Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

Rơi 10 cây số xuống đất mà vẫn sống



Vesna trước ngày xảy ra thảm họa.
Rơi 10 cây số xuống đất mà vẫn sống


Ngày 27-1-1972, chiếc máy bay McDonnell Douglas DC-9 của Hãng Hàng không Nam Tư JAT nổ tung ở độ cao 10.160m khi đang bay ngang không phận Tiệp Khắc. Trong số 28 hành khách và phi hành đoàn, chỉ một mình tiếp viên Vesna Vulovic còn sống dù bị rơi xuống đất từ độ cao này...

Tai họa giữa trời

Có lẽ trong suốt cuộc đời mình, Vesna Vulovic sẽ chẳng bao giờ quên được chuyến bay định mệnh số hiệu 367 của Hãng Hàng không Nam Tư JAT, cất cánh khỏi sân bay quốc tế Stockholm, Thụy Điển lúc 1 giờ 15 phút chiều ngày 27-1-1972 để đến Copenhagen, Đan Mạch.

Cô kể: “Là tiếp viên của Hãng JAT, lẽ ra tôi không đi chuyến ấy nhưng do nhầm lẫn với một tiếp viên khác cũng tên là Vesna nên trong danh sách có tên tôi. Tuy nhiên dù nhầm lẫn nhưng tôi rất hào hứng vì đây là lần đầu tiên tôi đến Đan Mạch. Theo lịch trình thì sau khi hạ cánh, phi hành đoàn sẽ được tự do cả buổi chiều và nửa buổi sáng hôm sau, nên hầu hết đều vui vẻ”.

Vẫn theo Vesna, sau khi hạ cánh rồi lúc được bạn bè trong tổ tiếp viên rủ đi mua sắm, cô đã không muốn tham gia mà chỉ thích đến thăm một số di tích ở thủ đô Copenhaghen; nhưng vì nể nang nên cô đành theo họ.

Vesna kể tiếp: “Họ mua rất nhiều thứ khiến tôi có cảm tưởng đó là lần shopping cuối cùng trong đời họ. Riêng cơ trưởng, anh ấy không đi đâu mà nằm lì trong phòng khách sạn. Đến sáng hôm sau lúc ăn điểm tâm, anh ấy liên tục kể về con trai và con gái, cứ y như ngoài anh ấy ra, chẳng ai có con. Tất cả những điều này khiến tôi có linh cảm xấu…”. 2 giờ 30 chiều 27-1, Vesna và phi hành đoàn ra sân bay Copenhagen để chuẩn bị cho chuyến trở về Nam Tư. 3 giờ 15 phút, chiếc McDonnell Douglas DC-9 rời khỏi đường băng, lao mình lên không trung. Lúc nhìn xuống thành phố, Vesna bỗng nhớ ra một chuyện. Đó là trưa hôm qua, khi hạ cánh xuống Copenhagen, trong số những hành khách rời khỏi máy bay, có một người đàn ông với thái độ hấp tấp rất kỳ quặc. Không chỉ Vesna chú ý đến điều này mà cả tổ tiếp viên, ai cũng nhận thấy. Chưa hết, chiều 27 tháng 1, trước lúc khởi hành, khi nhân viên phục vụ đã chất xong hành lý của khách lên máy bay thì một người cho biết trong khoang chứa hàng vẫn còn sót 1 cái valy, số vận chuyển là JAT 024.

Vesna nói: “Lúc ấy, tôi đang hướng dẫn hành khách vào chỗ ngồi nên không kịp báo cơ trưởng. Hơn nữa việc khách để quên hành lý là việc vẫn thường xảy ra. Tôi định là khi về Belgrad, Nam Tư, tôi sẽ giao cái valy cho bộ phận giải quyết đồ vật thất lạc”. Vẫn theo Vesna, khi máy bay đã lên đến độ cao ổn định, cô mở lại bản danh sách hành khách bay từ Stockholm đến Copenhagen để đối chiếu thì cô nhận ra rằng chiếc valy số vận chuyển JAT 024 lại chính là của người khách kỳ quặc.

4 giờ 01 phút chiều, khi chiếc McDonnell Douglas DC-9 đang ở độ cao 10.160m thì bất ngờ một tiếng nổ vang lên trong khoang hành lý, xé toạc chiếc máy bay thành nhiều mảnh. Nó vỡ tung trên bầu trời ngôi làng Srbska Kamenice, Tiệp Khắc. Strasky, một nông dân chứng kiến vụ nổ kể lại: “Lúc ấy tôi đang ngồi hút thuốc. Trời rất trong xanh nên tôi thấy rõ một cụm lửa bùng lên rồi theo sau là tiếng gầm như sấm động...”.

Bruno Honke, một trong những người đầu tiên ở làng Srbska Kamenice đến hiện trường cho biết: “Trước mắt tôi là một phần thân máy bay méo mó. Rải rác xung quanh là những tấm kim loại và cả xác người. Chưa biết phải làm gì thì tôi nghe có tiếng kêu yếu ớt. Kéo những mảnh vụn ra, trước mắt tôi là một cô gái áo vest và váy màu ngọc lam dính đầy máu. Đôi giày cao gót của cô ấy bị xé toạc, chỉ còn quai đeo và đế giày. Cô ấy bị thương nhiều chỗ nhưng vẫn còn tỉnh…”.

Đã từng là một bác sĩ quân y trong Thế chiến II nên Bruno Honke nhanh chóng cầm máu cho cô tiếp viên bằng cách xé chiếc áo sơ mi của mình. Phải mất hơn nửa tiếng, đội cứu hộ mới đến để đưa cô tiếp viên vào bệnh viện và cũng hôm sau, bác sĩ Bruno Honke mới biết tên cô là Vesna Vulovic thông qua các phương tiện truyền thông.

Nghị lực sống

Sinh ngày 3-1-1950 tại Belgrad, Nam Tư, Vesna Vulovic có cha là doanh nhân và mẹ là huấn luyện viên thể dục. Vốn yêu thích ban nhạc The Beatles lừng danh thế giới nên khi hoàn tất năm thứ nhất đại học, cô đến nước Anh để vừa có dịp nhìn tận mắt những thần tượng của mình, vừa nâng cao trình độ tiếng Anh.

Thoạt đầu, cô ở nhờ nhà một người bạn tại vùng Newbury nhưng sau đó, cô chuyển đến London. Tại đây, cô quen một bạn mới, là tiếp viên hàng không của Hãng Golden Air, Thụy Điển và người này rủ cô đến Stockholm. Theo lời Vesna thì khi cha mẹ cô biết cô đang ở Stockholm, ông bà đã bắt Vesna phải quay về Nam Tư ngay lập tức vì dưới mắt họ, Stockholm là vương quốc của ma túy và tình dục.

Và thế là Vesna trở về Belgrad. Vài tháng sau, cô làm đơn xin việc ở Hãng Hàng không JAT, Nam Tư vì theo cô, hình ảnh người bạn tiếp viên Thụy Điển trông thật tuyệt vời, chưa kể nếu trở thành tiếp viên thì việc bay đến London hay Stockholm là chuyện nhỏ! Tuy nhiên Vesna không ngờ chỉ một thời gian sau, cô là nạn nhân duy nhất còn sống sau vụ đánh bom khủng bố, và tên tuổi cô bỗng dưng nổi tiếng khắp toàn cầu.


Vesna khi điều trị các vết thương do rơi từ 10.160m xuống đất.

Trở lại vụ nổ chiếc máy bay của Hãng Hàng không Nam Tư JAT ngày 27-1-1972 trên bầu trời Tiệp Khắc, khi được đưa vào bệnh viện và sau khi chẩn đoán, các bác sĩ kết luận Vesna bị rạn xương sọ, gãy 3 đốt sống, gãy chân, gãy xương sườn và gãy xương chậu. Những chấn thương này khiến cô bị liệt tạm thời từ thắt lưng trở xuống. Điều trị gần 2 tháng, Vesna gần như hồi phục hoàn toàn nhưng khi đi lại, Vesna vẫn đi với tư thế khập khiễng. 

Theo các nhà điều tra, Vesna sống sót là nhờ lúc quả bom phát nổ, cô đang chuẩn bị bữa ăn nhẹ cho hành khách. Vụ nổ đã khiến cô bị ép vào chiếc xe đẩy thức ăn rồi khi một phần thân máy bay văng ra, Vesna cùng chiếc xe rơi theo nó. Việc khảo sát các mảnh vỡ cho thấy phần thân máy bay trong đó có Vesna bị rách một mảng lớn nên vô hình trung nó trở thành một chiếc dù, làm giảm lực rơi. Khi tiếp đất, nó chạm đất trong tư thế nghiêng rồi trượt theo một sườn núi, nơi có nhiều cây cối và những lớp tuyết dày, đã hấp thu phần lớn lực va chạm.

Các bác sĩ điều trị cho Vesna kết luận do có tiền sử huyết áp thấp nên khi khoang máy bay giảm áp suất đột ngột sau vụ nổ, Vesna nhanh chóng bị ngất. Điều đó đã khiến nhịp tim của cô đập rất chậm nên nó hầu như không bị tổn thương. Sau này hồi tưởng lại, Vesna cho biết khi làm đơn xin vào Hãng hàng không JAT, cô đã biết mình bị huyết áp thấp và nếu kiểm tra y tế, cô sẽ bị loại. Vì vậy, 3 tiếng trước giờ kiểm tra, Vesna uống liên tiếp 3 ly cà phê đậm đặc nên cô qua được vòng khám tuyển.

Ngày 12-3-1972, Vesna xuất viện và được đưa về Belgrad, Nam Tư. Tại đây, phòng bệnh của cô được cảnh sát bảo vệ 24/24 vì họ lo ngại thủ phạm của vụ đánh bom sẽ giết cô để bịt đầu mối. Từ đó đến tháng 6, Vesna phải trải qua một số cuộc phẫu thuật nhằm phục hồi chức năng vận động nhưng cô vẫn phải đi khập khiễng đến cuối đời.

Tháng 9-1972, Vesna quay lại Hãng Hàng không JAT và được bố trí nhiệm vụ đàm phán các hợp đồng vận chuyển hàng hóa. Năm 1977, cô kết hôn với kỹ sư cơ khí Nikola Breka nhưng không có con. Năm 1985, sách Kỷ lục Guinness công nhận Vesna là người giữ kỷ lục thế giới, sống sót sau cú rơi cao nhất 10.160m. Trả lời những người phỏng vấn cô, Vesna nói: “Bất cứ lúc nào nghĩ đến vụ tai nạn, tôi đều khóc. Tôi có cảm giác tội lỗi, vì sao tôi sống trong khi những người khác phải chết...”.

Năm 1999, Vesna bị Hãng JAT sa thải vì lên tiếng phản đối Tổng thống Slobodan Milosevic, người Serbia, đồng thời tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ. Khi Milosevic và Đảng Xã hội Serbia của ông bị lật đổ trong cuộc cách mạng “Xe ủi đất” vào tháng 10-2000, Vesna là một trong số những người nổi tiếng đã ra trước ban công tòa thị chính Belgrad để đọc diễn văn mừng chiến thắng. 

Đâu là sự thật của vụ đánh bom?

Cuối cùng vẫn là vụ đánh bom chiếc máy bay 367 của Hãng Hàng không Nam Tư JAT. Nó xảy ra trong bối cảnh từ năm 1962 đến năm 1982, những người theo chủ nghĩa dân tộc Croatia đã thực hiện 128 cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các mục tiêu dân sự và quân sự Nam Tư. Nhà chức trách Nam Tư nghi ngờ những người này là thủ phạm bởi lẽ ngay trong ngày chiếc JAT 367 vỡ tan ở độ cao 10.160m, một quả bom đã phát nổ trên chuyến tàu từ Vienna đến Zagreb khiến 6 người bị thương. 

Một người đàn ông tự nhận mình theo chủ nghĩa dân tộc Croatia đã gọi cho tờ báo Thụy Điển Kvallsposten rồi nhận trách nhiệm về vụ đánh bom chuyến bay 367 nhưng không quốc gia nào bắt được ông ta. Kết quả điều tra của Cơ quan Hàng không dân dụng Tiệp Khắc sau đó cho rằng vụ nổ phát xuất từ một chiếc valy có chứa bom nhưng đến năm 1997, Cộng hòa Séc (là Tiệp Khắc trước năm 1990) đặt ra nghi vấn chiếc JAT 367 bị bắn hạ bởi lực lượng phòng không Tiệp Khắc.


Một phần thân máy bay (bên trái) đã giúp Vesna sống sót.

Ngày 8-1-2009, một cuộc thảo luận về nguyên nhân của thảm họa lại được mở ra khi hai nhà điều tra là Peter Hornung và Pavel Theiner công bố những tài liệu thu được, chủ yếu từ Cơ quan Hàng không dân dụng Cộng hòa Séc. Theo Peter Hornung và Pavel Theiner, rất có khả năng chiếc JAT 367 đã bị bắn bởi tên lửa đối không từ máy bay tiêm kích MiG-21 của Lực lượng không quân Tiệp Khắc khi họ nhầm lẫn nó là máy bay do thám vì nó đang bay qua một khu vực quân sự nhạy cảm, gần một căn cứ chứa vũ khí hạt nhân.

Thoạt đầu, phi công của chiếc MiG-21 đã ép chiếc JAT 367 phải hạ cánh bắt buộc nhưng họ không nhận được sự phản hồi nên cuối cùng, họ bắn hạ nó. Những bằng chứng do Peter Hornung và Pavel Theiner công bố cho thấy Cơ quan an ninh Tiệp Khắc đã làm giả nguyên nhân chiếc JAT 367 bị phá hủy bằng chất nổ đặt trong valy nhằm che giấu vụ bắn nhầm.

Vẫn theo Peter Hornung và Pavel Theiner, một nhân chứng là ông Srbska Kamenice khẳng định chiếc máy bay vẫn còn nguyên vẹn khi bốc cháy. Vlakovich, chuyên gia hàng không người Serbia, có mặt tại hiện trường cũng xác nhận, khu vực phân tán những mảnh vỡ của chiếc JAT 367 không rộng lắm, chứng tỏ rằng khi rơi xuống đất nó mới vỡ tan.

Trước những cáo buộc này, phía Cộng hòa Séc cho rằng nó chỉ là thuyết âm mưu. Tạp chí Technet xuất bản ở Cộng hòa Séc dẫn lời một chuyên gia quân đội Séc: “Trong trường hợp có máy bay lạ xâm phạm không phận Tiệp Khắc lúc ấy và bị bắn hạ bởi Không quân Tiệp Khắc thì không ai có thể che giấu bởi lẽ một vụ phóng tên lửa chắc chắn sẽ được nhiều người ở dưới đất nhìn thấy, chưa kể hệ thống phòng không Tây Đức sẽ ghi nhận vì radar của họ không bỏ sót bất kỳ một chi tiết khác thường nào diễn ra trên bầu trời Tiệp Khắc”.

Lập luận này còn được chứng minh qua việc khai thác dữ liệu từ hai hộp đen của chiếc JAT 367 trước sự chứng kiến của các chuyên gia Tiệp Khắc, Nam Tư và Hà Lan, cho thấy thời gian, tốc độ, hướng bay và độ cao của chiếc JAT 367 phù hợp với vụ nổ ở 10.160m.

Về phía Vesna, ngày 23-12-2016, sau khi gõ cửa căn hộ của cô và điện thoại nhiều lần nhưng không ai mở cửa, hàng xóm đã báo cảnh sát. Theo cơ quan pháp y, Vesna đã chết từ nửa đêm do nhồi máu cơ tim cấp. Cô được chôn cất 3 ngày sau đó với khoảng 10.000 người tiễn cô đến nơi an nghỉ cuối cùng...

Theo: ANTG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template