thể thay đổi.
Chuyển hướng “thuyền lớn”
Với hơn 200.000 điểm bán lẻ, Kinh Đô đang ở tâm điểm của thị trườngbánh kẹo nội địa và tỏ ra chưa có đối thủ cạnh tranh xứng tầm khi sở hữu tới 30% thị phần. Năm 2013, công ty đạt 4.560 tỷ đồng doanh thu, gấp 1,6 lần tổng doanh thu của 3 công ty bánh kẹo nội địa có thị phần đứng kế tiếp là Bibica, Hữu Nghị và Hải Hà.
Tuy nhiên, tham vọng của anh em nhà Trần Lệ Nguyên và Trần Kim Thành có lẽ còn nhiều hơn những gì đã đạt được: Kinh Đô không chỉ dừng lại ở mảng bánh kẹo, nhất là trong bối cảnh nhiều ông lớn ngành thực phẩm đang “ăn lên làm ra”.
Kinh Đô "lấn sân" sang ngành thực phẩm
Kế hoạch dấn thân vào cà phê, dầu ăn và mỳ ăn liền sẽ cần phải bỏ tiền mua nhiều thương hiệu lớn trong các ngành này. Vì lẽ đó, hợp tác với các đại gia khác có thể là một lựa chọn không tồi cho một cuộc chơi lớn hơn của nhà họ Trần.
Tại Đại hội cổ đông bất thường cuối 2014, Kinh Đô thông qua việc bán 80% mảng kinh doanh truyền thống của tập đoàn, 20% còn lại có thể được bán trong vòng 12 tháng tới cho nhà đầu tư nước ngoài.
Quyết định này có thể xem như Kinh Đô sẽ rút khỏi thị trường bánh kẹo sau 20 năm hoạt động. Ngay sau đó, Kinh Đô đã công bố kế hoạch sử dụng nguồn tiền sẽ thu được từ thương vụ này, dự kiến hoàn thành trong quý I năm 2015.
Theo đó, công ty sẽ tăng đầu tư vào Vocarimex lên 51% từ mức 24% hiện tại; mua thêm một công ty trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B) và mua lại 20 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 8,7% vốn điều lệ). Kinh Đô đã thay đổi lớn trong chiến lược kinh doanh khi chuyển sang đa dạng hóa ngành hàng, với các khoản đầu tư vào Vocarimex (dầu ăn), SaiGon Vewong (mỳ ăn liền) và Phil Deli (cà phê).
Đầu năm 2014, Kinh Đô đã phát hành 40 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên hơn 2.000 tỷ đồng, thu về khoảng 1.700 tỷ tiền mặt, nhằm phục vụ cho chiến lược mở rộng.
Mới đây nhất, Kinh Đô vừa ký kết hợp tác liên doanh với Saigon Ve Wong – một công ty Đài Loan chuyên về sản xuất thực phẩm. Theo thỏa thuận, hai bên sẽ góp vốn xây dựng nhà máy sản xuất mỳ gói trị giá 30 triệu USD tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Tỷ lệ góp vốn Kinh Đô góp 49 và Saigon Ve Wong góp 51.
Thỏa thuận với Saigon Ve Wong là bước tiến tiếp theo của Kinh Đô trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu, đồng thời là kết quả của quá trình hợp tác thành công của hai bên trong ngành mì ăn liền trong thời gian qua.
Nhà máy sẽ phát triển sản phẩm theo bốn giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 phát triển dòng sản phẩm mì ăn liền, gia vị, tiếp đến là các nhóm sản phẩm chế biến từ gạo, thực phẩm ăn liền tiện dùng và nước chấm.
Cùng với đó, theo lãnh đạo Kinh Đô và Saigon Ve Wong, liên doanh này dự kiến sẽ xây dựng thêm các nhà máy tại khu vực miền Trung, miền Nam, miền Tây để mở rộng công suất trong tương lai.
Các bài viết khác
Công ty 'gia đình trị' - Bài 1: 'Đế chế' Tư Hường và Nam Á Bank
Công ty 'gia đình trị' – Bài 2: Quyền lực lớn của mẹ Cường Đôla
Công ty 'gia đình trị' – Bài 3: Vua 'thâu tóm' Trầm Bê
Công ty 'gia đình trị' – Bài 4: Công cuộc vực dậy ACB của họ Trần
Công ty 'gia đình trị' – Bài 5: Anh em họ Trần thống lĩnh Kinh Đô
Xã 'gia đình trị'- Bài 6: Bí thư huyện coi là... chuyện bình thường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn