Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Trần Tiến "ngủ lang" nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn




Trần Tiến ngày xưa
Trần Tiến kể chuyện "ngủ lang" nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn


TTO - Trần Tiến kể thời nhập cư Sài Gòn từng "ngủ lang" nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thấy ngại nên ông trốn ra ngoài công viên Văn Lang ngủ bụi. Trịnh Công Sơn buồn lắm, nói: “Tiến không chịu hàm ơn cuộc đời thì làm sao biết trả ơn người”.


Trần Tiến và Hà Trần năm 2016 - ảnh tư liệu

Nhìn lại những bức ảnh xưa cũ, người nhạc sĩ đi qua những năm tháng chiến tranh, những tháng ngày hòa bình vất vả, vào cái tuổi thất thập như Trần Tiến, bỗng “sao bỗng ngại ngần ngó lại ngày xưa”.

Trần Tiến nói vậy rồi lại đa cảm gọi đó cũng là một thời yêu dấu. Để nhớ, để quên, để thầm thì kể lại...

Hàm ơn cuộc đời...

Hắn vừa nhập cư Sài thành, trạc tuổi băm, còn thích điệu đàng, lập dị. Áo ngâm vỏ cây người thiểu số, tóc tai hippi, ngực ưỡn, vai khuỳnh. Mở miệng là đại ngôn, bị đồng nghiệp Nam ghét, tẩy chay cả năm trời chẳng ai mời diễn, đói chết mẹ.


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Trần Tiến dạo phố Sài Gòn - Ảnh cắt từ phim tư liệu TFS

Căn phòng này là chị Lê bắt về ở, không cho ngủ lang nhà Trịnh (Trịnh Công Sơn) nữa. Thật ra mình chỉ ở với ảnh có dăm ngày thôi vì bị chăm sóc quá đâm ngại, bỏ trốn ra ngoài công viên Văn Lang ngủ bụi.

Anh Tịnh (em trai anh Sơn) tìm được đưa về. Anh Sơn buồn lắm, nói: “Tiến không chịu hàm ơn cuộc đời thì làm sao biết trả ơn người”.

Video hiếm hoi về cuộc gặp gỡ của Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Phạm Duy


Cửa sổ sau lưng nhìn sang cửa sổ phòng đẻ Bệnh viện Từ Dũ. Nơi đây cho mình “đẻ” một loạt khúc “sinh - đẻ - ca” (Sao em nỡ vội lấy chồng, Thượng đế buồn, Cô bé vô tư, Sói con ngơ ngác). He he...


Trần Tiến, Sài Gòn 1981

Cười được với nhau chung một tấm hình...

Lớp học 8C Trưng Vương Hà Nội, lớp của thầy Bài dạy văn. Mình đứng rìa góc phải, cạnh bạn đứng cuối, áo bỏ ngoài quần cà lơ cà láo. Hùng “quay” (nhà bán thịt quay chợ Cửa Nam) cách mình một bạn còn mặc áo đen và không thèm đeo khăn quàng đỏ, “gấu” nhất lớp.

Hồi lớp 9 Hùng cùng Nghiêm “kều” đạp xe đuổi theo một em lớp trên, xinh cực, con ông giáo sư Ngụy Như Kon Tum. Mình cũng khoái em này nhưng nhát, gặp em mặt tái dại. Nghe Hùng - Nghiêm kể chuyện cưa cẩm, đám con trai trong lớp phục lăn.

Lớp sau này đi thanh niên xung phong gần hết, ngày trở về chỉ còn lại một nửa. Nửa kia mãi mãi nằm dưới những tán lá rừng già ẩm mốc của Trường Sơn xa hút.

Ngày họp lớp hằng năm, bàn ghế trống không. Hai mươi lăm thằng ra đi còn chưa biết mùi đàn bà. Hai mươi lăm nhát chém vào ký ức thời trẻ dại.

Những bức ảnh đen trắng như âm bản hào hùng của một thời “bàn chân học trò bước vào chiến tranh”. Ngày ấy Tổ quốc gọi thì đi, có thằng còn chưa biết bắn.

Cười được với nhau chung một tấm hình xưa hoen ố, nụ cười trẻ thơ hồn nhiên thế này là phúc lắm rồi. Chắc gì đứa nào sống được đến giờ sướng hơn!?


Trần Tiến và bạn học lớp 8 phổ thông

Có những tấm ảnh không thể nhìn lâu

Mẹ mất, cả nhà ráng đợi người con thứ bảy đi từ hòn đảo người Chà Và vùng An Giang, tận cuối nước về tới Hà Nội nhìn mẹ lần cuối.

Chị Liên (đứng sau, mặc áo đen) vịn vai em nói trong nước mắt: “Mẹ đợi cậu về để đi đấy!”. Ngày đó cả nhà đều nhớ câu hát mình tặng mẹ:

“Mẹ ơi, sớm nay xuân về Mẹ trông ra ngoài hiên nắng Mẹ mong đứa con xa nhà Rồi mùa xuân anh ấy sẽ về...”.

(Bài hát Mùa xuân gọi)


Ngày mẹ mất năm 1985 tại Hà Nội

Mùa xuân ấy mình ở làng Châu Giang của người Chà Và, vừa viết xong bài Tiếng trống Paranung giao cho ban nhạc chơi thì nhận được hung tin. Mùa xuân con về:

“Chạy lên thang gác, bóng mẹ còn đâu”.
(Bài hát Mẹ tôi)

Có những tấm ảnh không thể nhìn lâu.
Có những lời không thể nói và cũng không nói được.


Trần Tiến kể chuyện "quãng đời gã mơ mộng kiêm đại ngốc"

Trần Tiến kể chuyện về thời lập nhóm nhóm du ca Đồng Nội và đến Trại mồ côi Gò Vấp tìm trẻ có năng khiếu mang về Trường Mặt trời nhỏ nuôi dạy.


Hát với trẻ mồ côi trại Gò Vấp 1992

7 năm Mặt trời nhỏ

“Xưa người ta đánh em, em chạy về núp dưới cánh tay mẹ yêu Bây giờ người ta đánh em, em biết chạy về đâu, tìm ai
Biết làm sao ôm lấy các em trong vòng tay cuộc đời
Ôi sói con ngơ ngác của tôi
Em đâu có lỗi khi em mồ côi...”.

(Bài Sói con ngơ ngác -1992).

Ảnh này, Trại mồ côi Gò Vấp chụp khi nhóm du ca đến tìm trẻ có năng khiếu mang về Trường Mặt trời nhỏ. Đó là ngôi trường mình lập nên bằng tiền đi hát của nhóm du ca Đồng Nội, không nhận bất cứ tài trợ nào khác.

Tự kiếm - tự nuôi - tự dạy những đứa trẻ từ 13 - 14 tuổi đến khi thành nghề 20 - 21 tuổi, trả lại cho xã hội. Ngoài mình và Trần Tài, có thêm nghệ sĩ nhân dân Thanh Trì, nhạc sĩ Tuấn Khanh, Ngọc Giao và một cô giáo dạy piano.

Mình mở và dạy được sáu, bảy năm gì đó (1992 - 1998) thì “hết xí quách” - hết tiền. Năm 1999 chết lâm sàng vì viêm phúc mạc, tỉnh dậy nghĩ ra bài hátSắc màu hay ra phết. Khe khe...

Chả hiểu sao lại bỏ ra bảy năm trời vất vả với đám trẻ này, bọn nó bụi đời, mồ côi, trẻ thiếu may mắn học nhạc thì tốt thôi, nhưng mình có nghiệp vụ nuôi trẻ bất hảo đâu. Trường mất hai đàn điện, tiền học trong tủ, hàng xóm mất đồ lại sang la mình.

Khách đến chơi mất xe máy. Nửa đêm đưa cậu bé núi rừng đi bệnh viện vì ăn bậy... Bảy năm trời không viết nổi một bài hát, chỉ chăm 25 đứa ăn, ngủ, học hành, dã ngoại... tự nhiên thành cô bảo mẫu, thành nhà từ thiện.

Một quãng đời của một gã mơ mộng kiêm đại ngốc.


Nhóm du ca Đồng Nội ngoài giàn khoan 1992

Thời du ca hồn nhiên và hạnh phúc

Du ca ngoài giàn khoan giữa biển, bay ra từ Vũng Tàu bằng trực thăng. Nhóm hôm đó có thêm cô Bích Tường (mặc váy trắng), ca sĩ rất cá tính, dạy trong Trường nhạc Sài Gòn.

Vì du ca để lấy tiền nuôi 25 đứa mồ côi học nhạc nên nhiều đồng nghiệp sẵn sàng giúp: ca sĩ Lâm Xuân độc đáo, Y Moan hoang dã, Phương Thảo - Ngọc Lễ dễ thương và nhiệt tình, Quang Lý hiền khô, giọng trong nhẹ như suối ban mai; lâu lâu lại có cặp đôi vũ sư Đặng Hùng - Vương Linh đi cùng. Mọi người tham gia tuy cực mà vui.

Đời đi hát chỉ có thời du ca là hồn nhiên và hạnh phúc. Trên chiếc xe Jeep cà tàng vừa đi, vừa đẩy. Nhóm Đồng Nội du ca khắp nơi, không nhà hát, phông màn, không quảng cáo bán vé. Có bao nhiêu tiền cho hết, đi đến tận cùng trời đất vì trẻ con bất hạnh.

Nhìn lại hình này tự nhiên nhớ câu hát:

“... Bài hát bay đi tan vào sóng muôn trùng
Giọng hát liêu trai như lửa cháy than hồng
Một sớm em đi, mưa buồn đến thế...”.
(Bài hát Ngũ sắc biển)


Trần Tiến, Sài Gòn 1982

Cuộc đời lúc nào cũng đáng để sống tiếp

Ông bạn trẻ thấy sao, đi tiếp đoạn đường 35 năm nữa chứ, ông sẽ gặp chính ông bây giờ. Là tôi đây: tóc thưa, bụng xệ. Quên quên, nhớ nhớ. Đi đứng chậm chạp, mỗi ngày một bệnh... nhưng phải thế thôi, mới hoàn thành vòng đời, ông bạn trẻ.

Tôi nhìn ông vậy chứ ai bảo quay lại tuổi trẻ, tôi cũng không có nhu cầu. Tôi vẫn ổn, yên tâm với thứ tịch lặng cuối đời bên sóng biển. Tôi sẽ chẳng khuyên ông cái gì, con đường trước mặt ông còn nhiều bí mật, đáng để đi, đáng để khám phá lắm.

Không còn muốn khám phá nữa thì sống làm gì. Người ta đang làm cỗ máy thời gian đấy, nhưng chắc ế không ai dùng. Biết tương lai của mình thì sống còn gì thú vị.

Nhưng nếu ai cho tôi trở lại quá khứ thì tôi chỉ thực hiện duy nhất một việc là bay ngay về nhà, ở với mẹ của ông. Cả cái mớ ca khúc tôi làm được một đời, tôi cũng sẽ đổi để được về với mẹ. Ông đâu biết ba năm nữa ông sẽ không còn mẹ.

Ngay cả được như thế nữa thì tôi cũng biết mẹ cho ở vài ngày, rồi xót xa mà đuổi con đi. Mẹ là người đàn bà tuyệt vời nhất, làm sao chịu để con trai bám váy mình.

“Cu Đểnh” của mẹ phải đi tiếp, phải làm người đàn ông mạnh mẽ, xứng đáng với đời. Ông phải tự đi thôi, không được phép thua cuộc. Cuộc đời lúc nào cũng đáng để sống tiếp. Rồi ông sẽ hiểu về mẹ và hiểu thêm về ý nghĩa của đời sống.

Mẹ vẫn trên áng mây vàng nhìn tôi, thằng mít ướt cứ nhớ mẹ là khóc.

Tôi cũng đang phải sống tiếp đây, chả quan tâm sắp đến cuối đường hay chưa. Mỗi ngày trôi qua phải làm được một - cái - gì - dù chẳng - để - làm - gì.

Mới bỏ thuốc lá được hai tháng, tôi còn cố học lại guitar và piano nữa. Nhạc jazz tôi còn chưa hiểu hết. Tôi cũng bận như ông nhưng tự do hơn.
Nhìn ông khổ bỏ mẹ.


Giao lưu với 
nhạc sĩ Trần Tiến 
tại đường sách TP.HCM

Nhân dịp ra mắt cuốn sách Ngẫu hứng (First News và NXB Hội Nhà Văn ấn hành), nhạc sĩ Trần Tiến sẽ có buổi giao lưu, ký tặng sách lúc 16g30 ngày 27-9 tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM) cho đến khi nào... hết khách thì thôi.

Không chỉ chia sẻ về sách, tác giả cũng sẽ “hát hò cho vui” cùng những nghệ sĩ và khán giả đến chung vui với ông như: cháu gái Trần Thu Hà, ca sĩ Phạm Anh Khoa và nhóm rock PAK, Đồng Lan, Hà Chương... Dẫu là “hát cho vui” nhưng nhạc sĩ Trần Tiến cũng cho trang bị một dàn âm thanh “thứ dữ” với tám micro không dây để buổi gặp gỡ, giao lưu thêm xôm tụ, vui vầy đúng kiểu Trần Tiến.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. Những người bạn của Sky+ - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template