Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

Bài 10: Hạm đội Hải quân Việt Nam đầu tiên trong lịch sử và những chiến công vang dội ở Campuchia




Tàu hải quân Việt Nam thực hành đổ bộ phương tiện cơ giới. Ảnh tư liệu.
Bài 10: Hạm đội Hải quân Việt Nam đầu tiên trong lịch sử và những chiến công vang dội ở Campuchia


Hạm đội Hải quân Việt Nam đầu tiên trong lịch sử và những chiến công vang dội ở Campuchia

Lê Tiên Long | 06/01/2019

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế năm 1979, Hải quân Việt Nam đã phối hợp với lục quân và không quân lập nhiều chiến công xuất sắc.

LTS: Trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, chưa khi nào lại tổ chức chiến dịch tiến công hiệp đồng quân, binh chủng lớn như trong chiến dịch giải phóng Campuchia. Chỉ trong hơn một tháng, từ nhiều hướng mũi khác nhau, quân đội ta đã đánh tan quân đội Khơ me Đỏ, giúp bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

Nhân kỷ niệm 40 năm Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, cùng với lực lượng vũ trang cách mạng, nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài của nhiều tác giả xung quanh sự kiện đặc biệt này.


Bài 10: Hạm đội Hải quân Việt Nam đầu tiên trong lịch sử và những chiến công vang dội ở Campuchia

Trước khi diễn ra những cuộc xung đột lớn trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, tập đoàn phản động Pol Pot – Ieng Sary đã nhiều lần gây hấn trên lãnh thổ nước Việt Nam vừa thống nhất, như ở đảo Thổ Chu tháng 5/1975, biên giới An Giang tháng 4/1977.

Hải quân nhân dân Việt Nam đã giáng trả cho chúng những đòn quyết định, như phối hợp với bộ binh và đặc công giải phóng hoàn toàn đảo Thổ Chu và các đảo Hòn Cao, Hòn Từ tháng 6/1975, hay tiêu diệt các tàu, thuyền của quân Pol Pot xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam tại vùng biển Hòn Long - Hòn Đốc.

Cuối năm 1978, quân Khmer Đỏ tổ chức cuộc tấn công lớn nhất vào lãnh thổ Việt Nam với lực lượng lên tới 19 sư đoàn. Để đáp trả, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang của Mặt trận dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tiến công, giải phóng nhiều nơi.

Phối hợp chặt chẽ với các mũi tiến công trên bộ, ở hướng biển, các đơn vị Hải quân được lệnh bước vào chiến đấu. Theo cuốn Lịch sử binh chủng Hải quân (1955-2015) do Bộ Tư lệnh Hải quân thực hiện, sở chỉ huy tiền phương của Quân chủng do đồng chí Hoàng Hữu Thái – Phó Tư lệnh quân chủng chỉ huy đã được thiết lập tại đảo Phú Quốc.

Đêm 4/1/1979, hai biên đội tàu chiến đấu tập kết ở khu vực đảo Nam Du và An Thới. Trong khi đó, toàn bộ người và vũ khí của Lữ đoàn 126 được các đơn vị vận tải chuyển ra Phú Quốc an toàn. Các lực lượng Quân chủng ở phía Nam sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu.


Tàu HQ-501 tham gia chiến đấu giải phóng Campuchia. Ảnh tư liệu.

Cuộc chiến tại Kampong Som

Ngày 5/1, tại Sở chỉ huy tiền phương của Quân chủng chính thức giao nhiệm vụ cho các đơn vị: "Bí mật đánh chiếm bãi đổ bộ tại chân núi Tà Lơn, phong tỏa đường 3 và 4, tiến đánh cảng Kampong Som.

Tiêu diệt lực lượng hải quân địch, ngăn chặn không cho tàu chúng từ Cảng Ream, Kampong Som chạy ra biển, bảo vệ sườn trái đội hình đổ bộ của Lữ đoàn 126".

Đối tượng tác chiến của các đơn vị hải quân ta là Sư đoàn 164 hải quân, Trung đoàn 17 biên phòng của Pol Pot thuộc Đặc khu Kampong Som và tỉnh Koh Kong. Chúng được trang bị nhiều tàu pháo, tàu phóng lôi, săn ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, có nhiều công sự, hầm hào kiên cố trên các đảo và đất liền.

2h 15’ phút ngày 5/1, các đơn vị Hải quân nhận được mệnh lệnh của trên, giờ G của chiến dịch đổ bộ được quy định vào 20 giờ ngày 6/1. Lúc 10h 30’ ngày 6/1, toàn bộ lực lượng tham gia đợt một chiến dịch được lệnh xuất phát.

19 h, các chiến sĩ đổ bộ đã đến sát chân núi Tà Lơn. Phát hiện được tàu ta, địch dùng pháo 105 mm ở trận địa Đông Bắc bắn ra, làm nhiều cột nước tung lên phía trước các tàu đổ bộ.

Khi pháo địch vừa bắn, lực lượng đặc công của ta đã bí mật đổ bộ vào các đêm 4 và 5/1 bố trí sẵn ở quanh trận địa lập tức nổ súng tiến công, buộc địch phải bỏ cả pháo đạn chạy trốn.

Sau khi làm chủ trận địa pháo, bộ đội đặc công lần lượt đánh chiếm các trận địa hỏa lực khác để bảo vệ an toàn cho quân đổ.

Ở Tà Lơn, đúng giờ G, các tàu đổ bộ của thê đội 1 tiến vào bờ. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 863 nhanh chóng tỏa ra đánh chiếm các mục tiêu quy định, hỗ trợ các chiến sĩ đi trước chiếm giữ đầu cầu. Các tàu vận tải lần lượt tiến vào khu vực đổ bộ.

Cùng lúc, trên biển, tàu HQ203 và tàu HQ215 thuộc Biên đội 2 cảnh giới ở sườn trái bãi đổ bộ phát hiện biên đội tàu địch ở giữa đảo Phú Dự và Hòn Nước đang tiến về phía đoàn tàu đổ bộ, hai tàu của ta lập tức sử dụng pháo bắn chặn. Chúng vận động né tránh rồi bắn tới tấp sang phía tàu ta. Trận hải chiến diễn ra quyết liệt.

Đến 23h 5’, Biên đội 2 đã bắn chìm 2 tàu địch, bắn bị thương 1 chiếc khác, trong đó có một chiếc trọng tải 100 tấn.


Hải quân Việt Nam thực hành đổ bộ. Ảnh tư liệu.

Sau trận đánh thắng lợi, tàu của ta tiếp tục chốt chặn và tuần tiễu ở vòng ngoài. Lúc 1h 30’ ngày 7/1, Biên đội 2 phát hiện 5 tàu địch từ cảng Ream tiến ra biển hòng đánh lén vào đội hình tàu đổ bộ của ta.

Chờ cho địch đến gần, các tàu HQ05 và HQ07 thuộc Hạm đội 171 lập tức nổ súng mãnh liệt. Chiếc tàu địch đi đầu trúng đạn, bốc cháy và chìm xuống biển. Được sự phối hợp của tàu 613, các tàu của ta bắn cháy thêm một tàu nữa, buộc 3 tàu còn lại phải rút chạy, bảo đảm an toàn cho lực lượng đổ bộ.

Cùng thời gian này, Biên đội 1 gồm các tàu HQ01, HQ03, HQ197 và HQ205 sau khi hoàn thành nhiệm vụ nghi binh ở hướng Kampong Som, cơ động về cách quân cảng Ream 16 km, dùng pháo tầm xa pháo kích 30 phút vào tận sào huyệt địch, làm chúng hoang mang, lo sợ không rõ hướng tiến công chính của ta ở đâu.

Ở cánh phải, các tàu của ta cũng đánh trả quyết liệt 4 tàu địch từ khu biển Kép tiến ra. Ta bắn chìm 1 tàu, buộc 3 tàu khác phải rút chạy vào bờ. Cuộc chiến đấu kéo dài đến sáng. Các tàu của ta lần lượt đẩy lùi tất cả các lần phản kích của địch, bảo vệ an toàn cho quân đổ bộ. Trong trận đánh này, tàu HQ215 bị trúng đạn địch, một số cán bộ, chiến sĩ hy sinh anh dũng.

Được các lực lượng tàu chiến và pháo binh chi viện hiệu quả, các tiểu đoàn 863, 864, 867 cùng toàn bộ xe tăng, xe bọc thép đã lần lượt đổ bộ lên bờ an toàn.

Riêng các tiểu đoàn 862, 865, 866 cùng số xe vận tải đi cùng do thủy triều xuống thấp, tàu không áp sát được bờ, nên bộ đội phải vượt bãi sình lầy gần 1.000 mét. Các xe vận tải không thể cơ động lên được, phải để lại ở tàu.

Lúc này, một cánh quân của Quân đoàn 2 được lệnh nhanh chóng tiến lên phối hợp cùng các đơn vị Hải quân giải phóng cảng Kampong Som và Cảng Ream. Lúc 8h ngày 10/1, các lực lượng Hải quân ta đã phối hợp với các đơn vị bộ binh đột phá, lần lượt tiêu diệt các ổ đề kháng của địch. 8 ngày 10/1, quân ta giải phóng hoàn toàn cảng Kampong Som.

Giải phóng cảng Ream

Trong khi đó ở Cảng Ream, sáng 10/1, hai tàu PCF102, 107 của ta được lệnh tiến vào gần cảng để trinh sát nắm địch. Phát hiện tàu ta, địch bắn ra dữ dội. Sở chỉ huy Quân chủng điện cho chỉ huy các biên đội tiến vào Cảng Ream dùng hỏa lực chế áp địch.

Ba tàu gồm HQ01 và hai tàu PCF102, 107 tiến vào cách cảng 8.000 mét dùng pháo lớn bắn chế áp quân địch. Dưới làn hỏa lực của tàu HQ01, ba tàu PGM605, 606, 607 nhanh chóng tiến vào tiêu diệt các hỏa điểm địch.

Sở chỉ huy Quân chủng điều các tàu 602, 603, 615 và hai tàu HQ05, HQ07 từ hướng cảng Kampong Som đến tăng cường.


Hải quân Việt Nam thực hành đổ bộ. Ảnh tư liệu.

Ngày 10/1, một mũi bộ binh của Quân đoàn 2 được lệnh đánh chiếm Quân cảng Ream. Tiểu đoàn 8 Hải quân cũng được lệnh tiến theo đường bộ cùng đơn vị bộ binh bạn đánh chiếm Ream từ phía sau. Được sự chi viện hiệu quả của các tàu pháo, các tàu PCF102, 107 vượt lên phía trước tiến nhanh vào nơi đổ bộ.

Quân địch dùng hỏa lực bộ binh đánh trả. Sau 20 phút vừa cơ động về phía đổ bộ, vừa nổ súng đánh địch, hai tàu đã đưa lực lượng đổ bộ lên bến an toàn. Trong khi đang tiến vào Cảng Ream, tàu PCF107 trúng hai quả M79 của địch, làm 1 chiến sĩ hy sinh, 6 bị thương. Các chiến sĩ của ta nhanh chóng đổ bộ lên cảng phối hợp với đơn vị bộ binh của Quân đoàn 2 và Tiểu đoàn 8 Hải quân đánh chiếm các vị trí quân địch. Ở ngoài biển, Biên đội 1 phát hiện 2 tàu địch ở phía Bắc vịnh Kampong Som. Các tàu HQ199, HQ203, HQ205, HQ197 cùng hai tàu HQ01, HQ03 được lệnh cơ động đến bao vây, dùng hỏa lực bắn gây cho địch một số thiệt hại.

Chiều ngày 10/1, quân ta hoàn toàn làm chủ Cảng Ream.

Đây là lần đầu tiên Hải quân tổ chức chiến dịch hiệp đồng đổ bộ nhiều lực lượng, giải phóng một phần vùng biển Campuchia cùng bộ binh của Quân đoàn 2 tiến đánh giải phóng cảng Kampong Som và Cảng Ream.

Ta đã tiêu diệt và làm tan rã lực lượng hải quân địch, buộc số còn lại phải tháo chạy về Koh Kong, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị quân tình nguyện phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tiến công tiêu diệt địch giành thắng lợi.

Tiến quân theo sông Me Kong

Cùng tham gia chiến đấu trên hướng tiến công chính, Quân chủng điều Hải đội 811 phối thuộc với Đoàn 962 của Quân khu 9 có nhiệm vụ chở quân theo hướng sông Me Kong và bảo vệ sườn cho các đơn vị Quân đoàn 4 tiến công theo đường bộ.


Hải quân Việt Nam thực hành đổ bộ. Ảnh tư liệu.

Sáng ngày 6/1, toàn bộ các tàu của Đoàn 962 tập kết ở Tân Châu. Lúc 14h 30’ ngày 6/1, Đoàn 962 được lệnh xuất phát. Trên đường tiến đến Thủ đô Phnom Penh, 41 tàu của Đoàn 962 đã nhiều lần nổ súng đánh tan các ổ đề kháng, các tàu địch ngăn chặn, bắn chìm 4 tàu tuần tiễu và tàu chở dầu của địch.

Đặc biệt, Đoàn đã dùng tàu đổ bộ chở toàn bộ xe pháo cho Quân đoàn 4 và Binh đoàn 1 Quân đội nhân dân cách mạng Campuchia vượt bến phà Neak Loeang, tiến về tham gia giải phóng Thủ đô Phnom Penh ngày 7/1, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chiều ngày 14/1, Sở chỉ huy tiền phương của Quân chủng do Thiếu tướng Giáp Văn Cương, Tư lệnh chỉ huy chuyển đến cảng Kampong Som. Trong đợt hai của chiến dịch, Lữ đoàn bộ binh 101 được giao nhiệm vụ đổ bộ lên đảo Koh Kong.

Các tàu chiến đấu của Hải quân được giao nhiệm vụ bảo vệ đội hình hành quân, chi viện hỏa lực trong quá trình đổ bộ và tiến công đánh chiếm các mục tiêu địch trên đảo. Hải quân đánh bộ đảm nhiệm tiến công giải phóng thị xã Koh Kong.

Kết thúc nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế đầu năm 1979, các lực lượng hải quân được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý.

Cụ thể, trong đó có 14 Huân chương Quân công, 999 Huân chương Chiến công cho các tập thể và cá nhân. Các tiểu đoàn 863, 865, Hải đội 811; các tàu HQ199, HQ203, HQ232 (Hạm đội 171), Đại đội 2, Đại đội 3 (Lữ đoàn 101), liệt sĩ Tống Duy Tụng đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tài liệu tham khảo: Lịch sử Quân chủng Hải quân (NXB Quân đội Nhân dân, 2015)

Hạm đội Hải quân đầu tiên của VN

Lịch sử Lữ đoàn 171 Hải quân viết, ngày 10/10/1975 Bộ Tư lệnh Hải quân ra quyết định thành lập Hạm đội 171 trên cơ sở sáp nhập Trung đoàn 171 và Trung đoàn 175.

Trung đoàn 171 đã được thành lập từ những năm 1960 và có quá trình chiến đấu trong 2 lần chiến tranh phá hoại của quân Mỹ ra miền Bắc. Còn Trung đoàn 175 là đơn vị mới thành lập sau tháng 4/1975 với nhiệm vụ tiếp quản các tàu thuyền ta thu được sau khi Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong quyết định thành lập Hạm đội 171 có nêu rõ: "Nhiệm vụ của hạm đội là lực lượng cơ động của quân chủng, hoạt động trên vùng biển của cả nước. Tổ chức của hạm đội gồm có hải đoàn 1, hải đoàn 2, hải đoàn 3 và một hải đội tàu phục vụ sửa chữa nổi".

Về mặt trang bị của hạm đội, một phần tàu chiến của Hạm đội 171 là các tàu chiến do Liên Xô viện trợ. Phần còn lại là tàu chiến chiến lợi phẩm thu được sau Giải phóng miền Nam.

Chỉ vài năm sau ngày thành lập, Hạm đội 171 đã tham gia những trận đánh đầu tiên trong chiến dịch đánh đuổi quân Khmer Đỏ xâm lược và giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng.

Chiến công đầu của hạm đội là bắn chìm 3 tàu chiến Khmer Đỏ ngày 1/4/1978 do Hải đội 811 (Hải đoàn 2, Hạm đội 171) thực hiện.

Trong chiến dịch giải phóng Campuchia, Hạm đội 171 nằm trong đội hình quân chủng Hải quân đánh vào cảng Cong-pong-xom và cảng Ream. Hạm đội 171 đã điều vào trận chiến 2 hải đoàn với tổng cộng 18 tàu.

Ngày 11/1/1979, Hạm đội 171 tham gia chiến đấu trên hướng biển đã hoàn thành nhiệm vụ chốt chặn bảo vệ cạnh sườn phía tây cho đội hình đổ bộ Lữ đoàn 126. Đồng thời, tiêu diệt một số lượng đáng kể tàu thuyền địch với 10 chiếc bị bắn chìm tại chỗ.

Trong các trận đánh, tổng cộng Hạm đội 171 đã bắn chìm 21 tàu chiến địch, phá huỷ làm mất khả năng hoạt động của 28 chiếc khác.

Năm 1981, thực hiện chủ trương chấn chỉnh lực lượng, tinh giảm biên chế của Quân ủy Trung ương, Hạm đội 171 rút gọn lại thành một lữ đoàn cơ động của quân chủng mang phiên hiệu Lữ đoàn 171.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template