Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 7: Không mặc áo dài thì không biểu diễn



Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 7: Không mặc áo dài thì không biểu diễn
GS Trần Văn Khê mặc áo dài khăn đóng trình diễn nhạc cổ truyền - Ảnh: tư liệu gia đình

Tuy sống ở châu Âu hơn nửa thế kỷ, vận âu phục đã là thói quen nhưng mỗi lần biểu diễn âm nhạc truyền thống VN trước công chúng châu Âu, GS-TS Trần Văn Khê lại trịnh trọng mặc áo dài, đội khăn đóng.


Phong kiến là tại cái đầu của mình

GS-TS Trần Văn Khê kể: “Tháng 10.1977, tôi đến Bratislava (Tiệp Khắc) dự hội nghị của Hội đồng quốc tế âm nhạc thuộc UNESCO, có cả anh Lưu Hữu Phước đại diện cho VN tham dự. Tôi được mời trình bày âm nhạc VN. Như thường lệ, tôi mặc áo dài khăn đóng. Anh Lưu Hữu Phước nói nhỏ: “Khê ơi, ở mấy nước tư bản muốn bận sao cũng được chứ ở đây Khê bận như vậy, người ta nói mình phong kiến”. Tôi trả lời nhẹ nhàng: Phong kiến là tại cái đầu của mình chứ không phải tại bộ đồ. Khi nghệ sĩ biểu diễn mặc trang phục áo dài khăn đóng trang trọng, tự nhiên người nghe cũng cảm nhận được tiếng đờn hay hơn. Anh Phước có lý khi nhắc nhở tôi. Tuy nhiên tôi vẫn giữ quan điểm của mình: Hễ nơi nào không cho tôi mặc áo dài khăn đóng là tôi không đờn! Năm 1978, ở Buôn Ma Thuột có tổ chức Đại hội Âm nhạc dân tộc ít người, anh Lưu Hữu Phước mời tôi tham dự. Tôi gặp tất cả các đoàn ca múa dân tộc M’nông,

Ê Đê, Gia Rai... Một hôm, vài người trong đoàn ca múa nói với tôi: “Bảo tao mặc quần thì tao đờn không có hay. Phải mặc khố đánh đờn mới hay!”. Tôi nói anh Phước phải tôn trọng tập tục của người ta, nhất là khi biểu diễn. Anh Phước tán thành. Quả nhiên khi các nhạc công đóng khố trên sân khấu, họ đã biểu diễn rất hay”.


GS Khê và con gái Thủy Ngọc giới thiệu nhạc VN tại Đại học Sorbonne (Pháp) năm 1968

Bất chấp tất cả những lời phê bình

Nói về bộ quốc phục truyền thống VN, GS-TS Trần Văn Khê kể tiếp: “Năm 1949, khi mới rời VN qua Pháp, mỗi khi giới thiệu một chương trình âm nhạc truyền thống VN, tôi đều mặc áo dài khăn đóng. Chỉ trừ khi đi đờn ở một hiệu ăn để kiếm tiền theo đuổi việc học thì tôi không mặc quốc phục. Bởi với tôi, lúc này đờn chỉ là mua vui cho thiên hạ. Thuở ấy đa số người VN muốn bỏ hình ảnh của người Việt thời thuộc địa, thấy tôi mặc áo dài, trăm người chỉ có một, hai người tán thành, còn lại thì phản đối... Tôi bất chấp tất cả những lời phê bình trong và ngoài nước, vẫn mặc áo dài khăn đóng mỗi khi biểu diễn nhạc dân tộc. Những lúc tôi biểu diễn cùng các con trai, con gái của tôi thì các con tôi cũng phải mặc quốc phục. Tháng 6.1958 tại thính đường của UNESCO, ban tổ chức giới thiệu nhạc cổ điển Đông - Tây. Trong chương trình có nhạc sư Yehudi Menuhin đờn violon những bài Sonate của J.S Bach, ông mặc lễ phục phương Tây, thắt nơ trắng. Nhạc sư Ấn Độ Ravi Shankar mặc lễ phục Ấn Độ, chơi đờn sitar. Nhạc sư Nhật Bản Yuize Shinichi mặc kimono đen. Hai nhạc sư Ba Tư là Ebadi đờn setar và Malec đờn santour đều mặc lễ phục Ba Tư. Còn tôi được mời biểu diễn âm nhạc truyền thống VN. Nếu tôi không mặc áo dài khăn đóng, bạn có thể tưởng tượng tôi sẽ xấu hổ tới đâu không?”.

Năm 1979, GS-TS Trần Văn Khê được Trường đại học Perth (Úc) mời thuyết giảng trong suốt 3 tuần về âm nhạc truyền thống VN. Trưởng ban tổ chức là Sir Franck Callaway đề nghị: “Buổi trình diễn đầu tiên sẽ có ban giám hiệu, toàn thể giáo sư và sinh viên của trường đến nghe. Tôi nghĩ, nếu giáo sư mặc quốc phục thì buổi diễn sẽ thêm phần long trọng”. Ông Trần Văn Khê trả lời: “Người Việt chúng tôi có câu Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục. Tôi đến đây mà ban tổ chức ước ao tôi mặc áo dài khăn đóng, tôi sẽ rất vui thực hiện lời ước đó”. Đúng ngày, cả đại giảng đường im phăng phắc khi Giáo sư Franck Callaway trịnh trọng giới thiệu: “GS-TS Trần Văn Khê thuyết trình về âm nhạc truyền thống VN”. Ông Khê từ hậu trường bước lên sân khấu trong trang phục áo dài khăn đóng, cúi chào cử tọa và sinh viên trong tiếng vỗ tay vang dội... Sau buổi giảng (minh họa bằng đàn kìm, đàn tranh), các giáo sư người Úc đã đến chia vui với GS-TS Trần Văn Khê, họ khen ngợi ông biểu diễn rất hay, trang phục rất “đậm đà bản sắc dân tộc”. Đặc biệt, có 4 người Việt đã đến siết tay GS Khê mà nói: “Thấy một người VN xuất hiện trên sân khấu trong trang phục áo dài khăn đóng, chúng tôi không cầm được nước mắt”.

Hà Đình Nguyên_TNO


Anh Phước có lý khi nhắc nhở tôi. 
“Tuy nhiên tôi vẫn giữ quan điểm của mình: Hễ nơi nào không cho tôi mặc áo dài khăn đóng là tôi không đờn!”

GS-TS Trần Văn Khê

Mời các bạn xem thêm

Giáo sư TS Trần Văn Khê qua đời
Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 01: Sinh ra từ nôi ngũ cung
Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 02: Ước nguyện của GS-TS Trần Văn Khê
Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 03: Bản di nguyện
Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 04: Ước nguyện cuối đời
Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 05: 50 năm 'chim Việt nhớ cành nam'
Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 06: Đem hồn dân tộc ra thế giới
Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 07: Không mặc áo dài thì không biểu diễn
Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 08: Chiếc bóng bên đời người nhạc sĩ tài hoa
Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 09: Thầm lặng cho một tài hoa bay xa
Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 10: 'Tài tử xi nê' Trần Văn Khê
Giáo sư Trần Văn Khê _ Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 11: Bóng hồng đầu đời và người tình một đêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template