Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2023

Nhà thơ Giang Nam - tác giả bài thơ 'Quê hương' qua đời



Nhà thơ Giang Nam
Nhà thơ Giang Nam - tác giả bài thơ 'Quê hương' qua đời



Nhà thơ Giang Nam - tác giả bài thơ nổi tiếng Quê hương qua đời vào sáng nay (23.1), thọ 94 tuổi.

Ngày 23.1, bà Nguyễn Thị Trang, người con duy nhất của nhà thơ Giang Nam, cho biết cha của bà đã qua đời vào lúc 9 giờ 45 phút sáng cùng ngày.

Theo bà Trang, nhà thơ Giang Nam qua đời trong Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa do tuổi cao sức yếu, trong người có nhiều bệnh nền từ nhiều năm nay.

Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh ngày 2.2.1929, tại xã Ninh Bình, TX.Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa). Ông là tác giả của bài thơ Quê hương nổi tiếng mà rất nhiều người biết đến với các câu thơ như:

"Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
Ai bảo chăn trâu là khổ?
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được...
Chưa đánh roi nào đã khóc!
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích
Mắt đen tròn thương thương quá đi thôi...".

Ngoài ra, ông còn có các tác phẩm nổi tiếng đóng góp rất xứng đáng cho nền văn học cách mạng Việt Nam như các bài thơ: Vầng sáng phía chân trời, Hạnh phúc từ nay, Nghe em vào đại học… và rất nhiều tác phẩm truyện ngắn, ký, trường ca. Nhà thơ Giang Nam còn là một nhà cách mạng lớn và là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.


Tác giả của bài thơ Quê hương đã qua đời vào sáng nay

Nhà thơ Giang Nam từng đoạt Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu; Giải thưởng VHNT Khánh Hòa giai đoạn 1975 - 2000; Giải thưởng Văn học nghệ thuật Khánh Hòa giai đoạn 2001 - 2005; Tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Từ năm 2001, khi nhà thơ Giang Nam được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật thì trước các kỳ xét giải thưởng sau đó (5 năm/lần), lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật và một số văn nghệ sĩ trong tỉnh đều động viên ông làm hồ sơ đăng ký để được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng vì một số lý do nên nhà thơ và gia đình vẫn chưa làm hồ sơ đăng ký.

Hồi đầu năm 2022, Sở VH-TT Khánh Hòa có văn bản gửi Bộ VH-TT-DL đề nghị hướng dẫn trường hợp xét đặc biệt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho nhà thơ Giang Nam.

Sau đó, Bộ VH-TT-DL đã có văn bản trả lời đề nghị của sở là theo các quy định về thi đua, khen thưởng thì không có hình thức xét đặc cách Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Văn bản cũng nói rõ thêm, hiện nay công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2021 đã hoàn thành. Bộ VH-TT-DL, cơ quan thường trực hội đồng cấp Nhà nước đang hoàn tất hồ sơ trình Thủ tướng. Đối với các tác phẩm, cụm tác phẩm của nhà thơ Giang Nam, Sở VH-TT Khánh Hòa hướng dẫn tác giả đăng ký xét tặng giải thưởng trong đợt xét kế tiếp.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Khánh Hòa sau đó đã có văn bản trình Thủ tướng về việc đề nghị cho trình bổ sung xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật cho nhà thơ Giang Nam.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, nhà thơ Giang Nam đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp văn học của đất nước. Nguyện vọng của các văn nghệ sĩ và nhân dân trong tỉnh mong muốn được Nhà nước quan tâm, xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Giang Nam khi ông còn sống, bởi nhà thơ tuổi đã cao, sức khỏe yếu, không thể đợi đến kỳ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh tiếp theo vào năm 2025.


Giang Nam (nhà thơ)

Giang Nam (sinh ngày 2 tháng 2 năm 1929, mất ngày 23 tháng 1 năm 2023) là một nhà thơ Việt Nam, được biết nhiều là tác giả bài thơ Quê hương.

Tiểu sử

Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, quê quán xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ông sinh trong một gia đình nho học.

Tham gia Việt Minh từ tháng 8 năm 1945, làm công tác thông tin tuyên truyền ở xã rồi lên tỉnh làm Phó trưởng công ty Thông tin Khánh Hòa. Sau 1954 ông hoạt động ở miền Nam, làm Phó ban Tuyên huấn Khánh Hòa, Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, ủy viên tiểu ban văn nghệ Trung ương cục, trưởng ngành văn. Có thời gian làm Trưởng tiểu ban văn nghệ, ủy viên Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định.

Từ 1975, từng làm đại biểu Quốc hội khóa VI, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa II, III. Tổng biên tập báo Văn nghệ, Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú khánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Hiện ông nghỉ hưu và sống ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Ngoài thơ Giang Nam còn sáng tác văn xuôi chủ yếu là truyện, truyện ngắn. Các bút danh: Giang Nam, Châu Giang, Hà Trung, Lê Minh (sử dụng trên báo chí công khai xuất bản ở miền Nam từ 1955 đến 1960)

Gia đình

Ông có người vợ tên là Phan Thị Chiều, nhỏ hơn ông hai tuổi, quê ở Cửa Bé (phường Vĩnh Trường, Nha Trang). Ông bắt hoạt động cách mạng năm 1946, rồi gặp cô Chiều xinh đẹp nhất ở Văn phòng Tỉnh ủy Khánh Hòa hồi ấy đóng tại vùng núi giáp ranh Khánh Hòa, Phú Yên.

Năm 1954, Giang Nam xin không tập kết ra Bắc mà ở lại hoạt động địa phương. Họ ước hẹn cưới nhau sau khi hiệp thương tổng tuyển cử hai miền Nam - Bắc theo Hiệp định Genève, 1954. Tuy nhiên, tổng tuyển cử đã không diễn ra. Do đó năm 1956, họ cưới nhau tại Lạc An (thuộc thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa bây giờ). Cưới hôm trước thì hôm sau bà Chiều về lại Vĩnh Trường ở Nha Trang để hoạt động hợp pháp, còn ông quay về căn cứ Đá Bàn (Ninh Hòa) tiếp tục kháng chiến.

Sau thời gian công tác bí mật tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định, Giang Nam được tổ chức đưa ra hoạt động hợp pháp với tên giả Nguyễn Sớm, làm thuê cho một xưởng cưa ở phía nam cầu Hà Ra (Nha Trang). Dù chỉ cách nhà vợ vài cây số nhưng hai vợ chồng không thể gặp nhau.

Khoảng năm 1957-1958, một kẻ phản bội chỉ điểm cơ sở cách mạng, cả Giang Nam lẫn vợ phải vào Nam tiếp tục hoạt động. Duyên phận đưa đẩy họ đoàn tụ tại Đồng Nai cho đến khi Giang Nam được lệnh rút về căn cứ Hòn Dù (Khánh Hòa) hoạt động. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Giang Nam mới được đoàn tụ với vợ con ở Thành phố Nha Trang

Tác phẩm

Thơ
Tháng Tám ngày mai (1962), 18 bài thơ
Quê hương (1962)
Người anh hùng Đồng Tháp (trường ca, 1969)
Vầng sáng phía chân trời (1978)
Hạnh phúc từ nay (1978)
Thành phố chưa dừng chân (1985)
Ánh chớp đêm giao thừa (trường ca, 1998)
Mầu nhiệm (1999)
Sông Dinh mùa trăng khuyết (trường ca, 2002)
Lắng nghe thời gian (2008)
Người đi mở đất (trường ca chưa in)

Văn xuôi
Vở kịch cô giáo (tập truyện ngắn, 1962)
Người giồng tre (tập truyện - ký, 1969)
Trên tuyến lửa (truyện ký, 1984)
Rút từ sổ tay chiến tranh (truyện ngắn và ký, 1987)
Tôi đã học văn theo kiểu của mình (hồi ký, 1995)
Sống và viết ở chiến trường (hồi ký văn học, 2004)

Về bài thơ Quê hương
Bài thơ Quê hương đã được đưa vào sách giáo khoa phổ thông để giảng dạy. Năm 1961, khi xét giải thưởng thơ báo Văn nghệ, có ý kiến đề nghị trao giải nhất cho bài thơ Quê hương nhưng cũng có ý kiến cho rằng trong bối cảnh lúc đó bài thơ có thể ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu nên đề nghị chỉ trao giải ba, cuối cùng giải pháp dung hoà được nhất trí: bài thơ được tặng giải nhì

Nguyên mẫu của "cô gái nhà bên" là vợ của ông. Ông sáng tác bài thơ tại căn cứ của Tỉnh ủy Khánh Hòa dưới chân núi Hòn Dù khi nghe hung tin vợ con bị bắt và thủ tiêu. Cuối năm 1961, khi đang ở căn cứ tại Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), ông bất ngờ biết vợ con vẫn còn sống, đã về quê tại Nha Trang sinh sống an toàn. Tòa án không đủ cơ sở buộc tội bà là vợ cộng sản nên trả tự do ngay tại tòa. Giang Nam cảm xúc lại dâng trào mãnh liệt và làm tiếp hai bài thơ: Ngày mai đi đón em và Con còn sống.

Giải thưởng

Giải nhì về thơ tạp chí Văn nghệ năm 1961; bài Quê hương.
Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965) của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam về thơ: tập thơ Quê hương.
Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2001)

Nguồn: Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. Những người bạn của Sky+ - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template