Bi kịch của cô gái "vàng" Karatedo Việt Nam: Bại liệt ở tuổi 20, từng nhiều lần tự tử và từ bỏ mối tình đẹp để người yêu kiếm hạnh phúc mới
Khép lại giấc mơ 5 năm với Karatedo, khép lại những lần dại dột thừa sống thiếu chết sau tai nạn khủng khiếp tuổi 20, Ngô Thị Hồng đủ lớn và thực sự hiểu cuộc sống này với bất cứ ai, quý giá biết nhường nào. Như mẹ Phương đã nói, ông trời bắt chị chết thì cũng đã chết cách đây 7 năm rồi.
20 tuổi, Ngô Thị Hồng - cô gái "vàng" Karatedo Việt Nam có tất cả mọi thứ trong tay: gia đình, tình yêu và sự nghiệp. Đỉnh cao hạnh phúc với bao ước mơ, hoài bão, Hồng khi ấy rạng rỡ đúng lứa tuổi. Rồi bỗng chốc, mọi thứ tan vỡ, hệt như một giấc mơ chẳng ai mong chờ.
Một ngày tháng 4/2011. Cái tên Ngô Thị Hồng biến mất khỏi làng Karatedo.
Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
"Hôm đấy bác đi chợ bán cà chua từ sáng. Đến khoảng 8-9h, có người gọi điện báo tin: "Con bà bị tai nạn kìa!". Bủn rủn hết cả người, bác bỏ tất cả về với Hồng. Họ đã đưa con lên Bệnh viện Nông nghiệp 1 rồi. Toe toét máu, gãy răng, gãy quai hàm, liệt đốt sống cổ, liệt hết người. Cuộc đời bác lúc bấy giờ, đen tối như số phận chị Dậu..." - Bà Phương (70 tuổi, mẹ Hồng) bật khóc.
Bà Nguyễn Thị Phương (70 tuổi) - mẹ nữ vận động viện Karatedo Ngô Thị Hồng.
Video: Chuyện cô gái "vàng" Karatedo Việt Nam bị bại liệt sau tai nạn, từng nhiều lần tự tử. Thực hiện: Việt Anh.
Tai nạn khủng khiếp tuổi 20, cô gái vàng Karatedo bị bại liệt cơ thể
Hồng từ nhỏ là một cô gái cá tính, mạnh mẽ. Karatedo vốn không phải sự lựa chọn đầu tiên của chị, nhưng là cái duyên trong suốt 5 năm từ những năm cuối lớp 9, đầu lớp 10. Cũng chính vì duyên, Hồng trốn bố mẹ học võ, đơn giản chỉ vì "Ngày bé mình thích xem Tôn Ngộ Không lắm!".
Nhưng Hồng là con duy nhất trong nhà. Bố mẹ chẳng nỡ để chị đi theo con đường mà các cụ vẫn hay gọi là "cái trò đấm đá", thậm chí là bạo lực, chỉ dành cho tụi con trai như thế. Một mặt thương bố mẹ, Hồng theo học trường Trung cấp Du lịch Hà Nội. Mặt khác vì đam mê, chị vẫn âm thầm trốn đi học võ.
"Karatedo là ước mơ từ nhỏ của Hồng. Bác bảo, con gái được mỗi mình mày, mày học nghề du lịch, học thêm tiếng Anh còn làm ăn, võ vẽ làm gì. Nó cứ đam mê, rồi trốn đi học. Đến lúc nó đem huy chương vàng, huy chương bạc về, bác mới biết con vừa học văn hoá vừa học võ.
Đam mê được 5 năm. Cho đến lúc bị tai nạn, chỉ cách ít ngày sau khi nhận được huy chương vàng".
Những tấm huy chương vàng, bạc chỉ mới là khởi đầu sự nghiệp của Hồng. Nhưng tất cả chấm dứt sau tai nạn.
Tấm huy chương vàng cuối cùng chấm dứt 5 năm duyên nghiệp với Karatedo của Nguyễn Thị Hồng. Ngay khi vừa nhận danh xưng "cô gái vàng", Hồng gặp nạn.
"Mình vừa từ nhà đến trạm bơm trên đường đi học, lúc ấy là 7h kém 10, mình bị một xe tải đi ngược chiều tông trúng, người văng xuống đường bê tông, dập mặt. Sau đó, mình ngất lịm" - Hồng kể.
Tỉnh dậy, Hồng đang nằm trong bệnh viện với đủ thứ dây dợ xung quanh. Hoang mang, bất lực và đau đớn. Những xúc cảm mơ hồ đầu tiên sau cơn mê man, chị còn tưởng mình đang nằm mơ. Bởi, cú va chạm quá mạnh.
Sau cấp cứu, người Hồng đau rũ rượi. Chị không ý thức được việc đi vệ sinh, không biết điều gì, không ngóc được đầu, nhưng vẫn có thể nói chuyện. Từ một cơ thể khoẻ mạnh, Hồng đang phải đối diện với một "bản án" có thể là ngoài sức tưởng tượng. Ngay trong đêm, chị được chuyển sang bệnh viện Việt Đức cho những chẩn đoán nguy hiểm.
Liệt đốt sống cổ, dịch tràn màng phổi.
Bố mẹ chị Hồng chết lặng, còn chị như chết hẳn. Từ bả vai trở xuống gót chân không có cảm giác. Cơ thể chị giống như người bại liệt, ngoại trừ trí não và cơ miệng. 13 ngày sau, ca phẫu thuật đầu tiên được thực hiện. Được đưa ra giường bệnh, Hồng không thể thở, buộc phải kích mở khí quản cho thở máy. Liên tiếp hàng tháng trời, gia đình dành 4-5 triệu cho chị thở máy ở bệnh viện.
Cứ cấp cứu từ viện nọ sang viện kia, đằng đẵng hơn 3 năm trời như thế...
Hồng bị bại liệt cơ thể, từ bả vai xuống gót chân không còn cảm giác. Tuy nhiên, chị vẫn minh mẫn, tỉnh táo và có thể nói chuyện bình thường.
"Bác cảm thấy tuyệt vọng, đầu óc không còn nghĩ gì. Bố mẹ được mỗi mình Hồng nên cố gắng chạy chữa, nhưng vấn đề tiền bạc cứ ngày một nặng nề thêm. Không đủ điều kiện nằm viện, sau khi Hồng có thể thở bình thường, gia đình xin đưa con về nhà chăm sóc ngày qua ngày. Nhà gỗ tre, cỏ mọc um tùm y như một khu rừng, bác nhìn nhà cửa cũng chẳng muốn về".
Mãi về sau, được sự trợ giúp của các mạnh thường quân, mọi người chung tay xây cho Hồng gian nhà nhỏ kế bên nhà bố mẹ. Mẹ Phương giúp con gái làm mọi việc, từ vệ sinh, tắm giặt, ăn uống. "Con chỉ khác người sống thực vật là có thể nói và suy nghĩ được. Những lúc trở trời nhức buốt, bố mẹ thay nhau lấy thuốc về cho Hồng uống, cũng không vào viện thăm khám định kì, vì rất sợ bệnh viện sau ngần ấy thời gian".
Đi viện nghe tiếng máy kêu "tút tút tút", bác Phương khổ sở lắm. Tiếng nhịp tim, máy móc,... gợi lại quá khứ của con. Thậm chí khi xem ti vi, phim ảnh, hễ xuất hiện cảnh quay tại bệnh viện, một thứ cảm giác bất lực, sợ hãi khôn nguôi lại trỗi dậy. Có những ký ức cần được chôn vùi, nhất là khi nó quá đau đớn và không thôi ám ảnh.
Cuộc đời chị Hồng từ sau tai nạn phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ.
Những lần toan tự tử và chấp nhận từ bỏ mối tình đẹp để người ta tìm hạnh phúc mới
5 năm gắn bó với Karatedo, bỗng chấm dứt tất cả dưới bánh xe tải, Hồng tiếc nuối nhiều. Đấy là ước mơ, là lẽ sống một thời của cô gái trẻ hẵng còn cả cuộc đời, sự nghiệp phía trước.
Cơ thể lở loét, khó chịu. Nhà nghèo không thuốc chữa. Hồng nhiều lần xin mẹ tự tử. "Thôi mẹ ơi, mẹ mua thuốc ngủ, con với mẹ chết đi. Bệnh tình như này con không sống nổi...". Mẹ không đồng ý, Hồng tìm cách nhịn ăn, nhịn uống để chết đi. Thương con, mẹ Phương gọi bác sĩ tới nhà chích thanh quản truyền thức ăn vào người Hồng.
Lần sau, chị giả vờ khó chịu phía trong hàm răng, xin mẹ con dao để ngậm chuôi dao. Tranh thủ lúc mẹ không để ý, chị gập cổ cho con dao chĩa thẳng xuống ngực. Nhưng không đủ lực, dao không thể cắm phập vào ngực chị. Chị Hồng lại thoát chết. Nhưng bà Phương như chết đi lần thứ 2 khi nhìn con tuyệt vọng như thế. Giữa không gian tĩnh mịch đầy chua xót, chỉ có tiếng bà lạc lõng.
"Mẹ ở đây làm sao mẹ để con chết như thế được. Nếu trời cho chết thì đã chết ngay rồi. Trời không cho thì nếu tự tử khổ lắm con ạ. Con cố gắng khoẻ mạnh, mẹ con mình sống được ngày nào thì sống".
Xong câu, bà Phương rút dao ra khỏi miệng Hồng.
Bà Phương sắp xếp lại những tấm huy chương, bằng khen của con gái.
Bà chăm sóc từ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân cho con.
Hồng cảm giác bất lực bởi chị là đứa con duy nhất của bố mẹ. Hết cách chị mới tìm cách tự tử, tự giải thoát cho bản thân và giải thoát cả cho bố mẹ. Gia đình quá nghèo, bệnh lại nặng, chạy chữa không khá hơn, thôi chết cho xong cuộc đời.
"Bố mẹ khổ gần đời người giờ còn phải lo tiền cho mình, trong khi khả năng sống sót không cao. Ngày ấy mình còn không nghĩ có thể sống đến bây giờ, nay chết hay mai chết cũng nên, muốn chết nhanh thoát khỏi mọi đau đớn" - Hồng khóc. Tự tử bất thành, là do ông trời "bắt" mình vẫn phải sống tiếp. Nhìn bố mẹ già yếu, Hồng không bao giờ có ý định dại dột ấy nữa.
Hồng quay sang nói với bà Phương: "Con như này, mẹ tha con đi đâu cũng được. Con chưa hứa với bố mẹ nhưng lương tâm không cho phép nữa. Ông trời cho sống thì cho dù phải sống vất vả khổ sở nhưng có mẹ có con cũng nguôi đi phần nào nỗi đau".
Năm 20 tuổi, nhớ lại, Hồng cũng mộng mơ như bao cô gái khác. Tuy cá tính có phần mạnh mẽ, nhưng những xúc cảm đầu đời nhẹ nhàng và cũng ngại ngùng lắm. Người yêu? Ở trong lớp cấp 3, Hồng có để ý một bạn nam đẹp trai, học giỏi, nhưng không dám nói, chỉ yêu thầm vậy thôi. Mối tình đầu của Hồng chớm nở khi chị học Trung cấp kinh tế du lịch.
Thời điểm tai nạn, anh vào chăm chị liên tục 5-6 tháng. Ngày ấy, chị vẫn chưa nói được. Chị mấp máy môi như người bị câm. Anh mua bảng chữ cái về tìm cách ghép từng chữ, đúng câu nào thì chị gật gật đầu. Dần dần, chị thấy sức khoẻ yếu dần, khả năng sống không cao, có sống được thì thể trạng phục hồi cũng khó, chị tìm cách rời xa để anh tìm mối tình khác.
Gian nhà nhỏ được các nhà hảo tâm xây tặng mẹ con chị Hồng.
Sau 7 năm, nhìn lại, chị Hồng thấy mình mất nhiều mà cũng nhận được nhiều.
Chị thì thầm: "Mình không đem được hạnh phúc cho người ta thì mong người ta tìm được hạnh phúc khác".
Khi anh đến thăm, chị giả vờ ngủ. Anh gọi điện, chị bảo bố mẹ nghe hộ. Một thời gian sau, anh chị cắt đứt liên lạc. "Chắc anh cũng lập gia đình rồi", chị nghĩ. Nhưng có lẽ chị sẽ chẳng thể quên người đàn ông thường xuyên gọi điện hỏi thăm, đóng tiền viện phí khi nhà chị hết tiền.
"Bây giờ mọi thứ là dĩ vãng, là kỷ niệm, thỉnh thoảng nhắc lại thì nhớ thôi, chứ cũng không sao, không ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại. Mình bị 7 năm rồi, nghĩ cho bố mẹ nhiều hơn. Nghĩ nhiều, khóc nhiều, mẹ lại phải lau nước mắt. Nên thôi, nhịn khóc, cố sống lạc quan và chấp nhận cuộc sống".
Cho đến hiện tại, Hồng chỉ ước khoa học y tế phát triển, hay có dự án nào về y tế, chị xin làm thử nghiệm đầu tiên để được phẫu thuật phục hồi cơ thể. Dù chỉ là 50/50 khả năng sống sót, chị vẫn chấp nhận. Đó là cách duy nhất tốt cho bản thân, đỡ bố mẹ già yếu chăm sóc mình. Thậm chí chị có thể đi làm kiếm tiền báo hiếu bố mẹ.
"Nếu không được, mình vẫn chấp nhận cuộc sống bại liệt như vậy thôi! Mình chỉ mong bố mẹ có một căn nhà ấm cúng che mưa che nắng, bớt cực khổ. Còn với Karatedo, nếu phục hồi, kể cả ngồi xe lăn thôi cũng được, mình sẽ cố gắng tập luyện trở lại".
Chị Hồng còn đó nhiều hoài bão, ước mơ, khát vọng mà chị để dành cho tương lai, khi mà một mai chị hy vọng mình có thể phục hồi, 50/50 thôi cũng được.
Cuối buổi trò chuyện, chúng tôi có hỏi: "Sau 7 năm điều trị, chị thấy bản thân mất gì nhưng cũng nhận lại được điều gì?".
Hồng khẽ đáp: "Mình mất nhiều bạn bè, mất nhiều mối quan hệ xã hội, mất khả năng vận động, tự chủ làm việc. Mình phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ.
Còn mình nhận lại những giá trị về cuộc sống. Cuộc sống thì không phải ai cũng như ai, hoàn cảnh mỗi người một kiểu. Mình thấy nhiều anh chị em khuyết tật, họ vẫn cố gắng vươn lên trong cuộc sống, không việc gì mình phải bi quan hay tự tử làm gì. Mình cứ tươi cười, sống vui sống khoẻ, trước tiên cho bố mẹ vui lòng, sau mình cũng đỡ suy nghĩ, đỡ đau ốm, đỡ mệt mỏi".
Khép lại giấc mơ 5 năm với Karatedo, khép lại những lần dại dột thừa sống thiếu chết, Ngô Thị Hồng đủ lớn và thực sự hiểu cuộc sống này với bất cứ ai, quý giá biết nhường nào. Như mẹ Phương đã nói, ông trời bắt chị chết thì cũng đã chết cách đây 7 năm rồi. Nhưng một khi cơ hội vẫn còn phía trước, tại sao mình phải từ chối nó.
Căn nhà lụp xụp của mẹ con chị Hồng./i>
Dù có đớn đau, bên cạnh cô gái bé nhỏ vẫn luôn có cha có mẹ dõi theo, chăm sóc.
Nước mắt và cả máu đã đổ, nhưng bù lại, bên cạnh chị có bố mẹ, những người thân thương, anh em trong làng Karatedo. Đôi khi chúng ta sẽ tìm thấy những điều đẹp đẽ nhất trong chính nỗi cùng cực, đớn đau nhất.
Chúc chị vẫn luôn lạc quan và bước về phía trước, dẫu rằng chuyện ngày mai chẳng ai rõ như nào.
Nhưng cứ bước đi, chị không bao giờ đơn độc.
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ gia đình ông bà Ngô Đức Hiền - Nguyễn Thị Phương (thôn Văn Uyên, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội, ĐT: 0983.566.542);
hoặc gửi về tài khoản:
1291.0000.168640, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, chi nhánh Hoàng Mai, Hà Nội.
Chủ tài khoản Nguyễn Thị Phương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn