Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

Bài 9: Thần tốc giải phóng Phnom Penh và phát hiện bất ngờ về cuộc sống của người Campuchia thời Khmer Đỏ




Bộ đội xe tăng huấn luyện vượt sông. Ảnh minh họa.
Bài 9: Thần tốc giải phóng Phnom Penh và phát hiện bất ngờ về cuộc sống của người Campuchia thời Khmer Đỏ


Quân tình nguyện VN thần tốc giải phóng Campuchia và những phát hiện bất ngờ

Mỗi một thê đội xe tăng, một khẩu đội lựu pháo, kể cả một trung đội bộ binh vượt sang được bờ sông bên này là chiến thắng đã ở gần thêm một chút.

Trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, chưa khi nào lại tổ chức chiến dịch tiến công hiệp đồng quân, binh chủng lớn như trong chiến dịch giải phóng Campuchia. Chỉ trong hơn một tháng, từ nhiều hướng mũi khác nhau, quân đội ta đã đánh tan quân đội Khơ me Đỏ, giúp bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

Nhân kỷ niệm 40 năm Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, cùng với lực lượng vũ trang cách mạng, nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài của nhiều tác giả xung quanh sự kiện đặc biệt này.

---

Bài 9: Thần tốc giải phóng Phnom Penh và phát hiện bất ngờ về cuộc sống của người Campuchia thời Khmer Đỏ

Vượt sông Mekong và chốt cứng đầu cầu

Tiểu đoàn 4 chúng tôi sau khi vựợt sông Mekong được lệnh chốt cứng đầu cầu bến phà Niek Luong bên hữu ngạn. Đơn vị củng cố trận địa phòng ngự bảo vệ bến vượt, chờ đón quân đoàn sang sông.

Trên bến ban đầu chỉ có đội tàu há mồm LCU hoạt động hết công suất. Đơn vị nào đến trước hải quân đưa sang trước, bất kể phiên hiệu sư đoàn, trung đoàn. Mỗi một thê đội xe tăng, một khẩu đội lựu pháo, kể cả một trung đội bộ binh vượt sang được bờ sông bên này là chiến thắng đã ở gần thêm một chút.


Xuân Tùng (bút danh Trung Sỹ) - Nguyên trung sỹ D4E2F9, Quân đoàn 4 tham gia Chiến tranh Biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc và là Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, tác giả cuốn Hồi ức Chuyện lính Tây Nam, NXB Thanh Niên.

Ngay hôm sau, một đoàn khinh hạm PCF gầm gừ xé nước, hộ tống mấy chiếc phà dân sự lớn ngược dòng từ sông Tiền, sông Hậu dưới hạ lưu lên đến nơi.

Bến vượt Niek Luong như sôi trên mặt sóng, hối hả không lúc nào ngừng. Tiếng máy tàu mải mướt ầm ì suốt đêm suốt ngày, đưa các binh chủng kỹ thuật, các sư đoàn sang sông. Các đơn vị bạn đổ bộ xong là hành quân về hướng thủ đô Ph’nom Penh ngay. Từ bến sông này đến đó chỉ khoảng 50 km nữa. Nếu tấn công hành tiến với hỏa lực tăng, pháo mạnh thì chỉ hơn một giờ đồng hồ nữa là đến thủ đô đất địch.

Chúng tôi có sự sốt ruột pha lẫn ghen tỵ với các đơn vị bạn, song nhiệm vụ chiến dịch quân đoàn đã triển khai, chỉ có việc phải chấp hành.

Trung đội thông tin chiếm cứ một chiếc nhà nổi vô chủ neo trên sông. Mé hông nhà, những chiếc thùng phuy kết lại thành hàng, trên lót ván phẳng thành một chiếc cầu nối với bờ. Nằm đây hơi khó ngủ vì sóng chân vịt tàu phà chạy qua, làm ngôi nhà dập dềnh hơi chóng mặt.

Tôi gọi tên ngôi nhà là thuyền Thiên Nga, như trong truyện "Không gia đình" đọc hồi bé. Gió chướng trên sông thổi mát rười rượi ban trưa nhưng thấm lạnh vào ban đêm.


Bộ đội tăng thiết giáp huấn luyện. Ảnh minh họa.

Thôi đành nhường suất tiên phong cho Sư đoàn 7, sau những đêm ngày hành quân liên miên đi đầu, bây giờ chúng tôi lại may mắn có một khoảng thời gian nghỉ ngơi lại sức. Tiểu đoàn tôi được lệnh nống ra, truy quét về hướng nam để mở rộng bến vượt. Chúng tôi toàn lính trẻ nên phấn khởi lắm! Tốc độ đánh nhanh như thế này, hẳn ngày tiến vào Ph’nom Penh ắt chẳng còn xa.

Phát hiện bất ngờ về cuộc sống của người Campuchia thời Khmer Đỏ

Con đường xuôi ven sông rợp mát bóng hàng cây vú sữa cổ thụ. Nếu cứ được đi xuôi mãi theo dòng Mekong, chỉ ngày mốt là tiểu đoàn chúng tôi sẽ về đến thị trấn Châu Đốc tỉnh An Giang nước Việt quê nhà.

Trên các ô cửa đầu thang dãy nhà sàn, dân bạn ngồi tò mò nhìn những anh lính Việt. Không thấy thanh niên, toàn người già với trẻ con. Dăm đứa bé sán lại những người lính lạ. Chúng tôi trêu chọc lũ bé con trong ánh mắt thiện cảm của những người già. Bọn trẻ con, và cả giống chó nữa, thường rất nhạy cảm với sự tốt bụng hay thân thiện.


Đọc chuyện cho các cháu nghe tại trường Hoa Hồng 1 (ngôi trường Quân đoàn 4 giúp đỡ xây dựng nuôi và dạy trẻ mồ côi Campuchia sau thảm họa diệt chủng Polpot-Iêngxari).

Hành quân dăm sáu cây số, đơn vị rẽ ngang hướng tây. Con đê lớn xuyên qua cái trảng chó ngáp, song song với dòng mương thủy lợi. Đến đoạn cuối con đê, tiểu đoàn tiến vào một nông trường lớn của địch.

Nổi bật trên nền xanh cây trái, sừng sững một tòa nhà xây lợp ngói đỏ nền lát gạch bông. Một khẩu hiệu đỏ lớn, chữ kiểu "giá đỗ" mà chúng tôi không đọc được, kẻ ngang chỉnh chện cân đối phía trên bục sân khấu. Có lẽ đây là hội trường. Kiến trúc khánh tiết hội trường mọi nơi trên thế giới đều có vẻ giống nhau.

Cách đó không xa là cái nhà ăn tập thể liền bếp nấu, lợp lá thốt nốt rộng rãi dài dằng dặc. Bàn ghế gỗ kê đơn giản nhưng ngăn nắp. Mấy chiếc nồi gang, chảo lớn bị bắn thủng hết đáy, không để cho ta sử dụng.

Lính Polpot đã thực hiện triệt để việc tiêu thổ kháng chiến. Hẳn đây là một hình mẫu nông thôn XHCN theo mô phỏng nông trang Đại Trại bên Trung Quốc.

Một dãy nhà sàn bé nhỏ cùng kiểu, đứng cách nhau đều tăm tắp xen giữa những hàng đu đủ trái sai lúc lỉu. Trợ lý dân địch vận bảo nhà hạnh phúc của tụi nó đấy. Tên nào nhiều "thành tích", nó cho về đây nghỉ dưỡng.

Tổ chức Angka dựng vợ gả chồng, ghép đôi bất kỳ ngẫu nhiên theo những lá thăm gắp được. Bằng cách phân bổ công bằng đó, đôi khi gã trai tơ có thể may mắn cưới được một chị nạ dòng chính hiệu mà lính ta quen gọi là memai.

Tuyên thệ vợ chồng rồi thì lên nhà hạnh phúc tha hồ ân ái tình yêu. Tôi trèo cầu thang lên, đẩy cửa một "túp lều lý tưởng" tò mò ngó vào. Túp lều một gian trống không, thậm chí còn không có cả chiếc giường hạnh phúc.

Có vẻ đôi trái tim vàng này âu yếm với nhau ở luôn trên sàn, như thói quen thôn quê bao đời. Con tắc kè vàng bệch bám cạnh mớ giẻ bẩn treo trên cột, nhìn tôi bằng đôi mắt lồi lấc láo.

Thấy cái kẻng treo đầu nhà ăn, thằng Cầm điếc anh nuôi nghịch gõ một hồi váng tai. Gà nghe kẻng bỗng nhiên ở đâu đổ về đông nghịt.

Trời ơi! Lính đang đói chất tươi mà gà trống choai, mái tơ quàng quạc lao thục mạng qua các bụi cây, sấn vào quanh quẩn dưới chân, bao vây khu bếp. Thằng Điệp liên lạc thả ba lô, nuốt nước miếng, liếc xéo sang chính trị viên Thưởng.


Bộ đội Quân đoàn 4 làm nhà giúp nhân dân Campuchia ổn định cuộc sống mới sau thảm họa diệt chủng Polpot-Iêngxari.

Trước khi mở chiến dịch tổng tấn công này, toàn bộ các đơn vị tình nguyện quân tham chiến đã phải học 9 điều quy định khi làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn.

Theo các điều quy định ngặt nghèo đó, chúng tôi chỉ có thể được phép dùng nước sông nước giếng, được hái củi để đun nước nấu cơm, tất nhiên được thở bầu không khí thoải mái trên đất bạn nữa, còn thì cấm trèo cây hái trái, cấm đụng vào hay lấy bất cứ một thứ gì của dân, dù là nhỏ nhất.

Anh Thưởng già chính trị viên mặt lạnh như thép nòng, bảo thằng Điệp giở cơm vắt chấm muối ra ăn. Thằng Luân thất vọng, uể oải lấy dao găm cắt cơm vắt.

Anh Sơn tiểu đoàn trưởng cũng không nói gì, ngoảnh đi chỗ khác cầm miếng cơm thản nhiên nhai. Thấy tụi thông tin bậu xậu xung quanh chưa ăn, như còn ngần ngừ chờ đợi điều gì, anh Mão tham mưu bỗng nổi điên lên, quát "không tao vứt cơm cho gà ăn hết giờ!"

Tôi gọt vắt cơm chớm thiu bên ngoài, chấm muối trệu trạo nhai. Phần vỏ vứt cho đàn gà tranh nhau. Vừa nhai cơm vắt, tôi vừa nhớ đến bài sinh vật học về phản xạ có điều kiện hồi lớp 7 ngày xưa cô Chi dạy.

Trong phản xạ không điều kiện, cung phản xạ chỉ cần phản ứng báo qua tủy sống, như phản xạ bú mẹ của các em bé sơ sinh chẳng hạn. Còn phản xạ có điều kiện là phản xạ được hình thành theo thói quen, qua rèn luyện trong cuộc đời.

Ăn cơm đúng kẻng hẳn lũ gà nông trang này đã được mấy thằng lính Polpot rèn luyện khá kỹ. Tài thật! Tài đến thế là cùng! Thưa ông giáo sư sinh học nước Nga tên là Pavlov!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template