Ông chủ Playboy Hugh Hefner: Tay chơi bảo vệ tự do ngôn luận Mỹ
Người sáng lập tạp chí “người lớn” Playboy – Hugh Hefner – qua đời ở tuổi 91 khuya ngày 27/9/2017 giờ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, sự nghiệp lớn nhất cuộc đời ông không gắn liền với hình ảnh đầy “cởi mở” của những cô người mẫu “thỏ con” (bunnies) – như nhiều người thường biết đến, mà là một người luôn đi đầu trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận hơn 60 năm qua tại Hoa Kỳ – Hugh Hefner – đã vĩnh viễn ra đi.
Người ta biết nhiều về Hugh Hefner – tên thân mật là Hef – từ câu chuyện về con đường khởi nghiệp đáng nể. Với $8,000 đô la vay mượn bằng cách thế chấp đồ đạc trong nhà và huy động vốn từ gia đình, bạn bè, Hef đã bắt đầu sự nghiệp vào cuối năm 1952.
Bìa tạp chí đầu tiên của Playboy năm 1953 với cô đào Marilyn Monroe đã được thiết kế ngay trên chiếc bàn bếp tại căn hộ của ông ở Chicago. Ấn bản này thậm chí còn không có ngày tháng chính xác, vì ê-kíp của Hefner vốn không tiên liệu được họ có thể xuất bản tờ thứ hai hay không. Thế nhưng, Hefner đã thành công với thử nghiệm đầy táo bạo này, khởi đầu sự nghiệp lẫy lừng cho tờ Playboy.
Tuy nhiên, ít ai biết về những giá trị mà Hugh Hefner đã đặt ra cho doanh nghiệp của mình, cũng như cho cả sự nghiệp đấu tranh vì quyền tự do ngôn luận ở Mỹ từ đó cho đến nay.
Marilyn Monroe trên bìa ấn phẩm đầu tiên của tạp chí Playboy. Ảnh: Playboy Enterprises, Inc.
Một kẻ có thể tử vì đạo vì niềm tin vào Tu chính án thứ Nhất và quyền tự do ngôn luận
Con gái của ông – bà Christie Hefner – người điều hành sản nghiệp của Playboy từ thập niên 1990 đến nay, cho biết:
“Ngay từ những ngày đầu thành lập tờ tạp chí (Playboy), Hef đã có một niềm tin mãnh liệt rằng, các quyền tự do cá nhân chính là nền tảng cho tờ báo và triết lý biên tập của ông.
Vì cho rằng không có quyền (công dân) nào căn bản hơn các quyền được bảo vệ bởi Tu chính án thứ Nhất (của Hiến pháp Mỹ), nên ông luôn tâm niệm rất rõ ràng là cuộc đấu tranh để bảo vệ và củng cố những quyền ấy vốn không có điểm dừng.”
Thế nên, Hef không chỉ là một doanh nhân thành công, một người chỉ biết đắm chìm bên các phụ nữ trẻ đẹp nóng bỏng. Cả cuộc đời, ông còn dành một phần lớn cho việc đấu tranh cổ xúy cho những quyền tự do và dân sự, đẩy mạnh thực thi quyền con người trong xã hội.
Một trong 18 giá trị Playboy (Playboy’s 18 Philosophy) được Hugh Hefner tâm niệm trong mọi việc là:
Playboy Founder Hugh Hefner Discusses His Life, His Family Successor, & Playboy's Future
Headliners & Legends Hugh Hefner
“Tiến bộ xã hội đi kèm với một nhu cầu cấp thiết, đó là phải hoán đổi những tư tưởng lỗi thời bằng những điều mới mẻ và tốt đẹp hơn. Và muốn như thế, chúng ta phải có thứ văn hóa biết chấp nhận mở ra mọi phương pháp đối thoại, để tất cả các tư tưởng mới mẻ – không cần biết là chúng có vẻ sai lầm, không chừng mực hay kỳ dị đến đâu đi nữa – đều có cơ hội được tham khảo, được thử thách, và đến tận cùng là được xã hội chấp nhận hoặc chối bỏ một cách toàn bộ hay một phần.
Chính lợi thế quan trọng này của một xã hội tự do đã khiến cho chế độ độc tài trở nên lép vế, vì chỉ khi được tự do trao đổi tư tưởng thì những ý kiến tốt nhất mới giành được chiến thắng cuối cùng”. -Hugh Hefner-
Playboy Clubs của Hugh Hefner những năm 1960 tại Chicago là câu lạc bộ duy nhất bỏ mặc các quy định về phân chia chủng tộc (segregation) tại Mỹ. Ảnh: Playboy Enterprises, Inc.
Với triết lý đó, Hugh Hefner là một người đi đầu trong nhiều cuộc cách mạng xã hội ở Mỹ.
Năm 1955, Hefner cho xuất bản trên Playboy một truyện ngắn của nhà văn Charles Beaumont. Đó là một câu chuyện tưởng tượng về những người đàn ông dị tính bị truy sát trong một thế giới mà người đồng giới là số đông.
Đáp trả lại cơn lũ của cơn giận dữ đến từ độc giả khi đó, Hefner đã viết: “Nếu mọi người cảm thấy truy sát người dị tính trong một xã hội đồng giới là một điều sai trái, thì cùng hành vi ấy khi hoán đổi trật tự vị trí của hai giới, cũng là một việc sai không kém”.
Thế nên, Hefner đã là một người cổ xúy cho quyền được kết hôn của người đồng giới từ những ngày đầu. Ông gọi cuộc đấu tranh của người đồng giới là “một cuộc chiến cho tất cả các quyền của chúng ta”.
Ông cũng là người chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Những năm của thập niên 1960 là thời kỳ mà mọi địa điểm công cộng đều bị phân chia bởi chủng tộc (segregation) tại đây. Thế nhưng, các câu lạc bộ Playboy (Playboy Clubs) ở Chicago của Hefner đã mời các nghệ sĩ diễn hài độc thoại người Mỹ gốc Phi châu đến trình diễn.
Về mặt ủng hộ tự do ngôn luận, Hefner luôn ủng hộ các cây viết với những ý tưởng mới lạ – như Beaumont – nhưng lại bị các nhà xuất bản và các tạp chí truyền thống từ chối. Vì thế, nhiều bài viết của các nhà văn nổi tiếng Hoa Kỳ như Joseph Heller, Margaret Atwood, và Norman Mailer, chỉ được đăng trên Playboy chứ chẳng có thể ở đâu khác.
Tạp chí Playboy còn có nhiều bài phỏng vấn được đánh giá cao, với những người nổi tiếng đương thời hoặc các nhân vật gây tranh cãi trong suốt 60 năm qua. Nổi bật nhất có thể kể đến là danh tài nhạc jazz Miles Davis năm 1962, hai nhà văn Vladimir Nabokov (Lolita) và Ayn Rand (The Fountainhead) năm 1964, mục sư nhân quyền Martin Luther King, Jr. năm 1965, cha đẻ của Apple – Steve Jobs năm 1985, John Lennon và Yoko Ono năm 1981.
Nhưng không chỉ thế, quan điểm biên tập của ông cũng luôn bắt cùng một nhịp thở với những thay đổi khác trong xã hội. Tờ Playboy từng là nơi vận động cho các quyền phá thai của phụ nữ và quyền được sử dụng chất gây nghiện một cách tự do hơn (liberal drugs right).
Một trong những bài phỏng vấn nổi tiếng nhất của tạp chí Playboy là với mục sư nhân quyền Martin Luther King, Jr. năm 1965. Ảnh: mục sư King tại nhà giam Alabama. © Bettmann/CORBIS
Dùng lợi nhuận để tài trợ những dự án bảo vệ quyền Tự do ngôn luận
Năm 1964, Hugh Hefner thành lập Quỹ Hugh Hefner với sứ mệnh bảo vệ Tu chính án thứ Nhất và quyền tự do ngôn luận ở Mỹ. Mục tiêu của quỹ là ủng hộ những tổ chức bảo vệ và cổ xúy các quyền dân sự và quyền tự do của người dân, đặc biệt là các dự án có liên quan đến Tu chính án thứ Nhất.
Những tổ chức từng được nhận tài trợ từ Quỹ Hugh Hefner bao gồm, tổ chức làm việc về quyền tự do học thuật – Foundation for Individual Rights in Education (FIRE), các tổ chức Student Press Law Center, People for the American Way, và ACLU (American Civil Liberties Union) chi nhánh Nam California.
Ngoài ra còn có Viện Nghiên cứu về giới tính và các quyền sinh sản – Kinsey Institute for Research in Sex, Gender, and Reproduction tại Đại học bang Indiana University – và tổ chức giải cứu trẻ em là nạn nhân của mại dâm, Children of the Night.
Năm 2006, Hefner đã quyên tặng một triệu đô la cho Ban lưu trữ phim ảnh và truyền hình của Đại học California UCLA để công chúng có thể xem những buổi chiếu miễn phí của các bộ phim do người Mỹ dàn dựng. Ông cũng thành lập chương trình Hugh M. Hefner Classic American Film Program tại đây. Năm 2007, ông tặng hai triệu đô la cho Khoa Nghệ thuật Phim ảnh của Đại học USC.
Được biết đến nhiều hơn cả có lẽ là giải thưởng Tu chính án thứ Nhất (Hugh Hefner Foundation First Amendment Award) mà Quỹ của Hefner trao tặng hằng năm cho những cá nhân nổi bật trong việc cổ xúy và bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở Mỹ.
Tuy rằng hiện nay, quỹ này được con gái của ông, bà Christie Hefner, điều hành, thế nhưng, bà Christie Hefner vẫn thừa nhận rằng, nó hoạt động dựa trên những nguyên tắc của 18 điều triết lý mà Hef đã đặt ra trên dưới 60 năm trước.
Năm 2017, Quỹ đã trao giải Thành tựu trọn đời cho Giáo sư Luật Đại học New York (NYU) Burt Neuborne, một người có kinh nghiệm 45 năm đấu tranh bảo vệ các quyền tự do ở Mỹ. Nhưng bên cạnh đó, lịch sử của giải thưởng này cũng từng gặp nhiều chỉ trích, khi trao giải cho những người gây nhiều tranh cãi hơn, ví dụ như nhà sản xuất phim Michael Moore.
Hugh Hefner và ba cô bạn gái ở cùng nhà năm 2015. Ảnh: European Pressphoto Agency
Cuộc đời của Hugh Hefner cũng tương tự thế, cũng đầy tranh cãi.
Đối với một số người, ông tượng trưng cho những xu hướng trái đạo đức và thuần phong mỹ tục. Lại có những thời điểm, như vào thập niên 1970, người ta đã xem ông là một kẻ đối đầu với nữ quyền, vì nội dung hình ảnh của tờ báo Playboy và cả vì lối sống riêng tư của ông.
Nhưng ngược lại, cũng có rất nhiều nhà hoạt động xã hội – như bà Camille Paglia – lại gọi ông là một trong những người “kiến trúc sư trưởng của các cuộc cách mạng xã hội”.
Thế nhưng, có một điều về Hugh Hefner mà không ai chối cãi được: ông là một trong những công dân Hoa Kỳ đã dám đi đến tận cùng các giới hạn của bản thân và xã hội để bảo vệ Hiến pháp Mỹ, bằng việc thúc đẩy, bảo vệ, cũng như cổ xúy cho quyền tự do ngôn luận.
Như chính lời của ông đã tự nói về mình, Hugh Hefner là một kẻ dám mơ những giấc mơ phi thường, và những giấc mơ ấy đã trở thành một hiện thực mà chính ông không bao giờ có thể tưởng tượng nổi.
“Và vì thế, tôi là một gã may mắn nhất hành tinh này” – Hugh Hefner.
Tài liệu tham khảo:
• The Hugh M Hefner Foundation First Amendment Awards
• Inside Philanthropy: Hugh Hefner
• Hugh Hefner Foundation
• BBC Obituary: Hugh Hefner
• NPR: ‘Playboy’ Founder Hugh Hefner, Champion Of Free Speech And ‘Smut’, Dies At 91
• New York Times: Hugh Hefner, Who Built Playboy Empire and Embodied It, Dies at 91
• 10 of the Most Fascinating ‘Playboy’ Interviews
Hugh Hefner
Hugh Marston Hefner (9 tháng 4 năm 1926 – 27 tháng 9 năm 2017) là một tỷ phú người Mỹ, hoạt động trong lĩnh vực xuất bản báo chí, người sáng lập và là giám đốc sáng tạo của tạp chí Playboy.
Thời trẻ
Hefner sinh tại Chicago, tiểu bang Illinois. Ông là con đầu (trong số hai con trai) của một cặp vợ chồng giáo viên, ông bà Glenn Lucius (1896–1976) và Grace Caroline Hefner (họ thời con gái: Swanson, 1895–1997). Mẹ ông gốc Thụy Điển còn bố ông có tổ tiên người Anh và Đức. Ông là hậu duệ trực hệ của thống đốc thuộc địa Plymouth William Bradford.
Hefner theo học trường tiểu học Sayre và trung học Steinmetz, sau đó làm việc cho một tờ báo của quân đội Mỹ từ năm 1944 đến 1946. Sau đó, ông tốt nghiệp Đại học Illinois với bằng cử nhân tâm lý học. Sau khi tốt nghiệp, ông học một học kỳ của chương trình sau đại học về xã hội học và phụ nữ-giới tính học tại Đại học Northwestern, nhưng đã bỏ ngay sau đó.
Sự nghiệp
Tháng 1 năm 1952, đang làm copywriter cho tờ Esquire, ông quyết định bỏ việc sau khi đề nghị tăng thù lao lên 5 đô-la của ông bị từ chối. Năm 1953, ông thế chấp hết tài sản của bản thân, vay ngân hàng một khoản là 600 hoặc 800 đô la và gom được thêm 8000 đô la từ 45 nhà đầu tư, trong đó có cả mẹ ông, để ra tạp chí Playboy, ban đầu định đặt tên là Stag Party. Số đầu tiên của tạp chí không đánh số, xuất bản vào tháng 12 năm 1953, đăng những bức ảnh khoả thân của Marilyn Monroe trong bộ lịch chụp từ năm 1949. Hơn 50.000 bản đã được bán hết, số tiền thu lại đủ để ông trả chi phí giấy, in ấn và đầu tư làm tiếp những số sau. Tới cuối những năm 1950, tạp chí đã được tiêu thụ hơn một triệu bản/tháng.
Đến thập niên 1960, ông tổ chức một chương trình truyền hình mang tên Playboy's Penthouse. Ông cũng mở câu lạc bộ Playboy đầu tiên ở Chicago vào tháng 2 năm 1960. Cho đến năm 1971, tạp chí đã bán được 7 triệu bản/tháng, đã có 23 câu lạc bộ Playboy, nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn, sòng bạc với hơn 900 nghìn thành viên trên khắp thế giới. Cũng trong thời gian này, công ty Playboy Enterprise ra mắt công chúng với những mảng hoạt động khác nhau như xuất bản, bán lẻ, cho thuê xe limousine, thu âm và sản xuất phim.
Năm 1980, Hefner được vinh danh trên Đại lộ Danh vọng Hollywood với một ngôi sao ghi tên ông.
Ông trùm Playboy: Thần tượng của tất thảy đàn ông trên thế giới?
“Hãy thử chỉ cho tôi một gã trai ở bất cứ độ tuổi nào ở bất cứ đâu trên thế giới mà không sẵn sàng xin chết để được trở thành Hugh Hefner”, nghệ sĩ rock Gene Simmons từng nói.
Trailer "American Playboy" - phim truyền hình về cuộc đời Hugh Hefner Series truyền hình Mỹ "American Playboy" (2017) với tham vọng tái hiện cuộc đời kỳ thú của ông trùm tạp chí Playboy.
Câu nói trên được đưa vào bộ phim tài liệu Hugh Hefner: Playboy, Activist, and Rebel (Hugh Hefner: Tay chơi, nhà hoạt động xã hội và kẻ nổi loạn), có lẽ đã khái quát chính xác nhất cuộc đời của ông trùm Playboy.
Mà không chỉ là Hugh Hefnet thời trẻ, Simmons - linh hồn của ban nhạc rock Kiss - còn khẳng định mọi đàn ông trên thế giới muốn được là Hugh Hefner khi ông 20, 50 hay 80 tuổi. Không quan trọng, chỉ cần được là ông thôi.
23 tuổi vỡ tim vì một người đàn bà, phần đời còn lại vui thú với cả nghìn đàn bà
Nhà phê bình điện ảnh Roger Ebert từng viết, cũng năm 2010: "Ông ta (Hefner) đã trải qua số lượng cơn cực khoái với số lượng phụ nữ nhiều hơn bất cứ người đàn ông nào từng sống trên Trái Đất".
Năm 2013, Hefner nói với tạp chí Esquire rằng ông đã ngủ với "hơn 1.000 phụ nữ, tôi không thể nhớ chính xác được". Ông tự nhận nếu đang có vợ thì sẽ chung thủy (ông chỉ lấy 3 vợ), còn khi ông đang độc thân thì không có một giới hạn nào.
Nhưng Hefner cũng tự nhận mình là một người lãng mạn. Tại sao ông chọn cuộc đời này?
Cuộc đời Hugh Hefner, qua một bức ảnh.
Năm 2010, ông trùm Playboy tiếp John Heilpern, cây bút của Vanity Fair, tại nhà riêng. Bên bàn ăn tối mang phong cách quý tộc, trong cuộc trò chuyện mang tính bè bạn giữa những người đàn ông, Hefner đã thú nhận về ký ức hủy diệt nhất cuộc đời ông.
"Đó là người phụ nữ đầu tiên mà tôi kết hôn", ông nói về Mildred William, mối tình từ thời sinh viên ở Đại học Northwestern. "Tôi vẫn còn ngây thơ. Thế rồi cô ta thú nhận trước đám cưới rằng cô ta đã dan díu với người khác khi tôi còn ở trong quân ngũ, đó là giây phút đau khổ nhất đời tôi".
"Nó phá hủy cuộc hôn nhân của tôi từ lúc bắt đầu (năm 1949, khi ông mới 23 tuổi). Nhưng nó cũng cho phép tôi sống phần đời còn lại như tôi đã sống", ông giải thích.
Và Hefner bước ra khỏi cuộc hôn nhân vào năm 1959, làm đúng điều ông mong muốn: sống cuộc đời như một thế giới thần tiên với tất thảy đàn ông trên thế giới, vượt ra ngoài mọi tưởng tượng và giới hạn của con người.
"Thế lực văn minh hùng mạnh nhất trên thế giới không phải là tôn giáo, đó là tình dục" là tuyên ngôn của Playboy, được chứng minh bằng cuộc đời của nhà sáng lập. Nếu có ai đủ tư cách nhất để bàn về tình dục trên hành tinh này thì đó phải là Hefner.
"Tôi nhìn thấy một sự điên loạn trong thái độ nghiêm khắc của chúng ta về tình dục", ông nói với Vanity Fair . "Và có một số đông người thuộc thế hệ sau cũng có suy nghĩ như tôi. Là một tín hữu Giám lý điển hình, thời bé tôi luôn cảm thấy thiếu thốn tình yêu và cảm xúc trong ngôi nhà của mình. Khi lớn lên, đó là ngọn lửa dẫn đường cho cuộc đời tôi. Nhu cầu được yêu".
Đàn ông nào thì đọc Playboy?
“What kind of man reads Playboy?” (Loại đàn ông nào thì đọc Playboy?) là câu khẩu hiệu tiếp thị nổi tiếng của tờ tạp chí. Câu trả lời là: Tất thảy.
Trên số đầu tiên của Playboy vào tháng 12/1953, đăng ảnh khỏa thân của một nàng Marilyn Monroe chưa nổi tiếng, Hefner còn không đề ngày ra báo. Vì ông không chắc tạp chí sẽ ra được số thứ hai. Nói gì đến việc vẫn tồn tại và hùng mạnh suốt 64 năm sau đó. Nhưng số đầu tiên đã bạn được 54.000 bản.
Và trong thư ngỏ khởi đầu cho tờ tạp chí lừng danh, Hefner viết về gu của đàn ông: "Chúng tôi thích pha chế cocktail và làm một món khai vị, hoặc hai, bật một đĩa hát sâu lắng, mời vài cô bạn gái qua chơi và chuyện trò thủ thỉ về Picasso, Nietzsche, nhạc Jazz, và tình dục".
Rất tao nhã, kể cả hai chữ cuối cùng.
khi Playboy đang vào thời hùng mạnh.
Playboy không đơn thuần là tạp chí khiêu dâm như người ta vẫn nói. Những người đàn ông đọc Playboy vẫn tự hào rằng trong tờ tạp chí với trang bìa luôn là một cô nàng nóng bỏng này, có cả thế giới. Là chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa, thể thao, văn chương.
Đây là nơi các tiểu thuyết của Ray Bradbury, John Updike, Ian Fleming, Gabriel Garcia Marquez, Margaret Atwood, Jack Kerouac và Haruki Murakami từng được đăng tải dài kỳ.
Đặc biệt, mục phỏng vấn của Playboy mang tên "Playboy Interview" là nơi hội tụ những tên tuổi lớn nhất của các thời đại. Bắt đầu từ năm 1962, với bài phỏng vấn huyền thoại nhạc Jazz Miles Davis của cây bút lâu năm Alex Haley, mục phỏng vấn này đã đưa độc giả đến gần hơn với những nhân vật quan trọng của nền văn hóa và lịch sử như Malcolm X (1963), Martin Luther King (1965) và thậm chí George Lincoln Rockwell (1966) - nhà sáng lập của Đảng Phát xít Mỹ.
Theo Vanity Fair, chính tầm nhìn đi trước thời đại của nhà sáng lập đại tài này đã đưa phong cách sống mà Playboy quảng bá trở thành một khát vọng của công chúng, đặc biệt là công chúng nam giới. Và Hefner đã sống cả cuộc đời mình như một biểu tượng cho phong cách đó.
Hefner năm 1956, đang ngồi chọn ảnh cho một số của tạp chí Playboy.
Không giống như thời hiện đại, thường có sự tách biệt giữa các gương mặt thương hiệu và những bộ óc đằng sau thương hiệu đó, Hugh Hefner với Playboy là một. Ông là gương măt đại diện cho thương hiệu Playboy, đồng thời là khối óc, trái tim, bàn tay, và cả một số bộ phận khác nữa.
Vào năm 1975, tờ tạp chí lên đến đỉnh cao về phát hành khi đạt 5,6 triệu bản mỗi số. Đến tận hôm nay, khi báo và tạp chí in suy yếu, Playboy vẫn phát hành ở 20 quốc gia và có doanh thu 1 tỷ USD mỗi năm.
Hefner đã sáng lập ra cái gọi là "Triết học Playboy" và biến chính mình thành hiện thân của nó. Không chỉ đơn giản là khiêu dâm, đây là thứ triết học về giải phóng tự do cá nhân, đấu tranh vì các quyền lợi xã hội của con người như quyền công dân, quyền tự do giới tính và tự do tình dục.
Nhưng triết học đôi khi cũng là mớ rối rắm, và Hefner, như những con người bình thường khác, tồn tại mâu thuẫn bên trong mình. Ông đấu tranh cho bình đẳng giới, từng tự nhận mình là một nhà nữ quyền, nhưng cả tờ tạp chí lẫn ông đều từng bị "kết tội" sử dụng thân thể phụ nữ như công cụ, ngay từ việc "lột trần" họ để chụp ảnh.
Về lời kết tội này, chính Hefner cũng từng thừa nhận với Vanity Fair năm 2010: "Ờ thì, họ là công cụ mà".
Bách khoa thư sống về đàn bà: Marilyn Monroe và Pamela Anderson, ai hơn?
"Họ là công cụ mà", câu nói này có thể khiến các nhà nữ quyền phát điên. Nhưng trong 91 năm trên đời, Hefner đã sống với hai bộ mặt song song: một bên là nhà hoạt động xã hội vì quyền con người, nhà cách mạng và một bên là kẻ "xài" phụ nữ như phá, kẻ coi phụ nữ như đồ chơi hay... nội thất tô điểm cho ngôi biệt thự nguy nga Playboy Mansion của mình.
Chương trình truyền hình The Girls Next Door, hay còn gọi là The Girls of the Playboy Mansion, được coi như một chương trình nhằm tuyển chọn phụ nữ cho "hậu cung" đông đúc của ông trùm Playboy.
Những cô gái được Hefner cưng chiều nhất được ưu ái làm show riêng về cuộc sống của họ, như show Kendra và Kendra on Top (của Kendra Baskett), Bridget's Sexiest Beaches (của Bridget Marquardt) và Holly's World (củaHolly Madison).
Cả ba cô gái đều từng là bạn gái của Hefner. Và độ tuổi của họ thay đổi theo thời gian: Kendra năm nay 32, Holly 37, Bridget 43. Họ từng được Hefner sủng ái, nhưng rồi bị thay thế bởi cặp song sinh trẻ trung Karissa và Kristina Shannon (năm đó 20 tuổi, nay thì 27).
Nhưng cặp song sinh cũng bị đá sớm, thế chỗ là Crystal Harris (năm nay 31), cô bạn gái ghê gớm từng hủy hôn với Hefner rồi kết hôn vào năm 2012, đổi họ thành bà Hefner. Crystal kém chồng 60 tuổi.
Nếu ai đó muốn tìm ví dụ cho sự bất bình đẳng giới đến lố lăng, thì hẳn là đây: qua 64 năm, ông trùm Playboy từ người đàn ông cường tráng trở thành ông lão nhàu nhĩ, nhưng những người phụ nữ vây quanh ông vẫn trẻ như 64 năm trước. Nói chính xác, họ được đào thải và thay thế, để giữ nguyên một bầu không khí thanh xuân xung quanh Hefner.
Và tóc họ bắt buộc phải vàng hoe, màu sắc mà ông trùm Playboy bị ám ảnh suốt cuộc đời. Suốt từ thập niên 1950, sang thập niên 2010, cả khi bên giường hấp hối.
đẹp tóc vàng vĩnh cửu và bức ảnh trứ danh trên Playboy số đầu tiên năm 1953.
Biểu tượng vàng hoe của nền văn hóa Mỹ là Marilyn Monroe tất nhiên không thể tuột khỏi tâm trí Hefner. Chỉ tiếc rằng ông không có mối quan hệ thực sự với nàng.
"Tôi mê mệt các người đẹp tóc vàng và Marilyn là người đẹp tóc vàng vĩnh cửu", ông nói với CBS năm 2012. Ông ước gì từng có thể hẹn hò hoặc yêu Marilyn, nhưng bức ảnh lên bìa Playboy năm 1953 không do tờ tạp chí trực tiếp thực hiện, mà đã được Marilyn chụp trước đó cho một bộ lịch. Trước khi họ kịp gặp nhau để có vài kỷ niệm thực tế thì Marilyn đã qua đời.
Và 64 năm đã qua từ khi tạp chí Playboy số đầu tiên xuất bản với một Marilyn Monroe táo báo trên tấm nệm nhung đỏ. Biết bao người đẹp tóc vàng đã đến và đi. Họ thay đổi thế nào qua từng thời đại? Hỏi Hefner thì biết.
"Các cô gái trẻ ngày càng cao hơn và khỏe mạnh hơn. Họ chăm sóc bản thân tốt hơn. Playboy ngay từ thuở ban đầu đã hướng đến hình tượng cô gái nhà bên, và tiêu chí về vẻ đẹp tự nhiên không hề thay đổi" - ông nói.
"Vậy đống silicon đó thì tự nhiên ở chỗ nào?", Heilpern của Vanity Fairhỏi.
"Ồ, đống silicon thì rõ ràng là không tự nhiên lắm. Nhưng sự khác biệt thực sự giữa Marilyn Monroe và Pamela Anderson không đến nỗi lớn", Hefner đáp.
"Một người dễ tổn thương hơn", Heilpern nói.
"Và cũng tài năng hơn", Hefner tiếp lời.
Tất nhiên họ nói về Marilyn. Còn Pamela Anderson là người đẹp tóc vàng điển hình của thế hệ sau, thân hình căng tràn silicon. Cả hai được coi là những ngôi sao lớn nhất từng được Hefner giới thiệu với thế giới, thông qua Playboy.
Khác với Marilyn, Pamela có đầy ắp kỷ niệm với Hefner, trong đó có bữa tiệc sinh nhật khét tiếng năm 2008, khi Pamela nude bê chiếc bánh sinh nhật ra trước mặt Hefner và đặt một nụ hôn lên má ông.
Marilyn đi vào cõi vĩnh hằng cách đây 55 năm. Về phần mình, Hugh Hefner đã đặt một hầm mộ nằm sát Monroe tại Công viên Tưởng niệm Westwood Village. Cuối cùng họ cũng về bên nhau.
Theo: Internet …
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn