Thứ Hai, 13 tháng 2, 2023
Mỹ sáp nhập quần đảo Hawaii, biến thành bang thứ 50 như thế nào?
Hawaii là nơi Mỹ đặt căn cứ hải quân chiến lược mang tên Trân Châu Cảng.
Mỹ sáp nhập quần đảo Hawaii, biến thành bang thứ 50 như thế nào?
Người Mỹ đặt chân tới Hawaii vào đầu thế kỷ 19 với mục đích giao thương và gần 100 năm sau, hòn đảo đã được sáp nhập vào lãnh thổ Mỹ.
Hawaii khi đó dĩ nhiên không phải là một bang của Mỹ, được người châu Âu định cư ngay sau khi Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ. Quần đảo này nằm ở phía bắc Thái Bình Dương, cách rất xa đất liền. Vậy làm thế nào mà Hawaii trở thành một phần của nước Mỹ?
Hawaii là vùng lãnh thổ trở thành bang của Mỹ muộn nhất cho đến thời điểm hiện tại. Hawaii trở thành bang thứ 50 của nước Mỹ vào ngày 21/8/1959 và hành trình này cũng không hề dễ dàng.
Nguyên nhân người Mỹ đặt chân tới Hawaii
Quần đảo Hawaii không có người sinh sống cho đến khi người Polynesia đi thuyền tới khai phá vào khoảng thế kỷ thứ 5. Nhóm người này trải qua hành trình dài 3.800km từ quần đảo Marquesas ở Nam Thái Bình Dương tới Hawaii bằng những chiếc thuyền buồm lớn. Người Polynesia bao gồm nhiều dân tộc khác nhau, nói chung các ngôn ngữ Polynesia, sống chủ yếu ở Thái Bình Dương.
Nhóm người này định cư ở quần đảo và dần dần trở thành người bản địa Hawaii, hay còn gọi là Kanaka Maoli.
Người bản địa trên đảo sống bình yên cho đến giai đoạn cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực đóng tàu đã đưa các nhà thám hiểm phương Tây tới Hawaii, khởi đầu là thuyền trưởng người Anh James Cook vào năm 1778. Các thương nhân Mỹ đầu tiên đặt chân lên đảo Hawaii vào những năm 1820.
Đây cũng là giai đoạn mà vương quốc Hawaii hình thành, khi tù trưởng Kamehameha xua quân đánh chiếm các hòn đảo khác trong quần đảo, xây dựng nên vương quốc Hawaii.
Hawaii ngày nay là bang thứ 50 của nước Mỹ.
Người Mỹ đặc biệt quan tâm tới gỗ đàn hương chất lượng cao trên đảo, sau đó mở rộng sang lĩnh vực sản xuất đường. Những năm 1850, ngành công nghiệp sản xuất đường nở rộ ở Hawaii.
Mỹ vừa là đối tác thương mại chính của vương quốc Hawaii, vừa đóng vai trò bảo trợ, ngăn các cường quốc khác khi đó như Anh và Nhật Bản mở rộng ảnh hưởng.
Nông dân Mỹ đến trồng mía trên quần đảo và canh tác, trong khi các nhà truyền giáo đến hòn đảo để “hiện đại hóa” người dân bản địa Hawaii. Điều này đã làm thay đổi rất nhiều lối sống, chính trị, kinh tế, tôn giáo và văn hóa truyền thống ở Hawaii, vốn đã có bề dày hơn 1.000 năm.
Một số người cho rằng đây là cơ hội mở đường đưa người dân Hawaii đến với tương lai phát triển hơn, số khác coi đây là dấu chấm hết của người bản địa.
Kể từ năm 1840, vua Hawaii Kamehameha III bày tỏ sự cởi mở, đón chào "sự hiện đại hóa" mà người Mỹ mang tới. Đây là giai đoạn vương quốc Hawaii ký nhiều thỏa thuận chính trị và kinh tế với Mỹ.
Sự hiện diện của Mỹ ở Hawaii mạnh mẽ đến mức người Mỹ thành lập căn cứ hải quân mang tên Trân Châu Cảng ở Hawaii vào năm 1887.
Cuộc đảo chính lật đổ vương quốc Hawaii
Năm 1891, vua Hawaii Kalakaua đột ngột qua đời ở San Francisco (Mỹ), em gái Liliuokalani lên nắm quyền và muốn thâu tóm quyền lực, xóa bỏ hiến pháp năm 1887, trong đó có điều khoản cho phép Mỹ xây căn cứ quân sự trên đảo.
Binh sĩ Mỹ xuất hiện ở Hawaii trong cuộc đảo chính năm 1893.
Điều này đe dọa trực tiếp đến lợi ích hàng thập kỷ mà Mỹ duy trì ở Hawaii.
Ngày 17/1/1893, một nhóm người trồng mía đường thân Mỹ do Sanford Ballard Dole dẫn đầu đã lật đổ Nữ hoàng Liliuokalani và lập ra một chính quyền Cộng hòa mới do Dole làm Tổng thống. Dole sinh ra ở Hawaii, có cha và mẹ đều là người Mỹ.
John L. Stevens, đại sứ Mỹ ở Hawaii, được thông báo trước về cuộc đảo chính. 300 lính thủy quân lục chiến từ tàu tuần dương Boston đã được huy động đến Hawaii, nhằm bảo vệ cho các công dân Mỹ.
Lính Mỹ không tiến vào cung điện hay chiếm các tòa nhà ở Hawaii. Nhưng sự hiện diện của lính Mỹ với các vũ khí hiện đại đã áp đảo lực lượng của nữ hoàng Liliuokalani.
Để tránh đổ máu vô ích và cũng như nhận được lời khuyên từ các cố vấn và bạn bè, nữ hoàng Liliuokalani chấp nhận đầu hàng và chịu sự quản thúc tại gia.
Nữ hoàng khi đó nói: "Quân đội Mỹ đã đổ bộ hỗ trợ phe đảo chính theo lệnh từ đại sứ Stevens. Chúng tôi không thể thực hiện bất kỳ cuộc kháng cự nào".
Tượng nữ hoàng vương quốc Hawaii Liliuokalani, người mất quyền kiểm soát đất nước sau khi quân đội Mỹ can thiệp.
Ngoại trưởng Mỹ khi đó, John W. Foster là người tích cực thúc đẩy một cuộc sáp nhập Hawaii vào nhà nước liên bang Mỹ.
Lý do được đưa ra là vì Hawaii quá nhỏ bé và yếu về quân sự để có thể tồn tại trong một giai đoạn thúc đẩy chủ nghĩa đế quốc trên thế giới, đặc biệt là sự trỗi dậy của Nhật Bản (Nhật Bản đã hoàn thành cuộc Minh Trị Duy tân vào năm 1889 và chuyển mình mạnh mẽ). Ông Foster cũng tin rằng Hawaii rất quan trọng đối với lợi ích của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Chính quyền Hawaii thân Mỹ do Dole lãnh đạo muốn sáp nhập vào Mỹ nhưng không nhận được sự ủng hộ của người dân bản địa. Năm 1893 cũng là giai đoạn tân Tổng thống Mỹ Grover Cleveland lên nắm quyền và ông Cleverland đã yêu cầu mở một cuộc điều tra.
Cuộc điều tra sau đó xác định các "đại diện ngoại giao và quân sự của Mỹ đã lạm dụng quyền hạn, phải chịu trách nhiệm về việc vương quốc Hawaii bị lật đổ". Đại sứ Stevens bị triệu hồi về Washington, còn tư lệnh quân đội Mỹ ở Hawaii phải từ chức.
Năm 1993, Tổng thống Mỹ Bill Clinton ký nghị quyết xin lỗi người bản địa Hawaii vì vai trò của chính phủ Mỹ trong cuộc đảo chính cách đây 100 năm.
Năm 1993, kỷ niệm 100 năm ngày vương quốc Hawaii bị lật đổ, Quốc hội Mỹ đã thông qua một nghị quyết và được Tổng thống Bill Clinton đã ký thành luật. Chính phủ Mỹ chính thức gửi lời xin lỗi tới người bản địa Hawaii vì đã tham gia vào cuộc lật đổ vương quốc.
Luật này được gọi là Nghị quyết xin lỗi và là lần hiếm hoi chính phủ Mỹ chính thức xin lỗi về những hành động gây tranh cãi.
Nhưng đến cuối cùng, Hawaii vẫn sáp nhập vào Mỹ. Năm 1898, chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ nổ ra. Quốc hội Mỹ lúc này mới phê chuẩn quyết định sáp nhập quần đảo Hawaii để khẳng định chủ quyền của Mỹ và tối ưu hóa vai trò của căn cứ chiến lược Trân Châu Cảng.
Người bản địa Hawaii sau đó biểu tình phản đối nghị quyết sáp nhập của Quốc hội Mỹ, coi đây là hành động phủ nhận vai trò và quyền của người Hawaii. Trong suốt giai đoạn Thế chiến 2, quần đảo Hawaii là nơi Mỹ tập trung lực lượng đông đảo, tạo bàn đạp đánh bại phát xít Nhật.
Trong một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 27/6/1959, 93% người dân Hawaii ủng hộ quần đảo trở thành bang của Mỹ, 5,7% bỏ phiếu cho rằng, hòn đảo chỉ nên giữ nguyên tư cách là vùng lãnh thổ thuộc Mỹ.
Sau cuộc trưng cầu dân ý, Hawaii chính thức trở thành bang thứ 50 của Mỹ vào ngày 21/8/1959. Việc trở thành một bang giúp Hawaii có ghế trong Hạ viện và Thượng viện Mỹ, có quyền đưa ra tiếng nói trong các vấn đề quốc gia.
Người Mỹ từng mua vùng lãnh thổ Alaska từ Nga và sáp nhập thành bang thứ 49. Nhưng liệu đây có thực sự à thương vụ giá hời? Mời độc giả đón đọc bài dài kỳ 3 xuất bản lúc 19h ngày 13/2.
Nguồn: Nguyên nhân người Mỹ đặt chân tới Hawaii
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn