Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2022

Số phận bi thương của dàn diễn viên phim “Em còn nhớ hay em đã quên”



Hoàng Hồng Nhị (phải) và Lê Công Tuấn Anh trong phim "Em còn nhớ hay em đã quên"
Số phận bi thương của dàn diễn viên phim “Em còn nhớ hay em đã quên”


Bộ phim “Em còn nhớ hay em đã quên” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần ra mắt khán giả năm 1992. Những năm ấy, dòng phim thị trường Việt Nam đang làm khuynh đảo thị trường điện ảnh trong nước. Ở phía Nam, những hãng phim tư nhân như Lý Huỳnh thu bộn tiền với những bộ phim đẫm nước mắt như Áo trắng học trò, Tình nàng áo trắng… Ở phía Bắc, các đạo diễn như thế hệ Nguyễn Hữu Phần, Lưu Trọng Ninh, Phi Tiến Sơn bắt đầu cảm thấy, họ có nghề, nhưng phim của họ lại không kiếm được tiền.

Trong bối cảnh ấy, Nguyễn Hữu Phần vào Nam học cách làm phim thị trường. Nhưng, khi vào đến nơi, bị giao làm những phim hài nhảm, như Nguyễn Hữu Phần chia sẻ “Tôi không hiểu dòng phim ấy, không làm được kiểu phim ấy”, ông quay ra Bắc. Nguyễn Hữu Phần đến hãng phim truyện Việt Nam trình kịch bản, “Em còn nhớ hay em đã quên”.

“Kịch bản của tôi không được duyệt. Hầu hết mọi người đều không hiểu tôi định làm gì với kịch bản ấy. Nếu không hiểu, không nghe nhạc Trịnh Công Sơn, mọi người không hình dung ra được, bộ phim của tôi sẽ dàn dựng như thế nào”- đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhớ lại. Ông đánh liều đi vay mượn tiền của bạn bè để bắt tay làm “Em còn nhớ hay em đã quên”. Sau khi hoàn tất bộ phim, Nguyễn Hữu Phần lại tất tả mang phim đến chào hàng ở từng rạp chiếu. Cuối cùng, phim đắt khách tới mức, Nguyễn Hữu Phần “ôm” cả thảy 40 triệu đồng tiền lãi! (40 triệu đồng- tính trong giá trị tiền tệ năm 1992).


Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhớ lại những kỷ niệm thời làm phim "Em còn nhớ hay em đã quên"

“Không chỉ lãi được 40 triệu đồng, tôi còn nhớ, một hôm tôi đang đi làm phim tài liệu, ông Đặng Nhật Minh gọi điện cho tôi và nói, xuống Hải Phòng mà nhận giải Liên hoan phim Quốc gia nhé. Phim đoạt 4 Bông Sen Vàng ở các hạng mục dành cho kịch bản, phim, âm nhạc, và nam diễn viên cho Lê Công Tuấn Anh”- Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể lại những thành công có được của “Em còn nhớ hay em đã quên”.

Hơn 20 năm đã trôi qua, quãng thời gian đủ để một cuộc đời đi qua hết những thăng trầm, bể khổ. Nhắc đến dàn diễn viên phim “Em còn nhớ hay em đã quên”- chính đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã thốt lên, ông không ngờ, số phận của dàn diễn viên lại khổ đau đến thế.

Hoàng Hồng Nhị (vai Khánh Ly) được mời tham gia phim “Em còn nhớ hay em đã quên” sau một hàng trình dài đạo diễn không tìm được vai nữ chính. “Tôi muốn tìm một nữ diễn viên có mái tóc dài và khuôn mặt trái xoan cho vai Khánh Ly, nhưng tìm mãi ngoài Bắc không thấy. Bạn bè cũng lao vào tìm giúp. Một hôm, anh bạn ở Huế gọi điện báo, tìm được cô người mẫu Thanh Xuân đẹp lắm, có thể vào vai Khánh Ly được. Tôi vào Huế xem, ngay khi gặp cô Thanh Xuân, tôi đã thất vọng. Thế mới biết, cách nhìn nhận về vẻ đẹp của mỗi người rất khác nhau. Cô Thanh Xuân không biết hát, không biết gì về nhạc Trịnh Công Sơn, và diễn xuất giỏi nhất chỉ có mỗi màn… khóc. Thế nên, tôi nói với Thanh Xuân (bạn tôi đã ký hợp đồng) “Thôi thì chú thương cháu, cháu cũng thương chú, ta nên dừng ở đây, chứ cộng tác với nhau, cả hai cùng thất bại””.

Tình cờ được giới thiệu Hoàng Hồng Nhị- một sinh viên tốt nghiệp trường nghệ thuật, nhưng đang làm ở nhà hàng Hương Giang, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tìm đến nhà. “Khi tôi đến nhà, Hoàng Hồng Nhị nhìn rất… nhếch nhác. Rách rưới. Một nách 2 con nhỏ. Tôi hoàn toàn thất vọng. Nhưng trước khi về, tôi vẫn nhắn, nếu có dịp mời qua đoàn làm phim chơi. Không ngờ, hôm sau cô ấy đến thật. Khi đến, cô ấy mặc áo dài, trang điểm. Và cô ấy là một Hoàng Hồng Nhị hoàn toàn khác. Như thể lột xác vậy. Khi chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau, anh quay phim đã kín đáo ghi hình lại. Khi cô ấy về, chúng tôi mở đoạn phim ra xem, chúng tôi đã nhận ra ngay, cô ấy chính là Khánh Ly mà chúng tôi tìm kiếm”.

Hoàng Hồng Nhị được giao vai Khánh Ly. Bộ phim quay trong gần 2 tháng. “Càng quay, cô ấy diễn càng đạt. Hoàng Hồng Nhị đóng rất tốt vai diễn này”- đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhớ lại. Sau khi phim đóng máy, Hoàng Hồng Nhị nói với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, “Những ngày qua, cháu như đang sống trong mơ vậy. Cháu được đóng phim, được hát. Cháu chưa bao giờ được sống như thế. Cuộc sống của cháu ở Huế nghèo khổ, vất vả. Ngày mai trở về Huế, cháu không biết mình có thể trở về với cuộc sống cũ được nữa hay không”.

“Tôi nhớ lúc ấy tôi đã nói với Hoàng Hồng Nhị rằng, trong cuộc đời mỗi người, cũng chỉ có vài lần được sống trong những giấc mơ như vậy. Bản thân chú cũng vừa đi qua giấc mơ, trong bối cảnh điện ảnh khó khăn như thế này, chú không biết mình có được làm bộ phim tiếp theo nữa hay không. Thôi thì, hãy biết hài lòng với những giấc mơ đã có, và tiếp tục cuộc sống của mình”- đạo diễn Nguyễn Hữu Phần không ngờ, đó cũng là lần cuối cùng ông gặp Hoàng Hồng Nhị.

Sau này trở về Huế, Hoàng Hồng Nhị đã không thể tiếp tục cuộc sống cũ. Cô ly hôn và vào Nam tìm chân trời mới cho riêng mình. Tuy nhiên, thành phố ồn ào không phải là miền đất hứa với Hoàng Hồng Nhị. Cô gái Huế không thể vượt qua những cám dỗ thành thị. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chỉ tiết lộ, cuộc đời Hoàng Hồng Nhị rất buồn, và ông- dù có cơ hội cũng không dám gặp lại Hoàng Hồng Nhị thêm lần nào nữa. Nguyễn Hữu Phần chia sẻ, ông cảm thấy có lỗi với Hoàng Hồng Nhị, rằng chính ông đã đưa cô bước vào giấc mơ điện ảnh, để rồi, Hoàng Hồng Nhị không thể thoát ra khỏi giấc mơ ấy.

Dù thế nào, vai Khánh Ly cũng là một bước ngoặt lớn trong đời Hoàng Hồng Nhị, vai diễn đã thôi thúc Hoàng Hồng Nhị đi tìm một chân trời khác, chỉ tiếc, chân trời ấy đã không mở đường, không dành chỗ cho Hoàng Hồng Nhị.

(i>Hồng Nhị là người Đồng Sơn, TP Đồng Hới,chứ không phải người Huế, sau ly hôn chị vào sgn công tác tại 1 công ty du lịch trên đường Cao Thắng Quận 3 ...

Số phận bi thương của dàn diễn viên phim “Em còn nhớ hay em đã quên” (2) Lê Công Tuấn Anh và Nguyễn Huỳnh cùng sinh năm 1967. Họ đều đã ra đi. Lê Công Tuấn Anh ra đi trong tiếc thương, Nguyễn Huỳnh ra đi trong sự xót xa, đau đớn...

Lê Công Tuấn Anh - "Người nghệ sỹ vô cùng cô đơn"

Nhắc đến vai nam chính, Lê Công Tuấn Anh, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần dành nhiều lời chia sẻ đầy xúc động. “Lê Công Tuấn Anh là một người rất đáng yêu. Đầu tiên phải nói về cậu ấy như thế”.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhớ lại, khi ông mời Lê Công Tuấn Anh vào vai nhạc sỹ Trịnh Công Sơn trong phim “Em còn nhớ hay em đã quên”, ông đã dẫn Lê Công Tuấn Anh đến gặp Trịnh, sau này khi Lê Công qua đời, báo giới phỏng vấn Trịnh, nhạc sỹ chia sẻ rằng, “Khi gặp Lê Công Tuấn Anh, tôi nhìn thấy ở cậu ấy một người nghệ sỹ. Một nghệ sỹ vô cùng cô đơn”. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ, phải là người có linh cảm tốt lắm, mới nhận ra sự cô đơn ở Lê Công Tuấn Anh như thế.




Trong ký ức của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, Lê Công Tuấn Anh là một chàng trai đẹp trai, hiền lành, hay vui cười, nhưng bên trong sâu thẳm, là một người chất chứa nỗi niềm. “Lê Công Tuấn Anh rất hay tâm sự. Đức tính đó rất giống người miền Bắc. Ở miền Nam, người ta hay rủ nhau nhậu nhẹt, rượu chè, chứ ít khi tâm sự. Chỉ có người Bắc là hay gần gũi, tâm sự, chia sẻ với nhau. Vì thế, tôi hay rủ Lê Công ra Bắc chơi, và làm việc”.

Bộ phim cuối cùng Lê Công Tuấn Anh tham gia là phim truyền hình Ngọt ngào và man trá (cũng của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần). Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhớ mãi, ngày Lê Công Tuấn Anh tự vẫn, ông tình cờ (như duyên số) có chuyến công tác tại TPHCM. Sáng ấy, ông định trưa sẽ hẹn Lê Công cùng đi ăn uống, gặp nhau. Nhưng chưa kịp gọi cho nam diễn viên, đạo diễn đã nghe tin anh qua đời tại bệnh viện.

“Tôi lao đến bệnh viện. Tôi còn nhớ, khi ấy, tivi ở bệnh viện còn đang phát sóng bộ phim Ngọt ngào và man trá. Hay tin Lê Công qua đời, khán giả hâm mộ kéo đến rất đông. Có người còn bảo tôi, gọi về cho ông Khải Hưng bàn với VTV ngừng phát sóng Ngọt ngào mà man trá, để mang phim ra chiếu rạp, thu lời. Họ nghĩ ra cách kiếm tiền ngay lập tức như vậy đấy. Tất nhiên, điều đó không thể xảy ra. Tôi đến bệnh viện, Lê Công đã chuẩn bị đưa đi khâm liệm. Cậu ấy còn trẻ quá. Đến bây giờ, nghĩ lại vẫn thấy rất thương…”- Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhớ lại.


Phần mộ của Lê Công Tuấn Anh

Trong lễ tang Lê Công, khán giả hâm mộ, bạn bè kéo đến rất đông. “Họ gọi tên Lê Công, họ khóc, họ hát, họ uống rượu… Đúng theo cách đưa tang của người miền Nam. Tối ấy, tôi về nhà viết điếu văn tiễn đưa Lê Công. Sáng hôm sau, tôi đại diện cho nghệ sỹ phía Bắc đọc điếu văn trước linh cữu cậu ấy. Một nửa số người dự tang bật khóc nức nở.
Hôm sau, nhiều tờ báo đăng lại điếu văn của tôi. Điếu văn được viết bằng tất cả tình cảm chân thành của tôi dành cho cậu ấy”- đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ.

Nhiều năm đã trôi qua, trong ký ức của đạo diễn phim “Em còn nhớ hay em đã quên” Lê Công Tuấn Anh vẫn gần gũi, thân thiết như một người em đáng quý, một người em “đáng yêu, hay cười, hay sẻ chia, và rất đỗi cô đơn”.

Nguyễn Huỳnh- Bi kịch chất chồng bi kịch

Diễn viên Nguyễn Huỳnh tham gia một vai thứ chính trong phim "Em còn nhớ hay em đã quên", anh được giao vai chồng của Khánh Ly. “Lần đầu gặp cậu ấy, tôi thấy Nguyễn Huỳnh đầy triển vọng. Cậu ấy lịch lãm, hào hoa, tài tử. Đến bây giờ, tôi vẫn không thể giải thích được vì sao, bằng cách nào, cuộc đời lại xô đẩy Nguyễn Huỳnh vào con đường nghiện ngập, bất hạnh như thế”- đạo diễn Hữu Phần nhớ về nam diễn viên Nguyễn Huỳnh.


Tài tử điện ảnh một thời, anh đã mất tất cả vì ma túy. Hình ảnh Nguyễn Huỳnh những ngày cuối đời trong trại cai nghiện.

Đã có thời, Nguyễn Huỳnh được đánh giá là thế hệ ngôi sao kế cận của dòng phim thị trường hưng thịnh. Anh có đủ những “điều kiện cần” để trở thành ngôi sao mới: ngoại hình lý tưởng, tài năng và sức trẻ. Nhưng, bẵng đi sau vài phim, Nguyễn Huỳnh “biến mất” khỏi màn ảnh.

Thông tin Nguyễn Huỳnh vào trại cai nghiện ma túy được đăng tải. Dư luận tiếc một tài năng trẻ. Hai lần vào trại cai nghiện, Nguyễn Huỳnh đánh mất cả cuộc đời.

Năm 2007, trả lời một phóng viên vào thăm, Nguyễn Huỳnh hối hận nhớ lại quá vãng vàng son với nghệ thuật. Khi vào trại cai nghiện lần đầu, Nguyễn Huỳnh đã từng ước mơ, hy vọng được làm lại từ đầu. Ở trong trại, anh nhiệt tình tham gia các phong trào văn nghệ, anh say sưa viết kịch bản, dàn dựng các vở kịch, anh còn ôm ấp sẽ viết kịch bản về cuộc đời mình, anh sẽ đóng vai chính, sẽ đưa vở diễn lên sân khấu lớn… Nguyễn Huỳnh quyết tâm làm lại. Nhưng, cái chết của đứa con 6 tuổi vì bệnh bại não đã đánh gục Nguyễn Huỳnh hoàn toàn. Anh câm lặng trong buồn đau, u uẩn.


Nguyễn Huỳnh ra đi trong lặng lẽ, thê lương hồi tháng 5/2009.

Tháng 5/2009, khi tất cả những kịch bản cay đắng về cuộc đời còn dang dở, Nguyễn Huỳnh đã ra đi. Lễ tang anh khác biệt với tất cả lễ tang của các nghệ sỹ khác, đơn độc, lẻ loi, vắng lặng.

Cuộc đời của nam diễn viên trẻ từng hứa hẹn biết bao triển vọng ấy, đến bây giờ, vẫn để lại những câu hỏi nhức nhối, tại sao- vì điều gì, Nguyễn Huỳnh đã đẩy mình vào bi kịch?

Cả Nguyễn Huỳnh và Lê Công Tuấn Anh cùng sinh năm 1967.

Lê Công Tuấn Anh gây ấn tượng sâu sắc với đạo diễn vì mức cát-xê khó tin? Để kể tên những nam diễn viên khiến mình ấn tượng nhất trong cuộc đời đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hữu Phần đã chọn ra 3 “nhân vật”: Lê Công Tuấn Anh, Thiệu Ánh Dương và Bùi Bài Bình.




NSƯT Nguyễn Hữu Phần xuất thân từ một đạo diễn điện ảnh, ông có các tác phẩm: Bản tình ca trong đêm, Em còn nhớ hay em đã quên... Sau này, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chuyển hướng sang phim truyền hình, ông về đầu quân cho Trung tâm sản xuất phim truyền hình VFC, và tham gia sản xuất những bộ phim truyền hình một tập thời “Văn nghệ chủ nhật” còn lên sóng.

Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hữu Phần có nhiều bộ phim truyền hình gây tiếng vang, có thể kể đến: Mảnh đời của Huệ, Đất và Người, Ma Làng, Làng ma 10 năm sau... Ông say mê mảng đề tài nông thôn tới mức, còn có biệt danh là “Ông Phần Ma làng”, “Ông Phần nông thôn”.

Trong cuộc đời làm đạo diễn của mình, NSƯT Nguyễn Hữu Phần ấn tượng với nhiều diễn viên, nhưng để kể ra 3 cái tên khiến ông giữ ấn tượng sâu sắc hơn cả là: Lê Công Tuấn Anh, Bùi Bài Bài và Thiệu Ánh Dương.

Lê Công Tuấn Anh

Trong ký ức của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, Lê Công Tuấn Anh giản dị, hiền lành, gần gũi và sống rất tình cảm. Đạo diễn có dịp hợp tác với Lê Công Tuấn Anh khi bắt tay vào dự án điện ảnh về Trịnh Công Sơn - “Em còn nhớ hay em đã quên”.


Cố diễn viên Lê Công Tuấn Anh. Ảnh: TL

Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, thời điểm quay “Em còn nhớ hay em đã quên”, ông phải vay mượn tiền khắp nơi để làm phim. Lúc đó, Lê Công Tuấn Anh là ngôi sao ăn khách. Cát-xê của Lê Công Tuấn Anh những năm 1991-1992 rơi vào khoảng 30 triệu đồng/phim. Nhưng sau khi nghe đạo diễn Nguyễn Hữu Phần trình bày ý tưởng, vai diễn, kịch bản “Em còn nhớ hay em đã quên”, Lê Công Tuấn Anh đã vui vẻ nhận lời đóng vai nam chính Quang Sơn với cát-xê 5 triệu đồng.

Nhưng đây không phải là lý do anh để lại ấn tượng sâu sắc với đạo diễn và cả đoàn phim. “Chúng tôi yêu quý Lê Công Tuấn Anh vì cậu ấy hiền lành, chuyên nghiệp, chỉnh chu và rất tình cảm. Mỗi lần ra Hà Nội đóng phim, cậu ấy đều đến nhà tôi ở. Chúng tôi trò chuyện, chia sẻ, tâm sự với nhau rất nhiều. Ở Lê Công Tuấn Anh là người nghệ sĩ đầy ắp nỗi cô đơn”- đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhớ lại.

Để chọn một diễn viên khiến ông ấn tượng nhất, dành nhiều tình cảm nhất, sẽ là Lê Công Tuấn Anh. Bộ phim cuối cùng của Lê Công Tuấn Anh - cũng là phim của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần - “Ngọt ngào và man trá”. Nam diễn viên ra đi khi bộ phim này còn đang phát sóng trên màn ảnh nhỏ năm 1997.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chính là người đã viết và đọc điếu văn tại tang lễ của Lê Công Tuấn Anh.

Thiệu Ánh Dương

Thiệu Ánh Dương từng tham gia phim “Bản tình ca trong đêm” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Anh là diễn viên để lại ấn tượng nhiều thứ 2 sau Lê Công Tuấn Anh, trong ký ức của đạo diễn.


Thiệu Ánh Dương đã dừng đóng phim và trở thành luật sư có tiếng. Ảnh: NVCC

NSƯT Hữu Phần vẫn nhớ Thiệu Ánh Dương rất đặc biệt. Anh đẹp trai, gương mặt sáng, ánh mắt sáng, ở Thiệu Ánh Dương toát lên sự tri thức, thông minh, hoạt bát. Thiệu Ánh Dương chỉ tham gia vài phim, sau đó chuyển sang học luật và trở thành luật sư có tiếng.

Trong ký ức của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, Thiệu Ánh Dương đóng phim rất kén chọn vai diễn. Số vai diễn của anh đếm trên đầu ngón tay. Trong đó, trong “Bản tình ca trong đêm”, Thiệu Ánh Dương với gương mặt sáng, ánh mắt sáng, đã khiến đạo diễn nhớ mãi cho đến tận sau này.

Bùi Bài Bình

Cái tên thứ 3, NSƯT Nguyễn Hữu Phần dành cho NSND Bùi Bài Bình. Họ hợp tác với nhau trong 2 phim nổi tiếng về nông thôn là “Ma làng” và “Làng ma 10 năm sau”. Trong đó, NSND Bùi Bài Bình đóng vai phản diện Tòng mưu mô, xảo quyệt.

“Trước vai Tòng, Bùi Bài Bình chỉ đóng vai chính diện, hiền lành, khắc khổ. Tôi thích anh ấy phải khác đi. Tôi đưa kịch bản Ma làng cho Bùi Bài Bình đọc và thuyết phục cậu ấy hãy đóng phản diện. Đừng đóng đinh mãi trong một kiểu vai, trong khi cậu ấy rất tài năng.

Đọc xong kịch bản Ma làng, Bùi Bài Bình thích lắm. Vai Tòng đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Bùi Bài Bình. Khán giả xem phim đã thấy anh ấy đóng phản diện hay như thế nào” - đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể.


NSND Bùi Bài Bình. Ảnh: ĐPCC

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần dành nhiều lời ngợi khen cho khả năng diễn xuất, biến hóa, đóng phản diện - chính diện đều xuất thần của NSND Bùi Bài Bình. “Bùi Bài Bình ngoài đời nhìn rất hiền lành, nhưng khi nhập vai Tòng, ánh mắt cũng lạnh lẽo, gian xảo, diễn rất tốt”.

Vai Tòng của NSND Bùi Bài Bình từng khiến khán giả “sốc” khi “Ma làng” lên sóng, vai Tòng cùng với Dỏ (cố nghệ sĩ Hồng Sơn) được đánh giá là linh hồn của phim.

NSND Bùi Bài Bình hiện lên sóng với vai diễn trong phim "Lối nhỏ vào đời".

Theo Dân Trí, Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. Những người bạn của Sky+ - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template