Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

GS Trần Văn Khê_ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 6: Đem hồn dân tộc ra thế giới



GS Trần Văn Khê_ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 6: Đem hồn dân tộc ra thế giới
Các bà Quách Thị Hồ và Nguyễn Thị Phúc - Ảnh: T.L


VN hiện đã có 7 loại hình nghệ thuật và 2 loại hình tín ngưỡng dân gian được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. GS-TS Trần Văn Khê đã có công rất lớn trong việc “lên non xuống biển - đãi cát tìm vàng” để có được sự công nhận này.

Góp phần làm hồi sinh ca trù

Năm 1976, khi đất nước vừa mới thống nhất, GS-TS Trần Văn Khê đã vội về nước theo yêu cầu của Tổ chức UNESCO để ghi âm một loạt những loại hình nghệ thuật ở miền Bắc (quan họ, chèo, ca trù…) mà trước đây cơ quan này chưa bao giờ được biết tới.

Ở Hà Nội, với sự giúp đỡ nhiệt tình của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, ông đã tìm gặp các cụ bà vốn là ca nương ngày xưa như bà Quách Thị Hồ và Nguyễn Thị Phúc (mẹ của nữ nghệ sĩ ngâm thơ Trần Thị Tuyết). Các bà rất xúc động khi có dịp hát lại những bài ca trù xưa như Hồng Hồng Tuyết Tuyết (từ năm 1954 đến 1975 loại hình ca trù, tức “hát ả đào”, “hát cô đầu” không được phép hoạt động tại miền Bắc). Ông đã khen tiếng hát của bà Quách Thị Hồ là tuyệt vời, nhả chữ đổ hột rất nhuyễn, tiếng phách giòn tan... Ở Bắc Ninh, ông Khê ghi âm đêm hát quan họ giữa hai làng kết nghĩa Thị Cầu và Đắc Xá. Ông cũng lặn lội gặp gỡ các đoàn chèo... Không chỉ hoạt động ghi âm ở miền Bắc, ông còn gặp gỡ những nhân vật kỳ cựu của hát bội miền Nam như bà Năm Đồ, cô Ba Út, nghệ sĩ Thành Tôn... Chuyến về nước này, ông Trần Văn Khê đã ghi âm tổng cộng 50 cuộn băng cassette (loại 90 phút) nộp cho UNESCO. Cơ quan này chia thành 2 đĩa. Một đĩa gồm một mặt là quan họ, mặt kia là ca trù, đĩa còn lại là hát chèo. UNESCO in 2 đĩa này thành 400 bản gửi đi khắp thế giới (trong đó có các trường đại học ở Mỹ và các cơ quan văn hóa lớn của Pháp). Cũng từ đó, ca trù được hồi sinh tại VN. Năm 1983, tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế Bình Nhưỡng (CHDCND Triều Tiên), 1 trong 9 tiết mục xuất sắc nhất liên hoan chính là tiếng hát của cụ Quách Thị Hồ qua tiếng đàn đáy của anh Đinh Khắc Ban và tiếng trống điểm chầu của cụ Trúc Hiền (qua băng ghi âm), được cả hội nghị tán thưởng nhiệt liệt… Theo TNO_Sky+
ca trù tại Ý, GS-TS Trần Văn Khê ngồi giữa Chủ tọa đoàn - Ảnh: T.L

Chuyến đi nhớ đời

Không chỉ về nước sưu tầm để giới thiệu nhạc truyền thống VN với thế giới, Trần Văn Khê còn là tác nhân chính để liên kết, làm cầu nối và cổ xúy, khích lệ các nhóm âm nhạc dân tộc VN ở hải ngoại (Pháp, Bỉ, Mỹ, Canada, Úc, Hà Lan, Đức...).

Năm 2006, trong khuôn khổ của Liên hoan Quốc tế nhạc giao hưởng và nhạc jazz tại Torino (Ý) có chương trình Một cái nhìn về châu Á (mỗi năm liên hoan này mời 1 nước châu Á tham dự), đoàn VN được mời và GS-TS Trần Văn Khê là cố vấn cho ban tổ chức. Ông nói: “Lúc đầu người ta cứ nghĩ chỉ có nhạc cung đình và rối nước là đặc trưng của VN. Tôi đã góp ý nên có thêm chèo, ca trù (miền Bắc), cồng chiêng Tây nguyên, đờn ca tài tử và nhạc lễ (miền Nam). Ban tổ chức đã rất bối rối vì sợ không đủ kinh phí để mời bằng ấy đoàn, nhưng tôi đã thuyết phục là sẽ cố gắng tìm được những nghệ sĩ “đa năng”. Phía bắc có gia đình cụ Nguyễn Văn Mùi, cụ vừa cầm chầu (ca trù) lại vừa đánh trống đại cổ (chèo) và phụ họa cho chầu văn. Con gái cụ Mùi là Thúy Hòa là một ca nương rất giỏi mà vẫn khiêm mình làm cô hầu giá (ngồi quạt trong chầu văn), 2 con trai cụ Mùi là Nguyễn Văn Khuê đánh đàn đáy (ca trù) và Nguyễn Văn Tiến đánh đàn nguyệt (chầu văn). Ở phía nam chỉ có 7 người (nòng cốt là nghệ nhân Nhứt Dũng và 2 thạc sĩ âm nhạc Huỳnh Khải và Hải Phượng). Trước các buổi diễn, tôi giới thiệu bằng tiếng Pháp với cử tọa và khán giả. Ông Tổng lãnh sự Ý tại TP.HCM Caro Anzon dịch sang tiếng Ý (ông này đã ở VN 14 năm, nói tiếng Việt rất giỏi và có vợ người Việt). Riêng phần cồng chiêng Tây nguyên, do tôi không nắm rõ nên người giới thiệu là GS Tô Ngọc Thanh… Các bậc thức giả quốc tế ai cũng bày tỏ sự vui mừng, khâm phục và cám ơn VN về chất lượng của chương trình. Riêng tôi, ba bốn chục năm đi khắp thế giới giới thiệu về âm nhạc VN nhưng chỉ toàn “đơn thân, độc mã”, lần này tôi có một đoàn nghệ nhân bên cạnh và ai cũng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Đây là chuyến đi nhớ đời nhất khi đã vào cuối đời, đó là trời đất thương!”.


Ngoài đóng góp cho sự hồi sinh ca trù, với sự vận động của GS-TS Trần Văn Khê, chính phủ Nhật đã tài trợ trong việc phục hưng Nhã nhạc VN và đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (tháng 11.2003). 

Từ bệ phóng này, qua sự giới thiệu không mệt mỏi của GS-TS Trần Văn Khê (trực tiếp và gián tiếp), UNESCO đã dần dần công nhận những loại hình nghệ thuật sau đây là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên (2005), Dân ca quan họ (2009), Ca trù (2009), Hát xoan (2011), Đờn ca tài tử Nam bộ (2013), Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh (2014).

Hà Đình Nguyên_TNO


Mời các bạn xem thêm

Giáo sư TS Trần Văn Khê qua đời
Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 01: Sinh ra từ nôi ngũ cung
Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 02: Ước nguyện của GS-TS Trần Văn Khê
Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 03: Bản di nguyện
Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 04: Ước nguyện cuối đời
Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 05: 50 năm 'chim Việt nhớ cành nam'
Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 06: Đem hồn dân tộc ra thế giới
Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 07: Không mặc áo dài thì không biểu diễn
Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 08: Chiếc bóng bên đời người nhạc sĩ tài hoa
Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 09: Thầm lặng cho một tài hoa bay xa
Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 10: 'Tài tử xi nê' Trần Văn Khê
Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 11: Bóng hồng đầu đời và người tình một đêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template