Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024

Bé gái 14 tuổi ở Đồng Nai nhiễm ‘vi khuẩn ăn thịt người’



Bé gái 14 tuổi nhiễm vi khuẩn ăn thịt người đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bé gái 14 tuổi ở Đồng Nai nhiễm ‘vi khuẩn ăn thịt người’



Đồng Nai vừa ghi nhận ca mắc bệnh Whitmore (còn gọi là 'vi khuẩn ăn thịt người') ở bé gái 14 tuổi.

Ngày 3-9, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay đang điều trị cho bé gái T.T.D.M. (14 tuổi, ngụ huyện Xuân Lộc) nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" - gây bệnh Whitmore, một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm.

Đây là ca bệnh nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" đầu tiên ghi nhận ở Đồng Nai.

Trước đó, đầu tháng 8, bệnh nhi nổi hạch ở vùng cổ và được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám.

Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán viêm hạch, gia đình lấy thuốc về cho bệnh nhi uống.

Tuy nhiên sau đó tình trạng bệnh nhi vẫn không đỡ, vùng cổ phải xuất hiện áp xe phần mềm. Gia đình đưa bệnh nhi vào bệnh viện mổ lấy hạch, lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm.

Đến ngày 29-8, kết quả xét nghiệm của cả 3 bệnh viện (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM) đều cho thấy bệnh nhi dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei - vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai - cho biết sau thời gian điều trị, tình trạng của bệnh nhi đã ổn định.

"Hiện sức khỏe bệnh nhi ổn, chờ điều trị đủ liều kháng sinh thì bệnh nhi có thể xuất viện", bác sĩ Nghĩa nói.

Bệnh viện đã bố trí cho bệnh nhi điều trị tại khu cách ly riêng, hạn chế thăm nuôi để tránh lây nhiễm. Cũng theo bác sĩ Nghĩa, bệnh nhi nhiễm bệnh từ cộng đồng, có thể từ môi trường đất.

Theo người nhà bệnh nhi, trước khi phát hiện bệnh, D.M. ở nhà, không đi khỏi địa phương. Hằng ngày D.M. đi học ở gần nhà.

Sau khi ghi nhận ca bệnh, ngành y tế Đồng Nai đã tiến hành phun khử khuẩn trong nhà, xung quanh nhà bệnh nhi. Đồng thời lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhi để theo dõi sức khỏe.

Đến nay người thân trong gia đình và bạn học của bệnh nhi chưa phát hiện triệu chứng bất thường.


Tỉ lệ tử vong do "vi khuẩn ăn thịt người" trên 30%

Bệnh Whitmore (còn gọi là "vi khuẩn ăn thịt người") là một bệnh lý nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Bệnh có tỉ lệ tử vong trên 30%, nhất là các trường hợp sốc nhiễm khuẩn và viêm phổi nặng.

Bệnh thường xâm nhập vào cơ thể người qua da bị trầy xước. Những người thường xuyên tiếp xúc với đất và nước bị nhiễm vi khuẩn nhưng không sử dụng bảo hộ lao động nguy cơ cao mắc bệnh này.

Ngoài ra, người mắc bệnh còn do hít phải những hạt bụi hay uống nước, ăn những thực phẩm có chứa vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Tuy nhiên, việc lây truyền từ người sang người hay truyền từ động vật sang người cực kỳ hiếm gặp.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn có thể gây nhiều thể lâm sàng khác nhau như viêm phổi; nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn; nhiễm khuẩn da mô mềm: áp xe dưới da, mụn mủ, viêm mô tế bào; áp xe đa cơ quan: áp xe gan, lách, thận, tuyến mang tai... Tổn thương da dạng loét, hoại tử một hoặc nhiều nơi trên cơ thể.

Đến nay, bệnh Whitmore vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nguồn nước bị nhiễm khuẩn bằng cách sử dụng đồ bảo hộ lao động như mang găng tay, đi ủng…


Hai bệnh nhi ở Quảng Trị bị nhiễm ‘vi khuẩn ăn thịt người’

Bệnh viện Trung ương Huế vừa điều trị cho hai bệnh nhi ở Quảng Trị bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore (hay còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người).


Ảnh hiển vi điện tử có màu của vi khuẩn Burkholderia pseudomallei - Ảnh: Eye of Science

Sáng 7-8, bà Lê Thị Lan Hương, phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết bệnh viện vừa điều trị cho hai bệnh nhi ở Quảng Trị bị nhiễm vi khuẩn Whitmore (vi khuẩn ăn thịt người).

Cách đây hơn 10 ngày, bệnh nhi Nguyễn L.D.H. (18 tháng tuổi, ở Hải Lăng, Quảng Trị) có khối nhọt bên dưới tai trái sưng đỏ kèm theo sốt. Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã xẻ khối sưng để lấy mẫu, đưa đi xét nghiệm sinh thiết.v Kết quả phát hiện vi khuẩn Burkhoderia Pseudomallei (vi khuẩn gây bệnh Whitmore). Bé H. được điều trị kháng sinh tĩnh mạch theo kháng sinh đồ trong 2 tuần. Sau đó bé H. được cho xuất viện và về nhà điều trị ngoại trú.

Bệnh nhi thứ 2 mắc "vi khuẩn ăn thịt người" là bé Trịnh N.N. (7 tháng tuổi, ở Cam Lộ, Quảng Trị). Trước khi nhập viện 5 ngày, bé N. sốt cao liên tục, đi cầu phân lỏng 6-7 lần/ngày kèm thở nhanh, khó thở.

Bé N. được đưa vào một bệnh viện ở TP Đông Hà (Quảng Trị) điều trị với chẩn đoán viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, không đỡ sốt, thở nhanh, khó thở.

Sau đó bé được chuyển viện vào Bệnh viện Trung ương Huế. Kết quả xét nghiệm tại đây cho thấy bé cũng bị nhiễm khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây bệnh Whitmore.

Bé N. đã được điều trị kháng sinh tích cực và tình trạng bệnh thuyên giảm. Hiện bé vẫn đang được điều trị tại bệnh viện.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Văn Hùng, giám đốc Sở Y tế Quảng Trị, nói hiện cơ quan y tế địa phương đã khoanh vùng dịch tễ và khuyến cáo người dân ở hai khu vực có người nhiễm bệnh Whitmore giữ gìn vệ sinh để tránh lây lan.

"Khuẩn này tồn tại chủ yếu trong môi trường đất, nước. Khi da có vết xước vi khuẩn này sẽ xâm nhập cơ thể qua việc tiếp xúc với đất, nước nhiễm khuẩn, chứ không lây như các bệnh truyền nhiễm thông thường.

Nên cơ quan y tế chỉ khuyến cáo người dân cẩn trọng khi tiếp xúc với đất và nước bẩn khi có vết thương hở", ông Hùng nói.


Đến bệnh viện 3 lần, người đàn ông mới phát hiện nhiễm 'vi khuẩn ăn thịt người'

Sau khi ho nhiều, sốt rét đến 40 độ kèm đau vùng thắt lưng, ông Đ.V.N. (60 tuổi, tỉnh Hải Dương) đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương khám và được chẩn đoán mắc "vi khuẩn ăn thịt người" - gây bệnh Whitmore, một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm.


Ông N. được chẩn đoán mắc bệnh Whitmore - một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm - sau 3 lần đến bệnh viện - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sáng 24-6, theo tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, trước khi đến bệnh viện thăm khám, ông N. đã đến 2 cơ sở y tế khám và điều trị nhưng không đỡ, không tìm được căn nguyên sốt.

Sau đó, ông tự đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương để điều trị trong tình trạng đau cơ vùng thắt lưng và khớp vai phải tăng dần, kèm sốt cao không rõ nguyên nhân, mệt mỏi nhiều.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện khớp vai có viêm và áp xe cơ dưới vai, viêm xương, viêm mủ khớp vai phải. Cấy máu cho ra kết quả mắc vi khuẩn Whitmore, là một bệnh lý nhiễm trùng ở người và động vật có tên khoa học vi khuẩn Burkholderia pseudomallei - hay còn được biết đến với tên gọi "vi khuẩn ăn thịt người".

Ông N. cho hay thời gian qua ông không đi đâu ngoài tỉnh Hải Dương. Ngoài ra, ông bị tiểu đường từ 4 năm nay và đã phải tiêm insulin 1 năm trở lại đây.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Long, phó trưởng khoa nhiễm khuẩn tổng hợp bệnh viện, chia sẻ khu vực Hải Dương không thường xuyên báo cáo ca bệnh Whitmore.

Tuy nhiên, bệnh có thể xảy ra tản phát ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài ra, đây là một bệnh khó chẩn đoán, có biểu hiện lâm sàng đa dạng, không điển hình nên cũng dễ bị bỏ sót, chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác.

Bệnh có thể diễn biến cấp tính, nhiễm trùng máu nặng, nguy kịch, tử vong, hoặc có thể gặp nhiễm trùng mãn tính, nhiễm trùng ẩn, kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

"May mắn, vi khuẩn trên bệnh nhân còn nhạy cảm với một số kháng sinh đặc hiệu để điều trị vị khuẩn này. Sau thời gian bệnh nhân nằm viện điều trị, về nhà bệnh nhân còn phải uống thuốc 3-4 tháng.

Cho đến nay, sau thời gian điều trị tích cực, các triệu chứng, biến chứng kèm theo của người bệnh đã có chiều hướng cải thiện rõ rệt, bệnh nhân đã cắt sốt, được hội chẩn chuyên khoa ngoại chấn thương của bệnh viện để cân nhắc phẫu thuật làm sạch ổ viêm", bác sĩ Long cho hay.

Theo bác sĩ Long, bệnh Whitmore là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn.

Bệnh Whitmore sẽ thường xuyên gặp trên những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mãn tính, suy giảm miễn dịch… Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore.

Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chín…


Chủ động phòng bệnh Whitmore

Bác sĩ Long khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh Whitmore như sau:

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông gần nơi bị ô nhiễm.

- Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn. Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng.

- Ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

Đặc biệt đối với những người có bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.


Nguồn: Bé gái 14 tuổi ở Đồng Nai nhiễm ‘vi khuẩn ăn thịt người’

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. Những người bạn của Sky+ - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template