
Lực lượng chức năng vượt rừng, truy bắt kẻ sát nhân
12 ngày đêm theo dấu "người rừng" (Kỳ 1): "Người rừng" xuất hiện
Hơn 23 năm trước, một vụ án mạng đã gây xôn xao dư luận tại tỉnh Lâm Đồng. Sau khi giết người, phi tang, kẻ sát nhân đã trốn lên núi làm "người rừng". Cứ mỗi đêm, hắn lại mò về xóm làng bắt các gia đình phải cung phụng cơm, rượu. Một phụ nữ vì quá căm ghét "người rừng" đã pha thuốc ngủ vào canh và rượu "cúng" cho hắn. Nhưng "người rừng" đã tinh khôn thoát khỏi cạm bẫy. Công an huyện Đạ Tẻh và Công an tỉnh Lâm Đồng tung lực lượng "giăng lưới" suốt 12 ngày đêm mới bắt được hắn. Trong cuộc đấu tranh chống tên tội phạm hung dữ này, các cán bộ chiến sĩ công an đã chịu biết bao gian khổ, hiểm nguy.
Ở huyện Đạ Tẻh - Lâm Đồng có một hồ nước lớn, đường kính ước chừng cũng hơn 1km. Hồ nằm giữa vùng đồi núi, giáp với những cánh rừng rậm trùng điệp. Ngày 19/8/2000, trên mặt hồ xuất hiện một "vật thể lạ”, đó là một khối tròn như bong bóng nổi nhấp nhô. Một số ngư dân làm nghề giăng câu, chài lưới đã thử kéo cái "bong bóng" căng tròn ấy lên và... phát hiện bên trong là một xác người. Khi cơ quan điều tra đến khám nghiệm hiện trường, bỗng nghe "xòa", "thịch"... Từ trên tán cây rậm rạp gần đó, một bóng đen vạch lá cây nhảy xuống, chạy thục mạng vào rừng sâu. Tổ trinh sát đã lao theo dấu vết của bóng đen bí ẩn. Nhưng trời gió mưa lạnh cóng, đói khát, muỗi vắt, gã "người rừng" nhanh chóng khuất dạng vào trời đêm nhá nhem, mù mịt...
Cùng thời gian đó có một thiếu phụ cứ mỗi lần nhìn thấy ánh trăng soi qua liếp cửa lại rùng mình sợ hãi. Còn những người sống ven hồ Đạ Tẻh thì ngậm ngùi tiếc thương cho số phận ngắn ngủi của một anh dân chài vui tính, đào hoa, từng lênh đênh với cuộc sống lãng tử trên mặt hồ.
Ngày 21/9/2000, ba ngành Công an - Viện kiểm sát - Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã họp bàn, thống nhất đưa vụ án trên vào diện án điểm để tập trung lực lượng nhanh chóng kết thúc điều tra, truy tố, xét xử kịp thời nhằm chặn đứng dư luận xấu nảy sinh.
Trước đó, khi đang cùng tập thể CBCS dự cuộc họp kỷ niệm ngày 19/8/2000, Trung tá Lê Diễn - Trưởng phòng CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng nhận tin báo từ Công an huyện Đạ Tẻh. Nội dung cho biết, quần chúng vừa phát hiện trên vùng hồ Đạ Tẻh một xác người. Có nhiều dấu hiệu cho thấy nạn nhân đã chết do tác động của ngoại lực và kẻ thủ ác đã dùng nhiều biện pháp để thủ tiêu các tang chứng. Đánh giá đây là vụ trọng án phức tạp, Công an huyện Đạ Tẻh đề nghị các cơ quan điều tra cấp tỉnh chỉ đạo nghiệp vụ và tham gia làm rõ.
Trung tá Lê Diễn cùng một số bộ phận nghiệp vụ tức tốc lên xe về Đạ Tẻh (cách TP.Đà Lạt hơn 200km). Khi đến được hiện trường thì trời đã tối, dù rừng núi thiếu các phương tiện chiếu sáng, nhưng đoàn công tác vẫn phối hợp với Công an huyện Đạ Tẻh tiến hành khám nghiệm hiện trường. Lúc này, "dị vật" đã được vớt lên bờ hồ. Đó là 2 cái bao nylon (dùng đựng nông sản, loại 50kg/bao) được trùm vào một xác người. Một bao trùm từ đầu xuống và bao kia kéo từ dưới chân lên, phần nối 2 bao được cột bằng dây thừng. Chiếc bao thứ 3 chứa khoảng 50kg đất đá, cột dưới chân nạn nhân.
Từ những dấu vết của hiện trường, CQĐT nhận định, có thể hung thủ sau khi giết người đã cột xác vào bao đất, dùng phương tiện chở ra giữa hồ ném xuống. Lúc đầu bao đất nặng, kéo xác nạn nhân chìm. Nhưng sau một thời gian, xác bắt đầu phân hủy, các phản ứng sinh hóa từ tử thi đã sinh ra các loại khí làm căng 2 bao nylon và biến chúng thành cái phao kéo ngược bao đất nổi lên mặt nước. Nạn nhân được xác định là một người đàn ông tầm vóc trung bình, khoảng 40 tuổi, trên người không có quần áo và đã chết trước đó khoảng 10 ngày.
Tất cả các vụ án mạng, giữa nạn nhân và hung thủ luôn có mối quan hệ. Nếu đã có hung thủ thì có thể xác định được nạn nhân. Nhưng trong trường hợp này, nạn nhân không giấy tờ tùy thân, không y phục, biến dạng, rất khó xác định; còn tung tích hung thủ lại càng mờ mịt...
Trước thực tế gay go như vậy, trong lúc nhiệm vụ yêu cầu là phải nhanh chóng phá án, truy bắt tội phạm, nên lực lượng có mặt ở hiện trường thống nhất xin ý kiến Ban giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng thành lập Ban chuyên án (BCA). Sau khi được sự nhất trí của cấp trên, BCA được thành lập với thành phần: Trung tá Lê Diễn - Trưởng phòng CSĐT CA tỉnh Lâm Đồng, Phó thủ trưởng thứ nhất Cơ quan CSĐT CA tỉnh Lâm Đồng làm Trưởng ban chuyên án; Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải - Trưởng CA huyện làm phó ban; thành viên là lực lượng của các phòng, đội nghiệp vụ CA tỉnh và CA huyện Đạ Tẻh...

Hồ Đạ Tẻh, nơi phát hiện xác nạn nhân nổi lên
Theo chỉ đạo của BCA, nhiều mũi trinh sát được tung vào các thôn làng nằm ven hồ để nắm tình hình. Một số mũi khác được điều động rà soát lại khắp các bìa rừng hướng ra mặt hồ, nơi phát hiện tử thi. Trong một lần như vậy, một tổ công tác vào lúc sẩm tối đã "đụng" phải một người lạ trong rừng. Hình như hắn đang theo dõi hoạt động của tổ này bằng cách leo lên một cây lớn, núp trong tán lá rậm rạp quan sát. Trong lúc di chuyển trên cây, hắn sơ ý đạp trúng một nhánh cây khô và... "rắc". Tiếng động làm nhiều người có mặt ở đó cùng ngước mắt lên. Kẻ lạ mặt kia tỏ ra rất quen với đời sống leo trèo, đu lượn, nên khi mọi người vừa "a" lên một tiếng kinh ngạc, thì hắn đã nhanh như khỉ, chuyền sang một nhánh cây thấp hơn, buông mình rơi thịch xuống đất. Khi mọi người chạy đến vị trí đó thì chỉ còn ít cỏ lá bị ngã rạp, gã "người rừng" đã biến mất.
Trời mưa lắc rắc, trong rừng lại tối nên không ai kịp nhìn rõ mặt "người rừng", chỉ biết hắn to cao, nhanh nhẹn... BCA nhận định, dứt khoát kẻ sống trong rừng đó có liên quan đến vụ trọng án này và ra lệnh điều thêm lực lượng, chia làm nhiều tổ, chốt chặn nhiều vị trí trong rừng.
Cùng thời gian đó, các tổ trinh sát nắm tình hình trong dân cũng xác định được một vấn đề quan trọng: anh Duy (SN 1960, quê Hà Tây, ngụ thôn 2, xã Dạ Cộ, huyện Đạ Tẻh) vốn làm nghề giăng câu, chài lưới trên hồ Đạ Tẻh, mất tích hơn 10 ngày nay (tên các nhân vật trong loạt bài đã được đổi). Thông tin về sự mất tích của anh Duy lập tức được BCA đặc biệt quan tâm. Anh Duy đã có vợ, 2 con ở quê (Hà Tây), nhưng mấy năm nay vợ chồng chia tay nhau, Duy bỏ vợ con, một mình vào Đạ Tẻh lập nghiệp.
Tại đây, anh Duy sống với một phụ nữ khác và có thêm một đứa con. Anh thuộc diện nghèo và phóng túng. Anh có một cái chòi nằm ở sườn đồi bên bìa hồ thủy lợi Đạ Tẻh. Hàng ngày anh vào rừng chặt lồ ô về chẻ ra làm tăm xỉa răng bán, hôm nào kiếm được thêm mớ nấm mèo, vài nhành phong lan thì đem ra chợ đổi được bữa rượu. Anh nghiện rượu nặng, gần như dùng rượu thay cơm. Gần đây, tài sản của anh được bổ sung thêm chiếc ghe ọp ẹp. Anh hay chèo ghe đi ngao du khắp vùng hồ có chiều ngang hơn 1km và dài khoảng 7 - 8km. Thấy anh hiền, có tí rượu vào là vui như hội, nghêu ngao hát suốt nên bà con làm nghề cá trên hồ cũng thích anh.
Lúc đầu, thỉnh thoảng họ cho vài con cá nhỏ, sau chia bớt cho anh vài đoạn lưới cũ rách. Anh tẩn mẩn ngồi vá lại. Mớ lưới rách trở nên hữu dụng, nhờ đó anh kiếm được con cá con tôm, lại có lý do để trở thành ngư dân - cũng ghe, cũng lưới, cũng lênh đênh ngụp lặn suốt ngày trên hồ. Duy thích hát, rượu vào hát càng dữ. Có anh, vùng hồ bớt cô quạnh.
Từ chân đập của hồ Đạ Tẻh đi sâu vào khoảng 1km có một cái ốc đảo nhỏ khoảng vài trăm mét vuông, trên đảo có một gia đình sinh sống. Gia đình này có người chồng tên Ngô (SN 1971), vợ là một phụ nữ gầy yếu tên Lê (SN 1970). Ngô cũng là người Hà Tây vào đây lập nghiệp và cũng thuộc loại có thể uống rượu thay cơm ngày này sang ngày khác. Ngô đen nhẻm, đầu húi cua, có rượu vào càng dữ tính.
Mới 30 tuổi, Ngô đã trải qua 3 đời vợ, đời nào cũng phải ăn đòn bầm dập mỗi khi hắn say sưa. Ngoài những trận đòn đó, cô Lê - người vợ thứ 3 này còn được Ngô tặng cho 3 đứa con gái và nỗi hậm hực triền miên vì không đẻ được con trai cho hắn. Vợ chồng Ngô có hộ khẩu ở xã Mỹ Đức, Đạ Tẻh, nhưng Ngô đem vợ con ra ốc đảo giữa lòng hồ, cất một cái chòi cỡ 10m2 sống cho tiện nghề giăng câu bắt cá và tiện luôn việc đánh đập, hành hạ vợ con mà xóm làng không biết.
Do cùng quê, cùng cảnh nhiều vợ, cùng nghề sông nước, cùng sở thích uống rượu thay cơm nên Ngô và Duy làm quen rồi dần dần thân thiết với nhau. Duy còn vợ sống ở xã Dạ Kho, tính thích lang thang nên có khi vài tháng mới về nhà một lần, nhưng lại thường xuyên ghé thăm chòi của Ngô trên đảo, góp con cá, con cua làm mồi nhậu. Rồi bỗng dưng dân thuyền chài trên hồ không còn gặp Duy nữa, không thấy Duy cà rà đến xin cá, tôm và cũng vắng luôn tiếng hát vang trên sông nước.
Người ta cứ nghĩ Duy chán đời sống hải hồ, quay về với vợ con trong xã Dạ Kho nên không ai để ý; còn vợ con Duy vẫn nghĩ chồng mình lang thang đâu đó nên cũng không quan tâm, tìm hiểu. Đến khi CQĐT xoáy vào vấn đề này và áp dụng thêm vài biện pháp xác minh nữa thì đủ cơ sở khẳng định xác chết dưới hồ là thi thể của Duy. Cả vùng đó ai cũng biết Duy với Ngô là bạn thân. Ngô nổi lên giữa những đối tượng nghi vấn...
12 ngày đêm theo dấu "người rừng" (Kỳ 2): Sự đe dọa của "người rừng"
Mối quan hệ khá đặc biệt với nạn nhân là anh Duy đã làm Ngô nổi bật lên giữa những đối tượng nghi vấn. Ngô cũng thừa biết, nên trước khi giới hạn an toàn về mặt tâm lý không còn nữa, hắn đã rút chạy vào rừng. Trước khi đi hắn kịp mang theo một con dao sắc bén, dài nửa sải tay. Đây là thứ vũ khí mà Ngô có thể chống thú dữ, đào các loại củ, rễ trong rừng để sống, mở đường lúc bị vây khốn và đe dọa được người khác lúc xuống làng kiếm cơm ăn, rượu uống.
Trước đó, vài người đi rừng đã gặp hắn trong núi. Hắn nhồm nhoàm nhai lá cây, nước bọt xanh lè ứa ra bên khóe. Hắn vung dao hét lên: "Tao phải giết thêm vài đứa nữa rồi mới chịu làm con ma rừng...".
Tờ mờ sáng 19/8/2000, sự phát hiện về Duy đã làm xôn xao dư luận xã Mỹ Đức. Trên các đường thôn, đường xã, người người tụ tập bàn tán. Ngô có thái độ không bình thường, cứ lê la vào chỗ đám đông hỏi han rối rít về vụ xác chết. Trong lúc mọi người khẳng định đó chính là Duy thì Ngô lại cố giải thích ngược lại: "Không phải ông Duy mà, ông ấy đâu mập mạp được như vậy...".
Đến 8 giờ cùng ngày, qua dư luận quần chúng và một số tình tiết như: cách đây hơn 10 ngày, một số ngư dân ở xã Quảng Trị vào lòng hồ đánh cá, vào một đêm khuya người ta nghe tiếng kêu thét hãi hùng từ hòn đảo nơi gia đình Ngô cư ngụ. Một người dân có chòi cá ở đầu đập nước con khẳng định: đêm 11/8/2000 sau khi uống rượu với anh ta xong, Duy chèo xuồng về phía đảo. Khi được hỏi đêm tối còn đi đâu, Duy cười khà khà: "Sang chơi nhà thằng Ngô”. Đến sáng ra thì Duy biến mất luôn, không còn thấy nữa.
Đặc biệt nhất là từ khi phát hiện xác anh Duy, Ngô tự nhiên giở trò điên đảo, đốt sạch những gì còn sót lại, sau đó dùng xuồng đưa vợ con về thôn 7 cất chòi ở... Với tất cả những nghi vấn đó, lực lượng điều tra quyết định bắt khẩn cấp Ngô để làm rõ vấn đề. Thế nhưng khi triển khai phương án này thì hắn đã chạy trốn.
Ngô có khá đông những người thân quyến như mẹ, anh, em, vợ ở rải rác các thôn thuộc xã Mỹ Đức. Lúc này mới là sáng 19/8/2000, Công an tỉnh vừa nhận được tin báo, chưa kịp điều động lực lượng xuống chi viện nhưng huyện Đạ Tẻh đã có sẵn cơ sở vững chắc cho công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Theo chỉ đạo của CA huyện, nhiều mũi trinh sát kết hợp CA các xã, hệ thống an ninh nhân dân ở các thôn làng triển khai phong tỏa tất cả các nẻo đường, vây chặt những nơi Ngô có khả năng lẩn trốn.
Theo nguồn tin cơ sở, hắn vừa xuất hiện nghe ngóng dư luận ở một số gia đình dọc đường vào lòng hồ cách đây chỉ mười phút. Như vậy, hắn chưa thể đi xa. Nếu có trốn, hắn chỉ có thể quanh quẩn trong các thôn hoặc chạy ra trảng rừng sau lưng các xóm. Nhận định này là hoàn toàn chính xác khi một mũi dân quân đang truy quét ở vùng rừng thuộc thôn 7 đã đụng Ngô. Hắn nấp trên cây, khi bị phát hiện thì bươn rừng lẩn thật nhanh...

Địa bàn xảy ra vụ án sau hơn 20 năm (ảnh sưu tầm)
Lần bắt hụt này đã nảy sinh nhiều vấn đề, Ngô trở thành nỗi ám ảnh, sợ hãi của các gia đình sống ven rừng. Trong một lần rời chỗ ẩn nấp trên rừng xuống cưỡng bức một gia đình cung cấp thức ăn, Ngô đã đe dọa rằng: "Chính ông giết thằng Duy đấy. Đứa nào báo CA, ông biết được sẽ giết cả nhà bây!".
Bản chất hung dữ của hắn xóm làng ai cũng biết, vả lại hắn vừa gây ra trọng án và hiện đang bị dồn đến đường cùng nên nghĩ đến hắn bà con ở ven rừng đều khiếp sợ. Nỗi sợ tên "người rừng" này đã làm thay đổi sinh hoạt vốn rất bình yên ở thôn 6, Mỹ Đức, Đạ Tẻh. Nhiều gia đình vốn sống bằng nghề rừng như chặt lồ ô, khai thác song mây, lấy củi, đốt than... nay không thể kiếm cơm bằng nghề này được nữa.
Người ta sợ vào rừng, sợ giữa rừng vắng đụng đầu với tên "người rừng" hung hãn, có vũ khí. Vì thế, cuộc sống của những gia đình nghèo càng thêm khó khăn. Họ khiếp sợ Ngô đến mức từ 16 giờ mỗi ngày, các gia đình đã gom hết phụ nữ, trẻ con, người già vào một chỗ ngủ tập trung. Đàn ông, thanh niên chia theo ca trực suốt đêm. Họ lập hàng rào phòng thủ, chuẩn bị khí giới cùng những công cụ gõ đập phát âm thanh lớn để đề phòng những cuộc tập kích điên dại, bất ngờ của "người rừng".
Vì thế cứ mỗi chiều, các thôn xóm ven rừng lại trở nên vắng vẻ, đìu hiu; còn ban ngày, một tiếng động lạ, tiếng chó sủa vu vơ cũng đủ làm mọi người hoảng hốt. Nỗi lo của họ không phải là vô cớ. Có người đi lấy củi đã đụng phải Ngô trong rừng. Họ kinh sợ tháo chạy thục mạng.
Một lần khác, vào ngày 30/8/2000, mới sáng sớm Ngô đã xuất hiện trước căn nhà của vợ chồng bà X.
Người chồng ở trên giường vừa đặt một chân xuống đất sợ quá không đứng dậy nổi. Bà vợ đang nhóm bếp cũng thất kinh té luôn vào "ông táo". Ngô thấy vậy càng đắc chí gầm lên:
- Có chịu nấu cơm cho ông ăn không? (Hắn chặt con dao vào cột nhà nghe phập), hay là để ông giết cả nhà mày?
Người vợ lắp bắp năn nỉ, Ngô ra thực đơn:
- Cơm chiều đấy nhé, phải có một món canh, món xào, món mặn, một lít rượu! Nhớ là ông kén ăn lắm đấy!
Nói xong hắn nhún vài bước đã mất dạng ở cửa sau. Hai vợ chồng sợ quá dìu nhau đứng lên, khi đã hoàn hồn mới thì thầm bàn tính. Người vợ muốn ra báo công an xã, ông chồng một mực không chịu, bảo:

Lực lượng chức năng băng rừng, vượt núi truy tìm kẻ giết người (ảnh ST)
- Coi như "cúng" cho hắn một bữa. Ra báo xã, lỡ hắn biết được thì khốn!
Chị vợ theo lời chồng, chạy vạy vay mượn được mấy chục ngàn đồng tất tả ra chợ. Chị mua cá nấu canh chua, thịt bò xào cải xanh, miếng thịt gà đủ ram mặn một dĩa nhỏ. Chị gặp mấy người quen ở chợ, họ kinh ngạc về bữa chợ hào phóng của chị nên xúm lại hỏi:
- Hôm nay nhà có đám giỗ sao?
Chị vốn không quen nói dối nên lúng túng, người kia tra gặng một hồi thì chị đành khai thật là "người rừng" trên núi xuống, yêu cầu phải "cống nạp" một bữa cơm rượu tử tế. Lúc này, câu chuyện về Ngô đã bước sang ngày thứ 11, là vấn đề thời sự nóng hổi nhất của cư dân vùng này. Vì vậy, khi nghe chị X. - một phụ nữ nghèo, tằn tiện phải đãi tên Ngô như làm đám giỗ, chị kia cũng căm tức, nói luôn suy nghĩ của mình:
- Hôm nay nhà bà, biết đâu ngày mai lại đến lượt tôi. Chi bằng ta khử nó trước đi.
Chị X. tỏ vẻ lo lắng:
- Chồng tôi không chịu, cứ sợ công an bắt hụt nó, nó trả thù cả nhà. Nhà tôi lại ở ngay chân núi, lo lắm!
Chị kia chụm đầu, nói nhỏ mấy câu vào tai chị X, chị gật gật tỏ ra phấn khởi...
Từ chợ về, chị X. nấu một nồi cơm trắng (thường ngày, nồi cơm nhà chị vẫn độn khoai, mì) và một mâm thức ăn bốc mùi thơm phức. Đạ Tẻh đang vào mùa mưa bão, ngó mâm cơm chị lại lo "người rừng" không xuống núi được. Đến lúc trời nhá nhem tối, mưa vẫn còn nặng hạt, chị X. ngồi canh mâm cơm, anh chồng chắp tay sau lưng đi tới đi lui tỏ vẻ sốt ruột. Bỗng nghe một tiếng đằng hắng, anh ta quay ra cửa bếp đã thấy "người rừng" với đầu tóc húi cua, áo sơ-mi nâu, quần tây màu đen lách vào nhà. Vẫn như hôm trước, trên tay hắn cầm chặt cán dao rừng. Hắn vẫn tỏ ra rất lanh lợi, khịt khịt mũi:
- Nấu nướng như thế là tốt. Cả nhà có bao nhiêu đứa ra hết cả đây cho ông điểm danh. Không thì lúc ông đang chén, một đứa lẻn đi báo công an, ông lại dở bữa rượu... Ra hết đây!
Những người trong nhà líu ríu bước ra. Hắn để mâm cơm giữa nhà, thong thả bới cơm ra chén, vừa ngấu nghiến nhai vừa gật gù như một ông lớn:
- Nhà này được, ông coi như bạn!
Chị X. nhìn hắn ăn mà hồi hộp. Chị thầm cầu nguyện cho hắn chiếu cố đến món canh hoặc hớp một cốc rượu. Hai thứ đó theo lời dặn của người bạn gặp ngoài chợ, chị đã giấu chồng lén cho khá nhiều thuốc ngủ vào. Chỉ cần hắn lăn quay vì thuốc, chị sẽ lấy những sợi dây thừng bó củi đã chuẩn bị sẵn, trói tay chân hắn lại. Lúc đó, dù không muốn vì nhát gan, chồng chị chắc chắn sẽ vào phụ trói hắn cho chặt hơn. Sau đó, chị sẽ gõ thùng thiếc la làng, bà con kéo đến bắt tên "người rừng" giao cho xã. Thế là xong đời kẻ thích làm chuyện ác...
Nghĩ đến đó chị thấy thật hả dạ! Thế nhưng thật kỳ lạ, dù rất đói tên Ngô cũng không chịu rớ vào tô canh chua thơm ngát. Cả xã này ai ai cũng biết hắn là con sâu rượu, mở mắt ra đã nốc rượu, bao lâu nay trốn trong rừng lại càng thèm rượu, mưa lạnh thế này cơn thèm phải lên gấp bội. Thế sao hắn lại không chịu đụng đến tô canh, chai rượu. Khi hắn buông đũa, đưa tay áo quẹt mồm và thở khà vì no nê, khoái trá, chị X. hết sức thất vọng và cũng chẳng còn kiên nhẫn nên đánh liều hỏi:
- Canh dở lắm hay sao ông không ăn?
- ...
- Sao ông không uống một ngụm rượu cho ấm?
- ...
Ngô không trả lời vì đang bận cạy thức ăn bám trong kẽ răng bằng những móng tay dài, cáu bẩn. Không khí trong căn nhà nhỏ giữa nơi heo hút, vắng lặng và bóng đêm bao trùm này thật ngột ngạt. Bất ngờ Ngô nhổm lên, nghiêng đầu nghe ngóng. Rõ ràng là có tiếng sột soạt của người mặc áo mưa đang di chuyển. Sau đó là tiếng... "oạch" của một người nào đó bị té phía sau nhà. Ngô kẹp con dao rừng vào nách, lao nhanh như con thú bị rượt đuổi, mất hút vào bóng đêm và cơn mưa rừng tầm tã...
12 ngày đêm theo dấu "người rừng" (Kỳ 3): Trò nghi binh của kẻ sát nhân
Thật lạ lùng, dù là kẻ nghiện thuộc hàng "thánh tửu" nhưng trong bữa cơm với đầy những thức ăn ngon tại nhà vợ chồng chị X, Ngô không hề đụng đến một giọt rượu. Đánh liền tù tì một chầu no nê, Ngô dỏng tai ngồi nghe ngóng và phát hiện có âm thanh lạ như tiếng người đang rón rén phía sau vách lá, lẫn trong tiếng mưa đêm. Thấy động, Ngô chụp lấy con dao rồi lao nhanh theo lối cửa sau, trong chớp nhoáng đã mất dạng. Thì ra, khi hắn vừa xuất hiện ở nhà chị X, một người dân đã tình cờ thấy được và báo cho một tổ công an đang mai phục ở thôn bên cạnh...
Các anh công an bất chấp mưa gió, khó khăn vì di chuyển ban đêm trên đường rừng. Mỗi chiến sĩ công an quấn tạm bợ một mảnh nylon, đi chân đất, quần xắn quá gối chạy băng băng suốt 5 - 6 cây số để đến nhà chị X. nơi chân núi. Khi áp sát mục tiêu, do không thông thuộc địa hình, không thể sử dụng đèn pin, các trinh sát phải mò mẫm trong bóng đêm và cơn mưa rừng như trút nước. Có một đồng chí do quá mệt đã bị trượt té gây tiếng động. Ngô từ trong nhà nghe thấy, tuôn chạy. Anh công an bị té ê ẩm, tê dại cả người nhưng không thấy đau, chỉ bực tức, ân hận vì cái xui của mình. Hiểu được điều đó nên các đồng đội đến đỡ anh dậy, an ủi:
- Tại mưa, đường trơn chứ không phải tại cậu đâu! Đừng buồn nữa, thế nào anh em mình cũng tóm được nó thôi!
Nước mưa bỗng mằn mặn trên môi mỗi người. Cuộc truy bắt tên "người rừng" này thật gian khổ. Hơn 10 ngày nay, Công an huyện Đạ Tẻh phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng chia thành nhiều nhóm, phong tỏa hết các con đường với quyết tâm không để tên tội phạm này chạy khỏi địa bàn huyện. Để thực hiện kế hoạch đó, các trinh sát đã bám chốt 24/24 giờ mỗi ngày. Mỗi tổ 3 - 4 trinh sát, trùm áo mưa, trụ luôn trong rừng. Một tổ giao liên vào Ủy ban xã nấu nhờ cơm, sau đó vắt thành từng nắm tiếp tế cho các chốt.
Cơm chỉ no được buổi chiều. Tối đến, gió lạnh làm tăng thêm cái đói nên phải cử người luồn rừng ra xóm mua thiếu mì gói vào chia nhau nhai sống. Tổ được chia bám trên cây phải mang theo một chai cà phê, buồn ngủ không chỉ hỏng việc, mà có khi té ngã cụp xương sống chứ chẳng chơi. Tổ ém dưới đất khiếp nhất là vắt với rắn độc, thêm nỗi khổ co ro, khom mình suốt đêm trong tấm nylon bé xíu, tê dại cả chân tay.
Trên cây, dưới đất có chung nỗi khổ là thèm thuốc lá. Có anh ghiền quá đề xuất hút theo kiểu "du kích" - tức moi cái lỗ dưới đất rồi cúi mặt xuống hút, che đầu thuốc cháy đỏ. Ngại là trong rừng, mùi thuốc lá không thể lẫn vào đâu được, đối tượng có thể đánh hơi, hỏng việc lớn, thế là anh em động viên nhau cai thuốc

Nước sông chảy xiết đoạn qua 2 xã Quảng Trị - Mỹ Đức
Gã "người rừng" rất tinh quái trong cuộc rượt đuổi. Hắn vừa xuất hiện ở thôn 7 vào nhà người quen kiếm cơm, khi lực lượng công an, dân quân nghe tin báo, di chuyển đến thì hắn đã cắt rừng về thôn 6. Triển khai kế hoạch ở thôn 6 lại nghe tin hắn thập thò ở thôn 3... Các trinh sát di chuyển liên tục, nhiều ngày phải vượt sông qua xã Quảng Trị đến hai, ba lần. Bè của dân đi rừng để dọc bờ sông, trinh sát sử dụng nhưng không quen, ra đến giữa dòng, nước chảy xiết, điều khiển không được. Lật bè, cả tổ rơi xuống nước lóp ngóp. Bởi vậy mới có chuyện nhiều anh phải mặc quần đùi, số anh khác phải vào nhà dân mượn tạm quần áo cho đỡ lạnh. Có những đêm, tổ trinh sát đi theo đường suối, nước ngập tới ngực, áp sát một căn chòi rẫy và trụ tại đó đến sáng. Trong chòi, một cặp vợ chồng chong cây đèn hột vịt nhỏ xíu, ấm áp bên nhau ngủ li bì. Họ đâu biết rằng, ở ngoài kia là những chiến sĩ công an đang phải dầm mình trong mưa đêm, đói lạnh để bảo vệ cho họ khỏi một trận tập kích, cướp bóc của "người rừng".
Có đêm nghe tin Ngô sẽ về nhà mẹ ruột để lấy lương thực. Căn nhà này nằm giữa đồng ruộng, các trinh sát bò luôn dưới sình, trên đầu ngụy trang một cành cây chờ đợi. Tên tội phạm không về, chỉ có từng bầy kiến lửa làm cho anh em phải quằn quại dưới bùn! Nhiều anh lính trẻ ky cóp mãi mới may được một, hai bộ quần áo để dành đi dạo phố. Nay bươn theo dấu chân tên tội phạm, mấy bộ "đồ vía" rách te tua, dính đầy mủ chuối, mủ khoai, sình đất...
Nhưng tiếc nhất vẫn là những lần bắt hụt Ngô. Đó là hôm Ngô đói và thèm rượu, phải mò về nhà cô em ruột ở thôn 4. Giúp cho gã cơm no, rượu say xong, cô em gái còn cho hắn một áo mưa, một nón lá và một gói thuốc lá Trị An. Ngô ôm hết ra bờ con suối chảy giữa hai xã Mỹ Đức - Quảng Trị. Hắn trải áo mưa đánh một giấc ngon lành. Tờ mờ sáng, một mũi truy quét của công an và dân quân từ dưới thôn 4 tiến lên... Bên bờ suối, tấm nylon còn ấm hơi người, bên cạnh là chiếc nón lá, trong nón có gói thuốc Trị An hút dở, nhưng tên Ngô thì không thấy đâu. Mọi người chia nhau bao vây hết khu vực, nhưng hắn vốn quen thuộc địa bàn rừng núi, đã biến mất. Mọi người dậm chân tiếc rẻ!
Trong lúc mệt mỏi, căng thẳng như vậy, Ban chuyên án bất ngờ nhận được một nguồn tin vô cùng quý giá: Tại thôn 7, cứ mỗi ngày vào lúc mặt trời chênh vênh trên đầu ngọn núi, lại xuất hiện một thiếu phụ mang gùi len lỏi vào rừng. Qua tìm hiểu, thấy gia đình thiếu phụ này ở chân núi, xung quanh toàn củi, nhu cầu sử dụng củi chỉ để nấu ăn, bởi chị ta không sống bằng nghề khai thác lâm sản. Vậy ngày nào cũng vào rừng làm gì? Trong lúc dân nghề rừng thứ thiệt đang sợ "người rừng", thà chịu nhịn đói, huống hồ chị ta là một phụ nữ ốm yếu?

Người phụ nữ mang cơm tiếp tế cho "người rừng" (ảnh minh họa)
Bí mật bám theo người phụ nữ, trinh sát thấy chị ta sau khi đi sâu vào rừng, đến một cây dẻ lớn, đặt gùi xuống, chị ta lôi một cà mèn bằng nhựa màu đỏ quấn nhiều lớp bao nylon ra. Chị leo lên cây, đặt cà mèn vào chạc cây, ngó xung quanh rồi từ từ tuột xuống. Xong xuôi mọi việc, người phụ nữ quơ quào vài cành củi khô chất vào gùi rồi đi ngược trở ra con đường mòn...
Sau khi phát hiện người phụ nữ lén lút vào rừng tiếp tế cơm, rượu cho Ngô, Ban chuyên án cử ngay một tổ bám sát khu vực có treo túi thức ăn. Song chờ suốt đêm chẳng thấy hắn mò ra lấy đồ tiếp tế. Đến sáng, vẫn người phụ nữ hôm trước lặng lẽ leo lên cây gỡ gói thức ăn cũ xuống, treo một gói mới lên.
Không đến nỗi khó khăn, Ban chuyên án đã xác định được người phụ nữ thường ngày mang đồ tiếp tế cho gã "người rừng" là Lê (SN 1970), người vợ thứ 3 của Ngô. Trước khi xảy ra vụ sát hại anh Duy, Ngô có 3 đứa con với Lê. Thường ngày, Ngô rất thô bạo, thường xuyên hành hạ đánh đập Lê. Thế mà nay cô ta bất chấp hiểm nguy, hàng ngày vẫn lặn lội vào rừng mang cơm, rượu nuôi hắn. Thật là một chuyện đáng suy nghĩ. Có thể Lê là một phụ nữ quen cam chịu, hoặc vì quá yêu Ngô nên trở thành một người chung thủy đến cùng.
Cả hai lý do này đều dễ thuyết phục. Nhưng trong công tác điều tra, mọi nghi vấn không thể chỉ dựa vào yếu tố tình cảm để kết luận. Hơn nữa, qua 11 ngày đêm chịu gian khổ với Ngô cùng nhiều lần vòng vây đã siết chặt, Ngô vẫn thoát được. Xâu chuỗi những tình tiết đó cho thấy, ngoài sự nhanh nhẹn và thông thạo địa bàn, thì tư duy của tên tội phạm này không đến nỗi tệ.
Ban chuyên án họp bàn, phân tích đủ các khía cạnh và đi đến kết luận: Ngô đã ép Lê tiếp tế cho hắn, nhưng hắn không sử dụng số thức ăn đó. Như vậy, có nhiều khả năng hắn dùng vợ để nghi binh, đánh lạc hướng chú ý của cơ quan điều tra. Mà đã nghi binh ắt phải có mục đích, đúng hơn là một hướng hoạt động khác mà hắn muốn bảo vệ bí mật. Vậy kế hoạch sắp tới hắn sẽ thực hiện là gì?
Nhiều biện pháp nghiệp vụ được áp dụng đồng loạt. Chỉ vài giờ sau, Ban chuyên án đã trả lời được câu hỏi nan giải đó: Ngô không thể trụ lâu hơn trong rừng nên dùng việc tiếp tế của vợ để thu hút lực lượng truy bắt hắn về phía rừng, còn hắn vòng ra sau núi trở về ẩn nấp ở các xóm, thôn. Cao thủ hơn là Ngô đã yêu cầu một số gia đình (trong đó có cả người thân của hắn) phải đóng góp mỗi nhà từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng để hắn có kinh phí trốn ra Bắc hoặc vào TPHCM. Theo kế hoạch thì đêm nay Ngô sẽ đến nhà một người thân để nhận món tiền đầu tiên...
12 ngày đêm theo dấu "người rừng" (Kỳ 4): Giăng lưới bắt "Cọp 3 móng"
Đều đặn mỗi ngày, người phụ nữ vẫn mang theo cà mèn cơm vào rừng rồi treo lên cây để tiếp tế cho Ngô. Nhưng lạ thay, gã "người rừng" không hề xuất hiện để nhận lương thực. Bao nhiêu đồ ăn mang đi, thì ngày hôm sau lại được người phụ nữ ấy mang về và thay vào đó một cà mèn đồ ăn mới. Sau nhiều ngày theo dõi hành động kỳ lạ này, lực lượng công an đã "giải mã” được đó chỉ là trò "nghi binh" của Ngô, nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Thực chất, hắn đã quá mệt mỏi với những ngày đêm sống chui nhủi, ăn lá và rễ cây, ngủ chập chờn giữa hoang vu rừng núi với muỗi, vắt, rắn độc... đầy hiểm nguy và lạnh lẽo. Với việc dùng vợ đưa đồ tiếp tế, Ngô đã thu hút lực lượng truy bắt về phía rừng, còn hắn thì vòng qua núi rồi trở về ẩn nấp ở các xóm thôn, bản làng, nơi có nhiều người thân quen.
Ngô được một số người ví như "Cọp 3 móng" từng xuất hiện ở khu vực Đông Nam bộ hồi đầu thế kỷ. Hắn tinh quái, hung ác, làm những người ở ven rừng sợ hãi phải ngủ tập trung, làm hàng rào phòng vệ. Đặc biệt là dấu vết hắn để lại ở các bãi bùn, bờ suối cũng là "3 móng" - gồm 2 dấu chân và dấu mũi con dao rừng dài được hắn chống làm gậy.
Ẩn nấp ở các xóm thôn, Ngô không còn sợ cái đói, cái khát và những đêm lạnh lẽo với mưa rừng. Song, làm sao hắn có thể ăn ngon, ngủ yên khi biết vòng vây của lực lượng truy bắt đang ngày càng siết chặt. Hắn bắt đầu lên kế hoạch, phải đào tẩu thật xa khỏi khu vực núi rừng Đạ Tẻh. Lúc này, lực lượng phối hợp của Công an tỉnh Lâm Đồng đã được lệnh triển khai những nhiệm vụ mới. Việc truy bắt tên sát nhân Ngô được giao lại cho Công an huyện Đạ Tẻh.
Ngày 30/8/2000, nguồn tin từ lực lượng trinh sát cho biết: Ngô yêu cầu một số gia đình (trong đó có cả người thân của hắn) phải đóng góp mỗi nhà từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng để hắn có kinh phí bỏ trốn. Theo kế hoạch, đêm nay Ngô sẽ đến nhà một người thân để nhận món tiền đầu tiên. Tổ đặc nhiệm 5 người gồm: Đại úy Đinh Quang Phú - Đội trưởng CSHS Công an huyện Đạ Tẻh cùng Thiếu úy Nguyễn Quốc Phương, Trung úy Nguyễn Hữu Thiếp, Trung úy Nguyễn Cường và Thiếu úy Nguyễn Hưng Nam được giao nhiệm vụ, bằng mọi giá phải bắt hoặc tiêu diệt tên Ngô nếu hắn điên cuồng chống cự.
Từ buổi chiều, tổ đặc nhiệm đã bí mật ém quân ở khu vực thôn 3, xã Mỹ Đức. Đây là vùng sườn núi có thể quan sát được động tĩnh ở những ngôi nhà rải rác dưới chân núi, đồng thời khống chế luôn con đường mòn từ dưới xóm lên rừng. Nếu Ngô bị một tổ trinh sát khác phát hiện từ dưới xóm, ắt sẽ phải chạy ngược lên đây. Nếu hắn từ trên núi xuống nhận tiền thì không còn cách nào khác ngoài việc dẫn xác qua chốt chặn này. Anh em tổ đặc nhiệm chờ mãi đến 21 giờ thì nghe tiếng chó sủa ở xóm dưới. Cả tổ men theo địa hình áp sát nhà ông Nguyễn Văn Khỏe. Qua kẽ hở của vách ván, ánh đèn dầu tù mù trong nhà hiện lên một bóng đen cao cao, đầu húi cua...
Sau tiếng hô lớn của Đội trưởng Phú, các mũi khác bằng nhiều cách cũng đã vào bên trong nhà. Nhưng thật lạ không thấy bóng dáng tên Ngô đâu!

Bao quanh lòng hồ Đạ Tẻh là cánh rừng với những lối mòn
Không khí lặng đi, anh em toát mồ hôi vì sự trống trải đó. Bằng kinh nghiệm, Đội trưởng Phú chỉ đạo:
- Nó vẫn còn quanh quẩn đâu đây, chú ý đối tượng có hung khí!
Sau khi lục soát hết nhà trên, cả tổ dồn về phía bếp. Một chiếc thùng gỗ khá to nằm ở lối đi, Đội trưởng Phú cầm đèn pin bước đến. Dưới ánh sáng của đèn, thùng đựng lúa gần đầy. Ở một góc thùng nhấp nhô một tấm bạt phơi lúa, các chiến sĩ CA đồng loạt nhảy đến giật phăng tấm bạt ra, Ngô co rúm dưới ánh đèn và các họng súng. Hắn quả là nhanh nhạy khi trong vài giây đã nhảy được vào thùng và phủ lúa đến nửa người rồi tự đậy tấm bạt lên. Hắn được lôi ra khỏi thùng lúa, con dao rừng sắc bén hắn nắm chặt trong tay nhưng không kịp sử dụng. Hắn bị tước khí giới, còng hai tay.
Trong lúc chờ xe đến chở về trụ sở công an huyện, Ngô bớt run và dần lấy lại được bình tĩnh. Hắn mếu máo hỏi:
- Các bác ơi, tội của em ở tù cỡ mấy... tháng?
Các anh công an không nhịn được cười, một người nói đùa:
- Chắc cỡ vài năm!
Ngô tỏ ra hoảng loạn:
- Sao lâu thế? Giết có một người mà tù đến mấy năm ư? - nói rồi Ngô bật khóc hu hu. Đóng kịch giỏi đến thế là cùng. Một đồng chí công an lại hỏi:
- Hổm nay trong rừng sống ra sao?
- Đói quá em ăn lá cây, rễ cây, uống nước mưa đọng ở các hốc cây. Tối leo lên cây ngủ, ban đêm an tâm hơn ban ngày.
* * *
Sau khi bị bắt, tên Ngô đã khai nhận hành vi sát hại anh Duy với những tình tiết, nguyên nhân mà một trí tưởng tượng phong phú cũng không thể nghĩ ra được.
Vợ chồng Ngô cùng 3 con gái (lớn nhất 4 tuổi, nhỏ nhất mới sinh 2 tháng) sống trên một hòn đảo nổi lên giữa lòng hồ Đạ Tẻh. Ngô nuôi vợ con bằng nghề giăng câu, chài cá trên lòng hồ. Đầu tháng 8/2000, cảm thấy có 3 đứa con là quá đủ nên chị Lê - vợ Ngô ra Bệnh viện Đạ Huoai triệt sản. Trên đường từ bệnh viện về, ngồi trên xe đò, chị làm quen với một cô gái trẻ tên Triệu Thị L. (SN 1983).

Ngô nhảy vào ẩn nấp trong bồ lúa như thế này (ảnh minh họa)
Qua tâm sự, L. cho biết quê cô ở mãi tận Cao Bằng, mới vào vùng kinh tế mới thuộc xã An Nhơn, Đạ Tẻh để lập nghiệp, hoàn cảnh hiện nay cũng rất khó khăn, nghề nghiệp và chỗ ở chưa ổn định. Nghe vậy, chị Lê liền bảo: "Em là thân gái bơ vơ dễ bị lợi dụng lắm, chi bằng về ở chung với chị, phụ chị làm việc nhà, chị bao cơm, mỗi tháng cho em thêm 100.000 đồng?".
L. bằng lòng. Buổi chiều hôm đó khi đi giăng câu về, Ngô thấy trong nhà có thêm một cô gái trẻ nên phấn khởi ra mặt. Thường ngày, hắn về đến nhà là gây sự chì chiết, đánh đập vợ. Nhưng hôm nay, hắn tỏ ra là một người đàn ông rất lịch lãm và tốt bụng đến đáng ngờ. Hắn ăn nói nhỏ nhẹ với vợ, hăng hái giúp vợ một số việc, mặt mày hớn hở và huýt sáo luôn mồm, thỉnh thoảng hắn lại nhìn trộm cô L. Đêm xuống, chỗ ngủ cho L. trở thành nan giải. Nhà của Ngô thực ra chỉ là một căn chòi tạm bợ rộng khoảng 12m2, chỉ có một chiếc giường duy nhất nên Ngô sắp xếp: hắn nằm sát vách, kế đến là 3 đứa con, tiếp theo là vợ hắn và cô L. nằm phía ngoài. Thấy mức độ an toàn có thể tin được nên L. sau khi ngần ngừ đã nằm xuống vị trí mà Ngô sắp đặt. Ngô nằm trong, bồn chồn ngủ không được...
Qua hôm sau, Ngô gọi L. ra ngọt ngào tâm sự:
- Anh rất thích có đứa con trai nối dõi nhưng vợ anh kém quá, lại vừa triệt sản xong. Trời đất đã run rủi cho em đến nhà anh, anh xin được cưới em làm vợ bé?
Cô L. tái mặt vì sợ. Ngô tiếp tục dụ dỗ:
- Em mới là quan trọng nhất của đời anh, còn con mụ chết tiệt kia (chị Lê) anh xử lúc nào chả được!
Cô L. bịt tai bỏ chạy, Ngô hậm hực tìm vợ răn đe:
- Mày không đẻ được cho ông con trai, không xứng đáng là vợ ông. Mày phải nói sao cho con bé ấy nghe lời ông, không thì ông nhận nước mày!
Biết tính Ngô thô lỗ, hung bạo nên chị Lê rất sợ. Chị gặp cô L. năn nỉ:
- Nếu em mà không chịu làm bé cho ông ấy, ông ấy sẽ giết chị. Chị chết cũng đành nhưng thương 3 đứa con còn nhỏ dại...
Chiều 12/8/2000, Ngô ra "tối hậu thư” cho vợ:
- Đêm nay mà mày không giúp ông thì... xuống hồ mà ở với cá!
Ngô bỏ đi uống rượu, đến khoảng 20 giờ say lè nhè hắn mới mò về nhà. Chẳng cần giữ ý tứ, hắn hét toáng lên:
- Đêm nay chúng mày không nghe lời ông thì sáng mai chết cả lũ!
Chị Lê sợ quá năn nỉ L. Cô L. vừa sợ, vừa thương chị Lê nên chấp nhận sang nằm cạnh Ngô. Cô nghĩ rằng bên cạnh cô là chị Lê, Ngô không dám làm chuyện bậy bạ trước mặt vợ. Cô đã sai lầm... Ngô dùng bạo lực ngay với cô. Cô chống cự quyết liệt, hắn gầm lên:
- Con kia (chỉ chị Lê), không mau mau vào phụ ông còn ngồi đó ngó hả?
... Cô L. hoàn toàn bất lực. Khi Ngô thỏa mãn xong, hắn lăn ra ngáy khò khò, còn cô L. dựa vào vách khóc suốt đêm. Chị Lê ngồi cạnh cô, nước mắt tủi hờn chảy ấm trên vai... Trời còn mờ tối, Ngô đã ngụp lặn dưới hồ gỡ cá dính trong lưới. Dưới chân hòn đảo mà gia đình Ngô ở dập dềnh chiếc xuồng. L. nhìn thấy xuồng, cô không mong gì hơn là thoát khỏi địa ngục có gã đàn ông gần như mất hết tính người này. Cô cuốn vội quần áo, chạy thật nhanh về chỗ chiếc xuồng. Cô lên xuồng, cật lực chèo hướng vào bờ.
Chị Lê biết rõ ý định chạy trốn của L, chị không muốn can thiệp bởi lý do đơn giản: Ngô vẫn là chồng, là người đàn ông của riêng chị, chị không muốn chia sẻ dù chỉ là sự cộc cằn, thô lỗ của chồng cho một người đàn bà khác. Mà cũng có thể chị làm lơ cho L. ra đi là vì thương cảm cho hoàn cảnh cô ấy.
còn tiếp
Nguồn: 12 ngày đêm theo dấu "người rừng" (Kỳ 1): "Người rừng" xuất hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn