Cán bộ ngân hàng đếm tiền thu giữ được của Phan Sào Nam tại Quảng Ninh. Ảnh: CAND
Kho tiền của người tổ chức mạng lưới đánh bạc chục nghìn tỷ đồng – “nhìn thấy sợ”.
Những kho tiền ...thấy ớn
Phan Sào Nam có hàng triệu USD gửi tại ngân hàng nước ngoài, hàng trăm tỷ giấu khắp nơi song vẫn dùng ví, túi cũ do vợ tặng.
Theo kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Phú Thọ), trong ba năm điều hành đường dây đánh bạc nghìn tỷ xuyên quốc gia, Phan Sào Nam hưởng lợi gần 1.500 tỷ đồng. Khối tài sản kếch xù này được Nam hợp thức hóa bằng cách chuyển cho người thân, bạn bè gửi tiết kiệm, đầu tư góp vốn các dự án, bất động sản...
Quá trình điều tra, Nam thừa nhận hành vi tổ chức đánh bạc và rửa tiền, tích cực cùng người thân nộp 777 tỷ đồng. Cơ quan điều tra tạm giữ tổng cộng khoảng 850 tỷ đồng, phong tỏa gần 77 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng, kê biên hai nhà trị giá 12,4 tỷ đồng, phong tỏa 13 hợp đồng mua căn hộ trị giá 139 tỷ đồng và 5 ôtô như Ford Mustang, Audi Q5...
Cơ quan điều tra xác định, trước khi bị bắt, Nam gửi 3,5 triệu USD ở ngân hàng tại Singapore; gửi một người đàn ông ở Quảng Ninh cất gần 150 tỷ đồng cùng số ngoại tệ và vàng trị giá 142 tỷ đồng. Tiền đựng trong hai hòm gỗ to bằng hai chiếc tủ lạnh. Công an nhân dân đưa tin tiền vẫn còn nguyên trong bao gói của ngân hàng. Gia chủ được gửi tiền cứ để thế để vào hòm mà không khóa lại.
Để kiểm đếm, cơ quan điều tra phải huy động cả chục cảnh sát cơ động, cảnh sát điều tra để bảo vệ 10 cán bộ ngân hàng làm việc trong nhiều giờ đồng hồ.
Đánh bạc qua mạng - Đồ họa
Cơ quan điều tra còn thu hai valy USD cùng vàng được Nam gửi tại TP HCM cùng hàng trăm tỷ đồng mà Nam "có ý định chuyển hóa vào bất động sản". Việc kiểm đếm từ 22h hôm trước đến 4h30 hôm sau.
Để đưa tiền lên máy bay vận chuyển ra Hà Nội, cơ quan điều tra phải nhờ sự can thiệp của Công an TP HCM để giảm thủ tục. Ra đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), lực lượng điều tra dùng đến bốn ôtô để chuyển "hàng đặc biệt" đến nơi quản lý tang vật.
Nam cũng khai đã chuyển cho một số bị can cất giữ vàng, ngoại tệ có tổng trị giá hơn 530 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra "các bị can được Nam gửi tiền và cất giữ đang trốn, nên chưa thể làm rõ".
Cơ quan điều tra nhận định, dù thừa nhận hành vi phạm tội nhưng Nam vẫn chưa khai báo hết sử dụng nguồn tiền thu lời bất chính gây khó khăn cho quá trình điều tra. Dù có nhiều tiền nhưng Nam "vẫn dùng chiếc túi xách và chiếc ví cũ được vợ tặng từ nhiều năm.
Số ngoại tệ cơ quan điều tra thu được của Phan Sào Nam tại TP HCM. Ảnh: CAND
Ngược với Nam, Nguyễn Văn Dương (đồng chủ mưu) lại thích thể hiện. Khi khám nhà Dương, cơ quan điều tra phát hiện hàng trăm chai rượu, trong đó có những chai rượu trị giá hàng trăm triệu đồng.
Ngày 18/7, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát cùng cấp để đề nghị truy tố Nam, Dương cùng 90 bị can liên quan đường dây đánh bạc có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Trong số này, ông Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, C50 Bộ Công an) bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 2 điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015. Liên quan vụ án còn có 12 người tiếp tục bị truy nã.
Cơ quan điều tra cho rằng đủ căn cứ xác định đường dây đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu đã tổ chức mạng lưới gồm 25 “đại lý cấp 1”, gần 5.900 "đại lý cấp 2” và gần 43 triệu tài khoản tham gia. Tổng số tiền thu từ đánh bạc trực tuyến được xác định trên 9.800 tỷ đồng với tiền hưởng lợi là 4.700 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, đầu năm 2015, biết Công ty phát triển An ninh Công nghệ cao - CNC) của Nguyễn Văn Dương là công ty bình phong của Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm công nghệ cao (C50, Bộ Công an), Phan Sào Nam (Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - VTC Online) đã đề nghị Dương hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng bằng hình thức game bài.
Theo cơ quan chức năng, ông Phan Văn Vĩnh biết công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, nhưng không ngăn chặn, xử lý. Lãnh đạo Bộ Công an khi phát hiện CNC vận hành game đánh bạc trá hình, yêu cầu có báo cáo song ông Vĩnh không chấp hành.
Ông Vĩnh được Dương biếu đồng hồ Rolex. Mặc dù ông Vĩnh khai đây là vật nhờ mua và đã trả 1,1 tỷ đồng, song công an đánh giá việc này là không có cơ sở. Bởi lương trung tướng của ông Vĩnh khoảng 20 triệu đồng một tháng, để mua món đồ hàng hiệu này, ông sẽ mất 5 năm thu nhập không chi tiêu.
Bị can Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam (từ trái qua).
Mạng lưới đánh bạc chục nghìn tỷ đồng được vận hành thế nào?
Biết Dương sở hữu công ty bình phong của Cục Cảnh sát C50, Phan Sào Nam đề nghị hợp tác kinh doanh đánh bạc trực tuyến.
Theo cáo buộc của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ, Phan Sào Nam là người có trình độ và am hiểu công nghệ thông tin. Năm 2014 khi làm chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần VTC truyền thông trực tuyến (VTC Online), Nam bàn với Hoàng Thành Trung (cựu giám đốc Trung tâm phần mềm, VTC Intecom) hợp tác phát triển kinh doanh hệ thống phần mềm đánh bài trực tuyến bằng hình thức game bài.
Trung đồng ý nhưng đề nghị Nam tìm pháp nhân xây dựng và phát triển phần mềm đánh bạc trực tuyến. Nam sau đó tìm được người đồng ý là Đỗ Bích Thủy, Giám đốc Công ty TNHH phát triển nhà và đất Nam Việt.
Nam tiếp tục tìm gặp Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao CNC) đề nghị hợp tác phát hành phần mềm, biết đây là công ty bình phong của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50, Bộ Công an). Hai bên ký thỏa thuận "cung cấp dịch vụ phần mềm và giải pháp công nghệ" cho dịch vụ "win2All khai thác thương mại với tên RikVip".
Theo đó, CNC phát hành dịch vụ, cung cấp dịch vụ thanh toán, đứng tên giấy phép... VTC Online là đơn vị sản xuất, phát triển và liên tục bổ sung, cập nhật nội dung dịch vụ, đầu tư cơ sở hạ tầng phần cứng... Nếu doanh thu đến 5 tỷ đồng, CNC hưởng 30%, VTC Online hưởng 70%; doanh thu 5-15 tỷ đồng, tỷ lệ ăn chia lần lượt 35% và 65%; trên 15 tỷ thì CNC hưởng 40%, VTC Online nhận 60%.
Theo cơ quan điều tra, Dương sau đó thuê tên miền, thuê nhắn tin quảng bá thương hiệu RikVip và đã kết nối với một loạt đơn vị để tổ chức việc đánh bạc trực tuyến. Tổng cộng, nhóm đã thiết lập 262 máy chủ vật lý, 6 máy chủ ảo hóa, 7 thiết bị SAN lưu trữ dữ liệu để cho game bài RikVip hoạt động.
Nhóm của Nam liên hệ với một cổng thanh toán tại Việt Nam, cổng thanh toán MyCard (Đài Loan) và cổng thanh toán PayOneQ (Hàn Quốc) để cho người tham gia đánh bạc trực tuyến sử dụng tiền trong tài khoản ATM của 33 ngân hàng ở Việt Nam và thẻ thanh toán quốc tế.
Để trả thưởng cho các con bạc, Nam chỉ đạo mua mã thẻ điện tử của 12 công ty để nhập vào kho thẻ trả thưởng trong hệ thống cơ sở dữ liệu của cổng game bài RikVip. CNC còn xây dựng cổng thanh toán cho game bài RikVip nhằm theo dõi, đối soát sản lượng, doanh thu.
Phát hành tiền ảo Rik để đánh bạc trực tuyến
Khi tham gia đánh bạc trực tuyến tại cổng game RikVip, người chơi sử dụng tiền ảo (gọi là Rik).
Theo cơ quan điều tra, người đánh bạc nhập số tài khoản ATM, thẻ thanh toán quốc tế theo hướng dẫn tại giao diện thanh toán, lựa chọn số tiền sử dụng mua Rik với "tỷ giá" một Rik bằng một đồng trong tài khoản.
Cách thứ hai, người chơi mua thẻ cào viễn thông của các nhà mạng và các loại thẻ game để nạp Rik vào tài khoản với tỷ lệ một đồng trong thẻ viễn thông bằng một Rik; một đồng trong thẻ game Gocoin bằng 1,15 Rik, một đồng trong thẻ Vcard bằng 1,05 Rik. Cách thứ ba, người chơi mua qua đại lý để mua.
Cuối tháng 8/2016, khi cơ quan chức năng vào cuộc, rà soát hình thức chơi bạc trên, để tránh bị phát hiện, Nam và Dương thay đổi pháp nhân phát hành game bài trên và không hạch toán doanh thu tổ chức đánh bạc trực tuyến vào công ty, thực hiện đối soát bằng tiền mặt, không có hóa đơn. Để tiếp tục tổ chức đánh bạc, Dương đổi tên game bài trên thành Tip.club; xây dựng cổng game bài 23Zdo (sử dụng tiền ảo Zdo) và cổng ZonClub (sử dụng tiền ảo Zon) với hình thức chơi tương tự song tạo ra nhiều lựa chọn hơn. Người chơi có thể chuyển đổi tiền ảo Rik, Zon, Zdo tại tất cả các cổng vì đều được vận hành cùng hệ thống với sự quản lý của Công ty Nam Việt.
Tháng 11/2016, Dương cho xây dựng hệ thống kỹ thuật để phát hành thẻ Vcard nhằm thay thế các thẻ cào viễn thông của những nhà mạng cho khách tham gia chơi bài Tip.Club.
Nghi phạm chủ mưu được đề nghị miễn tội Đưa hối lộ
Theo nhà chức trách, hai giai đoạn Rik.Vip và Tip.Club, mạng lưới đánh bạc trực tuyến này đã tổ chức được 25 “đại lý cấp 1”, gần 5.900 "đại lý cấp 2” và gần 43 triệu tài khoản tham gia. Tổng doanh thu đã được chứng minh là gần 9.900 tỷ đồng. Trong đó, tiền sử dụng thẻ viễn thông, thẻ game là hơn 8.840 tỷ đồng; thẻ Vcard là hơn 460 tỷ đồng; thẻ ATM của các ngân hàng hơn 186 tỷ đồng...
Sau khi trừ chi phí trả thưởng và các chi phí quản lý và nộp thuế của các công ty vận hành, số tiền hưởng lợi hơn 4.700 tỷ đồng được chia một số cá nhân. Cụ thể, Nam nhận hơn 1.470 tỷ đồng; Dương hơn 1.650 tỷ đồng; nhóm ba người đang bỏ trốn (Phan Anh Tuấn, Hoàng Thành Trung và Lê Văn Kiên) nhận hơn 1.570 tỷ đồng.
Theo cáo buộc tiền hưởng lợi từ kinh doanh đánh bạc trực tuyến, Nam chuyển cho người thân gửi tiết kiệm và mua bất động sản, gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng Singapore. Cơ quan công an đã tạm giữ hơn 850 tỷ đồng do Nam giao nộp, phong tỏa gần 77 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng, kê biên 15 căn nhà có giá trị khoảng 150 tỷ đồng và 5 ôtô các loại.
Cơ quan điều tra nhận định, Nam là người tổ chức thực hiện hành vi đánh bạc, gây hậu quả nghiêm trọng. Nam bị đề nghị truy tố về tội Tổ chức đánh bạc (khoản 2 điều 249), Rửa tiền (khoản 3 điều 251).
Nhà chức trách cho rằng dù chủ động trình diện, tích cực hợp tác để thu thập tài liệu, chứng cứ, thừa nhận hành vi phạm tội nhưng Nam vẫn chưa khai báo hết việc sử dụng nguồn tiền thu lời bất chính, gây khó khăn trong việc thu hồi triệt để vật chứng của vụ án. Do Nam có thành tích trong công tác, nhận ba bằng khen của Thủ tướng và Bộ Thông tin truyền thông, cơ quan điều tra đề nghị xem xét mức phạt với bị can này trong giai đoạn truy tố, xét xử.
Với Dương, cơ quan điều tra đề nghị truy tố về các tội danh như Nam. Do Dương khai báo về những khoản tiền đã đưa cho ông Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng C50), cơ quan điều tra đề nghị miễn trách nhiệm hình sự với Dương về tội Đưa hối lộ nhằm đảm bảo chính sách khoan hồng của pháp luật trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tham nhũng.
Cơ quan điều tra đã tạm giữ, kê biên hai sổ tiết kiệm của Dương với số tiền 150 tỷ đồng; phong tỏa hơn một tỷ đồng; kê biên hai tầng của một tòa nhà với giá trị hơn 61 tỷ đồng và tạm giữ 4 ôtô... Theo kết luận điều tra, việc Dương khai biếu ông Vĩnh 27 tỷ đồng và 1,75 triệu USD, biếu ông Hóa 22 tỷ đồng là có cơ sở. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa đủ căn cứ chứng minh nên sẽ đề nghị điều tra xử lý tiếp ở giai đoạn 2.
Hiện, nhà chức trách mới làm rõ việc Dương biếu ông Vĩnh chiếc đồng hồ Rolex. Dù ông Vĩnh khai đây là vật nhờ mua và đã trả 1,1 tỷ đồng, song công an đánh giá việc này là không có cơ sở. Bởi lương của ông Vĩnh khoảng 20 triệu đồng một tháng, để mua món đồ hàng hiệu này, ông sẽ mất 5 năm thu nhập không chi tiêu.
Ngày 18/7, Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Phú Thọ) ra kết luận đều tra, đề nghị truy tố 92 người về bảy tội danh: Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Mua bán trái phép hóa đơn, Rửa tiền, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Đưa hối lộ.
Trong số này, ông Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng C50) theo khoản 2 điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ năm đến 10 năm tù.
Theo cơ quan điều tra, bị can Phan Văn Vĩnh đã tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm "tổ chức đánh bạc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng", làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của lực lượng công an. Ông Hóa bị quy kết đã bao che, không cho các phòng nghiệp vụ xác minh, xử lý CNC.
Hai tướng công an bị cáo buộc bảo kê đường dây đánh bạc như thế nào?
Cựu tổng cục trưởng Phan Văn Vĩnh báo cáo không đúng sự thật với lãnh đạo Bộ Công an để che giấu hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến của công ty CNC.
Ông Phan Văn Vĩnh (trái) và ông Nguyễn Thanh Hoá.
Theo cơ quan điều tra, ông Nguyễn Thanh Hoá là Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50 Bộ Công an) song không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Ông Hoá chỉ đạo cán bộ cấp dưới soạn thảo một số văn bản và trực tiếp tham mưu cho Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh thành lập CNC - công ty bình phong thuộc C50. Điều này trái với quyết định của Bộ Công an và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ.
Ông Hoá cũng đề nghị cho CNC thuê, sử dụng trụ sở số 10 Hồ Giám (Hà Nội) do Tổng cục Cảnh sát quản lý - tạo vỏ bọc cho Dương. Với việc "đóng đại bản doanh tại đây" CNC làm cho các đơn vị có chức năng quản lý phòng ngừa đấu tranh tội phạm công nghệ cao lầm tưởng doanh nghiệp này là công ty nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát.
Khi công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc dưới hình thức game bài, ông Hoá dù biết nhưng không ngăn chặn, xử lý mà còn tham mưu, ban hành các văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm phi pháp này. Ông bị quy kết đã bao che, không cho các phòng nghiệp vụ có chức năng phòng chống tội phạm công nghệ cao được xác minh, xử lý CNC ngay từ giữa năm 2015. Ông Hóa từng nói: CNC là công ty nghiệp vụ của C50, đã được phê duyệt đề án hoạt động.
Trước việc lãnh đạo Bộ yêu cầu báo cáo việc CNC có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cuối tháng 6/2016, ông Hóa chỉ đạo soạn thảo công văn gửi ông Vĩnh "báo cáo tình hình game online tiền ảo tại Việt Nam hiện nay", trong đó có nội dung rằng hai cổng trò chơi điện trực trực tuyến là RikVip và 23zdo... của CNC liên kết với Công ty Cổ phần VTC truyền thông trực tuyến đã thu hút hàng nghìn người tham gia. Hoạt động kinh doanh này tạo nguồn thu để "trả chi phí hoạt động, trả lương nhân viên và sử dụng vào tái đầu tư mua sắm sản xuất các thiết bị, phần mềm phục vụ có hiệu quả cho công tác nghiệp vụ". Cũng theo báo cáo này, người tham gia thanh toán tiền chơi game tại hai cổng trên sẽ nạp tiền qua thẻ điện thoại, thẻ nạp tiền game, thanh toán qua tài khoản ngân hàng và đều thông qua các cổng thanh toán trung gian.
Khi cấp trên nhiều lần chỉ đạo yêu cầu CNC chấm dứt hoạt động tại hai website RikVip và 23dzo do có nhiều biểu hiện phức tạp gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận, ông Hóa có văn bản báo cáo ông Vĩnh, nêu rằng việc CNC và VTC Online "phát hành game bài đổi thưởng là có dấu hiệu đánh bạc, tổ chức đánh bạc" và đề xuất điều tra, có kế hoạch bóc dỡ.
Tuy nhiên, trên thực tế, Tổng cục Cảnh sát và C50 "không xây dựng kế hoạch, không báo cáo Bộ Công an và không có hoạt động điều tra" với các cá nhân, tổ chức kinh doanh vận hành game online đổi thưởng, trong đó có game bài RikVip.
Trong quá trình điều tra, ông Hoá không thừa nhận đã nhận từ Dương 22 tỷ đồng. Ông chỉ khai Dương hỗ trợ 700 triệu đồng và một bộ phần mềm diệt virut trị giá 30.000 USD cho tập thể C50.
Theo cơ quan điều tra, ông Hoá có nhân thân tốt, là con liệt sĩ, quá trình công tác có nhiều thành tích, được tặng huân, huy chương, bằng khen, đã có ý thức tự nguyện nộp 700 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Cơ quan điều tra đề nghị xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi lượng hình.
An ninh điều tra
Nguyễn Văn Dương khai đưa mỗi tháng 2 tỷ đồng cho trung tướng Vĩnh
Theo cơ quan điều tra, bị can Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng công an, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) được Bộ Công an giao nhiệm vụ cao nhất trong đấu tranh phòng chống tội phạm của lực lượng cảnh sát nhưng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, làm trái công vụ. Ông Vĩnh bị cho rằng đã tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty CNC) và đồng phạm "tổ chức đánh bạc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng", làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của lực lượng công an.
Khi lãnh đạo Bộ Công an phát hiện Công ty CNC vận hành hai game bài đánh bạc trá hình, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, yêu cầu có báo cáo nhưng ông Vĩnh không chấp hành. Đến khi Bộ có văn bản lần thứ hai sau gần hai tháng, ông mới chỉ đạo Cục C50 xử lý, tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ. "Tuy nhiên báo cáo không đúng sự thật và không có chỉ đạo ngăn chặn hành vi tổ chức đánh bạc", kết luận điều tra chỉ rõ.
Cùng thời điểm này, ông Vĩnh tiếp tục chỉ đạo thuộc cấp ký văn bản đề nghị Bộ Thông tin truyền thông cấp giấy phép cho vận hành game đánh bạc của công ty CNC, tuy nhiên không được chấp nhận.
Cơ quan điều tra chỉ rõ, ông Vĩnh khai cho Công ty CNC tổ chức đánh bạc là để "tạo nguồn thu đầu tư xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm" - nhiệm vụ chiến lược của C50. Nhưng thực tế hơn hai năm hoạt động, công ty CNC tổ chức đánh bạc trên mạng thu lợi bất chính cả chục nghìn tỷ đồng song không có một khoản tiền nào từ hoạt động cờ bạc này được đầu tư cho hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng mà chỉ có khoản nhỏ so với tổng doanh thu.
Nguyễn Văn Dương khai trong giai đoạn vận hành giam RikVip đã chi cho ông Vĩnh 2 tỷ đồng một tháng suốt 12 tháng; giai đoạn vận hành game bài Tip.Club là 200.000 USD một tháng. Dịp Tết các năm 2013-2015 đã đưa ba lần với số tiền tổng cộng 150.000 USD. Nhiều lần sinh nhật ông Vĩnh, Dương đều mang rượu ngoại đến uống, có chai trị giá 100 triệu đồng. Dương mua áo biếu ông Vĩnh và nhiều lần chi tiếp khách với số tiền trên 10 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, ông Vĩnh được Dương biếu đồng hồ Rolex. Mặc dù ông Vĩnh khai đây là vật nhờ mua và đã trả 1,1 tỷ đồng, song công an đánh giá việc này là không có cơ sở. Bởi lương trung tướng của ông Vĩnh khoảng 20 triệu đồng một tháng, để mua món đồ hàng hiệu này, ông sẽ mất 5 năm thu nhập không chi tiêu.
Tại cơ quan điều tra, ông Vĩnh thừa nhận những hành vi vi phạm pháp luật trong việc chỉ đạo, tạo điều kiện cho Dương và đồng phạm thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc trực tuyến. Tuy nhiên cơ quan điều tra đánh giá, ông Vĩnh "vẫn chưa thực sự hợp tác, thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình, mà còn tìm cách che giấu, trốn tránh trách nhiệm hình sự".
Cơ quan điều tra cho rằng hành vi của ông Vĩnh đủ yếu tố cấu thành tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại khoản 3 điều 281 Bộ Luật hình sự 1999, nhưng áp dụng tình tiết có lợi cho bị can nên đề nghị chỉ xử lý theo khoản 2.
Ông Vĩnh có nhiều thành tích xuất sắc, được nhà nước tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều huân huy chương, bằng khen, là thương binh 2/4, phạm tội lần đầu có nhân thân tốt nên cơ quan đề nghị VKS, toà án xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi lượng hình với ông này.
Với 11 cán bộ thuộc ngành công an mà Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam khai có đưa tiền, cơ quan điều tra cho rằng không đủ yếu tố cấu thành tội phạm vì không có nhân chứng, người liên quan không thừa nhận.
Dù không xử lý hình sự song cơ quan điều tra có văn bản báo cáo Bộ Công an, đề nghị Công an Hà Nội xem xét xử lý hành chính về mặt Đảng, chính quyền theo quy định.
Ngày 18/7, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát cùng cấp để đề nghị truy tố 92 bị can tham gia đường dây đánh bạc trực tuyến có quy mô lớn nhất Việt Nam. Trong số này, ông Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, C50 Bộ Công an) bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 2 điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015
Cơ quan điều tra cho rằng đủ căn cứ xác định đường dây đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu đã tổ chức mạng lưới gồm 25 “đại lý cấp 1”, gần 5.900 "đại lý cấp 2” và gần 43 triệu tài khoản tham gia. Tổng số tiền thu từ đánh bạc trực tuyến được xác định trên 9.800 tỷ đồng với tiền hưởng lợi là 4.700 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra đã tạm giữ, kê biên số tài sản trị giá khoảng 1.300 tỷ đồng của các bị can và những người có liên quan.
Cựu tổng cục trưởng cảnh sát nhận đồng hồ tiền tỷ của doanh nghiệp
Nguyễn Văn Dương khai đã điều hành công ty bình phong cho C50 Bộ Công an, biếu hàng chục tỷ đồng cho Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh.
Tại kết luận điều tra được tống đạt ngày 18/7, Công an tỉnh Phú Thọ xác định giữa năm 2011, ông Phan Văn Vĩnh (Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Hóa (Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50, Bộ Công an) nghiên cứu lập tờ trình xin chủ trương thành lập công ty bình phong cho C50. Trong thời gian xin chủ trương, ông Vĩnh giới thiệu Nguyễn Văn Dương gặp ông Hóa để hợp tác việc này.
Cục trưởng C50 ngăn cấp dưới điều tra sai phạm của CNC
Ngày 30/9/2011, Dương thành lập Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC). Ngày 10/10/2011, Dương và ông Hóa ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh về việc CNC hưởng 80% lợi nhuận, C50 nhận 20%. Tuy nhiên, C50 không góp vốn cũng như không cử cán bộ tham gia vào công ty này mà để Dương tự quyết.
Ngày 3/5/2012, Dương gửi văn bản báo cáo với ông Vĩnh và Hóa về hiện trạng hoạt động cờ bạc trực tuyến tại Việt Nam, đề nghị lãnh đạo Tổng Cục Cảnh sát và C50 “tạo điều kiện hỗ trợ để CNC làm việc với đối tác trong việc xây dựng, tổ chức phát hành các trò chơi cờ bạc trên Internet, tạo nguồn thu để thực hiện nhiệm vụ được giao". Tháng 5/2015, ông Hóa chỉ đạo phòng tham mưu dự thảo quyết định thành lập công ty bình phong và được ông Vĩnh ký duyệt.
Đầu năm 2016, ông Hóa trao đổi với ông Vĩnh hình thành ý tưởng xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng và giao cho CNC thực hiện. Tuy nhiên để có điều kiện thực hiện, CNC cần tập trung xây dựng hệ thống mạng xã hội, cổng thanh toán trực tuyến để thu thập thông tin, nắm bắt tình hình tội phạm và có nguồn thu để lấy kinh phí xây dựng hệ thống phòng thủ.
Với tinh thần trên, Dương tiếp tục đề xuất để CNC triển khai kế hoạch xây dựng mô hình cổng các trò chơi trực tuyến, thí điểm cho phép người dùng chuyển đổi một phần tài khoản ảo sang thẻ ảo và ví điện tử của CNC. Sau đó ông Vĩnh có bút phê: “Kính chuyển đồng chí Cục trưởng và C50 nghiên cứu và đề xuất”.
Thời điểm này, Dương đã ký hợp đồng với Công ty VTC Online của Phan Sào Nam về việc kinh doanh chơi game trực tuyến. Theo kết luận điều tra, ông Vĩnh biết hai công ty này liên kết vận hành game bài Rik.Vip là hình thức đánh bạc trá hình, song không báo cáo lãnh đạo, không chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh để xử lý.
Trong khi đó, khi cấp dưới đề xuất giao cho phòng 2 xác minh CNC có dấu hiệu tổ chức đánh bạc dưới hình thức game bài Rik.Vip, ông Hóa đã không đồng ý. Ông cho rằng CNC không vi phạm pháp luật và sẽ báo cáo Tổng cục, Bộ để CNC được hoạt động thí điểm phục vụ công tác nghiệp vụ. Phòng 2 tiếp tục phát hiện CNC đổi từ Rik.Vip sang Tipclub, báo cáo ông Hóa song đều được “chỉ đạo” không được xác minh.
Theo cơ quan điều tra, CNC tổ chức đánh bạc trên mạng Internet thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng nhưng không có một khoản tiền nào từ hoạt động cờ bạc này được đầu tư cho hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng mà chỉ có một khoản rất nhỏ. Cụ thể, CNC chuyển cho C50 số tiền 700 triệu đồng và một bộ phần mềm diệt virut.
Chủ doanh nghiệp khai biếu triệu đô cho Tổng cục trưởng Phan Văn Vĩnh
Theo cơ quan chức năng, ông Vĩnh biết công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, nhưng không ngăn chặn, xử lý mà còn ký văn bản, đề nghị Bộ Thông tin truyền thông tạo điều kiện thuận lợi cho sai phạm trên. Ông chỉ đạo ông Hóa ký văn bản báo cáo đề xuất Bộ trưởng Công an cho CNC tiếp tục tổ chức đánh bạc và bút phê đồng ý vào văn bản hợp thức ngày 12/10/2011, để "che giấu việc góp vốn bằng lợi thế nghề nghiệp".
Cơ quan điều tra đánh giá hành vi này của ông Vĩnh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và ảnh hưởng đến uy tín ngành. Lãnh đạo Bộ Công an khi phát hiện CNC vận hành game đánh bạc trá hình, yêu cầu có báo cáo song ông Vĩnh không chấp hành.
Cũng theo cơ điều tra, ông Vĩnh đã được Dương biếu đồng hồ Rolex. Mặc dù ông Vĩnh khai đây là vật nhờ mua và đã trả 1,1 tỷ đồng, song công an đánh giá việc này là không có cơ sở. Bởi lương của ông Vĩnh khoảng 20 triệu đồng một tháng, để mua món đồ hàng hiệu này, ông sẽ mất 5 năm thu nhập không chi tiêu.
Theo kết luận điều tra, việc Dương khai biếu ông Vĩnh 27 tỷ đồng và 1,75 triệu USD, biếu ông Hóa 22 tỷ đồng là có cơ sở. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa đủ căn cứ chứng minh nên sẽ đề nghị điều tra xử lý tiếp ở giai đoạn 2.
Ngày 18/7, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát cùng cấp để đề nghị truy tố ông Vĩnh, ông Hóa và 90 bị can trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ xuyên quốc gia. Hiện, 12 người tiếp tục bị truy nã.
Cơ quan điều tra đã tạm giữ, kê biên số tài sản trị giá khoảng 1.300 tỷ đồng của các bị can và những người có liên quan.
Tổng số tiền thu từ đánh bạc trực tuyến được xác định trên 9.800 tỷ đồng với tiền hưởng lợi là 4.700 tỷ đồng.
Ông Phan Văn Vĩnh từng nổi tiếng với những chiến công gì
Ông Phan Văn Vĩnh được biết đến là người chỉ huy nhiều chuyên án lớn như truy bắt Lê Văn Luyện, điều tra vụ án bầu Kiên, thảm án Bình Phước…
Ông Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát – Tổng cục II, Bộ Công an) vừa bị khởi tố ngày 6/4 về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (điều 281 Bộ luật Hình sự 1999) với cáo buộc đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn giúp bị can Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng C50) và bị can Nguyễn Văn Dương tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài RikVip.
Ông Phan Văn Vĩnh khi nói về vụ án Lê Văn Luyện. Ảnh: Công an nhân dân
Trong vụ án có gần 90 người bị khởi tố (tính đến ngày 6/4), ông Vĩnh hiện là bị can có chức vụ cao nhất, tiếp theo là cựu cục trưởng Nguyễn Thanh Hóa.
Trước khi chuyển công tác về Tổng cục Cảnh sát, ông Vĩnh từng là Giám đốc Công an tỉnh Nam Định, được ghi nhận là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chỉ đạo phá nhiều băng nhóm tội phạm trong giai đoạn 1980-1990.
Thời gian làm lãnh đạo ở Tổng cục Cảnh sát, ông Vĩnh được biết đến khi chỉ đạo điều tra nhiều vụ thảm án và các vụ án kinh tế lớn.
Vụ án Lê Văn Luyện giết người, cướp tài sản xảy ra tại tiệm vàng Ngọc Bích (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) vào ngày 24/8/2011. Nhận tin vợ chồng chủ tiệm vàng cùng con 18 tháng tuổi bị sát hại, chỉ nạn nhân 9 tuổi duy nhất sống sót nhưng sức khoẻ nguy kịch, ông Vĩnh lập tức cùng thuộc cấp tới hiện trường.
Sau khi xác định danh tính kẻ gây án, cũng là lúc ban chuyên án biết Lê Văn Luyện đã bỏ trốn, ông Vĩnh chỉ đạo huy động hàng nghìn cán bộ cảnh sát nhiều tỉnh lân cận Bắc Giang cùng tham gia vây bắt. Bốn ngày sau, Luyện bị bắt. Ông là người đầu tiên hỏi cung.
Gần một năm sau ngày xảy ra vụ án, ông Vĩnh nói đây là vụ án "nặng nợ nhất" với mình bởi sự "dã man, tàn bạo" của kẻ gây án. “Phải bắt bằng được Lê Văn Luyện là khí thế hừng hực trong bốn ngày đêm ấy ”, ông Vĩnh chia sẻ.
Video: Ông Phan Văn Vĩnh nói về vụ án Lê Văn Luyện
Lê Văn Luyện trong trại giam. Ảnh: Cảnh sát toàn cầu.
Năm 2010, trong đại án kinh tế liên quan ông Nguyễn Đức Kiên (tức Bầu Kiên) cùng đồng phạm, trước nghi ngại về "vùng cấm" khi điều tra, ông Vĩnh thông báo: “Với tư cách Trưởng ban chuyên án, tôi khẳng định không chịu bất kỳ sức ép nào”.
Người đứng đầu lực lượng phòng chống tội phạm khi đó còn cho biết sẽ xử lý nghiêm trên "tinh thần mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội".
Đánh giá về vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo gây thiệt hại đến 4.600 tỷ đồng, ông Vĩnh nhận định: “Đây là những con số rất đau xót trong điều kiện kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn”. Trong lĩnh vực phòng chống tội phạm chống buôn lậu, ông Vĩnh gây ấn tượng với phát ngôn: “Xin hãy làm trong sạch nội bộ của lực lượng phòng chống buôn lậu trước khi chống buôn lậu. Cần chấn chỉnh nội bộ trước, nếu phát hiện phải xử lý triệt để, phải làm rõ nguyên nhân cụ thể, nếu không sẽ không thể làm tốt”.
Hung thủ gây thảm án tại Bình Phước - Nguyễn Hải Dương.
Năm 2015, ông Vĩnh tiếp tục là Trưởng ban chuyên án điều tra vụ thảm án gia đình sáu người ở Bình Phước. Trao đổi với báo giới, ông cho biết Bộ Công an huy động hàng nghìn điều tra viên cả nước tham gia, triệu tập người đứng đầu 10 tỉnh trực tiếp đến hiện trường.
"Vụ án đối với chúng tôi là một áp lực. Tôi lo nghĩ trăn trở nhiều lắm", ông trải lòng lúc đó.
Những lãnh đạo cao cấp của Tổng cục Cảnh sát như trung tướng Triệu Văn Đạt (Phó tổng cục trưởng), thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến (Cục trưởng Cảnh sát hình sự), thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng cùng ông đã trực tiếp xem xét cụ thể dấu vết hiện trường. Các vị tướng làm việc liên tục, ở liền trong cơ quan không về nhà trong nhiều ngày với quyết tâm "làm sao lưới trời được căng ra ở tất cả các nơi, sớm điều tra ra thủ phạm".
Tuy nhiên, sau khi bắt được hung thủ gây án, là người đứng đầu lực lượng cảnh sát, tướng Vĩnh nói rằng: "Đây không phải là chiến công".
Ngoài ra, cuối năm 2016, khi việc truy nã ông Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC) gặp khó khăn, ông Vĩnh khẳng định Công an Việt Nam có trách nhiệm bằng mọi cách truy bằng bằng được "dù Trịnh Xuân Thanh trốn ở đâu".
Khám xét nhà... vị Tướng
Năm 1997-2010: Ông Vĩnh làm Phó giám đốc, Giám đốc Công an tỉnh Nam Định.
Tháng 9/2010-4/2011: Ông là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.
Năm 2007-2011: Ông là đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định.
Tháng 4/2011-4/2017: Ông là Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát
Từ tháng 4/2017: Ông nghỉ hưu.
Theo: VNEx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn