Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2023
Chuyện đàm phán Paris qua hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình
Bà Nguyễn Thị Bình. Ảnh: T.L
Chuyện đàm phán Paris qua hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình
Bà Bình cho biết để có những lý lẽ sắc bén trên bàn đàm phán bà và các đồng chí của mình thường tìm đọc các sách lịch sử trong nước, lịch sử thế giới.
Bà Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa, là cháu ngoại của cụ Phan Chu Trinh. Bà từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên là Phó chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam… Bà là một trong những người đại diện các bên ký hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào hiệp định này.
Cuộc đàm phán kéo dài nhất lịch sử
Trong cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước, bà Nguyễn Thị Bình đã kể về những năm “biền biệt” để phục vụ cho công tác trên mặt trận ngoại giao cam go của mình, trong đó có những chuyện ít biết xung quanh cuộc đàm phán lịch sử ở Paris.
Bà Bình cho biết, giữa tháng 7/1968, bà được lãnh đạo Ban Thống nhất mời lên phổ biến chủ trương của Đảng về “đánh và đàm”. Bà hiểu đây chưa phải là lúc giải quyết vấn đề giữa ta và Mỹ, mà là triển khai thêm một hình thức đấu tranh mới. Mặt trận này sẽ giúp ta tranh thủ thêm dư luận quốc tế, dư luận Mỹ, cô lập các phần tử hiếu chiến, hỗ trợ đắc lực cho chiến trường.
Với gần 6 năm hoạt động cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, bà Bình đã tích lũy được một số kiến thức ngoại giao và kinh nghiệm đấu tranh chính trị, nhưng bà không nghĩ mình lại may mắn được chọn cho nhiệm vụ khó khăn, nặng nề và quan trọng này: cuộc đàm phán lịch sử ở Paris nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Khi rời Hà Nội lên đường cuối tháng 10/1968, bà cũng không ngờ nó kéo dài đến thế (11/1968 - 27/1/1973).
Trước ngày đi, bà Bình đã điện cho chồng mình là ông Khang từ Bắc Giang về gặp. Bà bối rối không biết nói thế nào với chồng và trước các con còn quá nhỏ mà phải xa mẹ biền biệt. Ông Khang hiểu bà phải đảm nhiệm một công việc rất quan trọng, nên không hỏi gì cụ thể, chỉ động viên: “Em có việc phải làm, cứ yên tâm đi, các con đã có anh lo”.
Sách Gia đình bạn bè và đất nước. Ảnh: M.C.
Ngày 27/11/1968, cuộc họp trù bị đầu tiên của Hội nghị được tiến hành, nhưng mãi đến ngày 25/1/1969, hội nghị bốn bên mới chính thức bắt đầu. Ông Trần Bửu Kiếm là trưởng đoàn, bà Bình và ông Trần Hoài Nam làm Phó đoàn. Việc có hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là điều đặc biệt chưa từng có trong lịch sử ngoại giao quốc tế. Đấy là sự hiện diện của hai thực thể, đại diện cho cuộc chiến đấu chung dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bước vào đàm phán, việc buộc phải công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là một bên đàm phán là một thất bại lớn của Mỹ. Trên bàn hội nghị, cuộc đấu lý diễn ra rất dai dẳng. Hai đoàn của ta nhằm vào Mỹ phê phán. Còn Mỹ thì né tránh đẩy cho đoàn Sài Gòn đối đáp dài dòng.
Bà Bình cũng cho biết có một điều đáng chú ý trong các phái đoàn ở Hội nghị là ba đoàn không có thành viên nữ, chỉ đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có và bà Bình gọi đó là “Đội quân tóc dài” tại Paris.
Có một chi tiết cũng khá lý thú là tương quan thiết bị kỹ thuật giữa ta và đối phương là khá chênh lệch. Trên bàn của hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chỉ có một máy magnétophone để thu phát biểu của mỗi đoàn, trong khi phía Mỹ thì đầy thiết bị hiện đại, có thể thông tin thẳng về Washington.
Để có những lý lẽ sắc bén trên bàn đàm phán
Bà Bình cho biết sau khi Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được thành lập (6/6/1969), thành phần đoàn ngoại giao đại diện cho nhân dân miền Nam không có gì thay đổi lớn. Bà Bình thay ông Trần Bửu Kiếm làm Trưởng đoàn (sau bà được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao). Các ông Đinh Bá Thi và Nguyễn Văn Tiến làm Phó đoàn. Tại Paris, đoàn có trụ sở tại Verrières-le-Buisson. Đây là một biệt thự xinh xắn. Đoàn đã sống tại đây gần 5 năm và Đảng Cộng sản Pháp là tổ chức giúp đỡ đoàn nhiều nhất.
Hồi ký của bà Bình cũng cho biết để có những lý lẽ sắc bén trên bàn đàm phán và tranh thủ được dư luận rộng rãi, bà cùng các đồng chí của mình thường tìm đọc các sách lịch sử thế giới, và nhất là lịch sử trong nước.
Bà Nguyễn Thị Bình, đại diện cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đặt bút ký trực tiếp vào 32 văn bản của Hiệp định Paris. Ảnh: T.L
Bà Bình đặc biệt thích đoạn nói về thời Lê Lợi - Nguyễn Trãi thế kỷ XV. Lý do là cách đây 500 năm tổ tiên ta đã tổ chức hiệp đồng đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao rất tài tình. Những bức thư ngoại giao của Nguyễn Trãi lúc mạnh mẽ, lúc mềm dẻo vừa gây sức ép, vừa thuyết phục đối phương rút quân về nước.
Ngoài công việc chuẩn bị cho các cuộc họp, bà Bình còn dành khá nhiều thời gian tiếp xúc với báo chí. Kỷ niệm mà bà Bình nhớ nhất là cuộc gặp mặt báo chí trên truyền hình trực tiếp ở Pháp năm 1971. Truyền hình Pháp có sáng kiến tổ chức cuộc họp báo ở hai đầu Paris và Washington. Có 20 nhà báo tham gia, 10 người phần lớn là Mỹ coi như bảo vệ lập trường của Mỹ, 10 người khác phần lớn là Pháp coi như trung lập, khách quan.
Gần hai tiếng đồng hồ căng thẳng dưới ánh đèn sáng chói của trường quay, tuy có hồi hộp nhưng bà Bình vẫn cố gắng đối đáp bình tĩnh, đàng hoàng, mạnh mẽ, nhưng hòa nhã, nêu rõ thiện chí của chúng ta muốn tìm giải pháp chính trị, chấm dứt khổ đau của nhân dân, và kiên quyết vì tự do độc lập và thống nhất thiêng liêng của đất nước.
Sau cuộc họp báo, đồng chí Xuân Thủy đã gọi điện ngợi khen bà, nhiều người bạn Pháp đã gọi điện chúc mừng và coi đây là một thành công quan trọng. Nhiều ngày sau, báo chí còn tiếp tục nói đến sự kiện này.
Bên cạnh những chi tiết kể trên, trong cuốn sách, bà Bình còn kể những chuyện liên quan đến quá trình đàm phán tại Hội nghị Paris, như việc bảo mật thông tin trong quá trình đàm phán, việc tranh thủ đi thăm các nước để kêu gọi sự ủng hộ cho cuộc đấu tranh của Việt Nam, các sự kiện và tình hình chiến trường tác động trực tiếp đến kết quả hội nghị Paris, cảm xúc của cá nhân bà khi được đặt bút ký trực tiếp vào 32 văn bản của Hiệp định…
Bà Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Pari 1972
Bà Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Pari 1972 - Phần 1
Bà Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Pari 1972 - Phần 2
Bà Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Pari 1972 - Phần 3
Bà Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Pari 1972 - Phần 4
Bà Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Pari 1972 - Phần 5 Cuối
Nguyễn Thị Bình
Nguyễn Thị Bình (sinh ngày 26 tháng 5 năm 1927) là một nữ chính trị gia người Việt Nam. Bà nổi tiếng trên thế giới khi giữ cương vị Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris trong giai đoạn 1968-1973. Bà là một trong những người đại diện các bên ký hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định. Bà cũng từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ 1992 đến 2002.
Thân thế và bước đầu sự nghiệp chính trị
Bà tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa, sinh ngày 26 tháng 5 năm 1927 tại làng Tân Hiệp, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là An Hiệp, Châu Thành, Đồng Tháp). Tuy nhiên, nguyên quán của cha bà là Cụ Nguyễn Đồng Hợi, lại ở Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam. Mẹ bà là bà Phan Thị Châu Lan (tục gọi là cô Mè, 1904-1944), là người cháu gái của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh.
Cha của bà là ông Nguyễn Đồng Hợi từng làm tham tá công chánh thời Pháp thuộc, làm công tác họa đồ (nên ông còn được gọi là Họa đồ Hợi) nên thuở nhỏ gia đình bà cư trú tại Phnôm Pênh, Campuchia, do đó bà được cho ăn học ở một trường nổi tiếng ở Đông Dương thời bấy giờ tại Phnôm Pênh là trường Lycée Sisowath. Bà được học tiếng Pháp ở đây cho hết tú tài I, và học rất khá.
Năm 1944, mẹ bà qua đời lúc bà mới 17 tuổi, bà theo gia đình trở về nước và bắt đầu tham gia các hoạt động yêu nước trong phong trào sinh viên học sinh như cứu tế và cướp chính quyền tại Sài Gòn. Sau khi Pháp tái chiếm Nam Bộ cuối năm 1945, cha bà ra chiến khu theo lời kêu gọi của Ủy ban hành chánh kháng chiến Nam Bộ (sau được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam, Lê Đức Anh - sau này là Đại tướng, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam - là một trong hai người giới thiệu). Riêng bà ở lại để chăm sóc các em, vừa hoạt động bí mật cho phong trào Việt Minh khối sinh viên học sinh và phụ nữ. Lúc này, bà lấy bí danh là Yến Sa. Năm 1948, bà được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1951, bà bị thực dân Pháp bắt giam và bị tra khảo tại bót Catinat, sau đó bị giam ở Khám Lớn Sài Gòn rồi khám Chí Hòa (1951-1953).
Năm 1954, bà ra tù và tham gia luôn vào phong trào hòa bình đòi thi hành Hiệp định Genève. Năm 1955, bà được điều ra Bắc tập kết và được đào tạo thêm theo chương trình bồi dưỡng cán bộ đặc biệt.
Trở thành nhà ngoại giao
Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Năm 1962, bà được điều trở lại miền Nam với cái tên mới là Nguyễn Thị Bình, giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Mặt trận Giải phóng, hoạt động ở mảng đối ngoại, kiêm Phó Tổng thư ký Hội Phụ nữ Giải phóng.
Năm 1963 bà sang Trung Quốc và được lãnh tụ Mao Trạch Đông tiếp.
Cuối năm 1968, bà được cử làm Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Giải phóng sang Paris dự Hội nghị Paris về Việt Nam, đến đầu tháng 1 năm 1969, ông Trần Bửu Kiếm giữ chức vụ trưởng đoàn, còn bà được rút về nước để chuẩn bị cho việc thành lập Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Ngày 6 tháng 6 năm 1969, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, bà được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Sau đó bà lại trở sang Paris đảm nhận lại chức vụ Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ lâm thời. Trong suốt thời gian 1968-1972, bà nổi tiếng trong các cuộc họp báo tại hội nghị 4 bên tại Paris, với phong cách ngoại giao lịch lãm và duyên dáng, được giới truyền thông đặt cho biệt hiệu Madame Bình.
Khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, bà là người đại diện của Cộng hòa miền Nam Việt Nam, một trong bốn bên ký vào bản Hiệp định.
Lịch sử ngành ngoại giao Việt Nam ghi nhận bà Nguyễn Thị Bình là nữ bộ trưởng đầu tiên.
Các chức vụ thời bình
Sau sự kiện 30 tháng 4, bà làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1976-1987), rồi Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng (1987-1992). Bà còn là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá V (03/1982-1986), Đại biểu Quốc hội từ khoá VI đến khoá X (1976-2002).
Năm 1992, tại kỳ họp Quốc hội khóa IX, bà được bầu làm Phó chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và giữ chức vụ này liên tục trong 10 năm (1992-2002). Bà là người phụ nữ Việt Nam thứ hai giữ chức vụ phó nguyên thủ, sau bà Nguyễn Thị Định - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (tương đương Phó Chủ tịch nước hiện nay).
Sau khi nghỉ hưu vào năm 2002, bà tiếp tục làm Chủ tịch của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Năm 2003, bà thành lập Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam và làm Chủ tịch của tổ chức này cho đến nay. Ngoài ra, bà cũng là Chủ tịch danh dự của Hội nạn nhân chất độc da cam/đioxin Việt Nam kể từ khi hội này được thành lập vào tháng 1/2004. Năm 2001, bà được Chủ tịch nước Trần Đức Lương trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Gia đình
Bà sinh ra ở trong 1 gia đình có 6 anh chị em, cha bà là ông Nguyễn Đồng Hợi, mẹ là bà Phan Thị Châu Lan. Ông ngoại bà là nhà hoạt động chính trị Phan Châu Trinh.
Bà lập gia đình với ông Đinh Khang, năm 1955. Họ có hai người con: Đinh Nam Thắng (sinh năm 1956) và Đinh Thùy Mai (sinh năm 1960). Ông Đinh Khang qua đời năm 1989.
Tác phẩm
Gia đình, bạn bè, đất nước (hồi ký), Nhà xuất bản Tri Thức, Hà Nội, 2012 (đã được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Nhật)
Phong tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng (Đảng Cộng sản Việt Nam), trao ngày 31/8/2017.
Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao sáng 24 tháng 10 năm 2021
Huân chương Hồ Chí Minh
Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng 1
Huân chương kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng 1
Chú thích
Có tài liệu ghi tên bà được đặt ghép từ địa danh nơi bà sinh ra là Sa Đéc và lấy từ chữ Châu từ chữ lót của ông ngoại và thân mẫu bà
Có tài liệu ghi là Kim Sa
lúc đó đã rút vào bí mật, hoạt động dưới tên gọi Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương
Người phụ nữ đầu tiên là bà Nguyễn Thị Định, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước 1987-1992
“Trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Nguyễn Thị Bình”. Báo Nhan dân. 31 tháng 8 năm 2017. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2017.
Nguồn: Internet
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn