Thợ câu cá lăng luôn chọn ở những nơi nước chảy xiết để câu cá
Nghẹt thở vào mùa săn cá lăng dưới dòng Sê San
Ở đó có những thợ câu gắn bó vài chục năm nay với dòng Sê San và cá lăng trở thành thứ nuôi sống gia đình, là tiền cho con cái đi ăn học
Tây Nguyên mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về cũng là lúc loài cá hung dữ được mệnh danh là thủy quái trên dòng Sê San bắt đầu đi ăn mạnh. Đó cũng là lúc những cần thủ chuẩn bị cho mùa săn cá lăng!
"Săn" Cá lăng
Dòng Sê San chảy từ vùng thượng nguồn Kon Tum đổ về Gia Lai rồi đột ngột rẽ qua nước bạn Campuchia mang trong mình bao sản vật, trong đó, cá lăng là đặc sản vùng sông nước này. Khi nghe tôi ngỏ ý muốn đi câu cá lăng, những anh bạn ở H. Chư Păh (Gia Lai) chuyên săn loài cá này trên dòng Sê San gật đầu đồng ý. "Chuẩn bị tinh thần sẵn nhé, móm (không có cá - P.V) là chuyện bình thường. Ngày trước cá lăng nhiều nhưng giờ có khi giăng câu cả ngày cũng không có con nào", Duy, Tú - những cần thủ nói trước với tôi. Dù cá lăng chỉ mới trở thành đặc sản của Tây Nguyên trong thời gian gần đây nhưng đối với đồng bào Gia Rai sinh sống dọc sông Sê San thì cá lăng không chỉ in dấu qua những câu chuyện kể mà đã trở thành món ăn truyền thống từ bao đời nay.
Những già làng ở làng Duch, làng Phung, làng Kep sinh sống ven bờ sông Sê San vẫn nhớ như in về loài thủy quái này. Thuở chưa có thủy điện xây dựng trên dòng sông này, cứ đến mùa mưa, cá lăng lũ lượt đi ăn trên sông. Chỉ cần những cây lao sắc nhọn, thợ săn đứng bên bờ đá nơi nước chảy xiết, vung tay lên, đầu lao có ngạnh cắm sâu vào mình cá. Có khi phải 2-3 thanh niên cùng ghì chặt ngọn lao, đánh vật với dòng nước chảy xiết mới đưa được những con cá lăng 30-50kg vào bờ. Thứ ngon nhất vẫn là lòng cá lăng được đám thanh niên nhường cho người già. Con cá xẻ thịt ra, cứ thế nướng bên than hồng rồi chấm muối ớt giã cùng với lá é (một loại rau mùi) thì không có gì ngon bằng. "Bộ lòng của những con cá lăng to nấu với cà đắng, chỉ cần thế thôi uống rượu không bao giờ say nhé", già Rơ Châm Ka, thợ săn cá lăng lớn tuổi ở làng Phung kể lại... Giờ đây đó là chuyện dĩ vãng của những thợ săn cá lăng lớn tuổi người Gia Rai. Theo già Rơ Châm Ka: "Giờ mình cũng như một số người vẫn đi câu nhưng cá lăng to không còn nữa. Họa hoằn lắm mới có thợ câu bắt được con cá tầm 15-20kg trở lại".
Hiếm hoi những cần thủ mới câu được chú cá lăng tầm 3kg như thế này
Đến ngày hẹn, tôi cùng Duy, Tú và một số thợ câu ở làng Phung hẹn nhau ở thị trấn Ia Ly (H. Chư Păh). Cả nhóm quyết định câu gần ở khu vực cửa xả đập thủy điện Ia Ly bởi nơi đây nước xiết và thợ câu vẫn thường câu được cá lăng. Khác với những thợ câu "hiện đại" sử dụng cần câu máy, chì, những thợ câu Gia Rai chỉ cười cười chỉ vào ống nhựa cuộn sợi cước to bằng que tăm: "Đồ nghề của mình thế này thôi, chứ không có tiền để mua chì, cước đâu!". Tú nói với tôi: "Nhiều người mình cũng dẫn đi câu rồi nhưng cả trăm nghìn tiền chì, lưỡi, dây vứt lại dưới lòng sông cả đấy! Bởi mắc vào đá, thân cây trên dòng sông chảy xiết là chuyện bình thường. Có người còn mất luôn cả bộ cần câu vì cá lăng cực khỏe, lôi tuột cả cần xuống sông".
Băng qua con đường bê-tông, đứng từ trên đỉnh núi nhìn xuống dưới thung sâu là dòng Sê San đang chảy xiết. Chúng tôi bắt đầu đi xuống con đường chỉ vừa đủ 1 người đi. Hơn 30 phút đánh vật với đường trơn và những đàn muỗi đói bám theo, trước mắt tôi là dòng Sê San đang gào thét giữa bãi đá. Dọc 2 bên bờ sông lởm chởm, những thợ câu Gia Rai câu đêm đang men theo dòng sông kiểm tra lại dây câu. Thế nhưng cả hàng chục dây câu buông từ đêm qua đến sáng vẫn không có chú cá lăng nào "dính". "Câu cá lăng dùng nhiều loại mồi lắm, kể cả mồi thuốc chế rất kỳ công, ủ cả tháng trời mới đem đi câu. Mùi rất khó chịu. Nói ra chắc cả vài ngày mới hết các loại mồi câu cá lăng. Thậm chí, có cả mồi thuốc nhập từ nước ngoài về để dụ cá lăng nữa.
Thế nhưng, cách truyền thống mà bà con Gia Rai ở đây hay câu vẫn là trùn hổ, hay còn gọi là địa long cũng là thứ mồi hấp dẫn cá lăng. Ở đây chỉ cần vác cuốc đi 15 phút là đủ mồi câu cả ngày", Tú vừa soạn cần câu vừa chỉ vào hộp nhựa chứa đầy trùn hổ to bằng đầu đũa nằm lúc nhúc.
Phía bờ đá kia, những thợ câu Gia Rai cũng bắt đầu móc trùn vào lưỡi câu. Mỗi thợ câu chọn cho mình những bãi đá khác nhau tùy theo cảm nhận, kinh nghiệm của mình nơi nào có cá lăng đi săn mồi. "Ở dòng Sê San này, bắt cá lăng chỉ có cách câu thôi, chứ dùng lưới không hiệu quả bởi nước chảy xiết và lòng sông đầy cây lớn, đá nhọn. Ngày trước muốn câu cá lăng phải dùng lưỡi to, mồi là cá lóc sống, chuột sống móc vào đấy rồi cứ ngâm dưới sông. Cá lăng với kiểu ăn mồi hút vào miệng, cứ thế cả lưỡi câu vào theo. Cứ một giờ kiểm tra một lần nhưng, dây câu phải to và buộc vào thân cây lớn mới giữ được loài cá cực khỏe này. Giờ không còn cá lăng to nữa, chỉ cần dùng lưỡi câu nhỏ vừa với tầm từ 3-5kg thôi", già Ka nói như hét lên bởi tiếng nước xé ầm ầm qua bãi đá.
Ngoài kiểu câu ngâm truyền thống, kiểu câu máy của những cần thủ "hiện đại" thì những thợ câu người Gia Rai chỉ cần buông cả đoạn cước cùng mồi xuống nước, ngón tay trỏ để nhẹ ở đầu dây, chỉ cần cá ăn mồi là biết cá lăng hay cá gì. "Lũ cá nhỏ thì rỉa mồi nên giật giật ở đầu dây.
Gặp cá lăng ăn mồi, đầu dây vừa mới động đậy là dây cước kéo căng liền", một thợ câu làng Phung chia sẻ. Tôi men theo dọc bên bờ sông, những chiếc chòi tạm bợ được dựng lên, đó là những nơi trú ngụ của những thợ săn cá lăng xuyên đêm với hàng chục lưỡi câu rải dọc theo bờ sông. Ở đó có những thợ câu gắn bó vài chục năm nay với dòng Sê San và cá lăng trở thành thứ nuôi sống gia đình, là tiền cho con cái đi ăn học. Cá lăng có giá từ 300-400.000 đồng/kg nhưng nhiều người cũng đã bỏ nghề khi nhiều đêm tay trắng trở về. "Hồi trước cá 2-3kg trở lên mới lấy nhưng giờ có con nào họ đều bắt con đấy thôi, bởi giờ hiếm lắm rồi", Duy nói. Có thời điểm, không chỉ dùng mìn, một số thợ câu vì lợi nhuận tự chế những bình chích điện bắt cá lăng theo kiểu tận diệt. Sau này, khi chính quyền địa phương xử lý căng, tình trạng này mới chấm dứt.
Chợt nhớ đến quán của một anh bạn chuyên bán đặc sản cá lăng ở TP Pleiku, ngày trước những con cá lăng hàng chục kg luôn sẵn trong bể nhưng nay phải đặt trước hàng tháng trời mới có được một con cá lớn. Có thế mới thấy loài cá lăng đang mất dần đi trên dòng Sê San. Dọc bờ sông, đôi lúc lại vang lên tiếng cười hồ hởi của thợ câu khi bắt được cá lăng, lúc là tiếng xuýt xoa vì vừa để sẩy một con cá hoặc tiếng lầm bầm bởi lưỡi câu mắc vào đá... Rồi tất cả đều xóa tan bởi tiếng ầm ào, gào thét của dòng Sê San.
. Đặc sản cá lăng sông Sê San
Dòng sông Sê San chảy ngược về phía mặt trời lặn là nguồn sống của đại ngàn Bắc Tây Nguyên, của các nhà máy thủy điện (Ia Ly, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4...), của vô vàn muông thú và thủy sản, trong đó có loài cá lăng.
Săn bắt cá trên sông Sê San
Chị Bùi Thị Sang Đông-chủ quán Lộc Vừng (bên phải) và cá lăng Sê San.
Dòng sông Sê San hùng vĩ trải dài từ thượng nguồn Kon Tum xuống hạ lưu thuộc địa phận huyện Đức Cơ, huyện Ia Grai (giáp ranh tỉnh Rattanakiri, tỉnh Stung Treng, Campuchia). Dòng sông này có nguồn cá lăng tương đối dồi dào. Chúng thường sinh sống ở những đoạn sông chảy xiết, có nhiều thác ghềnh, sỏi đá. Vào tờ mờ sáng, chúng thường ra khỏi nơi trú ẩn đi kiếm thức ăn là các loại mồi sống, cá con, phù du và rêu bám vào các vách đá. Nắm bắt được những đặc tính đó, người dân trong vùng đã đi săn bắt cá lăng, bất chấp sớm khuya và nguy hiểm.
Đến nay, rất nhiều gia đình người Jrai ở 2 bên bờ sông Sê San vẫn còn lưu giữ những cây lao tre dài khoảng 2 mét, đầu bịt sắt nhọn dùng để đâm cá lăng. Theo họ, trước thập niên 70 của thế kỷ XX, cá lăng nhiều vô kể trên sông Sê San. Khi đó cứ vào đầu mùa mưa hàng năm, cá lăng bơi từng đàn, đua nhau vùng vẫy, làm náo động cả vùng sông nước mênh mông. Gặp mưa lũ lớn, cá lăng thỏa sức vẫy vùng, có con nhảy cả lên bờ sông, nhảy hẳn vào thuyền độc mộc, thậm chí trôi nổi lềnh bềnh như những cây gỗ trên mặt sông Sê San. Bởi vậy, người dân khi đó chỉ cần dùng những dụng cụ thô sơ như lao, dao, thòng lọng... là có thể săn bắt được cá lăng lớn.
“Thời Puih San (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân A Sanh-P.V) lái đò đưa bộ đội sang sông Sê San đánh đuổi giặc ở đồn Chư Nghé, có nhiều con cá lăng to như cái gùi người lớn. Bắt được cá lăng to thì cả làng, cả bộ đội ăn một lần cũng không hết. Còn thời nay, dân làng mình săn bắt miết miết mới được con cá lăng to bằng cái gùi nho nhỏ”-già làng Rơ Châm Luh, làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai bộc bạch.
Cá lăng Sê San đã và đang bị săn bắt cạn kiệt dần. Tuy vậy, ngày nào bà con ở 2 bên bờ sông Sê San cũng dăng bẫy, thả câu, thả lưới được cá lăng. “Ngày nào bà Mai ở thôn Ri Ninh cũng mua được cá lăng. Có ngày cao điểm, bà Mai mua được cả tạ cá lăng Sê San. Nhờ có nguồn cá này mà bà Mai và nhiều hộ khác có đặc sản cá lăng Sê San bán cho khách du lịch và các nhà hàng, quán ăn...”-ông Lê Văn Thành-Chủ tịch UBND thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah vui vẻ cho biết.
Chế biến cá theo dân gian
Các món ăn chế biến từ đặc sản cá lăng Sê San
Đồng bào ở 2 bên bờ sông Sê San sinh sống rất mộc mạc nên cách chế biến các món ăn cũng giản đơn. Trước kia săn bắt được cá lăng, đồng bào thường mổ bụng lấy ruột, rửa sạch, cắt thành từng miếng vừa phải, để ráo nước rồi ướp với muối ớt và lá cây rừng. Khi thịt cá khô, bà con thường nướng ăn hoặc nấu ăn. Trường hợp săn bắt được nhiều cá, ăn một thời gian ngắn không hết, bà con thường bỏ vào các ống tre nứa, ống lồ ô treo trên gác bếp hay bỏ vào các ché sành làm thính cá lăng để ăn dần. Những năm gần đây, cá lăng Sê San ít dần, các phương tiện bảo quản thực phẩm phát triển, bà con thường để lưu cá trong tủ lạnh, chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất hấp dẫn và bổ dưỡng.
Với những đầu bếp giỏi ở các quán ăn, nhà hàng thì đặc sản cá lăng Sê San quả thật là nguyên liệu chế biến thật sự tuyệt hảo. Từ một con cá lăng, họ có thể chế biến thành hàng trăm món ăn ưa nhìn, hấp dẫn như: nướng sả, hấp chanh, chiên tươi, xào măng chua, kho nghệ, lẩu cá thập cẩm, nấu cháo (đầu cá), làm chả, nấu canh chua lá giang, kho khóm (thơm), om dưa chua... Đặc biệt là món lẩu cá lăng nấu với măng chua theo kiểu Thái Lan thì thật là hấp dẫn với mọi người, mọi nhà.
Cá lăng không chỉ là loại thực phẩm sạch, an toàn, bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe mà còn giàu các chất làm đẹp da, làm tăng cường thị giác, thính giác... Dân gian vẫn truyền miệng rằng: Ăn cá lăng, khỏe mạnh, da dẻ sẽ hết mụn nhọt, trơn tru, nhẵn bóng. Ăn mắt cá lăng sẽ hết chảy nước mắt sống và mắt sáng. Ăn râu cá lăng thì thính giác, vị giác sẽ tinh tường...
Họ cá lăng (danh pháp khoa học là Bagridae) thuộc họ cá da trơn có nguồn gốc từ châu Phi và châu Á. Các loại cá trong họ này có các tên gọi chung là cá lăng hay cá bò. Đặc trưng của cá lăng là có 4 cái râu ở 2 bên mép, 1 gai (ngạnh) trên vây lưng trước và 2 gai ở vây ức. 2 vây ức có khía răng cưa (từ 5 kg trở lên mới hiện rõ và cứng theo độ tuổi). Toàn thân cá lăng không có vảy, hơi nhớt, chiều dài có thể lên tới hơn 2 mét, nặng tới khoảng 50-60 kg/con...
Sáng 29/5, ông Nguyễn Đình Sơn (ở huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông) ra gần đập thủy điện trên sông Sêrêpôk (địa phận giáp ranh giữa Đăk Nông và Đăk Lăk) kiểm tra câu thì phát hiện hai con cá lăng đuôi đỏ đã dính mồi.
Do nước sông đang dâng cao nên ông Sơn bắt hai cá lớn tương đối khó khăn. Sau hơn một giờ vật lộn, ông đã đem được hai con cá lăng, mỗi con trên 40 kg, dài hơn 1,6 m lên bờ. Sau đó lão ngư đem bán hai con cá cho nhà hàng ở TP Buôn Ma Thuột với giá hơn 13 triệu đồng một con.
Ông Sơn cho biết hành nghề câu cá lăng được 10 năm nay. Cứ vào đầu mùa mưa, cá lăng khủng xuất hiện nhiều trên sông Sêrêpôk.
Trước đó, tháng 5/2015, ông Phạm Văn Hoài (40 tuổi, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) cũng câu được hai con cá lăng đuôi đỏ nặng 28 kg và 18 kg. Ngày 28/1, ông Nguyễn Văn Chắc(xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông) cũng câu được con cá lăng đuôi đỏ 43 kg.
Theo chủ nhà hàng, cá lăng đuôi đỏ là loài cá nước ngọt quý hiếm, chủ yếu sống hoang dã trên lưu vực sông Sêrêpôk, thịt của nó rất giàu chất dinh dưỡng nên được rất nhiều người ưa chuộng. Mỗi kg cá lăng được bán lại với giá 500 nghìn đồng.
Inter
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn