Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2022
Người Sài Gòn biết đến nghề chụp ảnh dạo đã đến thời "đìu hiu"
Người Sài Gòn biết đến nghề chụp ảnh dạo đã đến thời "đìu hiu"
Lọt thỏm giữa hàng trăm người tham quan Bưu điện thành phố trong một sáng tháng 10, ông Liêm - thợ chụp ảnh dạo già nhất khu này vẫn nổi bật với chiếc nón Noel trên đầu.
Người đàn ông 78 tuổi gọi đây là "chiếc nón thương hiệu". Ông bắt đầu đội từ mùa Noel năm ngoái để ghi nhớ về thời điểm mình được cộng đồng mạng và đặc biệt là người Sài Gòn biết đến nghề chụp ảnh dạo đã đến thời "đìu hiu".
Ông Liêm sinh ra và lớn lên ở TPHCM. Cha mẹ ông đều làm nghề giáo viên, sống ở khu vực cầu Thị Nghè, quận Bình Thạnh. Năm 13 tuổi, cậu bé Liêm đã mơ ước trở thành một nhiếp ảnh gia sau khi xem bộ phim ở rạp có một diễn viên nam cầm máy ảnh chụp hình cho nhiều người.
Học xong lớp 9, cậu bé Liêm thuở ấy không muốn nối nghiệp "gõ đầu trẻ" của cha mẹ. Ông xin làm trong một xưởng in ấn tờ rơi với công việc đánh máy để tự nuôi sống bản thân. Mê nghề nhiếp ảnh, nhưng đến năm 25 tuổi ông Liêm mới có điều kiện và quyết tâm theo đuổi.
Thuở đó, Sài Gòn không có nhiều tay máy nhưng ông may mắn chơi cùng một người bạn làm nghề này. Sau một tuần lẽo đẽo theo bạn học nghề, ông Liêm bán sợi dây chuyền vàng của mình để mua chiếc máy ảnh đầu tiên. Năm 1970, ông chính thức trở thành một tay máy ở Thảo Cầm Viên, quận 1 mà không học ở một khóa đào tạo nhiếp ảnh nào.
Người thợ chụp ảnh già còn cho biết, từ năm 1985 - 2005 là thời điểm hoàng kim nhất trong hơn 50 năm làm nghề của mình. Lúc bấy giờ, cứ sau mỗi mùa Tết, ông Liêm lại kiếm được một số tiền lớn, đủ sắm một chiếc xe máy.
"Có lần, một bà chủ trong ngành vận tải ở quận 5 đến ngỏ ý muốn tôi chụp một bộ hình đủ kiểu. Nhận hình, bà ấy trả công bằng một giỏ tiền mặt khiến tôi choáng váng. Thù lao tôi nhận được trong nghề này đôi khi không tính bằng sản phẩm mà tính bằng cảm xúc của khách hàng", ông cười móm mém kể.
Suốt hơn 50 năm làm phó nháy, ông Liêm chưa từng nghĩ mình sẽ mở tiệm chụp hình cố định. Người đàn ông không muốn ràng buộc. Ông thấy vui hơn khi được đeo máy trên vai và chủ động đi tìm kiếm khách hàng cho mình. Hết chụp ở Thảo Cầm Viên, ông Liêm lại tìm đến Dinh Độc Lập và hơn chục năm nay thì gắn bó ở Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà…
Ngoài ra, ông còn nhận chụp hình trong các buổi lễ tốt nghiệp đại học, nhận bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở các trường đại học ở trung tâm thành phố.
Tiền kiếm được nhiều nhưng ông Liêm vẫn không có của để dành vì phải nuôi 6 người con ăn học. Trong khi vợ ông lại không có nghề nghiệp ổn định. Tuy tự hào là người Sài Gòn gốc, ông vẫn thấy hổ thẹn khi mình không mua được nhà riêng mà phải sống trong căn nhà cha mẹ để lại.
"Tính tôi không biết lo xa, lúc làm nhiều tiền cũng chỉ biết hiện tại thôi. Tôi hay nghĩ hôm nay kiếm được thì cứ xài, hết tiền thì ngày mai lại đi làm. Ở mảnh đất này, chịu lao động thì sẽ không lo bị đói", ông Liêm khẳng định.
Rồi một ngày chừng hơn chục năm về trước, lão già chụp hình nhìn thấy nhiều người trong đoàn khách tham quan cũng đeo trên vai chiếc máy ảnh. Có khi còn xịn hơn cả chiếc máy ông đang hành nghề. Vẫn kiên nhẫn mời khách chụp hình rồi ngậm ngùi khi bị từ chối, ông Liêm chỉ còn biết đứng từ xa nhìn đoàn người tự chụp hình cho nhau.
Vậy là ông thợ già mở rộng địa bàn. Không chỉ chụp ở các điểm tham quan du lịch, trường đại học ở quận 1 như trước, ông chấp nhận chạy xe máy hơn 20km xuống đại học Nông Lâm, thành phố Thủ Đức từ sáng sớm. Bởi, chỉ có đi sớm ông mới có thể tranh suất chụp lễ tốt nghiệp với các thợ ảnh khác. Hôm đó, ông kiếm được 300 nghìn đồng về đưa cho vợ lo trang trải chi phí trong nhà.
Bất giác, ông nghĩ: "Chẳng lẽ giữa mảnh đất từng tự hào chỉ cần chăm chỉ lao động thì sẽ không đói này, không còn cơ hội cho mình làm việc nữa sao?".
Cuộc sống chật vật cứ thế trôi qua trong nhiều năm, tuy nhiên ông Liêm chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Dù nhiều lần chiếc máy ảnh hư hỏng, khi cần nâng cấp máy mới ông phải vay mượn tiền để mua.
Sau nhiều năm, vào mùa Noel năm ngoái, ông Liêm được anh Đoàn Minh Thông, 33 tuổi ở quận Bình Thạnh chia sẻ tình cảnh "đìu hiu" lên mạng xã hội. Ngay sau đó, anh đã chụp tặng ông Liêm một bộ hình với chiếc máy ảnh thân thuộc của mình. Sau khi trở về với cuộc sống mưu sinh thường ngày, ông Liêm bất ngờ khi không cần mở lời cũng có những vị khách trẻ tuổi đến nhờ ông chụp hình.
Ngày trước, khi làm việc ở Bưu điện thành phố, mỗi ngày ông Liêm chỉ chụp được 1 vài pô hình, kiếm được vài chục nghìn. Chưa kể, có hôm chẳng có vị khách nào. Giờ đây, nhiều người biết đến ông đã tìm đến chụp ảnh khiến thu nhập của ông khá lên. Chứng kiến khách chờ đợi để được mình chụp hình khiến lão già có cảm giác được sống lại quá khứ hoàng kim.
"Mình không ngờ câu chuyện của bác Liêm lại nhận được nhiều người quan tâm, ủng hộ bác đến vậy. Có thể trước đây mọi người không biết bác nên ít bận tâm, sau khi nghe bác tâm sự, người dân TPHCM đã mở rộng tấm lòng yêu thương bác", anh Thông chia sẻ.
9 giờ sáng, khi thời điểm nắng lên đủ tạo hiệu ứng ánh sáng tự nhiên để chụp hình đẹp nhất, ông Liêm nheo mắt, miệng móm mém cười rồi tay bấm "tách" để chụp hình cho chị Thùy Linh, 30 tuổi ở thành phố Thủ Đức.
Biết ông Liêm qua mạng xã hội, nhân dịp dẫn người bạn lần đầu đến TPHCM, Thùy Linh đã nghĩ ngay đến việc nhờ ông chụp hình lưu niệm dù chị cũng có máy ảnh.
Vị khách nữ ngày thường ít tạo dáng trước ống kính được ông hướng dẫn nghiêng người, tay cầm nón… sao cho đẹp để chụp hình.
"Dù người nhỏ con nhưng bác Liêm nổi bật nhất giữa đám đông bới chiếc nón Noel màu đỏ. Lớn tuổi nên bác đi lại achậm hơn các thợ ảnh khác, nhưng khi hướng dẫn tôi tạo dáng thì bác rất nhanh nhẹn và hài hước. Khi tôi tạo dáng đẹp, bác giơ ngón tay cái lên, miệng nói: Good, good!", chị Linh cười, nói.
Mỗi tấm hình được kết nối với máy in ảnh cỡ tờ giấy A5 có giá 30 nghìn đồng. Dù chị Linh chỉ yêu cầu chụp 5 tấm nhưng ông Liêm đã bấm máy thêm tấm thứ 6 tặng để tặng vị khách xinh đẹp của mình.
Nội dung: Diệp Phan
Ảnh: Hải Long
Thiết kế: Khương Hiền
04/11/2022
Nguồn: Dân Trí
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn