Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

Cuộc hội ngộ bất ngờ của thầy Lê Bá Khánh Trình sau 40 năm




TS Lê Bá Khánh Trình tại sân bay Nội Bài trưa 23/7. Ảnh: Thanh Hùng
Cuộc hội ngộ bất ngờ của thầy Lê Bá Khánh Trình sau 40 năm


Video: TS Lê bá Khánh Trình…



TS Lê Bá Khánh Trình đã rất xúc động khi kể lại cuộc hội ngộ bất ngờ với người chấm giải đặc biệt cho mình với lời giải độc đáo và ngắn gọn ở kỳ thi cách đây 40 năm.

Kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) lần thứ 60 vừa diễn ra ở thành phố Bath, Vương quốc Anh đã dẫn đến cuộc hội ngộ kỳ thú của hai nhân vật trong một sự kiện thú vị xảy ra cách đây 40 năm.

Ngày 18/7 tại Vương quốc Anh, TS Lê Bá Khánh Trình, Phó Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế năm 2019 đã có cuộc hội ngộ với GS Tony Gardiner, vị giám khảo cũ trong kỳ thi năm 1979.

Cách đây đúng 40 năm ở London, thủ đô nước Anh, Lê Bá Khánh Trình đã đoạt Huy chương Vàng với số điểm tuyệt đối 40/40, đồng thời đoạt giải đặc biệt về lời giải độc đáo trong kỳ thi này.

Chàng học sinh "vàng" thuở ấy tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy toán, tại khoa Toán - Tin học (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM). Nhiều năm nay, TS Trình là một trong những người dẫn đội tuyển Việt Nam đi tham dự các kỳ thi Olympic Quốc tế.

GS Tony Gardiner giờ đây đã nhiều tuổi nhưng vẫn tham gia chấm hình học ở bài 2 đề thi năm nay. Còn cậu học sinh 17 tuổi ngày ấy giờ đã là vị phó Trưởng đoàn Việt Nam tham dự IMO.

Sáng 23/7, VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với ông về kỷ niệm đáng nhớ này ngay sau khi đoàn Việt Nam đặt chân xuống sân bay Nội Bài trở về từ kỳ Olympic Toán quốc tế năm 2019:

Phóng viên: Thưa ông, khi gặp lại GS Tony Gardiner - vị giám khảo cũ trong kỳ thi năm 1979, tức là sau đến 40 năm, ông có cảm xúc như thế nào?

TS Lê Bá Khánh Trình: Ở chuyến đi năm nay, có 2 sự việc gợi lại những kỷ niệm đẹp trong tôi. Đầu tiên đó là việc gặp lại vị giáo sư, tôi rất bồi hồi và cảm động bởi quãng thời gian 40 năm là không ít. 2 con người gặp lại đúng nơi mà đã xuất phát câu chuyện khi mái tóc đã cùng bạc hết rồi. Tôi nghĩ trong bối cảnh đó thì ai cũng sẽ xúc động.

Chúng tôi đã chào nhau rất thân tình và gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Sau cuộc gặp đó, nhiều đêm tôi suy nghĩ không ngờ bản thân lại may mắn đến vậy khi được gặp lại người mà trước đây mình đã từng ít nhiều có duyên nợ.

Nhưng chưa hết, tôi còn được gặp lại một người bạn nữa cùng đi thi vào năm đó và bây giờ là Trưởng đoàn của đội tuyển Ireland. Qua hỏi thông tin, ông ấy đã chủ động đi tìm tôi và rồi chúng tôi đã cùng nhau tay bắt mặt mừng. Như vậy, ở nước Anh năm nay ít nhất cũng đã có 3 người cũ được gặp lại nhau.

- Sau 40 năm, vị giám khảo quyết định “chấm” cho ông là thí sinh có lời giải đẹp có thay đổi nhiều?

Thú thực, hồi đó tôi không được biết thầy Tony Gardiner. Bởi GS chỉ chấm bài và GS cũng không biết mà chỉ thấy tôi khi lên nhận giải. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rất vui mừng khi thấy ông vẫn mạnh khỏe dù năm nay đã 82 tuổi. Ông vẫn đang tham gia giảng dạy ở một trường đại học. Dù nay đã cao tuổi nhưng ông vẫn rất thích chấm thi Toán. Ông ấy vẫn hoạt động khá rộng và quan tâm đến một phong trào tổ chức thi Toán cho học sinh, sinh viên nữa.

- Ông và vị giáo sư người Anh đã trò chuyện với nhau về những gì?

Tôi cũng không ngờ gặp được ông ấy, bởi bối cảnh gặp nhau là khi đó tôi đi chấm thi. GS Tony Gardiner có thể biết đoàn Việt Nam sẽ đi qua khu vực đó nên đã đứng lại ở trước phòng chấm và chờ. Và có thể ông thấy tôi là người lớn tuổi nhất trong đoàn nên đã đến gặp tôi.

Sau đó, ông nhắc đến bài toán năm xưa. Ông cũng nhắc cả đội tuyển Việt Nam dạo đó nữa. Ông nói rằng: "Tôi nhớ bài của cậu gây ấn tượng bởi không ngờ lại có thể ngắn gọn đến như vậy. Chính vì cái bất ngờ đó đã tạo tiền đề để ban giám khảo đề nghị trao giải đặc biệt".

Sau đó, chúng tôi hỏi thăm nhau về sức khỏe và tôi cũng có tặng cho ông ấy một món quà nhỏ. Khi đó, tôi đã để quên cái áo khoác ở trong phòng và rồi người ta cầm ra thì tôi mới nói đùa với ông ấy rằng: “Tôi hy vọng cứ để áo đây 40 năm sau tôi quay lại lấy áo khoác cũng được. Và sẽ lại được gặp ông”.

- Ông có lời mời vị giáo sư tới Việt Nam hay hẹn gặp lại ông ấy ở đâu đó trên thế giới?

Lúc đó tôi chưa kịp nói điều đó. Nói chung quá bất ngờ và xúc động nên chỉ kịp nhắc lại những kỷ niệm. - Ông còn nhớ tại sao lúc đó mình lại có thể nghĩ ra lời giải đặc biệt không?

Sở dĩ có lời giải ngắn vậy là do trước đó tôi đọc nhầm dẫn đến hiểu sai đề. Đề cho là 2 đường tròn quay cùng chiều hay ngược chiều gì đó nhưng tôi đã đọc ngược. Sau đó tôi đã làm ra nhưng khi còn khoảng nửa tiếng đồng hồ thì mới phát hiện ra ngược đề nên trong lúc nguy cấp có thể đã tạo cho tôi một động lực để tìm cách làm gọn nhất. Và rồi xuất thần tôi cũng đã giải được.

GS Tony Gardiner cũng có kể lại cho tôi, ngày đó ban giám khảo đã tính hết các nước cho lời giải bài hình. Do đó khi đội chấm xem một lời giải quá ngắn thì đội chấm đều cười và nói rằng chắc chắn lời giải sai. Ai cũng nghĩ chắc là học sinh này làm bậy làm bạ. Nhưng sau khi xem kỹ thì họ bất ngờ và dần hiểu rằng không thể tìm ra chỗ sai. Điều mà ông ấy ấn tượng và nhớ nhất là chỗ đó. Khi đó GS Tony Gardiner là một thành viên trong nhóm chấm hình học. Và sau khi kiểm tra kỹ ông ấy đã đề xuất trao giải đặc biệt cho lời giải này.

- Nhiều năm dẫn đoàn Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế và thực tế Việt Nam cũng nhiều lần đạt kết quả tốt, có khi nào ông cảm thấy mọi thứ đã quá trở nên quen thuộc, nhàm chán hay không?

Thực ra cũng hơi cảm thấy mệt mỏi vì tuổi tác, nhưng không hề nhàm chán. Bởi mỗi năm một khác và cũng chưa năm nào tôi thấy hoàn chỉnh trọn vẹn, năm này được cái này thì chưa được cái kia, hơn đội này thì lại thua đội kia. Do đó vẫn khiến mình muốn cố gắng để năm sau sẽ làm tốt hơn năm trước. Chưa kể mỗi học sinh một vẻ và có những khả năng khác nhau và tôi cũng muốn được đi cùng với các em để cảm nhận sức trẻ trong tinh thần và ý chí.

- Ngoài quyết tâm để mang về những kết quả tốt hơn mỗi năm, ông có suy nghĩ và kỳ vọng mang đến sự phát triển cho đất nước từ các thế hệ mà mình ươm mầm?

Tôi cũng có suy nghĩ đó nhưng một mình tôi chưa chắc đã có thể làm được. Nhưng đơn giản đó là việc tạo nên một làn gió, động lực nào đó để có thể động viên các học sinh càng nhiều càng tốt.

- Giới quan sát gần đây nhìn nhận rằng, phong trào bồi dưỡng toán học mũi nhọn của các nước châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Chẳng hạn như lần này đội tuyển Thái Lan còn xếp hạng cao hơn Việt Nam, hay trong 10 năm gần đây số năm Thái Lan vào tốp 5 các kỳ thi còn nhiều hơn Việt Nam. Ông có suy nghĩ gì về xu hướng này?

Các nước khu vực Đông Nam Á cạnh tranh nhau để vươn lên giành những vị trí cao rất khốc liệt. Bởi học sinh của họ cũng giỏi, phong trào đầu tư học sinh giỏi rất mạnh mẽ, mà họ cũng không muốn thua kém các nước khác.

Thực tế mà nói trước năm 2012 là Việt Nam thua Thái Lan về xếp hạng. Nhưng từ năm 2012 đến trước năm 2019 thì chúng ta không thua nước bạn. Kết quả năm nay kém hơn cũng là động lực đề các thầy và các học trò cùng nhau cố gắng.

- Điều gì khiến ông đến nay vẫn say sưa với sự nghiệp bồi dưỡng học sinh giỏi?

Có thể phần nào từ sở thích là trong công việc, tôi luôn muốn tìm ra những cái gì hay, sáng tạo, những gì mà khi truyền đạt cho các em cảm thấy phấn khởi, say mê. Mà học sinh hưởng ứng, say mê thì cũng khiến mình phấn khởi mà say mê theo. Chứ những điều mình truyền đạt mà học sinh chán ngán, thờ ơ hay không hợp tác thì cũng chỉ một hai năm là hết niềm say mê.

Tuy nhiên, tôi nghĩ chắc cũng sẽ theo đuổi sự say mê khoảng một vài năm nữa để nhưỡng chỗ cho các lớp trẻ. Tôi cảm thấy cần dừng lại đúng lúc. Song tôi rất tự tin vào đội ngũ kế cận. Tôi không nghĩ chúng ta sẽ chỉ nhìn ở Đông Nam Á để cạnh tranh nhau mà cần nhìn ra xa hơn với các cường quốc trên thế giới.

- Ông có thường xuyên liên lạc, kết nối với các thế hệ học sinh dự Olympic Toán học quốc tế hằng năm và đánh giá chung về sự nghiệp sau đó của các thành viên ra sao?

Tôi cũng giữ liên lạc và nói chung sự nghiệp sau này của các em tốt. Không chỉ môn Toán mà các học sinh là thành viên đội tuyển các môn khác thì khi ra làm việc tôi thấy đều tốt hết. Bản thân tôi cũng cảm thấy rất phấn khởi bởi các em phát triển toàn diện và có thể tham gia vào nhiều công việc, lĩnh vực chứ không chỉ với lĩnh vực mình dự thi.

- Hầu hết các thí sinh dự các kỳ thi Olympic quốc tế của Việt Nam sau đó đều có ước mơ đi du học và rồi đa số ở lại và công tác ở nước ngoài. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

Tôi nghĩ không có gì đáng phải lo ngại bởi ở đâu các em cũng làm việc và có cơ hội cống hiến. Chưa kể đó là một tương lai lâu dài, có thể 5, 10 năm chưa về nhưng 15 năm sau lại về nước. Tôi tin chắc chắn sau này nhiều em cũng sẽ trở về bởi nhận thấy điều kiện làm việc trong nước cũng tốt. Ngoài ra các em cũng có thể cống hiến, giúp đỡ cho nước nhà bằng cách này hoặc cách khác.

Tuy nhiên, cũng cần có những chính sách làm sao để các em thấy có sự đãi ngộ công bằng và cơ hội phát triển. Quan trọng làm sao để các em thấy có được sự thoải mái nhất trong công việc của mình.

- Xin cảm ơn ông!

Theo VNN


Lê Bá Khánh Trình

Lê Bá Khánh Trình (sinh năm 1963) là một trong 5 học sinh Việt Nam được chọn tham gia Olympic Toán Quốc tế ở Luân Đôn năm 1979, khi đó ông là học sinh tại lớp chuyên toán trường Quốc học Huế. Ông đã đoạt giải nhất với số điểm tuyệt đối 40/40. đồng thời đoạt giải đặc biệt về lời giải độc đáo trong kỳ thi này, và là học sinh Việt Nam duy nhất đạt giải đặc biệt trong một kỳ thi Toán Quốc tế tính đến nay. Lê Bá Khánh Trình được mệnh danh là "cậu bé vàng của toán học Việt Nam".

Tiểu sử

Sau kỳ thi trên, ông theo học tại khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov ở Moskva. Ông đã được Giáo sư, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô A. A. Gontrar hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp và sau đó làm luận án tiến sĩ (Кандидат наук hay PhD).

Trở về Việt Nam, ông giảng dạy tại khoa Toán, Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho đến nay.

Hiện nay, ông phụ trách đào tạo học sinh đội tuyển toán của Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2005 ông là trưởng đoàn học sinh giỏi toán Việt Nam đi thi IMO 46 tại México. Năm 2013, ông tiếp tục là trưởng đoàn Việt Nam tham dự Olympic toán quốc tế (IMO-International Mathematics Olympiad) lần thứ 54 từ ngày 18-28.7 tại Santa Marta (Colombia) đã giành về 6 huy chương, với 3 huy chương vàng và 3 huy chương bạc. Và nhiều năm liên tiếp ông có đóng góp to lớn trong việc giảng dạy cho những học sinh được chọn để đi thi Olympic toán quốc tế.

Năm 1999, ông kết hôn cùng bà Phạm Thị Ái Trinh.


Thầy giáo Lê Bá Khánh Trình: Luôn có một lời giải của Chúa, nhưng...

Lê Bá Khánh Trình học 9 năm ở Nga rồi về nước trở thành giáo viên dạy Toán đến tận bây giờ. Cũng có người nói rằng họ từng kỳ vọng và dự đoán thầy sẽ làm được nhiều hơn.

Khi tôi đến thực hiện cuộc đối thoại này, thầy Lê Bá Khánh Trình đang dạy học. Thầy vẽ một tam giác nội tiếp (tiếp xúc bên trong) đường tròn, kiểu tiếp xúc mà ngày xưa đi học, tôi rất sợ. Vì nhìn vào một tam giác nằm gọn trong một đường tròn, cậu - học sinh - tôi hồi ấy cứ thấy một cảm giác gì đó như một sự trói buộc, một sự kìm kẹp.

Ngược lại, tôi rất khoái nhìn vào những tam giác ngoại tiếp (tiếp xúc bên ngoài) đường tròn, bao bọc đường tròn, tạo cảm giác như thể đang chiếm lĩnh, làm chủ đường tròn.

Và, sau một tiếng ngồi đối thoại với thầy Lê Bá Khánh Trình - người từng đoạt giải nhất cuộc thi toán quốc tế năm 1979, từng được nhiều lần nhắc tới như một điển hình học tập - điển hình trí tuệ của học sinh Việt Nam thì tự nhiên tôi lại hỏi mình, sau cái thành tích lấp lánh ấy, Lê Bá Khánh Trình giống như một tam giác nội tiếp hay ngoại tiếp nhỉ?

Sau thành tích ấy, Lê Bá Khánh Trình học 9 năm ở Nga rồi về nước để trở thành một giáo viên dạy toán đến tận bây giờ. Và, như chính thầy chia sẻ với tôi, cũng có người nói rằng họ từng kỳ vọng và dự đoán thầy sẽ làm được nhiều điều hơn là chuyện đứng lớp, dạy học đơn thuần.

Tôi không dám nói mình hạnh phúc

- Thưa thầy, cuộc thi Olympic toán năm 1979, không chỉ đoạt giải nhất mà thầy còn đoạt cả giải đặc biệt nữa. Nhưng tôi có nghe dân toán nói loáng thoáng rằng cái giải đặc biệt ấy lại đến từ việc thầy... đọc nhầm đề thi. Gần 40 năm đã qua, thầy có thể tiết lộ cụ thể câu chuyện mà người ngoại đạo như tôi cứ thấy hư hư - thực thực này không?

- Hai giải đó khác nhau. Một giải gọi là giải nhất, chứ hồi đó chưa gọi là huy chương vàng như bây giờ, còn một giải là giải đặc biệt, dành cho những lời giải hay hơn đáp án. Sau này, giải đặc biệt không thấy nữa, có lẽ vì đề thi khó quá, đến mức khó có thể tìm được một lời giải nào khác đáp án.


Thầy Lê Bá Khánh Trình - huyền thoại Toán học Việt Nam

Trở lại với chuyện tôi đoạt 2 giải này, tôi nghĩ cũng giống như trong bóng đá ấy, khi bị đẩy vào đường cùng, người ta lại bất ngờ vùng lên ghi bàn thắng.

Trước hôm tôi đi thi, tôi bị cảm nên khá mệt. Và đúng là tôi có đọc nhầm đề, đại loại thay vì phải đọc thuận chiều kim đồng hồ thì tôi lại đọc ngược chiều kim đồng hồ và cứ thế làm bài theo cách "ngược chiều".

Làm xong ngồi chơi, đến gần hết giờ đọc lại, mới tá hỏa: thôi chết, mình đọc chủ quan, nên nhầm rồi. Lúc ấy giải lại từ đầu đến cuối một cách "thuận chiều" thì không kịp nữa, nên buộc phải tìm một cách giải nào đó để biến tất cả cái "ngược" của mình về cái "thuận". Chính nhờ thế mà cách giải của tôi hóa ra lại ngắn hơn, đơn giản hơn so với cách giải trong đáp án.

- Hóa ra nhầm lẫn đôi khi cũng có giá trị của nó phải không ạ?

- Nó chỉ thật sự có giá trị khi chúng ta đạt được một trạng thái đột biến, thăng hoa nào đó và cũng phải có một sự chuẩn bị, tích luỹ nào từ trước đó rồi.

Ví dụ trước kỳ thi năm 1979, tôi từng đọc đi đọc lại, đọc ngược đọc xuôi cuốn sách toán của một tác giả người Pháp. Và khi đọc nhầm đề thì tôi thấy cái đề bị đọc nhầm ấy có rất nhiều điểm giống với những gì mình đã đọc được trong sách nên giải quyết được ngay. Chứ nếu mình vừa không có được một phút thăng hoa, lại vừa chẳng có sự tích lũy nào cả thì không thể tạo ra được những nhầm lẫn giá trị như thế.

- Hồi đó thầy bao nhiêu tuổi và mơ ước lớn nhất là gì ạ?

- Hồi đó tôi mới 17 tuổi. Thật ra bạn bè rủ tôi thi vào trường Bách khoa Đà Nẵng vì tôi thích những hoạt động nghiêng về thực tế hơn. Nhưng, sau khi đạt giải toán, tôi có học bổng đi Nga nên cuối cùng lại chọn con đường thứ hai này.

- Sau 9 năm học ở Nga về, thầy chính thức trở thành một thầy giáo toán ở trường Đại học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh. Thưa thầy, liệu có ai đó bảo rằng cuộc đời thầy lẽ ra phải khác không ạ, vì tôi nghĩ, với một giải đặc biệt như thế, thầy hoàn toàn có thể làm nhiều công việc tầm cỡ hơn, thay vì trở thành một thầy giáo đơn thuần?

- Đôi khi người ta cũng có nói, khiến mình cũng phải để ý. Nhưng, mình nghĩ rồi, để làm được những vai trò to lớn nào đó, con người ta cần một điểm mạnh bẩm sinh nhất định nào đấy, còn bản thân mình lại là mẫu cần cù, siêng năng, do tích lũy lâu năm mà thành.

- Thầy hạnh phúc với công việc dạy học chứ?

- Tôi rất ít khi nói câu "tôi hạnh phúc" vì nghe có vẻ gì hoàn thiện quá.

- Vậy thì tôi xin hỏi ngược lại, có bao giờ thầy tiếc nuối khi chỉ là một giáo viên thôi?

- Ai cũng muốn có những vị trí này nọ nhưng số lượng những vị trí như thế thì luôn hữu hạn. Ngoài ra, mỗi người đều có một thiên hướng, một bản năng riêng nên phải biết cái gì thuộc về mình nhất.

- Hình như cũng có chừng 2-3 năm gì đó thầy đảm nhiệm vị trí phó khoa?

- Đúng rồi, nhưng tôi dần nhận ra nó không phù hợp với mình, không thuộc về mình. Trong gia đình tôi xưa nay chẳng có ai làm quản lý cả. Gia đình tôi không có truyền thống làm quản lý.

- Và thầy chỉ là mình khi trở lại với công việc đứng trước học trò để phân tích một bất đẳng thức, một phương trình...?

- Khi làm quản lý thật ra tôi vẫn dạy. Sau này chỉ là bỏ hẳn quản lý để chỉ chuyên tâm vào dạy. Và thấy nó có vẻ thuộc về mình hơn.

- Chúng ta sẽ không bàn về mẫu con người quản lý nữa nhưng mẫu con người nghiên cứu thì sao ạ? Sau 9 năm học và lấy bằng tiến sĩ ở Nga, tại sao thầy không nghĩ đến việc tìm cách ở lại để tiếp tục phát triển sự nghiệp học thuật của mình?

- Khi đó tôi không xuất sắc đến mức được người ta mời ở lại. Bản thân nếu muốn ở lại thì phải đề xuất.

Phải đề xuất!

Nhưng, tôi là người nhút nhát nên có chỗ nào đề nghị thì tôi làm thôi, chứ tôi không đề xuất. Lúc đó trong đầu tôi không nghĩ đến việc nhất định phải xin ở lại. Cũng không nghĩ một cái gì to tát cả. Tôi chỉ nghĩ đến việc nếu về nước và đi dạy học thì cũng được. Tôi về năm 1991, trường Đại học Tự nhiên TP.HCM tiếp nhận và tôi làm ở đó đến tận bây giờ.

Tất cả đều 'luyện gà'

- Không chỉ từng đi thi quốc tế mà trong khoảng 6 năm trở lại đây, thầy còn dẫn đội tuyển toán của chúng ta đi thi quốc tế. Theo thầy, điều kiện quan trọng nhất để một học sinh đoạt huy chương Olympic là gì?


Thầy Khánh Trình trò chuyện cùng tác giả bài viết

- Nước mình, rất nhiều em có trình độ đoạt giải. Cỡ huy chương đồng, mình chọn bất cứ ai trong số vài chục em đều được cả, nhưng theo quy định quốc tế chỉ được chọn 6 em vào đội tuyển thôi, nên 6 em đã đi thì gần như đảm bảo có huy chương đồng. Thế nên với chúng tôi, nếu chỉ có huy chương đồng là chúng tôi buồn lắm. Vấn đề phải là huy chương bạc, huy chương vàng.

Theo tôi, để có thể đạt được huy chương vàng thì ngoài việc trước đó có sự rèn luyện, đầu tư nghiêm túc, bắt buộc phải có một trạng thái đột biến nhất định trong phòng thi.

- Lâu nay, chúng ta vẫn nghe những nhận xét rằng mình luyện học sinh giỏi theo kiểu "luyện gà", quá thiên về lý thuyết. Thế nên, sau này các em cũng chỉ là những người giỏi lý thuyết, lại là những lý thuyết rất khuôn mẫu, thiếu hẳn tư duy sáng tạo. Mà nếu thiếu tư duy sáng tạo thì rất khó thoát khỏi cái tháp ngà lý thuyết mà mình từng gắn bó để thực sự làm nên một vẻ đẹp mới mẻ nào đó cho cuộc đời này. Từ chính những trải nghiệm của cá nhân mình, thầy có thể nói gì ạ?

- Chẳng phải bây giờ, từ thời ông cha mình ngày xưa, đã có truyền thống học hành theo kiểu tầm chương trích cú rồi. Nhìn ở khía cạnh văn hóa, nó thành một cái nếp rồi. Nên đòi hỏi phải thay đổi ngay thì rất khó.

Khi luyện thi, tôi thấy nhiều em giỏi vì đơn giản là biết nhiều bài quá. Ra bài gì, kiểu gì, các em ấy cũng thuộc làu. Sau tôi phải tìm những bài khác hẳn trong sách thì mới "trị" được.

Khi thi quốc tế, những em như thế sẽ rất khó khăn khi phải đối diện với các bài thi nằm ngoài khuôn mẫu, đòi hỏi tính sáng tạo cao. Mà đề thi ngày càng đòi hỏi điều này. Đã từng có những bài mà hôm nay được cho vào đề rồi nhưng sau một ngày nghĩ lại, người ta lại bỏ ra ngoài vì thấy nó đã ít nhiều xuất hiện ở chỗ này, chỗ khác và thay vào một dạng hoàn toàn mới.

Nghĩa là trong bản thân việc thi cử chứ chưa nói gì tới việc ra ngoài cuộc sống, chúng tôi cũng rất chú ý tuyển chọn những em có tư duy sáng tạo. Nhưng, riêng về chuyện luyện kiểu "gà nòi" thì tôi nói thật, đã tham gia thi Olympic rồi thì gần như đoàn nào cũng luyện "gà nòi" cả thôi.

- Ý thầy là đoàn Mỹ cũng thế, đoàn Nga cũng thế?

- Bảo đội học sinh giỏi của họ vừa học vừa chơi là không phải đâu. Ở Mỹ chẳng hạn, họ còn luyện quanh năm, căng thẳng hơn mình nhiều. Đội tuyển toán của Mỹ được giao cho một thầy rất giỏi, ngày xưa cũng từng đoạt huy chương vàng và thầy trò họ còn mở ra những trại học tập, mời các đội của Canada, Australia... tới giao lưu quanh năm suốt tháng.

Chứ mình thì mãi đến tháng 5 mới thành lập đội tuyển, luyện vài tháng rồi đi thi luôn. Đừng nói chuyện đi thi Olympic mà không "luyện gà", nếu không "luyện gà" thì đừng mơ huy chương.

- Tức là nếu chúng ta nói đến và đề cao yếu tố "giáo dục thoải mái" nào đó thì đấy là sự thoải mái nhìn trên diện rộng của các nền giáo dục, chứ nếu co hẹp vào chuyện thi cử học sinh giỏi thì thực tế ai cũng "luyện gà", cũng máu thắng - thua như ai cả?

- Tôi nhớ một năm thi ở Thái Lan, đoàn Nga thậm chí còn xếp sau đoàn Việt Nam. Thế là khi gặp chúng tôi, họ cũng tâm trạng này nọ lắm. Họ bảo: "Việt Nam ghê quá nhỉ!", rồi họ bảo chẳng qua học trò của mình nhầm chiến thuật, lẽ ra phải giải câu 2 trước thì lại mất thời gian giải câu 3 trước, nên thua thôi, chứ không phải là họ kém.

Sau đó, tôi nhớ báo Nga phân tích, mổ xẻ đủ kiểu. Và từ đó họ thay đổi lại cách tuyển chọn, ôn tập, mấy năm gần đây đạt thành tích rất cao, họ lại hả hê ra mặt.

- Nhìn một cách tổng thể, đội tuyển toán chúng ta đứng trong tốp mấy ạ?

- Nằm trong khoảng tốp 10-15. Và, nhiệm vụ của chúng ta là phải làm thế nào đó để người ta công nhận hơn nữa, chứ đừng để người ta nói: "Việt Nam trong tốp 10 đã là tốt lắm rồi!".

- Đội tuyển toán của chúng ta luôn đứng trong tốp 10-15 nhưng khả năng sáng chế, phát minh của chúng ta thì ai cũng biết là rất thấp. Như thế có nghĩa, với chúng ta, khoảng cách từ một chiếc huy chương vàng kiến thức đến một sáng chế, phát minh là xa vời vợi?

- Hiểu như thế đã là khập khiễng ngay từ đầu rồi. Bởi chuyện đoạt huy chương vàng một kỳ thì Olympic với chuyện trở thành một nhà sáng chế lại là hai câu chuyện khác nhau. Đánh đồng hai cái đó là không hiểu đúng vấn đề.

- Tôi xin lấy ví dụ cụ thể về một người từng đoạt giải toán quốc tế như giáo sư Ngô Bảo Châu đi, có những người trong ngành toán nói với tôi rằng, phải sang Pháp, phải có một môi trường, một điều kiện xứng tầm thì giáo sư Ngô Bảo Châu sau này mới có thể đạt giải Fields. Vẫn biết là so sánh kiểu này thì vô cùng lắm, nhưng thử tưởng tượng vui thôi: theo thầy, nếu ông Ngô Bao Châu ở lại Việt Nam thì sao ạ?

- Tôi cũng không dám chắc, nhưng tôi nhớ là ở Brazil chẳng hạn, cũng từng có một người đoạt huy chương vàng toán quốc tế, sau đó vẫn làm việc ở Brazil mà vẫn đạt được giải Fields như Ngô Bảo Châu. Năm thi Olympic toán ở Brazil, cậu ấy lên trao giải, tôi có gặp và thấy rất giản dị. Thế cho nên cũng khó nói lắm.

Cuộc đời là bài toán mù mịt

- Thưa thầy, vẻ đẹp của toán học nằm ở đâu?

- Bất cứ một bài toán nào cũng có một lời giải nằm đâu đó mà mình không biết. Tôi gọi đấy là lời giải của Chúa. Có những bài, học sinh của mình giải, rồi mình cũng giải nhưng vẫn cứ thấy mắc mớ một cái gì đó. Đến khi có một em nào đó bỗng nhiên tìm ra một cách giải quyết rất hay thì cảm giác như chính mình - người thầy cũng được khai sáng. Mình chợt thấy, à, hóa ra lúc này đã tìm ra lời giải của Chúa rồi.

Với tôi, vẻ đẹp toán học nằm ở đấy. Nhưng, có những khi tưởng là đã tìm ra lời giải của Chúa, thế mà vài năm sau đọc lại, chợt nhận ra không phải thế. Mãi sau đó, tìm ra một cách giải khác và thốt lên: Đây! Đây mới đúng là Thiên chúa!

- Thế còn những bài toán cuộc đời thì sao ạ?

- Cái này thì khác đấy. Với toán, bạn có thể đau đầu nhưng nếu bạn sắp xếp mọi thứ rõ ràng, logic, lại cộng thêm những khoảnh khắc thăng hoa thì trước sau gì bạn cũng sẽ tìm ra lời giải.

Có nghĩa là chúng ta luôn biết chắc rằng, bài toán chắc chắn có lời giải. Nhưng, trong cuộc đời, những bài toán cuộc đời lắm khi cứ rối rắm, mù mịt, chẳng biết có thể tìm ra lời giải được không. Mà cũng chẳng biết nó có lời giải thật không.

- Cụ thể, một bài toán cuộc đời nào mà thầy đã trải qua ạ?

- Nhiều chứ! Ví dụ chuyện con gái tôi, cháu cũng là người thông minh, học hành được. Suốt những năm cháu học cấp 2, khi giảng bài cho cháu, tôi đều giảng rất rõ ràng, logic, thậm chí còn chủ động đưa ra những lời giải hay để cháu cảm nhận. Mà hồi ấy cháu cũng hỏi bố rất chăm, đi thi toán về không được điểm cao còn thắc mắc.

Nhưng, năm vừa rồi, lên lớp 12 thì cháu bỗng quay ngoắt, chẳng thèm ngó ngàng gì đến môn toán. Khi tôi kiểm tra thì cháu cứ tìm cách trốn, thậm chí làm ngược lại ý bố. Không chịu quan tâm, học hành gì cả. Tại sao cháu lại thay đổi lớn đến như thế? Đấy, đấy là bài toán mà tôi không thể nào hiểu được.

- Kết quả năm vừa rồi điểm Toán của cháu thế nào ạ?

- Thi tốt nghiệp, môn toán cháu được 6,6 điểm. Nhưng, tổng các môn thì cháu được trường khen vì có tổng điểm cao nhất trường. Sau đó cháu thi và đỗ trường Kiến trúc.

- Có khi lời giải đối với hai cha con thầy đơn giản thôi ạ: “Dao sắc không gọt được chuôi” (cười lớn...).

- Tôi không thể nào hiểu được. Nhiều khi tôi tự hỏi, hay là cháu nghĩ môn toán là một môn rất "dở hơi", cần tránh càng xa càng tốt. Mà cậu con trai tôi, đang học lớp 7, hình như cũng kiểu đó luôn. Cũng ngó lơ môn toán này luôn.

Đoàn Việt Nam đã nói là phải có lý

- Điểm ưu việt và không ưu việt của người giỏi toán là gì, theo thầy?

- Người giỏi toán thì khả năng chia trường hợp, suy xét, sắp xếp các chi tiết có vẻ tốt. Và cách hiểu một vấn đề, một sự vật có bề dày logic. Cái đẹp trong mắt người giỏi toán thường không phải là cái đẹp kiểu hời hợt, mơ hồ. Còn điểm không ưu việt là cái gì cũng cố đi tìm lời giải nhưng trong thực tế nhiều khi không có lời giải. Không có nhưng cứ cố đi tìm, đâm ra bị máy móc, rập khuôn.

- Một tập hợp những con người không giỏi toán, thiếu tư duy logic cũng sẽ là một tập hợp những con người cảm tính, dễ bị sống theo kiểu bầy đàn, đám đông, phải không ạ?

- Tôi không dám nói cái này đâu. Bắt tôi phải mở rộng, nói cái này thì khó quá!

- Có ai nhận xét thầy quá thu mình, thậm chí luôn sợ hãi những biến động của cuộc sống không?

- Tôi cũng hơi ngài ngại với bên ngoài một chút.

- Thậm chí nhiều lúc là thiếu cá tính và sợ trách nhiệm nữa?

- Có những lúc dẫn đoàn đi thi quốc tế cũng mệt chứ. Vợ tôi nói "thôi anh làm 2-3 năm thế là được rồi, giờ nghỉ đi". Nhưng, tôi vẫn tiếp tục làm, như thế chứng tỏ mình cũng không đến nỗi nào chứ nhỉ? (cười...).

- Thầy có thể kể một kỷ niệm căng thẳng nào đó trong những lần dẫn đoàn được không?

- Năm thi ở Nam Phi, có 2 em Việt Nam làm một bài hình theo phương pháp tính toán. Hình mà đi làm theo phương pháp này là rất nguy hiểm, rất dễ mất điểm. Thế nên, nhóm chấm thi quyết định không cho điểm, dù cách này vẫn cho ra kết quả cuối cùng. Sau đó, bọn tôi kiến nghị lên trưởng nhóm, ông trưởng nhóm nói vẫn không được, thế là chúng tôi lại kiến nghị lên một cấp cao hơn.

Đến cấp này, chúng tôi nhận được phản hồi rằng: Tôi lạ gì các ông! Học trò nào giải được. Khi mang bài về, toàn mấy ông ngồi giải với nhau rồi lên kiến nghị. Nghe thế, anh trưởng đoàn của chúng ta nổi nóng, cho rằng nói như thế là xúc phạm đoàn Việt Nam.

- Nhưng, bài đã xong rồi, nộp đi chấm rồi, sao lại có chuyện mấy thầy trong đoàn giải với nhau?

- À. Nguyên tắc là thi xong bao giờ cũng photo bài của học sinh, họ giữ bản photo, mình giữ bản chính, hai bên cùng chấm độc lập, sau đó mới ráp lại với nhau.

- À... Và câu chuyện kiện tụng của chúng ta thế nào ạ?

- Trưởng đoàn của chúng ta chuẩn bị phương án đưa ra hội đồng, mà đưa ra hội đồng thì rất phức tạp, bởi đấy là cuộc tranh luận giữa các trưởng đoàn với nhau, mỗi người một ý.

Để chuẩn bị cho việc đưa ra hội đồng, đêm ấy anh trưởng đoàn viết sẵn một quyết tâm thư, với nội dung đại loại Việt Nam mấy chục năm tham dự, chưa bao giờ phải kiến nghị lên hội đồng, luôn ổn định trong tốp đầu, thế mà vị giám khảo kia lại nói những câu xúc phạm đoàn Việt Nam..., còn tôi thì có nhiệm vụ xem lại bài của 2 em.

Xem đi xem lại, tôi chợt nhìn ra một điểm quan trọng để có thể bảo vệ lời giải của 2 em. Rồi tôi đi ngủ nhưng cứ thấp thỏm. 1 giờ sáng, tôi dậy kiểm tra thêm lần nữa. 2 giờ sáng lại dậy, kiểm tra một lần nữa cho chắc chắn. Tôi nhớ đêm ấy mùa đông, lạnh ngắt và chúng tôi căng thẳng lắm.

Sáng hôm sau, cả tôi và vị trưởng đoàn đều mệt. Tôi thông báo với vị trưởng đoàn rằng mình đã tìm ra cơ sở để thuyết phục vị giám khảo. Sau đó, chúng tôi quyết định gặp vị này lần cuối trước khi đưa vấn đề lên hội đồng.

Rất vui là sau khi bình tĩnh nghe chúng tôi trình bày, vị giám khảo này xin lỗi vì hôm qua đã nói những câu có thể làm ảnh hưởng tới danh dự của đoàn Việt Nam. Sau đó, ông ấy đề nghị cho chấm lại bài từ vòng 1.

Kết quả chấm lại, cuối cùng, mỗi học sinh của chúng ta được lên 1 điểm và nhờ thế năm đó chúng ta đoạt tất cả là 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 1 huy chương đồng. Những năm sau này, gặp lại chúng tôi, các vị giám khảo đều tỏ ra hết sức vui vẻ, thân thiện.

- Mất 1 điểm, mất huy chương thì tụt hạng lắm, thầy nhỉ?

- Đúng rồi. Nhưng, vấn đề không phải là chuyện thành tích mà là chúng ta đã cho họ thấy đoàn Việt Nam mình đã nói là nói có lý, có cơ sở rõ ràng. Chứng tỏ mình rất hiểu vấn đề và họ bị thuyết phục. Chứ mình không đi xin họ, cũng không nói theo kiểu nói bừa, nói ẩu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template