Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022
BÀN CỜ CHIẾN SỰ SAU KHI NGA SÁP NHẬP 4 VÙNG LY KHAI UKRAINE
BÀN CỜ CHIẾN SỰ SAU KHI NGA SÁP NHẬP 4 VÙNG LY KHAI UKRAINE
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30/9 đã ký sắc lệnh nhập 4 tỉnh ly khai ở miền Đông và Nam Ukraine vào Liên bang Nga. Quyết định này được giới quan sát nhận định sẽ có ảnh hưởng lớn đến diễn biến tiếp theo của cuộc xung đột tại Ukraine.
Ngày 30/9, trong một buổi lễ trang trọng được tổ chức tại Điện Kremlin, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh sáp nhập 4 khu vực ly khai Ukraine gồm Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Lugansk vào Liên bang Nga.
Tổng thống Putin cùng 4 nhà lãnh đạo các khu vực ly khai của Nga trong buổi hòa nhạc chào mừng hiệp ước sáp nhập tại Quảng trường Đỏ vào tối 30/9 (Ảnh: Reuters).
"Tôi muốn chính quyền Kiev và phương Tây lắng nghe tôi. Để mọi người nhớ rằng, những người sống ở Lugansk và Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia sẽ trở thành công dân của chúng tôi. Vĩnh viễn", Tổng thống Putin tuyên bố.
Theo nhiều chuyên gia, quyết định được Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga tuyên bố là "hoàn toàn hợp hiến" này tiềm ẩn nguy cơ đẩy cục diện xung đột giữa Moscow và Kiev lên một tầm cao mới.
Tương lai chiến sự Ukraine
Ngay sau khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 vùng ly khai, quân đội Ukraine đã lập tức tổ chức nhiều đợt phản công nhằm vào các phòng tuyến của Moscow tại miền Đông và miền Nam đất nước.
Tại thị trấn Lyman ở Donetsk, chiến thuật hợp lý cùng hỏa lực mạnh mẽ từ những vũ khí hạng nặng do các đồng minh phương Tây viện trợ đã giúp quân đội Ukraine nhanh chóng giành được ưu thế và vây chặt hơn 5.000 binh sĩ Nga phòng thủ bên trong thị trấn chiến lược này.
Binh sĩ quân đội Ukraine di chuyển trên xe bọc thép tại khu vực miền Đông Ukraine (Ảnh: Reuters).
Trước sức tấn công dữ dội của Kiev, Bộ Quốc phòng Nga ngày 1/10 đã buộc phải tuyên bố rút quân ra khỏi Lyman nhằm tránh "mối đe dọa từ vòng vây thắt chặt" của quân đội Ukraine. Các binh sĩ này được cho là sẽ lui về các phòng tuyến khác của Nga ở Donetsk và tái tổ chức lực lượng tại đây.
Việc giành được thị trấn Lyman là một thành công mang tính chiến lược của quân đội Ukraine. Thị trấn Lyman được cho là có vị trí huyết mạch do nằm tại khu vực tiếp giáp với cả 3 vùng giao tranh Kharkov, Lugansk và Donetsk. Bên cạnh đó, đây cũng là một trung tâm hậu cần quan trọng của Moscow khi có ga đường sắt với nhiệm vụ trung chuyển vũ khí và hàng tiếp viện cho các lực lương thân Nga ở miền Đông Ukraine
Kiểm soát được thị trấn này, quân đội Ukraine sẽ có nhiều lựa chọn linh hoạt trong kế hoạch tác chiến thời gian tới. Kiev cũng có thể thực hiện những đòn nghi binh nhằm gây bất ngờ cho quân đội Nga nếu giành được Lyman, giống những gì đã được thực hiện tại Kharkov vào đầu tháng 9. Ngay sau khi giành được thị trấn Lyman, quân đội Ukraine đã lập tức tổ chức thêm các cuộc tiến công nhằm giành thêm một số vùng lãnh thổ ở 2 tỉnh Lugansk và Kherson. Giới quan sát quân sự Nga đã xác nhận về một cuộc tiến công của xe tăng Ukraine qua hàng chục km lãnh thổ dọc theo bờ sông Dnipro ở miền Nam. Làng Torske, một ngôi làng nằm gần thị trấn Lyman, cũng đã được giành lại từ tay người Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 2/10 khẳng định những kết quả khả quan trong thời gian qua sẽ tạo đà để lực lượng Ukraine tiến vào giành vùng Donbass và các vùng lãnh thổ lân cận. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng tự tin phát biểu rằng việc kiểm soát Lyman cho thấy Ukraine có khả năng đẩy lùi lực lượng Nga, đồng thời chứng minh hiệu quả của việc Ukraine triển khai các vũ khí tiên tiến của phương Tây trong cuộc xung đột với Nga.
Theo Tiến sĩ Volodymyr Artiukh đến từ Đại học Trung Âu của Áo, thời gian tới sẽ là một bài kiểm tra thực sự với khả năng phòng ngự của Moscow khi "quân đội Nga phải dàn mỏng lực lượng để vừa chống đỡ các mũi phản công của Ukraine vừa trấn an những lực lượng ủng hộ Nga trong khu vực".
Đáp lại đà phản công của Kiev, quân đội Nga đã tổ chức hàng loạt các vụ tập kích đường không nhằm vào các mục tiêu quân sự của Ukraine trong thời gian qua. Trung tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga, cho biết hơn 200 mục tiêu quân sự của Ukraine đã bị phá hủy sau kế hoạch tấn công tổng lực bằng máy bay chiến đấu, pháo binh và tên lửa Nga chỉ trong những ngày đầu tháng 10. Thêm vào đó, các tuyến phòng thủ được gia cố của Nga với sự hỗ trợ của dân quân Donetsk và Lugansk cũng đã đẩy lùi nhiều đợt tấn công cũng như gây thiệt hại nặng nề cho quân đội Ukraine tại các mặt trận phía Nam và phía Đông.
Đặc biệt, chính quyền tại 4 vùng mới được sáp nhập vào lãnh thổ Nga đã lên danh sách nam giới có đội tuổi từ 18-35. Đây được cho là bước chuẩn bị cho một lệnh động viên tại 4 khu vực này một khi Nga hoàn tất quy trình pháp lý sáp nhập 4 vùng lãnh thổ.
Theo một số chuyên gia quân sự, việc huy động lực lượng tại chỗ tại các vùng lãnh thổ này có thể sẽ giúp quân đội Nga có nguồn lực cần thiết để cầm cự trước các đợt phản công tiếp theo của Ukraine, cho đến khi 300.000 quân từ đợt tổng động viên vừa qua trong cả nước hoàn thành quá trình huấn luyện.
Biều đồ thể hiện cục diện chiến sự Nga - Ukraine và các vùng lãnh thổ được các bên kiểm soát sau hơn 7 tháng (Đồ họa: Al Jazeera).
"Dấu chấm hết" cho quan hệ Nga - Ukraine?
Đáp lại quyết định sáp nhập 4 tỉnh Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Lugansk của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng nhiều quan chức cấp cao của Kiev đã đưa ra những lời đáp trả đanh thép.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) cùng Thủ tướng Denys Shmyhal và Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk chụp ảnh cùng văn bản xin gia nhập NATO tại Kiev ngày 30/9 (Ảnh: Reuters).
Sau buổi lễ tại Điện Kremlin vào tối 30/9, Tổng thống Zelensky lập tức đăng đàn chỉ trích kết quả trưng cầu dân ý trên lãnh thổ Ukraine là dàn dựng và không phản ánh đúng với tình hình thực tế cũng như mong muốn của người dân Ukraine. Theo người đứng đầu chính phủ Ukraine, đây là một động thái tương đồng với những gì đã xảy ra ở Crimea vào năm 2014.
"Đây là một trò hề. Người Nga hiểu rõ vấn đề này. Họ cảm nhận được sức mạnh của chúng ta. Điều đó cho thấy rằng chính ở đây, ở Ukraine, chúng ta đã chứng minh được sức mạnh từ các giá trị của mình.
Và đó là lý do họ vội vàng tổ chức trò hề này, tìm cách đánh cắp thứ không thuộc về họ, muốn viết lại lịch sử và vẽ lại biên giới. Ukraine sẽ không cho phép điều đó", Tổng thống Zelensky nhấn mạnh trong bài phát biểu vào tối 30/9.
Ông Zelensky cũng gián tiếp đóng sập cánh cửa đàm phán với Nga sau khi tuyên bố sẽ không đối thoại với Moscow một khi Tổng thống Putin còn tại vị. Thay vào đó, Tổng thống Ukraine nhấn mạnh vai trò của quân đội Ukraine và quyết tâm chấm dứt cuộc xung đột này bằng giải pháp quân sự.
"Toàn bộ lãnh thổ của đất nước chúng ta sẽ được giải phóng khỏi sự kiểm soát của đối phương", ông tuyên bố.
Đồng quan điểm với Tổng thống Zelensky, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba khẳng định việc Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine "không làm thay đổi bất cứ điều gì và Ukraine sẽ khôi phục toàn vẹn lãnh thổ khi xung đột kết thúc".
Ngay sau lễ sáp nhập 4 vùng ly khai của Ukraine, Ukraine cũng chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Một đoạn video được công bố cho thấy Tổng thống Zelensky đã ký vào đơn trước sự chứng kiến của Denys Shmyhal và Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk.
"Chúng tôi đã ký đơn đăng ký khẩn cấp làm thành viên của NATO. Ukraine đang bảo vệ nền dân chủ, các nguyên tắc tự do và toàn bộ thế giới văn minh. Ukraine đã chứng minh rằng chúng tôi là một đồng minh xứng đáng và đáng tin cậy", ông Shmyhal viết trên Twitter.
Các chuyên gia phân tích nhận định đây là một động thái mang tính "đoạn tuyệt" của Kiev trong mối quan hệ với Moscow. Nga đã nhiều lần khẳng định việc Ukraine gia nhập NATO là một "lằn ranh đỏ" mà Moscow vạch ra, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh và lợi ích chiến lược của Nga trong khu vực.
Binh sĩ Ukraine huấn luyện sử dụng lựu pháo L118 tại Anh (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine).
Trong một phát biểu vào ngày 3/10, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nhắc lại rằng nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine là một trong những lý do chính khiến Nga phải tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này.
Cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen thừa nhận Moscow sẽ khó chấp nhận việc có chung đường biên giới dài hơn 2.000km với một nước thành viên NATO và việc nộp đơn gia nhập NATO của Ukraine có thể sẽ càng làm tình hình trong khu vực trở nên căng thẳng.
Tuy nhiên, ông Rasmussen cũng trấn an dư luận bằng nhận định việc gia nhập NATO của Ukraine sẽ không thể diễn ra trong một sớm một chiều.
"Đây sẽ là một quá trình rất mất thời gian. Cho đến khi nó xảy ra, Ukraine cần sự đảm bảo an ninh chắc chắn từ các đồng minh NATO", ông Rasmussen nói.
Bóng ma "Chiến tranh Lạnh" mới giữa Nga Và phương Tây
Quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Moscow và phương Tây đang ngày càng trở nên xấu đi sau quyết định sáp nhập 4 vùng ly khai vào Liên bang Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi các quốc gia đồng minh lên án Nga sau quyết định sáp nhập 4 vùng ly khai (Ảnh: BBC).
Trong một tuyên bố được đưa ra vào hôm 30/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án Nga và kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối quyết định của Moscow.
"Mỹ lên án nỗ lực của Nga nhằm sáp nhập lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine. Mỹ sẽ luôn tôn trọng các đường biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine và không bao giờ chấp nhận 4 vùng ly khai như một phần của lãnh thổ Nga. Chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối Nga và buộc Moscow phải chịu trách nhiệm. Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Ukraine nhằm giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ của mình bằng cách tăng cường sức mạnh quân sự và ngoại giao cho Kiev", ông Biden nói.
Đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Biden, Bộ Tài chính Mỹ ngày 30/9 đã công bố lệnh trừng phạt với gần 300 thành viên của cơ quan lập pháp Nga, cũng như các công ty và cá nhân mà Washington cáo buộc có mối liên hệ với ngành công nghiệp quân sự của Nga. Các tổ chức, cá nhân bị trừng phạt sẽ bị đóng băng tài sản ở Mỹ và công dân Mỹ sẽ không được giao dịch với họ.
Về phía Anh, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cũng bị London áp đặt lệnh phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh. Ngoài ra, Anh cũng cấm xuất khẩu một số hàng hóa và dịch vụ nhằm vào "các lĩnh vực dễ bị tổn thương của nền kinh tế Nga".
Ngành công nghiệp dầu khí của Nga đứng trước một làn sóng trừng phạt tiếp theo từ phương Tây (Ảnh: Reuters).
Hôm 3/10, đại sứ các quốc gia thành viên EU đã gặp nhau tại Brussels trong nỗ lực thống nhất gói trừng phạt kinh tế thứ 8 đối với Nga. Ngoài các hình phạt đối với các chính trị gia Nga, hạn chế xuất khẩu đối với hóa chất, thiết bị điện tử và linh kiện hàng không, Brussels muốn áp đặt giá trần đối với xuất khẩu dầu của Nga qua đường biển.
Lệnh trừng phạt trên nếu được thông qua sẽ tiếp tục bóp nghẹt nền kinh tế Nga khi nó sẽ khiến các nhà sản xuất Nga chỉ kiếm về nguồn doanh thu vừa đủ để duy trì hoạt động kinh doanh, cũng như ngăn các nhà sản xuất dầu của Nga thu được lợi nhuận khổng lồ vì giá nhiên liệu thế giới liên tục tăng trong những ngày qua.
Một số nhà phân tích cho rằng động thái trừng phạt này là không tương xứng so với "mức độ nghiêm trọng" của quyết định sáp nhập 4 vùng ly khai của Nga. Tuy nhiên, các bước đi với mục đích cô lập hoàn toàn nền kinh tế và chính trị của Moscow trong thời gian gần đây được dự đoán sẽ làm căng thẳng giữa Nga và phương Tây trở nên ngày một trầm trọng và khiến nhiều người lo ngại về sự xuất hiện của một cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới.
Tùng Nguyễn
Theo Reuters, Washington Post, Guardian, Defense Express
4/10/2011, 05/10/2022
Nguồn: Dân Trí
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn