TS Vũ Thị Phương Anh (trái) và TSKH Đoàn Hương.
TS Phương Anh: TSKH Đoàn Hương nóng tính nên mới phản ứng với người phản biện
TS Phương Anh cho rằng, quan điểm của TSKH Đoàn Hương nêu ra là quyền cá nhân nhưng việc nói không rõ ràng, chặt chẽ đã khiến mọi người đi vào từng câu chữ để bắt bẻ, tranh luận lại.
"Tôi đồng quan điểm với ý kiến phản biện TSKH Đoàn Hương"
Khi bàn về việc có nên đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 hay không trên VTV, TSKH Đoàn Hương đã đưa nhận định, có người cho rằng, nước Anh sắp rút khỏi cộng đồng châu Âu (EU) thì tiếng Anh cũng sẽ không tồn tại và nếu Việt Nam chỉ dồn vào tiếng Anh sẽ không ổn...
Trao đổi với PV, TS Vũ Thị Phương Anh - nguyên Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia TP HCM, người ngồi chung buổi trao đổi với TSKH Đoàn Hương trên VTV cho rằng, những phát biểu của bà và bà Hương mọi người đã nghe, bàn tán nhiều nên không có ý kiến gì thêm.
Theo TS Phương Anh, về phát biểu của TSKH Hương cho rằng, sau khi nước Anh ra khỏi EU, ngôn ngữ này không còn là ngôn ngữ chính thức tại EU và hàm ý, Việt Nam nên cân nhắc trong việc công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai đã gây nhiều tranh luận, thậm chí khá gay gắt.
Hầu hết, các ý kiến đều lên tiếng phản đối phát biểu trên và nêu rõ, dù nước Anh có rút ra khỏi EU thì tiếng Anh vẫn có vai trò quan trọng vì tiếng Anh như một ngôn ngữ toàn cầu là không có gì để tranh cãi.
"Tôi đồng quan điểm với ý kiến phản biện TSKH Đoàn Hương về tầm quan trọng của tiếng Anh, nhưng thấy rằng hình như hai bên đang nói về những điều khác nhau.
Cụ thể, TSKH Đoàn Hương đang nói về địa vị chính thức của tiếng Anh tại EU (là một phần của thế giới), còn những người phản biện lại nói về vai trò thực tế của ngôn ngữ này trong thế giới hiện đại, vi tính hóa và toàn cầu hóa hiện nay", TS Phương Anh nói.
Bà nói thêm, quan điểm của TSKH Đoàn Hương nêu ra như vậy là quyền cá nhân nhưng chính việc nói không rõ ràng, chặt chẽ nên đã khiến mọi người đi vào từng câu chữ có thể bắt bẻ, tranh luận lại.
"Tôi cũng đã đọc ý kiến phản ứng của TSKH Đoàn Hương nhưng có lẽ với nóng tính của mình nên cô mới có những lời như tôi nói như vậy mà không hiểu là những người thiếu hiểu biết nên không tranh luận lại...", TS Phương Anh bày tỏ.
Vị nữ nguyên Giám đốc Trung tâm khảo thí nhấn mạnh, từ việc hai bên nói những điều khác nhau đã đặt ra một câu hỏi, vậy phát biểu của TSKH Đoàn Hương liệu có đúng không, tức là, nếu nước Anh rút ra khỏi EU thì tiếng Anh không còn địa vị chính thức nữa, có đúng không?
Với câu hỏi này, TS Phương Anh đã tìm kiếm các tài liệu và thấy rằng, hiện nay ở châu Âu có đến 24 ngôn ngữ được xem là chính thức. Trong đó, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Anh được coi là "3 ngôn ngữ dùng để làm việc" ,các quan chức làm việc cho EU thường nói được cả 3 ngôn ngữ này.
Bên cạnh đó, tiếng Anh không chỉ là ngôn ngữ của người Anh, mà còn là ngôn ngữ chính thức của Ireland và Malta, 2 quốc gia thành viên EU.
Điều đáng nói nữa là sau 3 lần mở rộng kết nạp thêm các thành viên của EU kể từ năm 2004 đến nay, xuất hiện xu hướng chuyển mạnh từ sử dụng tiếng Pháp sang tiếng Anh tại trụ sở của Liên minh châu Âu tại Bỉ.
Theo số liệu của Eurostat, cơ quan thống kê của EU, có tới 97% số học sinh phổ thông trung học cơ sở các nước trong EU đang học tiếng Anh làm môn ngoại ngữ.
Tại các trường tiểu học, 79% học sinh EU đã học tiếng Anh. Tại Đan Mạch, học sinh bắt đầu học tiếng Anh từ năm đầu tiên đi học.
"Như vậy, có thể thấy rõ, sau Brexit, tiếng Anh vẫn cứ là ngôn ngữ giúp kết nối các nước EU lại với nhau.
Có thể thấy rõ, vai trò thực tế của tiếng Anh trong thế giới ngày nay và không còn ai nghi ngờ nữa. Tóm lại, vẫn cứ phải học tiếng Anh thôi", TS Vũ Thị Phương Anh nêu rõ.
Phải tạo một môi trường sử dụng tiếng Anh hàng ngày
TS Vũ Thị Phương Anh nhấn mạnh, khi thảo luận về "ngôn ngữ thứ hai" liên quan đến tiếng Anh nên làm rõ xem vấn đề đang xét ở góc độ cá nhân hay góc độ chính sách quốc gia.
Nếu xét về mặt cá nhân ở Việt Nam có nhiều người có thể sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo trong công việc hoặc học hành, tức là "như ngôn ngữ thứ hai/thứ ba/thứ tư" của họ.
Nhưng xét ở phạm vi quốc gia, nếu muốn tất cả/hầu hết người Việt giỏi tiếng Anh tất nhiên phải có chính sách.
Chính sách có thể là xem tiếng Anh như "ngôn ngữ thứ hai" của quốc gia, lúc đó, nó sẽ được sử dụng trong hành chính, pháp lý, và sẽ là ngôn ngữ để giảng dạy trong nhà trường - tức là học bằng tiếng Anh chứ không phải học tiếng Anh.
Chính sách đó có thể là các chính sách giáo dục ngôn ngữ, ví dụ chính sách song ngữ, có nghĩa, tiếng Anh được sử dụng song song với tiếng Việt để giảng dạy trong nhà trường. Lúc ấy tiếng Anh vẫn chỉ là một ngoại ngữ, nhưng người dân nếu đã qua trường lớp sẽ có khả năng sử dụng ngôn ngữ này khá thành thạo trong cuộc sống.
Theo TS Phương Anh, đây là chính sách ngôn ngữ của Châu Âu, trong đó người dân nào cũng phải có ít nhất một ngoại ngữ - đa số chọn tiếng Anh, sử dụng thành thạo để có thể sinh sống trong một Châu Âu hội nhập.
"Vậy nên ở Việt Nam, vấn đề không phải có nên công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai hay không, mà làm sao để việc giảng dạy tiếng Anh có hiệu quả cao hơn", TS Phương Anh nhấn mạnh thêm.
GS Nguyễn Tiến Dũng: Tôi đoán nhiều GS, TS ở Việt Nam rất sợ sát hạch tiếng Anh
"Trong lúc khảo sát một số bài báo bằng tiếng Anh của một số nhân vật GS, TS ở Việt Nam tôi thấy viết sai câu cú lung tung cả".
Rời khỏi đất nước hơn 30 năm, nhưng lại thường xuyên về Việt Nam để trao đổi, giảng dạy, GS toán học Nguyễn Tiến Dũng (ĐH Toulous, Pháp) đã có những góc nhìn rất thú vị về trình độ tiếng Anh hạn chế của người Việt.
Bài báo bằng tiếng Anh của một số GS, TS Việt Nam: "Câu cú viết sai lung tung cả"
Thưa ông, TS Hồ Bất Khuất, một người đã từng du học phỏng đoán: Nếu bây giờ bắt thi sát hạch tiếng Anh thì có tới 20% tân GS, PGS không dám tham gia, 30% sẽ như gà mắc tóc. Ông suy nghĩ gì về con số này?
GS Nguyễn Tiến Dũng: Theo tôi đoán thì con số thực tế có thể còn cao hơn thế. Họ sẽ rất sợ sát hạch tiếng Anh. Khái niệm "thạo tiếng Anh" là một khái niệm khá tương đối ở Việt Nam, và có GS tự ghi là "thạo tiếng Anh" nhưng chưa chắc đã biết tiếng Anh tốt bằng một học sinh trung học cơ sở.
TS Trần Vinh Dự, hiệu trưởng một trường cao đẳng, người cũng đã từng du học ở nước ngoài, phát biểu: Đọc tóm tắt luận văn tiến sĩ bằng tiếng Anh của một số vị tiến sĩ, thấy trình độ ngoại ngữ ngô nghê hơn cả google translate. Trong quá trình nghiên cứu và công tác mấy chục năm qua, ông đã từng gặp những trường hợp như vậy?
GS Nguyễn Tiến Dũng: Trong lúc khảo sát một số bài báo bằng tiếng Anh của một số nhân vật GS, TS ở Việt Nam liên quan đến vấn đề đạo văn và giả khoa học, tôi gặp tình huống tương tự như điều TS Trần Vinh Dự nói, tức là viết sai câu cú lung tung cả.
Trình độ tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ nói chung của đội ngũ "trí thức tinh hoa" ở Việt Nam, ảnh hưởng thế nào đến chất lượng nghiên cứu và việc công bố những công trình khoa học, sáng kiến của họ trên những diễn đàn, tổ chức quốc tế, thưa ông?
GS Nguyễn Tiến Dũng: Theo tôi thì riêng trong lĩnh vực nghiên cứu, tiếng Anh chưa phải vấn đề quan trọng nhất, vì nếu có kém tiếng Anh vẫn có thể nhờ, thuê người dịch tiếng Anh cho đúng, và luyện nói để bài báo cáo của mình khiến người khác hiểu được.
Vấn đề quan trọng nhất và ảnh hưởng xấu đến chất lượng khoa học là sự thiếu đầu tư và thiếu nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học.
Với một người đã sống và làm việc nhiều chục năm tại nước ngoài, theo cá nhân ông, những nguyên nhân quan trọng nào đã khiến cho trình độ ngoại ngữ của người Việt không mấy tiến triển?
GS Nguyễn Tiến Dũng: So với ngày trước thì thế hệ trẻ ngày nay có điều kiện học ngoại ngữ tốt hơn nhiều thế hệ cả thế hệ già và trung niên, và do đó nhìn chung cũng dễ có trình độ ngoại ngữ cao hơn.
Phần lớn giáo viên tiếng Anh ở Việt Nam phát âm rất khó nghe
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2016, trên 50% giáo viên tiếng Anh tiểu học, 63,29% bậc THCS và 73,88% cấp THPT chưa đạt chuẩn. Cải thiện tỉ lệ này không thể một sớm một chiều. Đây cũng là nguyên nhân khiến các phụ huynh chọn việc cho con học ngoài giờ tại các Trung tâm ngoại ngữ. Ông có lời khuyên nào cho các bậc phụ huynh?
GS Nguyễn Tiến Dũng: Mỗi ngoại ngữ có những đặc thù của nó. Riêng đối với học tiếng Anh, cần được học phát âm đúng (thay vì phát âm sai) ngay từ đầu, vì "nói ngọng" thì rất khó sửa về sau.
Tuy nhiên, do trước kia thiếu điệu kiện để học phát âm cho đúng, nên phần lớn giáo viên tiếng Anh ở Việt Nam phát âm rất khó nghe. Để tránh điều này, cả giáo viên và học sinh cần được nghe nhiều audio/video tiếng Anh do những người nói thạo tiếng Anh (như tiếng mẹ đẻ) nói.
Ngoại ngữ là thứ có thể tự học. Bản thân tôi cả hai thứ tiếng Anh và Pháp đều là tự học. Có thể biến sách vở, bạn bè giao tiếp v.v. thành "thầy" của mình.
Tất nhiên, có thầy tốt thì tiến nhanh, đối với gia đình có điều kiện thì học một thầy một trò hay trong những lớp nhỏ với thầy tốt bản địa chắc sẽ rất ổn. Nhưng nếu không may mắn, gặp phải thầy dở hoặc lớp quá đông đúc lộn xộn thì có khi tự học còn hơn.
Học tiếng là phải học đều đặn hàng ngày, nhúng mình trong thứ tiếng đó (kiểu như ngôn ngữ thứ 2 – ESL), thì mới tiến nhanh và khỏi bị quên. Ngày nay, điều kiện để học tiếng Anh hàng ngày có nhiều và phong phú hơn ngày xưa rất nhiều, nên tận dụng chúng. Ví dụ, có thể kết bạn online để giao tiếp tiếng Anh, xem thời sự bằng tiếng Anh, xem các chương trình học tiếng Anh trên mạng, đọc sách song ngữ đồng thời nghe audio/video tiếng Anh tương ứng (chúng tôi cũng có làm các sách kiểu này cho người học tiếng Anh).
Thủ tướng Lý Quang Diệu đã tổng kết bài học của Singapore: "Chỉ có một cách để không bị tụt hậu là phải giỏi tiếng Anh. Việc lựa chọn tiếng Anh đóng vai trò như ngôn ngữ làm việc, giúp ngăn chặn nảy sinh xung đột sắc tộc, đem lại ưu thế cạnh tranh". Theo ông, cánh cửa tiếng Anh quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của Việt Nam?
GS Nguyễn Tiến Dũng: Tiếng Anh ngày nay đã trở thành thứ tiếng giao dịch "de factor" của toàn thế giới, nên muốn hội nhập thế giới để đi lên, không chỉ về kinh tế mà còn về tất cả mọi khía cạnh khác của cuộc sống, thì biết tiếng Anh là rất quan trọng. Phần lớn dân chúng ở nhiều nước châu Âu như Hà Lan, Thụy Sĩ, Đức, v.v. ngày nay nói tiếng Anh thạo gần như tiếng mẹ đẻ. Ở nhiều nước mà ngày xưa có rất ít người biết ngoại ngữ, như là Trung Quốc và Hàn Quốc, thì phong trào học tiếng Anh cũng rất mạnh. Bởi vậy, tiếng Anh có vai trò gần như là "visa" để đi ra thế giới.
Nhân tiện nói thêm, do sự trỗi dậy của Trung Quốc, thì các nước phương Tây hiện tại lại rất quan tâm đến tiếng Trung Quốc, và tiếng Trung Quốc đang trở thành thứ tiếng quan trọng thứ hai trên thế giới, chỉ sau tiếng Anh.
GS Nguyễn Tiến Dũng hiện đang giảng dạy ở Đại học Toulouse, Pháp. Năm 2007, Nguyễn Tiến Dũng được Ủy ban Quốc gia về đại học của Pháp phong hàm giáo sư hạng nhất, lúc mới 37 tuổi. Năm 2015, ông được phong hàm giáo sư hạng đặc biệt.
GS Dũng nghiên cứu và giảng dạy: Hình học vi phân, hình học simpletic, hình học Poisson, lý thuyết ergodic và hệ động lực, vật lý toán, phương pháp toán trong tài chính, lý thuyết độ phức tạp, toán trong trí tuệ nhân tạo…
Ông vẫn giữ kỷ lục là thí sinh Việt nhỏ tuổi nhất giành HCV Olympic Toán quốc tế. Dù rời đất nước hơn 30 năm, nhưng ông vẫn giữ quốc tịch và thường xuyên về giảng dạy, trao đổi học thuật tại Việt Nam.
PGS Nguyễn Lân Trung: "Nước Anh dù có ra khỏi EU cũng không ảnh hưởng đến tiếng Anh"
TSKH Đoàn Hương (ảnh trái) và PGS Nguyễn Lân Trung (ảnh phái).
PGS Nguyễn Lân Trung khẳng định, việc nước Anh ra khỏi EU là câu chuyện riêng của nước này còn không liên quan, ảnh hưởng đến việc sử dụng tiếng Anh trên thế giới.
Tiếng Anh từ lâu không còn liên quan đến "xứ sở sương mù"
Trong cuộc trò chuyện trên VTV vừa qua, TSKH Đoàn Hương đã đưa ra những nhận định lạ lùng như có người cho rằng, nước Anh sắp rút khỏi cộng đồng Châu Âu (EU) thì tiếng Anh cũng sẽ không tồn tại và nếu Việt Nam chỉ dồn vào tiếng Anh sẽ không ổn...
Trao đổi với PV vào sáng 21/12, PGS.TS Nguyễn Lân Trung, Phó Chủ tịch Hội ngôn ngữ học Việt Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN) cho rằng, cá nhân ông tôn trọng ý kiến khác nhau trong nghiên cứu, khoa học, tuy nhiên, ý kiến của TS Đoàn Hương về tiếng Anh như trên chưa thực sự chính xác.
Theo PGS Trung, việc nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) chủ yếu liên quan đến vấn đề kinh tế, thương mại, chính trị của chính quốc gia này. Đồng thời, dù ở trong EU, nhưng nước Anh vẫn được coi là quốc đảo với biệt lập nhất định.
Ví dụ, dù khách du lịch xin visa vào Liên minh Châu Âu rồi vẫn phải xin riêng visa để có thể vào được nước Anh.
Ông nói thêm, từ lâu, thậm chí trước khi nước Anh vào Liên minh Châu Âu, tiếng Anh đã trở thành một ngôn ngữ quốc tế và mặc nhiên được công nhận là tiếng giao dịch của thế giới, không còn liên quan đến "xứ sở sương mù".
Trên thế giới rất nhiều nước đều coi sử dụng tiếng Anh là thứ tiếng dùng đại trà trong dân chúng như Mỹ, Australia, Ấn Độ hay gần Việt Nam là Singapore, Philippines...
Ngoài ra, ngay kể cả ở khối các nước sử dụng tiếng Pháp, Ả - rập thì vẫn dùng tiếng Anh để giao dịch.
"Tôi với tư cách Phó Chủ tịch Hội ngôn ngữ học Việt Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng và hiện là Chủ tịch Hội đồng tư vấn phát triển của ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN) khẳng định, việc nước Anh ra khỏi EU là câu chuyện riêng của nước này còn không liên quan, ảnh hưởng gì đến việc sử dụng tiếng Anh trên thế giới.
Tiếng Anh mang tên nước Anh nhưng từ lâu nó đã trở thành thứ tiếng giao dịch quốc tế nên mọi sự biến động của nước Anh không có ảnh hưởng gì đến việc nói, phát triển ngôn ngữ này", PGS Trung nêu rõ.
Đối với Việt Nam, theo PGS Trung, chúng ta đang triển khai việc dạy và học ngoại ngữ với nhiều ngôn ngữ khác nhau như Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn...
Tuy nhiên, tiếng Anh là ngoại ngữ đầu tiên, ưu tiên số 1 và tất cả các trí thức trẻ được đào tạo ở cao đẳng, đại học... đều phải biết tiếng Anh.
Ngay cán bộ công chức hiện nay, trong quy chuẩn đều nói rõ phải biết một ngoại ngữ nhưng ưu tiên số 1 là tiếng Anh.
"Tiếng Anh là một công cụ đắc lực giúp Việt Nam giao lưu thuận tiện, hội nhập với cộng đồng quốc tế chứ không phải với nước Anh. Vì vậy, dù có chậm một chút nhưng tiếng Anh đang được phát triển mạnh mẽ ở Việt nam như một xu thế tất yếu và đúng đắn.
Còn việc nước Anh có ra khỏi Liên minh châu Âu cũng không ảnh hưởng đến việc phát triển, sử dụng tiếng Anh của chúng ta cũng như các mối quan hệ hợp tác khác", PGS Trung nhấn mạnh thêm.
"Dư luận sẽ đủ tỉnh táo để hiểu đâu là ý kiến chính xác"
Cũng trao đổi với PV, TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT cũng khẳng định, từ trước khi có EU, tiếng Anh đã phổ biến trên toàn thế giới cho nên việc có EU hay không hoặc nước Anh có tham gia, không tham gia EU không ảnh hưởng đến việc nói, sử dụng tiếng Anh.
"Có thể TS Đoàn Hương tư duy là trước khi có EU, tiếng Anh không phổ biến còn sau khi có EU thì tiếng Anh mới phổ biến. Tuy nhiên, bà không nắm được, trước khi có EU, tiếng Anh đã phổ biến trên thế giới rồi.
Việc có ý kiến đa chiều là tốt nhưng chắc chắn dư luận sẽ đủ tỉnh táo để biết đâu là ý kiến chính xác", TS Tùng nói.
Ông nhìn nhận thêm, dù ai có đưa ra quan điểm thế nào nhưng phải nhìn thực tế là các nước xung quanh chúng ta như Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan... kể cả các nước dùng ngôn ngữ rất khác chữ la-tinh đã dùng tiếng Anh rất phổ biến còn Việt Nam đang là "vùng trũng".
Bên cạnh đó, tiếng Anh hiện nay không chỉ còn là ngôn ngữ giao tiếp quốc tế mà đã trở thành khoa học nên nếu chúng ta không có tiếng Anh sẽ trở thành một rào cản rất lớn trong việc tiếp xúc thông tin, giao thương với thế giới.
"Như tôi đã nói, tiếng Anh đã tự trở thành ngôn ngữ giao tiếp quốc tế nên muốn hội nhập thì không có cách nào khác là phải làm nhiều việc, đồng thời, phải biết tiếng Anh.
Còn nếu không muốn hội nhập thì có thể không cần và cứ ngồi đó, chờ người nước ngoài vào học tiếng Việt thôi", ông bày tỏ.
Hiệu trưởng trường ĐH FPT chia sẻ thêm, thực tế, ở Việt Nam, việc học tiếng Anh hiện nay không phải coi đó là công cụ mà chỉ xem như môn học để thi, lấy điểm, hoàn thành tín chỉ cho học phần... Chính vì vậy, chất lượng tiếng Anh của chúng ta thấp, không đáp ứng yêu cầu.
Do đó, việc đầu tiên, theo TS Tùng cần học tập kinh nghiệm quốc tế xem họ đã làm như thế nào để đưa tiếng Anh vào thành một thứ tiếng giao tiếp bên cạnh tiếng bản địa, đồng thời, phải xác định, tiếng Anh là công cụ chứ không phải môn học.
XEM LẠI:
Tiến sĩ Đoàn Hương là ai và tiến sĩ Đoàn Hương có những phát ngôn gì?
Tin buồn: Thầy TRẦN NHƯ ÁI đã đi vào cõi VĨNH HẰNG
Theo Int
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn