Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2022
Lạ lùng ngôi làng cứ ăn Tết là phải có thịt chuột
Thịt chuột được bắt trước Tết, mổ sạch nội tạng và treo lên gác bếp.
Lạ lùng ngôi làng cứ ăn Tết là phải có thịt chuột
Trên bàn thờ 3 ngày Tết nhất định phải có thịt chuột mới thể hiện hết tấm lòng của con cháu đối với tổ tiên.
Anh Lê Văn Tấn – Trưởng thôn Bương (xã Tân Pheo), nơi có tục dùng thịt chuột thờ cúng ngày Tết.
Mâm cúng tổ tiên ngày Tết phải có thịt chuột
Chúng tôi tình cờ được một người bạn kể chuyện rằng, người Dao ở thôn Bương (xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) có một tục lệ rất lạ, đó là ngày Tết bắt buộc phải có thịt chuột trong nhà để thờ cúng ông bà, tổ tiên. Câu chuyện thú vị đó đã thôi thúc chúng tôi tìm đến thôn Bương để tìm hiểu về phong tục kỳ lạ này.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, chúng tôi lên đường đến với thôn Bương. Cách trung tâm thành phố Hòa Bình hơn 70km, thôn Bương là một trong những bản còn nhiều khó khăn của huyện vùng núi Đà Bắc. Dân cư ở đây rất thưa thớt.
Chúng tôi tìm vào nhà anh Lê Văn Tấn – Trưởng thôn Bương (xã Tân Pheo) để nhờ sự giúp đỡ. Theo anh Tấn, dân tộc Dao sống trải rộng khắp nơi ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và được chia làm nhiều nhóm như Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Thanh Y, Dao Áo Dài, Dao Quần Trắng… tuy nhiên, tục dùng chuột thờ cúng ngày Tết thì chỉ có người Dao Tiền mới thực hiện.
Anh Tấn chia sẻ, anh không nhớ tục lệ này có từ khi nào, chỉ biết rằng nó đã có từ rất lâu đời mà đến bố anh năm nay đã hơn 90 tuổi cũng không biết được. Tục lệ của làng cứ đời trước truyền đời sau nối tiếp, nó như một quy luật bất thành văn mà gia đình nào cũng thực hiện.
Từ khoảng tháng 9 đến tháng 12 âm lịch, người dân sẽ lên rừng đặt bẫy, đặt cạm bắt chuột. Ngày xưa, họ dùng cạm tre, cạm nứa… giờ thì có cả cạm sắt. Chuột bắt được mang về làm lông, mổ sạch nội tạng, để nguyên phần đầu, chân, đuôi… thui qua lửa và treo lên gác bếp cho khô. Gia đình nào không đi bẫy được có thể mua lại của người khác.
“Đến đêm giao thừa, sau khi làm cơm tất niên xong, có gia đình làm lễ sớm, có gia đình đợi đến khoảnh khắc 0h thì đặt thịt chuột lên bàn thờ làm lễ cúng gia tiên. Mọi người lót một lớp lá rừng xuống và đặt khoảng 2-3 con chuột lên. Thịt chuột gác bếp thì phải rửa sạch và luộc, hấp qua nước.
Đối với người Dao Tiền, thịt chuột trong mâm cỗ ngày Tết là để thể hiện tấm lòng của con cháu đối với tổ tiên”, anh Tấn cho hay.
Chuột là “cứu tinh” của người Dao Tiền
Ông Lê Văn Thìn (55 tuổi) – một người chuyên đi bẫy chuột ở thôn Bương cho biết, chuột ở vùng này khá nhiều thế nhưng, chúng rất ít khi phá hoại mùa màng của người dân. Chúng trú ngụ ở trên núi nên thịt thơm và chắc chẳng kém các loại thú rừng.
Ông Lê Văn Thìn (55 tuổi) – một thợ chuyên săn chuột ở thôn Bương.
Theo ông Thìn, tục thờ cúng thịt chuột của người Dao Tiền ở thôn Bương có từ thời khai hoang lập địa. Thôn Bương khi ấy là một khu rừng hoang vắng, cây cối um tùm, rậm rạp. Những người Dao Tiền đầu tiên khi đến đây khai phá đã phát quang nhiều khu đất để trồng trọt, thế nhưng, để chờ cho lúa, ngô được thu hoạch thì mất vài tháng đến cả năm nên cuộc sống người dân vô cùng thiếu thốn.
Lúc đó, phụ nữ thì ở nhà làm nương rẫy, đàn ông phải vào rừng săn bắt thú rừng. Dân đông, thú rừng khan hiếm nên cái đói vẫn kéo dài triền miên. Nhất là vào những ngày giáp hạt, người Dao Tiền ở thôn Bương phải nhịn đói hoặc ăn rau rừng sống qua ngày. Họ vào rừng gặp cái gì ăn được là lấy, gặp con gì là bắt.
Cuộc sống đang lúc cùng quẫn vì đói thì một ngày nọ, người dân phát hiện xung quanh núi xuất hiện rất nhiều chuột. Trong cơn đói, nhiều người đã bắt chuột về ăn thì thấy giống này thịt ăn thơm ngon, chắc. Từ đó, dân bản đổ xô đi bắt chuột về làm đồ ăn, bắt được nhiều thì làm sạch treo lên gác bếp ăn dần.
Nhờ có thịt chuột, người Dao Tiền đã qua được cơn đói, cuộc sống dần ổn định hơn. Loài vật này trở thành “cứu tinh” đối với người dân trong lúc cái đói bủa vây.
Chuột là “cứu tinh” của người Dao Tiền từ ngày xưa khi bị cái đói bủa vây.
Để tưởng nhớ ông bà tổ tiên khai sinh ra bản làng nên từ đó trở đi, trong những dịp lễ tết, người Dao Tiền đều có món thịt chuột. Họ cho đó là món ăn gắn liền với lịch sử phát triển của người Dao Tiền nên trong mâm cúng ắt phải có thịt chuột.
Cho đến nay người Dao Tiền vẫn còn giữ nguyên tập tục này. Mỗi lần trong nhà có việc lớn gì như: đám ma, đám cưới, lễ cúng ma, tế trời đất… thì thầy mo không thể không nhắc gia chủ chuẩn bị mấy con chuột đặt lên mâm cúng, dâng lên người đã khuất.
Không chỉ thờ cúng tổ tiên ở nhà, đúng sáng mùng 2 Tết, tất cả các hộ dân ở thôn Bương phải góp 2-3 con chuột cho thầy mo để mang ra ngôi miếu làng làm lễ. Ngôi miếu làng này là thứ tất cả các thôn bản của người Dao Tiền phải có.
Bí ẩn ngôi miếu của người Dao Tiền, cứ mùng 2 Tết là cả bản mang chuột ra làm lễ
Đúng sáng mùng 2 Tết hằng năm, mỗi gia đình trong bản góp 2-3 con chuột khô cho thầy mo để mang ra ngôi miếu chung của người Dao Tiền làm lễ.
Trong bếp của người Dao Tiền lúc nào cũng có sẵn thịt chuột treo khô để bảo quản được lâu.
Không chỉ Tết, lễ nào cũng phải có thịt chuột
Theo anh Lê Văn Tấn – Trưởng thôn Bương (xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) hằng năm, người Dao Tiền có 3 ngày lễ lớn: lễ cầu mùa vào rằm tháng 5, lễ ăn cơm mới sau vụ thu hoạch tháng 9 và Tết Nguyên đán.
Tất cả các ngày lễ này, ngoài những đồ vật như gà, lợn… thì thịt chuột là món không thể thiếu trong mâm cúng. Nhà nào không đi bắt được chuột rừng thì phải mua bởi người dân quan niệm, không có thịt chuột thì năm đó sẽ không được tổ tiên phù hộ, làm ăn thất bát.
Thịt chuột trở thành một thứ không thể thiếu trong bất kỳ ngày lễ, Tết nào của người Dao Tiền.
Trong lễ cầu mùa tháng 5, nhà nào cũng phải có được ít nhất 3 con chuột sấy khô (gác bếp) để cúng. Lễ cầu mùa với mục đích cho chuột khỏi phá phách cây trồng, mùa màng bội thu. Đặc biệt, khi làm lễ cầu mùa của người Dao Tiền, nam giới - người trụ cột trong gia đình mới được đặt thịt chuột lên bàn thờ, có như vậy mới thể hiện được sức mạnh, khỏe khoắn của gia chủ khi đi làm ngoài ruộng hay trên nương.
Đối với lễ ăn cơm mới, người Dao Tiền cũng làm theo hình thức như lễ cầu mùa. Có điều, ý nghĩa của ngày ăn cơm mới là để báo cáo với tổ tiên rằng, thành quả trong một năm qua đã đạt được và mong muốn tổ tiên phù hộ cho mùa sau tiếp tục bội thu.
Riêng đối với Tết Nguyên đán, trong cả 3 ngày Tết, người Dao Tiền sẽ đặt chuột lên bàn thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra, đến ngày mùng 2 Tết, mỗi hộ dân trong bản đều phải đóng góp 2-3 con chuột cho thầy mo để ra làm lễ ở miếu làng.
Miếu làng là một ngôi miếu chung của cả một thôn, bản mà chỉ người Dao Tiền mới có. Đây là nơi sinh hoạt tâm linh chung của cả làng. Miếu được xây dựng ở nơi cao ráo, thoáng đãng, ít người qua lại. Miếu khóa cổng quanh năm, chỉ có ngày lễ, Tết thầy mo mới mở để cho người dân vào làm lễ.
Ngôi miếu của thôn Bương nằm núp trong những lùm cây rậm rạp.
“Thầy mo là người do dân làng bầu ra. Vào sáng mùng 2 Tết, các gia đình đóng góp chuột và cử đại diện một người cùng thầy mo ra miếu để làm lễ cầu bình an, sức khỏe và năm mới làm ăn phát đạt. Sau khi làm lễ xong, mọi người sẽ về nhà thầy mo để làm cỗ ăn mừng năm mới”, anh Tấn chia sẻ.
Miếu làng không phải thờ “thần chuột”
Dẫn chúng tôi ra ngôi miếu chung của thôn Bương, anh Tấn trưởng thôn tâm sự, lâu nay, người ngoài vẫn đang hiểu nhầm về việc thờ tự của ngôi miếu. Ngôi miếu này hoàn toàn không phải thờ “thần chuột” như mọi người đang đồn thổi.
“Theo truyền thống của người Dao Tiền chúng tôi, làng nào cũng có một miếu riêng. Miếu làng là nơi thờ Thành hoàng làng – những người khai thiên lập địa ra bản làng và thờ thần mo – những người cai quản về đường tâm linh. Ngôi miếu không phải thờ “thần chuột”, mà chúng tôi chỉ dùng thịt chuột để làm lễ cúng tế mà thôi”, anh Tấn nói. Ngôi miếu của thôn Bương nằm ở trên một rẻo đất cao ven làng, chỗ này là đường cụt dẫn vào một khe núi nên ít người qua lại. Khuôn viên miếu rộng khoảng 60m2 được xây tường bao xung quanh. Tuy nhiên, miếu chính lại rất nhỏ, nằm ở chính giữa khu đất với diện tích vỏn vẹn khoảng 4m2, cỏ cây bao phủ xung quanh.
Khu miếu có cổng vào, được khóa cẩn thận nhưng miếu lại không có cửa. Bên trong được chia làm 2 ngăn, không có đồ đạc cúng tế gì mà chỉ có một vài chiếc chén, bát hương ngổn ngang.
Miếu được chia làm 2 ngăn để thờ cúng. Bên trong không có đồ đạc gì ngoài một số chén, bát hương ngổn ngang.
Anh Tấn cho hay, trước đây, miếu được dựng bằng gỗ, lợp cọ đơn sơ; sau xây bằng đá. Đến năm 2010, có sự hỗ trợ kinh phí của chính quyền, miếu của thôn Bương được xây dựng lại bằng gạch, trát vữa, lợp mái bro-xi măng như hiện tại. Chỉ đến những ngày lễ, Tết, thầy mo mới mở cổng để người dân vào làm lễ.
Người Dao Tiền chỉ sử dụng miếu vào những dịp lễ, tết quan trọng trong năm, còn lại những ngày thường khóa trái cổng.
Trước khi tiễn chúng tôi ra về, anh Tấn chia sẻ, tục thờ cúng bằng thịt chuột của người Dao Tiền cũng giống như những dân tộc khác vẫn dùng thịt lợn, thịt gà để thờ cúng ngày lễ chứ không có gì quá đặc biệt. Và anh tha thiết mong chúng tôi đính chính thông tin rằng, ngôi miếu chung của người Dao Tiền không phải thờ “thần chuột” như các thông tin đại chúng đang lan truyền.
Theo: Dân Việt
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn