Phạm Đăng Khương_Người nhạc sĩ tài hoa
CON ĐƯUỜNG ĐẾN TRƯỜNG HAY QUÁ, MÌNH CHỈNH SỬA LẠI "CHÚT XÍU" THÂN TẶNG CÁC BẠN: PHÙNG BÍCH, BÙI TẤN HÙNG, NGUYỄN MƯỜI, DƯƠNG ĐĂNG CẢ - Sky+
Thân tặng Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương và ca sĩ NGUYÊN NHUNG với nhạc quá hay, giọng ca “hơn cả tuyệt vời”
Facebook Phạm Đăng Khương
Video: Nguyên Nhung_GIỌT SẦU THU
Xem toàn màn hình
Video: Nguyên Nhung_Chia tay chiều mưa
Xem toàn màn hình
Phạm Đăng Khương- Con đường đến trường
Click: Xem màn hình lớn
Chiều một mình qua phố- CS NguyenNhung
Click: Xem màn hình lớn
Musician tại Home Studio D&S
Từng học tại Nhạc Viện TPHCM
Sống tại Gilbert, Arizona
Facebook Phạm Đăng Khương
Tiểu sử Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương “nguyên" là Phó giám đốc Nhà Văn hoá Thanh niên, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Âm nhạc TP.HCM.
Với nhiều ca khúc nổi tiếng, Khương vẫn được nhắc đến như một nhạc sĩ của phong trào. Thế nhưng ít ai biết anh còn là một trong những nhạc sĩ đầu tiên ở TP.HCM ứng dụng tin học vào các hoạt động sáng tác, thu âm, đặc biệt là sử dụng phần mềm chép nhạc Encore.
Nhạc sỹ Phạm Đăng Khương sinh ra và lớn lên từ Nghĩa Hành, một người con xa xứ nhưng luôn trăn trở với nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đã ghi dấu biết bao kỷ niệm tuổi thơ của mình.
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương
– Trước đây có người biết anh hoặc chưa, nhưng đến bây giờ trong lòng mỗi người dân ở quê hương ai cũng đều biết đến tên anh mỗi khi họ chỉ nghe hát vài câu ở đâu đó : “Theo con đường rộng thênh thang , nay ta về với Chợ Chùa ….”. Đó là nhạc phẩm Tình quê Nghĩa Hành, một giai điệu nhẹ nhàng, lại vừa tha thiết, vui tươi, và đây cũng là món quà anh dâng tặng cho quê hương Nghĩa Hành với sự đổi mới nhân dịp anh về thăm quê. (1994)
– Sinh ngày : 13/05/1957
– Quê quán : Thị trấn Chợ Chùa – Huyện Nghĩa Hành – tỉnh Quảng Ngãi
– Tốt nghiệp Đại Học Sư phạm TP.HCM năm 1980
– Tốt nghiệp khoa lý luận – sáng tác Nhạc viện TP. HCM năm 1988
– Phó Giám đốc Nhà Văn hoá Thanh niên thành phố Hồ Chí Minh
– Uỷ viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Kiểm tra Hội Âm nhạc TP HCM
– Uỷ viên Đoàn Chủ Tịch Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam
+ Phạm Đăng Khương quê ở Thị trấn Chợ Chùa, huyên Nghìa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, là một huyện trung du, đời sống còn nhiều khó khăn. Thời đó, những ngày còn chiến tranh, Phạm Đăng Khương không nghĩ mình sẽ theo được âm nhạc. Nhưng niềm đam mê âm nhạc bắt đầu từ những ngày đó, nghe bản năng và viết nhạc bản năng.
Những ngày đầu tập tễnh bước vào con đường âm nhạc, anh theo học tập đàn Guitar của anh Nguyễn Hồ Kỳ (1972) .Vốn say mê âm nhạc, trong khi đó gia đình lại không ủng hộ vì sợ rằng anh xao lãng việc học tập. Thời đó, Phạm Đăng Khương viết chữ rất đẹp, nên cứ mỗi dịp cuối năm, cuối tháng, ở trường thường tặng thưởng bản Danh dự (như bằng khen bây giờ ) cho học sinh giỏi, thì anh lại được nhà trường giao cho công việc này. Cũng chính vì thế, từ những ngày ấy, anh đã chép hàng trăm ca khúc với đầy đủ nốt nhạc và lời ca vào trong cuốn tập và vẫn còn lưu giữ đến hôm nay.
Năm 1974, khi đang học lớp 11B5 Trần Quốc Tuấn , anh bất ngờ nghe được những bài hát của các bạn trong trường sáng tác, anh cứ suy nghĩ mãi, không biết làm cách nào để viết nên một bài hát … và thế là hai ca khúc ra đời từ đó : Ngàn đời không quên và hãy cùng đi ! Thế nhưng, anh cũng không dám khoe với ai và cũng không biết nhờ ai góp ý sửa chữa …
– Bước ngoặc con đường sáng tác của anh bắt đầu ngay từ ngày 25.3.1975. Đó là ngày giải phóng quê hương Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Phong trào sáng tác tự biên nở rộ, anh tham gia Đội Văn nghệ huyên Nghĩa Hành. Từ đây, anh là một nhạc công chơi Guitar, hàng ngày hàng đêm đi biểu diễn phục vụ bà con ở các xã trong huyện. Thời gian này đã có những tác phẩm ra đời như :
Quê hương tôi hôm nay, Nghĩa hành quê ta đó, Vui ngày Quốc khánh … và đã vang lên trên sân khấu huyên nhà mỗi đêm diễn.
Thế rồi, anh lại phải rời xa Đội Văn nghệ Nghĩa Hành, vì không có ngân sách nên Đội Văn nghệ phải giải tán, anh trở lại lớp 12 trường Nguyễn Công Phương, Nghĩa Hành. Bài hát Học sinh Nguyễn Công Phương cùng hát lại ra đời và cũng là bài hát duy nhất viết về trường này trong mấy chục năm qua.
Tốt nghiệp phổ thông, anh tiếp tục thi vào Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh với ước mơ chỉ biết Sài Gòn một lần rồi về quê … làm gì cũng được, bởi vì ngày ấy đến được Sài Gòn là ước mơ xa vời của mọi người…
Thế nhưng, số phận lại mỉm cười với anh, anh đã thi đỗ vào trường với số điểm rất cao, nên được chọn làm Lớp trưởng. Ngày ấy mới giải phóng, nên những người bộ đội chuyển ngành đi học rất đông, nhưng nhiệm vụ lớp trưởng của anh cũng nặng nề là vì thế…
Vì bản tính say mê âm nhạc, nên thấy chỗ nào có Câu lạc bộ sáng tác là anh tìm đến, và lúc ấy anh cũng đã được kết nạp vào Câu lạc bộ Sáng tác Âm nhạc quần chúng thuộc Bộ Văn hoá Thông Tin thời bấy giờ. Nơi đây như cá gặp nước, anh được gặp những nhạc sĩ đàn anh sinh hoạt trong Câu Lạc bộ như Nguyễn Ngọc Quang, Nguyễn Ngọc Thiện, Từ Huy, Nguyễn Văn Hiên, Lương Bằng Vinh …
Từ đây, anh đã có điều kiện trao đổi, học hỏi và tham gia giới thiệu tác phẩm của mình nhiều những cũng vì vậy, nhiều lúc anh lại quên lãng chuyện học tập thi cử của mình …vì say mê sáng tác! Vì thế, trong bài hát con đường đến trường được viết sau khi ra trường , đã có những câu …Nhớ mỗi mùa thi qua, là một lần ghi dấu trong cuộc đời…
Trong bốn năm ở Khoa Toán Đại học Sư phạm, những ca khúc của anh đã vượt ra khỏi biên giới nhà trường và đã được giới thiệu rộng rãi cả nước như:
Ngày anh lên đường (đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội và giới thiệu trên Đài tiếng nói Việt Nam). Bài ca Cô giáo trẻ (Báo Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, 1979), Vầng trăng cổ tích (thơ Đỗ Trung Quân, giới thiệu trên sóng Đài Tiếng nói nhân dân TP.Hồ Chí Minh), và còn biết bao bài khác nữa…
Sau khi ra trường, anh tự nhận rằng nếu mình đi dạy Toán thì không giúp ích được gì cho học sinh, bởi vì bốn năm ở Đại học Sư phạm Toán chỉ lo viết nhạc …! Cũng vì có những tác phẩm quen thuộc và đóng góp cho phong trào như thế nên Nhà Nghệ thuật Quần chúng thuộc Sở Văn Hoá Thông Tin TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận anh vào làm việc. Nơi đây, anh được gặp các nhạc sĩ đàn anh trong Ban chủ nhiệm như : Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh …giúp đỡ. Ngay trong ngày thành lập Hội Âm nhạc TP.Hồ Chí Minh, anh đã được kết nạp vào hội với tư cách Hội viên sáng lập.
Từ đây , anh đã có dịp được các nhạc sĩ đàn anh góp ý về tác phẩm như : Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu, Phạm Minh Tuấn…
Trong thời gian đó, những ca khúc khúc như : Con đường đến trường, Như con gió vô tình, Khung trời mơ ước…đã ra đời. Mặc dù nhiều tác phẩm của anh đã được phổ biến rộng rãi nhiều như thế, nhưng Phạm Đăng Khương chưa phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp, bởi vì anh chưa có mãnh bằng nào về âm nhạc, dù là sơ cấp !!!
Bước ngoặc âm nhạc trong cuộc đời anh lại đến …
Xét trong quá trình công tác và có nhiều tác phẩm có giá trị, Sở Văn Hoá Thông Tin TP Hồ Chi Minh đã xét công nhận anh có trình độ tương đương trung cấp âm nhạc và giới thiệu anh thi vào Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh.
Đầu năm 1983, anh gặp nhạc sĩ Thế Bảo, người đồng hương Quảng Ngãi, lúc đó là Phó Chủ nhiệm Khoa Lý luận –Sáng tác – Chỉ huy Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh.
Được sự giúp đỡ tận tình và huấn luyện trong thời gian một tháng , anh đã nộp đơn thi vào bậc Đại học Âm nhạc của Nhạc viện, và anh đã vượt qua mười một người để vào học tại đây, dưới sự hướng dẫn trực tiếp Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.
Ảnh do nhạc sĩ Phạm Đăng Khương cung cấp
Nhắc đến Phạm Đăng Khương là nhắc đến những bài ca trẻ trung sôi nổi hay mảng sáng tác về sông Trà, về quê hương Quảng Ngãi của anh. Nhiều thế hệ học sinh vẫn chép vào lưu bút bài hát Con đường đến trường của anh như một lời chia tay đẹp. Trên trang web âm nhạc trực tuyến lớn nhất Việt Nam nhacso.net có hẳn một thư mục riêng dành cho những sáng tác và giới thiệu chân dung nhạc sỹ Phạm Đăng Khương.
Theo một biên tập viên của một trang web, Phạm Đăng Khương là nhạc sỹ của giới trẻ với những ca khúc dễ thương nhưng vẫn thể hiện cá tính riêng. Website này giới thiệu: “Các nhạc phẩm của Phạm Đăng Khương thường được chọn biểu diễn trong các chương trình lễ hội lớn với các bài hát phong trào như “Thành phố 300 năm” (bài hát chính thức trong lễ hội kỷ niệm 300 năm Thành phố Hồ Chí Minh), “Lời chào thế kỷ” (lễ hội chuyển giao thế kỷ tại TP.HCM năm 2000), “Thanh niên vì ngày mai” (bài hát chính thức của Đại hội Thành đoàn TNCS TP.HCM 1996-2000)… Và nhiều ca khúc đã được giải thưởng như “Ngọn nến”, “Nhớ nụ hôn cao nguyên”, “Mãi mãi tuổi 20” là 3 bài hát được giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam. “Chỉ có một con đường” – Giải A cuộc vận động sáng tác do báo Tuổi Trẻ tổ chức. “Từ trái tim đến trái tim” – Giải A cuộc thi các ca khúc về đám cưới do báo Tuổi Trẻ tổ chức…
Nhưng ít ai biết, đã có thời gian dài Phạm Đăng Khương được gọi cái tên là “nhạc sỹ kẻ” và đó là công việc kiếm sống của anh trong nhiều năm. Phạm Đăng Khương viết chữ đẹp và là một trong số ít những người làm công việc kỹ thuật đó. Anh có thể kẻ được từng khuông nhạc và nhấn được từng nốt nhạc vào đúng từng ca từ.
Những năm trước đây , khi máy tính chưa ra đời , để có thể in ra bài hát , không cách gì khác hơn là phải tự tay của con người chép nén những nốt nhạc và lời ca , sau đó nhà in mới chụp phim và in thành sách, báo… và anh lại là một người cần mẫn làm công việc ấy , chép hàng ngàn trang nhạc nhạc cho các Nhà sản xuất trong cả nước.
Hầu hết những ca khúc, những tập nhạc đã được anh chép lại, trong đó có hàng trăm ca khúc của Trịnh Công Sơn, Đó là phần đáng yêu nhất mà công việc này mang lại cho Phạm Đăng Khương.
Đang giữ chức vụ là Phó Giám đốc Nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM, nhưng Phạm Đăng Khương không chỉ quan tâm đến công việc của một nhà văn hoá. Anh vẫn đang miệt mài với các dự án của mình. Nhà văn hoá Thanh niên, do anh chịu trách nhiệm, vừa mở đợt vận động các nhạc sỹ sáng tác ca khúc về các danh nhân Việt Nam. Phạm Đăng Khương tâm sự, đây là công việc tự nguyện. Nhà văn hoá Thanh niên không phải đơn vị kinh doanh nên chắc chắn không có nhiều kinh phí. Nhưng đợt vận động vẫn nhận được sự hưởng ứng từ các nhạc sỹ trong thành phố. Anh cho rằng, đó là cái tâm của những người làm văn nghệ tại thành phố này.
Phạm Đăng Khương hiện đang tự mình mày mò một dự án mà anh tâm đắc trong nhiều năm. Không quá đáng nếu nói rằng, Phạm Đăng Khương là người lưu giữ nhiều tư liệu hình ảnh nhất về các nhạc sỹ thành danh trong thế kỷ 20. Và anh đang bắt tay vào dựng loạt ca khúc của các nhạc sỹ nổi tiếng như Nguyễn Văn Tý, Trần Quang Quy, Phan Nhân, Hoàng Hiệp, Tô Vũ, Vũ Đức Sao Biển, Phạm Thế Mỹ, Phan Huỳnh Điểu… Anh dự định sẽ ghi hình 40 nhạc sỹ này hát hoặc lồng ghép những tư liệu quý mà anh ghi được trong nhiều chuyến đi thực tế cùng các nhạc sỹ.
Dự án này sẽ là loạt album DVD do Phạm Đăng Khương phỏng vấn, ghi hình, thu âm và dựng. “Có thể nó không chuyên nghiệp như của các hãng đĩa. Nhưng đó là tấm lòng tôi với các nhạc sỹ này. Tôi cố gắng thực hiện càng sớm càng tốt vì các nhạc sỹ đều đã tuổi cao, nếu không khẩn trương có thể với một số người sẽ không còn kịp nữa” – Phạm Đăng Khương tâm sự.
Ảnh do nhạc sĩ Phạm Đăng Khương cung cấp
Phạm Đăng Khương làm mọi việc trong căn nhà nhỏ của mình. Trong căn nhà ấy, gia tài lớn nhất không phải là sáng tác của chủ nhân mà là các sản phẩm âm nhạc của các nhạc sỹ Việt Nam. Anh làm việc đó vì lòng yêu mến. Những công việc không ra tiền. Nhưng nó lại mang đến cho anh những niềm vui nho nhỏ bên cạnh niềm vui lớn của người sáng tác.
Thưa các bạn, các tác phẩm, album của Phạm Đăng Khương, không thể liệt kê hết, bởi anh cống hiến rất nhiều trên lãnh vực âm nhạc, anh cũng dành nhiều bài sáng tác tặng cho Nghĩa Hành -Quảng Ngãi như bài:
Về đây Quảng Ngãi: do Ánh Tuyết trình bày
Bài Khát vọng Dung Quất, Trình bày: Hong Mo
Bài hát được học sinh, sinh viên yêu thích nhất: Con đường đến trường
Trình bày: Anh Tuấn –Lương Hoà (F5)
Một món quà Phạm Đăng Khương đã dâng tặng cho quê hương mà chúng ta không thể nào quên anh
Bài hát “Tình quê Nghĩa Hành”: Trình bày: Hạnh Nguyên
Phạm Đăng Khương người con Nghĩa Hành đã rời xa quê hương trên ba mươi năm, cho dú có đi nơi đâu, anh vẫn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đầy kỷ niệm thuở còn học sinh, đầy kỷ niệm thương yêu bà con, bạn bè, đó là điều mà chúng ta phải trân trọng anh. Đối với chúng ta không thể học tập trọn vẹn nơi anh như: sự chịu khó, cần cù, tự lập, và nhất là năng khiếu bẩm sinh, nhưng dù sao anh cũng cho chúng ta tấm gương về lãnh vực âm nhạc kể cả cho thế hệ trẻ Nghĩa Hành mai sau noi theo. Tôi vô cùng tự hào cho quê hương đã sinh ra người con thành đạt.
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người
Phan Tú
Bài viết sử dụng nguồn tài liệu do nhạc sĩ Phạm Đăng Khương cung cấp
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương và nỗi ám ảnh trong cuộc đời
Ước mơ trở thành một anh giáo làng ngày ngày gõ đầu trẻ, nhưng duyên phận lại đưa đẩy anh đến với con đường âm nhạc.
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương bắt đầu sáng tác từ năm lớp 11 khi còn học ở vùng quê nghèo thuộc huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quãng Ngãi. Anh bồi hồi nhớ lại, ngày đó, anh thường say sưa nghe các ca khúc được phát trên radio và các loa truyền thanh. Để rồi vừa hứng thú mê mẩn nhịp chân theo từng giai điệu, anh vừa tự hỏi trong lòng tại sao người ta có thể viết được những bài hát hay như thế. Và cũng là tự hỏi vậy thôi, chứ một thanh niên ở vùng quê nghèo như anh thì làm gì có điều kiện tiếp xúc với âm nhạc. Nhưng dường như âm nhạc đã chọn anh. Chính sự đam mê lời ca tiếng hát cháy bỏng trong tâm hồn đã thôi thúc anh tìm đến một người trong làng để xin học đàn ghi ta. Anh tiếp thu rất nhanh. Một thời gian ngắn chịu khó rèn luyện, anh đã có thể đàn và ký âm sáng tác. Không ngờ một trong những bài hát sáng tác đầu tay của anh lại được phổ biến khắp huyện. "Đó là một cảm giác hạnh phúc vô bờ bến", anh xúc động chia sẻ.
Sinh trưởng trong một gia đình nghèo của một vùng quê nghèo, trong đầu cậu bé Phạm Đăng Khương luôn khao khát ước mơ đổi đời. Anh luôn phấn đầu để trở thành một thầy giáo như những người thầy mà anh ngưỡng mộ trong suốt quá trình đi học. Chính vì thế mà sau khi tốt nghiệp phổ thông, Phạm Đăng Khương đã thi vào khoa Toán của trường đại học Sư phạm TP.HCM. Ngày anh thi đậu và khăn gói vào Sài Gòn trọ học, cả gia đình nước mắt tiễn đưa. Nhìn bố mẹ rưng rưng niềm hạnh phúc mà lòng anh không khỏi tự nhủ phải thật cố gắng để có thể trả hiếu cho bố mẹ.
Nhưng rồi mọi chuyện không như anh sắp đặt trong đầu. Do sẵn có năng khiếu và niềm ham mê thích âm nhạc, chàng sinh viên trẻ Phạm Đăng Khương đã tham gia vào hầu hết các chương trình ca hát của giới sinh viên, thanh niên. Rồi anh gia nhập CLB Sáng tác trẻ của Thành đoàn tại Nhà văn hóa thanh niên TP.HCM. Những ngày đầu ấy, anh như gặp được mảnh đất màu mỡ để gieo hạt mầm âm nhạc lớn dần trong anh. Rồi sau ngày giải phóng, khắp nơi rầm rộ phong trào "tự biên, tự diễn", nhất là ở Sài Gòn, anh như cá từ con kênh nhỏ vượt được ra sông lớn, tha hồ vùng vẫy. Anh sáng tác nhiều hơn và liên tục tham gia vào các hoạt động ca hát của giới văn nghệ sinh viên thời bấy giờ.
Dẫu cho thời phổ thông, anh luôn là học sinh giỏi xuất sắc nhất trường, đặc biệt là môn toán, nhưng khi lên đại học, mỗi mùa thi luôn là một nỗi ám ảnh với anh. Còn nhớ, trong lớp có chừng 52 người, thì chỉ có độ trên dưới 20 người đủ điểm 5 để vượt qua các kỳ thi học kỳ. Các bạn học bình thường mà còn "chết lên chết xuống" thì thử hỏi một người có máu văn nghệ, suốt ngày rong ruổi ca hát như anh thì làm sao mà không sợ?
Thành ra, cứ mỗi mùa thi đến là mỗi lần chàng nhạc sĩ trẻ, cũng đang còn là chàng sinh viên lại phải thức trắng đêm ôn bài thi. Nhiều khi tưởng như không thể nào vượt qua nổi, nhưng cứ mỗi lần định buông xuôi là hình ảnh bố mẹ và các em ở quê nhà đất Quảng lại hiện lên trong tâm trí anh, làm động lực để anh cố gắng. Anh nói nửa đùa nửa thật: "Lê lết bốn năm mới ra được trường mà cứ tưởng như bốn thế kỷ dài đằng đẳng vừa trôi qua, phải mong mỏi, trông chờ từng ngày".
Tuy vậy, cho đến bây giờ nhạc sĩ Phạm Đăng Khương vẫn không thấy hối tiếc điều gì mình đã làm. Không hào hứng theo đuổi con đường sư phạm Toán, ra trường không đi dạy mà trở thành một nhạc sĩ gắn bó với thanh niên, đó đã là niềm mãn nguyện của anh. Cũng bởi thế mà anh đã viết trong bài hát Con đường đến trường một câu mà ít ai biết được, hiểu được ý nghĩa thật sự của nó: "Nhớ mỗi mùa thi qua là một lần ghi dấu trong cuộc đời". Anh đã khiến cho nỗi ám ảnh ngoài đời thực trở nên thi vị trong âm nhạc.
Chép hàng chục ngàn bản nhạc bằng máy tính
Có thể nói, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương bây giờ đã trở thành một người đa năng. Anh vừa có thể sáng tác nhạc, vừa là đạo diễn rồi kiêm luôn công việc quay phim, thu âm, biên tập, dàn dựng.
Ngay cả đến viết lời bình anh cũng làm luôn cho trọn vẹn một video clip. Có được sự đa năng ấy, anh đã trải qua cả một quá trình lâu dài phấn đấu và học hỏi không ngừng.
Anh nhớ lại cái thời mà kỹ thuật in ấn vi tính chưa phát triển (những năm 80 của thế kỷ trước), để in một bản nhạc, nhạc sĩ và nhà xuất bản phải mướn người chép lại cho đẹp. Phạm Đăng Khương biết nhạc, lại khéo tay nên được nhiều nơi nhờ viết. Và anh đã từng chép hàng ngàn trang nhạc cho các nhà xuất bản và các tạp chí để họ in ấn, phát hành. Đặc biệt, trong đó có hàng trăm ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Vào cuối năm 1991, Sài Gòn bắt đầu truyền nhau phần mềm Laser music processor (LMP) giúp người ta chép nhạc trên máy, nhanh hơn, tiện hơn. Sợ các nhạc sĩ, nhà xuất bản không nhờ mình nữa nên anh tìm đến những người có máy để học. Trải qua nhiều khó khăn, nhưng nhờ lòng nhiệt huyết và sự kiên trì mà anh đã thành công.
Hơn mười năm qua, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương đã chép hàng chục ngàn bản nhạc bằng máy tính. Không quá khoa trương khi có thể khẳng định rằng, hầu hết những tập nhạc đẹp, được in tại miền Nam trong những năm 80, 90 đều qua tay anh. Anh tự nhận mình là người dùng phần mềm chép nhạc trên máy tính nhiều nhất và hưởng lợi nhiều nhất. Nhiều khi anh gặp may mắn trong chuyện tiếp cận với công nghệ thông tin. Và anh khẳng định, máy tính sẽ cùng anh đồng hành trên con đường sáng tác, trong hoạt động nghệ thuật.
Với bản tính luôn luôn có những câu hỏi làm sao để hoàn thiện hơn những tác phẩm âm nhạc, Phạm Đăng Khương dần dần tự học luôn cả quay phim, dựng phim. Đi đâu, anh cũng luôn mang theo máy quay, sẵn sàng quay lại những hình ảnh ưng ý, những khung hình đẹp mắt để sau này có thể dùng cho các video clip bài hát. Cho đến nay anh đã có hàng chục ngàn thước phim về cảnh quan khắp dọc miền đất nước và cả các quốc gia khác mà anh có dịp đi du lịch, đi công tác hay đi làm video clip như Mỹ, Úc, Pháp, Italia…
Những năm sau này, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương còn viết nhạc truyền thống cho các công ty, doanh nghiệp. Anh chia sẻ: "Viết nhạc cho sản phẩm không như viết nhạc thông thường vì nó rất ngắn, chỉ có mấy chục giây. Mà cái gì càng ngắn thì lại càng khó. Chỉ trong vỏn vẹn có mấy chục giây mà nó vừa phải chuyển tải được nội dung của sản phẩm theo đúng như yêu cầu của doanh nghiệp, vừa phải dễ nhớ, dễ nghe để người tiêu dùng yêu thích". Tôi nghe anh phân tích mà không khỏi buộc miệng khen anh đa tài quá. Và anh cũng liền cười mà nửa đùa nửa thật rằng: "Tôi đố ông tìm được ở đâu trên xứ mình, có nhạc sĩ đa năng liên hoàn như tôi đấy".
Xuân Tiến
Nguồn: Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn