Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

Hành trình tìm mẹ đẻ của cô gái Pháp gốc Việt




22 năm sau ngày bị bỏ rơi tại bệnh viện, cô gái gốc Việt Marion Potriquet quay trở lại quê hương tìm mẹ đẻ, cội rễ của mình.
Hành trình tìm mẹ đẻ của cô gái Pháp gốc Việt


Ngày 10/4/1996, tại bệnh viện phụ sản TP. HCM nay là bệnh viện Từ Dũ, một phụ nữ trẻ tên Niêm Nhục Kiếu trở dạ và sinh một bé gái nặng 2,46 kg. Chỉ vài giờ sau đó, sản phụ 25 tuổi rời bệnh viện và bỏ lại đứa con còn đỏ hỏn mà không để lại bất cứ thứ gì dù chỉ một mẩu giấy nhắn. Ê-kíp bác sĩ lúc đó đứng đầu là trưởng khoa Lê Diễm Hương nhanh chóng làm thủ tục chuyển cô bé tên Niêm Thục Nữ sang Trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em Gò Vấp dưới diện trẻ bị bỏ rơi.

Cùng thời điểm, một phụ nữ Pháp 44 tuổi, tên là Brigitte Potriquet, vượt hơn 10.000 km đến Việt Nam với ước muốn xin con nuôi. "Vợ chồng tôi lấy nhau khi cả hai đều khá lớn tuổi. Chúng tôi thống nhất rằng nếu khó sinh con, chúng tôi sẽ nhận con nuôi", bà Potriquet giải thích với VnExpress.

Ở tại một khách sạn lớn trong trung tâm thành phố, bà Potriquet thấp thỏm chờ đợi đứa con gái thứ hai đến với gia đình. "Chúng tôi đến Việt Nam từ tháng ba nhưng lúc đó không có trẻ sơ sinh nào ở cô nhi viện Gò Vấp. Khi nhận được tin con gái ra đời, cả nhà đã vô cùng hạnh phúc", người mẹ Pháp năm nay đã 68 tuổi kể lại.

"Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên bế con trên tay, cảm giác thật tuyệt vời. Con bé nhỏ xíu và gầy gò, mắt luôn khép. Tôi rất lo vì con không tăng cân. Nhưng rồi ngày qua ngày, sức khỏe con khá lên trông thấy".

Tháng 6/1996, bé Niêm Thục Nữ được gọi bằng cái tên mới Marion Potriquet, cùng cha mẹ và chị gái 5 tuổi, lên máy bay về Pháp. Một cuộc sống đủ đầy và hạnh phúc đón đợi cô bé ở phía trước.

Clip: Năm 1996 ngày xưa
Gia đình Potriquet đón bé Niêm Thục Nữ tại trung tâm bảo trợ trẻ em Gò Vấp ngày 27/5/1996. Nguồn: NVCC.

Hạnh phúc mỉm cười

"Tôi lớn lên trong sự yêu thương vô điều kiện của cha mẹ và chị gái", Marion Potriquet, nay là một phụ nữ trẻ trưởng thành đam mê du lịch và yêu thích ngành công nghiệp thời trang, tâm sự với phóng viên.

Miêu tả chị gái Anne-Lise Potriquet, hơn cô 5 tuổi, Marion kể bằng sự ngưỡng mộ. Chị gái cao, tóc vàng, da trắng và mắt xanh, hoàn khác khác với "dáng người nhỏ bé, tóc đen, da nâu và mắt một mí" của Marion. Ngay từ giây phút đầu tiên nhìn thấy Marion cách đây hơn 20 năm, chị gái đã ôm ấp cô vào lòng với "sự che chở và quan tâm của một người chị cả", Marion vừa nói vừa khoe những bức ảnh lưu giữ kỷ niệm hạnh phúc giữa hai chị em. Trong đó nổi bật là tấm ảnh Marion, nằm gọn trong tay chị, ngước mắt lên, ngơ ngác nhìn.

Từ khi còn rất nhỏ, Marion đã biết mình là con nuôi của bố Jean-François Potriquet và mẹ Brigitte Potriquet. Bố mẹ luôn nói chuyện nghiêm túc, chân thành và không giấu giếm cô bất cứ điều gì. Họ lưu trữ một chiếc hộp chứa tất cả giấy tờ liên quan đến việc nhận con nuôi, mọi bức ảnh và băng video ghi lại những hình ảnh từ khi Marion còn ẵm ngửa ở trại trẻ mồ côi Gò Vấp. "Nhờ chiếc hộp, tôi luôn nhớ về nơi mình sinh ra", Marion chia sẻ.


Marion Potriquet và chị gái Anne-Lise Potriquet chụp từ năm 1996 đến năm 2015. Ảnh: NVCC.

Lớn lên trong gia đình có cha làm chuyên viên kế toán và mẹ là y tá, Marion luôn được bao bọc trong sự đủ đầy. Tuổi trơ trôi qua êm đềm với những kỷ niệm đẹp gom góp trong các chuyến nghỉ hè cùng cả nhà tới Italy, Hy Lạp, Croatia, Malta và đương nhiên không thể thiếu Việt Nam. Chỉ hai năm sau khi nhận nuôi Marion, cha mẹ cô đưa con gái quay trở lại quê hương. Đến năm 2003, khi Marion lên 7 tuổi, cả nhà bao gồm ông bà ngoại cùng đến Việt Nam. Và lần thứ ba vào năm 2009, khi Marion bước sang tuổi niên thiếu, cô trở về quê nhà với các câu hỏi về nguồn gốc bản thân, về cha mẹ ruột bắt đầu nhen nhóm trong tâm trí.

Câu chuyện nhận con nuôi là chủ đề quen thuộc của gia đình, đặc biệt trong các dịp sum họp như Lễ Giáng sinh hay ngày sinh nhật. "Mỗi khi nhắc đến mẹ ruột, tôi luôn cảm thấy nghẹn cứng ở cổ, đôi khi không ngăn được nước mắt rơi lã chã", Marion thổ lộ cô muốn biết mẹ trông thế nào, cô có nét gì giống mẹ, cuộc sống của mẹ hiện ra sao và cũng muốn hỏi bà tại sao bà bỏ rơi cô khi vừa lọt lòng.

"Còn cha tôi nữa? Ông là ai? Liệu tôi có được tạo ra trong tình yêu?" Marion nói quá khứ luôn ám ảnh cô dù cuộc sống hiện tại đủ đầy và hạnh phúc.

Hành trình tìm về nguồn cội

Một tối mùa đông cuối tháng một, Marion lái xe từ thành phố Lille, miền bắc nước Pháp về nhà thăm cha mẹ. Ngoài trời mưa nhẹ và lạnh giá. Trong lòng cô ngổn ngang lo lắng. Chỉ một tháng nữa thôi, cô sẽ lên đường sang Việt Nam nửa năm để học tập và quan trọng là tìm lại mẹ Niêm Nhục Kiếu. "Tôi không quen biết ai ở Việt Nam. Tôi cũng không biết việc tìm kiếm mẹ nên bắt đầu từ đâu. Tôi cảm thấy vô vọng".

Ngồi trong căn bếp ấm cúng dưới ánh đèn vàng, cô chăm chú ngắm nhìn mẹ Brigitte luôn tay chuẩn bị bữa tối. Bà vừa làm vừa nhắc Marion kiểm tra từng loại giấy tờ có thể giúp cô lần ra manh mối về mẹ ruột. "Dũng cảm lên! Trong thâm tâm, con biết nếu không làm việc này, con sẽ hối tiếc cả đời", bà Brigitte nói.

Tháng 2, Marion đến Hà Nội theo học ngành marketing trong một chương trình cao học trao đổi về đào tạo quản lý giữa Đại học Kinh tế Quốc dân và Bộ Ngoại giao Pháp. "Ban đầu tôi cảm thấy trơ trọi vì không quen biết ai ở đây. Nhưng chỉ sau một thời gian, tôi đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người".


Potriquet chụp cùng cha mẹ và chị gái tại căn nhà ở thị trấn Anzin Saint Aubin, miền bắc nước Pháp. Ảnh: NVCC.

Marion đã thăm thú nhiều nơi trên "quê hương yêu dấu Việt Nam" như Vịnh Hạ Long, Cát Bà, Mai Châu và Hà Giang, ngắm nhìn "phong cảnh tuyệt đẹp, thưởng thức những món ăn ngon và gặp gỡ những con người nồng hậu và tử tế". Tháng 8 này, cô sẽ cùng cha mẹ nuôi thực hiện một chuyến đi xuyên Việt từ Bắc vào Nam. "Mỗi lần ra phố, nhìn thấy tôi, mọi người đều bắt chuyện bằng tiếng Việt mà tôi chẳng hiểu gì cả. Cảm giác cười ra nước mắt. Tôi đã cố học một vài khóa tiếng Việt nhưng khó quá".

Marion kể về hai người bạn cũng là người Việt và đều được nhận nuôi như cô. Một trong hai người đã may mắn tìm được mẹ ruột vài năm trước. Chính điều này càng làm cô thêm tự tin và lạc quan về chuyến trở về lần này. "Cậu ấy đã tìm thấy mẹ đẻ và hai người em gái. Bà mẹ cho đến nay vẫn không thể lý giải được việc bỏ rơi con mình", Marion ngập ngừng.

"Tôi chắc chắn dù kết quả ra sao tôi sẽ không bao giờ hối hận về hành trình này. Hành trình giúp tôi kết nối với quê hương", Marion hào hứng nói.

Bước chân về trại trẻ mồ côi – bước đi lớn nhất trong đời

Lần theo những bức ảnh và các cuộn băng video mà cha mẹ lưu lại, cuối tháng ba vừa qua, Marion quay trở lại trung tâm bảo trợ trẻ em Gò Vấp. Khung cảnh không thay đổi nhiều. Nhà thờ nằm bên hông trung tâm, đang xây dựng dang dở vào năm 1996, nay vẫn còn đó. "Sau bao nhiêu năm tháng, bước chân về đó là bước đi lớn nhất trong cuộc đời tôi", Marion thủ thỉ. Ngắm nhìn những đứa trẻ bị bỏ rơi tại trung tâm, cô bật khóc như thấy hình ảnh của mình 22 năm trước.

Cách đây 10 năm, khi ý thức về bản ngã của mình, Marion bắt đầu ấp ủ kế hoạch tìm mẹ. Nhưng phải đợi đến tận bây giờ khi tròn 22 tuổi, Marion mới đủ bản lĩnh, sự tự tin và dũng cảm để thực sự bước những bước đầu tiên trên hành trình.




Năm 2008, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 1,5 triệu trẻ em mồ côi ở Việt Nam. Trong khi việc nhận con nuôi trong xã hội Việt Nam chưa phổ biến, nhu cầu nhận con nuôi của người nước ngoài, đặc biệt từ các nước phát triển, khá cao. Chính vì vậy, các cặp vợ chồng nước ngoài thường có xu hướng đến các quốc gia như Việt Nam để tìm kiếm con nuôi. Theo số liệu của Cục Con nuôi thuộc Bộ Tư Pháp, người nước ngoài đã nhận nuôi 2.861 trẻ em Việt Nam trong 7 năm qua. Năm 2011 chỉ có 66 trẻ được nhận làm con nuôi, con số này tăng lên 539 vào năm ngoái.










Theo Bộ Tư pháp, điều 11 Luật nuôi con nuôi quy định con nuôi có quyền được biết về nguồn gốc của mình. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho con nuôi là người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, đất nước. Tuy nhiên, trong quyết định phê duyệt đề án hỗ trợ trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài tìm về cội nguồn ban hành năm 2015, Bộ này cũng đánh giá nếu không được chuẩn bị kỹ càng về mặt tâm lý, những người con nuôi có thể sẽ đối mặt với "những tác động tiêu cực khi gặp gỡ gia đình, người thân của mình". Bộ Tư pháp cũng lên kế hoạch số hóa hồ sơ nhận con nuôi để giúp việc tra cứu nguồn gốc của con nuôi dễ dàng hơn.

Đầu tháng 8, Marion Potriquet sẽ quay trở lại trung tâm bảo trợ trẻ em Gò Vấp với hy vọng các cán bộ tại đây có thể cung cấp cho thông tin mới nhất về mẹ ruột.

"Sự phát triển của mạng xã hội sẽ giúp tôi tìm thấy mẹ dễ dàng hơn. Việc của tôi hiện giờ là phải mạnh mẽ! Tôi không có ước mơ nào lớn hơn ước mơ gặp lại mẹ", Marion Potriquet nghẹn ngào. "Tôi cảm ơn bà đã sinh ra tôi và cho tôi cơ hội được sống một cuộc đời tuyệt vời".











Nếu độc giả có thông tin về mẹ ruột của Marion Potriquet, xin liên lạc với cô qua trang cá nhân https://www.facebook.com/marion.potriquet

Bạn đã ghé nơi nầy chưa?
Cây cầu có bàn tay "Khổng lồ" ở Đà Nẵng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. Những người bạn của Sky+ - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template