Thứ Ba, 24 tháng 1, 2023
'Ai bảo chăn trâu là khổ': Nhà thơ Giang Nam qua đời, Quê hương vẫn nơi đây
Nhà thơ Giang Nam, tác giả bài Quê hương, cùng vợ và con gái năm 1973- TƯ LIỆU GIA ĐÌNH
'Ai bảo chăn trâu là khổ': Nhà thơ Giang Nam qua đời, Quê hương vẫn nơi đây
Nhà thơ Giang Nam qua đời vào ngày 23.1 (tức mùng 2 tết) tại Khánh Hòa, hưởng thọ 95 tuổi. Tuy nhiên, trong tâm khảm của nhiều thế hệ học sinh những câu thơ trong bài thơ Quê hương của ông vẫn còn mãi nơi đây.
Nhắc đến nhà thơ Giang Nam là nhắc đến Quê hương-bài thơ nổi tiếng nhất do ông sáng tác năm 1960 và được bao thế hệ học trò Việt Nam yêu thích.
53 năm đã trôi qua, vẫn thuộc những câu thơ
Dù đã học bài thơ Quê hương trong sách giáo khoa hồi cấp 3 trong thập niên 1970 nhưng tới nay cô Lê Thị Vui, giáo viên ngữ văn nghỉ hưu của Trường THPT Bãi Cháy (TP.Hạ Long, Quảng Ninh), vẫn còn thuộc những câu thơ.
Cô Vui kể: “Ngày ấy không ít học sinh thuộc nhiều câu, thậm chí cả bài Quê hương. 53 năm đã trôi qua nhưng bây giờ tôi vẫn nhớ rất rõ những câu thơ 'Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường. Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ. Ai bảo chăn trâu là khổ. Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao. Những ngày trốn học. Đuổi bướm cạnh cầu ao. Mẹ bắt được... Chưa đánh roi nào đã khóc'".
Sau nhiều lần thay đổi sách giáo khoa, bài thơ Quê hương không có trong sách giáo khoa, nhưng vẫn được nhiều thế hệ học sinh tìm đọc. Nhiều học sinh vẫn yêu thích việc trích dẫn những câu thơ hay của bài này trong quá trình viết phân tích, cảm nhận văn học, theo cô Vui.
Cũng theo cô Vui, không phải ngẫu nhiên đó là một bài thơ mà ai cũng biết và thuộc. Có những câu thơ lay động cảm xúc: "Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm. Có những ngày trốn học bị đòn roi... Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất. Có một phần xương thịt của em tôi".
"Những câu thơ này thể hiện tình yêu chan chứa dành cho quê hương, đất nước, đôi lứa hòa trong tình yêu dành cho dân tộc. Ai cũng có một quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn. Nói về quê hương là nói về những tình cảm sâu thẳm nhất, thiêng liêng nhất bên trong mỗi một con người”, cô Vui bộc bạch.
Nhà thơ Giang Nam - TƯ LIỆU
Ai cũng từng nghe “Ai bảo chăn trâu là khổ”
Là người quản trị Fanpage “Sách đẹp” chuyên lưu trữ hình ảnh sách giáo khoa các thời kỳ, anh Lê Hải Đoàn (33 tuổi, giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội) cho biết Quê hương của Giang Nam là một trong những bài thơ cảm xúc nhất khi nói về chủ đề quê hương.
“Tôi được nghe bài thơ này từ thuở bé vì ngày trước mẹ hay đọc. Tôi nghĩ ngày xưa ai không đọc thì cũng từng nghe qua câu 'Ai bảo chăn trâu là khổ' như một câu cửa miệng và thậm chí phổ biến rộng khắp. Khổ thơ đầu tiên của Quê hương khiến mọi người thấy thân quen vì mô tả sinh hoạt thường ngày mà bất kỳ ai trải qua thời kỳ khó khăn của đất nước cũng đều thấy hình ảnh mình trong đó”, anh Đoàn nói.
Nhà thơ Giang Nam (trái) - TƯ LIỆU
Nếu như đoạn đầu tái hiện lại hình ảnh tuổi thơ thì các đoạn sau là những hình ảnh khói lửa mịt mùng và kết thúc là nỗi đau xé lòng của những người ở lại trước sự hy sinh mất mát của những người thân quen cho Tổ quốc.
"Trong nỗi đau đó, tác giả càng tô điểm thêm tình yêu nước, bởi khi ấy đất nước đã hòa chung vào máu thịt, là lũy tre, là mẹ, là cô bé hàng xóm, là kỷ niệm thời thơ ấu với những tháng ngày êm đềm của hòa bình”, anh Đoàn cảm nhận.
Trong khi đó, ở góc độ một độc giả yêu thơ, bà Phạm Thị Phượng (63 tuổi) kể với phóng viên Báo Thanh Niên: “Tôi sinh ra và lớn lên ở thôn An Xá, xã An Viên, H.Tiên Lữ, Hưng Yên. Đấy là năm 1972, tôi nhớ mình đang học lớp 7, thầy giáo thương binh làng tôi, người trở về từ chiến trường Quảng Trị tên Trần Thế Viễn mang đến những bài giảng văn cực kỳ tuyệt vời về bài thơ Quê hương của Giang Nam".
"Lớp tôi ngày ấy nghịch lắm, học trò nhất quỷ nhì ma mang đến bao nhiêu trò quậy phá trong giờ học, nhưng cứ đến giờ giảng văn của thầy Viễn thì im phăng phắc vì thầy giảng văn truyền cảm. Thầy Viễn mất năm 1976, chúng tôi cũng đã xa rời quê hương để đến vùng đất mới mưu sinh. Thế nhưng như những gì nhà thơ Giang Nam viết, quê hương vẫn là tất cả những gì tươi đẹp nhất, là máu thịt, với bao nhiêu yêu thương xúc động nhất, dù chúng ta đang nơi đâu…”, bà Phượng xúc động.
Bài thơ Quê hương
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
"Ai bảo chăn trâu là khổ?"
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được...
Chưa đánh roi nào đã khóc!
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích
Mắt đen tròn thương thương quá đi thôi...
***
Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi
Cô bé nhà bên - (có ai ngờ!)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại...
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi...
***
Hòa bình tôi trở về đây
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa...
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng...
Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích, em ơi!
Đau xé lòng anh, chết nửa con người!
Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi...
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi!
(Bài thơ Quê hương được nhà thơ Giang Nam sáng tác năm 1960, in trong nhiều tập thơ, từng được nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu phổ nhạc)
Nguồn: TNO
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn