Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2022

Trung tá Ksor H’Bơ Khắp làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai



Bà Ksor H’Bơ Khắp
Trung tá Ksor H’Bơ Khắp làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai



Trung tá Ksor H’Bơ Khắp, ĐBQH khóa XIV, 40 tuổi, Trưởng Công an thị xã Ayun Pa được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai.

Thông tin này được bà Ksor H’Bơ Khắp xác nhận với VietNamNet. Quyết định do Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an vừa ký cách đây vài ngày.

Dự kiến vào ngày 30/8 tới đây sẽ tổ chức hội nghị công bố Quyết định của Bộ trưởng Công an bổ nhiệm bà Ksor H’Bơ Khắp làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai.

Bà Ksor H’Bơ Khắp sinh năm 1982, có tên thường gọi là Ksor Phước Hà; quê tại xã Ia Trok, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Bà tốt nghiệp Đại học An ninh Nhân dân, trình độ chuyên môn Thạc sĩ Luật.

Trung tá Ksor H’Bơ Khắp là đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

Bà được cử tri biết đến với nhiều phát biểu, tranh luận làm "nóng" nghị trường Quốc hội như vấn đề xử lý pin điện mặt trời, diện tích rừng tự nhiên… Các chất vấn, tranh luận của bà Ksor H’Bơ Khắp đã được người dân đồng tình ủng hộ.

Trong một lần trả lời phỏng vấn VietNamNet dịp tết 2021, bà Ksor H’Bơ Khắp thẳng thắn nói: "Tôi không phát ngôn để làm nóng nghị trường mà đó là những vấn đề mà nghị trường và cử tri đang quan tâm nên trở thành vấn đề nóng".

Theo bà, Quốc hội là nơi bàn bạc các vấn đề một cách dân chủ, công khai dưới sự điều hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trách nhiệm của ĐBQH là tiếp thu, nghiên cứu, xây dựng các vấn đề nhằm hoạch định chính sách xây dựng và phát triển nước Việt Nam.

Bà cũng khẳng định, việc tranh luận với các bộ trưởng là thực hiện trách nhiệm của người ĐBQH mà cử tri đã tin tưởng bầu chọn.

"Đó là việc làm bình thường, có tính thường niên của nghị trường, đâu phải làm việc nơi hiểm nguy, chết người, mà phải dùng đến hai từ “dũng cảm”. Còn nếu nói dũng cảm, đó là yếu tố cần cho một chiến sỹ công an, và tôi, chắc chắn đủ dũng cảm để thực hiện mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó", bà chia sẻ với VietNamNet.
ĐBQH Ksor H'Bơ Khắp chất vấn Bộ trưởng TN-MT về "ông trời và rừng"

ĐBQH Ksor H'Bơ Khắp tiếp tục đăng đàn chất vấn hỏi "ông trời và rừng có quan hệ gì với thực trạng môi trường Việt Nam". Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời “rừng còn quan trọng hơn trời”.


ĐB Ksor H'Bơ Khắp.

Tại phiên chất vấn chiều nay (6/11), Trung tá Ksor H'Bơ Khắp - Trưởng Công an thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai đặt câu hỏi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về quan điểm "thủy điện nhỏ không có lỗi trong bão lũ, sạt lở ở miền Trung vừa qua là do địa chất bị đứt gãy”.

ĐBQH Ksor H'Bơ Khắp chất vấn Bộ trưởng TN MT về 'ông trời và rừng'



“Thời gian tới Bộ trường có tiếp tục ủng hộ xây dựng thủy điện nhỏ đúng không và theo Bộ trưởng "ông trời - mẹ thiên nhiên" và rừng có quan hệ gì đối với thực trạng môi trường Việt Nam hiện nay?

Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Thủ tướng, Bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm như thế nào với thực trạng đó?”, nữ Trung tá đặt câu hỏi. Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà nói: “Tôi thực sự muốn nói với ĐB rằng, nếu ĐB lắng nghe thì tôi không nói thủy điện là nguyên nhân hay không phải là nguyên nhân.

Theo ông, nếu chúng ta tận dụng mọi cơ hội để khai thác thủy điện thì khi đó nguyên nhân là con người. Ông dẫn chứng ở Na Uy, thủy điện rất nhiều vì tận dụng được thế năng tự nhiên.

“Đại biểu hỏi tôi rừng quan trọng thế nào với trời, tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn trời”, Bộ trưởng Hà hướng về phía ĐB Ksor H'Bơ Khắp nói.

Ông cho biết ông hít thở khí oxy, thở ra CO2 là nhờ có rừng. Rừng còn là nơi cung cấp 70% các tài nguyên cho con người, rừng hết sức thiêng liêng, rừng cho sinh thủy, trong chiến tranh thì rừng che bộ đội.

Ông nhắc lại câu nói của mình tại phiên làm việc hôm qua “thủy điện không phải nguyên nhân” và cho rằng hậu quả là do con người khai thác tài nguyên mà không dựa vào các quy luật tự nhiên.


Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời ĐB Ksor H'Bơ Khắp.

Mất rừng không có nghĩa là nghĩ đến thủy điện, ông Hà cho rằng mất rừng là do con người có tư duy sai trái khi "trong nhà dùng toàn đồ gỗ, sử dụng các động vật hoang dã”.

Bộ trưởng nhận định, mất rừng còn nhiều nguyên nhân khác và chúng ta phải quản lý. Ông cho biết Bộ TN-MT và Bộ NN&PTNT sẽ xem xét cùng Quốc hội, rà soát từng m2 đất bị chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Đối với những nơi nào không còn rừng mà chức năng của nó là phòng hộ thì phải phục hồi.

Kết lại phần trả lời của mình, ông Hà mong đại biểu Ksor H’Bơ Khăp nghe lại băng ghi âm câu trả lời của Bộ trưởng tại phiên họp hôm qua để “có sự hiểu biết lẫn nhau hơn”.

Giơ biển tranh luận lại, ĐB Ksor H’Bơ Khắp cảm ơn Bộ trưởng TN&MT đã khẳng định tại nghị trường rằng "rừng tự nhiên là vấn đề cốt lõi của mọi vấn đề" trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, nữ ĐB cho rằng Bộ trưởng vẫn chưa trả lời vào câu hỏi chính: "Tôi hỏi bộ trưởng có ủng hộ tiếp tục về xây dựng phát triển thuỷ điện nhỏ nữa hay không thì bộ trưởng chưa trả lời. Câu hỏi có hoặc không chứ không có nhưng".

Câu hỏi thứ 2, ĐB hỏi Bộ trưởng rằng: "ông trời- mẹ thiên nhiên và rừng có mối quan hệ gì với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay, nó liên quan đến vụ sạt lở vừa qua ở miền Trung".

Bà phân tích, không tự nhiên mà trời mưa được, không tự nhiên địa chất đứt gãy, "Bộ trưởng nói rằng dân ở đó sống cả trăm năm nay và họ trồng rừng cây sản xuất. Tức cây rừng tự nhiên đã mất đi rất lâu và không có sự cải tạo đất, gây ra địa chấn về môi trường.

Trách nhiệm của Bộ trong việc đánh giá tác động môi trường đối với những dự án và công trình này rõ ràng có sự sai sót nên mới gây hậu quả như ngày hôm nay", bà nhấn mạnh.

"Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Thủ tướng thì Bộ trưởng thấy trách nhiệm như thế nào?", ĐB tỉnh Gia Lai nhắc lại câu hỏi.

Bà đánh giá phần trả lời về thực trạng bảo vệ môi trường Việt Nam hiện nay thì Bộ trưởng chưa trả lời rõ ràng. "Bộ trưởng chỉ tập trung vào rừng vì có lẽ mọi người nhìn thấy tên tôi thì đã nghĩ tới rừng rồi, nhưng mà thực tế ra không phải như thế dù rằng có như thế" ĐB kết luận.


Nữ Trung tá tranh luận với Bộ trưởng Công Thương và NN&PTNT"

Trung tá Ksor H’Bơ Khắp (ĐBQH Gia Lai) đã tranh luận thẳng thắn với Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về cách xử lý tấm pin quang học và diện tích rừng...

Tại phiên thảo luận về tình hình KT-XH sáng nay (5/11), đề cập đến tấm pin quang điện, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong phiên họp từ ngày 7/2/2020, Thủ tướng đã có quyết định giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về tấm pin quang điện cũng như phương án xử lý các tấm pin sau khi dự án hết thời hạn.


Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh

Theo ông, còn 9 quy tắc của luật định thì hiện nay tất cả các chủ đầu tư đều phải chịu trách nhiệm về xử lý các tấm pin quang điện. Trên thực tế, chỉ có 3% một số khoáng chất có thể liên quan đến môi trường thì các nhà cung cấp cho các tấm pin quang điện đều có những hợp đồng với các chủ đầu tư các dự án pin mặt trời, các dự án điện mặt trời để chịu trách nhiệm thu hồi và xử lý các vi mạch điện.

Tranh luận lại với Bộ trưởng Công Thương trong chiều nay, Trung tá Ksor H’Bơ Khắp - Trưởng Công an thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai đánh giá phần giải trình của Bộ trưởng Công Thương là chưa làm đúng trách nhiệm của mình.

“Bộ trưởng không thể đổ thừa cho địa phương, cũng không thể nói là có quy định của luật về việc xử lý rồi chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm xử lý pin năng lượng mặt trời”, bà Ksor H’Bơ Khắp nói.

Theo bà, cái nhân dân đang cần đó là người đứng đầu ngành có phương án gì đối với vấn đề liên quan đến pin năng lượng mặt trời.

Nữ Trung tá cho biết, hiện nay cán bộ và nhân dân địa phương rất hoang mang với những vấn đề này.


ĐB Ksor H’Bơ Khắp

“Ngay cả bản thân tôi, thị xã Ayun Pa của tôi là lòng chảo, phải nói là nắng cực, mỗi một lần lên ti vi là thời tiết Ayun Pa 10h đêm vẫn 37 độ, bây giờ điện năng lượng là tràn lan.

Sau này pin đó dùng để làm gì? Dùng để nướng bò một nắng hay sao. Bởi vì lòng chảo chúng tôi có đặc sản là bò một nắng, những tấm pin đó sẽ xử lý vào đâu, đưa lên mặt trăng hay dùng để tiếp tục làm món đặc sản bò một nắng”, ĐB tỉnh Gia Lai đặt câu hỏi.

"Con số Bộ trưởng đưa ra có gì đó thực sự là sai sai"

Cũng trong sáng cùng ngày, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị lãnh đạo Bộ NN&PTNT làm rõ diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng, vì vai trò của hai loại rừng này khác nhau.

"Không phải ngẫu nhiên mà ở các quốc gia rộng lớn về lãnh thổ như Mỹ hay Canada đều kiên quyết bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng tự nhiên", ông Nghĩa nêu vấn đề.

Trả lời câu hỏi của ĐB Trương Trọng Nghĩa vào chiều nay, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói trong 30 năm qua, diện tích rừng từ 9 triệu ha tăng lên 14,6 triệu ha. Trong số này có 10,3 triệu ha rừng tự nhiên. Như vậy, so với 30 năm trước, diện tích rừng tự nhiên tăng thêm 1,3 triệu ha.


Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

"Tuy nhiên, phải khẳng định diện tích rừng tự nhiên hiện nay chưa được tốt, bởi vì trong tổng số 10,3 triệu ha, chỉ có 15% rừng giàu trữ lượng, 50% rừng trung bình, 35% rừng nghèo. Đây là thực tế mà chúng ta phải có trách nhiệm", Bộ trưởng Cường thừa nhận.

Vì vậy, ông nói tới đây phải tăng hơn nữa định mức hỗ trợ để người dân tham gia bảo vệ rừng tự nhiên ngày càng giàu về trữ lượng và đa dạng sinh học.

"Với 14,6 triệu ha rừng trồng, tới đây cũng được thay bằng cơ cấu cây rừng lâu năm, kết hợp với nhóm cây bản địa. Chiến lược phát triển rừng 2021 - 2030 sẽ cố gắng để có rừng ngày càng chất lượng", ông Cường cho biết.

Tranh luận lại với giải trình trên, Trung tá Ksor H’Bơ Khắp cho rằng việc tăng diện tích rừng từ 9 triệu lên 14,6 triệu là con số phấn khởi.

Tuy nhiên, ĐB cảm thấy con số Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra là vô lý và “có gì đó thực sự là sai”.

Theo ĐB, ít nhất trong nhiệm kỳ này, mỗi kỳ họp chúng ta đều được nghe các dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ (rừng tự nhiên).

“Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại có thể tăng lên được, làm gì có con số 14 triệu ha rừng ấy. Với cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng hay sao?

Tỷ lệ che phủ rừng là gì, là nơi chứa CO2 để thải ra O2. Còn cây cao su là cây hút O2, thải ra CO2, không có con gì sống đước ở đó”, ĐB Ksor H'Bơ Khắp nói và đề nghị Bộ trưởng NN&PTNT cần nghiên cứu lại các dự án phải điều chỉnh diện tích rừng tự nhiên.

Nguồn: VNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template