
Nghệ sĩ Tường Vi dạy hát cho các em nhỏ - Ảnh: tư liệu gia đình
Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp) - NSND Tường Vi
Ca khúc Cô gái vót chông và tiếng hát cao vút của NSND Tường Vi đã lay động trái tim biết bao thế hệ khán giả từ những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cho đến tận hôm nay.
Ca khúc: Cô gái vót chông Sự thật về cô gái và đẳng cấp NSND Tường Vi qua một nốt nhạc
Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, khi phải chứng kiến những nỗi đau của gia đình, Tường Vi xin được nhập ngũ.
Bà trở thành y tá của Viện Quân y 108 (Hà Nội). Mặc dù gia đình không có truyền thống làm nghệ thuật, nhưng từ nhỏ bà đã yêu ca hát và được mọi người ngợi khen có giọng hát cao vút hiếm có. Bà trở thành ca sĩ từ khi chuyển sang đoàn ca múa nhạc Tổng cục Chính trị vào năm 1956.
Trong thời gian đó, tiếng hát của NSND Tường Vi đã vang dọc các chiến trường. Và cho đến thập niên 1990, tiếng hát ấy vẫn luôn được chờ đón trên sóng phát thanh và truyền hình cùng nhiều ca khúc đã gắn liền với tên tuổi Tường Vi: Bóng cây kơ nia, Tiếng đàn ta lư, Em là hoa pơ lang, Người con gái sông La, Người lái đò trên sông Pô Cô... Hơn 20 năm nay, bà gần như không xuất hiện trên sân khấu ca nhạc.
“Chúng con rình nghe mẹ Vi hát”
Trước khi đến gặp NSND Tường Vi, tôi đã được biết tới những công việc thiện nguyện của bà tại Trung tâm nghệ thuật tình thương ở Hà Nội. Bà trở thành người đỡ đầu nghệ thuật của rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. “Cô gái vót chông” Tường Vi năm xưa tiếp tôi tại ngôi nhà riêng của bà cũng là trung tâm tình thương mà bà đã thành lập. Bà nhớ lại, khi sắp về hưu, bà vẫn luyện thanh đều đặn hằng ngày. “Hôm đó là chủ nhật, khi tôi đang luyện thanh những bài thánh ca thì thấy có tiếng rột rột ngoài cửa. Một đám trẻ con đang ở ngoài đó thấy tôi mở cửa ra thì chạy hết. Tôi hỏi các con làm gì mà chạy ghê thế, ở đâu mà đông thế này. Chúng bẽn lẽn quay lại và nói: Chúng con bên làng mồ côi SOS, chúng con rình nghe mẹ Vi hát. Nghe vậy tôi xúc động lắm, và bảo vào đây mẹ dạy hát cho”, bà kể.
Thấy bọn trẻ yêu ca hát, bà dặn cứ chủ nhật sang nhà bà. Thế rồi, đám trẻ cứ thế bảo nhau, những đứa trẻ ở các làng trẻ khác (Hòa Bình, Thanh Xuân...) cũng tìm đến nhà bà học hát. Sau này, không chỉ có những đứa bé ở các làng trẻ, nhiều nghệ sĩ cũng gửi gắm con mình cho bà dạy.
Một mình nhưng không cô đơn
Trung tâm nghệ thuật tình thương dần trở thành ngôi nhà lớn, được xây dựng cơ sở tại Đà Nẵng, Quảng Nam. NSND Tường Vi nói, bà đủ sống bằng lương hưu, nên dành hết tiền lương của mình tại trung tâm cho các em. Bà bảo, những thầy cô giáo dạy tại trung tâm cũng làm việc xuất phát từ tình yêu thương các em, nên chỉ nhận phần tiền bồi dưỡng nhỏ.
Tôi hỏi bà, điều gì đã khiến bà miệt mài trong suốt hàng chục năm trời với khối lượng công việc lớn đến vậy. Bà giải thích đơn giản rằng: “Cũng không có gì mình phải lo lắng nhiều đâu. Những thứ mình làm xuất phát từ tình yêu thương, mà khi yêu thương thì mình chẳng tính toán gì”. Niềm hạnh phúc của bà là đã giúp được cho các em khuyết tật thành lập các nhóm hát có thu nhập ổn định hằng tháng. Trung tâm nghệ thuật tình thương đã thành lập được 6 đội hát, mỗi đội có một chủ nhiệm tìm điểm diễn, một phó chủ nhiệm lo sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt cho các em.
NSND Tường Vi năm nay đã ở tuổi 78. Bà bảo sức khỏe không còn được tốt, bệnh tiểu đường mỗi lúc nặng thêm dẫn đến biến chứng suy thận. “Tôi vẫn cố gắng khi còn đủ sức. Cho đến hết năm nay hoặc năm sau là tôi nghỉ hưu lần hai thôi”, bà cười bảo. Con trai của bà là nhạc sĩ Trần Hùng và con dâu là ca sĩ Ngọc Anh sẽ là những người tiếp tục công việc của bà. Các con bà đang định cư tại Mỹ nhưng vẫn thường trở về VN để giúp bà các công việc của trung tâm. Đến giờ vẫn còn một điều bà trăn trở: “Tôi muốn có sân khấu cho các em khuyết tật có tài năng được biểu diễn thường xuyên”. Bà nói giờ bà khó có thể làm được nữa, nhưng bà tin rồi trong lớp trẻ sau này, sẽ có người làm.
NSND Tường Vi và nhạc sĩ Trần Chương đã chia tay từ lâu. Ngôi nhà bà ở giờ chỉ có bà và người giúp việc. Chạnh lòng thương bà tuổi già sống một mình. Bà bảo: “Mỗi người một số phận. Tuy tôi và chồng cũ không ở với nhau, nhưng luôn coi nhau như người bạn tốt. Tôi sống một mình nhưng chưa bao giờ cảm thấy cô đơn. Cô giúp việc rất tốt, rất thương tôi. Vừa rồi tôi đi bệnh viện cấp cứu mấy ngày mà bao người đến thăm. Ốm đau là quy luật, khi nào không ốm đau thì vui hơn, khi ốm đau mình phải biết làm thế nào cho đỡ bi quan. Tự mình tìm niềm vui cho mình. Tôi thích nghe nhạc, xem thời sự lắm. Các con tôi ở xa nhưng ngày nào cũng nói chuyện với nhau, nhìn thấy mặt nhau qua máy tính. Mỗi năm, Ngọc Anh vẫn được nhạc sĩ Phú Quang mời về nước biểu diễn, nhân dịp đó các con lại về thăm mẹ”.
Ca khúc Cô gái vót chông: Sự thật về "cô gái" và đẳng cấp NSND Tường Vi qua một nốt nhạc
Điều đáng nói là đoạn staccato của Tường Vi đã chạm tới nốt Eb6, một nốt nhạc rất cao của nữ cao màu sắc.

Bài luyện thanh của nhiều thế hệ sinh viên âm nhạc
Hoàng Hiệp là một nhạc sĩ xuất sắc, tiêu biểu của nền nhạc cách mạng Việt Nam. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã để lại nhiều ca khúc bất hủ, phản ánh quá trình đấu tranh, giữ nước và thể hiện lòng yêu nước sâu sắc như Câu hò bên bờ Hiền Lương, Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây, Nhớ về Hà Nội, Viếng lăng Bác, Ngọn đèn đứng gác, Mùa chim én bay…
Trong gia tài các sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, có một ca khúc ghi dấu ấn đậm nét nhất với khán giả và trở thành biểu tượng của cả nền nhạc học thuật Việt Nam. Đó là Cô gái vót chông, sáng tác nằm trong chùm 6 tác phẩm mà Hoàng Hiệp được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp
Cô gái vót chông ra đời vào giữa thời chiến tranh bom đạn, đến nay đã gần 60 năm trôi qua, chiến tranh không còn nhưng ca khúc vẫn tồn tại bền bỉ với sức sống mãnh liệt, luôn được tái sinh đầy tươi mới cùng trăm thế hệ giọng ca trẻ, khán giả trẻ.
Đây là ca khúc đạt kỷ lục về số lượng ca sĩ sử dụng và đã biểu diễn thành công, như Tường Vy, Lê Dung, Anh Thơ, Hoàng Tùng, Thu Giang, Bích Việt, Hồng Vy, Quang Linh, Phương Thảo…
Đặc biệt, Cô gái vót chông còn trở thành bài luyện thanh cơ bản của rất nhiều sinh viên trường nhạc, được các sinh viên trẻ dùng để thi thố, trình diễn, thể hiện năng lực giọng hát.
Không những vậy, Cô gái vót chông còn thường xuyên được hát ở các buổi tiệc tùng, họp mặt, karaoke, như một bài hát thuần giải trí. Đây là điều kỳ diệu mà một ca khúc nhạc cách mạng làm được.
Thậm chí, hoa hậu Đỗ Thị Hà còn dùng Cô gái vót chông làm chất liệu để diễn tấu đàn T’rưng trong phần thi Tài năng tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2021.
Cô gái vót chông là minh chứng cho thấy, một ca khúc nhạc cách mạng hoàn toàn có thể thoát ra khỏi hoàn cảnh sáng tác để tồn tại như một chỉnh thể nghệ thuật độc lập ở mọi môi trường, không gian, thời gian, với tính đại chúng cao.

"Cô gái vót chông" là ai?
Ngoài giá trị về âm nhạc, Cô gái vót chông còn có giá trị lịch sử, văn hóa, văn học vì nó được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ thơ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ thơ dân tộc Ê Đê – Mô Lô Y Choi. Đây cũng là một tài năng khác của Hoàng Hiệp – bậc thầy phổ thơ.
Nhà báo Nguyễn Lưu từng kể lại một câu chuyện về nhà thơ Trinh Đường. Trong một buổi họp mặt các văn nghệ sĩ, vị nhà thơ này nói: "Các ông làm nhạc ơi, chắc là các ông sẽ gặp khó khăn khi so đọ với cánh thơ chúng tôi về ngôn từ.
Vậy, theo ý mình thì cứ tìm một bài thơ nào đó mà thấy tâm đắc rồi phổ nhạc vào đó có hay hơn không?".
Nói rồi, nhà thơ chỉ sang nhạc sĩ Hoàng Hiệp đứng gần đó: "Đấy, vua phổ thơ đó".
Điều đáng nói là nhạc sĩ Hoàng Hiệp chưa hề được gặp mặt tác giả Mô Lô Y Choi. Ông chia sẻ:
"Vào năm 1965, tình cờ đọc báo Văn Nghệ, tôi thấy bài thơ Cô gái vót chông của Mô Lô Y Choi. Bài thơ đã tạo cho tôi nhiều cảm hứng. Sẵn vốn chất liệu Tây Nguyên ấp ủ từ trước, tôi phổ nhạc bài thơ khá nhanh" (theo Tuy Hòa).

Nhà thơ Mô Lô Y Choi
Ngay sau khi ra đời, Cô gái vót chông lập tức được tốp nữ của Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương dàn dựng. Tiếp đó, nó còn được biểu diễn ở một số nước châu Âu, được ghi đĩa ở Pháp...
Vì đây là ca khúc phổ thơ, nên cần nói tới nhà thơ Mô Lô Y Choi. Ông là người dân tộc Ê Đê, sinh năm 1930 tại Buôn Thinh, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.
Người dân địa phương vẫn thường gọi nhà thơ Mô Lô Y Choi là Ma Luê (cha của thằng Luê).
Năm 1954, Mô Lô Y Choi rời quê nhà tập kết ra Bắc và học trường Sư phạm Miền núi Trung ương.
Sau đó, ông tiếp tục được đào tạo khóa học Lý luận phê bình văn nghệ do Bộ Văn hóa tổ chức. Năm 1962, Mô Lô Y Choi về công tác ở tạp chí Văn Nghệ Việt Bắc.
Thời gian đó, nhà thơ thường ôm đài radio nghe thời sự qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông tâm sự:
"Cứ mỗi lần nghe tin giặc Mỹ gây tội ác sau các cuộc càn quét đẫm máu ở nhiều vùng quê khiến cho những người dân vô tội thiệt mạng, tôi xót xa phẫn uất vô cùng. Tới khi nghe được những bản tin đồng bào các buôn làng ở Tây Nguyên tất bật vót chông tên, làm cung nỏ để đánh giặc, cái bụng tui vui lắm" (theo Công an nhân dân).

Nhà thơ Mô Lô Y Choi
Mùa hè năm 1965, nhà thơ được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phản ánh không khí đồng bào Ê Đê ở Tây Nguyên hăng hái vót chông để đánh giặc.
Bỗng dưng ông nhớ tới người vợ Ksor H’Đô nơi rừng núi Sông Hinh cũng đang ngày đêm góp phần vào cuộc kháng chiến ấy. Cảm xúc dâng trào, Mô Lô Y Choi đã chắp bút viết nên bài thơ Cô gái vót chông.
Như vậy, nhân vật "cô gái vót chông" được lấy nguyên mẫu từ chính người vợ tảo tần của nhà thơ. Tuy nhiên, đó cũng là hình ảnh chung về vẻ đẹp của rất nhiều người phụ nữ Ê Đê khác đang ngày đêm lao động, chống giặc. Ông tâm sự:
"Những mạch nguồn cảm xúc cứ tuôn trào, đánh thức sức sáng tạo để tui viết một mạch xong bài thơ Cô gái vót chông. Đó là tác phẩm đầu tay nên tui thật sự lo ngại khi giới thiệu với anh em văn nghệ sĩ ở cơ quan.
Nào ngờ nhiều người khen hay, nên bài thơ không chỉ được đăng ở Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc, mà sau đó được Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu với người yêu thơ" (theo Công an nhân dân).

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp
Nhân vật "cô gái vót chông" trong bài hát được gọi là "cô gái sông Ba". Sở dĩ nhà thơ gọi như vậy vì buôn làng của ông thuộc địa phận tỉnh Phú Yên, giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gia Lai, có con sông Ba chảy xuôi về biển Đông.
Lần đầu tiên Cô gái vót chông ra mắt độc giả khi được đăng trên tạp chí Văn Nghệ Việt Bắc. Sau đó, nó được chọn đăng lại trên báo Văn Nghệ cuối năm 1965. Ngay trong năm đó, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã phổ nhạc cho Cô gái vót chông, dù chưa hề được gặp mặt cha đẻ của nó.
Sau giải phóng, nhà thơ Mô Lô Y Choi về đoàn tụ cùng người vợ vót chông Ksor H’Đô.
Nhà báo Phan Thế Hữu Toàn từng đến thăm Mô Lô Y Choi và hỏi ông về nguyên mẫu "cô gái sông Ba đầu búi tóc thon" trong ca khúc, Ông cười hả hê vui sướng, chỉ tay về phía người phụ nữ đang ngồi bên bếp lửa ở góc nhà, rồi bảo: "Vợ tôi đó chớ ai. Ksor H’Đô đó!".
Đẳng cấp tiếng hát NSND Tường Vi
Nhắc đến Cô gái vót chông, ai cũng nhớ tới NSND Tường Vi. Dù không phải người đầu tiên thể hiện ca khúc, nhưng chính NSND Tường Vi đã dùng tiếng hát của mình đưa Cô gái vót chông lên một đỉnh cao mới, tạo tiếng vang lớn với cả giới chuyên môn lẫn công chúng.
Nhờ đó, Cô gái vót chông đã trở thành ca khúc bất hủ và ghi đậm dấu ấn trong lòng khán giả qua suốt hơn nửa thế kỷ. Đây cũng là bài hit gắn liền với tên tuổi NSND Tường Vi.

NSND Tường Vi
NSND Tường Vi sinh ra trong một gia đình không ai theo nghệ thuật. Thời gian đầu đời, bà xin nhập ngũ rồi trở thành y tá tại Viện quân y 108.
Tuy nhiên, đam mê nghệ thuật vốn đã có sẵn trong con người Tường Vi. Năm 1956, bà chuyển sang đoàn ca múa Tổng cục chính trị và bắt đầu được học thanh nhạc.
Năm 1962, Tường Vi thi đỗ vào khoa thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội và tốt nghiệp vào năm 1967. Bà là một trong những thế hệ ca sĩ đầu tiên được đào tạo bài bản về thanh nhạc tại Nhạc viện.
Chưa dừng lại ở đó, NSND Tường Vi còn theo học một lớp sáng tác ngắn hạn do Bộ Văn hóa thông tin tổ chức. Năm 1974, bà được cử đi du học 4 năm tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria.
Tường Vi bẩm sinh sở hữu giọng nữ cao màu sắc trữ tình (lirico coloratura soprano), một loại giọng xuất hiện không nhiều tại Việt Nam, khác hoàn toàn với những giọng nữ nhạc cách mạng khác (đa số đều là nữ cao trữ tình – lirico soprano).
Đây là loại giọng sáng mảnh, âm vực rộng, linh hoạt, có thể hát với tốc độ nhanh và lên những nốt cao vút ngoài quãng giọng nữ thông thường.
Nhờ được học hành thanh nhạc bài bản, NSND Tường Vi đã phát huy được chất giọng nữ cao màu sắc hiếm có của mình. Từ đó, bà áp dụng những kiến thức học được vào nhạc cách mạng.
Ngay khi đọc phần ca từ của Cô gái vót chông, NSND Tường Vi đã mường tượng ra cảnh núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn muông thú, cỏ cây. Từ đó, bà tự sáng tạo bằng cách thêm một đoạn chạy nốt staccato head voice giả tiếng chim hót, đậm chất màu sắc vào bài hát, khiến nó trở nên tươi mới, đầy sức sống và tràn ngập nhạc tính.
Staccato vốn là kỹ thuật quen thuộc trong Opera và nhạc cổ điển phương Tây. Nó thường được các nữ cao màu sắc như Joan Sutherland, Beverly Sills, Lily Pons, Edda Moser… thể hiện, nhưng ở Việt Nam lúc bấy giờ lại hoàn toàn lạ lẫm.
Và NSND Tường Vi sau nhiều năm học tập đã mang staccato từ nhạc cổ điển phương Tây về áp dụng vào nhạc đại chúng Việt Nam rất thành công, gây tiếng vang lớn.

Điều đáng nói là đoạn staccato của Tường Vi đã chạm tới nốt Eb6, một nốt nhạc rất cao của nữ cao màu sắc. Đó cũng là nốt nhạc cao nhất mà một ca sĩ Việt Nam chạm tới trong một tác phẩm vào thời điểm bấy giờ.
Theo một số thông tin, trong một lần trình diễn, NSND Tường Vi thậm chí đã chạm tới F6, một nốt nhạc cực kỳ cao khi thực hiện staccato. Tuy nhiên, trong các bản thu có được vẫn là Eb6.
Phần thể hiện Cô gái vót chông của NSND Tường Vi đã trở thành khuôn mẫu kinh điển cho mọi thế hệ ca sĩ sau này. Kể từ khi bản thu của bà ra đời, mọi ca sĩ sau đó đều phải thực hiện staccato khi hát Cô gái vót chông. Trong đó có cả NSND Lê Dung.
Cho đến nay, Cô gái vót chông vẫn được nhiều thế hệ sinh viên thanh nhạc chọn để thi thố, phô diễn giọng hát. Đó là giá trị học thuật mà NSND Tường Vi đã đem lại cho ca khúc, ảnh hưởng tới mãi về sau.
Nguồn: Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp) - NSND Tường Vi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn