Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022
Nhà văn Nhất Linh từng là thủ khoa Mỹ thuật Đông Dương
Tranh vẽ nhà văn Nhất Linh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí.
Nhà văn Nhất Linh từng là thủ khoa Mỹ thuật Đông Dương
Vị chủ soái của Tự Lực văn đoàn - nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) - ngoài tài văn chương và làm báo, ông còn là một họa sĩ, từng là thủ khoa trường Mỹ thuật Đông Dương.
Sau gần 60 năm "chủ soái" của Tự Lực văn đoàn - nhà văn Nhất Linh - từ giã cõi đời (1963), nhiều người vẫn không biết ngoài thân phận nhà văn, ông còn là một họa sĩ tài danh. Năm 2021, tác phẩm mỹ thuật của ông được gõ búa trong phiên đấu tại Pháp.
Từng là Thủ khoa mỹ thuật
Tiến tới kỷ niệm 90 năm phong trào Thơ mới và Tự Lực văn đoàn, giới nghiên cứu quan tâm bàn luận nhiều hơn về Nhất Linh - vị “chủ soái” đã làm nên thành công của Thơ mới giữa buổi giao thời.
Nhà văn Nhất Linh (giữa) đi dạo với các cháu. Ảnh tư liệu của bà Trương Kim Anh.
Nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) là con thứ 3 trong một gia đình 7 anh chị em. Nhất Linh thành lập Tự Lực văn đoàn gồm 7 thành viên. Nghiệp văn của ông cũng gắn liền với 7 truyện dài tiêu biểu: Nắng thu, Đoạn tuyệt, Đôi bạn, Bướm trắng, Lạnh lùng, Xóm cầu mới và Dòng sông thanh thủy. [...]
Ít ai biết rằng, Nhất Linh từng là thủ khoa của khóa học đầu tiên (1925-1930) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông học cùng khóa với Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm… Tất cả những người này sau đó đều trở thành danh họa của Việt Nam.
Nguyễn Tường Tam cũng là cử nhân Khoa học Giáo khoa (Lý, Hóa) tốt nghiệp tại Pháp. Năm 1932, ông mua lại tờ tuần báo Phong hóa, trở thành Giám đốc kể từ số 14, ra ngày 22/9/1932. Năm 1934, anh em ông và một số văn nhân thành lập Tự Lực văn đoàn trên nguyên tắc “dựa vào sức mình, theo tinh thần anh em một nhà”. [...]
Không chỉ là một văn nhân nổi tiếng, Nhất Linh còn là một nhà thơ, một họa sĩ tài năng. Với báo Phong hóa và Ngày nay, trước kia ông ký tên Ðông Sơn và sau này với Văn hóa Ngày nay, ông ký tên Nhất Linh trên những bức vẽ. Có một số bức họa rất nổi tiếng của ông như: Cảnh phố chợ Đông Dương hay Cúc xưa...
Năm 2010, một họa phẩm của Nhất Linh, bức Cảnh phố chợ Đông Dương vẽ trên lụa vào khoảng 1926-1929 đã được bán đấu giá tại Hong Kong, Trung Quốc với giá gõ búa 75.000 USD.
Bức vẽ hiếm của Nhất Linh
Cuối năm 2021, giới sưu tầm hội họa lại xôn xao khi thấy một tác phẩm mang tên Nguyễn Tường Tam xuất hiện trong phiên đấu Peintres & Arts du Vietnam tại Pháp của nhà đấu giá Aguttes.
Bức tranh khắc gỗ trên giấy dó được gõ búa thành công với giá 8.000 euro. Nếu tính cả các loại chi phí, cộng 29% thuế phí thì tác phẩm có giá tương đương 279 triệu đồng.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho rằng người sở hữu bức tranh sau đấu giá đã quá may mắn có được tác phẩm cực kỳ quý hiếm với mức giá hời.
Cũng theo ông Khôi, trong danh sách các tác phẩm gửi đi triển lãm thuộc địa Paris năm 1931, tranh khắc gỗ của Nguyễn Tường Tam có tên Les conseils de la bonzesse (Những lời khuyên của ni cô); Lưu trữ “Victor Tardieu”, Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Pháp.
Bức tranh có lẽ được vẽ khi Nguyễn Tường Tam còn học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, nghĩa là khoảng 1925-1926. Trên tranh, bên góc dưới phía trái có hai triện và dòng chữ ký bằng tiếng Hán. Triện chữ nhật màu đen có dòng chữ "Đại Nam Cao đẳng Mỹ thuật học đường", là triện của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Dưới triện đen là triện đỏ hình vuông, có 4 chữ "Nguyễn Tường Tam ấn".
Cạnh bên triện là hàng chữ "Nam dân họa ý/Bức vẽ người dân Nam". Đồng thời cũng thêm một hàng chữ rất nhỏ "Đệ tam chi bách bản / Bức thứ 3 trong 100 bức".
Trên góc phải phía trên có hai dòng lạc khoản viết bằng chữ Nôm. Sau một thời gian nghiên cứu kỹ và nhờ sự giúp đỡ của những người sành chữ Nôm như Lâm Hán Thành và Lam Điền tra cứu, dịch ra một bài thơ, đại ý: “Việc chi mưa Sở gió Tần / Lấy chồng phải gánh giang sơn nhà chồng / Trăm năm cho vẹn chữ tòng / Lòng nào lòng nỡ phụ lòng ấy vay”.
Họa sĩ - nhà văn Nhất Linh đã sử dụng kỹ thuật khắc gỗ cổ truyền của Việt Nam để thực hiện tác phẩm. Bối cảnh chung của bức tranh là làng quê yên bình, bên cạnh cái ao làng có hai người phụ nữ một trẻ một già mang phong thái đặc trưng Bắc Bộ.
Phác thảo Hoa phong lan trong sổ tay của Nhất Linh (28/10/1957).
Người phụ nữ trẻ mặc áo tứ thân đội nón quai thao truyền thống đang ẵm em bé. Đứng cạnh đó là phụ nữ lớn tuổi trong trang phục tôn giáo (ni cô/vãi), đầu đội khăn, tay cầm trượng gỗ. Biểu cảm của người phụ nữ lớn hơn như đang khuyên nhủ, còn người phụ nữ trẻ thì chăm chú lắng nghe.
Đáng chú ý là bức tranh có lời đề tặng viết tay và chữ ký của ông Victor Tardieu - Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Nhà nghiên cứu Lý Đợi cho rằng: Dù tranh có dùng câu Kiều và Lục Vân Tiên trong lạc khoản, nhưng vì trường đoạn Kiều gặp Giác Duyên (Tam Hợp đạo cô) không có em bé. Kiều Nguyệt Nga cũng không có em bé. Vì vậy, nên có thể đoán là tranh lấy cảm hứng từ truyện thơ Quan âm Thị Kính
"Sau năm 1929, bố tôi không sống về nghề vẽ nhưng lòng mê say hội họa vẫn theo ông đến cuối đời. Ông dùng tài vẽ của mình, theo từng giai đoạn hoặc để làm báo, hoặc vẽ theo cảm hứng. Những năm 1956 - hồi ở Ðà Lạt - tôi chứng kiến những buổi đi chơi xa hoặc đi tầm lan, ông thường vẽ phong cảnh và hoa phong lan trên một cuốn sổ tay. Thời gian này tôi thấy ông vẽ còn nhiều hơn là viết”, Nhà văn Nguyễn Tường Thiết.
Nhất Linh và câu chuyện chưa bao giờ cũ
Là trí thức tiến bộ, Nhất Linh không ngại viết về những chủ đề mà xã hội đương thời vẫn luôn e dè. Với ông, văn chương phải góp phần để xã hội tốt đẹp hơn.
Trong tiểu thuyết Lạnh lùng, Nhất Linh đã viết về vấn đề mà xã hội đương thời vẫn còn nhiều e ngại, đó là cuộc đời của góa phụ.
Tác giả của Đôi bạn muốn dùng ngòi bút của mình để đòi quyền mưu cầu hạnh phúc cho phụ nữ. Những con người luôn phải chịu sự gò ép của lễ giáo và cái nhìn khắt khe từ người đời.
Tiểu thuyết Lạnh lùng của Nhất Linh. Ảnh: Netabooks.
Tâm tư của một góa phụ
Nhân vật chính của tiểu thuyết Lạnh lùng là Nhung, một phụ nữ xinh đẹp nhưng bất hạnh.
Năm hai mươi tuổi, cô đã rơi vào cảnh góa bụa. Suốt 3 năm kể từ khi chồng mất, Nhung lặng lẽ ôm con, trải qua những đêm dài tịch mịch trong cảnh chăn đơn gối chiếc. Sự xuất hiện của Nghĩa, một anh giáo hiền lành, điển trai, dạy học ở nhà bên đã thay đổi cuộc đời buồn tẻ của góa phụ.
Tình yêu đã trở lại trong con tim quạnh vắng bấy lâu của Nhung. Những xúc cảm rất bản năng dâng trào trong con người nàng. Nhưng đau khổ thay, Nhung là bà góa, cả đời cô nếu muốn giữ tiếng thơm thì không được thương nhớ ai ngoài người chồng đã mất. Người phụ nữ ấy luôn phải gồng mình lên để giấu những tâm tư thật sự của bản thân.
Viết về đời sống nội tâm của quả phụ, Nhất Linh không hề lảng tránh những yếu tố bản năng. Trong tiểu thuyết Lạnh lùng, điều mà các nhà văn thế hệ trước luôn tìm cách né tránh lại được Nhất Linh miêu tả một cách rất nồng nàn, da diết, nhưng không hề dung tục: “Nhung áp gối bông vào mặt để cho làn vải êm mát làm dịu đôi má nóng bừng”.
Có những đêm nằm ôm con trong buồng, cô khẽ thì thầm với con như nói với Nghĩa: “Ấm áp nhỉ!”.
Một người luôn khát khao hạnh phúc, nhưng lại phải tìm mọi cách để giấu giếm tình yêu đang lớn dần trong lòng. Khi Nhung nhớ về tình nhân là lúc người đọc thương cho số mệnh của cô hơn cả.
Trong tác phẩm, Nhung đã nhiều lần rơi nước mắt. Nhưng, lần nàng khóc trong đám giỗ của chồng là ấn tượng hơn cả. Họ hàng đều cho rằng góa phụ trẻ vì nhớ tới người chồng vắn số mà rơi lệ, nhưng không phải vậy.
Cô đã bộc bạch với chính mình, đó là người chồng “không còn để lại cho cô chút thương nhớ gì, mà chỉ để lại cái dư vị của một quãng đời ân ái chưa thỏa mãn”. Hóa ra, Nhung đang khóc cho số phận hẩm hiu của mình.
Tấm biển “Tiết hạnh khả phong” của bà tổ, được treo ở gian khách như một lời nhắc nhở với cô. Mẹ chồng mong con dâu thủ tiết, mẹ đẻ cũng mong con gái ở vậy “thờ chồng nuôi con”. Nếu không tái giá, cô sẽ được người đời trọng vọng, kính nể. Tình yêu và những giá trị cổ hủ ấy vô tình ép Nhung vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Mỗi lần nhớ tới Nghĩa, cảm giác hổ thẹn đều trào lên trong lòng Nhung. Cô thấy “tự thẹn về những ý nghĩ bất chính dồn dập trong tâm trí mình lúc đó”. Lúc này, Nhung vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các tư tưởng của đạo Nho.
Nhất Linh đã khắc họa rất tinh tế tâm trạng của góa phụ. Tranh minh họa: Thiếu nữ bên hoa cúc trắng của họa sĩ Dương Bích Liên.
Giành lấy hạnh phúc theo cách khác
Em gái của Nhung là Phương đã dũng cảm làm trái sự sắp đặt của cha mẹ để lấy người mình yêu. Bởi vì Phương biết cha mẹ có giận thì cũng chỉ là chuyện một sớm một chiều. Còn hôn nhân đại sự là chuyện cả đời, nếu không dũng cảm thì hết kiếp này, cô vẫn phải sống trong nuối tiếc. Đám cưới của Phương đã khiến cho Nhung như người đang mơ ngủ bỗng giật mình tỉnh dậy.
Nếu buông xuôi mối tình với Nghĩa, người phụ nữ ấy cũng sẽ hối hận suốt quãng đời còn lại. Em gái có thể dũng cảm đi tìm tình yêu, tại sao cô không thể?
Vì sợ dân làng và mẹ chồng Nhung phát hiện mối quan hệ của hai người, Nghĩa quyết định lên tỉnh. Khi đã hiểu được tầm quan trọng của cuộc tình này với bản thân mình, Nhung quyết định không buông xuôi.
Cô lén lên tỉnh để hẹn hò với Nghĩa. Không cần người đời cho phép, chỉ cần cả hai xem nhau là vợ chồng cũng đủ rồi. Trước kia, mỗi khi nghĩ đến Nghĩa, Nhưng lại sỉ vả bản thân vì không giữ trọn tiết hạnh. Thế nhưng, giờ đây, cô đã rủ bỏ những suy nghĩ ấy để tận hưởng tình yêu. Đây là một bước chuyển biến lớn trong tâm lý của Nhung.
Những luân lý của xã hội cũ đã cản trở nàng, Nhung vẫn quyết tâm tự đấu tranh cho bản thân mình. Khi tháo bỏ những suy nghĩ cổ hủ như gông cùm ngự trị trong tư tưởng, cô mới thật sự hạnh phúc
Dẫu biết Nhung qua lại với Nghĩa, mẹ chồng cô chẳng dám vạch trần con dâu, vì bà vẫn cần giữ tiếng thơm cho gia đình. Hễ có khách tới chơi, người mẹ chồng tội nghiệp ấy vẫn khen con dâu đức hạnh nết na. Chi tiết này đã vạch trần sự giả dối của xã hội cũ, nơi mà ai cũng cố xây nên một vỏ bọc hoàn hảo để vừa lòng thế gian.
Cuối tác phẩm, hình ảnh Nhung lại nhìn lên bốn chữ vàng “Tiết hạnh khả phong” ở gian khách khiến người đọc không khỏi xót xa. Dù cố gắng đấu tranh, cô cũng không chiến thắng được số mệnh là sống đời quả phụ, hoặc vờ như quả phụ trung trinh, để giữ vẹn toàn tiếng thơm, dẫu cho đó là thứ giả dối, hão huyền.
Tiểu thuyết Lạnh lùng không chỉ là câu chuyện buồn về mối tình của góa phụ. Qua đó, nhà văn Nhất Linh đã cổ vũ những phụ nữ đứng lên giành hạnh phúc cho mình, cố gắng vượt thoát khỏi những tư tưởng cổ hủ đã làm khổ.
Ẩn chứa trong những lời văn nhịp nhàng, bay bổng đó, tác giả đã khéo léo lên án xã hội cũ, nơi người ta coi những danh vọng hão huyền đáng giá hơn hạnh phúc con người.
Nguyễn Tường Tam là nhà văn, nhà báo với bút danh Nhất Linh, Tam Linh, Bảo Sơn, Lãng du, Tân Việt, Đông Sơn. Ông là người thành lập Tự Lực văn đoàn và là cây bút chính của nhóm. Ông từng là chủ bút tuần báo Phong Hóa, Ngày Nay.
Nguồn: Nhóm TLVĐ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn