Tái giá bao nhiêu lần cũng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Bà Trương Thị Mai, chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã khẳng định như vậy trong ngày hôm qua, 28-7 tại TP.HCM.
Ngày 28-7, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có buổi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng tại quận Tân Bình và huyện Bình Chánh (TP.HCM).
Một trong những vấn đề được đoàn giám sát quan tâm, tranh luận là chuyện vợ liệt sĩ tái giá có được xét danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng hay không.
Giải quyết dựa trên... suy đoán
Báo cáo với đoàn giám sát, bà Trần Thị Kim Giàu, phó Phòng lao động - thương binh và xã hội Q.Tân Bình, cho biết trên địa bàn quận cũng có trường hợp bà mẹ có chồng và một con là liệt sĩ nhưng đã tái giá. “Vậy tại sao phòng không lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng?” - bà Trương Thị Mai hỏi.
Bà Giàu trả lời: “Về trường hợp này, quận có hỏi ý kiến Sở Lao động - thương binh và xã hội xem có được không thì bộ phận nghiệp vụ của sở trả lời rằng mẹ đã tái giá, chồng mẹ đâu phải là liệt sĩ nữa. Sở dĩ mẹ được nhận trợ cấp tiền tuất hằng tháng vì mẹ có công phụng dưỡng cha mẹ liệt sĩ và công nuôi dưỡng con liệt sĩ trưởng thành”.
Bà Giàu cũng cho biết phòng nghiệp vụ của Sở Lao động - thương binh và xã hội không nói rõ căn cứ vào văn bản cụ thể nào để trả lời là không được và sau đó quận cũng không gửi hồ sơ trường hợp mẹ tái giá lên sở.
"Ở Việt Nam này, thử hỏi có người phụ nữ nào lấy chồng mà muốn chồng mình thành liệt sĩ để hưởng chính sách? Có người phụ nữ nào muốn chồng là liệt sĩ để mình đi lấy chồng khác không? Chắc là cũng không có đâu. Một người phụ nữ, chồng là liệt sĩ, phải đi lập gia đình lần thứ hai cũng là đau đớn với người ta rồi"_ Bà Trương Thị Mai
Tại huyện Bình Chánh, bà Dương Thị Uyên Chi, phó Phòng lao động - thương binh và xã hội huyện Bình Chánh, cho biết hiện nay huyện có 12 trường hợp vợ liệt sĩ tái giá chưa được lập hồ sơ để truy tặng, phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Trả lời câu hỏi của bà Trương Thị Mai về căn cứ, quy định nào để đưa ra cách giải quyết “không lập hồ sơ”, bà Chi lúng túng cho rằng do chưa có hướng dẫn cụ thể về các trường hợp này.
Bà Chi cũng thừa nhận gia đình các mẹ cũng rất bức xúc khi huyện giải thích lý do không lập hồ sơ vì các mẹ đã... tái giá. Trong số 12 trường hợp này, huyện gửi hai hồ sơ lên TP nhưng không được giải quyết.
Giải thích thêm, ông Trần Thanh Hoàng, trưởng phòng chính sách có công Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, nói: “Nghị định 56 ghi rất rõ: người chồng là liệt sĩ là người được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng Tổ quốc ghi công mà bà mẹ đó là vợ của người đó. Vấn đề ở đây là bà mẹ có chồng là liệt sĩ, nhưng bà đã tái giá thì có còn được xem là vợ liệt sĩ hay không?”.
Bà Trương Thị Mai đặt vấn đề: “Như vậy các anh giải quyết hoàn toàn dựa trên suy đoán, vì vẫn chưa có một văn bản nào nói rằng bà mẹ tái giá không được làm bà mẹ anh hùng phải không”.
Ông Hoàng đáp: “Chính vì vậy nên chúng tôi cũng không trả lời dứt khoát là không được, mà đang trong quá trình xin ý kiến. Trong văn bản trả lời các mẹ, sở cũng nói rõ là khi có ý kiến của các bộ thì sở sẽ tiếp tục giải quyết”.
Có phụ nữ nào muốn chồng mình thành liệt sĩ?
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Duy Kiên, phó cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), cho biết về vấn đề vợ liệt sĩ tái giá có một con là liệt sĩ, ngay từ khi sửa đổi pháp lệnh về bà mẹ Việt Nam anh hùng thì Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý có ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ các trường hợp vợ liệt sĩ tái giá có một con là liệt sĩ thì có được là bà mẹ Việt Nam anh hùng không.
Tuy nhiên sau khi nghị định 56 được ban hành, cũng không thấy hướng dẫn gì vấn đề này. Đến tháng 4-2014, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã có công văn nhắc lại yêu cầu phải có văn bản hướng dẫn ngay nhưng chưa có kết quả.
Bà Trương Thị Mai phân tích: “Trong văn bản ghi như thế này: “Người chồng là liệt sĩ đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng Tổ quốc ghi công mà bà mẹ là vợ của người đó”.
Nghị định 56 cũng không có nói bà mẹ tái giá thì không được xét công nhận. Bây giờ các ông tự đi giải thích rằng vợ phải là vợ suốt đời. Giải thích thế này nói thật tôi cũng không hiểu được!”.
“Ở Việt Nam này, thử hỏi có người phụ nữ nào lấy chồng mà muốn chồng mình thành liệt sĩ để hưởng chính sách? Có người phụ nữ nào muốn chồng là liệt sĩ để mình đi lấy chồng khác không? Chắc là cũng không có đâu. Một người phụ nữ, chồng là liệt sĩ, phải đi lập gia đình lần thứ hai cũng là đau đớn với người ta rồi” - bà Mai trăn trở.
Từ cách đặt vấn đề như vậy, bà Mai kết luận: “Tôi tha thiết mong Bộ Quốc phòng và tất cả các anh chị làm chính sách hiểu cho một điều: quan hệ bà mẹ Việt Nam anh hùng là quan hệ mẹ - con; quan hệ vợ liệt sĩ là quan hệ vợ chồng. Hai quan hệ hoàn toàn khác nhau. Mình không được xử sự một cách thiếu uyển chuyển. Tôi rất mong các cơ quan làm chính sách hết sức linh hoạt, hết sức nhân văn trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách. Mà cái này phải nhanh lên, phải cố gắng hết mức. Tôi đi dự lễ trao tặng danh hiệu, có mẹ khi mình làm quyết định thì là phong tặng, đến khi trao mẹ đã mất rồi, không chờ kịp”.
Bà Mai cho biết Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Quốc phòng về vấn đề còn vướng mắc trong việc công nhận bà mẹ có chồng và một con là liệt sĩ đã tái giá. Bà đề nghị các địa phương giải quyết ngay lập tức công nhận những trường hợp mẹ có hai con liệt sĩ là mẹ Việt Nam anh hùng, vì có một số nơi không công nhận do mẹ... tái giá. “Bà mẹ có tái giá bao nhiêu lần mà có hai con là liệt sĩ thì phải giải quyết ngay, không chần chờ gì nữa” - bà Mai nói.
Bạn click vào dòng nầy để nghe đầy đủ, vừa nhân văn vừa cảm nhận thiếu tính nhân văn…
Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền:
Sẽ có hướng dẫn thực hiện
Ngày 28-7, trả lời Tuổi Trẻ về trường hợp cụ Trần Thị M. (83 tuổi, P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có chồng và con trai là liệt sĩ nhưng chưa được phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng do cụ tái giá (Tuổi Trẻ ngày 19-7), bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết sáng cùng ngày bà đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh và hai bộ trưởng đã thống nhất giao cho các đơn vị chuyên môn xây dựng thông tư hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp còn vướng mắc trong quá trình xét phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có trường hợp bà mẹ có một con và chồng là liệt sĩ như cụ Trần Thị M..
Bà Chuyền khẳng định trong thời gian sớm nhất sẽ có thông tư hướng dẫn để tháo gỡ vướng mắc đối với những trường hợp cụ thể mà pháp lệnh và nghị định không đề cập.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An:
Công tác tham mưu cứng nhắc
Đối với trường hợp của cụ M. mà báo chí nêu có một con và chồng là liệt sĩ nhưng đã tái giá nên chưa được nhận danh hiệu này vì chưa có hướng dẫn, tôi thấy rằng việc xét duyệt hồ sơ để phong tặng danh hiệu này là cả một quá trình và lẽ ra những người tham mưu cho bộ trưởng cần báo cáo kịp thời trường hợp này để Chính phủ có quyết định ngay. Đằng này, công tác tham mưu đã quá cứng nhắc và không đề xuất kịp thời nên để sót một trường hợp rất đáng tiếc mà nếu phong tặng danh hiệu cho cụ vào dịp 27-7 này thì có ý nghĩa hơn.
Việc tái giá là quyền của cụ M. và tôi nghĩ chúng ta nên khuyến khích. Những người vợ, người mẹ như vậy đã hi sinh quá nhiều rồi và nếu họ có một người chồng để yêu thương, chia sẻ vào quãng đời còn lại thì càng tốt chứ sao. Bà cụ có làm gì sai đâu mà không được nhận danh hiệu cao quý ấy
Tái giá, không được làm Bà mẹ Việt Nam anh hùng?
Bà Trần Thị M. (83 tuổi, nguyên quán Đức Phổ, Quảng Ngãi, hiện ngụ ở P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có chồng và con trai là liệt sĩ nhưng chưa được phong tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng chỉ vì bà tái giá.
Một bà mẹ nhận danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng tại TP.HCM ngày 31-5-2014. Dịp 27-7 năm nay, TP sẽ trao tặng nhiều danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng nhưng các trường hợp vợ liệt sĩ tái giá phải chờ - Ảnh: T.T.D.
Trong khi những hồ sơ xét tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng được gửi từ phường lên sở, rồi từ sở về lại phường, những văn bản đề nghị từ sở gửi lên bộ... thì những ngày cuối đời của bà và các bà mẹ khác đang trôi qua.
“Sá chi tờ giấy?...”
Chúng tôi đến khi bà Trần Thị M. đang ăn tối ngay trên giường. Bà đã ở trên giường như vậy gần ba năm rồi, kể từ khi đôi chân không còn tự đứng lên được nữa. Ấy thế nhưng khi hỏi đến chuyện xưa, đôi mắt bà sáng lên.
Bà say sưa kể về những ngày hoạt động cách mạng, những ngày tù ngục đòn roi tra tấn, thương tích tới 75% (thương binh hạng 2/4)...
“Vượt qua được hết, chỉ không chịu nổi mỗi lúc nghe tin chồng, tin con thôi” - bà chợt trầm giọng. Ba lần “không chịu nổi” ấy là vào năm 1962, ông Võ Mười, chồng bà, hi sinh khi bà mới 30 tuổi; năm 1964, con trai út Võ Danh của bà bị bắn chết khi vừa 6 tuổi, đang được giao việc cảnh giới cho các chú cán bộ họp; năm 1971, con trai lớn Võ Thái làm giao liên cho ban binh vận Khu ủy Khu V hi sinh ở tuổi 16.
Còn lại một mình giữa đạn bom, hai lần bị bắt, giam cầm tra khảo ở nhà lao Quảng Ngãi, năm 1974 bà gá nghĩa với một người đồng đội, ông Thái Văn Thới.
“Chiến tranh vẫn ác liệt, đâu biết mai này sống chết thế nào. Thương nhau, thông cảm hoàn cảnh của nhau thì về với nhau thôi” - bà kể. Ngày 21-2-2014, UBND P.12, Q.Bình Thạnh đã tổ chức cuộc họp để xét duyệt và đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng cho bà. Phường đã có tờ trình về trường hợp của bà gửi Phòng Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Q.Bình Thạnh, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM.
Tuy nhiên, sau đó gia đình bà nhận được thông báo bà chưa được lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng do đã... tái giá.
Biết chuyện, bà bảo: “Mình đâu phải xin xét tặng để đòi hỏi chế độ của Nhà nước. Có thì là niềm vinh dự cho cháu con, không có thì thôi. Gia đình đã cống hiến cho đất nước ba người, cả đời tôi, đời của ông chồng sau nữa rồi, sá chi tờ giấy”.
Quy định không rõ
Tháng 5-2014, con gái bà M. có đơn gửi Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đề nghị giải thích vì sao không lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng cho bà? Phòng chính sách có công Sở LĐ-TB&XH TP có văn bản trả lời: Nghị định số 56/2013 của Chính phủ không nêu rõ trường hợp bà mẹ là vợ liệt sĩ đã lấy chồng khác được hay không được xem xét lập hồ sơ đề nghị phong tặng Bà mẹ VN anh hùng.
Trong khi đó, căn cứ theo nghị định 31/2013 của Chính phủ thì vợ liệt sĩ tái giá không được xem xét giải quyết các quyền lợi khác ngoài trợ cấp tiền tuất hằng tháng.
Gặp chúng tôi, ông Trần Thanh Hoàng, trưởng phòng chính sách có công Sở LĐ-TB&XH TP, giãi bày nỗi bối rối của mình: “Không riêng gì trường hợp của bà M., một số trường hợp tương tự cũng có thắc mắc, nhưng vì quy định, hướng dẫn của trung ương không rõ ràng nên chúng tôi không biết giải quyết ra sao. Không thể khẳng định có thể xét tặng, cũng không thể bác hồ sơ. Tôi chỉ còn cách nói thật: có văn bản hướng dẫn cụ thể, sở sẽ giải quyết lập tức”.
Ngày 28-3-2014, UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng đề nghị giải quyết vướng mắc trong việc làm hồ sơ đề nghị phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng, trong đó có trường hợp vợ liệt sĩ tái giá. Tuy nhiên, đã hơn ba tháng trôi qua, đến nay TP.HCM vẫn chưa nhận được câu trả lời. Dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27-7 năm nay, TP.HCM đang chuẩn bị trao tặng nhiều danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng, nhưng riêng những trường hợp tương tự như bà Trần Thị M. đành phải tiếp tục gác lại để... chờ hướng dẫn.
Lúc bảo được, lúc bảo chờ
Theo nghị định 56/2013 của Chính phủ, một trong những trường hợp được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng là mẹ “có một con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ”. Tuy nhiên khi áp dụng, cấp địa phương lại không biết giải quyết thế nào với những trường hợp thỏa đủ điều kiện trên nhưng người vợ liệt sĩ đã tái giá.
Tham khảo trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, chúng tôi thấy nhiều câu hỏi về vấn đề này, và cũng có nhiều câu trả lời khác nhau của Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH. Chẳng hạn với trường hợp bà L. là vợ liệt sĩ, đã tái giá nhưng không đăng ký kết hôn và có một con trai là liệt sĩ, Cục Người có công trả lời: bà thuộc diện xét tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng. Nhưng với trường hợp bà T. có chồng và một con là liệt sĩ, sau đó bà tái giá, Cục Người có công lại trả lời: đã gửi văn bản đến Ban thi đua khen thưởng trung ương đề nghị báo cáo Bộ Nội vụ, đề nghị sớm xây dựng thông tư hướng dẫn điều kiện, tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục phong tặng hoặc truy tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng.
Bạn click vào dòng nầy để nghe đầy đủ, vừa nhân văn vừa cảm nhận thiếu tính nhân văn…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn