Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2022

Bỏ sổ hộ khẩu giấy, muốn đăng kí tạm trú, thường trú phải làm thế nào?



Sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị sử dụng từ ngày 1/1/2023. Ảnh minh hoạ
Bỏ sổ hộ khẩu giấy, muốn đăng kí tạm trú, thường trú phải làm thế nào?



Nhiều người dân đã đặt câu hỏi về việc khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, thủ tục đăng ký tạm trú, đăng ký thường trú sẽ thay đổi ra sao?

Luật Cư trú 2020 có quy định tại khoản 3 Điều 38 về việc từ ngày 1/1/2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Khi đi đăng ký thường trú, tạm trú, người dân sẽ được cập nhật thông tin lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú thay vì sổ giấy.

Trước sự thay đổi này, nhiều người dân đã đặt câu hỏi về việc khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, thủ tục đăng ký tạm trú, đăng ký thường trú sẽ thay đổi ra sao? Phải chuẩn bị hồ sơ làm thủ tục thế nào?

Thủ tục đăng ký tạm trú

Theo hướng dẫn của Cổng dịch vụ công quốc gia, trình tự thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú cụ thể như sau:

Bước 1: Cá nhân, tổ chức chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật. Hồ sơ gồm:

Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Bước 2: Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ tại Công an cấp xã.

Bước 3: Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:

Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người đăng ký;

Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng chưa đủ hồ sơ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện và cấp Phiếu hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ cho người đăng ký;

Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì từ chối và cấp Phiếu từ chối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người đăng ký.

Bước 4: Cá nhân, tổ chức nộp lệ phí đăng ký cư trú theo quy định.

Bước 5: Căn cứ theo ngày hẹn trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả để nhận thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký cư trú (nếu có).

Về hình thức nộp hồ sơ, hướng dẫn trên Cổng dịch vụ công quốc gia cho hay người dân có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại Công an cấp xã.

Thời gian tiếp nhận hồ sơ là giờ hành chính các ngày làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần (trừ các ngày nghỉ lễ, tết theo quy định của pháp luật). Ngoài nộp trực tiếp, người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến qua các cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến như Cổng dịch vụ công qua Cổng dịch vụ công quốc gia, hoặc qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.

Nếu hồ sơ đạt điều kiện, kể từ khi tiếp nhận hồ sơ, thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký tạm trú trong 3 ngày và trả kết quả cho người dân.

Thủ tục đăng ký thường trú

Đối với thủ tục đăng ký thường trú, hướng dẫn từ Cổng dịch vụ công quốc gia về trình tự cụ thể như sau:

Bước 1: Cá nhân, tổ chức chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ tại Công an cấp xã.

Bước 3: Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:

Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người đăng ký;

Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng chưa đủ hồ sơ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện và cấp Phiếu hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ cho người đăng ký;

Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì từ chối và cấp Phiếu từ chối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người đăng ký.

Bước 4: Cá nhân, tổ chức nộp lệ phí đăng ký cư trú theo quy định.

Bước 5: Căn cứ theo ngày hẹn trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả để nhận thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký cư trú (nếu có).

Tương tự như thủ tục đăng ký tạm trú, người dân có 2 hình thức nộp hồ sơ là trực tiếp và trực tuyến, thời hạn giải quyết thủ tục được rút ngắn từ 15 ngày (theo quy định cũ) xuống 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

Tuy nhiên, người dân cần lưu ý đối với mỗi trường hợp làm thủ tục đăng ký thường trú cần một số giấy tờ bổ sung khác, cụ thể như sau:

Trường hợp người đăng ký thường trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai thay đổi thông tin cư trú phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.

Trường hợp người đăng ký thường trú là người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam thì trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng; trường hợp không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng thì phải có giấy tờ, tài liệu khác chứng minh có quốc tịch Việt Nam và văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh của Bộ Công an.

Trường hợp người nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam thì khi đăng ký thường trú lần đầu phải có Quyết định của Chủ tịch nước về việc cho nhập quốc tịch.


Từ 1-1-2023, sẽ không thu hồi sổ hộ khẩu nữa

Sổ hộ khẩu hết giá trị, cơ quan công an sẽ không thu hồi, người dân hoàn toàn có thể giữ lại. Thời gian qua, vấn đề “khai tử” sổ hộ khẩu (SHK) giấy, sổ tạm trú giấy được người dân đặc biệt quan tâm. Hàng loạt câu hỏi đặt ra: Trường hợp nào SHK bị thu hồi? Vì sao phải thu hồi? Thu hồi rồi lấy gì chứng minh thông tin cư trú…

Để làm rõ những băn khoăn trên, Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi cùng Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an).

Bộ không có chủ trương thu hồi SHK đại trà

. Phóng viên: Thưa ông, nhiều người đang lo ngại về thông tin thu hồi SHK. Ông có thể giải thích rõ trường hợp nào thì SHK sẽ bị thu hồi?




+ Trung tướng Tô Văn Huệ (ảnh): Theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú năm 2020, bắt đầu từ ngày 1-1-2023, SHK giấy, sổ tạm trú giấy sẽ chính thức không còn giá trị sử dụng. Cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử, thay vì thủ công như trước đây.

Kể từ ngày 1-7-2021, thời điểm luật có hiệu lực, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong SHK, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi SHK, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú và không cấp mới, cấp lại SHK, sổ tạm trú.


Người dân sử dụng hộ khẩu khi làm thủ tục hành chính tại quầy một cửa của Sở Tư Pháp TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đối với SHK giấy, sổ tạm trú giấy đã được cấp trước ngày 1-7-2021 thì vẫn được sử dụng và có giá trị cho đến hết ngày 31-12-2022. Như vậy, Bộ Công an không có chủ trương thu hồi SHK đại trà. Luật quy định rất rõ, chỉ những trường hợp làm các thủ tục dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ thì cơ quan công an mới phải thu hồi.

. Vì sao nhất định phải thu hồi SHK? Nhiều người mong muốn được giữ lại để sử dụng trong các giao dịch yêu cầu xuất trình SHK, hoặc đơn giản để làm kỷ niệm?

+ Kể từ ngày 1-7-2021, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức đưa vào hoạt động. Khi công dân thực hiện các thủ tục về cư trú, lực lượng công an sẽ cập nhật vào cơ sở dữ liệu. Những thay đổi về cư trú sẽ được điều chỉnh trên hệ thống thông tin điện tử chứ không điều chỉnh trên SHK giấy. SHK lúc này không còn giá trị nên buộc phải thu lại theo quy định.

Chính vì chỉ được cập nhật trên hệ thống dữ liệu điện tử, thông tin về cư trú của người dân ở cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức và SHK giấy sẽ khác nhau. Việc thu lại nhằm tránh để người dân mang SHK (không cập nhật đầy đủ thông tin cư trú - PV) đi thực hiện các giao dịch, dẫn tới phát sinh nhiều vấn đề.

. Nghĩa là những ai không thực hiện các thủ tục dẫn đến thay đổi thông tin cư trú thì vẫn có thể giữ lại SHK?

+ Như đã nói, việc thu hồi SHK hoặc sổ tạm trú chỉ thực hiện nếu công dân có sự thay đổi thông tin cư trú trong sổ. Những ai không thực hiện thay đổi, bổ sung thông tin liên quan đến SHK giấy, sổ tạm trú giấy thì không bị thu hồi.

Thêm vào đó, kể từ ngày 1-1-2023, SHK và sổ tạm trú hết giá trị, các giao dịch không còn sử dụng đến hai loại giấy tờ này, thay vào đó là sử dụng thông tin trên hệ thống dữ liệu điện tử. Đồng nghĩa cơ quan công an sẽ không thu hồi SHK nữa, người dân hoàn toàn có thể giữ lại.

Giấy xác nhận thông tin cư trú có giá trị 30 ngày

. Hiện công an đang cấp giấy xác nhận thông tin cư trú cho người dân, thay thế cho SHK đã bị thu hồi. Nhiều người mong muốn kéo dài thời hạn của giấy này, thay vì chỉ có 30 ngày?

+ Lẽ ra sau khi thu hồi SHK, cơ quan công an không cần phải cấp giấy này nữa. Về nguyên tắc, kể từ ngày 1-7-2021, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức đi vào hoạt động, các cơ quan, đơn vị đã có thể khai thác thông tin để phục vụ người dân.

Tuy nhiên, do đang ở giai đoạn “giao thời”, một số đơn vị vẫn yêu cầu xuất trình SHK, và cũng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, cơ quan công an sẽ cấp giấy xác nhận thông tin cư trú. Giấy này có giá trị trong vòng 30 ngày đối với trường hợp xác nhận thông tin về cư trú.

Khi hết hạn, công dân có thể tiếp tục đến cơ quan công an hoặc thông qua cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an để xin cấp lại mà không phụ thuộc vào nơi thường trú.

Về vấn đề thời hạn chỉ có một tháng, việc này đã được tính toán và quy định rõ trong Luật Cư trú năm 2020. Thực tế, có người cả năm không thay đổi thông tin cư trú nhưng cũng có người trong một tháng đã có thể chuyển nơi thường trú, nếu không cập nhật kịp thời thì sẽ không chính xác.

. Bộ Công an có giải pháp và kiến nghị gì về việc một số đơn vị chưa hoàn thiện việc liên thông?

+ Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát toàn bộ quy trình, tiến tới bỏ quy định yêu cầu người dân phải xuất trình SHK; đồng thời xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cũng như dữ liệu chuyên ngành để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Một khi đã kết nối và liên thông rồi, đương nhiên các cơ quan, đơn vị sẽ phải sử dụng thông tin của người dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Người dân chỉ cần xuất trình CCCD gắn chip là có thể khai thác đầy đủ thông tin, thay vì phải cung cấp nhiều loại giấy tờ.

. Xin cám ơn ông.

Cung cấp thông tin “đúng, đủ, sạch, sống” để hưởng tiện ích

Trong giai đoạn này, do một số phát sinh xảy ra, nhiều người có thể cảm thấy rắc rối, phiền hà… Vậy nhưng để tiến tới lợi ích lớn, mỗi người dân cần cảm thông, chia sẻ và cung cấp thông tin chính xác, góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Khi người dân đã thực hiện đúng, các cơ quan, đơn vị sẽ phải có trách nhiệm phục vụ người dân tốt hơn.

Cũng cần lưu ý rằng người dân không chỉ vì muốn giữ lại cuốn SHK để làm kỷ niệm mà không đến cơ quan công an để thực hiện các bổ sung, điều chỉnh khi có thay đổi. Nếu không thực hiện bổ sung, đến ngày 1-1-2023, khi thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không đúng với thực tế, người dân sẽ không thể thực hiện được các giao dịch.

Trung tướng Tô Văn Huệ

Người dân sử dụng giấy tờ nào thay thế khi sổ hộ khẩu hết giá trị vào ngày 31-12-2022?

Khi sổ hộ khẩu và sổ tạm trú hết hiệu lực, người dân có thể dùng CCCD gắn chip, giấy xác nhận cư trú hoặc ứng dụng VNeID để thay thế trong các giao dịch hành chính.

Để triển khai Luật Cư trú thống nhất, hiệu quả nhằm tạo thuận lợi, giảm phiền hà cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính hay giao dịch dân sự, sau khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bị thu hồi hoặc hết hiệu lực, người dân có thể sử dụng 7 phương thức sau:

Thứ nhất, người dân sử dụng CCCD gắn chip. Đây là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú. Điều 3, Điều 18 và Điều 20 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định khi công dân xuất trình CCCD thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về căn cước công dân.


Sổ hộ khẩu sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12-2022

Thứ 2, công dân, cơ quan, tổ chức dùng thiết bị đọc mã QR trên CCCD gắn chip. Thiết bị được tích hợp với máy tính hoặc thiết bị di động để đọc các thông tin gồm: Số CCCD; số CMND 9 số; họ và tên; ngày sinh; giới tính; nơi thường trú; ngày cấp CCCD.

Thứ 3, công dân, cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc thông tin trong chip trên CCCD phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự… Các thông tin gồm: họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quê quán; nơi thường trú; số chứng minh đã được cấp; ảnh chân dung; vân tay;...

Thứ 4, người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Theo đó, sau khi truy cập trang web dân cư quốc gia theo địa chỉ dichvucong.dancuquocgia.gov.vn, công dân đăng nhập tài khoản theo hướng dẫn.

Sau đó, chủ tài khoản truy cập vào chức năng “Thông tin công dân”. Thông tin cơ bản của công dân sẽ hiển thị gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; nơi thường trú; số định danh cá nhân; số chứng minh nhân dân.


Căn cước công dân gắn chíp sẽ là 1 trong 7 giấy tờ thay thế sổ hộ khẩu

Thứ 5, cá nhân sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Để thực hiện, công dân đến cơ quan công an đăng ký tài khoản mức 2; cài ứng dụng VNeID; kích hoạt tài khoản trên thiết bị di động khi nhận được tin nhắn thông báo. Sau khi được kích hoạt, thông tin hiển thị trên VNeID gồm: Số CCCD; họ và tên; ngày sinh; giới tính; đặc điểm nhận dạng; số điện thoại,...

Thứ 6, công dân sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú được ban hành kèm theo Thông tư số 56/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an. Để có giấy này, người dân đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước để đề nghị cấp, hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua dịch vụ công trực tuyến khi cần thiết.

Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương tạo điều kiện tối đa cho công dân khi xin cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú. Mẫu giấy này có đầy đủ thông tin cá nhân, thông tin về nơi cư trú của công dân, thông tin về chủ hộ, mối quan hệ của các thành viên trong hộ gia đình.

Thứ 7, công dân sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Công an đã chỉ đạo cấp thông báo số định danh và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho 100% người chưa được cấp CCCD trên toàn quốc.

Các thông tin trên thông báo số định danh cá nhân gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; tình trạng hôn nhân; nhóm máu...

Hiện nay, Bộ Công an đã đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, sở, ban, ngành có liên quan căn cứ thông tin trên CCCD gắn chip, thông báo số định danh cá nhân, xác nhận thông tin về cư trú để xác định nơi cư trú của công dân khi giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Mục đích để thống nhất với quy định của Luật Cư trú 2020, không yêu cầu người dân xuất trình sổ thường trú, sổ tạm trú giấy.

Nguồn: ANTĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. Những người bạn của Sky+ - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template