Các cuộc tấn công vào căn cứ của Nga trên Crimea có thể làm trầm trọng thêm cuộc xung đột hiện nay. Ảnh: Reuters
Giành lại Crimea – mục tiêu thực tế hay giấc mộng xa vời của Ukraine?
Ukraine cho biết muốn đẩy lùi Nga ra khỏi toàn bộ lãnh thổ của mình, bao gồm cả Crimea, bán đảo Nga đã sáp nhập vào năm 2014. Tuy nhiên, liệu đây có phải là một mục tiêu thực tế đối với Ukraine?
“Cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine và châu Âu bắt đầu từ Crimea và phải kết thúc với Crimea, thông qua việc giải phóng nó. Không thể nói khi nào điều đó xảy ra nhưng chúng tôi đang liên tục bổ sung các yếu tố cần thiết để giải phóng Crimea. Tôi biết chúng tôi sẽ giành lại Crimea của Ukraine”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong bài phát biểu qua video hôm 9/8.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng, sẽ không có hòa bình ở Biển Đen và Địa Trung Hải “chừng nào Nga còn sử dụng Crimea như một căn cứ quân sự”.
Ngay trước phát biểu trên của ông Zelensky, đã có một loạt vụ nổ xảy ra tại một sân bay của Hải quân Nga, gần thị trấn Novofedorovka, phía Tây bán đảo Crimea. Đây có thể là một cuộc tấn công có chủ đích của Ukraine dù chưa có xác nhận chính thức và Kiev đã phủ nhận trách nhiệm về các vụ nổ.
Theo truyền thông địa phương, vụ nổ xảy ra trong khu vực sân bay quân sự Saki gần làng Novofedorovka, quận Saki. Đây là căn cứ không quân của Bộ Quốc phòng Nga, có các máy bay phản lực và trực thăng phục vụ cho không quân và hải quân.
Nếu thực sự là một cuộc tấn công quân sự, đây sẽ là cuộc tấn công đầu tiên trên Crimea kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo này vào 8 năm trước. Điều này có ý nghĩa biểu tượng tương tự vụ chìm tàu Moskva – soái hạm của Hạm đội Biển Đen Nga hồi tháng 4. Đây có thể là lý do tại sao Nga không cho rằng vụ nổ ở Crimea là một cuộc tấn công của Ukraine, mà chỉ do một số đạn phát nổ vì bảo quản không tốt.
Nguy cơ leo thang chiến tranh
Việc các mục tiêu ở Crimea bị tấn công sẽ có ý nghĩa khác đối với Nga so với cuộc chiến ở Donbass và phần còn lại của Ukraine. Theo cách giải thích của Nga, các cuộc tấn công vào Crimea nghĩa là cuộc chiến đã chuyển sang lãnh thổ của Moscow và có nguy cơ làm leo thang chiến tranh.
Trong khi đó, Ukraine vẫn coi Crimea là một phần lãnh thổ của mình. “Chúng tôi sẽ giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ của mình, trong đó có Crimea. Crimea là một mục tiêu chiến lược với Ukraine bởi đó là lãnh thổ của Ukraine. Nhưng chúng tôi sẽ tiến hành việc này theo từng bước”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov nói trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNN vào giữa tháng 6.
Ông Reznikov cũng cho biết bước đầu tiên sẽ là ổn định tình hình thực địa để ngăn cản những tổn thất lớn hơn của Ukraine trước quân đội Nga. Trong giai đoạn thứ hai, Ukraine sẽ đẩy lùi lực lượng Nga về các vị trí như trước chiến dịch quân sự ngày 24/2.
Đối với Nga, Crimea thậm chí còn quan trọng hơn phần còn lại của Ukraine. Bán đảo này nằm dưới sự kiểm soát của Nga trong hơn 2 thế kỷ. Nhiều người dân tộc Nga đã sinh sống ở đó trong thế kỷ 18 và 19 và nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin tiếp tục chính sách này trong thế kỷ 20.
Trong Liên Xô, Crimea ban đầu thuộc về Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga (SSR). Đến năm 1954, Crimea được trao cho Lực lượng SSR Ukraine theo lệnh của Nikita Khrushchev, người kế nhiệm Stalin.
Sau khi Liên Xô tan rã, Crimea chính thức trở thành lãnh thổ của Ukraine, mặc dù Kiev chưa bao giờ có thể khẳng định hoàn toàn quyền lực của mình. Ukraine đã trao quy chế tự trị cho bán đảo, ký các thỏa thuận cho Nga thuê cảng Sevastopol - nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen. Thỏa thuận cho thuê đã cho phép Nga tiếp cận quân sự đến Biển Đen.
Đến năm 2014, Maidan nổ ra tại Ukraine và cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ và buộc ông phải chạy sang Nga. Vào thời điểm đó, Điện Kremlin nhận thấy nguy cơ mất Sevastopol và toàn bộ Crimea vào tay NATO, nếu Ukraine hướng về phương Tây nhiều hơn. Sau đó, Nga quyết định sáp nhập Crimea.
Liệu Ukraine có thể giành lại Crimea?
Một phần mục tiêu của Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là củng cố hơn nữa quyền kiểm soát đối với Crimea. Ngoài việc nỗ lực giành được Donbass, Điện Kremlin tuyên bố việc tạo ra một hành lang trên bộ tới Crimea là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của nước này.
Khi Nga đang tăng cường sức mạnh cho chiến trường ở phía Nam Ukraine, Moscow đang tạo ra một kịch bản rằng việc Kiev giành lại những lãnh thổ đã mất gần như sẽ trở nên bất khả thi.
Ukraine đang mất quyền tiếp cận Biển Azov. Ngoài ra, vì Crimea kéo dài vào Biển Đen, Nga cũng sẽ có thể kiểm soát và chặn mọi hoạt động vận chuyển liên quan đến cảng Odessa trên Biển Đen. Những cuộc giao tranh ác liệt trên Đảo Rắn cho thấy, Odessa cũng là một trong những mục tiêu trong chiến dịch quân sự của Nga.
Hiện chưa rõ Ukraine đã lên kế hoạch giành lại Crimea như thế nào. Ông Yuriy Sak, cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, cho biết, việc trao quyền kiểm soát Crimea lại cho Ukraine là một vấn đề cần được đàm phán về mặt ngoại giao, song làm thế nào để đạt được lợi ích bằng việc đàm phán đến nay vẫn là điều chưa rõ ràng.
Bán đảo Krym
Bán đảo Krym (phiên âm: "Crưm", tiếng Ukraina: Кримський півострів, tiếng Nga: Крымский полуостров, tiếng Tatar Krym: Qırım yarımadası, tiếng Hy Lạp cổ: Κιμμερία/Ταυρική, chuyển tự Kimmería/Taurikḗ) là một bán đảo lớn ở châu Âu được nước bao bọc gần như hoàn toàn. Bán đảo nằm ngay về phía nam của đất liền của Ukraina và về phía tây của miền Kuban thuộc Ukraina. Bán đảo Krym nằm giữa hai biển Azov và biển Đen và được nối với đất liền của Ukraina theo eo đất Perekop. Bán đảo này đã thuộc về Nga trong cuộc Khủng hoảng Krym 2014 khi Liên bang Nga sáp nhập Krym. Nhiều nước không công nhận sự sáp nhập này và chỉ công nhận bán đảo vẫn thuộc chủ quyền của Ukraina.
Địa lý
Vị trí: Đông Âu
Tọa độ: 45,3°B 34,4°Đ
Diện tích: 27.000 km2 (10.400 mi2)
Độ cao tương đối lớn nhất 1.545 m (5.069 ft)
Tình trạng Được kiểm soát và điều hành như một phần của Liên bang Nga, Tuy nhiên được quốc tế công nhận là một phần của Ukraina
Ukraina (de jure) Vùng: Tỉnh Kherson (phần phía bắc của Arabat Spit, Huyện Henichesk)
Vùng không kiểm soát: Cộng hòa Tự trị Krym Sevastopol
Nga (de facto)
Vùng liên bang Phía Nam
Nhân khẩu học
Tên gọi dân cư: Người Krym
Dân số : 2.284.000
Mật độ: 84,6 /km2 (2.191 /sq mi)
Cộng hòa Krym Sevastopol
Lịch sử Các di tích của thành phố cổ Chersonesos, bây giờ thuộc về Sevastopol, là một Di sản Thế giới của UNESCO
Lãnh thổ Krym bị chiếm đóng nhiều lần trong lịch sử. Các sắc dân như Kimmeri, Hy Lạp, Scythia, Goth, Hung, Bulgar, Khazar, quốc gia Rus Kiev, Đế quốc Đông La Mã của người Hy Lạp, Kim Trướng hãn quốc của người Tatar và người Mông Cổ đều từng có thời gian kiểm soát Krym. Vào thế kỷ 13, Cộng hòa Venezia và Cộng hòa Genova kiểm soát một phần Krym. Nối tiếp chúng là Hãn quốc Krym và Đế quốc Ottoman vào thế kỷ 15-18 và Đế quốc Nga vào thế kỷ 18-20.
Thời thuộc Liên Xô, Krym ban đầu là một phần của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga. Ngày 19 tháng 2 năm 1954, Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao của Liên Xô ban hành sắc lệnh cắt tỉnh Krym chuyển cho Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraina.
Việc chuyển giao này được miêu tả là một "món quà", kỉ niệm cột mốc 300 năm Ukraina trở thành một phần của Đế quốc Nga.
Trước đây, Cộng hòa Tự trị Krym chiếm phần lớn bán đảo; một vùng nhỏ ở phía tây nam là thành phố Sevastopol với địa vị pháp lý đặc biệt ở Ukraina, còn một vùng ở phía bắc mũi đất Arabat của bán đảo là thuộc tỉnh Kherson, Ukraina. Mũi đất Arabat nằm phía đông bắc Krym, chia tách hệ thống vùng đầm phá cạn ngập mặn Sivash với biển Azov.
Sau khi Liên Xô tan rã, vấn đề chủ quyền tại Krym trở thành mâu thuẫn giữa Nga và Ukraina. Ukraina căn cứ vào quyết định của Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao năm 1954 để cho rằng Krym thuộc chủ quyền của mình. Phía Nga thì lập luận rằng Krym đã thuộc về Nga từ thế kỷ 18, chỉ tách khỏi Nga từ năm 1954, do Nhà nước Liên Xô đã tan rã nên Nga không có nghĩa vụ phải chấp nhận việc cắt Krym cho Ukraina.
Đầu năm 2014, sau vụ Khủng hoảng Krym và Trưng cầu dân ý Krym, người dân Cộng hòa Tự trị Krym và thành phố Sevastopol đã đi bỏ phiếu để quyết định về vấn đề chủ quyền tại vùng này. 95,5% phiếu bầu đồng ý thống nhất Krym vào nước Nga, 3,5% lựa chọn Krym là một phần của Ukraina và 1% số phiếu không hợp lệ (tuy nhiên theo nhiều nguồn tin phương Tây có bằng chứng cho rằng, phần trăm số phiếu đã được phía Nga chủ động sắp xếp trước). Theo kết quả này, Cộng hòa Tự trị Krym tuyên bố ly khai khỏi Ukraina và sáp nhập vào Nga, được Nga đồng ý. Hiện Nga xem Krym là chủ thể liên bang thuộc nước này, gọi là Cộng hòa Krym. Tuy nhiên, chỉ Nga và 10 thành viên Liên Hợp Quốc công nhận chủ quyền của Nga, trong khi hơn 100 nước khác vẫn công nhận chủ quyền của Ukraina đối với lãnh thổ này.
Các tên "Krym" bắt nguồn từ tên thành phố Qırım (Staryi Krym ngày nay) là thủ phủ của tỉnh Krym trong Kim Trướng hãn quốc. Qırım được phiên âm ra tiếng Nga thành Krym và ra tiếng Việt thành "Crưm". Người Hy Lạp cổ gọi Krym là Ταυρική (tức Taurica trong Latinh) theo người Tauri ở bán đảo này.
Địa lý
Bán đảo Krym nằm tại bờ bắc biển Đen và bờ tây biển Azov, phía bắc giáp tỉnh Kherson của Ukraina. Cộng hòa Tự trị Krym (cộng hòa tự trị của Ukraina) và Cộng hòa Krym (chủ thể liên bang của Nga) chỉ chiếm phần lớn diện tích bán đảo chứ không phải toàn bộ. Có hai cộng đồng nông thôn thuộc huyện Henichesk, tỉnh Kherson, Ukraina cũng nằm trên bán đảo Krym, cụ thể là trên mũi đất Arabat, Shchaslyvtseve và Strilkove.
Krym nối liền với đất liền bởi eo đất Perekop rộng 5–7 km. Mũi đông là bán đảo Kerch nằm đối diện với bán đảo Taman của Nga. Giữa hai bán đảo Kerch và Taman là eo biển Kerch rộng 3–13 km, vốn là thủy đạo nối thông biển Đen với biển Azov. Bán đảo Krym có nhiều bán đảo nhỏ hơn như mũi đất Arabat, bán đảo Kerch, bán đảo Heracles, bán đảo Tarhan Qut,...
Xét về phương diện địa lý, bán đảo Krym nói chung thường được chia làm ba đới: thảo nguyên, núi non và bờ biển phía nam. Chạy dọc bờ biển đông nam của Krym là dãy núi Krym, phía trong lại có một dãy núi nữa chạy song song. 75% phần diện tích còn lại của Krym là các thảo nguyên nửa khô hạn, có địa hình dốc thoải từ chân dãy núi Krym xuống hướng tây bắc. Thác nước Uchan-su ở sườn nam của dãy Krym là thác nước cao nhất. Dải bờ biển hẹp phía ngoài dãy Krym có phong cảnh thiên nhiên tươi xanh, là nơi tọa lạc của nhiều làng mạc của người Tatar Krym, các thánh đường Hồi giáo, cung điện của hoàng gia và quý tộc Nga, các lâu đài trung cổ và Hy Lạp cổ, các vườn nho và vườn cây ăn quả.
Khí hậu
Phần lớn Krym có khí hậu ôn đới lục địa, riêng vùng bờ biển đông nam có khí hậu cận nhiệt đới. Nhiệt độ khu vực sâu trong đất liền vào mùa hè có thể lên mức 28 °C (bình quân vào tháng 7), trong khi nhiệt độ mùa đông có thể xuống mức -0,3 °C (bình quân tháng 1), riêng nhiệt độ của bờ biển phía nam vào mùa đông thì có phần cao hơn (4 °C, bình quân tháng 1). Krym ít mưa, trung bình mỗi năm chỉ mưa 400 mm. Nhờ đặc điểm khí hậu như vậy mà dải bờ biển phía nam Krym là nơi thu hút nhiều du khách Nga và Ukraina đến tắm biển và sưởi nắng.
Kinh tế
Các ngành chính của nền kinh tế Crimea là nông nghiệp và đánh bắt sò, ngọc trai, du lịch và cảng. Các nhà máy công nghiệp nằm phần lớn ở vùng duyên hải phía nam (Eupatoria, Sevastopol, Feodosia, Kerch), một số vùng phía bắc (Armiansk, Krasnoperekopsk,...), ngoài khu vực trung tâm, chủ yếu là Simferopol okrug và vùng phía đông ở Thành phố Nizhnegorsk. Các thành phố công nghiệp quan trọng bao gồm Dzhankoi, có kết nối đường sắt chính, Krasnoperekopsk và Armiansk,...
Thời tiết Địa Trung Hải tuyệt đẹp ở Crimea khiến bán đảo này là một điểm du lịch nổi tiếng với người Ukraina và người Nga, nhất là Yalta, nơi các nhà lãnh đạo Liên Xô, Mỹ và Anh đã gặp nhau sau Chiến tranh thế giới thứ hai để thảo luận về tương lai của châu Âu và thế giới.
Trước khi sáp nhập vào Nga, Crimea chiếm 3% GDP Ukraina, với 60% tổng giá trị sản phẩm quốc nội là từ dịch vụ. Nông nghiệp cũng có vai trò quan trọng trên bán đảo, với lúa mì, ngô và hướng dương là các nông sản chính. Nước tưới được cung cấp qua một kênh đào từ sông Dnieper của Ukraina.
Ngoài ra trên bán đảo còn có các nhà máy hóa chất và mỏ quặng sắt ở Kerch. Ukraina có hai kho dự trự ngũ cốc lớn ở Crimea, tại Kerch và Sevastopol. Theo UkrAgroConsult, các kho này xuất khẩu 1,6 triệu tấn ngũ cốc trong năm 2013, chiếm 6,6% tổng sản lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraina.
Ở bờ biển phía nam Crimea là thành phố cảng Sevastopol, cảng nhà của hạm đội Biển Đen Nga với hàng nghìn quân Nga đồn trú. Sevastopol sẽ mở thêm đường cho Nga ra Địa Trung Hải.
Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào đầu năm 2014 và các lệnh trừng phạt liên tiếp nhắm vào Crimea, ngành du lịch đã chịu tổn thất lớn trong hai năm. Luồng khách du lịch giảm 35% trong nửa đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm 2013. Lượng khách du lịch đạt kỷ lục vào năm 2012 là 6,1 triệu lượt. Theo chính quyền Nga, lượng khách đã giảm xuống còn 3,8 triệu vào năm 2014 và tăng trở lại lên 5,6 triệu vào năm 2016.
Các ngành công nghiệp quan trọng nhất ở Crimea bao gồm sản xuất thực phẩm, lĩnh vực hóa chất, kỹ thuật cơ khí, gia công kim loại và các ngành sản xuất nhiên liệu. [101] Sáu mươi phần trăm thị trường ngành thuộc về sản xuất thực phẩm. Có tổng số 291 xí nghiệp công nghiệp lớn và 1002 xí nghiệp kinh doanh nhỏ.
Crimea đã từng trở thành một phần của Đế chế Nga như thế nào?
Ở thế kỷ 18, bán đảo Crimea được chuyển từ Đế chế Ottoman sang Đế chế Nga. Trang RBTH đã giải thích quá trình phức tạp này trong 9 bước đơn giản.
1. Crimea trước đó là gì?
Hãn quốc Crimea (hay Krym) từng là một phần của Hãn quốc (*) Kim trướng (Golden Horde). Sau khi Hãn quốc Kim trướng sụp đổ vì xung đột vương triều, Crimean Khanate được thành lập năm 1441.
Trong bản đồ, phần màu vàng là Hãn quốc Crimea. Ảnh: Irina Baranova.
Năm 1475, các cảng biển quan trọng của Criema là một phần của Đế chế Ottoman (được thành lập bởi các bộ tộc Thổ Nhĩ Kỳ), trong khi toàn bộ Hãn quốc Crimea trở thành nhà nước vệ tinh của Đế chế Ottoman. Kể từ đây, Biển Đen được bao quanh bởi Ottoman và các vùng lãnh thổ thuộc Ottoman.
2. Vì sao Nga cần Crimea?
Thế kỷ 16, Nga (ở thời điểm đó là Đại công quốc Moscow) bắt đầu mở rộng lãnh thổ sau khi Hãn quốc Kim trướng sụp đổ. Và sau khi chinh phục các hãn quốc Kazan và hãn quốc Astrakhan, Nga chinh phạt xa hơn về phía nam.
Trong khi đó, những người du mục Tatar của Hãn quốc Crimea đang cướp phá các vùng ngoại ô của lãnh thổ Nga và gây ảnh hưởng lớn đến thương mại và nông nghiệp ở miền nam nước Nga.
Đầu thế kỷ 18, Nga nhận thấy rõ ràng rằng, để phát triển xa hơn, cần phải tiếp cận Biển Đen.
3. Thời điểm đã đến như thế nào?
Năm 1736-1737, Nga đưa quân đội tới Crimea. Nhưng người Nga không thể duy trì đường tiếp vận, vì các vùng lãnh thổ Nga quá xa và tách biệt với Crimea bởi vùng Cánh đồng hoang dã rộng lớn – vùng thảo nguyên Pontic của Ukraine, Bắc Biển Đen và biển Azov cũng như phía Nam và Đông Ukraine.
Khả năng tiếp vận hiệu quả cho các lực lượng quân sự ở Crimea chỉ xuất hiện vào những năm 1760 và 1770, sau khi một tỉnh đế quốc mới, chính quyền Novorossiya (nước Nga mới) được thiết lập năm 1764.
Với các nguồn cung cấp từ chính quyền mới, khả năng tiến quân về Crimea trở nên thực tế hơn nhiều. Điều này được thực hiện dưới sự kiểm soát và giám sát của Hoàng thân Grigoriy Potemkin, người bạn thân nhân và là cố vấn quân sự của Nữ hoàng Catherine đại đế.
Chân dung Grigoriy Potemkin. Ảnh: Hermitage
4. Điều đó có thực hiện bằng vũ lực?
Trong cuộc chiến tranh Nga-Thổ 1768-1774, Crimea nhiều khả năng là mục tiêu chính của Nga. Đến năm 1771, người Tatar ở Crimea từ chối đứng về phe Thổ Nhĩ Kỳ và lãnh đạo Ottoman đã không có đủ lực lượng quân sự để bảo vệ Crimea. Vì thế, mùa hè năm 1771, Quân đội Nga do tướng Vasily Dolgorukov dẫn đầu, đã chiếm được Crimea chỉ trong 16 ngày. Hãn (*) Selim III Giray bỏ chạy tới Constantinople (nay là Istanbul).
Năm 1772, hãn mới của Crimea, Sahib II Giray, tuyên bố hãn quốc của ông là một nhà nước độc lập dưới sự bảo hộ của Nga. Tuy nhiên, Đế chế Ottoman không muốn thừa nhận điều này và chiến tranh nổ ra.
5. Thổ Nhĩ Kỳ có rút lực lượng không?
Năm 1774, Đế chế Ottoman đã phải ký Hiệp ước Küçük Kaynarca. Theo đó, Hãn quốc Crimea chính thức độc lập khỏi Đế chế Ottoman và Đế chế Nga. Tuy nhiên, Nga lại giành được Kerch (một cảng biển thương mại và quân sự quan trọng). Trong khi đó, Sultan Thổ Nhĩ Kỳ đã bảo toàn được quyền lực tôn giáo – các hãn của Crimea vẫn phải được sultan (vua Thổ Nhĩ Kỳ) chấp thuận.
Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ không rời khỏi Crimea, hy vọng rằng cuối cùng thì sultan sẽ có thể tìm cách lấy lại bán đảo này về tay Đế chế Ottoman.
Năm 1776, quân đội Nga tiến vào Crimea và chỉ định một hãn khác, Şahin Giray - người đã đồng ý cho triển khai quân đội Nga tại bán đảo Crimea.
Hãn Şahin Giray đã cố gắng triển khai các cải cách kiểu châu Âu. Tuy nhiên khi đó người Crimea đã bắt đầu nổi dậy. Những người Hồi giáo ở Crimea chống lại những người Cơ Đốc giáo hãn thân Nga. Năm 1778, Nga phải cử Tướng Alexander Suvorov tới để trấn áp các cuộc nổi dậy.
6. Người dân Crimea đã làm những gì?
Sau các sắc lệnh từ Hoàng thân Grigoriy Potemkin, Tướng Alexander Suvorov giám sát việc tái định cư người Cơ Đốc giáo từ Crimea tới đại lục Nga, khu vực duyên hải phía Bắc Biển Đen (từ 1764, những vùng đất này là một phần của Novorossiya). Tổng cộng hơn 30.000 người Armenia, người Hy Lạp và Gruzia (Georgian) được bố trí rời khỏi Crimea.
Alexander Suvorov. Ảnh: Global Look Press
Suvorov ngăn chặn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai thêm lực lượng ở Crimea. Đến năm 1779, hầu hết quân đội Nga cũng rút khỏi đây, Alexander Suvorov được chỉ định tới Novorossiya. Tuy nhiên các gián điệp Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục kích động các cuộc nổi dậy ở Crimea với hãn Şahin Giray đã trấn áp các cuộc nổi dậy một cách khắc nghiệt.
7. Quá trình sáp nhập chính thức diễn ra như thế nào
Năm 1782, Hoàng thân Grigoriy Potemkin trình Nữ hoàng Catherine đại đế đề xuất sáp nhập Crimea vào Nga, để “chặn đường người Thổ” và đảm bảo sự hiện diện của Đế chế Nga ở Biển Đen. Nữ hoàng đã đồng ý và ban hành Tuyên bố chính thức sáp nhập Crimea ngày 19/4/1783.
Trên đường mang bản Tuyên bố tới Crimea, Potemkin bất ngờ nhận được tin hãn Şahin Giray đã thoái vị - tầng lớp quý tộc Tatar ở Crimea đã công khai chống đối và nước Nga kiểm soát họ một cách chính thức.
Ngày 9/7/1783, Potemkin chính thức công bố Tuyên bố của Catherine Đại đế trên đỉnh núi Aq Qaya. Sau đó, các đại diện của tầng lớp quý tộc Tatar và tầng lớp bình dân chính thức thề trung thành với Catherine Đại đế.
Phải đến đầu năm 1784, Đế chế Ottoman mới miễn cưỡng chấp nhận quy chế mới của Crimea như một tỉnh của Nga.
8. Các quốc vương châu Âu phản ứng ra sao?
Sau khi thông tin về việc sáp nhập lan truyền rộng rãi, chỉ có Pháp là gửi công hàm phản đối, nhưng các nhà ngoại giao Nga phản hồi bằng cách nói rằng, Nga không phản đối việc [Pháp] sáp nhập Corsica và kỳ vọng điều tương tự từ Pháp liên quan đến Crimea.
Nữ hoàng Catherine cũng nhắc nhở nước Pháp rằng, việc sáp nhập [Crimea] được thực hiện là nhằm hạ nhiệt tình hình biên giới Nga-Ottoman.
9. Hậu sáp nhập?
Năm 1784, Sevastopol trở thành thủ phủ mới của Crimea và chính quyền Crimea được thiết lập. Dân số ở Crimea đã giảm đi đáng kể do phần lớn người Hồi giáo đã bỏ sang Thổ Nhĩ Kỳ. Potemkin khẳng định rằng, quân đội Nga đã đối xử với người Tatar địa phương với sự tôn trọng. Các gia đình quý tộc Tatar vẫn được đối xử như quý tộc Nga, họ được hưởng nhiều đặc quyền, ngoại trừ quyền sở hữu nông nô theo Cơ đốc giáo.
Kể từ năm 1780, với sự hỗ trợ đáng kể từ Hoàng thân Grigoriy Potemkin, sự phát triển về kinh tế, nông nghiệp chưa từng thấy đã bắt đầu diễn ra ở Crimea, dân số dần dần được khôi phục khi những người định cư từ đại lục Nga tới./.
* Hãn trong tiếng Mông Cổ và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là một tước hiệu có nhiều nghĩa, ban đầu có nghĩa là "thủ lĩnh" một bộ tộc. Một hãn kiểm soát một lãnh thổ gọi là hãn quốc. Đôi khi cũng có thể dịch là hoàng đế. (Theo wikipedia).
CRIMEA VÀ NHỮNG BÍ MẬT CHƯA TỪNG TIẾT LỘ
Theo: Sohoa& Inter
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn