Ông tây, cô hàng phở và một chuyện tình...
Mike kể với tôi, rằng ông không thích phở của Việt Nam, có chăng chỉ thích thịt bò. Nhưng, có lẽ vì cô chủ quán cuốn hút mà sau đó, chiều tối nào ông cũng ghé qua ăn phở bò hoặc gà…
Cặp đôi hạnh phúc viên mãn Mike - Bình.
Quán phở bên bờ vịnh Hạ Long một đêm đầu năm 2003, Michael W.Crisham (tên thường gọi Mike) - giáo viên tiếng Anh tình nguyện của Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã khiến chị Nguyễn Thị Bình - cô bán hàng phở nghèo đang một nách 3 con phải ngỡ ngàng khi ông trịnh trọng cầu hôn bằng một dòng chữ tiếng Việt hoàn toàn không dấu, viết trên một tờ giấy, rằng “tôi muốn làm chồng em, em đồng ý không?”.
Những tưởng chỉ là sự lãng mạn nhất thời của một người đàn ông xa quê với phụ nữ bản xứ như thường thấy, nhưng hóa ra hơn 10 năm qua, họ đã cùng nhau viết nên một chuyện tình lạ như cổ tích.
Quán phở tình yêu
Mike lúc ấy 52 tuổi, độc thân, người Anh gốc Ireland, làm tình nguyện viên cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long từ năm 2002, lưu trú tại một khách sạn trên phố Bến Đoan bên bờ vịnh Hạ Long. Hồi đó Hạ Long quán xá không nhiều như bây giờ, ông thường vào ăn tối ở quán phở lụp xụp của chị Bình gần đó, một phụ nữ ở tuổi 44. Để nuôi 3 con ăn học sau cuộc hôn nhân tan vỡ, chị làm quần quật từ 14 giờ hôm trước cho đến 2-3 giờ sáng hôm sau, cho đến khi thực khách cuối cùng ra về.
Mike kể với tôi, rằng ông không thích phở của Việt Nam, có chăng chỉ thích thịt bò. Nhưng, có lẽ vì cô chủ quán cuốn hút mà sau đó, chiều tối nào ông cũng ghé qua ăn phở bò hoặc gà. Rồi cũng một phần lớn vì cô chủ quán phở mà sau khi hết thời gian 2 năm làm tình nguyện viên ở Ban Quản lý vịnh Hạ Long, Mike quyết định ở lại và tìm việc khác.
Thời điểm đó đêm nào ông cũng ngồi rất lâu trong quán chị Bình, vừa ăn vừa nhâm nhi bia và suy tư... Thường rất khuya, ông mới cuốc bộ về khách sạn. Ngồi lâu thành quen thân, nhiều lần ông ra, gặp bữa cơm gia đình, biết ông thích món canh khoai tây, chị Bình mời ông cùng ăn. “Ông không quen các món ăn Việt, nên thỉnh thoảng tôi lại nấu món canh khoai tây mời ông. Ông thường ăn canh thì thôi phở, nhưng vẫn cứ trả tiền bằng bát phở” - chị Bình kể.
“Một năm sau, ông xin... ăn chung với gia đình, nhưng chỉ ăn bữa tối, với mức đóng góp 500.000 đồng/tháng” - vẫn lời chị Bình - “thực đơn là những món ăn đơn giản, gói gọn trong mâm cơm của một gia đình nghèo. Gọi thêm gì bên ngoài, ông móc túi trả tiền thêm món đó. Ông rất sòng phẳng và rõ ràng”.
Rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Một hôm, Mike trịnh trọng ngỏ lời cầu hôn chị hàng phở bằng một dòng chữ tiếng Việt hoàn toàn không dấu viết trên một tờ giấy. Phải đánh vần rất lâu và dựa vào suy luận từ nghĩa tình đôi bên đã được ấp ủ từ lâu, cuối cùng chị Bình hiểu dòng chữ trên, mà theo chị, chắc do Mike mò mẫm qua từ điển để ghép thành, có nghĩa là “Tôi muốn làm chồng em, em đồng ý không?”.
Chị Bình không trả lời ngay và tiếp tục giữ im lặng khi ông “đòi” chị câu trả lời một tuần sau đó. Một ngày thứ 7, ông mời chị đi ăn nhà hàng. Ăn xong, ông lại hỏi, rằng đồng ý hay không đồng ý lời cầu hôn của ông thì nói một câu ngắn gọn, không cần giải thích lý do. Chị vẫn không trả lời.
“Sao chị làm vậy? Có phải chị sợ sự khác biệt về văn hóa?” - tôi hỏi. “Tôi không sợ sự khác biệt về văn hóa. Tâm trạng tôi lúc đó nửa thực, nửa mơ và không hiểu vì sao ông ấy lại sẵn sàng lấy một người phụ nữ đã qua một đời chồng, nghèo khó, lại có đến 3 đứa con. Đây là điều tôi lo lắng nhất, vì sợ không sống chung được với nhau lâu” - chị trả lời.
“Vì sao ông cưới chị Bình? Khi ngỏ lời cầu hôn, ông có lường trước được phản ứng của chị ấy không?” - tôi tò mò hỏi Mike và nhận được câu trả lời rất tinh ranh, khác hẳn với nụ cười đôn hậu của ông: “Lý do tôi cưới Bình thì cũng giống như lý do... cậu lấy vợ cậu thôi”. Chị Bình tiếp lời: “Tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều và hỏi, tham khảo ý kiến của gia đình, bạn bè. Mấy hôm sau, sau bữa tối với gia đình tôi, ông ấy lặp lại câu hỏi. Và lần này, tôi... gật đầu”. Họ tổ chức lễ cưới đơn giản trên vịnh Hạ Long vào tháng 6.2003.
Hạnh phúc viên mãn
Sau quyết định “lịch sử” ấy, ông bảo chị đi tìm mua ngôi nhà khác vì không thể ở chung trong một quán phở nhỏ và lụp xụp như thế. Chị ậm ừ vì trong túi chưa bao giờ có dư đến một triệu đồng, mà cũng không thể bảo ông bỏ tiền ra mua được. Hiểu ý, ông bảo chị cứ đi tìm nhà, ông lo chuyện tiền bởi “đã là vợ chồng thì có gì phải ngại”.
Căn nhà đầu tiên ở trung tâm thành phố chỉ có 19m2, 1 tầng, 1 gác xép, không đủ chỗ cho sinh hoạt, nên ban ngày ông ở với chị, đến tối lóc cóc đạp xe về khách sạn. Ông lại giục chị tìm mua nhà khác rộng hơn vì ngoài vợ chồng, còn có ba con của vợ, “mà sau này còn thêm các cháu nội ngoại nữa chứ”.
Ngôi nhà thứ hai khang trang, rộng rãi hiện vợ chồng chị đang ở tại tổ 1C, khu 6A, phường Hồng Hải, TP.Hạ Long có giá 525 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian đầu, chưa kịp làm giấy kết hôn, nên ban ngày ông về nhà với vợ, tối phải đến trường dân tộc nội trú - nơi ông dạy tiếng Anh - để ngủ.
Thời điểm đó, Mike không được phép đứng tên chủ ngôi nhà, nên khi làm giấy sang tên đổi chủ, cán bộ địa chính phường mời ông lên và khéo léo nói rằng ông viết cam kết sau này có chuyện gì thì không được tranh chấp tài sản. Chị ngại quá vì tiền mua nhà là của ông; cán bộ địa chính cũng biết điều đó, nhưng lường trước những phức tạp sau này nên đành làm vậy. Nhưng Mike lại dửng dưng: “Vợ tôi đứng tên thì có sao đâu?”.
Sau khi lấy Mike, chị Bình bán phở thêm một thời gian ngắn nữa rồi nghỉ hẳn do “quán phở tình yêu” bị giải phóng mặt bằng để xây các công trình lớn của thành phố, và quan trọng hơn, ông không muốn chị vất vả. Với ba đứa con của chị (khi đó một học lớp 12, một học lớp 7, một học lớp 3), ông luôn động viên, khuyến khích phải học tiếp.
“Mike chu đáo chăm lo cho mấy đứa nhà tôi. Tiền ăn học toàn ông lo. Thậm chí, sau này lấy vợ, gả chồng cho cả 3 đứa cũng một tay ông làm. Ông bỏ tiền tổ chức đám cưới, tiền mừng ông cũng cho chúng nó luôn để làm vốn. Ba đứa con tôi trưởng thành như bây giờ có công rất lớn của Mike” - chị Bình nói, giọng đầy ngưỡng mộ và biết ơn người chồng ngoại quốc của mình.
Giờ chỉ có Mike và chị ở ngôi nhà tổ 1C, khu 6A, phường Hồng Hải, TP.Hạ Long. Ba người con của chị sống và làm việc ở nơi khác, cùng 5 đứa cháu nội - ngoại. Vài ba năm một lần, ông lại dẫn vợ về Anh và Ireland thăm họ hàng và bạn bè ở Anh. Bố mẹ ông đã mất cách đây nhiều năm.
Chị vẫn gắn bó với nghề nấu ăn, đơn giản vì nghiên cứu các món ăn tây cho chồng do ông vẫn chưa quen với các món ăn Việt. “Vợ tôi nấu món tây cũng ngon lắm. Xem dạy nấu ăn trên T.V, thử vài ba lần là cô ấy nấu thành công” - Mike khen vợ. Chiều chiều, chị đi tập thể dục thẩm mỹ, hoặc tập luyện cùng đội văn nghệ phường. “Cô ấy hát hay và khiêu vũ cũng giỏi. Thỉnh thoảng giành giải nhất ở các cuộc thi văn nghệ đấy” - Mike khoe.
Với Mike, sau khi hết hợp đồng 5 năm làm việc cho Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, gần đây ông làm hiệu đính tiếng Anh cho Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh và dạy tiếng Anh trình độ nâng cao tại nhà. Mỗi ngày, ông vẫn dành khoảng thời gian nhất định để học tiếng Việt. Nên giờ, theo chị Bình, tiếng Việt của Mike khá hơn tiếng Anh của chị nhiều.
Tuy nhiên, hai vợ chồng chị thường nói chuyện với nhau bằng cả 2 thứ tiếng thì mới hết được câu chuyện. Dẫu vậy, mỗi khi bàn về việc gì hệ trọng của gia đình đôi bên, hai vợ chồng chị đều viết ra giấy – như cái cách mà ngày nào Mike cầu hôn chị. “Thật ra là để không hiểu sai ý của nhau, chứ ông là người sống vì mọi người, miễn là vợ con vui thì ông đều đồng ý hết” - chị Bình giải thích.
Thấm thoắt đã gần 15 năm kể từ ngày Mike sang làm tình nguyện viên ở đất mỏ Quảng Ninh. Mike bảo ngày rời quê hương đến Việt Nam, ông không nghĩ một ngày nào đó, đôi chân từng đi khắp nơi trên thế giới sẽ chọn nơi đây là bến đậu. Còn với chị Bình, dù đã sống với nhau hơn 10 năm, nhưng giờ nghĩ lại, nhiều khi chị vẫn có cảm giác như một giấc mơ, vì có người chồng sống tình nghĩa, giản dị, cùng con đàn, cháu đống thành đạt, mạnh khỏe.
Bạn tôi - một người Việt Nam - hàng xóm của chị Bình lúc nào cũng xuýt xoa, ngưỡng mộ về tổ ấm hạnh phúc của chị, nhất là trong cách lo toan, chăm sóc vợ, gia đình vợ, cũng như trong cách ứng xử với hàng xóm láng giềng của Mike. Ai bảo đàn ông phương Tây chỉ biết sống cho riêng mình?
Theo Nguyễn Hùng
Chàng Tây Cover "Mình Yêu Nhau Đi"
Tình yêu trắc trở của đầu bếp Pháp và cô gái miền Tây
Christian quyết định từ bỏ công việc ổn định ở Paris để về Cần Thơ, vượt qua bao khó khăn để bảo vệ tình yêu với cô gái Việt.
Vợ chồng Thanh Thúy – Christian cùng đứa con gái nhỏ
Christian sinh ra và lớn lên ở Paris, xuất thân trong một gia đình có truyền thống là giáo viên nhưng anh chỉ thích chế biến các món ăn và du lịch. Bắt đầu quen với việc bếp núc từ khi lên 9, đến năm 14 tuổi, khi trưởng thành anh đã trở thành đầu bếp của một nhà hàng tại Paris. Trong mỗi dịp hè, Christian thường chọn một nơi để đi du lịch. Năm 1997, Christian quyết định chọn Nha Trang của Việt Nam làm điểm đến. Chú anh, một “ông rể Tây” cưới vợ Việt Nam kể với anh rất nhiều về đất nước này, về những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam và về những nụ cười của cô gái Việt Nam thu hút lòng người.
Tại Nha Trang, anh đã gặp Thanh Thúy, một cô gái đến từ Cần Thơ. Nụ cười duyên dáng của Thúy đã thu hút trái tim Christian, và mối tình của cô thôn nữ Cần Thơ và chàng trai Pháp bắt đầu từ đây. Chị Thanh Thúy kể về mối tình của anh chị, năm đó, chị từ Cần Thơ đến Nha Trang để học việc. Chắc cũng do lương duyên trời định nên đúng vào thời điểm này, anh Christian cũng đi du lịch ở Nha Trang. Anh rể Thúy làm cho một công ty xuất khẩu hàng hóa của Pháp nên đã mời Christian làm phiên dịch. Họ nhìn thấy nhau lần đầu tiên, khi Christian đến chơi nhà anh chị của Thúy. Lần ấy, trái tim Christian đã bắt đầu loạn nhịp.
Ban đầu, do bất đồng ngôn ngữ nên họ nói chuyện với nhau bằng cách vẽ hình. Sau nhiều lần giao tiếp, họ đã hiểu nhau hơn. Để thể hiện tình cảm bằng lời đối với chị, anh nhờ người khác phiên dịch. Chuyến du lịch kết thúc, họ đã bắt đầu cảm nhận được tình cảm dành cho nhau qua ánh mắt, qua cử chỉ, qua sự thân thiết không cần thiết phải nói thành lời. Anh trở về thành phố Paris, mang theo nỗi nhớ người con gái đất Tây đô ấy. Christian không thể nào quên được nụ cười thùy mị, dáng vẻ dịu dàng hồn nhiên của Thúy.
Lúc đầu, anh thuê người viết thư cho Thúy. Nhưng rồi thấy bất tiện quá, anh quyết tâm học tiếng Việt và tập viết những lá thư đầu tiên cho Thúy. Những tâm tư tình cảm được anh gửi trọn trong những lá thư, nhưng không thể làm nguôi ngoan nỗi nhớ. Để đến với người con gái mình yêu, anh quyết tâm bỏ nghề làm đầu bếp ở Paris và làm thủ tục xuất cảnh sang Việt Nam lần nữa. Còn Thúy, cô gái của xứ sở Tây Đô ban đầu có vẻ sợ sệt với người khách lạ phương xa, nhưng sau nhiều lần trò chuyện tâm tình, cô rất cảm mến người con trai xứ Pháp. Cô cũng tìm cách học tiếng Pháp, thứ tiếng mà lúc bấy giờ ít có ai học để hy vọng hiểu được anh hơn.
Khi gặp lại lần thứ hai, họ đã chính thức thuộc về nhau. Những lời nhớ thương, những tình cảm xốn xang đã được bày tỏ bằng lời. Yêu nhau thắm thiết hơn ba năm trời, khi đã biết không thể rời xa nhau nữa, Christian ngỏ lời muốn cưới Thúy làm vợ và cô gật đầu đồng ý trong niềm hạnh phúc vô biên.
Ngày Thúy dẫn anh về ra mắt cha mẹ, hai ông bà rất băn khoăn vì Christian là một chàng trai ngoại quốc, không biết có thực sự yêu Thúy hay không. Thực ra Thúy chưa một lần đặt chân đến Pháp để biết về nhà chồng, hiểu về thời thơ ấu của chồng. Hai bên lại bất đồng ngôn ngữ, không biết liệu có hiểu nhau để chung sống suốt đời hay không. Nhưng rồi chứng kiến tình cảm chân thành của hai đứa dành cho nhau, cuối cùng ông bà cũng đồng ý. Christian vui mừng trở về Pháp làm thủ đăng ký kết hôn, sau đó, anh trở lại Việt Nam tổ chức đám cưới.
Ngày cưới của đôi vợ chồng Pháp - Việt, chỉ có nhà gái chứng kiến vì nhà trai không thu xếp qua Việt Nam được. Bà con họ hàng tới chúc tụng hạnh phúc nhưng cũng không dấu sự hoài nghi về mối tình của hai người. Sau ngày cưới, hai vợ chồng Thúy nắm tay nhau về đất Cần Thơ kiếm kế sinh nhai, bắt đầu những tháng ngày đồng cam cộng khổ, cùng xây dựng cuộc sống.
7 tháng sau ngày cưới con trai, mẹ Christian mới sang Việt Nam gặp mặt con dâu. Hành trình tìm con trai quá gian nan, đi qua biết bao quãng đường chật hẹp, trên những chiếc xe cổ lỗ sĩ khiến mẹ Christian khiếp sợ. Đến nơi, tận mắt nhìn thấy cậu con trai cưng sống cực khổ trong căn nhà nhỏ chật hẹp, người đẫm mồ hôi bưng bê thức ăn cho khách, bà quá xót thương cho con trai. Xưa nay, Christian không bao giờ phải làm những công việc nặng nhọc như vậy.
Bà tức giận không kìm được, cho rằng chính Thúy đã làm khổ con trai bà. Bà bắt buộc con trai phải chia tay với Thúy và quay về quê hương. Nhưng Christian nhất quyết không chịu rời xa vợ dù nữa bước. Anh kiên nhẫn giải thích với mẹ là anh yêu Thúy, yêu cô gái nhỏ của đất nước Việt Nam. Chỉ có ở bên Thúy anh mới hạnh phúc, anh mong mẹ đừng cản ngăn tình yêu của anh.
Rồi anh và Thúy đưa mẹ đi tham quan xung quanh thành phố Cần Thơ, giới thiệu với mẹ những cảnh đẹp và vẻ yên bình ở đây. Sự hồn nhiên đáng yêu của cô con dâu người Việt đã khiến người mẹ chồng đất Pháp dần dần cảm mến. Bà thay đổi cách nghĩ, không còn khuyên con trai bỏ vợ nữa. Nhưng bà vẫn không muốn con trai chịu cực khổ ở một đất nước xa xôi, bà muốn hai vợ chồng về Paris sống.
Tuy nhiên, lúc này, Christian đã trót yêu quê hương Việt Nam, nơi sinh ra người con gái đã hiền dịu mang lại hạnh phúc cho anh nên năm lần bảy lượt thuyết phục mẹ. Thấy con trai cương quyết, bà mẹ biết là mình chẳng thể cản ngăn được nữa. Ở chơi một thời gian, mẹ Christian cũng chia tay con trai, con dâu, một mình về đất Pháp.
Tận dụng nghề đầu bếp trước đây của chồng, kết hợp cùng truyền thống nấu ăn của gia đình mình, Thúy cùng chồng bàn nhau mở một quán nhậu. Sau khi khảo sát thị trường, khảo sát các món ăn trong vùng, họ nhận thấy món thịt dê chính là món ăn khoái khẩu của người dân miền Tây Nam Bộ. Hầu hết các quán thịt dê khu vực này lúc nào cũng đông nghẹt khách.
Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, vợ chồng Thúy quyết định mở quán lẩu dê. Trước khi mở quán, Christian học cách chế biến các món dê thông qua sách vở. Rồi anh mua thịt dê cũng như các gia vị về nhà chế biến thử, mời mọi người trong gia đình làm giám khảo. Qua nhiều lần điều chỉnh cách chế biến, vợ chồng Christian chính thức khai trương quán lẩu dê tại đất Cần Thơ.
Quán lẩu dê Thanh Thúy - Christian Cần Thơ đã trở thành điểm đến thu hút của nhiều khách nhậu cũng như khách du lịch phương xa, lúc nào cũng đông nghẹt khách. Quán tuy nhỏ, nhưng sạch sẽ và hợp vệ sinh. Thành công của hai vợ chồng là đã hòa quyện được hương vị đặc biệt của món ăn khoái khẩu của người Việt qua bàn tay nấu nướng đậm phong cách Tây phương.
Khách đến quán đều được Christian niềm nở tiếp đón. Anh đảm nhiệm mọi khâu trong quán, từ chế biến, phục vụ cho đến bưng bê, thậm chí cả khâu tiếp khách đến và cảm ơn khách về. Quán vì thế cũng được thực khách nhiệt tình ủng hộ và tình yêu vợ chồng họ cũng theo đó mà gắn bó keo sơn. Christian nói: “Tôi yêu vợ tôi. Tôi yêu mảnh đất Cần Thơ hiền hòa này. Tôi yêu mọi miền trên đất nước Việt Nam, yêu con người Việt Nam và đặc biệt yêu những bài hát về quê hương đất nước”.
Theo Giadinh.net.vn
Tình yêu của những "ông Tây" trên đất Việt
Những người đàn ông ngoại quốc giàu có, sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để ở bên người vợ Việt nghèo.
Là những người ở cách nhau nửa vòng thế giới, khác biệt về màu da, tôn giáo, dân tộc, tiếng nói, trình độ, tuổi tác… nhưng họ vẫn tạo nên một câu chuyện tình đẹp như trong cổ tích. Người đàn ông ngoại quốc giàu có, sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để bên người vợ Việt, sớm sớm, chiều chiều, vợ chồng vui với việc bán hàng phở, chăm mấy con gà… Những câu chuyện tình không tưởng đó lại hoàn toàn có thật trong cuộc đời. Tình yêu, tình chồng vợ của họ khiến bao người ngưỡng mộ và tin rằng, tình yêu không có giới hạn:
Người đàn ông ngoại quốc yêu “cô bán chôm chôm”
Có lẽ bất kì ai khi được nghe tâm sự của đôi vợ chồng già có cái Tâm thánh thiện và một tình yêu vô bờ bến dành cho nhau này cũng sẽ đều rơm rớm xúc động. Hẳn là tình yêu làm cho người ta sống tốt hơn, cao cả hơn. Câu chuyện được chia sẻ trên facebook của một người và nó nhanh chóng được lan truyền bởi một tình yêu đáng ngưỡng mộ được nhắc đến.
Câu chuyện kể về tình yêu kì lạ của người đàn ông đến từ Đan Mạch Kurt Leander Jensen Lendar và người phụ nữ bán chôm chôm Tiêu Thị Ngọc Sang.
Năm 54 tuổi, vì muốn đi vòng quanh thế giới, ông Kurt đã quyết định bán chiếc tàu cá của mình, mua vé du lịch cùng 2 người bạn đến Việt Nam. Ông ở Thành phố Hồ Chí Minh và tình cờ gặp bà Sang tại đó. Khi ấy, bà Sang 45 tuổi, sống với mẹ già và cô con gái nhỏ. Bà từ Đồng Nai về Sài Gòn bán chôm chôm.. Ông Kurt chia sẻ: “Tôi nhìn thấy bà ấy bán chôm chôm, và không hiểu sao tôi cứ muốn quay lại mua chôm chôm hoài”. Tình cảm được nảy sinh trong ông Kurt khi bà Sang trả cho ông chiếc ví có cả xấp tiền đô trong đó. Có lẽ ấn tượng ấy khiến ông thêm yêu người phụ nữ hồn hậu này.
Hình ảnh ông Kurt Leander Jensen Lendar và vợ đi xây cầu cho người nghèo ở Lâm Đồng
Ông trở về Đan Mạch, ông viết thư cho bà và hẹn 1 năm sau sẽ quay lại gặp bà. Những lá thư ông gửi về, bà đều phải nhờ người dịch giúp. Và rồi, chỉ nửa năm sau ông đã quay trở lại Việt Nam để tìm gặp bà vì quá nhớ nhung. Ông tìm cách lấy lòng mẹ bà Sang. Cuối cùng, năm 1992, ông bà thành hôn. Ông đưa bà sang Đan Mạch sống.
Ông Kurt Leander Jensen Lendar mong muốn phủ kín cây xanh lên vùng đất trống và xây dựng khu nghỉ dưỡng cho người già
Một thời gian sau khi cưới, ông quyết định trở về Việt Nam. Ông ấp ủ dự định xây cầu cho những trẻ em nghèo tới trường. Có lẽ đây cũng chính là điều khiến nhiều người xúc động và yêu mến mối tình già này. Họ không đơn thuần chỉ có tình yêu dành cho nhau mà còn có một trái tim quá ấm áp dành cho những thân phận nghèo khổ quanh mình. Ông tìm mọi cách để vận động, quyên góp và đã xây dựng được 24 cây cầu, 6 trường học cho trẻ em nghèo. Ngoài ra, ông còn cùng vợ tự tay trông hơn 600 cây non để phủ xanh đồi trọc. Hình ảnh của những em nhỏ nở nụ cười trên môi khiến ông bà cảm thấy hạnh phúc và có động lực làm những việc có ý nghĩa cho cuộc đời.
Vợ chồng ông Kurt cùng nhau chăm sóc cây xanh
Tuy nhiên, cuộc sống của đôi vợ chồng già cũng gặp muôn vàn khó khăn. Số tiền dành dụm được ít ỏi ông bà định mua đất xây nhà thì toàn gặp lừa đảo mất trắng. Còn một chút tiền dành dụm được, ông mua miếng đất nhỏ ở Bình Thuận. Trong nhiều năm, ông tự mình xây dựng căn nhà nhỏ bé thành một tổ ấm. Căn nhà của ông nằm cạnh bãi tha ma, bên cạnh những ngôi mộ, cạnh chỗ mà hàng đêm những chuyến xe đường dài đỗ lại cho hành khách đi “giải quyết nỗi buồn”.
Ngôi nhà nhỏ nhắn, xinh xắn do chính tay ông Kurt xây dựng. Đây cũng là tổ ấm thân yêu của hai vợ chồng ông Kurt
Để khắc phục điều đó, ông bà đã bỏ tiền túi, tự tay xây dựng 4 nhà vệ sinh công cộng để tránh cho mọi người không “bậy bạ lung tung”. Cuộc sống hàng ngày của ông bà diễn ra đều đặn, cùng nhau chăm sóc những đồi cây, chăm 40 con gà. Ông Kurt ấp ủ dự định xây dựng căn nhà nhỏ của mình thành một khu nghỉ dưỡng cho những người già. Nếu ai muốn, có thể đến. Mọi thứ dù đơn sơ nhưng đủ cho nhu cầu của người già và tất nhiên, hoàn toàn miễn phí.
Tình yêu của họ vẫn ấm áp như lời ông Kurt chia sẻ: “Tôi muốn ở Việt Nam, tôi yêu bà ấy và yêu nơi này”.
Cuộc sống cơ cực là vậy nhưng tình cảm ông bà dành cho nhau vẫn rất nồng ấm. Giờ đây, ở cái tuổi xưa nay hiếm (bà 67 tuổi, còn ông 80 tuổi), ông bà vẫn đều đặn chăm nhau. Với ông bà, khoảnh khắc hạnh phúc nhất là mỗi sớm mai thức giấc, bà nướng cho ông chiếc bánh mì, pha cho ông ly cà phê và hai vợ chồng nhâm nhi đón bình minh lên. Cuộc sống giữa miền đất đầy nắng, gió này bỗng trở vẫn mát lành vô cùng với đôi vợ chồng già. Tình yêu của họ vẫn ấm áp như lời ông Kurt chia sẻ: “Tôi muốn ở Việt Nam, tôi yêu bà ấy và yêu nơi này”.
Chuyện tình của lão nông tóc vàng
Từng là một triệu phú người Mỹ, sang Việt Nam, ông Robert Podunavac yêu và kết hôn với một người phụ nữ Việt và gắn bó cả cuộc đời mình với vùng đất Tam Lãnh, Quảng Nam. Ông cảm thấy cuộc sống đầy niềm vui và hạnh phúc khi được làm một người nông dân, gắn bó với ruộng vườn, với con gà, con vịt… Chẳng ai hiểu, cũng không ai có thể lí giải được vì sao một người khác tiếng nói, màu da, lại có thể từ bỏ tất cả để đến bên người phụ nữ đã từng có một đời chồng, 3 đứa con nhỏ dại và nghèo đói.
Ông Robert Podunavac và người phụ nữ mà ông yêu hết mình chị Thy Nhơn
Người phụ nữ mà ông Robert Podunavac yêu hết mình chính là chị Thy Nhơn, một người nông dân chân chất. Chị không gặp may mắn trong cuộc sống hôn nhân, đời đời lận đận. Và rồi số phận run rủi cho hai người gặp nhau, nảy sinh tình cảm và kết hôn.
Cuộc hôn nhân của hai người cũng vô cùng gian truân. Gia đình chị Thuy Nhơn ban đầu không chấp nhận vì sợ rằng sự khác biệt quá lớn về tuổi tác, văn hóa sẽ khiến chị Thy Nhơn thêm khổ. Nhưng rồi, giữa buổi cả nhà tụ họp đông đủ Robert Podunavac đã dũng cảm đứng lên, nói bằng thứ tiếng Việt ít ỏi mà ông học được trong vài tháng để thuyết phục gia đình chị Thy Nhơn đầu ý. Câu chuyện về cuộc đời gian truân của ông khiến anh cũng rưng rưng nhưng việc chấp nhận cho kết hôn lại là chuyện khác. Ông đã phải nói tới cả tiếng đồng hồ, cuối cùng mới nhận được cái gật đầu từ mẹ chị Thy Nhơn.
Khi làm chồng, ông Robert Podunavac chăm lo cho con của vợ như con mình, sắm sửa từ manh quần, tấm áo, chu toàn cho các cháu chuyện học hành. Ông Robert Podunavac chia sẻ rằng cuộc đời ông cũng gian truân, chìm nổi như chị Thy Nhơn, có lẽ vì thế mà tìm thấy sự đồng cảm. Giờ đây mong ước của ông là được cùng vợ xây dựng một cơ ngơi đàng hoàng, lo toan cho con cháu đâu vào đấy và có một chút ít làm từ thiện. Ông muốn gắn bó và chết trên mảnh đất Việt nam yêu thương này.
Ông Robert Podunavac xúc động đến bật khóc là khi được vợ tặng cho ngôi mộ để dành sau này khi mất đi.
Câu chuyện tình của họ cũng thật đặc biệt khi món quà khiến ông Robert Podunavac xúc động đến bật khóc là khi được vợ tặng cho ngôi mộ để dành sau này khi mất. Tất cả bắt nguồn từ ước muốn này của ông Robert Podunavac. Ông thấy người Việt Nam sống tình cảm, khi chết được chôn trong một ngôi mộ và con cháu thờ cùng nhiều đời. Do đó ông ao ước khi mình mất đi cũng có được niềm vinh dự đó. Hiểu tâm nguyện này của chồng, chị Thy Nhơn đã bí mật xây một ngôi mộ dành tặng cho chồng. Khi được vợ dẫn đến nơi có món quà cho mình Robert Podunavac đã bật khóc và nói: “Em đã làm toại nguyện một mong muốn lớn nhất của đời tôi. Cả đời này, tôi mang ơn em!”
Niềm vui tuổi già của Robert là chăn nuôi gà vịt và trồng rừng
Giờ đây, hàng ngày mọi người nhìn thấy sự hạnh phúc của đôi vợ chồng chăn gà, chăn vịt. Người ta thấy thích thú với hình ảnh một “lão nông tóc vàng” và cũng cảm phục một tình yêu đẹp.
Bảo Bình (Khampha.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn