Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022
Gần 40 năm hy sinh để chồng được chuyển giới làm cô đào lô tô
Gần 40 năm hy sinh để chồng được chuyển giới làm cô đào lô tô
(Dân trí) - 40 năm trên sân khấu, Trang Kim Sa là "bà hoàng" lô tô nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Ấy vậy, cuối đời bà chẳng còn gì: Nhà cửa không, tiền bạc không, sự nghiệp không. "Có bao giờ dì giận ông Sang (tên thật của đào Trang Kim Sa) khi bỏ nhà đi biền biệt suốt mấy mươi năm hông?" - tôi hỏi.
"Chèn đét ơi! Giận là hồi dì dắt con đi tìm, dì đã bỏ ông ấy. Giận thì hôm ổng khoe với mình trong hình hài con gái: "Vú tui đẹp hơn vú bà", dì đã hông cười xuề xòa. Và giận thì suốt 50 năm nay, bao nhiêu biến cố trôi qua, dì vẫn cứ ở cạnh bên, chăm sóc ông… Hết tình còn nghĩa mà con…" - bà Lê Thị Kim Ngân (72 tuổi, ngụ phường Linh Xuân, TP Thủ Đức) cười.
Bên ngoài bậu cửa số của căn phòng trọ ẩm thấp - nơi nương tựa cuối đời của vợ chồng bà Ngân, nắng vẫn không ngừng lấp lánh.
"Bà hoàng lô tô" lớn tuổi nhất Việt Nam
12 giờ trưa, ông Ngô Văn Sang (73 tuổi) vừa rời chiếc xe bán vé số trở về, bà Ngân đã dọn sẵn mâm cơm, đứng đợi sẵn trước cửa để giúp ông nhích từng bước chậm vào nhà.
Ở khắp con hẻm nhỏ, người dân đã quen thuộc với hình ảnh người vợ già ngày ngày dùng đôi vai bé nhỏ làm chỗ nương tựa cho ông chồng liệt một bên chân bên tay suốt 10 năm như thế! Thế nhưng, hỏi cái tên "Trang Kim Sa", tất cả đều lắc đầu.
Ít ai biết, 40 năm trước, ở cái tuổi đẹp nhất đời người, ông Sang từng là cô đào lô tô nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh với nghệ danh Trang Kim Sa - nghệ sĩ chuyển giới lớn tuổi nhất Việt Nam.
"Hồi lên 14 tuổi tôi đột ngột mất gia đình. Đang học hành giỏi buộc phải nghỉ ngang, bươn chải đủ nghề kiếm sống. Sang 20 tuổi vì không vào tú tài nên tôi bị bắt tham gia lính…".
Thời gian hoạt động trong quân ngũ, có chàng trai tên Tú trạc tuổi, vì thương tính chịu thương chịu khó và hoàn cảnh của ông Sang mà sau năm 1975 cả 2 đưa nhau về chung sống dưới một mái nhà.
"Không ai biết khái niệm bê đê bóng gió là gì đâu, chỉ là cả 2 thương nhau như tri kỷ. Ấy vậy, được một thời gian thì gia đình Tú di tản ra nước ngoài. Cô em gái của cậu ấy đòi cưới tôi làm chồng để cùng đi nhưng tôi không thể làm thế nên đành lui về, xin tá túc bên cạnh bà Ngân vì chỉ còn bà ấy là bạn" - ông Sang kể.
Ở xóm nhỏ, ít ai biết ông Sang từng là cô đào chuyển giới nổi tiếng một thời của Sài Gòn.
Bà Ngân cả đời chịu phận ở đợ cho nhà giàu, ông Sang thì đêm đêm đi hát tuồng cho những đám ma. Ấy vậy, một hôm, có người bạn thân thấy tài năng của ông bèn lên tiếng mời gọi: "Tao thấy mày hát hay, hay theo đoàn ca nhạc đi hát xuyên tỉnh?".
Trằn trọc không thôi, cuối cùng ông Sang quyết định leo lên xe đò, bỏ đi biền biệt suốt hơn 40 năm để theo đuổi đam mê. Ban ngày, ông chui rúc dưới gầm sân khấu, cùng các chị em nay đây mai đó khắp nẻo đường Nam Bắc. Đến tối, khi ánh đèn xanh đỏ chiếu rọi cả vùng trời, ai nấy mới lên đồ, thoa son, trét phấn giả gái để cháy hết mình trong những đêm hội lô tô.
"Bê đê thời đó ít lắm, có mấy đoàn như Hải Đăng, Mây Trắng… nhưng nơi nào cũng đã đi qua rồi. Được cái chị em sống với nhau tình cảm như gia đình. Ra đường, dân thấy hình hài khác lạ, họ đánh đập chửi rủa là chị em chở che, lau nước mắt cho nhau. Ở một thời gian dài, mình biết lúc sinh ra mình đã là nữ, chỉ là hình hài nam giới thôi" - ông Sang nhớ lại.
Hơn 40 năm, ông sống hết mình với nghệ thuật lô tô khắp nẻo đường từ Nam tới Bắc.
Chắt chiu gần chục năm, năm 40 tuổi ông Sang quyết định chuyển giới. Thời điểm đó, không có thiết bị hay kiến thức y khoa, cứ chị em trong đoàn lô tô mua thuốc về là tự tiêm cho nhau. Ấy vậy, nhiều trường hợp để lại di chứng nặng nề, thậm chí mất mạng. Thế nhưng, tất cả đều chấp nhận để được làm con gái.
"Giàu thì tiêm hóc-môn (hormone), silicon để có ngực, mặt mày giống con gái… Còn nghèo là tập xăm chân mày, kẻ mắt, miệng… Đã là phận bê đê, muốn thành con gái lắm nên bao đau đớn, tủi cực đều chịu".
Chấp nhận hy sinh để chồng được là chính mình Sát vách nhà nhau từ thuở bé, bà Ngân và ông Sang được xem như cặp đôi thanh mai trúc mã. Đến khi ông mất cả gia đình, bà Ngân cũng bỗng chốc trở thành người che chở cuối cùng.
"Ngày ba ông Sang qua đời, ổng còn dưới tận Cần Thơ, dì liền lặn lội xuống đó báo tin nhưng tìm hoài không thấy. Trời tối, Cần Thơ đâu có đèn đường, nhà cửa nhiều như bây giờ. Dì cứ ôm cái bao đồ ăn mà ngồi ở trước cổng đợi mãi để báo tin bằng được…"
Khoảng thời gian sau khi cả 2 sống chung, bà Ngân mang thai một cô con gái. Thế rồi, đứa trẻ vừa tròn 3 tuổi, bà lần nữa nhận tin sét đánh khi ông Sang lẳng lặng bỏ nhà theo đoàn hát.
Suốt nhiều năm sau đó, cứ hễ nghe đoàn lô tô của chồng biểu diễn tại đâu, bà Ngân lại ẵm con tìm đến. Mãi một đêm chứng kiến ông mặc quần áo con gái, thoa phấn, cười duyên trên sân khấu… bà chết lặng.
"Cuối buổi diễn, ổng nghẹn ngào nói: "Xin lỗi, tui thích con trai", dì còn biết trả lời làm sao. Con còn quá nhỏ, dì đành nói rằng ba đã theo người đàn bà khác. Cha mẹ gặng hỏi chuyện tình cảm suốt, dì vẫn làm ngơ. Cuối cùng dù quyết định một mình ra Nha Trang buôn bán nuôi con và thôi đi tìm để ông Sang sống đúng với đam mê" - bà Ngân nhớ lại.
Biết được chồng thích ca hát lô tô, chuyển giới,... bà Ngân lặng lẽ hy sinh để ông có thể sống đúng với đam mê của mình.
Năm 2003, giữa lúc đang phụ quán ăn, bà Ngân bỗng được cuộc gọi báo: "Thằng Sang nó bị đột quỵ, không biết sống chết ở đoàn lô tô". Bà Ngân lại khóc.
"Lúc đó chẳng còn tình cảm nhưng còn nghĩa, ổng cũng đâu còn ai nương tựa ngoài mình nên dì đắn đo nhiều lắm.".
Biết tin bà toan đưa ông Sang về chăm sóc, ban đầu bạn bè và gia đình ngăn cản dữ lắm! Thế nhưng, trước thái độ kiên quyết của bà Ngân, cuối cùng mọi người vẫn đành đồng ý.
"Dì gom góp 1 triệu tiền phí để xe rước ổng về Sài Gòn. Gia đình dì đông anh em nên đành dọn ra ngoài, cứ dăm ba hôm ở nhờ nhà người này, dăm ba hôm khác lại nhà người kia. Đến cuối năm 2013, dì đi làm có tiền nên mới thuê căn trọ để sống cùng nhau".
Cuối đời, khi ông Sang đổ bệnh nặng, bà Ngân lại một tay vừa đi làm vừa chăm sóc ông.
Tuổi xế chiều xem nhau là tri kỷ
10 năm nay, bà Ngân vẫn tiếp tục công việc dọn dẹp nhà cửa để kiếm tiền lo cuộc sống. Thấy người đàn bà một đời vì mình, ông Sang tủi thân lắm! Một thời gian dài, cứ đợi bà rời khỏi nhà là ông trườn ra khỏi giường, tập bò, đứng và đi trên chiếc chân còn lại.
Một buổi chiều cách đây 5 năm, ông lén bà ra đường bán vé số. Đến khi bà Ngân nghe hàng xóm kể, bà đạp xe về nhà mà không ngừng khóc. "Dì ngăn dữ lắm, vì ông ấy chỉ mới khỏe được đôi chút. Nhưng ổng cứng đầu, nhất nhất đi làm phụ dì nên cuối cùng phải xuôi theo…"
Ở tuổi xế chiều, ông Sang chẳng còn gì trong tay: nhà cửa không, tiền bạc không, sự nghiệp không. Thế nhưng, ông vẫn thấy may mắn vì bên cạnh mình có một người bạn đời chấp nhận hy sinh để được theo đuổi đam mê.
Cứ mỗi buổi tối, khi trở về nhà, cả hai sẽ cùng nhau xem một bộ phim trên chiếc ti vi nhỏ. Đôi lúc nhớ về cuộc đời dài hơn thuớc phim, bà vẫn rơm rớm nước mắt. "Sao hồi ra Bắc, gặp gỡ đầy người, không lấy vợ hay chồng để tui đỡ khổ?" - bà trách yêu.
"Thiếu gì! Tui là tui hông thèm thôi chứ có trăm bà, trăm ông" - ông Sang trêu rồi cả hai cùng cười.
40 năm hy sinh để chồng được chuyển giới làm cô đào nổi tiếng khắp Nam bộ - 7
"Hỏi dì xem ổng là gì à? Thì vừa là chồng, vừa là chị em, và vừa là một tri kỷ mà chỉ có dì hiểu ổng và ổng hiểu dì thôi…"
Hỏi bà Ngân có bao giờ giận chồng không? Bà lắc đầu lia lịa. Bà kể, hồi ông mới trở về Sài Gòn, nhìn ông kẻ lông mày, xăm môi,… bà tê tái lòng. Thế nhưng, khi chứng kiến chiếc chân đã teo như que củi, bà xót xa hơn nhiều.
"Ban đầu ông ấy không cho mình thay quần áo đâu. Đến hơn năm, ổng mới bắt đầu khoe: "Tui bơm ngực, giờ đẹp hơn của bà", tự nhiên dì cười mà xót. Bởi người ta cả đời muốn sống thật với bản thân nhưng hoàn cảnh thời bấy giờ không cho phép.
Bây giờ, hỏi dì xem ổng là gì à? Thì vừa là chồng để có bổn phận với con, vừa là chị em cùng sống chung mái nhà, và vừa là một tri kỷ mà chỉ có dì hiểu ổng và ổng hiểu dì thôi…" - bà Ngân nói, ánh mắt đong đầy hạnh phúc.
Hát lô tô là một loại hình nghệ thuật bắt nguồn từ trò chơi xổ số, được cho là có nguồn gốc từ Pháp, du nhập vào nước ta vào những năm 90 của thế kỷ trước, bằng cách tạo ra vần nhịp điệu từ những câu vè tạo sự nhịp nhàng dễ hiểu, gần gũi cho trò chơi.
Ngày nay hát lô tô được biến tấu đa dạng như một trò vui giải trí khi xem xổ số, đặc biệt hình thức nam giả nữ thực hiện.
""
Nội dung: Huy Hậu
Ảnh: Phương Nhi.
24/06/2022
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn