Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2022

Bộ Công an thông tin chi tiết trường hợp thu và không thu hộ khẩu giấy



Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an). Ảnh: Đ.D
Bộ Công an thông tin chi tiết trường hợp thu và không thu hộ khẩu giấy



Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) đã thông tin cụ thể về trường hợp thu và không thu hộ khẩu giấy.

Thời gian vừa qua, Bộ Công an khẳng định, không có chủ trương thu hồi sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, mà chỉ thực hiện thu khi người dân đến cơ quan công an thay đổi, bổ sung thông tin. Tuy nhiên, thực tế, nhiều trường hợp đến cơ quan công an thực hiện một số thủ tục, công dân vẫn bị thu hồi sổ hộ khẩu giấy.

Ngày 23/8, trao đổi với Tiền Phong về vấn đề trên, Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng C06 giải thích: Theo quy định tại khoản 2, Điều 26, Thông tư 55/2021/TT/BCA, công dân sẽ bị thu sổ hộ khẩu giấy khi thực hiện các thủ tục như, đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Khi công dân thực hiện các giao dịch trên, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Trung tướng Tô Văn Huệ giải thích thêm, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy thì cơ quan đăng ký cư trú không chỉnh sửa, bổ sung vào sổ hộ khẩu, không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Thay vào đó, cơ quan đăng ký cư trú, có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đã cấp đồng thời thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú.

Khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bị thu lại, cơ quan công an sẽ cấp cho công dân 1 giấy xác nhận có giá trị tương đương với sổ hộ khẩu để tạo thuận lợi cho việc giao dịch. Giấy xác nhận này có giá trị 1 tháng. Khi hết hạn công dân có thể tiếp tục đến cơ quan công an xin cấp lại. Sau ngày 31/12, cơ quan công an cũng sẽ dừng cấp loại giấy xác nhận này.

“Khi Bộ Công an đã chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư cho các bộ, ngành, đơn vị chức năng theo quy định của pháp luật thì công dân chỉ cần cầm CCCD gắn chíp điện tử đến cơ quan, đơn vị để giao dịch hành chính mà không cần sổ hộ khẩu. Đối với vướng mắc của công dân khi giao dịch hành chính nhiều nơi vẫn đòi sổ hộ khẩu, thời gian tới Chính phủ sẽ có Chỉ thị hướng dẫn về việc này, để thực hiện đồng bộ trên toàn quốc, tạo thuận lợi nhất cho người dân", Trung tướng Tô Văn Huệ thông tin.


Người dân được giữ lại hộ khẩu giấy đã hết hạn

Trung tướng Tô Văn Huệ cho biết, kể từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sẽ không còn giá trị. Trường hợp từ nay đến sau 1/1/2023, nếu người dân không có thay đổi thông tin thuộc các trường hợp tại khoản 2 Điều 26 Thông tư 55/2021/TT-BCA, có thể giữ lại làm kỷ niệm.

Nguồn: Tiền Phong


Người dân sử dụng giấy tờ nào thay thế khi sổ hộ khẩu hết giá trị vào ngày 31-12-2022?

Khi sổ hộ khẩu và sổ tạm trú hết hiệu lực, người dân có thể dùng CCCD gắn chip, giấy xác nhận cư trú hoặc ứng dụng VNeID để thay thế trong các giao dịch hành chính. Để triển khai Luật Cư trú thống nhất, hiệu quả nhằm tạo thuận lợi, giảm phiền hà cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính hay giao dịch dân sự, sau khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bị thu hồi hoặc hết hiệu lực, người dân có thể sử dụng 7 phương thức sau:

Thứ nhất, người dân sử dụng CCCD gắn chip. Đây là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú. Điều 3, Điều 18 và Điều 20 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định khi công dân xuất trình CCCD thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về căn cước công dân.


Sổ hộ khẩu sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12-2022

Thứ 2, công dân, cơ quan, tổ chức dùng thiết bị đọc mã QR trên CCCD gắn chip. Thiết bị được tích hợp với máy tính hoặc thiết bị di động để đọc các thông tin gồm: Số CCCD; số CMND 9 số; họ và tên; ngày sinh; giới tính; nơi thường trú; ngày cấp CCCD.

Thứ 3, công dân, cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc thông tin trong chip trên CCCD phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự… Các thông tin gồm: họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quê quán; nơi thường trú; số chứng minh đã được cấp; ảnh chân dung; vân tay;...

Thứ 4, người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Theo đó, sau khi truy cập trang web dân cư quốc gia theo địa chỉ dichvucong.dancuquocgia.gov.vn, công dân đăng nhập tài khoản theo hướng dẫn.

Sau đó, chủ tài khoản truy cập vào chức năng “Thông tin công dân”. Thông tin cơ bản của công dân sẽ hiển thị gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; nơi thường trú; số định danh cá nhân; số chứng minh nhân dân.


Căn cước công dân gắn chíp sẽ là 1 trong 7 giấy tờ thay thế sổ hộ khẩu

Thứ 5, cá nhân sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Để thực hiện, công dân đến cơ quan công an đăng ký tài khoản mức 2; cài ứng dụng VNeID; kích hoạt tài khoản trên thiết bị di động khi nhận được tin nhắn thông báo. Sau khi được kích hoạt, thông tin hiển thị trên VNeID gồm: Số CCCD; họ và tên; ngày sinh; giới tính; đặc điểm nhận dạng; số điện thoại,...

Thứ 6, công dân sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú được ban hành kèm theo Thông tư số 56/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an. Để có giấy này, người dân đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước để đề nghị cấp, hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua dịch vụ công trực tuyến khi cần thiết.

Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương tạo điều kiện tối đa cho công dân khi xin cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú. Mẫu giấy này có đầy đủ thông tin cá nhân, thông tin về nơi cư trú của công dân, thông tin về chủ hộ, mối quan hệ của các thành viên trong hộ gia đình.

Thứ 7, công dân sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Công an đã chỉ đạo cấp thông báo số định danh và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho 100% người chưa được cấp CCCD trên toàn quốc.

Các thông tin trên thông báo số định danh cá nhân gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; tình trạng hôn nhân; nhóm máu...

Hiện nay, Bộ Công an đã đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, sở, ban, ngành có liên quan căn cứ thông tin trên CCCD gắn chip, thông báo số định danh cá nhân, xác nhận thông tin về cư trú để xác định nơi cư trú của công dân khi giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Mục đích để thống nhất với quy định của Luật Cư trú 2020, không yêu cầu người dân xuất trình sổ thường trú, sổ tạm trú giấy.

Nguồn: AN thủ đô

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template